Ký sự PNG (Phần 31)

0
845

Cao Viết Tuấn, CM

88. Làm sao để có một cuộc sống thoải mái, dễ chịu, vui vẻ?

Đó là chủ đề một bài nói chuyện trong chương trình TEDs đã đánh động mình rất nhiều. Diễn giả tên là Jon Jandai, là một người đàn ông Thái Lan khoảng 50 tuổi. Bộ áo quần ông mặc trông củ kĩ, bạc màu không có gì đặc sắc. Ông là một nông dân bình thường như những nông dân khác trên trái đất này.

Theo lời ông kể, ông được sinh ra và lớn lên ở một làng quê của Thái Lan. Tuổi thơ ông là những chuỗi ngày hạnh phúc cùng bạn bè đồng trang lứa trên mảnh đất quê hương. Người dân quê ông cũng mộc mạc, chất phác, sống chan hòa và hạnh phúc. Như suy nghĩ của mọi đứa trẻ, ông ấp ủ mơ ước được đặt chân lên thành phố như thể đó là thiên đường. Và ông đã đạt được ước mơ đó khi lên thành phố Bangkok học đại học. Ông và gia đình đều rất tự hào.

Nhưng ông đã nhanh chóng vỡ mộng khi nhận ra cuộc sống ở thủ đô không phải là thiên đường như ông từng nghĩ, thậm chí còn là địa ngục đối với nhiều người. Là sinh viên, ông ở trong phòng trọ chật chội nóng bức. Việc ăn uống của ông cũng rất kham khổ. Những người bà con lối xóm của ông đang sinh sống và làm việc ở đây đang phải vắt kiệt sức làm việc để có thể trang trải cuộc sống vốn đã quá nhiều áp lực.

Sau một vài năm, ông quyết định về nhà làm ruộng. Trên mảnh ruộng của gia đình, ông trồng lúa. Theo lời ông, ông chỉ cần làm hai tháng mỗi năm: một tháng gieo trồng và một tháng thu hoạch. Mỗi năm ông thu được 4 tấn, ăn hết 5 tạ, còn dư đem bán. Ông đào hai ao cá đủ ăn quanh năm và một mảnh vườn trồng rau. Vậy là ông không phải lo lắng việc ăn uống nữa.

Về nhà cửa, ông đào bùn làm nhà với rơm và cốt tre. Sau 3 tháng, ông đã làm xong một căn nhà. Trong khi bạn bè của ông làm việc ở thành phố 30 năm mới dành dụm đủ tiền xây nhà. Ông còn giúp nhiều người làm nhà kiểu truyền thống này. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn học sinh xây trường, xây thư viện từ vật liệu sẵn có.

Ông kể rằng đã không mua áo quần từ 20 năm nay. Ông lượm lặt những áo quần cũ mà người ta bỏ đi. Rõ ràng, áo quần mới hay đắt tiền thế nào đi nữa cũng không làm ông khác đi. Ông vẫn là chính ông trong mọi lớp trang phục, vậy tại sao phải bỏ ra nhiều tiền của để mua sắm những thứ không cần thiết ấy. Ông luôn đặt ra câu hỏi trước khi mua sắm: tôi muốn nó hay tôi cần nó? Nếu thực sự cần thì ông mua. Nếu ông chỉ muốn, ông không mua.

Ông quan niệm rằng, đau ốm bệnh tật là do cuộc sống có vấn đề khiến bộ máy cơ thể gặp trục trặc. Do đó, điều quan trọng khi đau ốm là phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục: do ăn uống, sinh hoạt, môi trường để điều chỉnh lại cho đúng đắn, để sống lành mạnh hơn. Ông học các phương pháp chữa bệnh cổ truyền từ thiên nhiên.

Theo ông, một xã hội văn minh phải đem lại cho con người: thực phẩm, nhà ở, áo quần và thuốc men. Trong xã hội hiện đại, con người phải chiến đấu cật lực để có cái ăn cái mặc, do đó xã hội ấy không thể gọi là văn minh khi có rất nhiều người đói rách, sống lang thang vô gia cư, đau ốm bệnh tật không được chăm sóc. Những gì được xem là văn minh, hiện đại, tiến bộ như hiện nay có đem lại hạnh phúc cho con người hay không?

Ông nói rằng ông chỉ trở về cuộc sống đúng với bản chất của nó, một cuộc sống cân bằng, nhẹ nhàng, thoải mái. Ông lặp lại điều mà Chúa Giêsu đã nói hai ngàn năm trước đây khi nhắc tới những con chim: chúng không quá vất vả để làm tổ, không quá vất vả để kiếm ăn, và rõ ràng không có con chim nào chết đói, không có con chim nào không có tổ. Chúng biết cách tìm thức ăn và làm tổ như một bản năng. Trong khi ngày nay tại những nơi văn minh hiện đại, rất nhiều con người vốn dĩ luôn tự hào là thông minh bật nhất, siêu việt nhất trong mọi loài động vật, lại không thể kiếm đủ cái ăn, không có được mái nhà để ở. Vậy chắc chắn có gì đó sai sai ở đây! Những gì ông làm là trở lại đúng con đường mà nhân loại phải đi. Tuy vậy người ta cho ông là lập dị, khùng điên. Nhưng ông cũng không quan tâm điều đó, vì chúng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ông.

Cách đây 3-4 năm, mình gặp cặp vợ chồng trẻ trên miền núi Tây Bắc Việt Nam. Họ có học thức, từng đi làm ở thành phố vài năm, rồi bỏ về quê làm ruộng. Mình hỏi anh chồng: Sao anh quyết định vậy? Anh nói, ở thành phố, anh vợ chồng làm mỗi tháng được mười mấy triệu, nhưng áp lực công việc rất lớn. Chúng tôi phải đi làm đúng giờ mỗi ngày. Trong khi tiền lương chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống của vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Trong khi ở đây, chúng tôi không phải lo lắng gì hết.

Chiều chiều, nam phụ lão ấu trong làng tụ tập sân đá banh vừa coi đá banh, vừa nhai trầu hút thuốc nói chuyện. Ai có trái dừa trái chuối hay con cua con cá cũng đem ra đây họp thành chợ

Làng Gusaweta trên đảo Kiriwina, (dân số là 557 mà số trẻ em là 189), có 56 người đã và đang học đại học. Nhưng nhiều người trong số đã tốt nghiệp trở về làng làm vườn. Đôi lúc, mình cảm thấy ghen tị và tức giận khi nhìn thấy người dân suốt ngày ở nhà, tụ tập nói chuyện tầm phào, cùng nhau ăn trầu hút thuốc cho hết ngày giờ. Thanh niên, giới trẻ cứ 2-3 giờ chiều đã tụ tập đá banh, đánh bóng chuyền đến tối. Tối đến họ lại quây quần ca hát, kể chuyện. Mình nghĩ họ lười biếng, họ không chịu suy nghĩ, họ không thích áp lực công việc, họ thích an nhàn, hoặc do thiếu công ăn việc làm nơi thành phố… Nhưng không ai có thể phủ nhận họ đang có một cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng, dễ chịu hơn những người đang sống nơi thành thị, nhất là ở các quốc gia được gọi là phát triển hay giàu có.

Những ngày tháng ở PNG, nhất là ở đảo Kiriwina, nhìn cuộc sống của người dân mộc mạc giản dị như vậy khiến mình suy nghĩ nhiều về quan niệm sống này. Ai đúng ai sai? Ai sướng ai khổ? Mình hay nói với trẻ em trên đảo rằng, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta nhốt con nít suốt ngày ở trường và suốt đêm ở nhà. Còn ở đây, con nít được tự do đi lại, tự do vui chơi, tự do ăn uống… Mình tự hỏi, không biết con nít ở đâu sung sướng hạnh phúc hơn? Còn đối với người lớn, người ta làm việc cật lực chỉ để mong có được ngày tháng an nhàn khi về già, liệu đó có phải là khôn ngoan, hay có gì đó nghịch lý chăng? Khi rõ ràng, người dân ở đây không phải làm việc cật lực nhưng cũng có cuộc sống an nhàn ngay bây giờ chứ không cần chờ về già. Không biết ai đáng thương hơn, ai đáng tội nghiệp hơn?

Mình không hoàn toàn ủng hộ quan niệm cho rằng không cần học hành gì hết, chỉ cần ở nhà làm ruộng. Mình cũng không ủng hộ để cho trẻ em lêu lỏng, không được học hành. Tuy nhiên, qua những chia sẻ này, mình chỉ muốn gởi đến một thông điệp đơn giản: trong bối cảnh cuộc sống đầy áp lực căng thẳng, vất vả khó khăn như hiện nay, mỗi người chúng ta cần phải đặt vấn đề, cần phải điều chỉnh thế nào đó, để có được cuộc sống nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Ví dụ, chúng ta phải rất cẩn thận trước cạm bẫy của truyền thông, quảng cáo đang đánh lừa bằng vô số chiêu thức tinh vi, tránh những “nhu cầu ảo”. Chúng ta tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho những thứ vô ích vô bổ? Không cần phải chạy đua theo thời trang, công nghệ nhưng cần chú trọng hơn đời sống nội tâm, tinh thần, tôn giáo, củng cố mối tương quan gia đình, bà con, bạn bè và lối xóm.

(còn nữa)