Ký sự PNG (Phần 7)

0
711

Cao Viết Tuấn, CM

24. Nhật kí ngày 16 tháng 9 năm 2019

Lấy cớ là ngày quốc khánh của PNG, mấy người ở đây rủ mình đi xuồng ra đảo bắt cá, bắt cua, coi rong biển. Thế là mình có một chuyến đi rất thú vị.

Cơn mưa từ tối Chúa nhật (sau hơn 1 tháng không có mưa) vẫn còn muốn kéo dài đến sáng thứ hai. Và đúng thật, sau khi đã chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tới giờ xuất phát thì trời đổ mưa, nên mọi người phải ráng chờ trời tạnh rồi mới lên đường.

Chiếc xuồng di chuyển chủ yếu bằng cách chống, vì buổi sáng thuỷ triều xuống nên nước biển cạn. Thậm chí có nhiều chỗ mọi người phải ra khỏi thuyền để đẩy qua những nơi quá cạn. Những chỗ nước biển sâu không thể chống bằng sào thì chèo tay. Trong việc chống lẫn chèo này mình đều tham gia tích cực.

Lúc ra giữa biển, thì trời lại đổ mưa, lúc này chuyện mưa gió không còn quan trọng nữa. Và cứ vậy, lâu lâu trời lại đổ mưa, càng làm cho bầu khí thêm mát mẻ, nếu không muốn nói là lạnh.

Chỉ ra khỏi bờ chút xíu, bãi đá san hô ở nền biển không còn nữa, thay vào đó là một bãi cát trắng mịn như bột, mọc tràn lan rong biển. Bây giờ mình mới hiểu tại sao người ta gọi rong biển là cỏ biển (seaweed): đám rong biển này giống với đám cỏ dại mọc ở những bãi đất hoang. Trong bãi cỏ biển này, rong nho chiếm phần đa số. Chỉ cần quơ tay xuống là có thể kéo lên một mớ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ở đây một mớ rong nho có giá 20 toia (1400vnd).

Ở những chỗ mình phải ra khỏi xuồng để đẩy qua bãi cạn, bước lên những đám rong nho này kêu lụp rụp như những bong bóng li ti nổ dưới chân, mình cảm thấy có lỗi với những người thích ăn rong nho đang đọc bài này. Nhưng mình không biết làm gì khác hơn, vì chúng mọc chi chít, không có chỗ nào để tránh. Thôi thì mình thành thật xin lỗi vậy.

Khi gần đến đảo, toán người được chia thành hai nhóm: một nửa xuống biển bắt cua, cá, nửa con lại tiếp tục đi vào bờ dọn chỗ, nhóm lửa. Mình thuộc nhóm đi lên đảo. Như mình đã nói, biển ở đây rất cạn, nước chỉ ngang đầu gối, nên người ta chỉ lội xuống giăng dưới, dùng xiên đâm cá…

Nhóm lên đảo cũng phải ra khỏi xuồng để đẩy chứ không thể ngồi trên xuồng. Và khi đến chỗ quá cạn không đẩy xuồng được, mọi người neo xuồng lại rồi vác đồ đạc lội lên bờ.

Đây là một hòn đảo hoang với rừng rậm và có nhiều dừa. Xuồng cập vào một bãi cát hiếm hoi, vì bao bọc xung quanh đảo hầu hết là các cây họ đước mọc ra tận biển. Bãi cát này là nơi dừng chân của các ngư dân đánh bắt cá, nên có nhiều đám tro, nhiều xương cá, vỏ dừa…

Lúc này mọi người chặt cây dựng lều bằng chiếc buồm của xuồng, nhóm lửa, luộc khoai mì, khoai lang trong một cái nồi lớn với nước ngọt đem theo. Những người lớn tranh thủ đi chặt cây về làm cọc cho khoai mỡ, cột nhà, cột chống xuồng. Còn đám con nít thì chạy nhảy xung quanh, tìm bắt cua còng ven biển. Chúng bắt được một con cá nóc, và vui thích đùa nghịch với con cá tội nghiệp này, nó cứ trương mình như quả bóng nhỏ.

Buổi sáng nước cạn với lại hôm nay không được may mắn lắm, nên người ta không bắt được nhiều cá lắm, chỉ tạm đủ ăn bữa trưa. Cá được moi ruột và rửa bằng nước biển, rồi bỏ vào nồi khoai luộc đã gần chín. Người ta chừa một số cá để nướng ăn tạm trong khi chờ khoai và cá chín. Không cần muối, người ta cho thêm nước biển vào nồi, và nạo dừa vắt nước cốt vào.

Khi cá và khoai chín, người ta bày trên những tấm lá, mọi người ngồi xung quanh bóc ăn. Còn nước luộc cá và khoai trở thành canh, họ đổ ra những miếng vỏ dừa để húp. Ai ai cũng ăn uống rất ngon lành, nhất là vì ai cũng đã đói mèm.

Dọc đường đi, nhất là những chỗ lội bộ đẩy xuồng, mình nhìn thấy nhiều sao biển rất đẹp, và đặc biệt hải sâm, mà ở đây người ta gọi là dưa biển (sea cucumber), vốn là một loại hải sản quý hiếm và là một bài thuốc quý đối với người Việt Nam, Trung Quốc. Do đó, việc thu mua hải sâm của người Châu Á ở PNG đem lại rất nhiều lợi nhuận. Chính phủ PNG có lệnh cấm đánh bắt hải sâm rất nghiêm ngặt vào những mùa trong năm. Thời gian này đang là mùa cấm đánh bắt, nên cho dù có rất nhiều hải sâm, người ta chỉ bắt vài con ăn chơi thôi.

Mình ăn hải sâm nấu cháo do một người Việt Nam, nó rất, vị ngọt và rất ngon. Còn hôm nay, người ta chỉ làm ruột rồi nướng. Từ một con hải sâm cỡ cổ tay, sau khi nướng chín chỉ còn bằng ngón tay, thịt của nó trở nên cứng, cộng với nhiều cát trong ruột nên khi ăn mình cảm thấy hơi tiếc. Giá như nó được chế biến đàng hoàng thì ăn ngon hơn biết mấy.

Sau khi ăn trưa xong, người thì tranh thủ đi bắt ốc, bắt cá để đem về bán, người thì đi tìm củi, tìm cọc khoai mỡ, cột nhà… Đến hơn 3g chiều mọi người dọn đồ đi về. Lúc này thuỷ triều đã lên cao, và gió thuận, nên chỉ cần giương buồm lên và đi chứ không cần chèo chống gì. Trời vẫn lúc mưa lúc tạnh.

Khi nhìn thấy cá, người ta lại nhảy xuống giăng lưới, nhưng cũng không đánh bắt thêm được bao nhiêu. Gần tới nhà, người ta mới dừng xuống lấy rong biển. Như mình đã nói, chỉ cần vơ tay là có được một mớ giống y như nhổ cỏ vậy. Người ta nhổ rong nho lên rồi lựa những dây nào tươi tốt mới đem về. Chỉ trong thoáng chốc, ai ai cũng lấy được cả bao.

Về đến nhà cũng đã 4g30, mình tranh thủ tắm rửa, làm cá, nấu cơm ăn rồi lo kinh nguyện và dâng thánh lễ. Do chèo chống cả ngày, nên thân thể mỏi mệt rả rời. Dâng lễ xong, về nhà xứ đọc kinh suy niệm một chút là lên giường nằm thẳng cẳng, bên người trời lại mưa, một cảm giác sung sướng không gì bằng. Tạ ơn Chúa.