Ký sự PNG (Phần 27)

0
1205

Cao Viết Tuấn, CM

76. Cứ chiều chiều, mình hay đi vào làng gặp gỡ bà con nói chuyện chơi. Hôm nọ, lân la nói chuyện với một chị chừng 40 tuổi. Chị kể hồi trước chị rất muốn đi tu làm masoeur, nhưng rồi không theo đuổi được ơn gọi ấy. Do đó chị rất muốn có ít nhất một trong số 8 đứa (tạm thời) đi tu.

Nhìn 4 đứa con chơi quanh nhà, mình đùa là có một đứa trông khác những đứa kia, mình hỏi chị có phải khác cha không? Chị trả lời bảo đảm 4 đứa này và 1 đứa khác nữa đang ngủ trong nhà có cùng một cha là chồng chị hiện nay.

Chị nói thêm, còn đứa đầu, đứa thứ hai và thứ ba là con của ba người đàn ông khác nhau. Từ đứa thứ 4 đến lúc này là đứa thứ 8 là con của một người thôi. Chị nói với mình rằng chị luôn tự hào về sự chung thủy ấy. Mình hỏi lại: chắc không. Chị nói chắc chắn, nhưng mình nghĩ thầm: ai mà biết được.

77. Kể chuyện chị ấy, một số bạn cho rằng mình nghi oan, nên mình phải kể thêm những chuyện này để cho thấy mối nghi ngờ của mình có căn cứ hẳn hoi.

  • Trong một bài viết trước đây mình có nhắc đến, sau những cuộc điều tra nghiên cứu, các nhà xã hội học nhận thấy trẻ con ở đây (Kiriwina) ở độ tuổi 7-8 đã bắt đầu chơi trò chơi người lớn với nhau. Và khi chúng có đủ khả năng, chúng có thể bắt đầu làm thiệt.

Có một em nam học sinh lớp 8 (14-15 tuổi) nói với mình rằng em ấy muốn đi tu làm linh mục. Mình bảo là: đi tu không có vợ, rồi bạn sống làm sao đây? Em trả lời mình rằng, không sao đâu, trong mấy năm nay, nhiều lần mấy bạn nữ rủ vô bụi mà em từ chối hết. Em muốn đi tu thôi. Mình bảo em, ráng cầu nguyện đi, trước mắt còn 5 năm nữa, lo mà cẩn thận, bạn mà nghe lời mấy đứa con gái vô bụi là tụi nó ăn thịt bạn đó!

  • Trên đường đi, mình hay chú ý gương mặt các trẻ em. Hay giờ ra chơi, mình hay nhìn học trò chơi trong sân trường và sân nhà thờ. Thỉnh thoảng, mình thấy những khuôn mặt lạ: có nét giống Âu Mỹ, Trung quốc, Châu Phi, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc…

Lý giải cho điều này là việc khách du lịch nhất là các tàu du lịch quốc tế thường ghé trong các tour du lịch văn hoá. Những tàu này chở vài trăm đến vài ngàn du khách. Đó là dịp người dân khắp đảo đem các mặt hàng thủ công đến bán. Các nhóm ca hát múa nhảy truyền thống cũng đến biểu diễn phục vụ du khách. Kaibola, khu vực các tàu du lịch đổ bộ, trở nên đông đảo như một lễ hội với hàng ngàn người tham gia. Từ sáng sớm người người đã nườm nượp kéo đi từng đoàn. Cuộc vui chơi kéo đến tận khuya…

Mình thầm nghĩ, không biết rồi đây, sau một vài năm nữa, trên hòn đảo Kiriwina xinh đẹp này, vốn nổi tiếng với tên gọi rất lãng mạn khác: Đảo Tình (Island of Love), sẽ xuất hiện một khuôn mặt trẻ em mang dáng dấp Việt Nam chăng?

78. “Nắng mưa là chuyện của trời,” nhưng nắng mưa ảnh hưởng đến đời sống con người không ít. Nhất là ở đây, chuyện nắng mưa liên quan trực tiếp đến chuyện điện nước.

    • Chuyện Điện

Đến nay vẫn có người nhắn tin hỏi (do không đọc các bài viết trước), không có điện vậy sao sạc điện thoại. Xin trả lời lần nữa rằng: không có điện ở đây nghĩa là không có điện lưới quốc gia, chứ điện luôn có sẵn trong thiên nhiên trời đất.

Trước đây, các cha truyền giáo người châu Âu sử dụng máy phát điện hàng ngày. Khi cha xứ người Phillipines đến, cha lắp hệ thống điện mặt trời với nhiều bóng đèn khắp nhà. Hiện tại máy phát điện vẫn còn đó, nhưng tiền dầu rất mắc (50 ngàn/lít) nên nằm đó chơi thôi.

Khi mình đến đây, hệ thống điện mặt trời cũng xuống cấp, không thể thắp sáng nhưng chỉ đủ sạc điện thoại khi trời nắng. Còn việc thắp sáng, mình chỉ xài một đèn nhỏ, ban ngày phơi nắng cũng tạm đủ đọc sách vào ban đêm. Những hôm âm u mưa gió, điện bị “cúp” nên phải lo xài tiết kiệm hoặc nghỉ xài chờ trời nắng lên.

    • Chuyện Nước

Đảo Kiriwina là đảo san hô, nên khi mưa, nước thấm xuống đất rất nhanh. Cộng với địa hình bằng phẳng gần như tuyệt đối, nên không có chỗ nào trũng thấp để tạo thành ao hồ hay sông suối (sông suối chỉ có những vùng đồi núi). Tuy nhiên khi nước thấm xuống lòng đất, chúng tạo thành những dòng suối ngầm đổ ra biển.

Do đó khi thủy triều xuống, nước biển trở thành nước ngọt, còn khi thủy triều lên, nước biển trở thành nước mặn. Chờ khi thủy triều xuống, người dân đến lấy nước về nhà sử dụng. Ngoài ra, rải rác khắp đảo người dân xài giếng khoan hoặc giếng đào.

Theo tập tục ở đây, các ngôi mộ rải rác quanh nhà trong xóm làng. Ngoài ra, khi an táng, người ta chỉ quấn thi hài bằng tấm chiếu chứ không có quan tài. Với cấu tạo địa hình như ở đây, mình nghĩ rằng nguồn nước trong lòng đất không đảm bảo vệ sinh. Có lẽ các cha xứ trước cũng nhận ra vấn đề này, nên ở nhà xứ, mọi sinh hoạt đều sử dụng nước mưa 100% từ bồn chứa.

Nhưng ở xung quanh đây, các giếng khoan đều bị hư không thể sử dụng được nữa. Mỗi khi thiếu nước, người dân đến nhà xứ xin nước. Nhất là khi trời nắng, nhu cầu sử dụng nước càng nhiều. Học sinh cũng hay đến xin nước uống (không em nào đem nước theo uống). Cứ tưởng tượng, mỗi ngày chỉ 10% học sinh (20-30 em) đến gõ cửa xin nước uống thôi cũng đủ điên đầu như thế nào (Đó là chưa kể các em đến xin cơm, bánh, kẹo, thuốc…) Mình phải nói với hiệu trưởng về điều này nên tình hình đã lắng dịu.

Những ngày nắng liên tục, điện đầy đủ nhưng lại lo thiếu nước, phải cầu nguyện xin mưa. Mưa 2-3 ngày, nước chảy tràn lan nhưng không có điện xài, phải cầu nguyện xin nắng. Tóm lại, sau lời nguyện “lương thực hàng ngày”, mình còn phải xin thêm “và điện nước đầy đủ”.

(Còn nữa)