Đào Tạo, Một Tiến Trình Sống

0
1109

Người đã lớn lên trong ân sủng, tuổi tác và sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và những ai biết đến Người.

HUGH O’DONNELL, CM

I. Hướng tới những nền tảng

Cám ơn anh em đã mời tôi nói về việc giáo dục, điều mà chúng ta phải nỗ lực suốt đời và phải huấn luyện trường kỳ trong Tu Hội Truyền Giáo. Tôi xem đó là một lời mời gọi để suy ngẫm về ơn gọi chung và riêng của mỗi chúng ta, hầu tăng trưởng đời sống của chúng ta với tư cách là hữu thể nhân linh, môn đệ Đức Giêsu, những người bước theo Vinh Sơn, các nhà thừa sai, anh em của nhau, bạn bè của người nghèo và bạn bè của các linh mục. Tôi tự nhận là mình không có chuyên môn trong lĩnh vực này, mặc dù công việc đào tạo đã chiếm một phần lớn cuộc sống của tôi trong Tu Hội. Tôi nghĩ rằng tôi đã được mời vì trách nhiệm hiện thời của tôi là Giám đốc chương trình CIF. Được biết đến những anh em trong toàn thể Tu Hội là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi và tôi hy vọng rằng những gì tôi phải nói theo một cách nào đó sẽ thể hiện những gì tôi đã học biết được từ họ, về niềm hy vọng và ước nguyện của họ, chưa kể đến sự hài lòng của họ về cơ hội đến với CIF. Tuy nhiên, tôi không nói riêng về khoá CIF ngay hôm nay, nhưng về ơn gọi mà tất cả chúng ta phải thăng tiến cho đến cuối đời mình. Vì tôi không ở đây với tư cách là một chuyên gia, tôi đã chọn nói về kinh nghiệm của mình và chia sẻ với anh em niềm xác tín của tôi. Tôi hy vọng tôi có thể thực hiện cách cụ thể và rành mạch, không phải vì vậy mà anh em sẽ đồng ý với mọi thứ, nhưng nhờ vậy mà anh em sẽ có một cái gì đó cụ thể khơi gợi sự suy gẫm của chính anh em và gợi lên kinh nghiệm và niềm xác tín riêng của anh em.

Một thế hệ lãnh đạo mới cho thế kỷ 21. Anh em chính là thế hệ những nhà lãnh đạo mới cho thế kỷ 21. Tôi đã có mặt tại Tổng Đại Hội gần đây nhất vào năm 2004, không phải với tư cách là đại biểu, nhưng là để báo cáo với Đại Hội về khoá CIF. Tôi đã có một bất ngờ lớn khi đến với Đại Hội.

Từng là thành viên của 5 Tổng Đại Hội trước đây, tôi đã nghĩ mình biết nhiều hoặc biết hầu hết các thành viên của Tổng Đại Hội năm 2004. Nhưng khi tôi đến, tôi nhận ra rằng nhiều Giám tỉnh và hầu hết các đại biểu là những người lần đầu tiên tham gia Tổng Đại Hội. Nhìn chung, đó là một Tổng Đại Hội của những cái tên và những gương mặt lạ lẫm đối với tôi. Sau khi vượt qua sự ngạc nhiên của mình, tôi nhận ra rằng quyền lãnh đạo của Tu Hội đã được trao lại cho những người mới và trẻ trung hơn, điều này khiến tôi rất vui. Đại Hội năm 2004, Đại Hội đầu tiên của thế kỷ 21, đã khiến tôi nhận ra rằng chúng ta có một thế hệ lãnh đạo mới – chính anh em – cho một kỷ nguyên mới trong đời sống của Tu Hội.

Cơ hội tham gia vào 5 Tổng Đại Hội đã cho tôi một góc nhìn về sự tiến triển của Tu Hội trong hơn 40 năm qua, mà tôi muốn chia sẻ với anh em, vì tôi nghĩ nó mang lại một bối cảnh công việc của cuộc họp mặt này. Cuộc hành trình của Tu Hội kể từ Công Đồng Vatican II là một cuộc hành trình đầy ân sủng. Việc ý thức chúng ta đến từ đâu và “những gì đang sắp diễn ra” sẽ giúp đưa chủ đề của Học tập Suốt Đời và Huấn luyện Trường kỳ vào trong tiến độ, và có thể giúp ngữ cảnh hóa con đường phía trước.

Một hành trình ân sủng. Hai Tổng Đại Hội đầu tiên sau Công Đồng, 1968-1969 và 1974, là khoảng thời gian của đấu tranh, xung đột, bất đồng về các thế giới quan và niềm hy vọng cho tương lai. Đó là thời điểm mà các anh em phải nỗ lực hiểu biết về nhau, về hoàn cảnh và cách suy nghĩ của nhau, để học biết rằng những từ ngữ được đánh giá cao bởi nhóm này lại có một nghĩa khác biệt và thường là tiêu cực đối với nhóm khác. Thành thật mà nói, đó là thời gian để vượt qua những ấn tượng, ý niệm, định kiến ​​và dự đoán sai lầm. Cũng đã có một sự thay đổi nơi các trung tâm ảnh hưởng. Sự ưu thế của tiếng Anh trong các năm 1968-1969 đã nhường chỗ cho các xác tín của Tây Ban Nha, Pháp và Ý về Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng (và là Đấng giải thoát) của người nghèo – chương trình nghị sự do các tỉnh dòng chuẩn bị cho Tổng Đại Hội năm 1974 đã bị hủy bỏ và Tổng Đại Hội dành riêng cho các thúc đẩy mục vụ nơi các anh em. Đó là Tổng Đại Hội đầu tiên của tôi và đối với tôi, nó được đánh dấu bởi sự hiểu lầm lẫn nhau, cũng như những nỗ lực nghiêm túc để vượt qua sự hiểu lầm. Trong sự nhận thức muộn về sau, tôi tin rằng đó là giai đoạn đầu tiên trong việc trở thành một Tu Hội quốc tế và toàn cầu, không chỉ về mặt địa lý, như chúng ta đã có, mà còn về mối tương quan, sự cộng tác và với tư cách là những nhà truyền giáo.

Giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển của chúng ta với tư cách là một Tu Hội quốc tế với sứ mệnh toàn cầu đã diễn ra trong các Đại Hội năm 1980 và năm 1986. Trong chín tuần vào mùa hè năm 1980, Tổng Đại Hội đã làm việc với các văn bản Hiến pháp và Quy chế mới. Dường như có một mức độ hiểu biết và đối thoại mới, những nỗ lực mới để giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau. Đại Hội đã bị bế tắc trong nhiều tuần mà không biết Đại Hội có một hay đến ba kết thúc, nhưng cuối cùng chúng tôi đã giải quyết câu hỏi theo cách thức mà cả Đại Hội có thể chấp nhận được. Hình ảnh Đức Kitô, Đấng truyền bá Phúc âm cho Người nghèo, được chấp nhận như một biểu hiện thích hợp cho sự kết thúc của Đại Hội với sự hiểu biết rõ ràng rằng nó đã được nhận thức một cách gấp ba lần. Văn kiện cuối cùng thuộc về một Đại Hội hiệp nhất và một Tu Hội thống nhất. Sáu năm sau, Tổng Đại Hội năm 1986 đã đào sâu mối quan hệ này qua chủ đề: “Một Thân thể, một Thần Khí trong Đức Kitô.”

Giai đoạn thứ ba trong quá trình phát triển hậu Công Đồng đã đưa chúng ta từ sự gắn kết nội bộ sang sứ mệnh toàn cầu và sự vươn ra xa của Gia đình Vinh Sơn. Trong Tổng Đại Hội năm 1992, cha Maloney, được bầu làm Bề trên Tổng quyền, đã yêu cầu sự cộng tác liên tỉnh dòng và một sáng kiến ​​truyền giáo mới. Tổng Đại Hội năm 1998 cũng hướng dẫn Tu Hội vươn ra, lần này có sự cộng tác tích cực của các thành viên Gia đình Vinh Sơn với số lượng vô cùng lớn và ngày càng tích cực.

Cuộc hành trình khởi đi từ xung đột và không hiểu nhau (1968-1969 và 1974) đến hiệp nhất và hiểu biết thông qua đấu tranh và đối thoại này (1980 và 1986) và sau đó là việc truyền giáo mở rộng vươn đến các sứ vụ quốc tế và sự gắn bó với Gia đình Vinh Sơn (1992 và 1998) không phải là thứ mà bất cứ ai đã lên kế hoạch. Nó chỉ được thấy khi hồi tưởng lại và vì vậy, tôi tin rằng, chắc chắn là do Chúa Thánh Thần. Đương nhiên, nó dẫn đến câu hỏi: từ đây, chúng ta sẽ đi đâu? Tôi không biết chủ đề nào sẽ được chọn cho Tổng Đại Hội tới, nhưng tôi cho rằng, việc học hỏi suốt đời và đào tạo trường kỳ chắc chắn sẽ là một thành phần then chốt của bất kỳ định hướng chiến lược nào trong tương lai mà anh em chọn lựa.

Việc Đào tạo trường kỳ bao gồm những gì?

Dưới đây là một số yếu tố phải đi vào bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự Đào tạo trường kỳ. Anh em có thể bổ sung vào những điều khác.

Sự thăng tiến. Đào tạo trường kỳ là hướng đến một tâm trạng và sự dấn thân nhằm thăng tiến suốt phần đời còn lại của chúng ta. Đào tạo sơ khởi chỉ là sự dẫn vào cách sống của chúng ta và là nền tảng cho những gì diễn ra sắp tới. Nhiều năm trước, việc đào tạo sơ khởi cũng là sự đào tạo chung cuộc, ngoại trừ một số ít người tiếp tục chuyên sâu trong một vài lĩnh vực học thuật nào đó. Tuy nhiên, ngày nay đào tạo trường kỳ là một phần không thể thiếu trong hành trình trọn đời chúng ta.

Sự biến đổi. Đào tạo nhắm đến biến đổi. Điều này từ lâu đã là cái nhìn sâu sắc của Rosemary Haughton. Mục tiêu thực sự là sự biến đổi, nhằm lôi cuốn tự do của mỗi cá nhân đáp lại Chúa Thánh Thần. Việc đào tạo cung cấp bối cảnh và cơ sở cho viêc biến đổi. Chúng ta có thể nhào nắn con người trong ý thức giới hạn về việc xã hội hoá họ vào các thực hành, tập quán và lối sống của Tu Hội. Nhưng một tiến trình đào tạo đích thực phải nhắm ra ngoài chính nó, nơi mà trên thực tế, nó không thể đi, tức là vào thế giới của tự do cá nhân và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đối với tôi, dường như sự vĩ đại và giới hạn của việc đào tạo được tìm thấy trong việc xác định đào tạo như là một điều gì đó nhiều hơn việc xã hội hoá và ít hơn việc biến đổi.

Hành trình. Việc đào tạo trường kỳ đóng góp rất nhiều vào hành trình đi từ cái tôi giả tạo đến cái tôi chân thật, từ sự quảng đại đến tình yêu thương, từ việc biết chúng ta là ai đến việc hiến mạng sống mình cho anh em, từ sự thiếu thốn ở ngôi thứ ba số nhiều (người khác nghèo) đến sự nghèo nàn ở ngôi thứ nhất số ít (Tôi là người nghèo, giống như Vinh Sơn). Nó thúc đẩy cuộc hành trình từ cầu nguyện đến chiêm niệm, từ sự đồng thuận xã hội đến quyền tự quyết, và từ diễn ngôn gián tiếp (lặp lại những gì người khác đã nói) đến diễn ngôn trực tiếp (nói Lời của Chúa đã trở nên lời của chính mình).

Một người khi so sánh các môn đệ của các Rabbi với các môn đệ của Đức Giêsu, đã ghi nhận một số điểm khác biệt chính yếu, trong đó các môn đệ của các Rabbi hy vọng rằng cuối cùng chính họ sẽ trở thành các Rabbi, trong khi các môn đệ của Chúa Giêsu không bao giờ ra trường. Chúng ta suốt đời là các môn đệ, là những học trò. Cuộc hành trình của chúng ta là đi vào mầu nhiệm khôn tả của tình yêu Thiên Chúa được trung gian cho chúng ta qua những người nghèo (anawim) – những người được Thiên Chúa chọn làm phần gia nghiệp cho chúng ta.

Sự thánh thiện. Đã trở thành thói quen khi nói về sự hoán cải, không phải như một sự kiện đơn lẻ làm thay đổi cuộc sống, mà là một thực tại đang xảy ra, sự hoán cải liên tục. Chúng ta được hoán cải không chỉ một lần, khi chúng ta đáp lại một cách kiên vững bằng cả trái tim và linh hồn trước lời mời gọi của Đức Giêsu để đến và theo Người; đàng sau phản ứng ban đầu của chúng ta đối với việc loan báo Tin Mừng và lời mời bước theo Đức Kitô để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (the anawim), có lời mời gọi hoán cải hoặc biến đổi mỗi ngày trong Đức Kitô. Nếu thế giới Công Giáo chúng ta nói về sự hoán cải hay metanoia, thì người Đông phương nói về sự giác ngộ như là mục tiêu của cuộc hành trình này.

Khả năng. Việc đào tạo sơ khởi dẫn chúng ta vào đời sống và sứ vụ của Tu Hội và đặt để hay thúc đẩy chúng ta trên con đường nên thánh. Lời khấn xác nhận cam kết của chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trọn đời sống chúng ta, và thiên chức linh mục hay trợ sĩ xác định vai trò của chúng ta trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Nhưng đây là một điểm khởi đầu. Chúng ta chắc chắn sẽ phải thăng tiến trong quyền thừa tác và có lẽ cũng phải phát triển các kỹ năng và những năng lực chuyên môn. Hình ảnh mới về chức linh mục dần dần xuất hiện từ Công đồng Vaticanô II đòi hỏi một loạt những năng lực mới, đặc biệt là các năng lực trong việc loan báo Lời Chúa và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (anawim). Tính ưu việt của Bí tích Rửa tội, sự xuất hiện của giáo dân và sự phát triển của các thừa tác viên giáo dân, tất cả đều đòi hỏi các kỹ năng xây dựng cộng đoàn, lắng nghe, cộng tác và lãnh đạo năng động. Người ta nói rằng các nhà lãnh đạo không được sinh ra nhưng được tạo nên, bao gồm cả các nhà lãnh đạo giáo sĩ và tu sĩ.

Song hành cùng thời đại. Giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố rằng Công đồng Vatican II nhắm đến hiện đại hoá (aggiornamento), vì ngài cảm thấy Giáo hội đã tụt hậu so với thời đại. Tôi không biết liệu chúng ta đã bắt kịp hay chưa, nhưng chúng ta có trách nhiệm liên kết với những người đương thời và đụng chạm đến những gì đang diễn ra ngày nay. Không có giá trị nào trong sự lạc hậu. Thánh Vinh Sơn đã đi cùng thời đại của mình. Tôi sẽ quay lại vấn đề này sau.

Một tầm nhìn định hướng mục tiêu. Năm 1962, khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXII đã nói, “Chúa Quan Phòng đang dẫn chúng ta đến một trật tự mới của các mối tương quan nhân loại….” Sau đó, ngài giải thích rằng đó là một trật tự mà trong đó mọi người sẽ giải quyết những khó khăn và khác biệt của họ mà không sử dụng bạo lực. Đức  Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đều đã nói về việc tạo dựng một nền văn minh tình thương. Ở đây, chúng ta có một nhãn quan Tin Mừng và Giáo hội làm sinh động việc đào tạo trường kỳ của chúng ta. Khi trật tự quan hệ mới và nền văn minh tình yêu này tập trung nơi những người nhỏ bé nhất trong xã hội chúng ta và trên những tôi tớ mang thánh chức của họ, thì nó có một khuôn mặt với đặc tính Vinh Sơn.

Tôi tin rằng mục tiêu của đào tạo trường kỳ đáng được quan tâm cách đặc biệt. Thomas Merton đã nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới có những phương tiện hoàn hảo và những mục đích rối rắm. Chúng ta có thể biết nhiều về tiến trình, chỉ khi chúng ta đã biết mình đang đi đâu.

Động lực cơ bản của đào tạo trường kỳ là gì?

Động lực cơ bản của việc Huấn luyện trường kỳ cũng chính là động lực thách đố của Công đồng Vatican II, đó là, 1) “về nguồn” và 2) đáp ứng “các dấu chỉ thời đại”. Chúng ta được kêu gọi quay trở về cội nguồn, với đặc sủng của Đấng Sáng Lập, và đưa nó tiến vào bối cảnh đương đại thông qua việc biện phân các dấu chỉ thời đại.

1. “Về nguồn.” Tôi nghĩ rằng Tu Hội có thể tự khen về hành trình trở về cội nguồn của chúng ta kể từ Công Đồng Vatican II. Bộ Coste có sẵn bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Các nghiên cứu, tạp chí, các tuần học hỏi, hội thảo, hội nghị chuyên đề, trang web, SIEV[1] và CIF[2] đều đóng góp vào kiến ​​thức của chúng ta về Vinh Sơn. Các chiều kích nhân bản và lịch sử về ơn gọi của Vinh Sơn và hành trình nên thánh của ngài đã thay thế cho một Vinh Sơn xa cách trong hạnh các thánh. Tất cả chúng ta đều vui mừng với kết quả đó. Vinh Sơn đã trở nên sống động đối với chúng ta trong Tu Hội và Gia đình Vinh Sơn rộng lớn theo những cách không thể mường tượng được. Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm, và chúng ta dường như đã sẵn sàng thực hiện điều đó. Một lưu ý nhỏ là SIEV đang tìm cách nuôi dưỡng một thế hệ học giả Vinh Sơn mới.

2. “Các dấu chỉ thời đại.” Hiến Pháp và Quy Chế 1980 là nỗ lực tốt nhất của chúng ta nhằm thể hiện ý nghĩa và con đường của Vinh Sơn đối với thời đại của chúng ta dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II và những gì chúng ta học được về Vinh Sơn. Nhưng, ngay lập tức chúng ta ý thức được rằng đó là khởi đầu chứ không phải kết thúc quá trình tái khám phá cội nguồn của chúng ta. Đoạn thứ hai của Hiến Pháp, dù bị lu mờ bởi tất cả sự chú ý đều dành cho đoạn đầu tiên nói về việc “bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”, đã chỉ ra thách đố trong tương lai và động lực của việc phân định và hoán cải trường kỳ. Hiến Pháp viết:

Với mục đích trên, trong khi trung thành với Tin Mừng và luôn chú tâm đến những dấu chỉ thời đại cũng như những lời kêu gọi cấp bách hơn của Giáo Hội, Tu Hội Truyền giáo cần phải quan tâm mở ra những đường hướng mới, sử dụng những phương cách mới thích ứng với những bối cảnh thời gian và nơi chốn. Hơn nữa, Tu hội cần phải nỗ lực lượng giá và lập kế hoạch cho những hoạt động và thừa tác vụ của mình; theo cách đó Tu Hội luôn luôn ở trong tình trạng canh tân.”

Hơn bất kỳ đoạn nào khác trong Hiến Pháp, đây là nhiệm vụ của chúng ta trong việc phân định suốt đời và canh tân liên tục. Hai đoạn đầu tiên thiết lập nên động lực cơ bản của ơn gọi chúng ta: bước theo Đức Kitô, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trong những hoàn cảnh đương thời. Trọng tâm của ơn gọi của chúng ta là chúng ta tiếp chạm với thời đại của mình, với những gì đang xảy ra và những gì sắp diễn ra. Nhưng điều này không chỉ đơn thuần là thông tin và tin tức, nó cần được thực hiện trong đức tin. Phân định các dấu chỉ thời đại có nghĩa là lưu tâm tới chúng bằng trí tuệ và con tim của Đức Kitô. “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian…” Chỉ có tình yêu Chúa, vốn là trọng tâm ơn gọi của chúng ta, mới giúp chúng ta không lùi bước để bảo vệ môi trường xung quanh trước thế giới hiện đại, mới đem lại cho chúng ta sự đồng cảm để đánh giá đúng những điều thiện hảo đang xảy ra và những thách đố trước mắt.

Tiến tới những nền tảng

Hơn hai mươi năm trước, một trong các anh em ở đây đã được Tỉnh dòng Trung Tây mời đến giúp cho chúng tôi một ngày cầu nguyện và suy gẫm để chuẩn bị cho một đại hội tỉnh. Tôi vẫn nhớ buổi nói chuyện đó. Tỉnh dòng của chúng tôi đã bị chia cắt giữa nhóm những anh em khăng khăng muốn quay trở lại những các nền tảng và nhóm những anh em muốn tiến tới những công việc mới. Vị diễn giả nói rằng mỗi nhóm đều đúng, nhưng không hoàn toàn, có lẽ mỗi nhóm đúng một nửa. Điều này đã gây hiệu quả hiệp nhất trên chúng tôi. Sau đó, tôi nghĩ tựa đề bài nói chuyện của vị đó có thể là: “Tiến tới những nền tảng”. Những nền tảng đức tin, cầu nguyện, tình yêu, hiệp thông và hy sinh là tuyệt đối cần thiết, nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy chúng bằng cách quay trở lại thập niên 50 hoặc một thế giới đã trôi qua. Chúng ta sẽ chỉ tìm thấy chúng khi chúng ta tiến về phía trước bằng cách đương đầu với những thách đố của ngày hôm nay và ngày mai và của thế giới mới sắp được sinh ra.

Những nhận xét này là một định hướng chung cho việc đào tạo trường kỳ. Tối nay, tôi muốn suy ngẫm về việc đào tạo trường kỳ của cá nhân mỗi anh em, và ngày mai về việc đào tạo trường kỳ của Tu Hội.

II. Hành trình của Vinh Sơn và của chúng ta

Việc trở về nguồn đã tiết lộ khía cạnh con người trong sự thánh thiện của thánh Vinh Sơn, cho chúng ta thấy sự phong phú và ấm áp trong các mối tương quan của ngài, đã đặt ngài trong mối quan hệ với xã hội và các biến cố của thời đại ngài, và nói chung, đã chạm đến trái tim của chúng ta và để lại cho chúng ta một đánh giá sâu sắc về con người thật của Vinh Sơn. Tôi muốn chỉ ra ba khía cạnh của cuộc đời Vinh Sơn có liên quan đến việc đào tạo trường kỳ của chúng ta.

Con đường của Vinh Sơn

1. Hành trình nên thánh của Vinh Sơn tiến triển từng bước một. Một trong những điều mà các thành viên tham gia khoá CIF đánh giá cao nhất là việc khám phá khía cạnh con người của Vinh Sơn. Thật vui khi học hỏi về lộ trình nên thánh của Vinh Sơn, tức là biết được các khía cạnh nhân văn và lịch sử trong hành trình của ngài từ tham vọng tài chính đến trở thành vị Tông Đồ Bác ái. Vinh Sơn đã khám phá ra sự tốt lành của người dân Clichy, sự nghèo nàn của chính ngài trong cuộc thử luyện đức tin, sự nghèo đói tâm linh của người dân trong các lãnh địa của gia đình de Gondi ở Folleville, cảnh túng thiếu của những người nghèo khổ bệnh tật ở Châtillon, lòng nhân hậu của thánh Phanxicô Đờ Xan, gánh nặng của việc thiếu nghĩa vụ đối với gia đình và thoát khỏi nó, sự hiệp lực làm việc với những người cộng tác trong sứ vụ (Louise, v.v…). Hành trình của Vinh Sơn đến với người nghèo đồng thời là hành trình đến với tự do, tự do truyền giáo thực sự.

2. Vinh Sơn đã tìm thấy Chúa trong lịch sử, các hoàn cảnh, biến cố và con người. Tôi tin rằng đây là điều đã tách biệt cách dứt khoát giữa ngài khỏi cha Bérulle. Bérulle tập trung vào phụng vụ thiên quốc và ngài xem chức linh mục như là phản chiếu sự thánh thiện siêu vời. Trái lại, Vinh Sơn nhận ra Chúa hiện diện trong thế giới này: trong các biến cố, sự kiện, trong kinh nghiệm, trong con người, trong người nghèo. Chúa Giêsu của Bérulle là Đức Chúa Phục Sinh; Chúa Giêsu của Vinh Sơn là Đức Giêsu trần thế thành Nazarét, được nhận biết trong những mầu nhiệm hiện hữu mang sử tính của Người. Đối với Vinh Sơn “Chúa ở đây!

André Dodin thích thú khi nói rằng Vinh Sơn không có một linh đạo, nhưng đúng hơn ngài có một Con Đường, một Con Đường dựa trên kinh nghiệm. Ngài đã tìm thấy Chúa trong kinh nghiệm và các biến cố; chẳng hạn, trong cuộc gặp gỡ của ngài với Phanxicô Đờ Xan, hoặc lời đề nghị hỗ trợ các quý bà của Marguerite Naseau, hoặc lời thách thức của Huguenot ở Montmirail về việc bỏ bê người dân nghèo miền quê, hoặc việc mất trang trại ở Orsigny. Dodin xác định Con đường của Vinh Sơn theo ba bước: đầu tiên, kinh nghiệm, thứ hai, suy gẫm dưới ánh sáng Tin Mừng và thứ ba, hành động được uốn nắn bởi đức tin và chuẩn mực rõ ràng. Vinh Sơn không phải là một nhà tư tưởng, ngài cũng không bắt đầu từ những ý tưởng, khái niệm, ước mơ và kế hoạch. Ngài giải quyết các biến cố và biện phân sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng. Điều này đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận rằng thế giới của chúng ta ngày nay khác với thế giới của Vinh Sơn, vì vậy, những biến cố mà ngài đáp trả không phải là những biến cố mà chúng ta kinh nghiệm. Chúa nói với chúng ta trong các biến cố của ngày hôm nay. Chúng ta được mời gọi đáp lại với đặc sủng của Vinh Sơn. Điều này làm cho đặc sủng của Vinh Sơn luôn luôn hợp thời.

3. Vinh Sơn là con người của thời đại mình. Chúng ta thích trích dẫn lời thánh Vinh Sơn về việc sáng tạo đến vô tận. Nhưng điều đầu tiên chúng ta phải bắt chước Vinh Sơn là song hành với thời đại của chúng ta. Vinh Sơn đã song hành với thời đại của ngài. Có rất ít điều đã xảy ra ở Pháp mà Vinh Sơn không biết đến (hay không đáp trả).

Bởi vì Vinh Sơn là một con người của thời đại ngài, nên chúng ta được mời gọi trở thành những con người của thời đại chúng ta. Bởi vì Vinh Sơn đã tìm thấy Chúa trong lịch sử, trong các sự kiện và trong con người (thay vì trong các lý thuyết và hệ tư tưởng), nên Con đường của Vinh Sơn thích hợp về lâu về dài. Thời đại của ngài không phải là thời đại của chúng ta, nhưng sự trung thành với con đường của ngài nói lên rằng chúng ta cần thích hợp với thời đại của chúng ta – trở thành những con người của thời đại chúng ta. Và đây là những gì chúng ta cam kết khi viết Hiến Pháp và Quy Chế 1980.

Chúng ta biết Đức Gioan XXIII đã cho rằng Giáo Hội bị tụt hậu so với thời đại và cần được cập nhật. Đó là ý nghĩa của từ “aggiornamento”. Một số người nói rằng giai đoạn “aggiornamento” đã kết thúc và chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới, được gọi là “tái định hình” hoặc “tái khám phá”. Có lẽ không cần biết, đó là những gì chúng ta đã làm khi viết Hiến Pháp 1980. Chúng ta đã xác định lại bản thân và điều đó có nghĩa là trở thành thành viên Vinh Sơn cho hiện tại và tương lai.

Hiến Pháp có một lực đẩy về tương lai. Tôi đã trích dẫn đoạn thứ hai đáng chú ý của Hiến Pháp. Đây là hiến chương về đào tạo trường kỳ trong mối quan hệ với thực tại văn hóa – xã hội của chúng ta, cùng các sự kiện trong thời đại chúng ta. Nó là một trong hai trụ cột của Hiến Pháp. Nó kêu gọi:

      • Chú tâm đến các dấu chỉ thời đại
      • Chú tâm đến những lời kêu gọi cấp bách hơn của Giáo hội
      • Mở ra những đường hướng mới
      • Sử dụng những phương cách mới
      • Thích ứng với những bối cảnh thời gian và nơi chốn
      • Đánh giá và lập kế hoạch cho những hoạt động và thừa tác vụ
      • Theo cách này, Tu Hội luôn luôn ở trong tình trạng canh tân.

Đoạn này liên kết chúng ta với những gì sắp đến và đặt ra một khuôn khổ cho sự tăng trưởng, phát triển và chuyển đổi đối với Tu Hội và cho mỗi cá nhân. Nó tiếp nối đoạn 77 nói rằng:

1. Là một tiến trình kéo dài liên tục, việc đào tạo của chúng ta cần phải đạt được mục đích là: các thành viên được thấm nhuần tinh thần của thánh Vinh Sơn có đủ khả năng hoàn thành sứ mạng của Tu hội.

2. Do đó, các thành viên càng ngày phải càng nhận thức hơn rằng Đức Giêsu Kitô là trung tâm đời sống của mình và là quy luật của Tu hội.

Tương tự đoạn 81 nói: “Việc đào tạo của các thành viên chúng ta cần phải được liên tục và canh tân suốt đời.”

Sự nhấn mạnh này về đào tạo suốt đời và tăng trưởng liên tục trong mối tương quan với các nhu cầu và biến cố đương đại là điều mới mẻ.

Năm 1980, chúng ta tái khám phá chính mình. Phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu Hiến pháp và Quy chế 1980 là một sự tái khám phá chính mình, nhưng đó là sự thật. Sự chênh lệch 326 năm (1658-1984), giữa lúc chúng ta theo đuổi Luật Chung và Hiến Pháp hiện hành, chính là sự chênh lệch giữa lúc thánh Vinh Sơn viết Luật chung và chúng ta viết Hiến Pháp và Quy Chế. Cũng có một sự chênh lệch nữa: Luật Chung dựa trên kinh nghiệm và suy gẫm về cuộc sống thực tế của Tu Hội, còn Hiến Pháp và Quy Chế thể hiện nguyện vọng của chúng ta trong tương lai, những gì chúng ta tin rằng mình được kêu gọi để trở thành. Hệ quả của điều này, đó là sự chênh lệch thứ ba: chúng ta không chỉ được kêu gọi trung thành với những gì đã có, mà còn được mời gọi trung thành với tương lai, mà một số người gọi là “Sự trung thành sáng tạo”.

  • Chúng ta là tác giả của Hiến Pháp và Quy Chế. Điều này ám chỉ trách nhiệm. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm định hình và thúc đẩy của lối sống ơn gọi Vinh Sơn trong kỷ nguyên mới này. Công Đồng Vatican II đã hướng dẫn chúng ta thực hiện điều đó, và Tòa thánh đã chấp thuận và phê chuẩn Hiến Pháp của chúng ta, đây là sự thật. Tuy nhiên, trách nhiệm sống đặc sủng Vinh Sơn trong thời đại này là của chúng ta. Và, khi chúng ta bắt tay vào, chúng ta sẽ khám phá ra sự phong nhiêu và sâu sắc nơi Hiến Pháp, vượt trên những gì chúng ta nghĩ chúng ta đã đặt vào đó. Đây chắc chắn là kinh nghiệm của những anh em tham gia khoá CIF cũng như của cả các chuyên gia nữa.
  • Chúng quy về hiện tại và tương lai. Mặc dù Vinh Sơn nói rằng Luật Chung không chứa đựng điều gì mà Tu Hội chưa sống, nhưng chúng ta không thể nói như vậy đối với Hiến Pháp và Quy Chế. Chúng thể hiện, không hẳn là cách sống của chúng ta ngày nay, mà còn là những giá trị, mục tiêu và chuẩn mực mà chúng ta tin là hiện thân của đặc sủng Vinh Sơn và là điều chúng ta tìm kiếm để đo lường trong những hoàn cảnh mới.
  • Chúng mời gọi “sự trung thành sáng tạo”. Lòng trung thành của chúng ta không chỉ đối với những gì đã được ban tặng trong quá khứ, mà cả với tương lai, nghĩa là “mở ra những đường hướng mới, sử dụng những phương cách mới thích ứng với những bối cảnh thời gian và nơi chốn.”[3] Thách đố của chúng ta là “trung thành sáng tạo”.

Người ta thường trích dẫn câu nói của Vinh Sơn: “Thiên Chúa sáng tạo đến vô tận.” Hiến Pháp và Quy Chế là những phương tiện của chúng ta trong việc mô phỏng khía cạnh sáng tạo của đặc sủng Vinh Sơn.

III.    Chọn lựa cuộc sống: những nguồn mạch để hướng về phía trước

A. Nhận thức rõ chúng ta đã ở đâu và những điều tốt đẹp đang xảy ra

1. Chấp nhận sứ vụ của chúng ta: “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”

2. Cảm thức và kinh nghiệm thuộc về một cộng đoàn quốc tế

3. Ý thức rõ ràng về sự hợp nhất của Tu Hội trên toàn thế giới

4. Thiện chí và thiện tâm với anh em

5. Sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng tại tất cả các lục địa

6. Sự lãnh đạo của người bản xứ trong toàn Tu Hội

B. Nhìn nhận các thành viên là tài sản lớn nhất của Tu Hội

1. Chúa Giêsu nói về các môn đệ: “Con tạ ơn Cha vì những kẻ Cha ban cho con… họ là ơn huệ Cha dành cho con.”

2. Mỗi anh em, cũng như mỗi người nghèo, đều là quà tặng của Chúa

C. Nhận thức rõ những lợi ích tiềm năng của việc đào tạo trường kỳ

1. Tin rằng chúng ta đang tiếp chạm với thời đại của mình

2. Cảm thức về sự liên hệ với xã hội và con người của chúng ta

3. Niềm vui khi suốt đời là những người học trò – “Ở lại trong chân lý!”

4. Một căn tính Vinh Sơn sâu sắc và mong muốn chia sẻ nó.

5. Thực sự là những con người cầu nguyện, những người ở trong căn nhà nội tâm.

6. Tin tưởng và phó thác rằng Chúa đang dẫn dắt chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại.

7. Năng lực phát sinh – giải phóng năng lực cá nhân và tập thể trong việc phục vụ người nghèo và hàng giáo sĩ.

D. Thái độ tích cực đối với thay đổi và hoán cải (khiêm tốn)

1. Tính khả tín mời gọi sự hoán cải liên tục

2. Hoán cải về tinh thần, đạo đức, trí tuệ, tình cảm, xã hội và chính trị

3. Hoán cải là từ cái tôi giả tạo trở thành cái tôi chân thật, từ tư dục sang hy sinh, từ bản ngã đến chân thực và tự do.

E. Sự hợp tác và thiện chí của các thành viên

1. Sự công nhận anh em và khả năng của họ

2. Một chương trình tăng trưởng và phát triển tích cực

3. Văn hóa khẳng định và khuyến lệ của cộng đoàn

4. Cuối cùng là món-quà-tự-thân của các anh em

F. Số lượng lớn những người có thiện chí mà chúng ta có thể cộng tác

1. Trong Gia đình Vinh Sơn và các công trình Vinh Sơn của chúng ta

2. Trên thế giới – sự nối kết và cộng tác

IV. Những điều then chốt cho tương lai

A. Hướng đến những nền tảng

1. Tiếp tục học hỏi về Vinh Sơn và sở đắc đặc sủng của ngài

2. Hãy là những con người cầu nguyện và nội tâm

      • mối liên hệ giữa kinh nguyện và sự nghèo khó[4]

3. Sự hy sinh bản thân và cam kết vô điều kiện

      • Lắng nghe với trái tim rộng mở
      • Sự nghèo đói của thời đại

4. Hiệp thông huynh đệ trong những điều kiện đương đại

5. Vui mừng khi trở thành “Tu Hội Nhỏ Bé” (từ bỏ tâm lý “vụn vặt”)

B. Các lựa chọn cơ bản

1. Khởi đi từ kinh nghiệm của chính chúng ta

2. Tôn trọng thiện chí và kinh nghiệm của anh em

3. Chọn lãnh đạo (thiết lập chương trình làm việc và những kỳ vọng thực tế)

4. Thách thức các cộng sự, các cộng đoàn và các tỉnh dòng để phát triển

5. Giáo dục về những thách đố trong thời đại chúng ta

6. Sử dụng các nguồn lực sẵn có bên trong và bên ngoài cộng đoàn

7. Tạo ra những trải nghiệm học tập dẫn đến sự thay đổi hành vi

8. Truyền bá lối sống của Tu Hội – bắt đầu với việc đào tạo trường kỳ

      • Việc đào tạo trường kỳ là một cách thức rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn, cho chính chúng ta
      • Cách cá nhân và tập thể.

C. Nhận dạng những thách đố chiến lược đối với cộng đoàn trên thế giới

1. Người nghèo trước cửa nhà chúng ta; sự cách biệt ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo

2. Sự lan rộng của chiến tranh, bạo lực và niềm khát khao hòa bình, hòa giải; thánh Vinh Sơn, một con người của hòa bình trong thời kỳ chiến tranh

3. Sự đói khát ý nghĩa, giá trị, đức tin và cầu nguyện

4. Nhu cầu có các linh mục để nâng đỡ, chào đón và kết bạn (Hãy tưởng tượng những cách thức mới để trở thành anh em với các linh mục – những ngôi nhà hiếu khách?)

5. Khao khát tình nguyện và phục vụ của giáo dân


[1] Văn phòng nghiên cứu Vinh Sơn quốc tế

[2] Trung tâm đào tạo Vinh Sơn quốc tế

[3] HP 2

[4] Giuseppe Toscani, Bí tích người nghèo. Đặc sủng của Bác ái (Saint Paul, 1998). Ngoài ra, do Myles Rearden dịch, Linh đạo Người nghèo (xuất bản tư nhân, 2006)