Huyền nhiệm gia đình – Chúa Nhật lễ Thánh Gia Thất – Năm C

0
879

I. Các bài đọc

Bài đọc I: 1 Samuel 1,20-22,24-28

Bài trích sách Samuel quyển thứ I : Bà Anna dâng hiến con mình là Samuel cho Đức Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84,2-3,5-6,9-10

Tv 84: Hạnh phúc thay ai được cư ngụ trong nhà Chúa.

Bài đọc II: 1 Ga 3,1-2,21-24

Trích thư thứ I của thánh Gioan Tông đồ: bây giờ chúng ta là những người con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng: Lc 2,41-52

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Trẻ Giêsu được tìm thấy trong đền thờ.

II. Chia sẻ

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia Thất. Lễ này là một phần của mùa Giáng Sinh, và chúng ta nên đặt bài Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh của bài Tin Mừng Luca, cho chúng ta biết về sự ra đời của Chúa Giêsu. Thánh Luca đã trả lời câu hỏi “Chúa Giêsu là ai?” qua những câu chuyện của ngài về sự ra đời của Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Bài đọc Tin Mừng hôm nay tiếp tục chủ đề này. Nó không có sự tương đồng trong các sách Phúc âm khác và là phần kết của Truyện kể thời thơ ấu của Tin Mừng Luca.

Trọng tâm của ngày lễ hôm nay quy hướng về Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Một gia đình khuôn mẫu cho mọi gia đình. Và là một hấp dẫn về đời sống thiêng liêng cho các gia đình khác noi theo. Vì vậy chúng ta hãy xem những chiều kích đức tin nào nơi Thánh Gia để có thể giúp chúng ta soi chiếu vào gia đình của mình.

Những gia đình trung thành với truyền thống đức tin

Một thực tại trong đời sống ngày nay là sự tương quan trong các gia đình không còn gắn kết chặt chẽ, vì quá bận rộn với cuộc sống. Thậm chí tình thân trong gia đình trở nên tẻ nhạt và thờ ơ. Đời sống đức tin thì xuống dốc. Nhất là khi biến cố covid đã làm cho người ta trở nên nguội lạnh với các thánh lễ và các bí tích. Từ thực tại đó, các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta thấy một trong những nền tảng quan trọng trong đời sống gia đình, là sự trung thành với truyền thống đức tin.

Ngay trong bài đọc I – sách Samuel, chúng ta nghe về câu chuyện của bà Anna và chồng bà là Ancana đã đem đứa con trai đầu lòng của mình là Samuel, để hiến dâng cho Thiên Chúa: “Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm” (1 Sm 1,24). Cả hai vợ chồng ông Ancana là những người Do thái sùng đạo và trung thành với truyền thống đức tin. Cả hai đã luôn làm theo điều Chúa dạy.

Trong bài Tin Mừng, Đức Mẹ và thánh Giuse cũng được nêu gương như một gia đình Do thái trung thành với truyền thống đức tin, khi dâng người con của mình là trẻ Giêsu cho Thiên Chúa: “Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2,41).

Điểm nổi bật này cho chúng ta thấy rằng. Truyền thống đức tin của gia đình là một điều then chốt chính yếu, mà bất cứ gia đình nào cũng cần phải gìn giữ. Vì điều đó nói lên sự tương quan của gia đình với Thiên Chúa. Gia đình thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa, thì thật là một nỗi bất hạnh khôn cùng. Khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa, thì đồng thời hạnh phúc thật cũng sẽ từ từ biến mất; khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa, thì mỗi người trong gia đình là một ốc đảo tự mình bảo vệ mình, tự mình lo cho mình và trở thành đối nghịch với nhau, vì một chút ích kỷ nhỏ nhen nào đó: cha thì bảo vệ quyền lợi và tiền bạc của cha, mẹ thì chì biết chăm sóc bản thân mình hơn chăm sóc con cái, và con cái thì như của nợ mà cha và mẹ muốn đổ trách nhiệm cho nhau, không ai nhận làm của mình. Vì thế cần quy hương gia đình về Thiên Chúa thì mới mong tìm được hạnh phúc đích thực. Và giữ trung thành truyền thống đức tin, là chìa khóa để bảo vệ hạnh phúc gia đình trong thế giới ngày nay.

Huyền nhiệm gia đình

Lễ Thánh Gia là cơ hội để suy tư về mầu nhiệm của đời sống gia đình. Trên thực tế, mọi gia đình và cộng đoàn đều phải trải qua những thử thách khó hiểu, bực bội và muôn vàn khó khăn như thánh Luca đã mô tả: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Nói một cách đơn giản nhất, Đức Mẹ và thánh Giuse đã phải đối mặt với sự thật khó khăn rằng, Chúa Giêsu không đồng hành cùng họ trong mọi bước đường. Đó là một câu chuyện thực tế về một cuộc xung đột gia đình và là biểu tượng của tất cả các loại mối quan hệ.

Mỗi gia đình và cộng đoàn đều có những chia sẻ về những thách thức được tóm tắt ở đây. Chúng ta biết cảm giác như thế nào khi các thành viên trong gia đình không đi cùng chúng ta trên hành trình. Khi Đức Mẹ và thánh Giuse đối mặt với Chúa Giêsu trong Đền thờ, họ phải đối mặt với sự thật rằng, Ngài sẽ phải khám phá ra con đường của chính mình trong cuộc sống. Bất kể họ có thể hy vọng điều gì ở Ngài, Ngài không thuộc về họ “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu bắt nguồn từ sự tôn kính sâu sắc đối với huyền nhiệm của người kia. Sự tôn kính như vậy nuôi dưỡng sự tôn trọng sâu sắc đối với sự tự do huyền nhiệm của người khác. Trong đó, chúng ta học cách mong muốn rằng người kia sẽ trở thành con người của họ hơn là những gì chúng ta muốn có họ.

Bà Anna và con trai Samuel đưa ra một ví dụ điển hình về điều này. Chiều hướng bất ngờ của niềm khao khát có con của bà Anna là ngay cả khi cầu nguyện để trở thành một người mẹ, bà đã hứa sẽ giao con mình cho Chúa: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi” ( 1 Sm 1,22). Ngày nay, gương của bà có vẻ lạ lùng, bà Anna xem con trai mình thuộc về Chúa và kế hoạch của Chúa dành cho thế giới hơn là bất cứ điều gì khác.

Học yêu thương từ gia đình

Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta kỷ niệm mối quan hệ của chúng ta với những người chúng ta yêu thương cách sâu sắc nhất. Nó nhắc nhở chúng ta rằng món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao cho người khác là tôn trọng và nuôi dưỡng sự tự do của họ để trở thành tất cả những gì Chúa đã tạo ra cho họ. Cho dù đó là với con cái, vợ chồng, anh chị em hoặc các thành viên trong gia đình, cộng đoàn của chúng ta, chúng ta biết điều đó sẽ không dễ dàng.

Nhưng phải luôn tin tưởng rằng gia đình là nơi để học yêu thương. Yêu thương lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau. Đó là mối tương quan sâu xa mà mỗi người cần phải học cả đời để yêu thương và phục vụ như thánh Gioan nhắc nhở chúng ta trong bài đọc II: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3,23). Thánh Gia là một gia đình có Chúa và cũng là một gia đình yêu thương nhau trong Chúa. Gia đình không biết yêu thương, thì xem ra gia đình đó cũng đang vắng bóng Thiên Chúa trong gia đình của mình.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã từng nói rằng tình yêu “có sức mạnh riêng của nó. Và tình yêu không bao giờ chấm dứt”, ngài giải thích rằng nếu học cách thực sự yêu thương như Thiên Chúa đã dạy, “các con sẽ biến đổi điều gì đó trở thành mãi mãi”.

Lễ Thánh Gia là một cơ hội để các gia đình nhìn lại gia đình mình. Chúa có vị trí nào trong gia đình? Tình yêu thương dành cho nhau như thế nào? Tất cả đều gợi lên một tình cảm thân thương gắn kết với Thiên Chúa và với nhau. Khi dành thời gian suy ngẫm để kỷ niệm ngày lễ này, chúng ta có thể tận hưởng suy ngẫm về những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Rõ ràng, chủ đề của ngày là tình yêu gia đình. Nhưng các bài đọc hướng chúng ta đến việc phản ánh cụ thể cách tình yêu nuôi dưỡng sự tự do của mỗi người để trở nên sâu sắc hơn chính con người của họ.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM