Joaquin González, CM
Dẫn nhập
Thánh Vinh Sơn đã khám phá ra đời sống tôn giáo đích thực nơi người nghèo: “Chính giữa họ, giữa những người nghèo, mà đời sống tôn giáo thực sự, đức tin thực sự và niềm tin đơn sơ được duy trì.” (SV XI, 200-201; XI, 120)
Được dẫn dắt bởi tinh thần này, chúng ta rao giảng giải Tin Mừng cho những người đơn sơ, với mong muốn “Phúc Âm hóa” người nghèo: trong các nỗ lực chuẩn bị cho các thừa sai-linh hoạt viên giáo dân, chúng ta không thể bỏ quên viễn cảnh này.
Rõ ràng là cuộc đại phúc phải bao gồm cả giáo dân trong dự phóng loan báo Tin Mừng của nó ngay từ lúc bắt đầu, Tiền đại phúc: Thực ra, việc lập kế hoạch đại phúc không thể được thực hiện mà không có sự tham gia tích cực của giáo dân, họ phải được trao quyền nhiều hơn. Tuy họ không biết thần học, nhưng địa vị giáo dân của họ mở ra các cơ hội cho cả giới trẻ và giới trưởng thành, với nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với nhà truyền giáo.
Mặt khác, cuộc đại phúc Vinh Sơn nhắm đến việc làm cho giáo dân đồng thời vừa là người loan báo Tin Mừng vừa là người được loan báo Tin Mừng, vì thế cần phải:
-
-
- Sử dụng các thừa sai giáo dân hiện có.
- Tìm kiếm những thừa sai mới.
- Nỗ lực ngay từ đầu hoặc từ lúc chuẩn bị, tận dụng thời gian và nguồn lực để giúp cho việc đào tạo và trưởng thành, Kitô giáo và nhân bản của người thừa sai giáo dân.
-
Việc tuyển mộ và chuẩn bị các giáo dân cộng tác trong tiến trình đại phúc là một yếu tố nền tảng của cuộc đại phúc: Việc lựa chọn và chuẩn bị thừa sai giáo dân (những người đi thăm viếng, các gia trưởng, các nhà linh hoạt nhóm) là điều cốt yếu cho sự thành công của cuộc đại phúc. Tuy không dễ tìm thấy một nhóm người có những phẩm chất tâm linh và nhân bản cần có, nhưng chúng ta phải nỗ lực làm cho người giáo dân nhận thức được các hoàn cảnh.
Chân dung của một thừa sai giáo dân
Chúng ta hãy nói về những phẩm chất của một thừa sai giáo dân vào thời điểm loan báo Tin Mừng hiện nay của Giáo Hội: Bởi nhà thừa sai giáo dân phải tham gia vào việc loan báo Tin Mừng này, ở một mức độ hơn kém, nên chúng ta cần lưu ý một số phẩm chất như sau:
l) Một người đã kết hợp với Đức Kitô qua việc suy ngẫm, hành động và cầu nguyện.
2) Thuộc về Giáo Hội một cách sâu xa: người ấy yêu mến Giáo Hội và giáo xứ của mình.
3) Đồng cảm: người ấy nhận biết và gánh vác những vấn đề của chính mình hoặc của mọi người.
4) Cởi mở: biết cách lắng nghe, đối thoại và để cho mình được Tin Mừng hóa.
5) Sẵn sàng phục vụ: một thái độ phục vụ và quan tâm đến mọi người.
6) Công cụ hòa giải: kiến tạo sự hợp nhất.
7) Tôi tớ và hướng dẫn: người ấy không phải là Trung tâm của cộng đoàn Kitô giáo.
8) Linh hoạt viên và đề xuất ý kiến: người giáo dục nhóm.
Tiêu chuẩn để lưu tâm đến việc đào tạo các thừa sai giáo dân
Thừa sai giáo dân phải là người năng động và toàn diện trong cuộc đại phúc. Nếu chỉ là một người tốt lành có thể làm mọi việc thôi thì không đủ.
Điều lý tưởng là Tiền đại phúc và Đại phúc phải sử dụng các thừa sai trong cùng một giáo xứ, các thừa sai ấy cũng sẽ tiếp tục công việc vào thời kỳ Hậu đại phúc.
Vì vậy, họ có thể cộng tác trong toàn bộ đại phúc và họ phải được cung cấp các phương tiện đào tạo.
Người giáo dân phải biết rõ các mục tiêu của cuộc đại phúc; cũng như việc thiết lập chương trình hoặc các giai đoạn khác nhau của cuộc đại phúc.
Việc chuẩn bị các thừa sai giáo dân là một tiến trình nhạy cảm, vì vậy, công việc đó phải được thực hiện bởi nhóm đại phúc; nhưng luôn có sự hỗ trợ và cộng tác của vị linh mục quản xứ.
Thật tuyệt vời nếu vào cuối kỳ đại phúc, chúng ta thành lập được một nhóm chịu trách nhiệm duy trì cuộc đại phúc.
Khi xem xét lại các tiêu chuẩn này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Chúng ta đang chuẩn bị những người đi thăm viếng, các gia trưởng, và các nhà linh hoạt nhóm như thế nào? Chúng ta đang sử dụng những động lực nào để đảm bảo việc đào tạo tương xứng cho họ?
Các yêu cầu căn bản về việc đào tạo thừa sai giáo dân
Các yêu cầu mà chúng ta cần nhận thức được trong việc đào tạo các thừa sai giáo dân phải tương tự như các yêu cầu trong việc đào tạo giáo lý viên.
Tuy nhiên, cũng phải thích nghi chúng với hoàn cảnh cụ thể, lưu tâm đến yếu tố nhân loại và thời gian sẵn có: Và “về căn bản, các trung tâm đào tạo huấn giáo phát triển khuynh hướng và năng lực truyền đạt sứ điệp Tin Mừng.”(DCG, 111)
Đào tạo giáo lý viên bao gồm việc đặt giáo lý viên vào trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội và làm cho người đó có khả năng đảm nhận đời sống của một Kitô hữu ngày nay một cách viên mãn:
-
-
- Với khoa sư phạm độc đáo của Tin Mừng.
- Tất cả trong bầu không khí cộng đoàn và đối thoại.
- Điều này dẫn người đó đến sự trưởng thành như là một nhân vị, một tín hữu và một nhà giáo dục đức tin.
-
Tóm lại: việc chuẩn bị các thừa sai giáo dân bao gồm:
l) Việc hoàn thành một chương trình đào tạo cơ bản dành cho các thừa sai giáo dân, với các chủ đề nền tảng của một cuộc đại phúc. Nếu như họ chưa khám phá ra bản chất và các mục tiêu của viễn tượng Tân Phúc Âm hoá, thì thật khó để Phúc Âm hoá và biến đổi họ thành một cộng đoàn truyền giáo.
2) Các thừa sai giáo dân phải được cung cấp các tiêu chí về khoa sư phạm mục vụ; đặc biệt là những ai nghiên cứu về truyền thông và gặp gỡ cá vị, bởi lẽ đây là những kỹ thuật của một nhà truyền giáo.
3) Trợ giúp những người đang loan truyền sứ điệp Kitô giáo khám phá ý nghĩa Kinh Thánh và mục vụ của sứ điệp Tin Mừng Tiên Khởi – Kerigma.
4) Khởi đầu sự năng động và linh hoạt của các nhóm, điều này sẽ hướng dẫn các cộng đoàn đạt kết quả từ kinh nghiệm của cuộc đại phúc.
5) Tạo tinh thần gắn bó giữa các nhà thừa sai để các công việc của họ sẽ trở thành hoạt động của giáo xứ chứ không phải là của một cá nhân hay một nhóm nhỏ.
Các bước cần phải có trong thời gian chuẩn bị
Không nên trao nhiệm vụ cho các thừa sai giáo dân mà không giúp họ hiểu được những gì họ sẽ đảm nhận.
Trong thời gian Tiền đại phúc, chúng ta:
-
-
- Đưa ra một định hướng căn bản để họ có thể thực hiện công việc của mình một cách tương xứng.
- Ý thức và hướng dẫn họ trong ơn gọi loan báo Tin Mừng và ơn gọi thừa sai của họ.
- Cổ võ sự khao khát được đào tạo Kitô giáo sâu sắc hơn.
-
Nếu như một trong các mục tiêu và ưu tiên của cuộc đại phúc là khám phá và tạo ra các nhà thừa sai, thì khía cạnh này cũng nên được đặc biệt chú ý. Vì vậy:
1) Chúng ta bắt đầu bằng cách trao đổi với cha sở và giáo dân của ngài khi họ đến với giai đoạn chuẩn bị. Chúng ta lo liệu sao cho họ nhắm tới chủ đề của cuộc đại phúc ngay từ khi bắt đầu thời gian chuẩn bị. Sau này, trong giai đoạn quan trọng của cuộc đại phúc, chúng ta đích thân tham gia trong việc tìm kiếm các thừa sai.
2) Ngay khi nhóm thừa sai được thành lập, chúng ta hãy hỗ trợ họ vượt qua mọi sợ hãi mà họ có thể có, khi đảm nhận một công việc phục vụ mà trước đây xa lạ với họ và đôi khi có giá trị đáng ngờ trong khu vực đặc thù của họ.
3) Chúng ta lo liệu để họ lưu tâm đến thực tế hoàn cảnh của họ, các mục tiêu của cuộc đại phúc, nội dung cốt yếu của Đức tin và các kỹ thuật dành cho các nhóm linh hoạt viên.
4) Họ phải ý thức về vai trò của họ với tư cách là “các linh hoạt viên” và “các người loan báo Tin Mừng”, nhờ vậy, chúng ta giúp họ phát triển các đức tính cởi mở, chấp nhận, hiểu biết, đơn sơ và một đức tin sống động. Chúng ta cố gắng giúp họ ý thức về các thách thức mà họ phải đối mặt trong việc loan báo Tin Mừng thời nay, cũng như nhu cầu thắt chặt lòng trung thành với Thiên Chúa và với con người thời nay.
5) Đức Thánh Cha đã đòi hỏi một cuộc Tân Phúc Âm hóa phải thực sự mới mẻ, và không đơn thuần là thích nghi hoặc canh tân. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói, để việc rao giảng Tin Mừng trở nên mới mẻ, thì nó phải mới mẻ trong sự nhiệt tâm, trong phương thức thực hiện và trong cách biểu lộ của nó; ngoài ra, còn cả trong các lời giải đáp của nó đối với các nghi vấn của con người thời nay, cũng như trong sự trung thành đổi mới với nội dung nó.
6) Với tư cách là các thừa sai mang đặc sủng phục vụ người nghèo, chúng ta phải giữ sự trung thành mà Dự phóng Truyền giáo đòi hỏi nơi chúng ta: “trợ giúp đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân, và giúp họ có khả năng góp phần loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (HP 1, 3)
Mục đích này cũng là một dấu chỉ xác thực cho toàn thể Giáo Hội. Đó phải là mục đích đầu tiên cho các cuộc đại phúc của chúng ta.
Các khả năng khác cho việc đào tạo thừa sai giáo dân
Việc đào tạo có thể thực hiện theo những cách thức khác nhau như:
1) Một buổi hội thảo hàng tháng đào tạo tại giáo xứ: nhóm đại phúc chịu trách nhiệm về buổi hội thảo này. Đây là một tiến trình liên tục, luôn luôn mở ra đối với các vấn đề có thể được nghiên cứu trong các cuộc họp trong tương lai.
2) Các khóa học chuyên sâu ngắn hạn diễn ra trong một hoặc hai tuần.
3) Các cuộc quy tụ cuối tuần để đào tạo và nâng cao nhận thức lương tâm.
4) Một khóa học đào tạo trọn vẹn hơn: có thể cung cấp một khóa đào tạo về loan báo Tin Mừng, khóa học này sẽ bao gồm một nghiên cứu về các nguyên tắc căn bản của Đức tin Kitô giáo chúng ta:
-
-
-
- Dẫn nhập Thánh Kinh.
- Giêsu Nazareth là Thiên Chúa.
- Niềm tin vào Thiên Chúa trong những thời điểm hoài nghi.
- Giáo hội; cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu.
- Linh đạo Kitô giáo.
-
-
Phương pháp của khóa học gồm các bước sau:
Bước thứ nhất: GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu có thể, chủ đề được giới thiệu bởi một thành viên trong nhóm. Còn không, thì bởi một trong các linh mục quản xứ.
Bước thứ hai: NGHIÊN CỨU RIÊNG VỀ CHỦ ĐỀ: Mỗi tham dự viên nghiên cứu, suy ngẫm và cầu nguyện về chủ đề của tuần đó, đặc biệt là những phần đụng chạm đến Lời Chúa.
Bước thứ ba: GẶP GỠ NHÓM HÀNG TUẦN: Chia sẻ thành quả nghiên cứu, suy ngẫm, và cầu nguyện cá nhân. Các cuộc gặp gỡ kéo dài một giờ, có năm đến mười thành viên và được điều phối bởi một giáo dân hoặc một linh mục quản xứ.
Bước cuối cùng: ÔN LẠI CHỦ ĐỀ ĐÃ NGHIÊN CỨU: việc ôn lại mỗi chủ đề mới là điều rất tốt và nhà truyền giáo hướng dẫn việc ôn lại đó. Nếu không thể, thì vị linh mục quản xứ có thể thực hiện điều đó.
Ai là người được mời tham dự khóa học? Chúng ta không bắt làm quá sức những ai đã làm việc quá sức (các dự tòng, họ đã được đào tạo với các nhóm khác rồi). Những người được mời tham dự phải là những người muốn làm sống lại Đức tin của mình và dấn thân loan báo Tin Mừng.
Bất cứ khả năng nào trong các khả năng trên cũng đều có thể được dùng để chuẩn bị các nhà truyền giáo. Tuy nhiên, còn có một khả năng khác: Đó là thúc đẩy sự tham dự vào các khóa đào tạo của giáo phận cho việc đào tạo các thừa sai giáo dân nhờ những thành viên chủ chốt kia trong giáo xứ. Những người này sẽ hoạt động trong thời kỳ Hậu đại phúc và trong các hoạt động khác nhau tại giáo xứ (Caritas, mục vụ bệnh nhân, các ban phụng vụ, huấn giáo). Trong các khóa học như vậy, họ nhận được sự đào tạo căn bản cho các trách vụ của họ trong giáo xứ.
Vai trò của các linh mục
Các vị điều phối viên của nhóm gặp gỡ hàng tháng để lượng giá các cuộc họp trước đây, chuẩn bị cho các cuộc họp sau này và linh hoạt tiến trình đại phúc.
Các linh mục sẽ tham dự tất cả các cuộc gặp gỡ nhóm, giải quyết các khó khăn, trợ giúp phát triển chủ đề hiện hành và khuyến khích sự nhiệt thành không ngừng cho cuộc đại phúc.
Khi vị điều phối viên của một nhóm không thực hiện tốt công việc của mình, vị linh mục cần phải bày tỏ tiếng nói tích cực hơn trong tiến trình làm việc để bù đắp cho những thiếu sót.
Một Ủy Ban Trung Ương có thể được thiết lập như là một phương tiện thực hiện sự “đồng trách nhiệm”. Ủy ban này do cha sở chủ tọa và bao gồm giáo dân. Ủy ban ấy điều phối quá trình truyền giáo trong giáo xứ. Các tiểu ban khác có thể thực hiện chức năng: thư ký, truyền thông, tài chính và đào tạo.