Ký sự PNG (Phần 11)

0
785

Cao Viết Tuấn, CM

34. Ở đảo, một trong những cảm nhận làm mình rất thích, và cũng sẽ khó tìm được ở đâu khác, đó là một bầu không khí rất nguyên sơ.

Trong buổi hoàng hôn chập choạng, đi trên những đoạn đường vắng, không thể nhận ra bất cứ một vết tích nào của văn minh, của cơ giới, của khói bụi công nghiệp… mình thích hít thật sâu như để hút lấy thêm và để cảm nhận nhiều hơn một cái gì đó rất mát mẻ, tươi mới, rất tinh khiết, rất nguyên thủy. Một cảm giác lâng lâng khó tả, và cũng sẽ là khó hình dung đối với những ai đang sống trong xã hội hiện đại. Những lúc đó mình hay nghĩ, có lẽ bầu không khí ấy đã có từ hàng ngàn năm nay và nó vẫn chưa bị xâm hại bởi những cái gọi là văn minh hiện đại.

Quả thực, mọi thứ ở đây vẫn giữ nguyên nét ban sơ của một xã hội loài người xa xưa. Xem lại những đoạn phim tài liệu về Trobriand 40-50 năm về trước, mà cho dù cả trăm năm về trước đi nữa, quang cảnh, nhà cửa, tính cách, cách làm vườn, các tập tục, tổ chức cộng đồng và lối sinh hoạt của người dân lúc đó vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Và rất có thể 20-30 năm nữa, mọi thứ cũng sẽ chẳng khác đi bao nhiêu.

Mình cảm thấy may mắn khi được sống được trải nghiệm trong bầu khí như vậy, được trở về với lối sống trước đây thậm chí cả trăm năm, trở về với cái thời mà tổ tiên mình đã từng sống. Đôi khi mình cảm thấy giống như những nhân vật trong phim giả tưởng trở về quá khứ: ngỡ ngàng với một lối sống nguyên sơ tới mức xa lạ, và kể những câu chuyện về thế giới hiện đại khiến người dân ngỡ ngàng đến nỗi không tin (ví dụ họ không tin con nít 2 tuổi đã đi học với chi phí ngang với một sinh viên đại học).

Mình vẫn hay suy nghĩ, dẫu biết rằng cuộc sống nào cũng có hai mặt, không thể tìm thấy thiên đường trên trần gian, nhưng liệu cuộc sống văn minh hiện đại ngoài kia đem lại hạnh phúc và bình yên cho con người hơn cuộc sống nguyên thủy nơi đây chăng?

35. Biking

Ở đảo, xe đạp là một gia tài lớn nên sở hữu một chiếc xe đạp là một niềm kiêu hãnh lớn lao, là niềm mơ ước của nhiều người. Tầm cỡ hiệu trưởng thì mới có được xe đạp trông lành lặn, đa số xe đạp còn lại chỉ vừa đủ để di chuyển.

Mỗi khi mình đạp xe vào làng, con nít bu quanh để được nhìn, được đụng chạm để xem chiếc xe đạp là như thế nào. Người lớn cũng đến để xem xe và tấm tắc khen xe đẹp. Họ thường la con nít khi chúng cứ rờ rận chiếc xe của mình, cứ như là sẽ làm trầy sơn vậy. Do đó mình phải can ngăn: không sao, cho tụi nó rờ thoải mái đi, xe tao xịn lắm, không tróc sơn được đâu. Nghe nói vậy, người lớn cũng đến rờ rờ xem chiếc xe đạp nó thế nào.

Thứ bảy mình lên đường vào làng nghỉ lại qua đêm để sáng cử hành Phụng Vụ Lời Chúa cho bà con sớm, để rồi còn đi qua các làng khác nữa. Đang suy nghĩ vào làng này không biết có gì ăn (ngoài khoai) không nữa, mà giờ có kinh nghiệm rồi, đem theo gói mì là an tâm, chấp hết!

Xe đạp siêu dễ thương của mình (có lẽ đẹp và mới nhất làng, mà cũng có thể nhất nhì đảo!) nhưng khi mưa hoặc đi đường sình lầy thì thôi rồi, không dễ thương chút nào: hắn làm cho bao nhiêu bùn đất văng lên quá đầu rồi rơi xuống như mưa (cái này gọi là mưa trong mưa).

Mình đeo hai túi: Một túi nhỏ là Mình Thánh Chúa, khăn thánh, sách lễ. Còn túi to bên kia là quần áo.

36. Trên đường vào làng hôm thứ bảy vừa qua, thấy trời đẹp nên mình ghé vào sân bay để đạp xe một vòng trên đường băng (ngày xưa người ta gọi là phi đạo, đường bay, có lẽ chính xác hơn). Mình tự hỏi không biết trên thế giới này có ai được cơ hội đạp xe trên đường băng như mình hay không?

Trên đảo hoang vu này có sân bay là vì trong Đệ nhị Thế chiến, Mỹ đóng quân ở đây và xây dựng một sân bay quân sự. Ngày nay, mỗi tuần có ba chuyến bay ra đảo vào các ngày chẵn. Trên chuyến bay mình ra đảo đào tháng 12, có tổng cộng 11 hành khách trên máy bay có sức chứa khoảng 100 người.

Lúc này mới tới nhà nguyện thứ hai, đi qua những con đường còn kinh điển hơn trong phim nữa.

37. Đường đi vào làng vậy đó, cỏ ngập mặt không thấy đường đâu hết. Đi miết đi miết mới tới nhà nguyện giáo họ. Cũng may hôm nay nhờ một em dẫn đường mới biết được lối đi.

Tạ ơn Chúa, gần 5g chiều cũng về được tới nhà xứ. Bây giờ ngồi nghỉ mệt tí, còn tắm giặt, nấu ăn (chưa nghĩ ra sẽ nấu), kinh nguyện và soạn bài giảng cho ngày mai nữa!

Người ta cho 4 trái ổn và 3 trái xoài treo trên xe đem về. Đường ở đây thì khỏi nói, về tới nhà cả xoài và ổi đều dập hết. Thử nghĩ coi, xoài với ổi mà còn dập vậy thì trứng làm sao chịu cho thấu chứ (May mà không ai cho trứng).

(còn nữa)