Cao Viết Tuấn, CM
98. KỲ NGHỈ GIÁNG SINH 2021, KỲ 5
Sáng sớm hôm sau, thứ 3, tàu ghé vào một hòn đảo để mọi người đi vệ sinh, lấy nước uống cho một hành trình 12 tiếng liên tục. Khi lên bờ, mình thấy một ngôi làng với một nhà nguyện nhỏ. Thì ra đó là đảo Tewara, nơi xuất thân của cha John Sinou, vị linh mục bản xứ tiên khởi ở Milne Bay. Cũng nơi đây mình gặp chị Shaline là thư kí của giám mục đang về quê nghỉ hè. Đồng thời mình gặp một em học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 từ trường Thánh Tâm Hagita.
Sau khi gặp gỡ nói chuyện với những người quen xong, mình trở lại chiếc tàu nhỏ bé để tiếp tục lênh đênh một cách chậm chạp trên biển. Cũng đáng mừng vì hôm đó trời không mưa cũng không nắng lắm, nên cũng đỡ phần nào. Dù vậy, di chuyển lâu giờ trên một phương tiện như vậy cũng khiến mình mệt mỏi, nhất là các vết ruồi cát cắn bắt đầu làm khổ mình.
Lúc này, trên tàu, người ta nấu cơm, và các loại khoai, chuối cho mọi người và chiên con cá câu được làm thức ăn. Khoảng 10g, người ta dọn cho mỗi người một dĩa gồm cơm, khoai, chuối và một lát cá chiên. Đó sẽ là bữa ăn duy nhất cho đến khi tới đảo. Nhờ mấy cái bánh, trái xoài, trái dừa và trái đu đủ kia, mình có thêm lương thực, nhất là bổ sung chất xơ cũng như vitamin cho một hành trình không mấy thoải mái.
Đến gần 7g tối, tàu đến được Losuia là bến cảng của đảo Kiriwina. Mình liên lạc với cha Hà Vũ, và sau khi dâng lễ xong, cha Vũ đến đón mình đến giáo xứ Gusaweta, bằng chiếc xe moto Yamaha 200 phân khối. Như vậy, mình đã kết thúc một hành trình không mấy thoải mái và dễ dàng. Nhưng dù sao, mình cũng rất vui và tạ ơn Chúa là có thể đến đảo sớm, kịp chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.
99. KỲ NGHỈ GIÁNG SINH 2021, KỲ 6
Sau khi ở Gusaweta thêm 1 ngày để nghỉ ngơi, trưa thứ năm, ngày 23 tháng 12, chiếc xe bán tải của giáo xứ Wapipi đến đón mình. Cũng cần nói thêm về chiếc xe đặc biệt này, nó đã quá cũ kĩ và rệu rạo, đến nỗi muốn khởi động nó, người ta phải đẩy để chạy đà và vào số. Trần xe cũng dột nát cho dù người ta đã dán băng kèo chằng chịt để vá những chỗ lủng.
Vì có một sơ đi cùng, nên mình nhường chỗ ngồi duy nhất trong xe bên cạnh tài xế cho sơ, còn mình ngồi sau thùng xe cùng với 25 thùng bánh quy làm quà cho các em thiếu nhi ở Wapipi. Đi không bao lâu, trời đổ mưa tầm tả. Tấm bạt nhỏ được dùng để che các thùng bánh qui, mình chỉ che bằng chiếc dù nên chẳng mấy chóc người mình ướt sũng trong gần 30 phút cho đến khi tới giáo xứ Wapipi.
Giáo xứ Wapipi hiện do cha Emmanuel Lapaz dòng Vinh Sơn người Phillipines coi sóc. Nhưng cha về Phillipines nghỉ phép, tuy đã trở lại PNG nhưng còn phải cách li ở thủ đô nên không về kịp. Trong thời gian cha đi vắng, có cha Joseph Amith người Ấn Độ giúp tạm, nhưng cha cũng đã về thủ đô từ tháng 11. Do đó, nơi đây không có linh mục đã hơn 1 tháng.
Khi mình đến, các sơ bảo mình hệ thống điện mặt trời không hoạt động. Sau khi xem xét thì mình thấy bộ điều khiển sạc bị cháy, không thể sạc điện được, có lẽ do một thời gian dài không sử dụng. Mình chỉ cố gắng kết nối trực tiếp bóng đèn vào bình ác qui để sử dụng tạm thời cho lễ Đêm Giáng Sinh.
Thứ sáu, 24 tháng 12, ngoài thánh lễ sáng ở giáo xứ, buổi chiều mình vào làng dâng lễ vọng Giáng Sinh, và 8g tối, mình dâng lễ đêm. Hôm sau là Thứ bảy và Chúa nhật, mỗi ngày mình đều dâng 3 thánh lễ ở những làng khác nhau. Trời mưa tầm tã, đường lầy lội, cũng may là có chiếc xe kia giúp mình trong việc di chuyển. Dù vậy, do phải nói nhiều và nói to, vì trời mưa và đông người tham dự, nên mình bắt đầu có triệu chứng cảm: sốt, nhức đầu, đau họng, sổ mũi…
Chiều Chúa nhật, lễ Thánh Gia, sau khi dâng lễ thứ 3 xong, mình về lại nhà xứ, thì cha Vũ đã chờ để chở mình qua Gusaweta để mừng lễ Giáng sinh cùng với sơ bên đó. Dù các sơ đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn, nhưng lúc này mình đã thấm mệt, nên việc ăn uống không thấy ngon gì nữa.
Tối hôm đó, cơn cảm cúm trở nặng hơn khiến mình rất mệt. Sáng thứ hai mình trở lại giáo xứ Wapipi và trong những ngày tiếp theo, mình nằm ở nhà xứ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Nhà xứ chỉ có gạo, mì gói, cá hộp, cha Vũ cho một chục trứng và ít hành tây. Mình thủ sẵn một ít thịt chà bông, nên như vậy là đủ để tồn tại trong những ngày sắp tới.
Các sơ ở Wapipi đã về thủ đô hội họp, nên bầu khí nhà xứ và nhà thờ ở Wapipi càng thêm tĩnh tặng. Khác với ở Gusaweta đã có hệ thống Internet vệ tinh, còn ở đây, sóng điện thoại thông thường cũng rất yếu, cứ chập chờn lúc có lúc không. Thêm vào đó hệ thống điện mặt trời không hoạt động, mình chỉ có một bóng đèn pin nhỏ sạc bằng ánh sáng mặt trời để sử dụng ban đêm.
Nằm bệnh ở một nơi xa lạ, không có ai bên cạnh và thiếu thốn những gì cơ bản nhất cũng là một trải nghiệm quý báu. Mình phải tự xoay sở nấu nướng một cách đơn giản nhất có thể và sống những ngày tĩnh lặng, cách li với thế giới bên ngoài hoàn toàn: không điện thoại, không Internet… Do vậy, mình có rất nhiều giờ đọc sách, cầu nguyện, suy niệm như trong một cuộc tĩnh tâm riêng vậy.