Ký sự PNG (Phần 28)

0
565

Cao Viết Tuấn, CM

79. DẸP LOẠN

Có lần mình hỏi người dân, ở đây không có cảnh sát vậy khi có bạo động hoặc đánh nhau lớn thì làm sao. Họ nói rằng tỉnh sẽ phái cảnh sát và quân đội đến.

Họ đưa ra ví dụ cách đây hơn 2 năm, trong cuộc tranh cử vào nghị viện, hai phe của hai ứng cử viên đánh nhau suốt mấy tuần liền ở ngay khu vực sân bay. Cuối cùng, chính quyền tỉnh gởi lực lượng đặc nhiệm ra dẹp loạn. Khi vừa đáp xuống sân bay, từ trên những chiếc máy bay, lính đặc nhiệm tràn ra dàn quân chuyên nghiệp, bài bản và đẹp mắt lắm. Từ khi các chuyến máy bay đáp xuống, người dân không đánh nhau nữa, họ đứng coi, bởi vì lâu rồi họ chưa thấy cảnh tượng đẹp như vậy.

Khi lính đặc nhiệm yêu cầu dân giải tán và có dấu hiệu trấn áp dân chúng, toàn dân một lòng xông vào đánh nhau với lính đặc nhiệm bằng vũ khí đang có trên tay: dao, búa, mác, giáo… Những người không có vũ khí thì ném đá. Chỉ sau vài phút, toàn bộ lực lượng đặc nhiệm đã ba chân bốn cẳng chạy lên máy bay và rút quân an toàn. Toàn dân reo hò vang dội mừng chiến thắng. Sau đó ai về nhà nấy, lòng hân hoan khôn tả. Còn chuyện xung đột với nhau để ngày mai tính tiếp.

Tối hôm đó, theo lời kể của bà con ở thành phố, đài truyền hình đưa tin (mà không chiều hình), sau nhiều tuần xung đột, chính quyền tỉnh đã phái lực lượng đặc biệt bao gồm quân đội và cảnh sát đến đảo Kiriwina để dẹp loạn. Chỉ sau một thời gian ngắn, bạo loạn đã được dập tắt, đem lại bình yên cho dân cư trên đảo.

80. Người dân Kiriwina có truyền thống làm vườn từ lâu đời. Cho đến lúc này, họ vẫn làm vườn đúng theo truyền thống xa xưa để lại, không có một dấu hiệu hiện đại nào trong phương thức làm vườn: không máy móc, không phân bón, không thuốc hoá học…

Họ vẫn duy trì lối làm du canh: Mỗi năm họ trồng trọt trên một mảnh đất khác nhau, sau khoảng 5 năm họ mới trở lại. Trong khoảng 5 năm ấy, đất được bồi đắp dinh dưỡng từ cỏ dại mục rữa hoặc tro đốt. Nhờ vậy đất trở nên màu mỡ tự nhiên mà không dùng phân bón.

Ngoài khoai mỡ là cây trồng chủ lực do đàn ông chăm sóc, khoai lang, khoai môn, sắm mì… cũng được giới phụ nữ chăm sóc. Bên cạnh đó, bí ngô, thơm (dứa), đậu đũa được trồng xen kẽ trong các vườn khoai.

Người dân tuân thủ nghiêm ngặt thời gian lẫn loại cây được gieo trồng. Đến mùa thu hoạch, người ta cũng làm đồng loạt. Vì vậy, thời gian đầu mới ra đây, mình gặp mùa thơm, nên chỉ có thơm ở chợ. Thế là kho, nấu canh, ăn sống… đều thơm. Sau đó mà mùa bí ngô, cũng nấu canh, xào, luộc… bí ngô ngày này qua ngày khác. Và hiện tại là mùa đậu đũa. Sáng trưa và tối chỉ có đậu đũa các loại các món.

81. Áo quần không có gì quan trọng đối với người dân đảo Kiriwina. Dù cũ kĩ, rách nát tả tơi, dơ bẩn hay dù kiểu cọ kì quái… người ta vẫn khoác lên người, kể cả thiếu nữ hay thanh niên. Không ai phàn nàn ai về chuyện ăn mặc.

Thật sự áo quần may sẵn cũng có bán nhưng rất đắt. Tuy vậy, các sơ mở lớp dạy may, cung cấp máy may khá nhiều. Nhưng tình hình thời trang vẫn không có gì thay đổi. Các sơ còn mua vải và may áo quần cho người dân với giá rất mềm.

Vấn đề không hẳn là tiền. Nếu người dân nhịn ăn cau, hút thuốc năm ba ngày là có dư tiền mua quần áo. Họ vẫn thích quần áo mới, đẹp, nhưng họ cảm thấy không thật sự cần thiết lắm. Để tiền ăn cau, hút thuốc thích hơn.

Một điều thú vị, đối với phụ nữ ở đây, tương tự như một vài dân tộc ở Việt Nam, nhất thiết phải mặc váy. Chiếc váy ấy rất lợi hại. Các bà các cô khỏi mặc áo, khi cần, họ chỉ cần kéo váy lên cao hơn rốn tí xíu là che được luôn phần trên cần che rồi (phần trên dài lắm). Còn khi trời lạnh, họ ngồi xổm, ngồi bệt rồi kéo váy lên tới cổ là che ấm cả người. Nhưng váy cũng bất tiện khi chơi thể thao, nên ở trường, vào giờ ra chơi, các học sinh nữ tụt váy ra để đá banh.

(còn nữa)