Đức Giêsu Nghèo Khó: Kitô Học Của Thánh Vinh Sơn Phaolô

0
1862

John P. Prager, CM

Dẫn Nhập

Đức Giêsu là ai? Đó là câu hỏi nền tảng mà tất cả các tín hữu phải đặt ra trong mọi thời đại. Đời sống Kitô hữu và thần học Giáo Hội (phụng vụ, các bí tích, giáo hội học, linh đạo, thần học luân lý, v.v..) được sinh ra từ câu trả lời cho câu hỏi đó. Cách chúng ta hiểu Đức Giêsu sẽ tạo ra môi trường sống cho đức tin.

Không ai có thể sáng chế ra một Kitô học từ hư vô. Tất cả chúng ta đều đón nhận các truyền thống từ những thế hệ ban đầu. Chúng ta suy gẫm về những câu trả lời trong quá khứ về Đức Giêsu bởi vì một số câu trả lời đó mang tính chung quyết. Tuy nhiên, theo thời gian, mỗi khi cộng đoàn Kitô hữu trả lời được một số câu hỏi về Đức Giêsu, thì những câu hỏi mới lại xuất hiện.

Bốn thánh sử, thánh Phaolô, và các tác giả Tân Ước khác đã đưa ra những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi Kitô học này. Những ký ức và những suy tư thần học của họ về ngôi vị của Thiên Chúa trong thế kỷ thứ nhất thì rất cần thiết. Cộng đoàn Kitô giáo phải vật lộn với ý nghĩa của những bản văn thánh đó. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều được tìm thấy trong Kinh Thánh. Họ đã để lại những câu hỏi mà Giáo Hội phải trả lời từng chút một.

Các công đồng đầu tiên (Nixêa, Êphêsô, Canxêđônia) đã cố gắng để hiểu rõ hơn ý nghĩa về Đức Kitô. Những câu hỏi đã phát sinh từ các bản văn Kinh Thánh: Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì điều đó có ý nghĩa gì? Ngài có ngang bằng với Thiên Chúa không? Hay thấp kém hơn Thiên Chúa? Làm thế nào mà Ngài có thể là con người? Nếu Ngài là con người, thì Ngài có thể là Thiên Chúa thế nào được? Các giám mục trong những công đồng đầu tiên đã tìm kiếm sự minh định tường tận hơn và đã giảng dạy những tín điều mới, mà nhiều thế kỷ sau đó chúng ta vẫn còn thừa nhận (Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Con Người, v.v…).

Dù đã có sự minh định tín điều của các công đồng, các câu hỏi và những mối quan tâm về con người Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài vẫn nảy sinh, bởi vì qua mỗi thời đại, con người phải đương đầu với những kinh nghiệm mới và những vấn đề khác nhau. Các thần học gia và cộng đoàn Kitô giáo đã suy gẫm trong nhiều thế kỷ dựa trên di sản từ Thánh Kinh và thánh truyền. Điều quan trọng là nối kết những ánh sáng này trong quá khứ với thực tế hiện tại. Chúng ta trở về với quá khứ Kitô giáo không phải vì những suy tư và giáo lý của quá khứ ấy có tiếng nói sau cùng hay duy nhất, nhưng bởi vì những giáo huấn đó có giá trị và có thể soi sáng cho hành trình đức tin của chúng ta trong hiện tại.

Tôi bắt đầu với bản sơ lược về lịch sử này để đi vào hoàn cảnh của thánh Vinh Sơn và Kitô học của ngài. Xem xét những giáo huấn của thánh nhân là trở về với quá khứ. Thánh Vinh Sơn là người của thế kỷ XVII. Cách thế làm thần học của ngài theo phong cách điển hình của thời đại ngài. Ngài bị ảnh hưởng bởi những khái niệm và thuật ngữ của các nhà thần học đương thời với ngài. Phương pháp thần học của ngài chính xác là điều ngược lại của thần học hệ thống hiện đại. Chúng ta bắt đầu với kinh nghiệm và để học thuyết soi sáng kinh nghiệm. Trong thế kỷ XVII, các nhà thần học bắt đầu với những chân lý vĩnh cửu và sau đó chuyển sang thực tại. Thánh Vinh Sơn đã biết rất rõ các trào lưu thần học trong thời đại ngài: Quan niệm bi quan của các tu sĩ Âu-tinh, chủ thuyết nhân văn của Francis de Sales, v.v… Ngài đã bày tỏ bản thân trong ngôn ngữ của thời đại ngài. Chúng ta không thể mong đợi thánh Vinh Sơn có thể trả lời tất cả những câu hỏi của chúng ta, cũng như chúng ta không thể năm bắt tất cả sự hiểu biết của ngài về Đức Kitô.

Tuy nhiên, dù trung thành với những giáo huấn của Giáo Hội, thánh Vinh Sơn đã không bao giờ là nô lệ cho những điều mà ngài đã đón nhận từ truyền thống. Ngài phối hợp những giáo huấn truyền thống với kinh nghiệm của chính ngài ở giữa người nghèo và trong sứ vụ. Chúng ta có thể nói rằng, các ngành thần học mà ngài đã nghiên cứu và những thần học gia mà ngài đã biết đến, đã cho ngài những cấu trúc thần học để hiểu những kinh nghiệm của chính ngài và một ngôn ngữ để diễn đạt chúng. Kitô học của ngài được đánh dấu bởi những cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Giêsu nghèo khó ở giữa người nghèo.

Một cách rõ ràng, trong thế kỷ XXI, đã nảy sinh những câu hỏi mới về Đức Kitô, về việc phục vụ người nghèo, v.v… Có những cảnh đói khổ mới và những cách thức mới cho việc phân tích và hiểu thực tại. Chúng ta trở lại với quá khứ của Gia Đình Vinh Sơn, trở lại với thánh Vinh Sơn và Kitô học của ngài, bởi vì điều đó có thể chiếu sáng cho tiến trình ngày hôm nay của chúng ta, không phải mọi thứ thánh Vinh Sơn đã nói đều hữu ích cho thời đại hôm nay. Tuy nhiên, có nhiều lời giáo huấn của thánh nhân vẫn có thể định hướng cho đời sống và sứ vụ của chúng ta với tư cách là những thành viên trong Gia Đình Vinh Sơn. Hãy để tôi chỉ ra một vài yếu tố để hiểu về Đức Kitô của thánh Vinh Sơn.

1. Một sự hiểu biết về Đức Kitô được khai sinh từ đặc sủng

Rất thường xuyên chúng ta nói về đặc sủng Vinh Sơn y như thể đó là một ý tưởng suất sắc của thánh Vinh Sơn. Đặc sủng không phải là một ý tưởng. Đúng hơn đó là một kinh nghiệm về Thánh Thần. Đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta bước theo Đức Giêsu trong một cách thức đặc biệt. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta bước đi với Đức Giêsu và Người thắp sáng con đường Phúc Âm, con đường Nước Thiên Chúa. Thánh Thần tạo nên khả năng đón nhận và sống hồng ân ấy. Người không bao giờ áp đặt. Điều đó phải được đón nhận trong tự do.

Thánh Vinh Sơn đã dành phần đời tươi đẹp của mình để chạy trốn đặc sủng. Ngài đã không muốn đón nhận hồng ân và đã khép kín cuộc đời mình trước sự tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài đã làm thinh và nhắm mắt. Vào những khoảnh khắc nhất định, kinh nghiệm của ngài với người nghèo đã mở đôi mắt của ngài trước thực tại của họ và trước sự hiện diện của Đức Giêsu. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc khác, những kinh nghiệm này đã khơi gợi lên sự sợ hãi, thiếu tự tin, và những nghi ngờ. Đi đến với người nghèo ư? Từ bỏ mọi kế hoạch ư? Đó có phải là điều Thiên Chúa muốn không? Hay đó là điều tôi mong muốn? Tôi có thể sống ơn gọi này như thế nào?

Trong một mức độ nào đó, thánh Vinh Sơn đã vươn ra hoàn toàn để mở toang cuộc đời mình cho người nghèo và khám phá đặc sủng, ngài bắt đầu có một kinh nghiệm mới về Đức Giêsu. Đó không còn là việc Đức Giêsu áp đặt một lời mời gọi từ bên ngoài. Nhưng là chính Đức Giêsu nghèo khó, Đấng mà ngài đã khám phá ra giữa những kẻ bị gạt ra bên lề. Ngài đi đến chỗ nhận thấy rằng, việc bước theo Đức Kitô giữa những người nghèo khổ là con đường đưa đến sự giải thoát. Thiên Chúa giải thoát ngài khỏi một cuộc sống khép kín của sự ích kỷ.

Thánh Vinh Sơn trở lại với các Tin Mừng để hiểu kinh nghiệm của mình về Đức Giêsu. Những đoạn Kinh Thánh ưa thích của ngài là Lc 4 và Mt 25. Trong ba mươi năm tiếp theo, ngài sẽ làm bật lên những thông điệp nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng cứu độ những người yếu đuối và đau khổ. Những điều sau đây của Đức Giêsu dạy cho ngài một số khía cạnh chắc chắn về Thiên Chúa sẽ hình thành nên nền Kitô học của ngài.

2. Đức Giêsu được tìm thấy giữa những người nghèo

Khi Đức Kitô mời gọi chúng ta bước theo, Người đã thực hiện điều đó từ nơi người nghèo. Và từ vị trí đó, giữa người nghèo, chúng ta phải trả lời: Đức Giêsu là ai? Người nghèo là ai? Chúng ta liên hệ với họ như thế nào? Đây là cột trụ của Kitô học Vinh Sơn. Hãy để tôi nêu lên ba điểm hầu làm sáng tỏ vấn đề này:

    • Người nghèo có giá trị tự thân

Chúng ta không đến với người nghèo vì Đức Giêsu hiện diện ở nơi đó, chúng ta đến với người nghèo vì họ là những anh chị em đau khổ của chúng ta. Họ là những người được ưu tiên trong Nước Thiên Chúa. Tôi hướng tới người nghèo bởi vì phẩm giá cá vị của họ. Họ là những chủ thể của chính cuộc sống họ, chứ không phải là những người đón nhận lòng thương hại và của bố thí.

    • Đức Kitô kêu gọi chúng ta phục vụ người nghèo, không chỉ những người nghèo tốt lành

Thỉnh thoảng chúng ta nói về việc được Phúc Âm hóa bởi người nghèo. Tôi nghĩ rằng chúng ta hiểu sai cụm từ này. Chúng ta đang nói về những người nghèo tốt lành, những người thường xuyên tham dự thánh lễ, sống một đời sống đạo đức, sẻ chia những phương tiện ít ỏi của họ với người khác. Chúng ta không thể giới hạn việc phục vụ của chúng ta bằng việc đòi hỏi rằng, mọi người có xứng đáng hay không xứng đáng. Ngay cả những người xấu cũng Phúc Âm hóa chúng ta. Họ mời gọi chúng ta yêu thương những người không thể yêu thương. Họ đưa chúng ta đối diện với tội lỗi và sự yếu đuối của chính chúng ta, và mời gọi chúng ta đến với lòng thương xót.

    • Sự hiện diện của Đức Kitô mang tính bí tích

Thánh Vinh Sơn nói về việc gặp gỡ Đức Kitô nơi người nghèo. Rất hiếm khi ngài nói về việc thấy Đức Kitô trong người nghèo. Điều này là do sự hiện diện của Đức Kitô mang tính bí tích, chứ không phải là sự hiện diện thể lý. Nói về việc thấy Đức Kitô trong những người nghèo gây nên sự mơ hồ vì đó là một hình thức văn thơ của lời nói, nhưng điều đó thì không tương xứng với kinh nghiệm. Nếu bạn thực sự thấy Đức Kitô trong người nghèo, bạn có thể là một nhà thần bí vĩ đại (và không có nhiều người trong số đó) hoặc bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ mang tính chuyên môn. Nói về Đức Kitô trong người nghèo tạo nên những sự mong đợi và sự tưởng tượng sai lầm. Một số người mong gặp một ai đó để râu và mặc áo dài trắng. Nó cũng trở thành một cách thức để tránh việc những người nghèo xúc phạm đến sự nhạy cảm của chúng ta. Bằng việc được cho là nhìn thấy Đức Kitô, chúng ta thoát khỏi nhu cầu nhìn thấy người nghèo.

Kinh nghiệm về Đức Kitô nơi người nghèo mang tính bí tích. Đó là một kinh nghiệm của đức tin nói với chúng ta rằng, trong cuộc gặp gỡ với người nghèo, có một điều gì đó còn hơn thế. Đây không phải là một chân lý hiển nhiên. Đó là một suy tư đức tin về cuộc gặp gỡ với người nghèo. Rất thường, chúng ta chỉ ý thức về sự hiện diện của Đức Kitô sau cuộc gặp gỡ với người nghèo. Câu hỏi của cả những người công chính và không công chính trong Tin Mừng Mt 25 sẽ khiến chúng ta dừng lại: Lạy Chúa, chúng con đã thấy Ngài đói, khát, không áo mặc, bị tù đày, v.v… khi nào? Vấn đề không phải là nhìn thấy Đức Kitô, nhưng đúng hơn là tìm kiếm sự hiện diện của Ngài.

3. Khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa

Thánh Vinh Sơn đã nói rằng: Đức Giêsu không là gì khác hơn sự tôn kính và tôn thờ đối với Chúa Cha. Với điều đó, ngài muốn diễn đạt mối quan hệ độc đáo và đặc biệt giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Các tác giả Phúc Âm đưa ra ý tưởng tương tự khi Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha ơi”. Thông qua mối quan hệ này, Đức Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Đấng nào.

Thánh Vinh Sơn hiểu rằng Thiên Chúa không ở đâu xa xôi. Người không ở trên trời để đưa ra những phán xét khắc nghiệt, hay sẵn sàng trừng phạt mọi hành vi phạm tội và tội lỗi. Thánh nhân nói: Người là suối nguồn của lòng thương xót. Người là tinh yêu thuần tuý. Tinh thần của Người là tinh thần của lòng trắc ẩn. Người sai Con của mình đến để cứu chuộc chúng ta.

Một cách khác để diễn đạt khái niệm này trong thuật ngữ của Gia Đình Vinh Sơn đó là: Sự Quan Phòng. Thánh Vinh Sơn thường xuyên nói về một Thiên Chúa Quan Phòng. Sự Quan Phòng không phải là sự may mắn của người Kitô hữu. Điều đó không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra như chúng ta mong ước nếu chúng ta có đức tin. Nó cũng không có nghĩa là mọi việc luôn luôn có kết quả tốt. Sự Quan Phòng là ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là ước muốn của Người cho sự hiện hữu tốt đẹp đối với tất cả con cái Người. Mọi sự ở trong bàn tay của Thiên Chúa, Cha của chúng ta, ngay cả khi mọi thứ hoá ra tồi tệ đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng ta. Khi mọi việc không diễn ra một cách tốt đẹp, Thiên Chúa vẫn hiện diện. Trong mọi sự, Thiên Chúa là lòng thương xót.

Qua cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa cúi xuống với nhân loại. Người mạc khải mình như một người Cha nhân từ và thương xót. Người mời gọi chúng ta tham dự vào đời sống của Người, cộng đoàn tình yêu Ba Ngôi. Ngang qua những hành động chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền, cho đám đông dân chúng ăn, tha thứ những người tội lỗi, ban lại sự sống cho những người đã chết, Đức Giêsu thông truyền ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa. Người tỏ lộ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là ai.

4. Khuôn mặt đau khổ của người nghèo

Thánh Vinh Sơn đã có lần nói một câu mang tính mạc khải: Người nghèo không phải là những chi thể đau khổ của Chúa chúng ta sao? Họ không phải là anh em của chúng ta hay sao? Thánh nhân đã tin rằng, Đức Giêsu đồng hóa mình với người nghèo. Đối với thánh Vinh Sơn, trong Đức Kitô, Thiên Chúa không chỉ trở thành người, nhưng còn trở thành một người nghèo. Người đã đảm nhận thân phận người nghèo. Người đã đồng hoá với họ. Người đã hiểu những đau khổ của họ bởi vì Người đã trải qua những đau khổ của họ. Lòng trắc ẩn của Người được sinh ra từ sự liên đới với người nghèo. Với thánh Vinh Sơn, Đức Kitô là Đức Kitô nghèo.

Lòng trắc ẩn của Đức Kitô không phải là sự thương hại. Người không ở bên ngoài thế giới của người nghèo, hay tặng ban cho họ mọi thứ từ xa. Người không phải là một du khách vội vàng ngang qua bên lề xã hội. Người gắn kết với người nghèo và trở nên một với họ, chia sẻ cuộc sống của họ và mang lấy những đau khổ của họ. Như thánh Phaolô nói: Người giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi.

Chúng ta tìm thấy chủ đề tình liên đới với người nghèo khi thánh Vinh Sơn nói về thập giá. Những suy gẫm của ngài thì ngắn gọn, nhưng sâu sắc. Ngài khám phá ra vị trí trung tâm của thập giá trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Qua thập giá chúng ta đến với ơn cứu độ, chứ không phải qua đau khổ. Đúng hơn, nơi thập giá Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người. Người trung thành ngay cả khi kết quả cuối cùng có như thế nào đi chăng nữa. Nơi thập giá, chúng ta học biết Thiên Chúa là như thế nào, vì Con của Người chịu đau khổ như người nghèo.

Nếu có một thiếu sót trong Kitô học của thánh Vinh Sơn, ít nhất là theo những tiêu chuẩn hiện đại, thì đó là sự thiếu phản ánh về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Đó là một điểm yếu của thần học cổ điển. Họ đã xem Phục Sinh như là một phép lạ vào cuối đời của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta không thể xem sự Phục Sinh như một kết thúc có hậu bị tách khỏi đời sống và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Chúng ta cũng không thể quên sự hiện diện của sự dữ và đau khổ. Trong sự Phục Sinh, chúng ta không phủ nhận thực tại của sự dữ. Đó là kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa tạo ra sức mạnh để chiến thắng quyền lực của sự chết. Chính Thiên Chúa đang hướng dẫn chúng ta hướng tới một đời sống mới bằng sức mạnh của tình yêu.

5. Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo

Có những ý tưởng Kitô học mà thánh Vinh Sơn đã không khởi đi từ những cuốn sách thần học, nhưng đúng hơn ngài khởi đi từ chính kinh nghiệm truyền giáo của mình. Đối với thánh nhân, Đức Giêsu là Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Ngài đã nói với các nhà truyền giáo của Tu hội rằng: “Nếu chúng ta hỏi Chúa chúng ta, điều gì đã khiến ngài phải đến trần gian này? – Phục vụ người nghèo. Còn bất cứ điều gì nữa không? – Phục vụ người nghèo”.

Thánh Vinh Sơn đã hiểu rằng: Đức Giêsu là nhà truyền giáo của Chúa Cha, Người đã được sai đến để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người công bố Nước Thiên Chúa ở trong tầm tay và Nước ấy dành cho người nghèo. Ơn cứu độ mà Đức Kitô đã loan báo không chỉ là sự cứu chuộc khỏi tội lỗi. Đó còn là sự giải thoát khỏi tội lỗi và tất cả những điều áp bức nhân loại. Vì thế, sứ vụ của Đức Giêsu được hiểu như là loan báo Nước Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm. Truyền giáo không chỉ là dạy các tín điều và giảng những giáo huấn. Đó còn là lời đáp trả đối với những tin tức tệ hại mà người nghèo phải chịu đựng mỗi ngày. Đức Giêsu kiếm tìm phương thế để chiến thắng sự dữ trong kinh nghiệm của con người. Khi gặp kẻ đau ốm, Người chữa lành họ; khi gặp kẻ bị đói, Người cho họ ăn; với những tội nhân, Người tha thứ cho họ.

Điều cơ bản trong việc rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu là gặp gỡ tha nhân. Người gẫn gũi như một người anh em để hiểu nỗi đau của người đó. Lời đáp trả của Người luôn luôn là một hành động bác ái. Tình yêu này không được diễn đạt bằng việc cho đi thứ gì đó. Nhưng tình yêu của Người được biểu lộ bằng sự gần gũi của Người. Người có thể chạm đến người bệnh, những người tội lỗi và yếu đuối bởi vì Người có khả năng bước vào cuộc sống của họ với tất cả mọi sự như là: lắng nghe, thương xót, ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân. Đó là lý do tại sao sự hiện diện của Người luôn là một tin mừng. Nó luôn luôn là sự nhận thức về Nước Thiên Chúa đang tới gần.

6. Một Kitô học thực tiễn

Điều thú vị là thánh Vinh Sơn bắt đầu những chương Luật Chung của Tu Hội Truyền Giáo bằng những gương sáng từ cuộc đời của Đức Giêsu. Ngài giải thích hết lần này đến lần khác: Đức Giêsu đã làm điều này, chúng ta cũng sẽ làm giống như vậy. Ngài đã chỉ ra những đặc trưng của Đức Kitô truyền giáo: đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, khổ chế và nhiệt thành tông đồ. Đây là những nhân đức của Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

Ngài cũng thực hiện điều tương tự với các tổ chức khác của Gia Đình Vinh Sơn: Nữ Tử Bác Ái và Hội Các Bà Bác Ái (AIC). Ngài luôn mang suy gẫm Kitô học của mình ra thực hành. Thánh Vinh Sơn không phải là một giáo sư thần học. Những suy gẫm của ngài đến từ việc phục vụ người nghèo và chúng đã dẫn ngài trở lại với người nghèo. Tôi tin rằng, ngài đã đưa ra một phương thế chiêm ngắm Đức Giêsu để giúp đỡ những người khác trong việc phục vụ người nghèo. Tôi nghĩ rằng, ngài cũng làm như vậy đối với chúng ta.

Câu hỏi suy gẫm:

1. Điều gì trong Kitô học của thánh Vinh Sơn gây chú ý cho bạn?

2. Có yếu tố nào trong các giáo huấn của thánh Vinh Sơn mang lại hữu ích cho sứ vụ của chính bạn không?

3. Kitô học của thánh Vinh Sơn có thể nói lên điều gì cho thế giới hôm nay?

Giuse Bùi Đức Năng chuyển ngữ