William B. Moriarty, C.M.
Nhận xét sơ khởi
Thánh Vinh Sơn Phaolô đã khởi xướng truyền thống tuyên bố Lời Quyết Tâm (Bons Propos) trong Tu Hội Truyền Giáo vào những năm 1640, gần hai mươi năm sau khi thành lập. Nhiều thế kỷ sau, việc thực hành này vẫn tiếp tục. Bài viết này sẽ xem xét lịch sử của những Lời Quyết Tâm và sự tiến triển của truyền thống Vinh Sơn độc đáo này. Ngày nay, những Lời Quyết Tâm có cơ năng rất khác biệt trong tiến trình đào tạo của chúng ta, như là một phần phong phú và sống động hơn trong hành trình của một người đối với cam kết trong Tu Hội Nhỏ.
Ngay từ đầu, một vài tiền đề cần phải được nêu ra. Việc thực hành tuyên bố những Lời Quyết Tâm được biết đến với tất cả những ai đã từng trải qua quá trình đào tạo Vinh Sơn kể từ thời thánh Vinh Sơn. Tuy nhiên, việc diễn đạt nó và ý hướng của Lời Quyết Tâm ít có hoặc không có sự công nhận nào bên ngoài phạm vi của Tu Hội. Ngay cả với những người hiểu rõ chúng cách tường tận (chẳng hạn như các Nữ Tử Bác Ái), thì sự am hiểu hoặc nhận thức về thực hành của chúng ta khi làm lời Lời Quyết Tâm cũng khá ít ỏi.
Hơn nữa, kinh nghiệm và sự am hiểu về vai trò của những Lời Quyết Tâm đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Việc thực hành đã tiến triển đáng kể, nhưng không bị biến thành một thực thể khác. Tuy nhiên, đã không có một ai khởi xướng một cách ý thức sự tiến triển này và hầu hết các thành viên của Tu hội đều không để ý về sự thay đổi đã từng xảy ra.
Cuối cùng, dù trọng tâm của bài viết này là về các lời Lời Quyết Tâm, thì vẫn có một mối liên kết không thể tách rời giữa những lời Lời Quyết Tâm và các lời khấn Vinh Sơn. Vì những Lời Quyết Tâm là bước đệm hoặc là con đường dẫn đến các lời khấn, nên bản chất và tính khác biệt của lời khấn cũng phải được xem xét.
Tiên kiến của thánh Vinh Sơn Phaolô
Tài liệu tham khảo chính về các lời Lời Quyết Tâm trong các bút tích của thánh Vinh Sơn, được tìm thấy trong một lá thư gửi cho cha Louis Lebreton ngày 14 tháng 11 năm 1640: Cha đã được gửi đến Rome vào đầu năm 1639 để xúc tiến công việc của Tu Hội tại Tòa án La Mã, đặc biệt là câu hỏi về lời những lời khấn (CCD. II, 1). Thánh Vinh Sơn đã nói với cha ấy: “Làm việc kiên nhẫn với những vị chủ chăn của cha: những gì cha đã nói với tôi về các ngài làm tôi phấn khởi, vì cha có thể nói với lý do tốt đẹp về việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Trong số những vấn đề ấy, cha hãy làm việc với những vấn đề nhỏ khác của chúng ta, như chúng ta đang làm ở đây, theo những Nội quy nhỏ của chúng ta, những gì mà chúng ta đang thích nghi nhiều nhất có thể, đối với những điều đã đề cập cho tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ quyết định thực hiện các Lời Quyết Tâm để sống và chết trong Tu Hội, trong năm đầu tiên trong chủng viện …” (CCD. II, 155).
Ngoài ra, một tài liệu chưa được công bố bằng tiếng Pháp xuất bản năm 1652 có tựa đề Các Quy tắc dành cho Giám đốc Nội Chủng Viện đề cập đến việc thực hiện các Lời Quyết Tâm: “Vào cuối năm thứ nhất, vị giám đốc sẽ cho các Nội chủng sinh làm một cam kết vững vàng để tuân giữ đức khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và kiên định vào cuối đợt tĩnh tâm mà họ sẽ tham gia. Quan tâm chính của vị ấy là khơi dậy nơi các Nội chủng sinh tinh thần khiêm nhường, vâng lời, đơn sơ, hãm mình, thân ái và đạo đức, đồng thời cho họ thấy mẫu gương về những điều này bao nhiêu có thể.”
Trong nhiều thế kỷ, các Nội chủng sinh trong Tu Hội tuyên bố Lời Quyết Tâm khi hoàn tất năm đầu tiên của chương trình Nội Chủng Viện hai năm. Đó là một tuyên bố chính thức của một người về ý định tại thời điểm giữa kỳ Nội Chủng Viện. Theo Hiến pháp hiện tại của chúng ta, chúng ta thấy rõ về thực tiễn này: “Một năm sau khi được thu nhận vào Tu Hội, theo truyền thống Tu Hội, thành viên này sẽ bày tỏ bằng lời ‘Lời Quyết Tâm’ ý muốn trọn đời dâng hiến chính mình để chăm lo ơn cứu độ của người nghèo, theo Hiến pháp và Quy chế của chúng ta” (HP 54 § 2).
Từ thời thánh Vinh Sơn, thời gian các ứng sinh được nhận vào Nội Chủng Viện là hai năm. Theo lá thư mà ngài gởi cho cha Lebreton, truyền thống của việc tuyên bố lời Lời Quyết Tâm diễn ra khi hoàn thành năm đầu tiên. Chu kỳ bày tỏ lời Lời Quyết Tâm này đã theo sau bằng việc khấn trọn một năm sau đó. Đây là thông lệ trong Tu Hội cho đến khi Hiến pháp 1954 được ban hành (số 161, § 4).
Kể từ thời điểm đó, Lời Quyết Tâm vẫn được thực hiện vào cuối năm thứ nhất của Nội Chủng Viện. Tuy nhiên, khi hoàn thành năm thứ hai của Nội Chủng Viện, những lời khấn tạm ba năm đã được giới thiệu như là một thực hành cộng đoàn phổ quát cho lần đầu tiên. Không giống như những thay đổi xảy ra với các lời khấn, việc thực hiện các Lời Quyết Tâm vẫn không bị ảnh hưởng và được tuyên bố ở thời điểm giữa năm Nội Chủng Viện của chương trình hai năm.
Thật thú vị, việc làm lời khấn tạm đã được bắt đầu ở một số tỉnh dòng trước khi thay đổi Hiến pháp năm 1954, do sự bắt buộc về nghĩa vụ quân sự đối với các chủng sinh. Tu Hội ở Pháp, cũng như ở các quốc gia châu Âu khác bị ràng buộc về nghĩa vụ quân sự tương tự, đã đưa ra những lời khấn tạm chưa được biết đến trước đây, và điều này đã trở thành một thực hành được chấp nhận ở các tỉnh dòng đó (x. Rybolt, General History V, trang 80).
Một lý do khác khiến việc tuyên bố lời vĩnh khấn sau năm thứ hai Nội Chủng Viện đã bị ngưng lại, đó là vì nhiều chủng sinh chưa đủ 21 tuổi theo yêu cầu của Giáo luật khi kết thúc thời gian Nội Chủng Viện của họ.
Hơn nữa, Bộ Giáo Luật sửa đổi năm 1918 đã tìm cách chuẩn hóa các tiến trình khấn của tất cả các cộng đoàn dòng tu. Tu Hội đã tán thành và giới thiệu việc thực hành của các chủng sinh tuyên bố lời khấn tạm ba năm trước khi làm lời khấn vĩnh viễn. Braga đã lưu ý: “Bản văn được trình bày dưới hình thức và tinh thần pháp lý và trong đó, một lược đồ ‘đời sống tu trì’ xuất hiện có xu hướng hướng tới một sự chuẩn hóa thường không được phép, điều mà Tu hội bị bắt buộc phải xem xét các theo yêu cầu của các cơ quan thuộc giáo triều” (Braga, trang 14).
Tuy nhiên, một lần nữa trong thế kỷ 20, việc làm các lời khấn đã trải qua những bước chuyển biến đáng kể và thậm chí là biến động. Tuy nhiên, việc tuyên bố các Lời Quyết Tâm vẫn không bị ảnh hưởng, bởi lẽ thời điểm mà chúng được thực hiện chưa bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, sự mơ hồ nhất định về các Lời Quyết Tâm, đặc biệt là bây giờ, đòi hỏi phải có sự giải thích về ý nghĩa của chúng. Kinh nghiệm và sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của các Lời Quyết Tâm đã trải qua một số tiến triển quan trọng.
Sự tiến triển của các Lời Quyết Tâm
Như đã lưu ý, trong nhiều thế kỷ, các chủng sinh trong Tu hội đã tuyên bố các Lời Quyết Tâm khi hoàn tất năm đầu tiên của Nội Chủng Viện hai năm. Đó là một tuyên bố chính thức về ý định ở giữa giai đoạn. Các chủng sinh bày tỏ ý định của mình thông qua một công thức tương tự như sau: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là: …, có ý định trung thành dâng hiến chính mình trong Tu Hội Truyền Giáo trọn đời sống con để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, theo gương Đức Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng. Vì thế, nhờ ơn Chúa giúp, con xin tuân giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, theo Hiếp pháp và Quy chế của Tu Hội chúng con. (QC 21 § 1).
Ngày nay, việc thực hành và hiểu biết về các Lời Quyết Tâm đã có sự tiến triển trong một số cách:
- Các Lời Quyết Tâm không còn được tuyên bố ở thời điểm giữa kỳ Nội Chủng Viện hai năm.
- Nội Chủng Viện bây giờ là một năm. Khi được tiếp nhận vào Nội Chủng Viện, một người trở thành một thành viên được thu nhận của Tu Hội Truyền Giáo. Các Lời Quyết Tâm được thực hiện khi hoàn thành năm Nội Chủng Viện.
- Do những thay đổi về đào tạo và cơ cấu trong Tu Hội, được giới thiệu bởi Hiến pháp và Quy chế năm 1984, các Lời Quyết Tâm bây giờ mang một khía cạnh và kinh nghiệm khác biệt trong đời sống của một người trong Tu Hội Truyền Giáo.
Sau khi hoàn thành năm Nội Chủng Viện, ở hầu hết các tỉnh dòng, các thành viên được thu nhận bắt đầu chương trình đào tạo thần học chính thức để chuẩn bị cho việc phong chức phó tế và linh mục. Các ứng viên tu huynh thường được yêu cầu bắt đầu chương trình đào tạo chuyên ngành cho công việc truyền giáo. Trong vài năm kế tiếp, họ sống theo ý định đã được tuyên bố là trung thành hiến thân cho sự cứu rỗi của người nghèo suốt cuộc đời họ trong Tu Hội Truyền Giáo.
Hiện nay, các sinh viên được thu nhận sống vài năm với các Lời Quyết Tâm, chứ không phải trong một năm như họ đã làm trong quá khứ. Các Lời Quyết Tâm đã chuyển đổi thành thời kỳ trưởng thành đời sống của họ trong Tu Hội, cũng như thời kỳ phân định và chuẩn bị cho việc gia nhập và làm các lời khấn.
Để mô tả thêm về thực tế này và sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của các Lời Quyết Tâm, chúng ta hãy so sánh với những gì mà những người trong đời sống hôn nhân hướng đến. Có một phong tục trong xã hội tương đồng với trải nghiệm của các Lời Quyết Tâm: tương tự như trải nghiệm về thời kỳ đính hôn của các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Thời kỳ đính hôn nói về sự trung thành đối với một mối tương quan, tính chiếm hữu, sự hiểu biết sâu xa hơn, đào sâu lời cam kết, nhận định các giá trị… Đó là khi các cam kết nội tại được tái định hình dưới ánh sáng của một mối tương quan. Điều này tương đồng với thời gian của các Lời Quyết Tâm được dành cho các chủng sinh.
Lời Quyết Tâm: một tuyên bố về ý định
Các Lời Quyết Tâm là một tuyên bố về ý định, nhưng chúng không phải là lời khấn. Công thức này trung thành với truyền thống lâu đời hàng thế kỷ của việc là Lời Quyết Tâm trong Tu Hội. Câu đầu tiên mô tả một mong muốn được dâng hiến trọn đời sống trong Tu Hội để hoàn thành việc bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Những lời này mô tả nội dung và ý nghĩa của lời khấn kiên định. Câu thứ hai nói lên ý định của thành viên được thu nhận là giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục như những lời khấn được mô tả và hiểu trong Hiến pháp của chúng ta.
Công thức của các Lời Quyết Tâm trước tiên diễn giải sự kiên định. Tại sao kiên định? Một trong những thực tế đáng lo ngại của Tu Hội Truyền Giáo trong những năm đầu tiên là việc duy trì tư cách thành viên. Nhiều người sốt sắng tham gia trong Tu Hội trong vài năm, nhưng khi các khó khăn xảy đến, họ cảm thấy quá sức và rồi bỏ đi.
Những người khác nhận tác vụ giáo xứ từ các giám mục mà họ phải phụ thuộc (mặc dù họ có đủ tự do để thực hiện các sứ vụ không thường xuyên). Những ràng buộc này đã giữ họ khỏi việc rời bỏ giáo phận của họ. Một số khác, rõ ràng, ít quan tâm đến đời sống cộng đoàn. Thánh Vinh Sơn đã trực giác ngay từ đầu rằng, Tu Hội thiếu một số cơ cấu để kiên trì và duy trì một cam kết bước theo Chúa Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trọn cuộc sống. Dần dần, ngài đã có thể đặt một tên cho sự năng động đó: lời khấn kiên định.
Thật đáng suy nghĩ khi duyệt qua các tài liệu được viết ngày hôm nay về việc lập kế hoạch và phát triển thể chế, và xem thuật ngữ “ổn định hóa về mặt thể chế” được dùng như một dấu chỉ của một tổ chức thành công. Thánh Vinh Sơn đã nhìn thấy thách đố và nhu cầu này gần 400 năm trước. Làm thế nào để sự “ra đi” của các thành viên có thể được đảo ngược? Vinh Sơn tin rằng lời khấn sẽ là phương tiện mang lại sự ổn định về mặt thể chế, nhưng không phải là lời khấn dòng. Như Hiến pháp của chúng ta tuyên bố: Để đạt được mục đích của Tu Hội Truyền Giáo một cách hữu hiệu hơn và lâu dài hơn, các thành viên của Tu Hội làm lời khấn kiên định, khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục theo Hiến pháp và Quy chế của Tu Hội (HP 3 §3).
Khi thành viên được thu nhận tuyên bố Lời Quyết Tâm, vào cuối năm Nội Chủng Viện, người đó tuyên bố ý định tiếp tục ở trong Tu Hội cho đến hết đời, để tìm kiếm sự gia nhập vĩnh viễn và tuyên khấn trong Tu Hội Truyền Giáo. Tổng Đại Hội năm 1980 cũng tin tưởng với một ý thức hơn rằng lời khấn kiên định là một cam kết đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo (bằng lời nói và hành động). Đó là một lời khấn truyền giáo, một lời khấn cam kết đến chết trong Tu Hội. Viễn cảnh ấy được diễn tả rất rõ ràng trong Hiến pháp, nhưng cũng được nhấn mạnh một cách rõ ràng trong Huấn dụ về lời khấn kiên định, khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong Tu Hội Truyền Giáo.
Tình trạng đặc biệt của lời khấn Vinh Sơn
Qua nhiều năm, một loạt các thuật ngữ khác nhau đã được sử dụng để mô tả các lời khấn của chúng ta. Chúng đã được gọi cách đơn giản như dành riêng, không là lời khấn công, đặc quyền, vĩnh viễn, và thậm chí riêng tư. Hiến pháp và Quy chế (1984) tuyên bố rõ ràng rằng những lời khấn của Tu Hội Truyền Giáo không mang tính khấn dòng, vĩnh viễn và dành riêng. Khi Bộ Giáo Luật đề cập đến chủ đề và vấn đề của lời khấn, đã chỉ ra rằng có hai loại lời khấn theo Giáo Luật: lời khấn công và lời khấn tư. Lời khấn là công, nếu được Bề Trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội (coram ecclesia), nếu không thì lời khấn là tư. Bất kỳ người có thẩm quyền hợp pháp nào, chẳng hạn một cha xứ, cũng có thể miễn chuẩn lời khấn tư cho những người thuộc quyền (GL 1196).
Chúng ta mô tả lời khấn của chúng ta là không mang tính khấn dòng, bởi vì chúng không được chấp nhận nhân danh Giáo Hội (coram ecclesia), như lời khấn tu sĩ. Lời khấn của chúng ta được thực hiện trực tiếp với Chúa (coram Deo), và không qua trung gian cộng đoàn như lời khấn công. Hiến pháp của chúng ta chỉ đơn giản tuyên bố, “việc làm lời khấn phải được thực hiện trước sự hiện diện của Bề trên hay của một thành viên được ngài chỉ định” (HP 58 §1). Thành viên này chỉ đơn thuần là chứng kiến việc làm lời khấn, và không nhận lời khấn. Hiến pháp hiện tại của chúng ta và bất kỳ tài liệu Vinh Sơn nào đề cập đến lời khấn không bao giờ sử dụng động từ tuyên khấn (profess) để chỉ lời khấn của chúng ta.
Các thành viên “làm” lời khấn, “cam kết” lời khấn, “bày tỏ” lời khấn. Từ ‘tuyên khấn’ là thuật ngữ được sử dụng riêng cho lời khấn dòng. Tuyên khấn là một hành động mà một người công khai dâng hiến bản thân bằng cam kết vĩnh viễn cho đời sống tu trì. Ngoài ra, những lời khấn này được Giáo Hội chính thức tiếp nhận hoặc thừa nhận. Các diễn đạt “tuyên khấn” hay bất kỳ từ phát sinh nào của nó không được sử dụng trong các Hiến pháp hiện tại của chúng ta. Tuy nhiên, trong Hiến pháp năm 1954 của chúng ta, trong chương “Bản chất của những Lời khấn,” những biểu thức đó đã được sử dụng chín lần trong năm đoạn văn. Có những từ chưa chính xác chúng ta đã sử dụng như tuyên khấn, đã tuyên khấn, làm lời tuyên khấn ba năm… (1954 Const. 160-164). Hiến pháp 1984 của chúng ta đã loại bỏ tất cả các diễn đạt như vậy.
Vào thời của thánh Vinh Sơn, khái niệm về một lời khấn dòng có hai chiều kích cơ bản: từ bỏ thế gian và hướng đến sự trọn lành (Schneiders, 1986, 99). Ngày nay, có một sự hiểu biết biến mới về lời khấn tu trì. Schneiders nhận xét rằng “tu sĩ cố gắng tổ chức cuộc sống của họ theo cách mà họ có quyền tự do cần thiết để liên hệ với thế giới một cách ngôn sứ” (100). Nhưng vào thế kỷ 17, lời khấn dòng có nghĩa là từ bỏ thế gian hoặc thậm chí là một cuộc chiến hoặc một sự thoát ly khỏi xã hội. Ngoài ra, đối với nữ giới, đời sống tu sĩ được coi là hiện diện trong tu viện kín. Vinh Sơn đã thấy mục đích của Tu Hội không phải là thoát khỏi thế gian, cũng không là ở trong mối quan hệ bất lợi với xã hội. Ngài thấy chúng ta là “đời” hay “triều”, là ở trong thế gian, một phần của thế gian, sẵn sàng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới để truyền giáo cho người nghèo.
Một quan niệm truyền thống khác xem việc khấn dòng như là tham dự vào sự thánh hóa bản thân. Thậm chí ngày nay, Bộ Giáo Luật vẫn tiếp tục khẳng định rằng ý định hướng đến sự trọn lành là điều mà đời sống tu trì hướng tới: Chiêm ngắm các thực tại của Thiên Chúa và kết hợp liên lỉ với ngài trong cầu nguyện phải là bổn phận hàng đầu và chính yếu của mọi tu sĩ. (Gl 663 §1 ). Việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo như là một dòng tu thì không hòa hợp với ý định của thánh Vinh Sơn.
Lời khấn không mang tính khấn dòng của chúng ta vừa có nghĩa là theo đuổi vừa có nghĩa là gia tăng mục đích của chúng ta, tức là bước theo Chúa Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Chúng ta cũng được kêu gọi nên thánh. Như Luật chung và Hiến pháp của chúng ta đã nói, chúng ta phải nỗ lực hết sức để mặc lấy tinh thần của chính Chúa Kitô (LC I, 1) để có được sự thánh thiện phù hợp với ơn gọi của họ (HP 1 §1). Sự thánh thiện mà chúng ta đạt được không chỉ sự thánh hóa của chính bản thân chúng ta, mà còn là để củng cố Tu Hội.
Chúng ta mô tả lời khấn của chúng ta là vĩnh viễn. Về mặt lịch sử, chỉ những lời khấn trong Tu Hội trước đây và bây giờ mới là vĩnh viễn. Tuy nhiên, từ Hiến pháp năm 1954 cho đến bản sửa đổi năm 1984, có một sự bất thường đã xảy ra, và Tu hội đã có thực hành là để những thành viên hoàn tất Nội Chủng Viện tuyên bố lời khấn tạm ba năm. Hiến pháp năm 1984 đã đưa chúng ta trở lại thực hành ban đầu của chúng ta là chỉ tuyên bố những lời vĩnh khấn trong Tu Hội mà thôi.
Bộ Giáo Luật, khi mô tả về các Tu Đoàn Tông Đồ đã phát biểu rằng: chúng ta không là dòng tu và như vậy, chúng ta không tuyên khấn lời khấn dòng. Bộ Giáo Luật còn lưu ý thêm: trong số các tu đoàn ấy, có những tu đoàn mà các thành viên đảm nhận các lời khuyên Phúc Âm bằng một mối ràng buộc nào đó do hiến pháp quy định (GL 731 §2). Luật riêng của chúng ta là nguồn duy nhất để định nghĩa và giải thích lời khấn Vinh Sơn. Lời khấn của chúng ta là hoàn toàn vĩnh viễn.
Cuối cùng, lời khấn của chúng ta được dành riêng. Theo các Tổng Đại Hội lập pháp năm 1968-1969 và Tổng Đại Hội năm 1974, các bản Hiến pháp “chuyển tiếp” cũng như các tài liệu khác đã được xuất bản (xem bài tiểu luận của cha Braga: Hiến pháp mới của Tu Hội Truyền Giáo: những ghi chú lịch sử), thì lời khấn của chúng ta được mô tả như lời khấn tư. “Tu Hội đã khám phá ra bản thân khi đứng trước nhu cầu đòi hỏi nó liên quan đến một số điểm, bao gồm cả những điểm cơ bản, về chính cấu trúc và đời sống, và để định nghĩa chính mình theo các thuật ngữ pháp lý mới, như được nêu trong Bộ Giáo Luật mới.”
Chẳng hạn, làm thế nào để diễn giải tính chất “triều” của Tu hội – tính chất của chính những lời khấn đơn, riêng tư nhưng đặc quyền – cũng như một số cấu trúc tổ chức của Tu Hội? Liệu tính chất “triều” có đảm bảo cho Tu Hội không bị sáp nhập vào số các dòng tu thực sự không? Hay tính chất ấy có cho phép Tu Hội được đặt mình vào giữa các hiệp hội không có lời khấn hay không? (Braga, 2002, 16).
Tuy nhiên, với việc ban hành Bộ Giáo Luật mới năm 1983, Tu Hội đã có thể tìm thấy vị trí thích hợp của mình trong phần được xác định dưới tiêu đề Tu Đoàn Tông Đồ. Như đã đề cập, Bộ Giáo Luật mới chỉ công nhận hai hình thức lời khấn: Lời khấn là công nếu được chấp nhận nhân danh Giáo Hội bởi một Bề trên hợp pháp; nếu không thì là khấn tư (Gl 1192 §1). Lời khấn tư có thể được miễn trừ hoặc thay đổi bởi Đấng Bản Quyền địa phương hoặc một cha xứ. Lời khấn Vinh Sơn là vĩnh viễn, riêng tư, không mang tính khấn dòng, vì thế, chỉ có Đức Giáo Hoàng và Bề trên Tổng quyền mới có thể tháo cởi được (HP 55 §1.) Việc phân loại này giúp chúng ta không đơn giản gọi lời khấn của mình là khấn tư.
Khi một thành viên được tiếp nhận làm Lời Quyết Tâm, người đó tuyên bố rằng mình có ý giữ sự kiên định, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục theo như Hiến pháp và Quy chế của Tu Hội chúng ta. Và những lời khấn này thì vĩnh viễn, riêng tư và không mang tính khấn dòng.
Phần kết luận
Xét về mặt lịch sử, các Lời Quyết Tâm là một tuyên bố về ý định được thực hiện trước khi bắt đầu năm thứ hai của Nội Chủng Viện. Các Nội Chủng sinh tuyên bố rằng mình có ý muốn dành trọn cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, bằng cách bước theo Chúa Giêsu Kitô và tuân giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo Hiến pháp và Quy chế của chúng ta. Mười hai tháng sau, Nội Chủng sinh sẽ làm lời khấn xác nhận ý hướng của mình. Các Lời Quyết Tâm đã giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất mà Tu Hội non trẻ đang phải đối mặt. Các thành viên tiếp tục rút khỏi cộng đoàn vì mệt mỏi hoặc vì các yếu tố khác. Thánh Vinh Sơn nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra một sự ràng buộc dưới hình thức lời khấn để ổn định Tu Hội. Các Lời Quyết Tâm, được tuyên bố bởi các thành viên trẻ nhất của Tu Hội sau khi hoàn tất năm đầu tiên của chương trình đào tạo, đã minh định rằng một người có ý định cam kết trọn đời trong Tu Hội.
Việc thực hiện các Lời Quyết Tâm trong chương trình đào tạo lúc bấy giờ đã được duy trì cho đến khi ban hành Hiến pháp 1984. Một trong những thay đổi về cấu trúc mà bản Hiến pháp sửa đổi này đã làm là giảm năm Nội Chủng viện từ hai năm xuống còn một năm. Sự thay đổi cấu trúc này đã được đón nhận một cách vui vẻ, nhưng nó có một kết quả không lường trước hay không tiên liệu được. Các Lời Quyết Tâm không còn là một công thức được tuyên bố ở thời điểm giữa của thời gian Nội Chủng Viện, mà được thể hiện như là sự kiện đỉnh cao của một năm tu đức. Khoảng thời gian mà một người sẽ sống với các Lời Quyết Tâm có thể là hai hoặc ba năm hoặc lâu hơn.
Sự tiến triển của các Lời Quyết Tâm và sự thay đổi của nó ít ảnh hưởng đến các thành viên bình thường ở các tỉnh dòng. Tuy nhiên, thành viên được tiếp nhận, các nhà đồng hành với người đó trong chương trình đào tạo và cộng đoàn đào tạo mà người đó gắn bó, tất cả đều nhận thức được sự thay đổi. Thành viên được tiếp nhận đã tuyên bố với cộng đoàn và những người khác ý định trung thành dành phần còn lại của cuộc đời mình để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và bước theo Chúa Kitô. Trong một vài năm tới, người đó sẽ trở thành một thành viên chính thức gia nhập vào Tu hội và làm lời khấn. Qua sự dâng hiến, các hành vi và lòng trung tín của mình, người đó sẽ sống những gì mình đã tuyên bố khi làm các Lời Quyết Tâm. Các lời này là chỉ dẫn và là thách đố cho sự trưởng thành của người đó trong những ngày sắp tới.
Sự tương đồng với giai đoạn đính hôn cũng được áp dụng ở đây. Nếu một người (hoặc cả hai người đã đính hôn) không chung thủy với mối tương quan, không nhìn nhận việc đính hôn là ưu tiên, không đào sâu thêm cam kết của họ, hoặc không sẵn sàng thay đổi hay phục hồi mọi thứ dưới ánh sáng của mối tương ấy, thì sự cam kết vĩnh viễn là không thể.
Khi một nhà đào tạo quan sát thấy những phản ứng tương tự ở một sinh viên được tiếp nhận vào những năm sau Nội Chủng Viện, thì điều tương tự cũng sẽ như thế. Nếu thành viên được tiếp nhận thể hiện một loạt các hành vi thiếu gắn bó với đời sống cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và việc phục vụ người nghèo, hoặc nếu đời sống ơn gọi của người đó bị đánh dấu bởi sự thờ ơ, hoặc mơ hồ về căn tính của mình, hoặc nếu có vấn đề về sự trung thực của người đó, hoặc nếu người đó trở nên miễn cưỡng, thì khi đó một cam kết vĩnh viễn không thể được lựa chọn. Những năm tháng thực hành các Lời Quyết Tâm cần phải đưa ra được sự xác tín vững vàng và chứng thực cho ý định mà người ấy đã tuyên bố nhằm theo đuổi một cách vĩnh viễn sự kiên định và các lời khuyên Tin Mừng.
Các Lời Quyết Tâm đã trải qua một sự thay đổi đáng kể trong tiến trình đào tạo hiện nay của chúng ta. Thực hành và truyền thống này không chỉ đơn thuần là tiến triển; nó đã được thay đổi. Tuy nhiên, như có thể xảy ra, một thay đổi có thể gây ra tác động vô ý hoặc không lường được đối với những gì mà nó ảnh hưởng. Đây là những điều đã xảy ra với các Lời Quyết Tâm. Ngày nay chúng có chức năng rất khác biệt trong quá trình đào tạo của chúng ta. Ngày nay, các Lời Quyết Tâm có một chiều kích phong phú và sống động hơn nhiều trong tiến trình dấn thân vào Tu Hội Truyền Giáo.