Đấu tranh cho cây cối: Một lời đáp trả của đức tin chống lại nạn phá rừng

0
1192

Joe Fitzgerald, CM[1]

Người Ngäbe bản địa của Panama giữ một truyền thống truyền khẩu phong phú về thần thoại và các bài thơ ca thiêng thánh chủ yếu tập trung vào trật tự vũ trụ và địa vị của chúng ta trong đó. Một câu chuyện thần thoại kể lại cuộc xung đột giữa hai tù trưởng, những người khổng lồ từ mỗi bên của sườn núi nhiệt đới Talamanca. Họ bắt đầu vật lộn qua lại dãy núi, mỗi người mang theo khí hậu ưu thế của họ; tù trưởng từ phía Biển Caribê mang theo mưa lớn, tù trưởng bên Thái Bình Dương mang theo mặt trời. Cuối cùng, người đứng đầu phía Thái Bình Dương chiến thắng nhưng cho phép người đứng đầu phía Caribê ở lại trên đỉnh của khu rừng nhiệt đới, biến đổi thành một cây to lớn. Câu chuyện kết thúc với sự chú ý rằng những cơn bão dữ dội đến từ phía bên kia của ngọn núi nếu ai đó vô tình chạm vào cái cây này trong rừng sâu.

Đây là sự diễn tả ngắn gọn của một trong nhiều truyện thần thoại Ngäbe trong đó các nhân vật chính mang hình dạng cây cối, động vật hoặc các thực thể rừng khác. Lớn lên nghe các trưởng lão kể lại câu chuyện như vậy, chúng ta có thể hiểu thế giới quan Ngäbe thúc đẩy sự tôn trọng tuyệt vời cho trật tự vũ trụ và rừng sống như thế nào. Chúng ta cũng có thể hiểu cách người dân tộc như dân tộc Ngäbe sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ rừng và sông ngòi khỏi những mối đe dọa không bao giờ dứt về nạn phá rừng mà mô hình tiêu thụ toàn cầu gây ra.

Nạn phá rừng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chúng ta

Vào năm 2019, rừng nhiệt đới với diện tích một sân bóng bị mất cứ sau 6 giây ở cấp độ toàn cầu; gần 112.000 km2 rừng tự nhiên không thể phục hồi chỉ trong một năm. Kể từ năm 1990, nạn phá rừng toàn cầu đã tước đi một diện tích đất tương đương rộng hơn đất nước Nam Phi, hay gấp hai lần bang Texas. Chúng tôi biết rằng chúng tôi không chỉ xót xa về việc chặt phá cây cối; những còn đánh mất sự đa dạng sinh học của các khu rừng nhiệt đới chứa khoảng 80% động vật trên cạn của thế giới. Chẳng hạn, đất nước Panama là một trong những lãnh thổ đa dạng sinh học nhất trên hành tinh, đặc biệt là về mật độ đa dạng sinh học của nó. 978 loài chim cư trú trong các khu rừng nhiệt đới ở đó, và nhiều loài động thực vật tồn tại trong 1 km2 rừng nhiệt đới của Panama hơn là ở những khu vực rộng lớn hơn ở Amazon. Có các số liệu thống kê khác nhau, nhưng người ta ước tính rằng Panama đang mất khoảng 1% diện tích rừng che phủ mỗi năm, với hậu quả chồng chất là tàn phá không chỉ ở cấp độ sinh thái mà còn đối với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của các cộng đồng bên lề xã hội, đặc biệt là người bản địa.

Điều gì đang thúc đẩy nạn phá rừng liên tục này, ngay cả sau nhiều thập kỷ khi nhận thức toàn cầu ngày càng tăng về hậu quả nghiêm trọng của nó? Câu trả lời là một thực tế phức tạp gồm nhiều yếu tố có liên quan lẫn nhau minh họa cho nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại trong mô hình kinh tế toàn cầu bị ràng buộc trực tiếp với “nạn phá rừng”. Rõ ràng hơn ngoài việc khai thác gỗ để làm sản phẩm bằng gỗ và giấy, thì việc khai thác khoáng sản để cung cấp cho công nghệ và công nghiệp đã lấn sâu vào các khu rừng nhiệt đới trước đây, những khu rừng không còn tồn tại trong những thập kỷ gần đây do các công nghệ và hóa chất mới có khả năng tàn phá mạnh mẽ. Các dự án sản xuất và truyền tải năng lượng như đập thủy điện và đường dây cáp chiếm tỷ lệ mất rừng ngày càng lớn. Thay thế nền nông nghiệp tự cung tự cấp và sản xuất nhỏ của nông dân và các cộng đồng bản địa bằng ngành nông nghiệp độc canh hủy hoại sinh thái là một nguyên nhân chính khác gây mất rừng. Chẳng hạn, các đồn điền dầu cọ gây ra một phần đáng kể nạn phá rừng, dầu cọ có thể được tìm thấy trong hầu hết mọi thứ, từ dầu gội đầu và chất khử mùi đến nhiên liệu sinh học và nhiều sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, có lẽ yếu tố góp phần lớn nhất cho nạn phá rừng đang diễn ra liên quan trực tiếp đến bữa ăn tối của chúng ta; thịt mà chúng ta tiêu thụ đòi hỏi những vùng đất rộng lớn để chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc. Việc chăn nuôi gia súc được coi là yếu tố lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng ở Amazon, và nhiều vụ “cháy rừng” diễn ra ở đó là do các công ty chăn nuôi cố tình sắp đặt. Là một nhân tố quan trọng góp phần vào Biến đổi khí hậu, nạn phá rừng để chăn nuôi gia súc và sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ đứng sau đốt nhiên liệu hóa thạch. Chặt phá các khu rừng nhiệt đới sẽ giải phóng một lượng lớn carbon trong khí quyển và các khu rừng hấp thụ carbon bị mất đi, gây nên sự mất cân bằng khí hậu, làm cho hành tinh trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Không thấy rừng cũng chẳng thấy cây

Nạn phá rừng từ lâu đã được cộng đồng toàn cầu công nhận là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hành tinh; điều khó khăn là biến sự hiểu biết đó thành hành động cụ thể. Năm 2014, hơn 200 chính phủ, tập đoàn và tổ chức phi chính phủ đã ký một cách tự nguyện và không ràng buộc “Tuyên bố New York về rừng”, với cam kết mang tính tập thể giảm nạn phá rừng hàng năm xuống một nửa vào năm 2020 và chấm dứt hoàn toàn mất rừng tự nhiên vào năm 2030. Nhưng cũng giống như nhiều tuyên bố thiện chí (như Hiệp định Paris), nó thực tế vô dụng khi nạn phá rừng vẫn tiếp tục không được kiểm soát. Đánh giá 5 năm vào năm 2019 về sáng kiến này có tiêu đề “Câu chuyện về những cam kết lớn và tiến độ còn hạn chế”.

Trong bầu không khí định hướng thị trường hiện nay, nơi thiên nhiên được hiểu như một loại hàng hóa, những giải pháp được cho là do các chính phủ và tập đoàn đề xuất thường không đối diện với gốc rễ của vấn đề. Một ví dụ là các kế hoạch trồng rừng đi kèm với các dự án như khai thác khoáng sản, những điều kiện cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại rõ ràng về sinh thái. Các dự án trồng rừng lấy sáng kiến lợi nhuận làm cốt lõi không thay thế được sự đa dạng phong phú của rừng tự nhiên. Các ước tính cho thấy khoảng 2/3 những sáng kiến tái trồng rừng là kết quả của các nông trường gỗ tếch, một loại cây có nguồn gốc từ Nam Á, được trồng theo mô hình nông trường cây độc canh, tạo ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến đất và nước. Trong khi gỗ tếch được coi là thân thiện với môi trường do có khả năng chống lại côn trùng và do đó ít cần thuốc trừ sâu, đặc tính đơn điệu này đã để lại những cánh rừng tếch, ngày nay rất phổ biến ở các nước như Panama, được ví như “những khu rừng chết” im lặng một cách kỳ lạ, không có hy vọng cư trú cho các loài chim và động vật nhiệt đới. Như đã nêu trong thông điệp Laudato Sí, “việc thay thế rừng nguyên sinh bằng những đồn điền trồng cây, thường là cây đơn canh, hiếm khi được phân tích đầy đủ” và có thể “làm hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh thái nếu các chủng loại mới được đưa vào không nghi ngờ được”(Laudato Sí 39).

Một ví dụ khác về giải pháp theo định hướng thị trường để chống phá rừng là “giao dịch tín dụng carbon”, (carbon credit trading), trong đó các khu vực rừng cụ thể được bảo tồn như một sự cân bằng cho việc tiếp tục ô nhiễm công nghiệp ở một vùng khác. Đó là một giải pháp sai lầm khác thuộc chủ nghĩa tự do kinh tế mới, không hiểu được tính liên kết của cộng đồng toàn cầu và thúc đẩy mô hình kinh doanh “trả tiền để gây ô nhiễm”, một điều phổ biến khi các công ty hiện nay đưa chi phí thiệt hại môi trường vào ngân sách hàng năm của họ.

Rừng qua con mắt đức tin

Trọng tâm sinh thái hiện nay của sự suy tư và hoạt động thần học của Giáo hội, đặc biệt kể từ khi thông điệp Laudato Sí được phát hành, đã nhấn mạnh rằng việc chăm sóc cho Ngôi nhà chung của chúng ta không còn là một vấn đề bên lề hay mối quan tâm của một số ít người, mà là trọng tâm của chúng ta cho cuộc sống đích thực trong vai trò của một người môn đệ. Do đó, trước vấn đề dường như quá sức của nạn phá rừng đang diễn ra, chúng ta nên ứng phó như thế nào với tư cách là những người có đức tin?

Có lẽ những biện pháp của chúng ta nên tập trung vào cả sự biến đổi và hoạt động. Sự biến đổi sinh thái thực sự mời gọi chúng ta đến với kinh nghiệm sâu sắc hơn về sự vĩ đại của việc sáng tạo của Chúa, để hiểu biết sâu sắc về sự phụ thuộc của chúng ta trong “mạng lưới cuộc sống” này. Điều này đòi hỏi một quyết định có ý thức để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của thụ tạo, khuôn mặt của Đấng Tạo Hóa tỏ hiện trong sinh vật nhỏ nhất, cần biết rằng “thiên nhiên không thể được xem như là một cái gì đó tách biệt khỏi chúng ta hoặc chỉ là một môi trường mà chúng ta đang sống” (Laudato Sí 139) . Là một loại thụ tạo, kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa đến từ các giác quan, từ kinh nghiệm về thế giới xung quanh. “Khi chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa được phản chiếu trong tất cả những gì hiện hữu, tâm hồn chúng ta được thôi thúc để chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả mọi thụ tạo và hiệp nhất với chúng để thờ phượng Người” (Laudato Sí 87). Về mặt này, khủng hoảng sinh thái không thể được tiếp cận đơn thuần như một loạt các vấn đề kỹ thuật, mà là một cuộc khủng hoảng về các mối quan hệ; cần làm mới mối quan hệ của chúng ta với thế giới xung quanh và với tất cả các tạo vật của Chúa, Đấng nắm giữ giá trị nội tại vượt xa ích lợi của chúng trong việc thỏa mãn nhu cầu hoặc mong muốn của chúng ta.

Rừng tự nhiên được hiểu là nơi linh thiêng của bí ẩn thần linh trong sự tồn tại của con người, các dân tộc và các nền văn hóa vẫn tiếp tục quan niệm như thế, họ đã không thay thế bí ẩn thần linh bằng một tín ngưỡng kỹ trị. Tiến trình của Thượng hội đồng vùng Amazon đã tập trung vào mối quan hệ cụ thể của người bản địa với rừng, và qua đó cho thấy những bài học quan trọng cho tất cả chúng ta. Theo kinh nghiệm của người bản địa, rừng “không phải là tài nguyên để khai thác; nó là một thực thể, hoặc các sinh thể khác nhau, mà chúng ta phải có liên hệ với chúng.”  Kiến thức sinh thái bản địa cho thấy sự khôn ngoan sâu sắc “gợi hứng cho sự quan tâm và tôn trọng đối với thụ tạo, với ý thức rõ ràng về giới hạn của nó và nghiêm cấm việc lạm dụng nó,” kiến thức đó khẳng định rằng “lạm dụng thiên nhiên là ngược đãi tổ tiên, anh chị em của chúng ta, thụ tạo và Đấng sáng tạo, và là cầm cố tương lai của chúng ta. Trong một lời tiên tri kêu gọi chấm dứt sự tàn phá dã man của rừng và các hệ sinh thái khác, với sự tàn phá đa dạng về xã hội, văn hóa và sinh thái, người dân bản địa tuyên bố rằng “chúng tôi là nước, không khí, trái đất và sự sống của môi trường do Chúa tạo ra. Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu chấm dứt sự ngược đãi và hủy diệt đối với đất Mẹ. Đất có máu, và nó đang chảy máu; nhiều quốc gia đã cắt đứt mạch máu của mẹ Trái đất chúng ta ”(Querida Amazonia 42).

Đi trên một con đường mới

Sự thay đổi sinh thái thực sự sẽ luôn luôn được biến đổi thành những hành động cụ thể, những cách sống mới và liên hệ đến mọi thụ tạo và gia đình nhân loại. Chúng ta có thể dành thời gian hằng ngày để tách mình khỏi tiếng ồn mà đôi khi có thể làm chúng ta choáng ngợp và chiêm ngưỡng sự huyền bí không bao giờ kết thúc về sự sáng tạo của Chúa, để Chúa đến với chúng ta, thâm nhập vào bản thể chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết vượt ra ngoài từ ngữ “tất cả là một. Với tư cách là cá nhân, gia đình và cộng đồng, chúng ta cũng có thể thực hiện một số bước hữu hình để giảm nạn phá rừng, chẳng hạn như: giảm tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ và giấy, tránh các sản phẩm sử dụng một lần, giảm hoặc loại bỏ việc tiêu thụ thịt, trồng cây của địa phương. Cuối cùng, ngăn chặn nạn phá rừng trở thành một vấn đề của việc sống một cuộc sống tận tâm, tôn trọng sự liên kết mật thiết của mọi vật và mọi dân tộc, và nhận ra hậu quả của những lựa chọn hàng ngày của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng tác động ngày càng tăng của các hành động cá nhân là không đủ nếu chúng ta không giải quyết được những bất công về chính trị và doanh nghiệp đang tàn phá các khu rừng nhiệt đới trên thế giới. Ngay cả các cuộc biểu tình cô lập chống lại các dự án lớn cụ thể cũng không thành công nếu chúng không dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn về luật pháp, chính trị và đoàn thể. Vì lời kêu gọi làm môn đồ của chúng ta mang tính cộng đồng, nên cam kết của chúng ta là trong việc khôi phục các mối quan hệ hài hòa trong Ngôi nhà chung của chúng ta. Tổ chức như một cộng đồng và hợp tác với những người khác, những người làm việc cho sự thay đổi thực sự là cực kỳ quan trọng. Các mạng lưới môi trường Giáo Hội mới xuất hiện ở Amazon, Congo và Mesoamerica đã trình bày các mô hình đầy hy vọng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và làm việc cùng nhau, từ góc độ đức tin, để đối đầu với nhiều vấn đề phức tạp và liên quan đến nhau. Những mạng lưới này vượt ra ngoài biên giới chính trị để tiếp cận quần thể sinh vật như những sinh vật sống cần được tôn trọng, bảo vệ và đổi mới. Sự hiểu biết và cách sống sinh thái bản địa là trọng tâm trong nền tảng của các phong trào mới này, tôn trọng người bản địa như những người lãnh đạo và hướng dẫn trong quá trình khôi phục và làm mới cuộc sống này.

Mong tất cả chúng ta tiếp tục với sự chân thành trên con đường biến đổi sinh thái và biến đổi cách hiểu mới đó bằng những hành động cụ thể tôn trọng sự hùng vĩ của Ngôi nhà chung đa dạng sinh thái của chúng ta. Ước mong sao cây cối luôn đứng vững để làm chứng cho một lịch sử đã đi trước chúng ta từ lâu và lời hứa về một hành tinh trong lành trong tương lai cho những người đã khuất của chúng ta.

Vincent Trần chuyển ngữ


[1] Joe Fitzgerald, CM là một linh mục Vinh Sơn gốc Philadelphia, người đã sống với người Ngäbe bản địa ở Panama từ năm 2005. Cha có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Bolivarian, Colombia, và là tác giả của Danzar en la casa de Ngöbö: Resiliencia de la Vida Plena Ngäbe frente al neoliberalismo.