Khiêm Nhường – Nhân Đức Nền Tảng Của Nhà Truyền Giáo Vinh Sơn

0
8232

Giuse Nguyễn Đức Duy

Tội kiêu ngạo có thể được xem là tội nặng nhất trong bảy mối tội đầu. Nó cũng là căn nguyên gây ra mọi tội lỗi. Và nếu chúng ta nói kiêu ngạo là mẹ của những tội khác thì ngược lại “Khiêm nhường là nền móng của sự hoàn thiện… là đầu mối của tất cả đời sống thiêng liêng.”[1] Khiêm nhường là một nhân đức cơ bản và không thể thiếu để thành một nhà truyền giáo thực sự. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã quả quyết: “Khiêm nhường là nhân đức của Đức Giêsu Kitô, nhân đức của Mẹ Thánh Người, nhân đức của các vị đại thánh và cuối cùng là nhân đức của các nhà thừa sai.”[2]

Bởi vậy, trong bài viết này, tôi xin trình bày về nhân đức khiêm nhường, như là một nhân đức nền tảng của nhà truyền giáo Vinh Sơn. Trước hết, tôi sẽ trình bày cách tổng quan về nhân đức khiêm nhường. Thứ đến, tôi sẽ nói đến giáo huấn của thánh Vinh Sơn về sự khiêm nhường. Và cuối cùng là nhận định về nhân đức khiêm nhường trong bối cảnh ngày nay.

1. Tổng quan về nhân đức khiêm nhường

1.1. Khiêm nhường là gì

Khiêm nhường được hiểu là nhìn nhận đúng những gì về bản thân từ đó dẫn đến thái độ không khoe khoang, không xét đoán, khinh chê người khác. Người khiêm nhường luôn ý thức vị trí của mình, khả năng, giới hạn của mình. Họ sống đúng với thân phận thụ tạo và rồi nhận ra tất cả là hồng ân Thiên Chúa, từ đó có những suy nghĩ, lời nói, hành vi ứng xử phải đạo và luôn biết cảm ơn Thiên Chúa.

Người khiêm nhường tự bản chất luôn được mọi người yêu mến, bởi lẽ khi khiêm nhường họ ứng xử khéo léo, ăn nói dịu hiền. Giả như bạn không tài năng nhưng bạn sống khiêm nhường thì người ta luôn tôn trọng bạn. Hơn nữa, nếu bạn có tài mà lại khiêm nhường thì bạn càng được yêu mến hơn.

Quả thật, chúng ta yêu mến người khiêm nhường, chúng ta cũng muốn là người khiêm nhường để được mọi người yêu mến. Khi sống khiêm nhường, chúng ta không thể tự nói rằng: “Tôi là người khiêm nhường” bởi lẽ không một ai khiêm nhường thật sự mà dám nhận rằng mình khiêm nhường, trừ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không chỉ sống khiêm nhường, dạy người ta sống khiêm nhường, mà chính Ngài là sự khiêm nhường. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

1.2. Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu

Khi nói chính Chúa Giêsu là sự khiêm nhường, tôi muốn nói rằng cả cuộc đời Ngài là sự khiêm nhường: Từ mầu nhiệm nhập thể; cuộc sống nơi trần thế của Ngài, và đỉnh cao là mầu nhiệm khổ nạn – phục sinh.

1.2.1. Mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm tình yêu khiêm nhường

Có khi nào, chúng ta tự hỏi, một Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, sáng tạo muôn loài, sao lại mang lấy thân xác loài người? Đã thế, Ngài còn được sinh ra nơi hang bò lừa lạnh lẽo, nghèo hèn. Ngài là Đấng đầy uy quyền, Ngài dư khả năng làm điều ngài muốn. Thế nhưng, Ngài chọn cách yêu thương con người, cứu độ con người bằng con đường khiêm nhường. Khiêm nhường hạ mình để hiểu con người và cũng để con người dễ dàng hiểu Thiên Chúa hơn. Thiên Chúa lúc này không xa cách với con người nữa. Ngài là Thiên Chúa thật và là con người thật.

1.2.2. Cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu là bài học khiêm nhường

Nói gì thì nói, thật khó mà tưởng tượng một Thiên Chúa nhập thể làm người, huống chi là một Thiên Chúa lao nhọc, ăn uống ngủ nghỉ như một người trong chúng ta. Thiên Chúa là con bác thợ mộc ư! Thiên Chúa suy nghĩ với tâm trí của con người, làm việc và hành động với đôi tay con người, yêu thương bằng trái tim con người ư! Đúng thế, một Thiên Chúa khiêm nhường từ trong ra ngoài, từ trước tới sau. Bắt đầu hành trình hoạt động công khai, Đức Giêsu đã đến và hòa mình với đám đông tội lỗi trong dòng sông Giođan, mặc dù đó không phải là chỗ của Ngài. Sự khiêm nhường của Đức Giêsu còn thể hiện trong từng lời nói, trong từng hành động. Ngài sử dụng ngôn từ đơn sơ gần gũi để nói cho dân chúng biết về Chúa Cha, về Nước Trời. Trong bữa tiệc ly, không phải các tông đồ đã rửa chân cho Chúa Giêsu, nhưng chính Ngài đã quỳ xuống rồi rửa chân cho các ông (x.Ga13,1-20). Hơn nữa, để các ông tưởng nhớ đến Ngài trong cuộc sống dương thế, Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh bé nhỏ khiêm nhường.

1.2.3. Mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh trong tình yêu khiêm nhường

Nếu nói cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu là bài học khiêm nhường, thì đỉnh cao của bài học đó là cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Không giống các vị vua trần thế cưỡi ngựa oai phong lẫm liệt, Chúa chúng ta khiêm nhu cưỡi trên lưng lừa con, tiến vào thành thánh Giêrusalem. Một hình ảnh rất “Do Thái” để diễn tả Đấng Mêsia hiền hòa, khiêm nhu. Đấng mà hôm nay người ta tung hô nhưng ngày mai lại đòi đóng đinh. Đấng khiêm tốn trở nên người phục vụ, quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Đấng sẵn sàng để học trò bán đứng, chối bỏ, để người ta bắt bớ, sỉ nhục, để người ta đội cho mão gai rồi treo trên thập giá. Trên thập giá, trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giêsu đã khiêm tốn nài xin Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm(Lc 23,34). Đã thế sau khi chết, Chúa Giêsu còn xuống tận âm phủ để ôm lấy những tâm hồn cô đơn và Ngài trở nên kẻ đồng cô đơn. Và rồi, khi Ngài bước ra khỏi cõi chết, Ngài được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhìn nhận, tôn vinh và mặc khải căn tính đích thật của Ngài.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là bài học tình yêu khiêm nhường và Ngài muốn con người bắt chước Ngài. Trong đó có thánh Vinh Sơn, thánh nhân đã nỗ lực học theo Thầy Giêsu bài học khiêm nhường này.

2. Giáo huấn của Thánh Vinh Sơn về sự khiêm nhường

2.1. Đức khiêm nhường đòi hỏi những gì?

Như đã nói từ đầu, khiêm nhường là nhân đức nền tảng cho mọi nhân đức. Vì thế tự bản chất, nó đòi hỏi người thụ huấn phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Dựa trên những tư tưởng và giáo huấn của thánh Vinh Sơn, tôi sẽ nêu lên ba đòi hỏi cơ bản của nhân đức khiêm nhường như sau:

2.1.1. Khiêm nhường đòi hỏi việc nhìn nhận những gì tốt lành đều đến từ Thiên Chúa

Thử hỏi những cái “ta có,ta là” có thật sự là bởi ta không? Ta đừng tự hào ta làm được điều này điều nọ bởi sức riêng ta. Suy cho cùng tất cả những gì “ta có” hay “ta là” đều xuất phát từ Thiên Chúa. Thế thì ta dựa vào đâu mà tự hào, lên mặt khinh chê người khác. Thánh Vinh Sơn đã viết cho một người anh em trong Tu hội: “Nếu có điều gì tốt trong chúng ta và trong cách sống của chúng ta, thì điều tốt đó đến từ Thiên Chúa. Tùy vào Thiên Chúa để cho điều đó được biết đến… Còn đối với chúng ta là những người thợ nghèo nàn và khiếm khuyết, nhiệm vụ của chúng ta là ẩn dấu mình nhiều hơn. Chúng ta là những con người mà tự sức mình không thể thực hiện bất cứ điều gì tốt lành, là những con người thậm chí không đáng được nghĩ đến.[3]

2.1.2. Khiêm nhường đòi hỏi thái độ lắng nghe và từ bỏ

Nhiều người có trong mình khuynh hướng quy cá nhân, luôn cho rằng mình đúng và thường không thích nghe người khác chỉ dạy hay sửa lỗi. Người như thế sẽ không tiến bộ trong đường nhân đức, không thành công trong cuộc sống. Họ cần sửa đổi, cần biết lắng nghe. Bởi không ai là hoàn hảo, ai cũng có những lúc phạm sai lầm. Khi lắng nghe lời góp ý chân thành của người khác, họ thực sự khiêm nhường nhận ra điểm yếu của bản thân để từ đó biết cách sửa đổi, hoàn thiện hơn. Còn giả như những lời góp ý không chân thành hay không tốt đi nữa, thì cũng chẳng mất mát gì khi họ lắng nghe. Khi đó, họ đang tập tính “khiêm nhường kiên nhẫn”, và được người góp ý yêu mến hơn.

Thái độ khiêm nhường lắng nghe thật cần thiết đối với những người giữ chức vụ. Họ là những vị bề trên, những người quản lý trung thành của Chúa. Họ không chỉ lắng nghe thánh ý Chúa, mà còn biết lắng nghe những ý kiến, những nguyện vọng của bề dưới. Thánh Vinh Sơn nói: “Nếu một bề trên muốn bảo đảm hiệu quả cho việc quản trị của mình thì phải mạnh mẽ theo đuổi các mục đích đã đặt ra, nhưng phải gắng sức ẩn mình dưới lớp tro của đức khiêm nhường, nghĩ tốt hết sức về người khác và đối xử với từng người anh em cách khoan dung và dịu hiền.[4]

Trong các buổi họp, người ta thường thích ý kiến mình được để ý. Người ta lo lắng khi những người khác đạt được mục tiêu. Người ta muốn thắng thế vì họ tin rằng, mình có những lý do thuyết phục hơn người khác. Nếu người ta hành động theo bản tính tự nhiên thì dẫn đến mâu thuẫn với nhiều người. Nhưng nếu theo nhân đức khiêm nhường của một thừa sai tốt lành, người ta sẽ từ bỏ phán đoán riêng, nhường nhịn người khác và yêu thích tâm tình của họ hơn của mình.[5]

2.1.3. Khiêm nhường đòi hỏi sự chịu thiệt thòi và chịu khinh chê

Một khi từ bỏ, ắt có thiệt thòi. Đây là sự chọn lựa đầy hy sinh của người khiêm nhường. Ai mà không muốn cái tốt, cái lợi cho mình. Chẳng phải khi đi ăn cỗ, người ta thích ngồi chỗ nhất hoặc khi lội nước, dại gì mà không đi sau. Thật ít những người thích chịu thiệt thòi, thích điều tốt cho tha nhân thay vì cho bản thân. Và càng hiếm những người chọn sự khinh chê cho bản thân thay vì được người đời ca tụng. Trong điểm này, thánh Vinh Sơn bắt chước Chúa Giêsu cách triệt để, ngài nói: “Việc chúng ta điềm tĩnh chấp nhận bị xỉ nhục sẽ nâng chúng ta lên, sẽ dẫn dắt chúng ta từng bước một đi từ nhân đức này đến nhân đức khác, cho đến khi chúng ta đạt tới Thiên đàng.[6] Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh thêm: “chúng ta phải thành thật nhìn nhận mình xứng đáng bị khinh bỉ; phải vui vẻ khi người khác biết được những khuyết điểm của chúng ta và khinh bỉ chúng ta.[7]

Liệu rằng khi hiểu rõ các đòi hỏi của nhân đức khiêm nhường, những nhà truyền giáo Vinh Sơn còn can đảm sống nhân đức này không?

2.2. Nhân đức khiêm nhường đối với nhà truyền giáo

Lịch sử Tu hội Truyền giáo đã minh chứng các nhà truyền giáo không thể thiếu nhân đức khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng giúp những người được sai đi không chỉ yêu mến Thiên Chúa nhưng làm cho Người được yêu mến hơn.[8] Nếu không có nhân đức khiêm nhường, họ sẽ:

2.2.1. Không lắng nghe được tiếng người nghèo

Chúng ta thử nghĩ xem, nếu một người đến yêu cầu chúng ta phải thế này, thế nọ với điệu bộ ra lệnh, chưa nói là hóng hách, kiêu ngạo. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta sẽ nghe họ chăng? Còn nếu một nhà truyền giáo ăn mặc bảnh bao, đi ô tô đắt tiền đến nói với người nghèo hãy đến với Chúa, hãy học cùng Chúa “hiền lành” và “khiêm nhường” và còn nhiều điều trên trời nữa. Liệu rằng những người nghèo kia có quan tâm đến “vị Chúa” mà nhà truyền giáo kia nói tới không? Liệu rằng họ có nổi khùng lên và nói thôi mời anh đi chỗ khác cho, để khi khác chúng tôi nghe anh không? Một nhà truyền giáo không khiêm tốn, không giản dị, không gần gũi đồng nghĩa với việc người nghèo không nghe họ hay đúng hơn là họ không nghe được người nghèo. Thánh Vinh biết rõ điều này, ngài nói với hai chị Nữ Tử Bác Ái được sai đi Cahors, ngày 4/11/1658: “Phải có đức khiêm nhường, bởi các chị em phải đi chiến đấu với ma quỷ của xứ này, đó là tính kiêu ngạo, ma quỷ thống trị nơi đó chính là quỷ kiêu ngạo, giận dữ, nổi khùng, và tự phụ. Đó là những tật xấu của những người nơi ấy…Vậy chị em hãy chiến đấu với điều ấy. Bởi những gì trái ngược chỉ bị tiêu diệt bằng trái ngược.”[9] Cũng trong điều 12 của quy luật Nữ Tử Bác ái có đề cập ưu tư hàng đầu và chính yếu của các chị em là phục vụ người nghèo với sự dịu dàng cảm thông những đau khổ của họ và lắng nghe họ than van như người mẹ hiền. Bởi vì họ coi các chị em như những người mẹ nuôi, những người được Thiên Chúa gửi tới để cứu giúp họ.[10]

2.2.2. Không nhận được sự giúp đỡ

Một khi người ta không nghe bạn thì bạn cũng đừng mong họ giúp đỡ bạn. Nhà truyền giáo đến một vùng đất xa xôi, đói kém, mọi thứ đều khó khăn. Nhà truyền giáo chuẩn bị nhiều thứ chẳng hạn như: máy tính, điện thoại thông minh,…nhưng tới nơi lại không sử dụng được. Nhà truyền giáo có tiền đó nhưng chưa chắc đã mua được những thứ cần thiết nơi đó. Nhưng nếu nhà truyền giáo có sự khiêm nhường, sự thân thiện, nhà truyền giáo sẽ rất dễ nhận được sự giúp đỡ của người khác.

Đó mới chỉ là sự giúp đỡ vật chất, nhà truyền giáo Vinh Sơn cần sự giúp đỡ về đường thiêng liêng. Có lần thánh Vinh Sơn nói với các nhà truyền giáo: “Anh em thân mến, chúng ta hãy đi và làm việc với một tình yêu mới để phục vụ người nghèo, nhất là hãy tìm kiếm những người thiếu thốn nhất và bị bỏ rơi nhất trong số họ. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng trước mặt Chúa họ là chủ và là thầy của chúng ta và chúng ta không xứng đáng dâng cho họ những việc phục vụ nhỏ bé của mình[11] Nếu người nghèo là chủ là thầy của nhà truyền giáo, vậy phải chăng phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa. Một khi phục vụ Chúa là thể hiện lòng yêu mến Ngài. Khi đó nhà truyền giáo tự động nhận được sự giúp đỡ về đường thiêng liêng. Họ được giúp đỡ người nghèo cũng có nghĩa là họ đang giúp đỡ chính mình. Nhưng để được giúp đỡ người nghèo, họ phải có lòng yêu mến và đức khiêm nhường.

2.2.3. Không có tinh thần làm việc chung

Khi không khiêm nhường, nhà truyền giáo khó mà nghe được tiếng người nghèo, khó mà nhận được sự giúp đỡ của người nghèo. Họ càng khó mà làm việc được với anh em trong cùng cộng đoàn. Ai cũng cho rằng mình đúng, cách làm của mình hay và không ai chịu nghe ai. Thậm chí có cộng đoàn mỗi người một niêu, người này ganh tỵ người kia, đặt điều hạ bệ người khác. Trong vấn đề này, thánh Vinh Sơn nói: “Tai họa trong các cộng đoàn, nhất là những cộng đoàn nhỏ, thông thường là sự ganh tỵ. Thuốc chữa chính là đức khiêm nhường cũng như những nhân đức khác cần cho sự hiệp nhất. Chúng ta biết rằng sự ganh tỵ này đã xảy ra trong cộng đoàn đầu tiên của Hội thánh, đó là cộng đoàn các Tông đồ; nhưng chúng ta cũng biết rằng Chúa chúng ta đã dẹp đi , vừa bằng lời nói, hạ xuống những kẻ muốn đưa mình lên, vừa bằng gương của Ngài, chính Ngài tự hạ trước.”[12]

Học nơi gương khiêm nhường của Chúa Giêsu, thánh Vinh Sơn viết cho bề trên nhà Gênes cũng là lời khuyên cho mỗi nhà truyền giáo: “Chúng ta hãy hạ mình xuống, và đang khi làm việc giúp đỡ người khác hãy cố gắng làm cho chúng ta nên đẹp lòng Chúa và đẹp lòng những người chúng ta đang chung sống.[13] Đó là lời khuyên hữu ích cho những nhà truyền giáo thời thánh Vinh Sơn, nhưng liệu rằng, nhân đức khiêm nhường này có còn cần thiết trong thế giới đương đại không?

3. Nhận định về nhân đức khiêm nhường trong bối cảnh ngày nay

3.1. Hoàn cảnh hiện nay

Một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi đời sống nội tâm con người bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy. Tình yêu, niềm vui an bình của Người không còn được cảm thấy và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả nhân loại, cách riêng cho người tín hữu.[14] Trước hoàn cảnh thực tế này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng) đã kêu gọi người tín hữu hãy đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân mình với Đức Giêsu Kitô, không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày.[15] Các Kitô hữu cũng luôn ý thức rằng, mọi người đều có quyền được đón nhận Tin Mừng. Vì thế các Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng, không loại trừ bất cứ ai.[16] Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo khiêm nhường khi họ nói về Chúa bằng chính đời sống giản dị, bác ái và chân thành của mình. Họ có thể rao giảng bất cứ đâu, trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, trong trường học, nơi công sở… Đức thánh cha đề nghị: “Trong kiểu rao giảng này, vốn luôn luôn phải kính trọng, và dịu dàng, bước đầu tiên là một cuộc đối thoại cá nhân, khi người kia nói và chia sẻ các niềm vui, hi vọng và quan tâm của họ đối với những người thân, hay vô số các nhu cầu thiết thân nhất. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể đưa lời Chúa vào, có thể bằng cách đọc một câu Kinh Thánh hay kể một câu chuyện, nhưng luôn luôn để tâm tới sứ điệp cơ bản: tình thương của Thiên Chúa làm người, Đấng hiến mình cho chúng ta, Đấng đang sống và ban cho ta ơn cứu độ và tình bằng hữu của Ngài. Sứ điệp này phải được chia sẻ với thái độ khiêm tốn để cho thấy chúng ta làm chứng trong tư cách của một người luôn luôn muốn học hỏi, vì biết rằng sứ điệp quá phong phú và quá sâu khiến nó luôn luôn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.”[17]

Nếu trong Tông Huấn “Evangelii Gaudium” Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mỗi Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng, thì trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” (Vui Mừng Và Hân Hoan), ngài kêu gọi sự nên thánh nơi mỗi Kitô hữu. Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa đang nói thẳng với mỗi chúng ta, cũng là lời mời gọi Ngài đang đích thân nói với bạn.” (Lv 11,44; xem 1Pr 1,16) Công đồng Vaticanô II đã nói rõ việc trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả mọi tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa mời gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.[18] Đức Thánh Cha đã nêu ra các dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay, trong đó ngài đề cập đến sự khiêm nhường. “Sự khiêm nhường chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng và dâng lên một vài nhục nhã, thì bạn chưa khiêm nhường và chưa phải là đang trên con đường nên thánh. Để ban sự thánh thiện cho Hội thánh Ngài, Thiên Chúa đã đành phải cho Con Ngài chịu nhục nhã. Chúa Giêsu là đường. Sự sỉ nhục làm cho bạn giống Ngài.[19] Một cách thực tế, Đức Thánh Cha nói về những sự nhục nhã hàng ngày của những người giữ im lặng để cứu gia đình họ, những người muốn ca tụng người khác hơn là tự hào về chính mình hoặc những người chọn những công việc không được ai hoan nghênh, đôi khi thậm chí còn chọn chịu sự bất công để dâng lên Chúa. “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1Pr 2,20). Điều ấy không có nghĩa là đi loanh quanh với cặp mắt nhìn xuống, không nói lời nào và chạy trốn xã hội. Đôi khi, chính vì được thoát khỏi ích kỷ, họ có thể dám ôn tồn phản bác, đòi hỏi công lý hoặc bảo vệ những kẻ yếu đuối trước mặt những người quyền thế, ngay cả khi việc ấy có thể gây thiệt hại cho họ hoặc danh tiếng của họ.[20]

Như vậy, chúng ta đã thấy nhân đức khiêm nhường là rất cần thiết. Nhân đức này không chỉ tốt cho mỗi Kitô hữu với sứ mạng truyền giáo mà còn là công cụ hữu ích cho mọi người bước theo Chúa nên trọn lành. Tiếp theo, tôi xin góp nhặt một vài phương cách cụ thể để sống nhân đức khiêm nhường theo tinh thần Vinh Sơn.

3.2. Phương cách sống nhân đức khiêm nhường theo tinh thần Vinh Sơn

Dựa trên những đòi hỏi của đức khiêm nhường, tôi sẽ lần lượt nêu lên ba phương cách sau:

3.2.1. Chúng ta học biết cảm ơn

Chúng ta học sự khiêm nhường từ việc cảm ơn, cụ thể trong trường hợp ai đó khen ta. Chúng ta không cần từ chối lời khen đó nếu nó là lời khen chân thành và đúng với những gì ta làm, ta có. Bởi nếu ta cứ từ chối lời khen đúng về mình, thì người khen ta cứ nằng nặc khen tiếp. Lúc đó vô tình ta lại là kẻ kiêu ngạo. Vậy, khi được khen, chúng ta hãy mỉm cười và nói “cảm ơn”.

Cảm ơn người giúp đỡ mình, khen mình thì dễ nhưng để hạ mình cảm ơn người chê bai, sửa lỗi mình lại là chuyện khó. Là người khi bị chê bai, bị người khác sửa dạy, ta cảm thấy bị hạ thấp. Và nếu người chê bai, sửa dạy ta là người cấp dưới thì càng khó chấp nhận. Nhưng, ta sẽ biết cách ứng xử khiêm nhường sau khi nghe và phân định lời chê bai, sửa lỗi đó. Nếu lời chê trách không đúng về mình, thì đó là lúc ta thể hiện sự khiêm nhường chịu nghe. Ngược lại, chúng ta sẽ thành công, tiến bộ khi nhận được lời chê bai nhằm giúp ta sửa đổi. Bởi vậy khi bị chê bai, sử lỗi, chúng ta tiếc chi lời cảm ơn.

Cuối cùng, chúng ta luôn cảm ơn Chúa trong mọi sự. Bởi xét chung lại, mọi sự “chúng ta có”, “chúng ta là” đều bởi Thiên Chúa. Vậy chúng ta đâu có gì để mà tự hào, lên mặt xét đoán hay chê bai người khác. Chúng ta sẽ khiêm nhường khi ý thức điều đó và cố gắng chu toàn bổn phận quản lý những gì Chúa trao phó cho ta.

3.2.2. Chúng ta biết lắng nghe

Lắng nghe là thái độ không thể thiếu của người khiêm nhường. Trước hết, tôi nghĩ chúng ta sẽ lắng nghe tiếng Chúa. Không chỉ lắng nghe tiếng Chúa trong Kinh thánh mà còn lắng nghe tiếng Ngài nơi những người xung quanh ta. Họ là hiện thân của Chúa. Họ là những người bị bỏ rơi, bị hắt hủi, bị lãng quên, người đói khát, kẻ mình trần, người vô gia cư, kẻ phong hủi, và những người nghiện ngập sống giữa chúng ta… Họ là hàng xóm láng giềng, là những người già cô đơn đang mong chờ một lời hỏi han. Thậm chí, họ là cha mẹ, anh chị em chúng ta, những người đang thiếu sự quan tâm lẫn nhau. Khi ta biết hạ mình lắng nghe những người khốn khổ này, ta đang bắt chước Chúa Giêsu hạ mình xuống thế gian lắng nghe tiếng than khóc của con người.

Sau khi nghe tiếng Chúa, chúng ta thực hành lời dạy của Ngài bằng việc lắng nghe anh em, tôn trọng ý kiến anh em. Trong đời sống của cộng đoàn, việc vâng phục của bề dưới đối với bề trên cần thái độ lắng nghe. Ngược lại bề trên đối với bề dưới cũng không thể thiếu thái độ khiêm nhường lắng nghe này. Hơn nữa, một bề trên khiêm nhường còn yêu thích được góp ý chân thành, được cảnh báo cho biết những lỗi lầm của mình. Thánh Vinh Sơn, bề trên của cả Tu hội còn cần đến người cảnh cáo ngài huống chi là những bề trên khác.

3.2.3. Chúng ta biết “nhường” và “nhịn

Nếu xét theo câu chữ, khi chúng ta biết “nhường” là chúng ta đã học được một phần sự “khiêm nhường” rồi. Thái độ “nhường” được thể hiện khi ta không chọn điều gì tốt nhất cho mình. Chúng ta không cần phải đứng nhất, không cần phải ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc. Dẫu biết rằng việc nhường thì khó, nhưng chúng ta có thể tập nhường từng chút một. Giả như bước một, ta nhường bằng cách chọn đứng thứ hai. Bước hai, ta nhường thêm, rồi cứ thế đến khi ta yêu thích chọn phần chót nhất.

Đó cũng là một trong bốn nguyên tắc, thánh Vinh Sơn nêu lên trong Luật Chung nhằm giúp người Kitô hữu thăng tiến nhanh trên con đường thánh thiện. Ngài nói: “Khi đứng trước một lựa chọn trong những vấn đề vô thưởng vô phạt, chúng ta nên chọn những gì gây khó chịu hơn là những gì đem lại vui thích. Dĩ nhiên, điều này không áp dụng khi những gì đem lại vui thích là điều cần thiết hơn cần phải chọn. Tuy nhiên trong những trường hợp đó, động lực của chúng ta không phải vì chúng ta thích chúng, nhưng hoàn toàn bởi vì chúng đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Cuối cùng, khi đứng trước sự lựa chọn giữa những điều vô thưởng vô phạt, và giữa chúng không có yếu tố nào ưu tiên, thì chúng ta sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên một trong số đó, như là xuất phát từ sự quan phòng của Thiên Chúa.[21]

Mặc dù người đời vẫn thường hay nói “nhịn thì nhục”, nhưng thực tế chứng minh thái độ “nhịn” không làm mất phẩm giá một con người. Hơn nữa nó còn là một phương cách hay đem lại hòa bình. Mỗi khi ta bị ai đó trách mắng, xúc phạm hay thậm chí bị lăng mạ, chúng ta hãy nhớ đến khuôn mặt Đức Giêsu chịu sỉ nhục, chịu lăng mạ để rồi bắt chước Ngài.

Thánh Vinh Sơn rất nhiều lần khuyên các nhà truyền giáo: “Thưa các cha, khiêm nhường là yêu thích sự khinh chê, ước muốn sự mất phẩm giá, là vui mừng vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô khi chúng xảy đến. Điều đó thật là khó, nhưng ơn phúc làm được, con người có ơn Chúa có thể làm được. Lòng yêu mến sự đê hèn và những gì tôi vừa nói thì giống nhau. Vậy chúng ta phải vui khi người ta cho chúng ta là những đầu óc kém cỏi, những người chẳng có đức hạnh, những con người nghèo nàn mọi thứ, và thực tế, người ta lăng nhục, làm chúng ta khó chịu, đối xử với chúng ta như những kẻ dốt nát, trách móc những lỗi lầm của chúng ta, và tuyên bố chúng ta là những kẻ hư hỏng và là những kẻ không ai chịu nổi.[22]

Để tập nhân đức khiêm nhường với ba phương cách trên đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng và trên hết là cần ơn Chúa. Bởi thế, chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin Chúa ban ơn khiêm nhường. Chúng ta cũng có thể áp dụng thêm phương pháp cầu nguyện của thánh Vinh Sơn với nhân đức khiêm nhường này.

Kết Luận

Thay vì phải mất công học nhiều nhân đức để trở nên hoàn thiện, thánh Vinh Sơn thật khôn ngoan nhận ra và đào sâu nhân đức nền tảng “khiêm nhường”. Thánh Vinh Sơn nói: “Đức khiêm nhường đem lại cho tâm hồn tất cả các nhân đức khác; dù ta là người tội lỗi mà chúng ta tự hạ mình vì khiêm nhường, chúng ta cũng làm đẹp lòng Chúa. Dù khi chúng ta là những kẻ gian ác, nếu chúng ta chạy đến nhờ đức khiêm nhường, đức khiêm nhường sẽ biến đổi chúng ta thành người công chính; và dù khi chúng ta có là các thiên thần, nếu chúng ta đánh mất đức khiêm nhường, dù chúng ta có các nhân đức khác, thì coi như đã xong, các nhân đức ấy sẽ bị mất vì thiếu đức khiêm nhường… Anh em ơi, chúng ta hãy sống tư tưởng này: Dù khi tôi có tất cả mọi nhân đức mà không có đức khiêm nhường, thì tôi chẳng có gì ngoài tội lỗi, tôi chỉ là tên biệt phái kiêu ngạo và là một thừa sai tồi tệ.[23]

Không chỉ là nhân đức nền tảng, khiêm nhường còn là bài học chính thức mà Chúa Giêsu đã dạy và đã sống. Bài học này được thánh Vinh Sơn học hỏi, nghiên cứu và thực hành. Thánh Vinh Sơn đã chọn con đường khiêm nhường làm phương tiện đưa ngài lên với Chúa, nghĩa là một phương thế tuyệt vời gắn bó với Chúa hết sức lực, hết trí khôn, hết ý chí, hết lòng.[24] Biết được tầm quan trọng của nhân đức khiêm nhường, thánh Vinh Sơn khuyên bảo các nhà truyền giáo ra sức học hỏi. Trước tiên, nhà truyền giáo cần biết những đòi hỏi của đức khiêm nhường: Đức Khiêm nhường đòi hỏi việc nhìn nhận những gì tốt lành đều đến từ Thiên Chúa; đòi hỏi thái độ lắng nghe và từ bỏ; đòi hỏi sự chịu thiệt thòi và chịu khinh chê. Tiếp theo, họ biết được nhân đức khiêm nhường không thể thiếu trong sứ vụ truyền giáo, trong đời sống cộng đoàn. Sau cùng, nhà truyền giáo nói riêng, những Kitô nói chung cần ơn Chúa và can đảm bước theo Chúa Kitô – Đấng rao giảng Tin mừng trong tinh thần khiêm nhường.


[1] LC.II,7.

[2] SV.XI,56-57.

[3] SV.VI,176-177.

[4] SV.I,573.

[5] x. SV.XII,319.

[6] LC.II,6.

[7] LC.II,7.

[8] x. SV.XII,262.

[9] SV.X,579-581.

[10] x. SV.X,331-332.

[11] SV.XI,393.

[12] SV.V,582-583.

[13] SV.IV,448.

[14] x. Evangelii Gaudium,2.

[15] x. Ibid,3.

[16] x. Ibid,14.

[17] Ibid,128.

[18] Gaudete et Exsultate,10.

[19] Ibid,118.

[20] x. Ibid,119.

[21] LC.II,3.

[22] SV.XII,202.

[23] SV.XII,210.

[24] x. FELIX CONTASSOT, Thánh Vinh Sơn PhaoLô Người Hướng Dẫn Các Bề Trên. Lm GB. Nguyễn Quốc Thư chuyển ý,110.