Cao Viết Tuấn, CM
71. Có lẽ chỉ đảo Kiriwina, Papua New Guinea mới có tập tục kì lạ và ngược đời này: trong các buổi biểu diễn văn nghệ, càng múa giỏi càng được hâm mộ, càng bị mất tiền, càng hãnh diện, tự hào và thích thú.
Trong bất cứ lễ hội hay sự kiện quan trọng nào, các tiết mục văn nghệ, chủ yếu là ca hát và múa nhảy, là điều được mọi người háo hức chờ đợi nhất. Khán giả không chỉ ngồi xem nhưng còn tham gia vào các tiết mục bằng vỗ tay, la ó, vào “sân khấu” cùng tham gia múa nhảy.
Nhưng độc đáo nhất đó là: khi thấy hâm mộ ai múa nhảy giỏi, ca hát hay, khán giả sẽ không vào tặng bông hay tiền cho diễn viên, nhưng ngược lại họ sẽ lấy đi vòng hoa đội đầu, vòng đeo cổ, cái lông chim hay bất cứ vật trang trí nào trên người. Khi đó, người nhà của diễn viên ấy sẽ đem tiền đến chuộc lại, có khi 20 toia, có khi đến vài kina, lễ hội càng lớn giá trị món hàng cần chuộc càng lớn. Món hàng đó phải được chuộc lại ngay, nếu phải đến nhà chuộc thì sẽ bị đòi giá cao hơn. Còn nếu hâm mộ ở mức độ lớn hơn, người ta sẽ cắm một cái cọc ở bên cạnh người múa, hoặc ẵm luôn người múa về chỗ mình. Khi đó, giá chuộc tăng lên gấp 10-20 lần.
Do đó, càng ca hay múa giỏi càng phải mất tiền. Người nhà của diễn viên (cha mẹ, anh chị em, bà con…) chuẩn bị tiền sẵn để chuộc lại như vậy. Họ rất vui vẻ đem tiền đến để lấy lại các món đồ rồi đem trả lại cho người diễn viên đang múa. Có những người múa giỏi đến nỗi hết món này đến món khác bị lấy đi liên tục, người nhà không kịp nhận ra ai đã lấy các món hàng để đem tiền đến chuộc lại nữa.
Còn nếu không có ai đến lấy đồ trên người, nghĩa là múa không hay, ca không giỏi, và không mất tiền, nhưng đó lại là điều đáng buồn và xấu hổ. Có những tiết mục chán đến nỗi chẳng có ai thèm ra lấy đồ, khi đó, bà con bạn bè phải ra lấy cho có với người ta như để an ủi người múa nhảy.
Khán giả bày tỏ sự hâm mộ ấy không phải vì tiền, mà vì lòng quý mến thực sự. Như vậy mới thấy, tiền bạc ở đây không quan trọng cho lắm. Họ không suy tư bằng não trạng của tiền bạc, không bị tiền bạc chi phối.
Mình không tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu tập tục này diễn ra ở Việt Nam?
72. Việc vận chuyển hàng hoá ở PNG
Trong cuộc họp cộng đoàn vừa qua, các cha đề nghị mình lắp mới hệ thống năng lượng mặt trời cho nhà xứ. Thật sự, 2 tấm thu năng lượng công suất 100W được lắp đã hơn 20 năm nay rồi, nên bữa giờ toàn bộ năng lượng thu được mình chỉ để dành sạc pin điện thoại. Để chiếu sáng khi đi lại hay đọc sách vào ban đêm, mình chỉ dùng cái đèn nhỏ sạc bằng năng lượng mặt trời. Đối với mình như vậy là đủ. Nhưng các cha nói rằng khi có khách thì đó quả là vấn đề, ví dụ như khi Đức giám mục đến kinh lý thì đúng là bất tiện. Với lại các cha cũng lên kế hoạch để Bề trên Tổng quyền đến thăm Kiriwina vào đầu năm tới. Do đó, nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho nhà xứ là hợp lý và cần thiết.
Vậy sau khi họp xong, mình đi tìm, tính toán, chọn lựa, cân nhắc khắp các cửa hàng ở thủ đô, và mình đã mua được 1 bộ năng lượng mặt trời công suất 300W, gồm hai tấm panel 70x150cm (35kg) và một bộ tích hợp bình ắc quy, điều khiển, bộ đảo điện từ 12V sang 220V… (85kg). Ngoài ra mình còn mua bóng đèn, dây điện, công tắc và mấy thứ phụ kiện linh tinh khác. Ở Việt Nam, việc vận chuyển hàng hoá khắp cả nước là một việc đơn giản, nhưng ở đây, việc vận chuyển là điều không đơn giản, nhất là vận chuyển ra đảo. Do đó, sau khi mua xong mình đem về chủng viện để tạm và tìm cách gởi ra đảo.
Rẻ nhất là gởi bằng thuyền, và mình nghĩ thuyền luôn có sẵn ở bến giống như bến xe ở Việt Nam, gì cần là mang ra bến xe gởi, nên mình nhờ cha quản lý chở mấy thứ cồng kềnh nặng nề đó ra bến tàu. Nhưng tới nơi mình mới biết không có thuyền nào đi Alotau, họ nói phải giữa tháng 11 mới có thuyền từ Alotau đến. Mình cần phải liên hệ với nhà thuyền để khi họ đến thủ đô thì báo cho mình chở hàng ra gởi. Đã vậy, hàng hoá đến Alotau phải được đem gởi tạm một nơi nào đó để tìm thuyền ra Kirikina. Có lẽ sang năm hàng hoá vẫn chưa tới đảo, nên giải pháp này không mấy khả thi.
Mình nghĩ đến việc gởi bằng đường bưu điện, lục đục chở mấy kiện ra ra bưu điện xem sao. Tới nơi, nói chuyện trao đổi xong thì họ chỉ cân đo đong đếm các kiểu rồi bảo mình chở hàng về. Họ nói sẽ điện thoại báo giá sau, vì họ còn phải liên hệ với phương tiện vận chuyển (tàu, thuyền) mới biết giá cả thế nào. Lại lục đục chở hàng về lại và chờ báo giá. Hôm sau họ báo giá hơn 1747 kina (1kina = 7000 vnđ), và hàng chỉ tới Alotau chứ không ra đảo Kiriwina. Quá mắc và cũng phức tạp với thêm một chặng gởi từ Alotau ra Kiriwina, nên bỏ qua cách này.
Còn cách cuối là gởi bằng đường hàng không, nhưng mình sợ chi phí cao, đã vậy còn cồng kềnh và có bình ắc quy sợ người ta không chấp nhận. Mình ngần ngại không biết nên làm sao. Nhưng hôm ra sân bay mình thấy người ta kí gởi các kiện hàng rất to, và thông thường người ta vẫn thường gởi quan tài ra đảo bằng đường hàng không, nên vẫn có hy vọng khả thi. Mình liên lạc với một cha quản lý nhà dòng nhờ ra hãng hàng không hỏi thử xem sao. Họ chấp nhận với giá tương đương với gởi bằng bưu điện, và hàng hoá ra tới đảo. Thứ 5 cha đem hàng ra gởi, thứ 6 mình đã nhận được.
Vậy là nhẹ nhõm được một phần, còn một phần vẫn chưa yên đó là tôn và một số vật liệu để thay mái tôn nhà thờ vẫn còn nằm ở Alotau cả tháng nay. Cửa hàng vật liệu xây dựng vẫn chưa tìm được tàu để gởi hàng ra. Mấy tháng trước hàng hoá của mình nằm ở Alotau cũng cả tháng trời mới ra tới đảo.
Có một số người từ Úc, Việt Nam, Mỹ… nói với mình rằng họ muốn gởi áo quần, hàng hoá, dụng cụ học tập… ra đảo cho bà con. Mình rất cảm kích và trân trọng, nhưng hoàn cảnh như thế này, hàng hoá trong nước, trong tỉnh mà còn gian nan như vậy thì gởi từ nước ngoài sang không biết có tới nơi không. Qua chuyện này xin mọi người thông cảm và hiểu cho bối cảnh đặc thù không giống ai của PNG.
(còn nữa)