Kinh nghiệm thiêng thiêng của Thánh Louise de Marillac trong biến cố Lễ Hiện Xuống

0
341

 

Một trong những biến cố có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Thánh Louise chính là biến cố Lễ Hiện Xuống, hay còn gọi biến cố “ánh sáng”. Vì qua biến cố này, Thánh Louise nhận ra ý Chúa dành cho mình, khi đang phải đối diện với những nghi hoặc và đêm trường đức tin. Nhân ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, chúng ta hãy cùng đọc lại biến cố này và cảm nghiệm quyền năng của Chúa Thánh Thần trong đời sống thiêng liêng của Thánh Louise và cũng là cho mỗi thành viên Vinh Sơn chúng ta. Biến cố này đã được Thánh nữ mô tả trong tập Bút Tích Thiêng Liêng của thánh Louise de Marillac như sau:

Vào năm 1623, vào ngày Lễ Thánh Monica, Chúa đã ban cho tôi ơn hứa nguyện đời sống góa bụa nếu Chúa gọi chồng tôi về với Ngài.

Vào Lễ Thăng Thiên sau đó, tôi rất băn khoăn vì nghi ngờ không biết có nên từ bỏ người chồng của tôi hay không, như tôi rất muốn làm, để thực hiện lời khấn đầu tiên và có nhiều tự do hơn để phụng sự Chúa và tha nhân.

Tôi cũng nghi ngờ, có khả năng trong việc phá vỡ sự gắn bó mà tôi có đối với cha linh hướng của mình, điều này có thể ngăn cản tôi chấp nhận một người khác, trong thời gian dài cha ấy vắng mặt, vì tôi sợ rằng mình có thể buộc phải làm như vậy.

Tôi cũng đau khổ rất nhiều vì nghi ngờ mà tôi đã trải qua về sự bất tử của linh hồn. Tất cả những điều này gây ra cho tôi nỗi thống khổ không thể tin được, kéo dài từ Lễ Thăng Thiên cho đến Lễ Hiện Xuống.

Vào Lễ Hiện Xuống, trong Thánh Lễ hay khi tôi đang cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi ngay lập tức được giải thoát khỏi mọi nghi ngờ.

Tôi được khuyên rằng tôi nên ở lại với chồng tôi và sẽ đến lúc tôi có thể tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời và tôi sẽ ở trong một cộng đoàn nhỏ nơi những người khác cũng sẽ làm như vậy. Sau đó tôi hiểu rằng tôi sẽ ở một nơi mà tôi có thể giúp đỡ tha nhân của mình, nhưng tôi không hiểu làm thế nào điều này có thể xảy ra, vì có rất nhiều thứ đến và đi.

Tôi cũng được đảm bảo rằng tôi sẽ yên tâm về cha linh hướng của mình; rằng Chúa sẽ ban cho tôi một người mà dường như Ngài đã cho tôi thấy. Tôi thật lưỡng lự khi chấp nhận ngài; tuy nhiên, tôi đã đồng ý. Đối với tôi, dường như tôi chưa phải thực hiện thay đổi này.

Nghi ngờ thứ ba của tôi đã được loại bỏ bởi sự đảm bảo bên trong, tôi cảm thấy rằng chính Chúa đang dạy tôi những điều này và rằng, tin có Chúa, tôi không nên nghi ngờ những điều còn lại.

Tôi luôn tin rằng tôi đã nhận được ân sủng này từ Chân phước Giám mục Geneva bởi vì, trước khi ngài qua đời, tôi đã hết sức mong muốn thông báo cho ngài những thử thách này và bởi vì kể từ đó, tôi đã rất sùng kính ngài và đã nhận được nhiều ân sủng nhờ lời cầu bầu của ngài. Vào dịp đó, tôi có lý do để tin rằng điều này là như vậy, mặc dù bây giờ tôi không thể nhớ được (SWLM: A.2, [1])

Bối cảnh

Bài viết này, được gọi là “Ánh sáng của Lễ Ngũ Tuần”  hẳn đã được Thánh Louise viết khoảng 20 năm sau, khi hoàn toàn chìm đắm trong việc chiêm niệm và điều hành Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Một biến cố mang tính chất thần bí và đặc sủng.

Đầu tiên, chúng ta hãy xác định thời điểm của các sự kiện mà Thánh Louise đang kể cho chúng ta:

– Lễ thánh  Monica: ngày 4 tháng 5 năm 1623 (lịch phụng vụ thời bấy giờ)

– Lễ Chúa Thăng Thiên: 25 tháng 5 năm 1623

– Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống: 4 tháng 6 năm 1623

Nhân vật

Trong đoạn văn ngắn này của Thánh Louise, có ba nhân vật, mà những vị này đã đánh dấu một tầm quan trọng to lớn đối với lối suy nghĩ và linh đạo của cuả các ngài dành cho Thánh Louise.

  • Cha Juan Pedro Camus: là cha linh hướng của Thánh Louise trong khoảnh khắc của “Ánh sáng”, người mà bà cảm thấy rất “gắn bó”. Cha Camus là niềm an ủi lớn lao của bà Le Gras trong thời gian dài người chồng của bà bị bệnh. Trước mọi cú sốc mà Thánh Louise trải qua, cha đã dành sự linh hướng bằng sự thanh thản và dịu hiền để mang đến cho Thánh Louise sự bình an trong tâm hồn. Cha đã đưa bà trở lại với Chúa trong những giờ phút cay đắng đầy xúc động và vui sướng. Cha đã linh hướng cho bà từ năm 1619 đến năm 1625, tức là từ năm bà 28 đến bà 33 tuổi.
  • Thánh Vinh Sơn Phaolô: là vị linh hướng mới, sau cha Camus(1625-1660) mà Thánh Louise cảm thấy “lưỡng lự khi chấp nhận”. Cuộc gặp gỡ của bà với cha Vinh Sơn Phaolô sẽ diễn ra sau đó, sẽ có tầm quan trọng lớn đối với cả hai. Từ đó trở đi, Thánh Louise sẽ kết hợp với cha Vinh Sơn Phaolô. Tính cách của thánh nữ sẽ liên tục được phóng chiếu lên con người của vị Thánh. Bà tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa cách sâu đậm theo tâm tình của Thánh Vinh Sơn. Cha Vinh Sơn đã hướng dẫn bà và yêu mến bà trong sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta không thể hiểu Thánh Louise de Marillac ngoài Thánh Vinh Sơn Phaolô.
  • Thánh Phanxico de Sales: Thánh Phanxico de Sales không phải là linh hướng của bà, tuy nhiên, ngài đã đến thăm bà nhiều lần khi bà bị bệnh vào năm 1619. Theo văn bản, chúng ta có thể thấy sự sùng kính lớn lao mà Thánh Louise dành cho ngài, cả khi còn sống cũng như sau khi vị giám mục thánh thiện đã qua đời. Theo cách này, bà sẽ diễn đạt điều đó trong một trong những bài viết của mình: “Mỗi ngày nhiều lần, tôi đã dâng lên Thiên Chúa lòng bác ái mà Ngài đã đặt vào trái tim của Chân phước Phanxicô de Sales và nhờ sự chuyển cầu của vị thánh này, để cầu xin ý định thánh thiện của Thiên Chúa có thể được hoàn thành trong tôi” (SWLM, A. 10, [704]).

Bối cảnh cá nhân: ông Antonio Le Gras bị ốm.

Năm 1621, chồng bà là Antonio Le Gras bị ốm. Bất chấp những lá thư mà thánh nữ nhận được từ người chú Miguel de Marillac và từ linh hướng của bà là cha Camus, bà Le Gras rơi vào trạng thái trầm cảm. Hoàn toàn thu mình vào bản thân, bà chỉ nghĩ trong sự đau khổ và tủi nhục của mình, như bà thổ lộ: “Vào ngày lễ Thánh Tôma, tôi rơi vào trạng thái chán nản kéo dài cả ngày. Cảnh tượng sự thấp hèn của chính mình khiến tôi coi mình như một khối kiêu hãnh và tự ái. Tôi đã trải qua sự chán nản, tự hủy hoại bản thân và bị Chúa bỏ rơi, điều mà tôi đã phải chịu vì sự bất trung của mình. Trái tim tôi quá chán nản, đến nỗi sức mạnh của cảm xúc đôi khi dẫn đến nỗi đau đớn thể xác…” (SWLM, A. 13, [691-692]).

Thánh Louise đã đưa ra một lập luận logic không cần bàn cãi, theo não trạng thần học thời bấy giờ: chồng bà là người tốt và con trai bà, một cậu bé 9 tuổi, vô tội. Vì vậy, bà ấy cảm thấy tội lỗi vì đã không thể hoàn thành “lời khấn đầu” của mình như là một nữ tu, mà ngược lại, bà đã kết hôn.

Và bây giờ, dường như Chúa muốn trừng phạt bà bằng cách lấy đi sự sống của chồng bà. Ngay lập tức, bà rơi vào ý muốn làm cho Thiên Chúa nguôi ngoai, thổi bay tội lỗi, bằng cách làm ngược lại, để Chúa lại trở thành bạn của bà: “Tôi nên bỏ chồng tôi”. Vì thế, trong lòng Louise cảm thấy bị cám dỗ từ bỏ người chồng, nghĩ rằng đây là ý muốn của Chúa, và bà cảm thấy hoàn toàn hợp nhất.

Nhiều năm sau, bà đã nhớ lại khoảnh khắc đen tối đó bằng những thuật ngữ sau: “Sức nặng của sự vô ơn đối với lòng nhân từ của Thiên Chúa đã có lúc là một gánh nặng đối với tôi, đến nỗi Đấng Quan phòng của Ngài phải đến trợ giúp tôi và cho phép tôi, một lần nữa, đưa ra những quyết định đúng đắn trước sự hiện diện của Ngài” (SWLM, A. 9, [703]).

Ơn gọi: “phục vụ tha nhân”

Bản văn phản ánh sứ mệnh mà Chúa kêu gọi thánh nữ: phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân. Nhưng đến đây, chúng ta lại đụng độ với tư duy và phong tục thời bấy giờ: “nhưng bà không hiểu sao lại có thể như vậy”. Điều đó có nghĩa là, bà đã rõ ràng về nhiệm vụ, mặc dù bà không hiểu làm thế nào, bởi vì đối với một người phụ nữ của thế kỷ XVII, chỉ có hai lựa chọn, hoặc kết hôn và cống hiến hết mình cho quản trị gia đình và cho những đứa trẻ (là có thể thực hiện một số ‘công việc’ giúp đỡ những người thiệt thòi nhất), hoặc, dâng mình cho Chúa, do đó, bị nhốt trong tu viện mà không thể phát triển bất kỳ công việc từ thiện nào. Chuyển động ‘đến và đi’ này xuất hiện trong bản văn sẽ được ghi nhớ rất nhiều vào thời điểm thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái, cũng như trong những năm đầu tiên tồn tại của họ.

Người khởi xướng: “chính Chúa đã dạy tôi mọi thứ trước đó”

Chính Chúa sẽ đưa thánh nữ ra khỏi đêm trường đức tin trong một sự hiện diện thần bí. Tất cả các dấu chỉ cho thấy điều ấy. Tất cả các động từ đều ở thể bị động “đã được soi sáng, đã được cảnh thức, đã được yên tâm, nó đã được lấy đi khỏi tôi”. Đó là, bà là người bị động và có Người khác là người chủ động. Louise có niềm tin và sự đảm bảo rằng, Người khác hành động này là chính Chúa: “Chúa sẽ cho tôi sự đảm bảo rằng, tôi cảm thấy trong tâm hồn mình rằng chính Chúa đã dạy tôi”.

Sau khi đọc những gì Thánh Louise viết và những mối bận tâm của bà, chúng ta thấy Thánh Louise có một cá tính rất đặc biệt và một trái tim rất nhạy cảm. Biến cố Hiện Xuống là một biến cố đặc biệt và là một hồng ân trong cuộc đời Thánh Louise. Điều này đến từ Chúa và Louise là người nhạy cảm để nhận ra món quà đặc biệt này.

Điều này có thể thấy, nó phát xuất từ một đời sống nội tâm sâu xa của bà khi kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm thánh ý Chúa. Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà bà có được kinh nghiệm tâm linh này. Chắc hẳn nó đã được ấp ủ từ rất lâu trong tâm hồn bà và khi nó xảy ra, bà nhận ra ngay.

Kinh nghiệm thiêng liêng này cũng đến từ những mối tương quan mà bà có được. Đó là do ảnh hưởng của các vị linh hướng như Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Phanxicô de Sales, cha Juan Pedro Camus:……. và liên quan đến gia đình của bà, đặc biệt là người chồng và đứa con trai nhỏ, cũng như đối với gia đình bà và cả những người nghèo mà bà được kêu gọi để phục vụ.

Biến cố Hiện Xuống đã thay đổi hoàn toàn não trạng và nhân cách của Thánh Louise. Tâm hồn của bà đã được chuyển hóa, và đó là một sự chuyển hóa tích cực, từ bất lợi sang thuận lợi, và đạt được chiều kích thiêng liêng. Đồng thời, chúng ta cũng có thể nhận ra lòng sùng kính Chúa Thánh Thần của Thánh Louise. Hẳn bà đã thường xuyên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và xin ánh sáng để làm theo ý Chúa. Cuộc đời bà được soi sáng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Như vậy, Chúa Thánh Thần là bạn trong cuộc đời của Thánh Louise de Marillac.

Có lẽ, thánh Louise cũng có một cuộc hoán cải giống như thánh Vinh Sơn, đó là hoán cải đời sống và hiến thân cho người nghèo. Thánh Vinh Sơn sau các sự kiện năm 1617, hoàn toàn từ bỏ kế hoạch của riêng mình và cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người nghèo. Thánh Louis de Marillac cũng hoàn toàn hoán cải sau “ánh sáng” của biến cố Hiện Xuống. Bà đã hiến dâng cuộc đời phục vụ người nghèo và hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa. Bà không còn bận tâm cách tiêu cực đến hoàn cảnh gia đình mình nữa, nhưng phó thác cho thánh ý Chúa. Đây là một điểm tương đồng rất lớn trong cuộc đời của Thánh Louise và Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Từ một người luôn có sự xáo trộn nội tâm, Bà đã tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn sau biến cố Lễ Hiện Xuống. Đây là một cảm giác chân thật và thiêng liêng của Louise de Marillac. Đó không phải là một sự phát triển tâm lý, mà là một sự biến đổi nội tâm do tác động của ơn Chúa. Đó cũng là sự cộng tác giữa con người tự nhiên của Louise, với ơn Chúa trong cuộc đời bà.

Cuộc khủng hoảng niềm tin do nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa đã được thay thế bằng niềm xác tín và phó thác vào Chúa Quan phòng trong mọi sự trong cuộc đời Thánh Louise. Đây là bài học thiêng liêng cho các thành viên Vinh Sơn trong đời sống nội tâm, bằng sự trung thành cầu nguyện và khát khao tìm thánh ý Chúa. Thánh nữ là tấm gương sáng cho chúng ta, mỗi thành viên Vinh Sơn trong sứ vụ và ơn gọi của mình. Đây cũng là một biến cố có thể gọi là thần bí trong cuộc đời Thánh Louise và nó phản ảnh một đời sống nội tâm sâu sắc của thánh nữ.

Lễ Hiện Xuống 2023

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM