Một vài đề nghị thực hành cho việc cầu nguyện: không bao giờ nản chí

0
1713

ROBERT P. MALONEY, C.M.

Như kẻ thơ thẩn người Nga trong cuốn The Way of the Pilgrim (Đường Hành Hương), tôi giật mình mỗi khi đọc những lời của Tin Mừng Luca: “Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Cầu nguyện luôn? Không bao giờ nản chí?

Thế nhưng, không chỉ Luca, thánh Phaolô cũng nói: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh; đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô” (1 Tx 5,16-18). Và để nhấn mạnh thông điệp này, thánh Phaolô lặp lại: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6,18).

Đây không phải là một thông điệp chưa từng nghe nói. Biết bao lần, tôi đã bị đánh động bởi những người muốn cầu nguyện một cách tha thiết. Nhiều bạn trẻ muốn học biết cầu nguyện. Gần đây tại một bữa tiệc sau lễ rửa tội, hai người bà con hỏi tôi sắp tới có kế hoạch gì. Tôi đã trả lời họ rằng, tôi đang tổ chức hội thảo hai ngày về nguyện ngắm. Cả hai bỗng nhiên cùng nói: Tôi muốn học để cầu nguyện tốt hơn.

Vì thế, từ những nỗ lực cầu nguyện của chính mình, tôi xin trình bày một vài gợi ý sau đây, hy vọng chúng sẽ giúp ích cho các bạn trẻ và cho những ai thiết tha muốn biết Chúa một cách sâu sắc hơn. Chúng không phải là những nguyên tắc trừu tượng mà tôi có thể chứng minh bằng một số phương pháp khoa học. Chúng chỉ đơn giản là 15 gợi ý thực hành mà những ai cầu nguyện đã thấy hữu ích. Tôi nhận trách nhiệm trình bày thay cho họ, nhưng tôi mắc một món nợ tri ân sâu sắc đối với những người tốt lành – “các thánh” đã được hay chưa được tuyên thánh – những người đã dạy tôi những điều đó bằng mẫu gương và sự khôn ngoan của họ.

1. Mỗi ngày, dành ra ít nhất 10-15 phút thinh lặng với Chúa, nguyện ngắm. Đây không phải là một cam kết dễ dàng tuân giữ giữa một thời khoá biểu bận rộn ở nhà hay tại công sở hay ở học đường, nhưng tôi đảm bảo, điều đó sẽ dần thay đổi đời sống của các bạn. Khi các bạn cảm thấy quá bận rộn để làm điều đó, hãy tự vấn: Chẳng phải tôi dành nhiều thời gian hơn để ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc hay tập thể dục? Thế thì tôi không thể dành 10 đến 15 phút để ở với Chúa sao?

2. Tìm một thời gian và một địa điểm phù hợp với các bạn. Cả hai điều này đều quan trọng. Hãy chọn thời gian riêng tư cho các bạn. Hãy chọn địa điểm như lời Tin Mừng Mt 6,6, nơi các bạn có thể đóng cánh cửa ồn ào của thế giới. Ở đó, hãy chăm chú lắng nghe và trò chuyện với Chúa một cách đơn sơ. Hãy đọc một đoạn ngắn từ các bản văn Thánh Kinh, nếu các bạn muốn thưa với Chúa, như Samuen: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì lúc này?”(1 Sm 3,10)

3. Lấy Đức Kitô làm trung tâm. Chúng ta có thể chắc chắn điều này: Lời mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta hơn hết là Lời đã trở nên xác phàm. Thánh Têrêsa Avila nói với chúng ta rằng chủ đề suy niệm duy nhất của thánh nữ là nhân tính của Đức Giêsu, bởi nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa được mặc khải nơi xác phàm. Là những Kitô hữu cầu nguyện, chúng ta muốn bản năng của mình trở nên những bản năng của Đức Giêsu. Chúng ta ước ao suy nghĩ, cảm nhận, yêu thương và hành động giống như Người. Về cơ bản, các bản văn Thánh Kinh và các thánh nói về điều này: Các bạn có muốn nhận biết Thiên Chúa không? Hãy xem Đức Giêsu, “Đấng tự hiến chính mình” (Gl 1,4). Ngài là “đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

4. Vào buổi sáng, hãy dâng ngày cho Chúa, xin Chúa chúc lành cho các công việc quan trọng trong ngày đó. Các thánh để lại cho chúng ta biết bao lời cầu nguyện tuyệt vời và rất phù hợp với buổi sáng, như lời cầu nguyện của thánh I-nhã:

“Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Chúa đã ban cho con tất cả mọi sự ấy. Lạy Chúa, con xin dâng lại cho Chúa điều đó. Tất cả là của Chúa. Xin Chúa hoàn toàn sử dụng điều đó tùy theo ý của Ngài. Chỉ xin ban cho con lòng mến và ân sủng của Ngài. Như thế là đủ cho con.”

5. Buổi tối là thời gian tĩnh lặng và cho giấc ngủ an lành. Trước khi đi nghỉ, hãy xét mình vắn gọn. Hãy nhìn lại ngày sống. Hãy tự vấn, tôi đã yêu thương khi nào? Tôi chưa yêu thương đủ khi nào? Những khuôn mẫu nào tôi nhận thấy trong đời sống tôi? Hãy lưu tâm đến điều tích cực lẫn tiêu cực, ánh sáng và bóng tối. Hãy tạ ơn Chúa vì những ân huệ Ngài ban trong ngày sống, xin Ngài tha thứ và chữa lành cho những thất bại của các bạn. Hãy phó thác bản thân cho Thiên Chúa, đặt cuộc đời các bạn trong tay của Ngài. Một số người thấy việc viết nhật ký vào cuối ngày là một phương tiện hữu ích để lớn lên trong sự sống của Thiên Chúa và trong sự tri ân về những ơn lành của Người. Truyền thống lâu đời trong Giáo hội kết thúc ngày sống bằng một kinh nguyện về Đức Maria, như kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

6. Đừng tập trung quá nhiều vào điều các bạn nói. Điều Thiên Chúa đang thông truyền thì quan trọng hơn nhiều. Cầu nguyện là một mối tương quan. Trong khi những lời nói có một vị trí đặc quyền trong cầu nguyện, thì sự thông truyền lại vượt xa lời nói. Một số hình thức sâu kín nhất của sự thông truyền đó là sự vô ngôn. Những ai đang yêu thường dành thời gian đầy ý nghĩa cho nhau trong khi nói chuyện với nhau rất ít. Sự hiện diện “thuần túy” là một dấu hiệu của sự trung thành. Quả thật, Đức Giêsu cảnh báo chúng ta đừng lải nhải khi cầu nguyện (Mt 6,7). Thánh Gioan Kim Khẩu so sánh những lời ba hoa vô tâm với tiếng sủa của những con chó!

7. Phải có kỷ luật. Giống như sự thực hành không ngừng rèn luyện các vận động viên, nhạc sĩ và vũ công cho môn thể thao hoặc nghệ thuật của họ, thì cũng vậy, việc trung tín dành thời gian và bước vào một không gian tĩnh lặng làm cho người cầu nguyện tăng trưởng trong sự sống của Chúa. Dù các bạn chọn buổi sáng thức dậy sớm hay buổi tối là thời gian cầu nguyện tốt nhất của các bạn, thì chắc chắn là có một số hy sinh. Ngày nay, khi có quá nhiều sự chia trí có thể dễ dàng làm chúng ta sao lãng khi cầu nguyện, đôi khi chúng ta phải từ bỏ những chọn lựa tốt lành, lý thú để trở nên những người cầu nguyện trung thành.

8. Hài hòa giữa kỷ luật với tự do nội tâm, cơ cấu với tự phát. Các thánh như Vinh Sơn Phaolô dạy chúng ta rằng, đôi khi, chúng ta phải “rời Chúa vì Chúa”. Thật là quan trọng khi phải sắp xếp đời sống chúng ta để chúng ta cầu nguyện mỗi ngày. Tuy nhiên, khi nảy sinh ra những tình thế khẩn cấp, mời gọi chúng ta đáp ứng những nhu cầu cấp bách của tha nhân, chúng ta không được ngần ngại nhìn thấy, lắng nghe và phục vụ Thiên Chúa nơi người nghèo đang kêu cầu chúng ta.

9. Học cách thinh lặng. Nguyện ngắm đòi hỏi những lúc thinh lặng. Hiển nhiên, chúng ta không thể tự tách mình ra khỏi gia đình, cộng đoàn, công việc hay các mối quan hệ của đời sống hàng ngày. Nhưng chúng ta có thể chọn thời gian và không gian ít tiếng ồn và sự gián đoạn, khi không có tiếng chuông điện thoại và chuông cửa. Đó là một trong những lý do tại sao từ xa xưa nhiều người đã chọn cầu nguyện vào sáng sớm trước khi bắt đầu các hoạt động của ngày sống, hay vào buổi tối muộn khi mọi thứ trầm lắng. Dietrich Bonhoeffer nói: “Sự thinh lặng không gì khác hơn việc đợi chờ Lời của Chúa.” Isaia viết: “Sáng sáng Người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi (50,4-5).”

10. sự nuôi dưỡng. Việc đọc là tối quan trọng. Một số yếu tố chính trong chế độ ăn uống là Kinh Thánh, đời sống và các tác phẩm của các thánh, văn chương thiêng liêng đương đại và sự tiếp xúc phản tỉnh với Chúa Kitô nơi người nghèo.

11. Làm việc để tự định nghĩa mình một cách mới mẻ. Qua cầu nguyện, giá trị của chúng ta sẽ trở nên được tái xác định và mang lấy đặc tính loan báo Tin Mừng ngày càng gia tăng. Cầu nguyện phải đi đến hoán cải không ngừng. Điều đó sẽ dẫn đến những hành động bác ái và công bằng. Đây là lý do tại sao nhiều vị thánh nhấn mạnh đến “những quyết tâm thực tế”. Tiêu chuẩn tối thượng để đánh giá việc cầu nguyện luôn là đời sống: “Qua hoa trái của họ, anh em biết họ là ai” (Mt 7,20; 12,33; Lc 6,44). Cuối cùng, cầu nguyện phải sinh hoa trái trong niềm vui. Thánh Phaolô diễn tả các hoa trái của Thần Khí một cách rõ ràng là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục (Gl 5,22).

12. Đừng ngần ngại dùng lời cầu nguyện xin ơn, nhưng hãy phát triển một danh mục cầu nguyện rộng hơn. Cầu nguyện xin ơn làm cho chúng ta ý thức về nhu cầu của chúng ta. Thế nhưng lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải mang “những sắc thái” Kinh Thánh khác: ngợi khen, biết ơn, ngạc nhiên, tin tưởng, đau đớn, từ bỏ, nhẫn nhục. Lời cầu nguyện Kitô giáo điển hình mang đầy tâm tình tạ ơn.

13. Cầu nguyện giúp chúng ta can đảm đón nhận và thực thi ý Chúa, như Chúa Giêsu khuyên (Mt 6,10) và làm gương (Lc 22,42). Trong tiểu thuyết Các Anh Em Nhà Karamazov, Dostoevsky đã viết: Yêu thương trong thực tế là một điều khắc nghiệt và khủng khiếp so với yêu thương trong những giấc mơ.” Các thánh đã khuyên “hãy có thái độ trung lập” như là một khuynh hướng cầu nguyện. Bởi điều đó có nghĩa tự nguyện đi theo bất cứ sự hướng dẫn nào mà Thiên Chúa đang mời gọi. Điều này đặc biệt quan trọng trong những lúc đau khổ, khủng hoảng hay phân định.

14. Hãy sáng tạo. Vì là con người, chúng ta có những thân thể, những điều kiện về thể lý và môi trường trợ giúp hoặc kiềm chế lời cầu nguyện của chúng ta. Vẻ đẹp của khung cảnh cầu nguyện, một Nhà tạm, một mẫu ảnh, một cây nến, một nén hương, ánh sáng, nhạc nền – tất cả đều có thể là phương tiện giúp cầu nguyện. Một số người sử dụng các ảnh tượng thánh để giúp họ tập trung. Một số người chơi nhạc nhẹ làm nền, sử dụng iPad hoặc đĩa CD trên máy tính của họ. Một số người cầu nguyện khi họ lái xe và tắt radio. Số khác nữa cầu nguyện trong khi họ đi bộ hoặc khi đứng xếp hàng chờ đợi. Trong cầu nguyện, có nhiều cách, phù hợp với những cá tính khác nhau của con người.

15. Đừng lo lắng về những chia trí. Chúng chắc chắn xảy ra. Tâm trí không thể tập trung vào một đối tượng trong thời gian dài. Khi chia trí dai dẳng, tốt nhất là tập trung vào chúng, thay vì trốn tránh chúng, và biến chúng thành chủ đề cuộc trò chuyện của chúng ta với Thiên Chúa. Họ thường nói rất nhiều về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta.

Việc tìm kiếm Thiên Chúa là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời, trong  đó, chúng ta lên núi, xuống thung lũng và đôi khi bị mắc kẹt trên các gờ đá. Sự bền chí là chìa khóa để lên đến đỉnh núi. Việc nóng lòng muốn cầu nguyện là chính việc cầu nguyện. Mẹ Têrêsa nói rằng, Mẹ đã dành nhiều năm chiến đấu để tìm thấy Thiên Chúa, dù Mẹ đã tham gia cầu nguyện một cách trung tín suốt thời gian đó. Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta “đang lãng phí thời gian” trong việc cầu nguyện, hoặc chúng ta có thể trải qua “sự khô khan” lâu dài, và bị cám dỗ bỏ cầu nguyện. Chúng ta phải chống lại cơn cám dỗ ấy. Cuộc hành trình sẽ mang lại những phần thưởng to lớn.