Cuộc đời trong bước đường thập giá

0
954

Jack Melito, CM.
NDĐ chuyển ngữ

Vinh Sơn từng bày tỏ: “Đường thập giá là con đường tốt nhất dành cho anh em trên trần gian này… tình yêu nồng nhiệt nằm ở đó.” Đây không phải là lời khuyên hãy mang lấy đau khổ hay hoạn nạn vì chính nó, nhưng xác định thập giá là khuân mẫu mà ở đó, có thể tìm thấy ý nghĩa của những bất hạnh nơi con người. Như tác giả John Shea diễn tả: Nơi thập giá, “Thiên Chúa Cứu độ hiện diện trong mọi khoảnh khắc của đời người, và vì thế, ngay cả trong tội lỗi và đau khổ, chúng ta cũng không bị bỏ rơi.”

Tuy nhiên, đã có những thử thách lớn đối với cuộc sống của Tu hội. Một số có vẻ nặng nề, chẳng hạn như thất bại hoặc thất vọng trong sứ mạng, trong sự bách hại và thậm chí là tử đạo. Một số khác với mức độ nghiêm trọng khác nhau, liên quan chủ yếu đến đời sống “nội tại” của cộng đoàn. Phương thế đáp trả của Vinh Sơn cho tất cả mọi trường hợp là chịu đựng đến cùng, trong sự kiên nhẫn, đó là “phương thế cứu độ phổ quát.” Chẳng hạn như những thách đố của đời sống chung – một vấn nạn muôn thuở trong đời tu. Vinh Sơn cho rằng, sự va chạm trong các nhóm là điều gần như tất yếu, “Chúng ta sẽ phải chịu đau khổ từ ai nếu không phải là từ những người xung quanh chúng ta? Chúa chúng ta đã chịu đau khổ từ ai và bởi ai, nếu không phải là từ và bởi các tông đồ và các môn đệ cũng như từ những người mà Ngài đã sống cùng?” Vinh Sơn bày tỏ: Ngay cả trong những trường hợp rất nhỏ như khi chỉ có 2 người ở cùng nhau, họ cũng “cho nhau những cớ hội để rèn luyện tính kiên nhẫn. Ngay cả khi anh em ở một mình, anh em cũng sẽ là gánh nặng cho chính mình và là đối tượng cho sự kiên nhẫn.” Vinh Sơn nhận thấy điều này trong các công việc cụ thể của “những người luôn đặt lý tưởng lên cao. Họ có một sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng rất lớn.”

Trung thành với việc rèn luyện trong đời tu cũng là một thử thách. “Sớm muộn gì Chúa cũng dùng những va chạm trong việc đào tạo đời sống tu trì để thử thách các tâm hồn mà ngài mời gọi phục vụ.” Ngài thú nhận: Cảm giác này sẽ xuất hiện ngay từ lúc khởi sự, nhưng “điều này tốt hơn vào lúc bắt đầu ơn gọi, bởi vì khi đó, người ấy sớm học được cách tích luỹ một kho kiên nhẫn, dũng cảm chịu đựng và hy sinh – những đức tính luôn luôn cần thiết trong suốt đời tu.”

Có những lời an ủi và khích lệ cho những cha bề trên phải chịu đựng gánh nặng trong việc quản trị. Từ kinh nghiệm, Vinh Sơn đã học được rằng, “trên thế gian không có vị bề trên nào không mang những gánh nặng từ những người mà ngài phải chịu trách nhiệm… (Hãy nhớ) chính Chúa chúng ta cũng phải chịu đựng nhiều từ các môn đệ của mình.” Thật vậy, như ngài nói với một cha bề trên đang lo sợ sẽ được tái nhiệm: “Tôi biết rằng không có cha bề trên nào mà không xin được giải thoát khỏi chức vụ của mình.”

Có một tính năng động nào đó trong hành động của Thiên Chúa, đó là hành động sinh ơn ích cứu độ. Do đó, những gánh nặng trong cuộc đời của một người thường mang lại đau đớn và trì trệ hơn là sự gột tẩy và nhẹ nhàng: “Nước của một đầm lầy vì bản chất ngừng nghỉ của nó, sẽ trở nên hôi thối, bẩn thỉu và khó chịu; trái lại, nước ở những con sông và những dòng suối tuôn chảy qua các khe đá, thì luôn ngọt ngào, trong lành.”

….

Do đó, Vinh Sơn nói, “chính nhờ thập giá mà Thiên Chúa thánh hóa các linh hồn.” Nhà truyền giáo sống trung thành với đời sống Kitô hữu sẽ gặp phải mầu nhiệm thập giá. John Shea lưu ý rằng điều này tái hiện thập giá trong một phần của cuộc sống hàng ngày, với sự cứu chuộc và niềm hy vọng – một dấu hiệu về “sự hiện diện của Chúa giữa những nỗi đau khổ và giằng xé của chúng ta.”