Ký sự PNG (Phần 5)

Đăng ngày: 09/09/2019

Cao Viết Tuấn, CM

19. Trobriand là một đảo san hô. Cho dù đất đai dày đặc san hô nhưng người dân vẫn cần cù lao động với khoai mỡ là đặc sản của đảo.

Một góc đảo Trobriand nhìn từ máy bay. Đây là mọi đảo san hô, rất bằng phẳng, không có sông suối.

Trên rẫy, người ta phân chia công việc rạch ròi: Đàn ông chăm sóc khoai mỡ, phụ nữ chăm sóc các cây trồng khác như khoai môn, khoai lang…

Người dân không trồng khoai mỡ như một món hàng thương mại, họ trồng khoai mỡ để làm lương thực, dùng trong các dịp ma chay, lễ hội và dùng để trao đổi hàng hoá với nhau.

Người con gái ở đây cũng mang khoai mỡ đi để đổi lấy chồng, ý nhầm, để cưới chồng.

Đây là một củ khoai mỡ ở đảo Trobriand, dài cũng khoảng 2m, người ta phải cột vào những thanh cây như vậy để gánh đi.
Kiểu nhà truyền thống của người dân đảo Trobriand

Phụ nữ Trobs không mang đồ đạc trong bilum nhưng đội trên đầu.

20. Chuyện xài điện thoại trên đảo Trobriand

Một Sr làm việc ở đây lâu năm chỉ bí quyết thu được sóng điện thoại: từ giữa cửa nhà thờ bước thẳng ra sân 14 bước, bước sang trái 3 bước trên đường thẳng tạo với trục tung một góc 30 độ, rồi quay mặt về hướng Đông Bắc, đưa điện thoại cách mặt đất 1,5 mét. Đó là tọa độ thu được sóng điện thoại.

Ở trên đảo có 1 trụ phát sóng điện thoại duy nhất. Vì cả đảo không có điện nên người ta phải chạy máy phát điện để dùng cho trạm phát sóng đó. Mỗi khi hết nhiên liệu, toàn đảo nghỉ xài điện thoại ít bữa, hoặc cả tuần cho đến khi có tàu chở nhiên liệu ra. Gặp mùa mưa bão, một chuyến tàu phải mất cả tháng mới ra tới đảo. Còn nếu trạm phát bị hư hỏng gì đó, toàn đảo nhưng liên lạc bằng điện thoại thậm chí vài tháng đến cả nửa năm.

Nguồn năng lượng chủ yếu được sử dụng là năng lượng mặt trời, chúng vừa đủ dùng cho sạc điện thoại. Nhưng vì mạng yếu nên điện thoại rất nhanh hết pin. Đôi khi phải hy sinh không thắp đèn ban đêm để dành sạc điện thoại. Khi trời âm u thì ngay cả điện thoại cũng không đủ sạc. Từ khi ra đảo, điện thoại mình chưa bao giờ sạc đủ 50% pin, còn laptop thì đã được gói kĩ cất trong tủ.

Luôn tiện kể chuyện đi tàu. Tàu thủy ở đây không có chuyến cố định ngày giờ. Hành khách liên hệ với chủ tàu đặt vé để khi nào tàu ghé qua thì thông báo cho hành khách. Tàu đi đảo này qua đảo nọ, không biết mất bao nhiêu ngày, vì nếu tới đảo nào đó có dịp gì đó, chủ tàu có thể ở lại chơi vài ngày rồi mới lên đường, mặc cho hành khách vật vờ trên tàu hoặc trên bến.

Còn về máy may, mỗi tuần có ba chuyến ra đảo vào thứ 2,4 và 6. Giá vé khá mắc vì ít hành khách. Hôm ra đảo, sau khi check in xong và còn nhiều thời gian, mình muốn đi lòng vòng. Nhân viên check in dặn phải đến sớm trước 1 tiếng vì nếu máy bay tới sớm thì sẽ bay sớm (muốn bay giờ nào cũng được).

Sân bay ở đảo thật sự không biết diễn tả làm sao, nó không có một yếu tố nào giống với một sân bay thông thường. Nhà dân ở dọc đường băng. Người dân cũng vào tận đường băng để… coi máy bay và nhìn hành khách. Còn hành lý được vận chuyển bằng các nhân viên bốc vác.

(còn nữa)