Cao Viết Tuấn, CM
63. CHUYỆN ĐÁM MA
Hôm đó mới 5g sáng, mình đã nghe tiếng khóc hay đúng hơn là tiếng gào thét của rất nhiều người từ bộ tộc ở đối diện nhà xứ (các gia đình trong bộ tộc sống quây quần bên cạnh nhau). Một ông mới qua đời.
Ông này đau bệnh từ lâu và người ta đã tiên liệu việc ra đi của ông từ mấy hôm nay. Nhiều bà con đến thăm từ mấy ngày nay, đám thanh niên chuẩn bị chặt cây, đan lá dừa làm rạp, cánh phụ nữ, con gái chuẩn bị nồi chảo, heo gà cũng đã nhốt sẵn. Dù vậy sự ra đi của người thân là một nỗi đau và mất mát vô cùng to lớn.
Vậy là từ lúc đó, tiếng khóc, tiếng gào thét, rên rỉ, kể lể của đủ lứa tuổi vang lên không ngừng. Những thanh niên mạnh khỏe khóc to nhất lấn át những người khác. Những người bà con đến viếng người quá cố đã gào lên từ rất xa cho đến khi vào sân nhà, khi đó tiếng khóc lại được cất lên một cách mạnh mẽ hơn.
Điều đặc biệt là tiếng khóc rất có giai điệu, tiếng nấc, lời than van kể lể rất giống mới kiểu khóc trong các đám tang ở Việt Nam. Khi giúp xứ ở miền Bắc, vì người nhà khóc không đúng điệu hoặc không đủ người khóc, mình thấy người ta phải nhờ đến đội ngũ khóc mướn. Và đó chính là kiểu khóc giống y chang ở đây. Mình rất ngạc nhiên về sự tương đồng này.
Người quá cố được chôn cất ngay ban chiều tại sân trước nhà. Sau đó, người ta quây quần ăn uống rất đông. Có thể nói là cả bộ tộc cùng với bà con láng giềng đều đến chia buồn suốt cả ngày, họ ở đó cho đến khi ăn tối xong.
Sau 3 ngày, người ta lại tụ tập đến ăn uống rất đông, một con heo nữa được giết. Một kiểu giống như mở cửa mả ở Việt Nam mình, ở đây họ gọi là đắp mộ.
Rải rác sau đó, thậm chí 2-3 tuần, lâu lâu tiếng khóc lại cất lên từ xa vang đến, và tiếng khóc trong nhà đáp lại. Một người bà con ở xa nay mới đến, nhất là thời gian đó không có mạng điện thoại, nên tin tức đến chậm.
Đây là một bộ tộc lớn, có nhiều người bà con thành đạt làm ăn xa, nên tương đối khá giả. Với lại, trong mỗi đám tang, mọi người trong bộ tộc không tiếc dốc hết tiền bạc, heo, gà để tổ chức và thiết đãi. Do đó, khi có người bà con xa trở về, họ lại tụ tập ăn uống đông đúc. Sau những tiếng khóc dành cho người quá cố, người ta cười nói rộn ràng ồn ào không kém.
Vui nhất là ban đêm, người ta chạy máy phát điện, làm sáng trưng cả khu nhà của bộ tộc, và chiếu phim Phillipines (Phim Phillipines chiếm lĩnh ở đây, ở thành phố, tivi lúc nào cũng chiếu phim Phillipines). Thế là cả làng già trẻ lớn bé kéo đến càng thêm náo nhiệt, vui vẻ, ồn ào đến tận khuya (ồn ào quá làm mình ở bên này không ngủ được).
[envira-gallery id=”4049″]
Ở đảo Kiriwina, người ta không an táng tập trung nhưng chôn rải rác quanh làng, quanh nhà, thậm chí trong nhà. Ngày lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, mình cùng bà con đi một vòng viếng hết các mộ trong làng, rảy nước phép, hát thánh ca và đọc kinh Mân Côi. Tổng kết lại sau ba Thánh Lễ ở ba làng, mình đã bước đi hơn 12 ngàn bước chân, trên một quãng đường 12 km.
64. CHUYỆN ĐÁM CƯỚI
Trên đảo Kiriwina, với truyền thống mẫu hệ, người ta không hề có ý niệm “trinh tiết” đối với con gái. Hoạt động tình dục bắt đầu diễn ra từ khá sớm và có phần tự do nơi trẻ vị thành niên.
Con gái chưa lấy chồng mà có chửa là chuyện bình thường, không ai đàm tiếu hay quan tâm nhiều lắm đến việc cha đứa trẻ là ai. Cho đến ngày nay, quan niệm phụ nữ mang thai do phép thần linh, tổ tiên là chính chứ không phải do đàn ông vẫn còn để lại những âm hưởng của nó.
Các cặp nam nữ có thể đến với nhau như một kiểu đính hôn, bằng việc con gái đến nhà con trai ngủ lại qua đêm, họ có thể có con với nhau, nhưng chưa vội cưới nếu họ không chắc sẽ sống với nhau trọn đời. Nhiều cô gái có 2-3 đứa con với 2-3 người đàn ông rồi mà vẫn chưa tìm ra người chồng lý tưởng.
Cuối cùng, những cô gái 2-3 con ấy vẫn lấy chồng một cách bình thường như những người con gái khác. Và người chồng ấy cũng chẳng có gì phải ái ngại hay mặc cảm khi lấy những bà vợ đã có 2-3 đứa con như thế. Có lẽ, anh ta còn hạnh phúc hơn vì không chỉ có vợ mà còn có 2-3 đứa con ngay lập tức.
65. Thánh lễ hôn phối
Hôm đó là một ngày quan trọng đối với mình, vì lần đầu tiên mình chứng hôn. Việc cử hành bí tích hôn phối đối với người dân ở đây luôn được tiến hành sau khi họ đã chung sống với nhau vài năm đến vài chục năm.
Dù vậy vẫn có rất ít người đến xin lãnh bí tích hôn phối. Khi tổng kết sổ sách vào năm ngoái, chỉ có 3 đôi hôn phối trong một giáo xứ khoảng 4000 dân. Quả là không thể tưởng tượng được. Có lẽ, cần thêm nhiều thời gian để thay đổi tập tục này.
Trong bối cảnh đó, mình thường xuyên thúc giục giáo lý viên ở các làng mở lớp giáo lý hôn nhân, kêu gọi, khuyến khích những người đang chung sống nhau lâu năm đến nhà thờ cử hành bí tích hôn phối. Cuối cùng, hai cặp đầu tiên đến xin cử hành bí tích hôn phối. Nhưng cũng có lý do riêng mới có được lễ hôn phối hôm nay.
Cặp thứ nhất là thầy cô giáo trẻ, chỉ mới sống với nhau 5-6 năm nay. Lý do họ xin cử hành bí tích hôn phối hôm nay đó là: hôm nay là sinh nhật của đứa con gái (5 tuổi). Họ muốn làm cho ngày hôm nay trở nên đặc biệt hơn, không chỉ là sinh nhật của con gái, mà còn ngày thành thành hôn.
Cặp thứ hai thuộc thế hệ 6X đời đầu, đã có cháu nội cháu ngoại đùm đề. Họ muốn cử hành bí tích hôn phối vì người vợ đau nặng sợ không sống lâu hơn. Nhân một hôm đi thăm viếng và xức dầu bệnh nhân, mình hỏi về tình trạng hôn nhân trước khi xức dầu, thì phát hiện ra họ chưa cử hành bí tích hôn phối, nên mình thúc giục họ bữa giờ.
Hôm làm giấy tờ, phải lật tung các sổ sách của giáo xứ để tìm các thông tin về ngày tháng năm sinh, ngày rửa tội, ngày thêm sức… Dù vậy, vẫn không thể tìm ra hết. Đành chấp nhận, sau khi mình đã cố gắng hết sức làm các giấy tờ thủ tục cần thiết và lưu vào văn khố giáo xứ.
Thánh lễ hôn phối diễn ra đơn sơ nhưng không kém long trọng với đông đảo bà con tham dự. Ở đây không ai có nhẫn, nên trong nghi thức trao nhẫn, người ta trao nhau vòng đeo cổ bằng vỏ ốc như cặp vợ chồng thầy cô giáo. Còn đôi lớn tuổi kia có gia cảnh khó khăn, nên mình tặng họ hai tượng Đức Mẹ Ban Ơn do sơ Pascal, (Nữ tử Bác ái) cho mình.
Sau thánh lễ, một bữa ăn sáng đơn giản được dọn ra ở tiền sảnh nhà thờ để mọi người cùng chia sẻ niềm vui với các đôi tân hôn. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều thánh lễ hôn phối hơn nữa.
(còn nữa)