Cao Viết Tuấn, CM
85. Lần này về thành phố Alotau, mình không đi bằng máy bay, nhưng bằng tàu thủy trên một hành trình 24 giờ với đầy đủ mưa nắng, trăng gió giữa biển khơi ngút ngàn.
Tàu thủy ở đây không có chỗ ngồi cho hành khách, cho dù miếng ván như những ghe tàu chở khách ở Việt Nam. Phần lớn diện tích tàu là phòng lái và nhà bếp nấu ăn trong hai căn phòng được che chắn. Khách được tự do đi đứng ngồi nằm bất cứ chỗ nào mình thích trên mui tàu và vành đai xung quanh thuyền rộng gần nửa mét.
Để tránh mưa nắng, người ta che dù hoặc che chắn bằng các tấm ni lông, áo mưa. Những hôm đông khách, người ta đứng chen chúc nhau không nhúc nhích gì được. Hôm nay mình may mắn có ít khách, nên cũng thoải mái đi tới đi lui.
Suốt buổi chiều, trời thi thoảng đổ mưa. Mưa trên biển tạo nên một không gian mịt mù dày đặc bao vây xung quanh con tàu nhỏ bé. Người ta không còn phân biệt đâu là trời, là biển, là mưa nữa. Ngồi co ro trong chiếc áo khoác cùng nhấp nhô theo con tàu trong cơn sóng gió biển khơi mới thấy sự mong manh nhỏ bé của phận người trên hành tinh này.
Tàu lo cơm nước cho hành khách. Suốt hành trình, người ta thả câu, chuyến này họ câu được nhiều cá thu, cùng các loại cá khác. Nhà bếp đem cá chiên hoặc luộc ngay lập tức, nên mùi vị cá rất thơm ngon một cách đặc biệt. Do đó, chỉ cần ăn cơm với cá (chiên/luộc), nhưng mình vẫn cảm thấy rất ngon (có lẽ một phần vì đói nữa).
Trăng trên biển cũng là một điều tuyệt vời. Trăng sáng vằng vặc làm cho ánh lân tinh trên một số loài cá lấp lánh trong nước biển. Ban đêm, đứng trên boong nhìn trời mây, trăng gió, nhìn biển khơi mênh mông phản chiếu ánh trăng, nhìn những đoàn cá bơi lội tạo nên một dòng ánh sáng lấp lánh mờ ảo. Một cảm giác thật khó lòng diễn tả hết.
Tối mọi người nằm trực tiếp trên sàn tàu để ngủ. Tiếng máy trong khoang tàu gầm thét, nhịp rung của tàu do động cơ gây nên cộng với sự lắc lư do sóng biển gây ra làm cho mình cảm thấy giống như đang nằm trên ghế mát-xa như ở các bệnh viện hay siêu thị. Đã vậy, sự mát-xa này hoàn toàn miễn phí và không giới hạn thời gian. Không gì bằng!
Buổi sáng hôm sau nhiều mây, trời vẫn lạnh và nhiều gió, mình rất tiếc đã không ngắm được cảnh bình minh trên biển. Thay vào đó, mình thích thú nhìn các chú cá heo bơi theo tàu như để đùa giỡn. Ở đảo, người ta hay bán cá heo con dài chừng 0,5-1 mét, nhìn một đàn cá heo con trắng phau nằm phơi mình trên bãi biển chờ người đến mua, mình không khỏi xót xa đau lòng.
Tàu đi qua rất nhiều hòn đảo với nhiều kích cỡ, hình dạng, mà đa số là đảo nhỏ không có dân cư. Có những hòn đảo rất đẹp với bãi cát trắng phau, hay những đồi trùng điệp ngút ngàn một màu xanh thẳm. Những hòn đảo ấy là nơi trú tàu thuyền khi gặp nạn, là nơi các loại chim biển sinh sống, dừng chân hoặc đến tìm thức ăn. Nếu ở Việt Nam, chắc người ta đã khai thác làm địa điểm du lịch rồi.
Thật ra tàu đi chừng 18 tiếng là đã vào đất liền, nhưng đó là vùng đồi núi, dân làng chỉ ở dọc bờ biển, không có đường sá nên tàu phải đi dọc theo bãi biển vòng qua những eo biển nhiều giờ nữa mới tới được thành phố Alotau. Điều này có lẽ cũng tương tự như đi từ Nha Trang vào Saigon bằng đường thủy vậy.
Nói chung, tạ ơn Chúa, đây là một chuyến đi nhiều may mắn. Thời tiết khá thuận lợi, biển khá êm. Ngoài ra, tàu chỉ dừng lại 1 đảo để mua cau đem vào thành phố, chứ không la cà quá lâu nên sau 24 tiếng mình đã tới được Alotau. Điều mừng nhất là tàu đủ dầu đến tới nơi. Có một cha đến họp trễ, dù ngài đã khởi hành sớm, lý do tàu hết dầu giữa biển, nên phải nằm lênh đênh chờ tàu khác tới cứu viện.
86. Đầu năm học này, bộ trưởng giáo dục PNG nhắc lại chính sách giáo dục hoàn toàn miễn phí ở phổ thông (lớp 1-12). Theo đó, tất cả các trường học công lập lẫn tư thục không được thu bất cứ một lệ phí nào.
Tuy vậy, sau gần hai tháng khai giảng, bộ giáo dục phát hiện một số trường thu tiền của học sinh (không cần biết lý do thu tiền), các trường ấy đã bị đình chỉ hoạt động để điều tra làm rõ, những người có liên quan bị phạt và nhà trường phải hoàn trả số tiền đã thu.
Không biết bao giờ Việt Nam mới bằng PNG?
87. Về Việt Nam lần này, mình đổi passport vì thấy nó sắp hết hạn. Cứ nghĩ đơn giản chỉ là vậy thôi, nhưng khi check-in ở Tân Sơn Nhất, người ta nói phải chuyển visa vào passport mới rồi mới xuất cảnh được. Họ gọi điện cho cơ quan di trú của PNG mà không được, họ chụp hình passport gởi email sang đó hỏi trường hợp này có được nhập cảnh không. Chờ đợi cả tiếng, cũng không thấy trả lời.
Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là: họ cho mình tạm thời bay sang Manila, lấy hành lý ra ngoài rồi tối vào Check-in lại. Nếu PNG chấp nhận cho mình nhập cảnh, thì không vấn đề gì, còn nếu không chấp nhận thì mình phải mua vé máy bay trở lại Việt Nam. Mình phải kí giấy chấp thuận điều đó.
Tới Manila, trời âm u sau một cơm mưa nặng hạt, nên không khí có vẻ dễ chịu hơn. Người ta nói có bão vào, nên các trường học phải đóng cửa. Tuy vậy, đường phố vẫn tấp nập, ai ai cũng như vội vã hơn, nên vẫn kẹt xe như mọi khi.
Ở Tân Sơn Nhất, mình nhắn tin nhờ người giúp đỡ. Đó là một chị làm việc trong văn phòng Hiệp hội Giới trẻ Con Đức Mẹ Châu Á, Thái Bình Dương. Chị đưa mình đến Đại sứ quán PNG tại Manila, mình vào trình bày sự việc. Họ trả lời rằng, visa vẫn có hiệu lực, nên không cần chuyển gì hết, cứ cầm theo 2 cái passport là được.
Thôi đành biết vậy, về đại học Adamson nghỉ ngơi xíu, tối ra sân bay làm thủ tục, hy vọng mọi thứ êm xuôi.
Tối, trời mưa như trút, gió giật mạnh làm chao đảo mọi thứ, đúng là bão đã vào! Đường ra sân bay chìm ngập trong mưa. Hai cái gạt nước làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp gạt nước đi.
Đến sân bay, khác hẳn với cảnh chen lấn mọi khi, không phải xếp hàng ở bất cứ đâu, từ an ninh ở cửa sân bay, kiểm tra hành lý, check-in, làm thủ tục hải quan xuất cảnh, kiểm tra an ninh một lần nữa… cứ một mình tiến tới, không gặp bất cứ trở ngại nào. Và lúc này, ngồi ở sân bay chờ đến giờ lên máy bay.
(còn nữa)