Mô hình đại phúc nào?

Đăng ngày: 29/04/2020

Luis M. Martínez San Juan, CM

Những tiền đề:

Nhan đề trên gợi lên cho anh em một ý tưởng về nội dung của bản trình bày này. Quả thật, bởi vì có những khởi điểm và thần học khác nhau đặt nền tảng cho ý tưởng về đại phúc của chúng ta, cũng như có các hoàn cảnh cụ thể đa dạng của anh em là những người đang nghe bài thuyết trình này, nên nhiệm vụ loan báo Tin Mừng chuyên biệt mà chúng ta đề cập đến bằng một từ ngữ đặc trưng là “đại phúc” phải được thích nghi với nhiều hình thức khác nhau. Chính ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng sẽ cho chúng ta biết điều này. Chúng ta nói đến việc giảng đại phúc, tổ chức các cuộc đại phúc, thực hiện các cuộc đại phúc, hay chỉ đơn giản là đại phúc.

Chúng ta đã đến đây trong tháng này, vì chúng ta muốn tìm kiếm và nhận biết chỗ đứng của chúng ta trong Giáo Hội và xã hội của mình. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi thấy rằng, nếu chúng ta thực hiện những tiền đề nào đó một cách sắc nét, chúng ta sẽ đạt được những kết quả mong muốn. Các tiền đề ấy là gì?

1. Điều kiện tiên quyết đầu tiên và căn bản nhất cốt tại việc loan báo Tin Mừng “từ bên trong” và “bởi” cộng đoàn. Cộng đoàn là và phải là nơi loan báo Tin Mừng (nghĩa là, Cộng đoàn là nhà truyền giáo). Chúng ta đem đến một trợ giúp nào đó. Chúng ta không phải là mục đích, nhưng chỉ là công cụ, phương tiện.

Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh vào vấn đề này một cách rất rõ ràng, và đúng vậy, chúng ta không coi mình quá quan trọng, ngài mời gọi chúng ta là “những tôi tớ đơn sơ” phục vụ các ông chủ cao quý… Và dù ngày nay, khi bầu khí thần học và mục vụ đã thay đổi và chúng ta không thể áp dụng thuật ngữ này theo nghĩa đen, thì cũng thật đúng đắn khi gợi lại một lời nhắc nhở của thánh Vinh Sơn. Ngài khuyên chúng ta:

“Hãy hết sức tôn trọng và kính mến các cha sở và cha phó ở những nơi mà chúng ta đến. Đừng làm bất cứ điều gì chống lại ý muốn tốt lành của họ, không nói dù chỉ một vài lời, nhất là về các vấn đề quan trọng.”[1]

2. Điều kiện tiên quyết thứ hai là chúng ta phải quý trọng thế giới thực tại mà trong đó chúng ta tìm thấy bản thân và khởi đi từ đó. Một cơ chế tuy có thể là tốt, nhưng sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng ta áp dụng một cách bừa bãi đối với những nơi khác nhau mà chúng ta đến. Thánh Vinh Sơn đã nói rằng, nhà truyền giáo phải thích nghi với hoàn cảnh, con người, nơi chốn và thời gian đặc thù.[2]

3. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt ra một số đường lối hành độngmục tiêu rõ ràng. Và để trình bày về chúng, tôi sẽ nói đến một “mô hình” mới của việc làm đại phúc.

Khả năng quan sát:

Mô hình mà tôi đề xuất đã được thử nghiệm và thích nghi tốt đối với các cộng đoàn đã “thấm nhuần tinh thần Kitô giáo”. Vì thế, anh em có thể thích nghi mô hình này theo nhiều cách thức khác nhau đối với mọi hoàn cảnh, mô hình đó có thể xác thực và hữu dụng cho bất cứ cộng đoàn nào.

Thời gian không cho phép tôi trình bày tất cả các bước đã được dự trù một cách cẩn thận; vì vậy, chúng chỉ mang một ý nghĩa và một sự hợp lý nhất định… Tuy nhiên, tài liệu hiện có của tiến trình này sẽ được được giải thích và triển khai.

Và, nếu tôi không thể dành đủ thời gian trình bày các khía cạnh mà anh em có thể thấy thích thú, thì anh em luôn có thể nói chuyện với tôi vào một thời điểm khác.

Một Kiểu Mẫu – Một Mô Hình

I. Thời gian chuẩn bị

1. Cuộc đối thoại đầu tiên

Diễn tiến của loại đại phúc này thường khởi đầu bằng một cuộc gặp gỡ đầu tiên với các đội ngũ mục vụ đảm trách ở địa điểm hoặc khu vực mà chúng ta dự định tổ chức đại phúc (nhóm mục vụ, (các) cha sở…, và một số thành viên thuộc nhóm đại phúc của chúng ta).[3]

Một số nét nổi bật thú vị có thể được xem xét trong “cuộc đối thoại” đầu tiên này, chủ yếu là:

1) Trao đổi ý tưởng về chủ đề cuộc đại phúc. Liệt kê tất cả các mối bận tâm của cộng đoàn và của các nhà truyền giáo:

      • Tại sao họ lại xin một cuộc đại phúc? Họ hy vọng gì trong cuộc đại phúc này?
      • Điều gì chúng ta có thể làm cho họ? Làm thế nào để chúng ta hiểu nhau?

2) Tìm kiếm một sự đồng thuận về mặt Giáo Hội học. Quan trọng là nhận thức rõ ràng các điểm tương đồng và dị biệt trong lĩnh vực thần học mục vụ này.

3) Xem xét các khả năng thực tế để lập một kế hoạch chung.

2. Việc đệ trình

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với giáo xứ sắp có một cuộc đại phúc, điều quan trọng là đưa ra một bản dự thảo rõ ràng, bao gồm một số ý tưởng then chốt giúp hình dung ra Tiến trình đại phúc.

Cần phải xác định rõ rằng tiến trình đại phúc mà chúng ta đang giới thiệu (và một cách hợp lý, đang chuẩn bị) phải được thích nghi với thực tế cụ thể ở nơi tổ chức đại phúc và với các hạng người (giáo sĩ và giáo dân), là những người sẽ thúc đẩy tiến trình này.

3. Loan báo Tin Mừng từ quan điểm thực tế

Cuộc đại phúc của chúng ta phải là một “Cuộc loan báo Tin Mừng bám rễ sâu vào thế giới thực tế”. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Thiên Chúa sự sống, và đau khổ của kiếp nhân sinh thì không xa lạ gì đối với Người: Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta… Ta đã nghe thấy tiếng kêu than của chúng… Ta đã biết các nỗi đau khổ của chúng. (Xh 3,7). Với những lời này, Thiên Chúa khởi xướng Lịch sử Cứu độ chúng ta.

Theo thánh Vinh Sơn, khao khát đáp lại lời mời gọi này của Thiên Chúa nhằm phục vụ nhân loại là dấu hiệu đặc biệt của cuộc đại phúc: “Vì lý do này, cả thế giới sẽ cho rằng, Tu Hội Nhỏ này phát xuất từ Thiên Chúa –  vì người ta thấy Tu hội chăm lo những nhu cầu cấp thiết nhất và bị xem nhẹ nhất.”[4] Vì thế, nếu chúng ta muốn trung thành với thánh Vinh Sơn, chúng ta phải lên kế hoạch đại phúc sao cho kế hoạch ấy lưu ý kỹ lưỡng đến thực tế. Điều quan trọng, đó không phải là “kế hoạch của chúng ta”, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa mà chúng ta có thể khám phá ra bằng cách chăm chú lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần nói với chúng ta qua các dấu chỉ thời đại.

Nếu chúng ta không thực hiện điều này, thì cuộc đại phúc của chúng ta sẽ chỉ là sự nhồi sọ, áp đặt… Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta sống đức tin giữa lòng văn hóa, như chúng ta thường lặp lại trong nền thần học đương đại, và để thực hiện điều này, chúng ta phải rất ý thức về các hoàn cảnh thực tế.

Như vậy, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng “từ thực tại” này làm cho chúng ta nhận ra rằng hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết trái trong lịch sử cụ thể và các biến cố của nhân loại của mình: “Triều đại Thiên Chúa đến trên chúng ta” (Lc 11,20). Việc khám phá và lợi dụng các thực tại tích cực này thật cần thiết. Có nhiều biến cố (những dấu chỉ Nước Trời) biểu thị các điều đó.

Trái ngược với tinh thần Vinh Sơn là ý tưởng về sự tự đủ của những người tin rằng “Loan báo Tin Mừng chỉ là cho đi chứ không phải nhận lãnh.” Một thái độ như vậy sẽ khiến nhiệm vụ của chúng ta không thể được chấp nhận. Về căn bản, nó không chứa đựng việc loan báo Tin Mừng. Như được Tông huấn Evangelii Nuntiandi nhắc nhở, trong công cuộc truyền giáo, chúng ta sẽ “Phúc âm hóa và được Phúc âm hóa”. Và điều này phải xảy ra. Những lời ấy của Tông huấn không thể là “những lời trống rỗng”.

Cho phép tôi gợi lại cho anh em hai hoạt động hay hai bước thiết yếu để tiếp cận với thực tại:

A) Chú tâm đến thực tại…

“Loan báo Tin Mừng từ bên trong hoàn cảnh thực tế” đòi hỏi chúng ta phải chú ý kỹ lưỡng để có thể đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cộng đoàn đại phúc và của những người chúng ta sẽ tiếp xúc;

B)… Nhờ vậy, chúng ta có thể nỗ lực biến đổi thực tại.

Để làm việc này, anh em phải lập một “Dự phóng” cho tương lai. Dự phóng đó phải thực tế và có khả năng thực hiện; một dự phóng xem xét mọi thứ như chúng thực sự là, và đủ từng bước một để những nhiệm vụ này không trở thành bất khả thi. Và đó phải là một dự phóng trường kỳ. Không bao giờ anh em có thể nói rằng: “Dự phóng đã hoàn tất!”

Để không kéo dài phần này, tôi sẽ không đưa ra các hành động cụ thể vốn phải được thực hiện trong các cuộc họp hoặc các buổi tiếp xúc khác nhau với giáo xứ nhằm khảo sát các hoàn cảnh thực tế.

Tôi muốn làm sáng tỏ hoàn toàn rằng toàn bộ quá trình này tìm kiếm những gì là thực tế và kết thúc bằng một khoảng thời gian phân định: Khi thu thập dữ liệu, việc sử dụng những đánh giá hoàn cảnh mang tính phê bình, chẩn đoán là rất quan trọng. Đối với công việc phân định này, anh em cần một bầu khí, giúp anh em dễ dàng lắng nghe cả tiếng nói của Chúa lẫn tiếng nói của Dân Người. Hãy thận trọng để không giấu giếm sự thật!

Việc phân định này đặt chúng ta vào vị trí giải quyết các vấn đề then chốt của cộng đoàn giáo dân và giáo xứ, các vấn đề đó sẽ đối diện với chúng ta trong cuộc đại phúc.

Cuộc đại phúc bắt đầu với nghiên cứu về hoàn cảnh thực tế này. Cộng đoàn giáo xứ đó đã được đặt vào “tình trạng đại phúc”.

4. Đặt ra các mục tiêu

Các mục tiêu cụ thể cần được trình bày rõ ràng chính xác (formulated – làm thành công thức). Các mục tiêu ấy dựa trên: A. Sự nhận thức về hoàn cảnh thực tế; B. “Các nguyên tắc đại phúc Vinh Sơn” và sau đó là những lời mời gọi và những thách đố mà thực tế cụ thể đưa ra cho chúng ta; C. Nhắm đến các nhu cầu cụ thể, tình trạng con người và đức tin của cộng đoàn.

5. Chương trình đại phúc

Giờ đây, chúng ta đã sẵn sàng tổ chức một chương trình cụ thể, như tôi đã nói, phải chắc chắn và rõ ràng trong việc đưa ra những câu trả lời thực tế và cụ thể. Không tồn tại một con người chung chung; những gì chúng ta đang đối diện (giải quyết) là những con người thực tế, với các mối lo lắng thực tế, các nhu cầu thực tế và những vấn đề thực tế.

II. Tâm điểm thực sự của cuộc đại phúc

Khi tiếp tục với chủ đề này, nhưng hơi tuỳ tiện một chút, tôi định tiếp tục về hình thức lý tưởng của Phần chính yếu của cuộc đại phúc, đây sẽ là mô hình của Tiến trình đại phúc Vinh Sơn mà tôi vừa đề cập. Xin cho tôi nhắc anh em biết rằng, tôi chỉ có ý định tham khảo các nguyên tắc, các cột trụ nâng đỡ cấu trúc cuộc đại phúc, bởi vì hình thức cụ thể mà cuộc đại phúc thích nghi phải thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh thực tế mà chúng ta bắt gặp.

Chúng ta sẽ làm như thế nào trong một cuộc đại phúc? Đó là thực hiện cùng một cách thức Đức Giêsu đã làm. Vì lý do này, chúng ta sẽ thực hiện từng bước, trong khi tự nhủ về Tin Mừng và tìm kiếm các nhân tố thiết yếu của hoạt động truyền giáo ngoại thường mà chúng ta vẫn gọi bằng cái tên quen thuộc là “Đại phúc” này.

1. Những gặp gỡ: các cuộc viếng thăm

Khi Đức Giêsu đi đường, Người đã thực hiện cuộc viếng thăm theo một hình thức nào đó. Hãy nhớ cuộc đối thoại của Người với người phụ nữ Samari (Ga 4). Như anh em đã biết, cuộc thảo luận của Đức Giêsu với người phụ nữ này. Chị không phải là một trong những người phụ nữ “chung thủy”. Đó là một cuộc đối thoại đầy tôn trọng đối với con người này.

Đức Giêsu không đánh tráo chính mình. Ngài đi vào thế giới của người phụ nữ một cách đơn sơ: Ngài “tỏ ý muốn chuyện trò với chị bằng con tim mình”, Ngài luôn lưu tâm đến phẩm giá con người. Đức Giêsu cũng đối xử với Da-kêu theo cách thức ấy. Chỉ trong trường hợp của Da-kêu, Đức Giêsu mới đi bước trước và đề nghị: Hôm nay, tôi muốn dùng bữa ở nhà ông.

Cuộc đại phúc phải khởi đầu theo cùng một cách thức đó. Chúng ta dành ra một số ngày nào đó (một tuần, hai tuần, …) để thăm viếng. Như thế, chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của mọi người ở nơi tổ chức đại phúc. Chúng ta hãy chào đón họ nhân danh giáo xứ của họ (của Cộng đoàn giáo xứ Công giáo). Chúng ta giải thích chương trình đại phúc cho họ, để họ có được thông tin trực tiếp. Bằng cách này, chúng ta mang lại cho họ một lời mời gọi cá nhân trực tiếp. Nếu những người giáo dân được thăm viếng muốn nói chuyện với chúng ta, chúng ta hãy dành thời gian cho họ. Còn không, chúng ta hãy chào đón họ, báo cho họ chương trình đại phúc và đi thăm viếng tiếp…

Và trong mọi lúc, chúng ta giữ sự tôn trọng hết mức đối với họ và theo lời khuyên của Đức Giêsu: Khi anh em vào bất kỳ nhà nào, trước hết, hãy chúc bình an cho người trong nhà đó. Đây là điều chúng ta muốn làm: “là những sứ giả của sự sống và bình an”.

Tóm lại, mọi hoàn cảnh sống thường ngày ở thị trấn đều là những nơi thánh cho sự gặp gỡ: nhà riêng, khu chợ, các quán rượu, trường học, phòng chờ bác sĩ… Thiên Chúa đi vào những nơi này và đến gần từng người và mọi người.

2. Công bố Lời Cứu Độ

Đây là cách thức Đức Giêsu đã bày tỏ về Lời Cứu Độ, Người nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ dành một số ngày cho nhiệm vụ này. Trong những ngày đại phúc, chúng ta mong đợi:

    • Mang niềm vui Tin Mừng của Thiên Chúa đến một thế giới tràn ngập tin xấu.
    • Trong một thế giới đầy sự dữ và hiểm độc, một sự biến đổi rõ ràng rằng Thiên Chúa đã bắt đầu trị vì, và được hợp nhất với Ngài, chúng ta sẽ có thể loại bỏ bất công, dối trá, gian dối, đau khổ, sự dữ…

Chúng ta làm việc để đạt được dự phóng của mình, trong khi bảo đảm tinh thần Tin Mừng thấm nhập mọi người. Và không những việc giảng dạy vốn là điều hết sức hệ trọng trong một tuần, mà còn qua việc thông tri cá nhân mà chúng ta thực hiện không ngừng giữa mọi người ở đây.

Nhưng, như tôi vừa nói, chúng ta thực hiện lời công bố này chủ yếu qua việc giảng dạy: giảng dạy dưới nhiều hình thức và với nội dung được điều chỉnh theo độ tuổi người nghe. Có sự khác biệt lớn giữa bài giảng dành cho giới cao niên, trung niên, giới trẻ, thiếu nhi hoặc các cặp vợ chồng trẻ. Chúng ta muốn việc giảng dạy được sôi nổi và sống động! Và chúng ta trình bày nhiều chủ đề khác nhau để đạt được điều này.

Để thực hiện điều này, chúng ta phân chia dân chúng theo các nhóm tuổi hoặc nhóm người mà chúng ta cho rằng cần thiết, cốt để thông điệp của chúng ta ảnh hưởng và đụng chạm đến tâm hồn của mỗi người.

Các tu sĩ và giáo dân cộng tácthậm chí phối hợp giảng dạy, theo những cách thức riêng biệt và theo nhóm của họ.

Đây là lúc mời gọi biến đổi. Một lời mời gọi cá vị hướng tới tất cả mọi người, để thay đổi các thái độ tâm hồn không còn mang sức sống. Vì ngày nay, trong một thế giới duy vật và ích kỷ, người tốt thì cần thiết hơn hết: những người có tâm hồn trong sạch, họ đấu tranh cho hòa bình và lưu tâm đến công lý… những người con của Thiên Chúa. Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng, chúng ta cần một số chuyên viên về đời sống con người.

Trong thời gian hoàn toàn dành riêng cho việc giảng dạy này (thường là một tuần), chúng ta cũng mời mọi người tham dự hàng loạt các cử hành; chẳng hạn như: bài giảng khai mạc, cử hành sám hối, các cử hành cho thiếu nhi, các cử hành lòng sùng kính Đức Maria, cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và các cử hành khác cho giới cao niên, toàn thể Cộng đoàn Dân Thiên Chúa, Ngày Gia đình, v.v…

Nhưng, tôi muốn nhắc anh em biết rằng, nếu các cử hành đó không phải là yếu tố cấu thành trong truyền thống Vinh Sơn, và nếu chúng ta thấy có vấn đề Bí tích hóa quá mức phương hại đến quá trình loan báo Tin Mừng, thì chúng ta sẽ lượng giá sự cần thiết của các cử hành này, để xem các cử hành ấy có ảnh hưởng đến mọi người và khơi gợi một vài động lực hoán cải theo Tin Mừng hay không. Nếu không, chúng ta có thể loại bỏ các cử hành ấy.

Như tôi đã nói, tất cả những điều này đều tương ứng với phần thứ hai của Phần chính yếu cuộc đại phúc. Và nó thường kéo dài trong một tuần.

3. Các cuộc họp nhóm

Phần thứ ba của Phần chính yếu của cuộc đại phúc và là phần cuối cùng, chúng ta dành để tập họp các “nhóm nhỏ” của toàn thể cộng đoàn lại với nhau. Các nhóm này được gọi là các Nhóm gặp gỡ, vì các nhóm ấy cho phép mọi người gặp gỡ nhau, gặp gỡ những cội rễ Đức tin họ và gặp gỡ Thiên Chúa… Những cuộc gặp gỡ này diễn ra tại các tư gia của người thân cận của họ.

Chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phaolô nói:

“Tôi xin gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Kitô Giêsu, hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi; Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị. Tôi cũng xin gửi lời thăm Hội thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy.” (Rm 16,3-5)

Như anh em đã biết, Giáo Hội sơ khai đã bắt đầu hiện thực hóa chính mình giữa một thế giới vô tín, đã hình thành những nhóm nhỏ để sinh động hoá mình và để sống với nhau trong Đức tin và Đức ái. Họ đã thực hiện điều này theo một cách thức đơn sơ, ở những nơi hội họp thông thường, tại tư gia của họ…

Một điều gì đó giống như thế mà chúng ta đã quen có trong 5 ngày đại phúc. Lúc đầu, điều này dường như phức tạp và khó khăn. Nhưng, cuối cùng, đó lại là điều có ảnh hưởng nhất và lợi ích nhất. Trong một nhóm nhỏ, việc cá nhân hoá và đào sâu Đức tin sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đó là khía cạnh có tính huấn giáo nhất của toàn bộ cuộc đại phúc. Chúng ta đừng quên rằng, thánh Vinh Sơn đã muốn cuộc đại phúc là một “bài dạy giáo lý” ngắn. Bài giáo lý này nơi các nhóm gia đình, như chúng ta sẽ thấy xa hơn nữa, thường tiếp tục qua tâm điểm của cuộc đại phúc.

Từ khi bắt đầu Thời gian Chuẩn bị, chúng ta phải thúc đẩy các thành viên của cộng đoàn giáo xứ dấn thân vào các nhiệm vụ này:

1) Đặt tư gia của họ vào danh sách các nhóm nhỏ

2) Sinh động hoá nhóm họp

Chúng ta phải làm cho họ thấy rằng, những nhiệm vụ này không khó. Chúng ta bảo đảm với họ rằng, đội ngũ nhà truyền giáo đến từ bên ngoài sẽ giúp họ chuẩn bị và sẽ “đồng hành” với họ.

Xuyên suốt những điều này, thật không dễ để tổ chức nhóm “các tác nhân mục vụ của nơi đó” (các linh hoạt viên), cho đến khi chúng ta khuyến khích họ và thúc đẩy họ làm như thế ngay trong phần đầu tiên của cuộc đại phúc.

III. Thời kỳ duy trì

Anh em có thể thấy rằng, thuật ngữ truyền thống mà cuộc đại phúc Vinh Sơn sử dụng từ thời Bogota, đã được thay đổi một chút ở đây. Thay vì nói về Tiền đại phúc, Đại phúc và Hậu đại phúc, thì chúng ta đã nói về Thời gian chuẩn bị, tâm điểm của cuộc Đại phúc và thời kỳ duy trì.

Cách nói này không phải do bởi một sự châm biếm thông minh. Cách nói đó phát xuất từ những suy ngẫm và quan sát mục vụ. Chúng ta muốn tránh nói vào cuối kỳ đại phúc là: “cuối cùng, cuộc đại phúc đã hoàn tất”. Không! Nhà truyền giáo hay người loan báo Tin Mừng năng động không bao giờ được vắng bóng trong Cộng đoàn Kitô giáo. Vì lý do này, và theo quan điểm của chúng ta, cuộc đại phúc là một quá trình: 1) được chuẩn bị; 2) có một giai đoạn sôi nổi nhất (tâm điểm của cuộc đại phúc); 3) và sau đó, thời kỳ duy trì hay củng cố.

Một vấn đề quan trọng là, khi nào thời kỳ củng cố của cuộc đại phúc bắt đầu? Theo sự năng động mà tôi đã đề ra, việc củng cố bắt đầu trong thời khắc sôi nổi của cuộc đại phúc. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt trong kế hoạch làm việc của chúng ta mà ở đó chúng ta có thể đặt nền tảng cho thời kỳ duy trì này. Đó là điều chúng ta gọi là các cuộc họp Dân Chúa hoặc các cuộc họp giáo xứ.

Một ngày trước khi kết thúc giai đoạn sôi nổi của cuộc đại phúc, chúng ta tập hợp toàn bộ cộng đoàn giáo xứ, và trong các nhóm nhỏ, đưa ra cơ hội để mọi người phát biểu ý kiến. Cuộc họp giáo xứ này là một cuộc cử hành Đức tin trong Thần Khí thổi vào nơi nào Thần Khí muốn.

Một Giám mục người Ý đã nói: “Các linh mục chúng ta nói quá nhiều và không lắng nghe đủ”. Trong cuộc họp giáo xứ, điều này ngược lại – giáo dân có cơ hội nói thẳng ý kiến của mình. Nhưng với tư cách là những kẻ tin, chúng ta biết rằng Thần Khí bày tỏ mình qua Dân Người. Cuối cuộc họp, thật tốt để có thể khẳng định: “Thần Khí của Thiên Chúa và của chúng tôi nói với anh chị em…” Đây là một cách thức tốt để đạt được thành quả của cuộc đại phúc và để khuyến khích một số người dấn thân. Và đây là cách tốt nhất để tổ chức việc củng cố cuộc đại phúc.

Tôi xin nhắc anh em, sau khi tôi nói điều này, rằng lúc này chúng ta đang là một gia đình, các Hiệp Hội Vinh Sơn vĩ đại đã xuất hiện vì việc đại phúc.

Tu Hội Nhỏ của chúng ta là Tu Hội của đại phúc và cho đại phúc; các Hiệp Hội giáo dân, như các Hội Các Bà Bác Ái, đã xuất hiện trong cuộc đại phúc và hiện diện ở đó để mở mang các công việc bác ái trong suốt cuộc đại phúc; nhóm giáo dân đặc biệt như các Nữ Tử Bác Ái, cũng có chỗ đứng của họ trong ý định của thánh Vinh Sơn và thánh Louise, để làm cho thành quả của cuộc đại phúc phát triển với những ân huệ kép của nó trong việc dạy giáo lý và phục vụ. Các Chủng viện là một giải pháp mà thánh Vinh Sơn đã đề ra vì mối bận tâm của ngài đối với việc duy trì cuộc đại phúc.

Thánh Vinh Sơn đã nhận xét rằng, thành quả của cuộc đại phúc sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có những linh mục tốt lành: “Khía cạnh quan trọng nhất trong ơn gọi của chúng ta là nỗ lực vì ơn cứu độ người dân nghèo miền quê, và mọi thứ khác chỉ là thứ yếu; chúng ta đã không bao giờ làm việc với các tiến chức cũng như làm việc trong các Chủng viện của Giáo Hội, nếu chúng ta đã không xét thấy rằng, giáo dân cần các giáo sĩ tốt lành phục vụ, và duy trì hoa trái của các cuộc đại phúc. Các giáo sĩ này bắt chước theo cách thức của các nhà viễn chinh vĩ đại, họ để một đội quân nhỏ lại ở các quảng trường mà họ chiếm giữ, vì họ e ngại mất đi những thứ mà họ đã vất vả chinh phục.”[5]

Chúng ta phải làm điều gì trong thời kỳ duy trì này? Tôi sẽ cố gắng tóm tắt các nhiệm vụ khác biệt này trong 6 mục:

1) Cung cấp thông tin. Đối với công việc này, chúng ta phải được chuẩn bị trình bày một số hướng dẫn dễ tiếp cận, để trong chính cộng đoàn này có thể tiếp tục nhận thức rõ kế hoạch liên tục ấy. Để thực hiện điều này, chúng ta phải thực hiện “nghiên cứu” một cách nghiêm túc đối với cuộc đại phúc, và một mức độ chuyên biệt nhất định. Nhiệm vụ này tương tự như những gì thánh Vinh Sơn đã thực hiện với các linh mục: trợ giúp, định hướng, tư vấn…

2) Tiếp tục với việc đào tạo các tác viên mục vụ, luôn luôn và bất cứ khi nào họ yêu cầu chúng ta thực hiện điều này, dành ra 2 hoặc 3 ngày họp đào tạo. Trong mọi cách, dương như cách tốt nhất là quay trở lại cộng đoàn mà chúng ta đã thực hiện cuộc đại phúc. Nhưng phải luôn có sự cho phép của cha xứ, nếu không được phép, chúng ta nên tránh quay trở lại đó.

3) Các nhóm này tiếp tục hoạt động là điều rất bình thường. Và như thường xảy ra, nếu thiếu các tài liệu dễ hiểu cho giáo dân, chúng ta phải tiếp tục cung cấp các tài liệu đã được thích nghi với các nhóm đó, các tài liệu này thay đổi theo hoàn cảnh và lứa tuổi.

Một nhóm đặc biệt và quan trọng là các Cặp Vợ Chồng Trẻ đã có con (đôi khi là nhiều con), họ được tiếp thêm sức mạnh để loan báo Tin Mừng. Họ là nhà truyền giáo năng động duy trì việc phát triển.

Nhiệm vụ này không thể được thực hiện bên ngoài thẩm quyền của cha xứ. Và chúng ta chỉ thực hiện điều này nếu cha xứ mời chúng ta tổ chức Dự Phóng Duy Trì cùng với ngài.

4) Hoạt động mục vụ giới trẻ và thiếu nhi hướng đến bổ sung những lỗ hổng, được thực hiện bởi giáo lý viên giáo dân bình thường.

5) Các nhiệm vụ lập kế hoạch và sửa đổi vào cuối cũng như đầu tiến trình.

6) Phải hết sức thận trọng, và khi được cho phép, chúng ta trợ giúp thiết lập tại địa phương một số hoạt động bác ái và xã hội. Tôi nghĩ ở đây, gia đình Vinh Sơn có một vài địa hạt chưa được tiếp cận cần phải được vun trồng với lòng nhiệt thành, luôn tôn trọng quyền tự trị của Giáo phận và tìm kiếm sự “phối hợp”.

Đôi khi, trong những cách thức khác nhau, các cha xứ mời gọi chúng ta quay trở lại và tái sinh động cộng đoàn giáo xứ. Tại một số Tỉnh dòng ở Tây Ban Nha, việc phục vụ này được gọi là “Canh tân đại phúc”. Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo dân và các nữ tu phải được tuyển lựa một cách đặc biệt.

IV. Các cách thức khác

Có lẽ, anh em đã thấy rằng, kế hoạch này có thể được gồm tóm trong một phạm trù mà trong khoa huấn giáo mục vụ được gọi là “quy nạp”, hoặc “từ dưới lên” hoặc “nhân văn”. Tuy nhiên, sự khôn ngoan mục vụ làm cho chúng ta nghĩ rằng, tại một số nơi và trong một số hoàn cảnh, việc sử dụng một kế hoạch khác mang loại hình “loan báo” hoặc “từ trên xuống” sẽ thuận lợi hơn. Chẳng có nghi ngờ gì về kế hoạch thứ hai này trong một số hoàn cảnh có thể hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khẳng định rằng, theo kinh nghiệm khiêm tốn của chúng tôi, những kết quả này không khả thi trong các hoàn cảnh khác.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện kế hoạch theo phong cách “loan báo”, tôi cho rằng, ba hoạt động chủ chốt mà tôi đã nói sẽ cần thiết. Điều đó có nghĩa là, anh em phải xét đến việc dành chút thời gian cho “các cuộc gặp gỡ cá nhân”, cũng phải dành thời gian cho nhóm cũng như thời gian loan báo Tin Mừng/rao giảng Tin Mừng.

Làm thế nào để tổ chức ba hoạt động này trong một cuộc đại phúc? Nên dành bao nhiêu thời gian cho từng hoạt động? Tôi xin nhắc, điều đó phụ thuộc vào thời gian mà chúng ta có trong kế hoạch của chúng ta, trong môi trường chung và trong bối cảnh nhân bản/Kitô giáo mà ở đó, chúng ta khám phá ra những người mà chúng ta sẽ thực hiện đại phúc.

Ở một số Tỉnh dòng, để phát triển dự phóng thần học – mục vụ, họ đã quyết định tổ chức đại phúc với một tuần làm việc theo nhóm nhỏ. Dự phóng này sẽ là một động lực ban đầu nơi Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, và rồi phát triển thành Cộng đoàn lớn. Chúng được gọi là “các Cộng đoàn bác ái” hay “các Cuộc hội họp gia đình”. Các Cộng đoàn này được đặt ở vị trí đầu tiên và sau đó, rao giảng ở vị trí thứ hai.

Vậy nên, như một nhà toán học nói, thứ tự của phép cộng không thay đổi kết quả. Nếu chúng ta thấy rằng, một kế hoạch “loan báo” hơn là cần thiết, thì kế hoạch đó có thể được thay đổi, để thông điệp được công bố cũng như thứ tự của một trong ba hoạt động mà tôi vừa diễn tả có thể thành tựu. Điều quan trọng là cung cấp chất nuôi dưỡng cho mọi người được định hướng và được trình bày dưới hình thức thu hút sự chú ý của họ và tiếp cận với mọi người.

Nói cách khác, chúng ta nên rút khỏi “sự tuyệt đối hóa” hoặc tồi tệ hơn, “tuyệt đối hóa chính mình.” Sự tuyệt đối duy nhất trong các cuộc đại phúc là Thiên Chúa, Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Và trong một nguồn mạch khác mang tính nhân bản hơn, đó là Giáo Hội và con người.

Và như vậy, phần kết luận liên quan đến việc tổ chức đại phúc:

1) Cần duy trì nguyên tắc Vinh Sơn về sự thích nghi . Chúng ta phải duy trì một tinh thần “mềm dẻo” để chúng ta có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh địa lý, thời gian và con người.

2) Chúng ta phải tổ chức công việc đại phúc theo nguyên tắc Lịch sử Cứu độ: Đức Giêsu đã trút bỏ mình trong mầu nhiệm Nhập Thể, để chúng ta có cùng những tâm tình của Đức Giêsu, Đấng đã trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, huỷ mình ra không, xuống thế và trở nên như người trần thế (Pl 2,5). Có một số cách để chúng ta thực hiện điều đó:

        • Gặp gỡ và đối thoại với mọi người. (thăm viếng và tỏ bày sự thân mật với họ)
        • Giảng dạy đơn sơ và phù hợp.
        • Thúc đẩy mọi người gặp gỡ nơi các nhóm nhỏ.
        • Lắng nghe Chúa Thánh Thần hiện diện nơi mọi người.

[1] SV XI, 103; XI, 30

[2] SV I, 227/274

[3] Chúng ta phải đề cập ở đây rằng, qua phần đầu tiên của thời kỳ đại phúc chính yếu này, chúng ta nắm lấy cơ hội chuẩn bị một đội ngũ mục vụ ở nơi này. Họ là một phần không thể thiếu trong mỗi cuộc đại phúc, thiết lập nền tảng cho sự duy trì hiệu quả cuộc đại phúc. Đội ngũ mục vụ của giáo xứ sẽ là các cộng tác viên của chúng ta trong giai đoạn cuối của cuộc đại phúc, như chúng ta sẽ thấy trong phần sau của bản trình bày này.

[4] SV XI, 90 / XI, 396

[5] SV XI, 133; XI, 55