Hai Phương Pháp Nguyện Gẫm

0
1710

Nhờ nghe mẹ và bập bẹ nói theo mẹ mãi, các em nhỏ học hỏi được tiếng nói của mẹ. Cũng thế, tâm hồn cứ ở gần Chúa Cứu Thế bằng việc nguyện gẫm, suy mãi về lời nói, việc làm và tâm tình của Người thì nhờ ơn Người, tâm hồn ấy sẽ học nói, học làm và ước muốn như Người.[1] Như vậy, tâm hồn đó đã tìm ra cách thức để thăng triển mối tương quan với Chúa một cách khôn ngoan và hiệu quả. Tôi gọi việc làm đó là một “phương pháp nguyện gẫm.” Và phải nói thêm rằng, nguyện gẫm là phương thế rất hữu hiệu mà các thánh đã dùng để nên trọn lành. Vì thế, qua bài viết này, tôi mong muốn giới thiệu ngắn gọn đến bạn đọc hai phương pháp nguyện gẫm tuyệt vời theo thánh Phanxicô Salê và thánh Vinh Sơn Phaolô.

1. Tổng thể hai phương pháp nguyện gẫm

   a. Phương pháp nguyện gẫm theo thánh Phanxicô Salê[2]

Việc nguyện gẫm gồm ba phần cốt yếu: Dọn mình – Suy ngắm – Kết thúc.

  • Việc Dọn mình: Nhớ mình trước mặt Chúa; Sự kêu van Chúa; Gợi lại điều mầu nhiệm sẽ suy ngắm.
  • Suy ngắm: Suy ngắm về chân lý ta đã chọn làm đề tài; Tâm tình và điều dốc lòng.
  • Kết thúc: Cảm ơn Chúa; Dâng lên Chúa những điều dốc lòng; Xin ơn vững vàng giữ các điều dốc lòng và kết bó hoa thiêng dâng Chúa.

    b. Phương pháp nguyện gẫm theo thánh Vinh Sơn Phaolô[3]

Việc nguyện gẫm gồm ba bước: Chuẩn bị – Diễn tiến suy niệm – Kết thúc

  • Chuẩn bị: Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa; Xin ơn trợ giúp để suy niệm sốt sắng; Chọn đề tài suy niệm.
  • Diễn tiến suy niệm: Suy niệm về đề tài đã chọn; Suy gẫm về động lực yêu mến thực hành nhân đức hoặc ý nghĩa về đề tài được chọn; Đưa ra những quyết tâm cụ thể.
  • Kết thúc: Cảm tạ Chúa về giờ suy niệm; Dâng Chúa những quyết tâm đã đề ra và xin ngài giúp ta thi hành các quyết tâm đó.

Nhìn tổng thể hai phương pháp nguyện gẫm trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy chúng khá tương đồng. Điều đó cho phép chúng ta nghĩ rằng, thánh Vinh Sơn Phaolô đã có cùng ý tưởng với thánh Phanxicô Salê hoặc ngài đã học hỏi và áp dụng phương pháp nguyện gẫm của thánh Phanxicô Salê, người thầy vĩ đại của ngài. Tuy nhiên, mỗi phương pháp vẫn có những điểm nhấn riêng. Thánh Phanxicô Salê vận dụng trí tưởng tượng nhiều để suy gẫm. Thánh Vinh Sơn thì ưa thích và nhấn mạnh sự cần thiết của các quyết tâm thực tế.

2. Chỉ dẫn và áp dụng chi tiết vào các phương pháp nguyện gẫm

a. Nguyện gẫm theo thánh Phanxicô Salê

Theo thánh Phanxicô Salê, ở phần thứ nhất, dọn mình nguyện gẫm, việc đầu tiên là khiêm nhường nhớ rằng mình ở trước mặt Chúa. Để làm được điều này, thánh nhân khuyên nên dùng một trong bốn phương thế sau cách đơn sơ và vắn tắt:[4]

  • Cầm trí hiểu thấu đáo một cách sống động rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Như người mù không trông thấy vua, họ dễ quên vua đang hiện diện, càng dễ quên giữ lễ độ cung kính. Cũng thế, mắt chúng ta không thấy Thiên Chúa hiện diện, nên dễ lãng quên Ngài. Vì thế, trước khi nguyện gẫm, chúng ta phải giục lòng cầm trí nghĩ đến Chúa đang hiện diện trước mặt ta và có thể nói rằng: “Ôi hỡi trái tim tôi, hỡi trái tim tôi, thật có Thiên Chúa đang ngự nơi đây.”[5]
  • Tin tưởng rằng Thiên Chúa hiện diện thực sự trong mọi vật, và đặc biệt Ngài ngự trị trong lòng trí ta.
  • Ngắm xem Chúa cứu thế, Ngài ở trong nhân tính của Ngài, từ chốn trời cao, Ngài nhìn xuống nhân loại. Đối với những ai đang cầu nguyện lại càng được Ngài chú ý cách riêng.
  • Dùng trí tưởng tượng Thiên Chúa đang ở gần ngay bên ta. Nếu chúng ta đang ở trước Mình Thánh Chúa, thì sự hiện diện của Ngài là thực sự, không cần tưởng tượng, vì hình Bánh Thánh Thể chỉ như bức màn che Đấng Thánh đằng sau đó.

Kêu van Chúa là việc thứ hai để dọn mình nguyện gẫm: Linh hồn chúng ta trước nhan Chúa, hết lòng cung kính sấp mình thờ lạy Ngài, kêu van Ngài ban cho linh hồn ta được làm tôi tớ Ngài. Chúng ta có thể mượn những lời kêu van sốt sắng của thánh vương Đavít: “Ôi lạy Chúa! Xin Chúa đừng xua đuổi con khỏi nhan Chúa, xin đừng cất ơn Thánh Linh Chúa khỏi lòng con; xin Thánh nhan Chúa hãy soi sáng cho tôi tớ Chúa…[6] Chúng ta cũng nên thêm lời kêu van thiên thần bản mệnh và những vị thánh mà ta biết sẽ gặp thấy trong phần suy ngắm tiếp theo.

Gợi lại điều mầu nhiệm sẽ suy ngắm như thể điều ấy diễn ra thực sự trước mặt chúng ta. Điều này có người gọi là “dàn cảnh.” Ví dụ, chúng ta muốn nguyện ngắm về Chúa chịu nạn, hãy tưởng tượng mình đang ở trên núi Calvariô, xem thấy mọi việc đã xảy ra và nghe thấy mọi lời đã được nói trong ngày khổ nạn. Còn khi suy ngắm về sự cao cả của Thiên Chúa, về những nhân đức tuyệt vời của Ngài là những điều vô hình, ta không dùng trí tưởng tượng trên được, khi đó hãy dùng cách khác để giúp mình dễ suy ngắm, miễn sao đừng bận trí quá nhiều trong việc suy luận.

Phần thứ hai, thánh Phanxicô Salê nói đến việc Suy ngắm là suy ra một lý lẽ hoặc nhiều lý lẽ để làm cho chúng ta động lòng yêu mến Chúa và những sự thuộc về Ngài, bởi đó mà nguyện gẫm khác với học hành và những điều suy luận khác chỉ để nên thông thái. Việc suy ngắm gồm hai phần:

– Trước hết, chúng ta hãy suy ngắm về chân lý đã chọn làm đề tài, nếu suy đến điều nào khiến ta thấy hứng vui và ích lợi nhiều hãy dừng lại, đừng bỏ qua, hãy bắt chước loài ong, bao lâu còn hút được nhụy ở bông hoa nào, thì chúng không hề bỏ bông hoa ấy mà bay đi. Nhưng nếu gặp điều không đáp ứng nguyện ước, sau khi đã cân nhắc và cố gắng một chút mới suy ngắm sang điều khác, chớ vội vã mà hãy làm từ từ cách đơn sơ.[7]

Tâm tình và điều dốc lòng: nguyện ngắm gây nên những mối xúc động tốt lành trong ý chí hoặc trong tâm tình chúng ta, như lòng mến Chúa yêu người, niềm ước ao thiên đàng và phúc vinh quang, lòng nhiệt thành cứu giúp các linh hồn, noi gương Chúa Giêsu, tâm tình cảm thương, ngợi khen, vui mừng, ngay cả những nỗi e sợ mất nghĩa cùng Chúa, … Chúng ta không dừng lại mãi ở những tâm tình chung chung, mà hãy biến thành những điều dốc lòng riêng biệt để sửa mình và cải thiện đời sống. Ví dụ: lời đầu tiên của Chúa trên thánh giá, gợi cho linh hồn ta tâm tình tốt lành muốn bắt chước Chúa, ước ao tha thứ cho kẻ thù địch và yêu mến họ. Vậy tâm tình này chưa là gì nếu chúng ta không thêm vào điều dốc lòng riêng biệt nào như sau: tôi sẽ không tức giận về những lời châm chọc của người này, người kia, của một bạn láng giềng; tôi cũng không để lòng tức giận ai đó vì đã tỏ thái độ khinh dể tôi, trái lại, tôi sẽ nói lời này, sẽ làm việc kia để chinh phục người ấy và xoa dịu cơn tức giận…

Sau cùng, để kết thúc bài nguyện gẫm, thánh Phanxicô Salê nêu lên ba việc cần làm cách khiêm nhường hết sức: Thứ nhất, cảm ơn Chúa vì những tâm tình và những điều dốc lòng Ngài đã ban cho ta, vì lòng nhân từ thương xót của Ngài mà chúng ta hiểu mầu nhiệm vừa suy ngắm; Thứ hai, chúng ta dâng lên Chúa chính lòng nhân từ và lòng thương xót của Ngài, dâng cả những tâm tình cũng như những điều dốc lòng của mình lên Chúa; Cuối cùng, chúng ta xin Chúa ban ơn phúc và nhân đức của Con Ngài cho chúng ta, xin Ngài chúc lành, giúp ta vững vàng giữ các điều dốc lòng.

Thêm vào những việc trên, thánh Phanxicô Salê khuyên chúng ta nên hái một bó hoa thiêng liêng như thể người dạo chơi trong vườn hoa đẹp, khi ra khỏi vườn, người ấy ngắt lấy vài bông hoa để ngửi cho thơm và giữ lấy suốt ngày. Cũng thế, trong giờ nguyện gẫm, chúng ta chọn lấy một hoặc hai điều thích hợp giúp ta tấn tới trên đường thiêng liêng, để suốt ngày, chúng ta nhớ lại và ngửi cách thiêng liêng.[8]

b. Nguyện gẫm theo thánh Vinh Sơn Phaolô

Với thánh Vinh Sơn Phaolô, bước thứ nhất, chuẩn bị thật cần thiết để có buổi nguyện gẫm tốt. Ngài đề nghị phải chuẩn bị từ tối hôm trước, bằng việc đọc một vài điểm, điều đó sẽ kích thích việc cầu nguyện vào giờ nguyện gẫm sáng hôm sau.[9] Bước chuẩn bị bao gồm:

  • Việc đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, bằng những cách như: Xét mình, suy nghĩ việc Chúa Giêsu đang hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể; Suy nghĩ việc Thiên Chúa toàn năng cai quản toàn thể vũ trụ hoặc qua việc nhớ đến sự hiện diện của Ngài trong chính tâm hồn chúng ta.
  • Chúng ta xin ơn Chúa trợ giúp để làm giờ nguyện gẫm sốt sắng, cũng nên cầu xin Đức trinh nữ Maria, Thiên thần hộ thủ và các thánh chuyển cầu.
  • Sau cùng, chúng ta chọn một đề tài để suy niệm, như một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu, một nhân đức, một bài đọc trong Kinh Thánh hoặc một ngày lễ.[10]

Bước thứ hai, diễn tiến suy niệm là phần cốt yếu gồm:

  • Suy niệm về đề tài đã chọn: chúng ta bắt đầu xem xét chủ đề, ví dụ chủ đề tôi chọn từ tối hôm trước là “nhân đức dịu hiền.” Tôi đã tìm đoạn Kinh Thánh nói về đức dịu hiền nơi Đức Giêsu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi vì tôi dịu hiền và khiêm nhường” (Mt 11,29). Tôi suy niệm về bản chất của sự dịu hiền? Vì sao Đức Giêsu dạy tôi sống dịu hiền? Thánh Vinh Sơn nói gì về nhân đức này?
  • Chúng ta tiếp tục suy gẫm về động lực yêu mến thực hành nhân đức hoặc ý nghĩa về đề tài được chọn. Cần lưu ý rằng, khi suy gẫm đề tài, chúng ta đừng tìm những suy nghĩ đẹp hay văn vẻ. Thay vào đó, hãy luôn hạ mình xuống trong nguyện gẫm. Chúa Cứu Thế đủ sức nói cách hùng hồn để mọi người phải khuất phục, nhưng Ngài không làm thế. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, suy gẫm không phải để có thêm kiến thức, nhưng là để ý chí có được những tình cảm và quyến luyến Thiên Chúa, có được những động lực thích thú thực hành nhân đức.[11] Với đề tài đức dịu hiền trên, tôi suy gẫm và cố gắng đưa ra thật nhiều lý do khiến tôi yêu mến đức dịu hiền như: Nhà thừa sai Vinh Sơn cần phải dịu hiền, nhã nhặn đến mức tối đa có thể, đó là nhân đức tối cần thiết để giúp tôi mang Tin Mừng đến muôn dân; Tôi phải kiên nhẫn, dịu hiền với anh em trong cộng đoàn trước thì mới nói đến chuyện kiên nhẫn với những người khốn khổ, thô thiển, chậm chạp, nhem nhuốc mà tôi gặp gỡ; Sự dịu hiền cuốn hút người khác. Chúa Giêsu cuốn hút dân chúng không chỉ do tài giảng thuyết, mà còn bởi Ngài là con người nhân hậu, dịu hiền, giàu lòng xót thương, vì thế tôi càng nên tập đức tính này…
  • Đưa ra những quyết tâm cụ thể hoặc “dốc lòng” là điểm son, nổi bật nhất trong phương pháp nguyện gẫm của thánh Vinh Sơn. Kết quả chính của nguyện gẫm hệ tại ở việc dốc lòng nghiêm túc và mạnh mẽ. Những dốc lòng của chúng ta thuộc về hành vi thể lý và luân lý, chúng là điều tốt, nhưng việc thực hành và hiệu lực của chúng còn tuyệt đối tùy thuộc vào Thiên Chúa. Dẫu rằng chúng ta đã không trung thành thực hành điều đã dốc lòng lần nguyện gẫm trước, chúng ta cũng không được bỏ qua những dốc lòng mới trong các buổi nguyện gẫm khác.[12]

Trong đề tài đức dịu hiền trên, chúng ta đưa ra những dốc lòng cụ thể để luyện tập đức dịu hiền như: Tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo trước khi nói về ai đó. Tôi cố gắng loại bỏ những từ ngữ mang tính sáo rỗng, thô tục nếu có trong đầu, và đương nhiên, tôi không nói những từ ngữ đó ra khỏi miệng. Tôi tập nói năng dịu dàng, không chua cay gắt gỏng với anh đó, chị đó. Tôi biết bản thân hiếu thắng mỗi khi chơi thể thao, vì thế, tôi luôn nhắc nhở mình trước khi chơi, phải chơi đẹp, chơi hiền hòa với anh em…

Bước kết thúc trong phương pháp nguyện gẫm của thánh Vinh Sơn chỉ đơn giản là việc cảm tạ Chúa về giờ nguyện gẫm và về các ân sủng mà chúng ta nhận được trong giờ nguyện gẫm. Chúng ta đặt trước nhan Chúa những dốc lòng đã đề ra. Sau đó, chúng ta xin Ngài ban ơn, giúp chúng ta thi hành các điều dốc lòng đó.

3. Vài ý kiến hữu ích thêm vào vấn đề nguyện gẫm

Nhìn chung, trong cả hai phương pháp nguyện gẫm, thánh Phanxicô Salê và thánh Vinh Sơn Phaolô đều yêu thích việc đưa ra những quyết tâm, thực hành những điều dốc lòng. Thánh Phanxicô nói: “Nguyện gẫm xong, con phải hết sức nhớ những điều đã dốc lòng và quyết tâm, để đem ra thực hành cẩn thận suốt ngày hôm ấy. Đó là hiệu quả lớn lao nhất của việc nguyện gẫm, không có hiệu quả ấy, thì nhiều khi nguyện gẫm chẳng những vô ích mà lại có hại nữa… vậy, phải tìm mọi phương thế mà thực hành những điều đã dốc lòng.[13] Thánh nhân nêu một ví dụ: Nếu tôi dốc lòng ở dịu hiền để chinh phục người làm mất lòng tôi, thì ngay trong ngày hôm nay, tôi sẽ tìm dịp gặp họ để chào hỏi người ấy cách thân ái. Nếu tôi không thể gặp họ được, ít là tôi sẽ tìm dịp nói tốt về họ và cầu nguyện cho họ.[14]

Với thánh Vinh Sơn, một con người thực tế, ngài không bao giờ dừng lại ở tình yêu cảm tính mà luôn tiến tới tình yêu thiết thực. Cũng thế, trong nguyện gẫm, cha thánh không dừng lại ở những lý luận cao siêu, không tìm kiếm những suy nghĩ hoa mỹ, mà luôn đưa ra những quyết tâm cụ thể. Điều đó làm nên sự hoán cải không ngừng và thay đổi cuộc sống.

Việc khô khan hay chán nản gặp phải trong lúc nguyện gẫm hay không kiên trì trong việc cầu nguyện là điều dễ xảy ra. Khi đó, thánh Phanxicô khuyên rằng: “Con nên mở miệng ra lên tiếng cầu nguyện, hãy than vãn cùng Chúa, hãy xưng ra mình bất xứng, hãy cầu xin Chúa đến hộ giúp. […] Con có thể cầm sách chú ý mà đọc cho đến khi trí khôn đã thức tỉnh. Đôi khi, nên dùng những cử chỉ sốt sắng bên ngoài để đánh động trong lòng, chẳng hạn việc sấp mình, úp hai tay trước ngực hôn ảnh chuộc tội. […] Cho dẫu đã làm hết cách mà vẫn chưa được an ủi, con đừng bối rối, cứ phải ở đấy và hãy tiếp tục giữ thái độ sốt sắng và bình tĩnh. Chúa sẽ nhận tấm lòng nhẫn nại của con.”[15]

Với thánh Vinh Sơn, việc nguyện gẫm cần sự kiên trì và mang tính liên tục. Trong Luật Chung, ngài viết: “Chúa Kitô còn thêm vào thời khóa biểu của Người những giờ suy gẫm, đôi khi Người cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa (x. Lc 6,12). Chúng ta không thể hoàn toàn noi gương Người về điều này, nhưng chúng ta cần phải nỗ lực noi gương Người theo khả năng bé nhỏ của chúng ta. Do đó, hằng ngày, tất cả các thành viên cần phải dành một giờ để nguyện gẫm.”[16] Đôi khi việc nguyện gẫm làm chúng ta cảm thấy phí thì giờ,[17] hoặc có thể khô khan kéo dài,[18] nhưng chúng ta không bỏ cuộc. Tính liên tục trong việc nguyện gẫm được thể hiện trong những quyết tâm cần thực hiện, hoặc ngay cả trong những hành động bác ái khi không ngồi một chỗ để suy gẫm. Đó là “bỏ Chúa vì Chúa.[19]

Kết luận

Thánh Phanxicô Salê và thánh Vinh Sơn Phaolô, cả hai vị đều biết rõ tầm quan trọng của việc nguyện gẫm: “Nguyện gẫm là thứ nước phép rửa linh hồn sạch khỏi những khiếm khuyết, giải thoát trái tim khỏi mọi tình dục,[20]là của ăn nuôi linh hồn[21] và “nhờ nguyện gẫm mà ta giữ vững được ơn gọi.”[22] Từ đó, các ngài đã xây dựng cho mình phương pháp nguyện gẫm tốt để thăng tiến trong tương quan thân tình với Chúa. Hai phương pháp nguyện gẫm khá tương đồng với ba bước rõ ràng: Chuẩn bị (Dọn mình) – Diễn tiến suy niệm (Suy ngắm) – Kết thúc. Dẫu biết rằng, suốt dòng lịch sử Giáo hội có rất nhiều phương pháp cầu nguyện, nhưng với tôi, hai phương pháp nguyện gẫm trên thật hữu ích cho những tâm hồn khao khát gặp gỡ Chúa và rất thích hợp để luyện tập những nhân đức trọn lành.

Giuse Nguyễn Đức Duy

[1] x. PHANXICÔ SALÊ, Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức, Tái bản 1947, 89.

[2] x. FRANCOIS DE SALES, l’Introduction à la vie dévote, Hoàng Minh Tuấn. CSsr chuyển ngữ, 411- 417.

[3] x. Tomaž Mavrič, C.M, “Suy Niệm Vinh Sơntrong Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, Phaolô Phạm Quang Hoàng C.M biên tập, 4.

[4] x. PHANXICÔ SALÊ, Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức, Tái bản 1947, 95-96.

[5] Ibidem.

[6] Ibid, 97.

[7] x. Ibid, 101-102.

[8] x. Ibid, 106.

[9] x. SV. IX, 426.

[10] x. Tomaž Mavrič, C.M, “Suy Niệm Vinh Sơntrong Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, Phaolô Phạm Quang Hoàng C.M biên tập, 4.

[11] x. Gioan Baotixita Nguyễn Quốc Thư, C.M, “Nguyện Gẫm Theo Thánh Vinh Sơn” trong Những Bông Hoa Lượm Trên Đường, 59-60.

[12] x. Ibid, 61-62.

[13] PHANXICÔ SALÊ, Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức, Tái bản 1947, 107.

[14] x. Ibidem.

[15] Ibid, 111 -112.

[16] LC, X, 7. (xem thêm HP, 47)

[17] x. SV. IX, 50.

[18] x. SV IX, 634.

[19] SV. IX, 319.

[20] PHANXICÔ SALÊ, Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức, Tái bản 1947, 88.

[21] SV. X, 416.

[22] Ibidem.