Ký sự PNG (Phần 16)

0
671

Cao Viết Tuấn, CM

50. Trong dòng lịch sử giáo hội, theo những gì được ghi chép mà chúng ta đang có, thánh Phanxicô Xavier là nhà truyền giáo vĩ đại nổi tiếng không thua kém thánh Phaolô Tông đồ. Ngài truyền giáo ở Ấn Độ, Nhật Bản và đang trên đường đi đến Trung Hoa thì phải dừng lại ở tuổi 46. Đó là tấm gương sáng ngời toàn diện cho các nhà truyền giáo noi theo. Ước mong sao bản thân mình có thể học hỏi nơi thánh nhân đôi chút, cũng như có thêm nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành mở mang và xây dựng Nước Chúa.

Đi truyền giáo đối với mình là hạnh phúc, ước mơ và là hồng ân của Chúa, không làm sao nói hết. Mình biết có nhiều bạn không phải linh mục tu sĩ cũng có ước mơ này, nhưng không biết làm sao thực hiện. Mình xin chia sẻ đôi chút, hy vọng các bạn có thể tìm ra phương cách.

Theo mình biết, hiện nay có rất nhiều tổ chức tình nguyện quốc tế, họ quy tụ, huấn luyện, rồi gởi đi các nơi trên khắp thế giới để làm việc. Các bạn có thể tự tìm kiếm trên Internet để đăng kí đến các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Mình từng đi tình nguyện ở Gia Bắc, Di Linh, tuy ngắn ngủi nhưng để lại nhiều kỉ niệm và ấn tượng đẹp cho đến hôm nay. Và chắc chắn, chỗ nào càng khó khăn thiếu thốn về vật chất, con người càng tình cảm, và việc làm tình nguyện có ý nghĩa.

Ở PNG, mình cũng gặp nhiều bạn tình nguyện viên đến từ Mỹ, châu Âu, Philippines, Ấn độ… Không chỉ các bạn vừa tốt nghiệp đại học, nhưng còn có những kiến trúc sư, kĩ sư, bác sĩ, giáo viên… đến đây phục vụ.

Có bạn nào muốn qua đảo Kiriwina phục vụ không? Dù sao đó là chuyện trong tương lai!

Trong một lễ hội

51. Sóng điện thoại mất hơn hai ngày nay, giờ mới online được, liền tranh thủ kể chuyện này liền chứ không biết khi nào sóng lại mất.

Hôm bữa người ta cho hai trái dừa, mình uống một trái còn một trái treo lên xe chở về (như trong hình, từ từ rồi hình dung). Đường ở đây rất gồ ghề, dằn, xóc kinh khủng, trái dừa cứ vậy rung lắc theo mọi phương hướng lên xuống ngang dọc. Vấn đề sẽ nghiêm trọng nếu dừa đứt cuống, khi đó không biết phải làm sao. Vậy là mình phát mệt vì phải ráng giữ cho dừa bớt đung đưa.

Nhìn trái dừa lắc lư làm mình nhớ lại thời phổ thông học về con lắc trong bộ môn vật lý. Nhưng giáo sư vật lý cũng phải đau đầu khi nghiên cứu con lắc trái dừa đang dao động không đều và không theo phương hướng như thế này.

Luôn tiện vừa đạp xe vừa ráng nhớ lại các khái niệm, công thức, thuật ngữ của toán, lý, hoá… nhưng chẳng nhớ được bao nhiêu. Thật uổng phí bao nhiêu năm vùi đầu miệt mài, mà khảo sát hàm số, lượng giác, vẽ đồ thị… bây giờ cũng chẳng áp dụng được gì hết. Thế nhưng mình vẫn phải luôn kêu gọi các em ráng chăm lo học hành!

52. Nhà xứ ở ven biển. Tuy gọi là biển nhưng nó là eo biển ăn sâu vào đất liền như một cái vịnh nhỏ. Vì vậy mặt biển phẳng lặng như một hồ nước. Dọc theo bãi biển không phải là một bãi cát như thường thấy ở Việt Nam, nhưng là bãi đá san hô với nhiều cây họ đước mọc chi chít với nhau. Chúng tạo nên một cánh rừng bao bọc bờ biển, trừ một vài chỗ trống ca nô và thuyền nhỏ có thể vào bờ.

Nước biển ở đây thay đổi độ mặn theo thủy triều. Thủy triều lên, nước trở thành nước biển mặn chát. Thủy triều xuống, nước trở thành nước ngọt, người dân có thể tắm giặt và đem về nhà để nấu nướng. Khi thủy triều vừa vừa, nước trở thành nước lợ.

Người ta đến đây tắm hàng ngày với hai khu nam nữ riêng biệt, cho dù đây có nhiều cá sấu. Nhưng người ta quan niệm cá sấu như một linh vật, chúng chỉ tấn công những ai có thù với chúng thôi. Nên người ta vẫn tắm, bơi lội, vẫn đi lại mà không lo lắng gì. Trẻ con cũng đến tắm lội hàng ngày.

Người ta kể cách đây mấy tháng, có một em bé gái 5 tuổi ở đây bị cá sấu vồ, người dân đến cứu kịp nên cá sấu chưa nuốt, nhưng em bé đã chết. Người ta nói cha của em bé từng một lần giết cá sấu nên bây giờ phải trả nợ. Còn những người khác thậm chí trẻ con không hề lo sợ, vì họ không làm hại cá sấu bao giờ, lẽ nào cá sấu tấn công!?

Bãi tắm giặt cũng là nơi lấy nước để sử dụng, trông đẹp vậy nhưng cá sấu đang loanh quanh đâu đó!!!

(còn nữa)