Người nghèo đã dạy tôi

0
1319

Cứ vào mỗi dịp cuối tháng năm, khi mà những chú ve bắt đầu cất tiếng thì cũng là lúc anh em chúng tôi chuẩn bị kết thúc một năm học và bắt đầu những tháng ngày mục vụ hè. Hè năm nay, một mùa hè đặc biệt, mùa hè mà khắp nơi trên đất nước đang chống chọi với dịch bệnh Covid-19, nhưng không vì thế mà bước chân của anh em chúng tôi chựng lại. Thật hạnh phúc, chúng tôi được Ban Giám đốc học viện gửi đi mục vụ hè tại Giáo xứ Phình Hồ, thuộc giáo phận Hưng Hóa. Đây là khoảng thời gian thực tập mục vụ nằm trong chương trình đào tạo của Tỉnh Dòng, qua đó, chúng tôi cũng có dịp được tiếp xúc với anh em đồng bào H’Mông thuộc miền Tây Bắc.

Giáo xứ Phình Hồ thuộc giáo phận Hưng Hóa, nằm trên địa bàn xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Giáo xứ gồm 12 giáo họ và một vài giáo điểm. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, với việc trồng các loại cây như chè, lúa nương…

Nhìn lại cuộc sống, chúng ta vẫn thường tiếp thu được những bài học trân quý từ những người đi trước, những người đương thời và cả trong sách vở. Đó là những bài học trở thành hành trang cho mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời. Cũng có khi, chúng ta học được một điều đáng quý nào đó từ những thất bại của chính mình hay của bạn bè… Vâng, tất cả những bài học đó luôn hữu ích cho tất cả chúng ta. Mang trong mình hành trang và tinh thần của một nhà truyền giáo Vinh Sơn trong tương lai, chúng tôi cũng đang nhen nhóm nuôi dưỡng linh đạo của cha thánh từng ngày, để rồi khi tiếp xúc với anh em đồng bào H’Mông, chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho các trẻ em nơi đây một điều gì đó dù rất nhỏ; nhưng những gì xảy ra đều ngược lại, chúng tôi đã học được từ các em nhỏ, từ những người dân nơi đây những bài học hết sức hữu ích cho bản thân. Nói cách khác, nơi các bản làng nơi vùng núi Tây Bắc, chúng tôi đã được truyền lửa từ chính vùng đất mà chúng tôi mục vụ.

Bài học thứ nhất về sự đơn sơ, thật thà. Khi đặt chân đến giáo xứ Phình Hồ cũng là lúc mặt trời đã tắt nắng và khí trời bắt đầu trở lạnh. Sau khi gặp quý cha và dùng cơm tối, chúng tôi được cha phó mời ra gặp các em nhỏ. Với tâm lý của những người mới tới, chúng tôi đã chuẩn bị một số kẹo bánh để làm quà ra mắt với các em. Sau khi phân phát những chiếc kẹo từ miền xuôi gửi lên cho các em, chúng tôi dự tính phát lại một vòng nữa cho hết những phần quà nhưng điều đặc biệt mà chúng tôi nhận được đó là những câu nói rất dễ thương từ các em: “Thầy ơi, con đã nhận được kẹo rồi.” Vâng, đó là món quà và cũng là một bài học mà chúng tôi đã học được từ sự đơn sơ, thật thà của các em nhỏ nơi đây. Dẫu biết rằng, hoàn cảnh gia đình của các em rất khó khăn nhưng các em đã dạy cho chúng tôi một bài học, bài học về sự thật thà, đơn sơ. Một nhân đức mà thánh Vinh Sơn luôn nhắc nhớ chúng tôi trong hành trang dâng hiến.

Bài học thứ hai về sự quý trọng tất cả những gì mình đã nhận lãnh. Chúng tôi được cha xứ và các cha phó cho biết về nghề nghiệp của những con người nơi đây, họ chủ yếu sống phụ thuộc vào thời tiết, phụ thuộc vào những cây chè Shan Tuyết. Vì thế, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình cũng rất khó khăn. Trong một lần đi thăm hỏi các gia đình tại giáo họ Ba Cầu, tôi quyết định không về nhà xứ ăn cơm mà cố gắng đi thăm cho hết các gia đình. Vì trời đã trưa, tôi muốn vào xin dùng cơm cùng với một gia đình nơi đây, nhưng lạ thay, khi thấy tôi vào thì chị chủ nhà liền cất đi chiếc mâm cơm. Vào nhà, tôi liền hỏi tại sao làm thế? Câu trả lời tôi nhận được đó là: “Nhà con không có gì ăn, nên chúng con rất ngại.” Khi đó, tôi liền mục sở thị để xem tận mắt và quả đúng như thế, một bát cơm, một dĩa măng luộc (hoặc dĩa măng xào) và một bát nước lọc. Đó là tất cả những gì cho một bữa trưa gồm bốn người ăn. Theo người dân nơi đây kể lại, sáng ra họ vẫn đi lên đồi để tìm măng, tìm được thì đưa về nhà ăn, còn không có thì chỉ ăn cơm với muối và nước lã. Chính những gì mà tôi được nghe, được chứng kiến tận mắt đã dạy cho tôi bài học về sự quý trọng tất cả những gì mình được nhận lãnh. Cũng có lúc trong cuộc sống này, tôi đã kêu ca trách móc những người đã chuẩn bị món ăn không theo đúng sở thích của mình, không theo những gì mình muốn. Từ đây, tôi phải thay đổi cách sống của mình vì biết rằng còn nhiều người đang khổ, đang không có những miếng ăn và hơn hết, tôi ý thức được sự cảm thông và chia sẻ, đồng thời biết trân trọng những gì mình đang có.

Bài học thứ ba về việc chuẩn bị cho thánh lễ. Cứ mỗi chiều thứ bảy, chúng tôi được cha xứ và cha phó cho cùng đi tham dự thánh lễ với các ngài tại các giáo họ. Sau khi được phân chia, tùy theo từng giáo họ nên sẽ có lịch trình xuất phát khác nhau. Nếu ai đi theo cha phó thì sẽ xuất phát vào lúc 11h trưa và không dùng cơm ở nhà xứ hoặc là thu xếp ăn cơm trước, sở dĩ đi sớm như thế là vì cha phó sẽ dâng hai thánh lễ ở 2 giáo họ khác nhau trong chiều thứ bảy. Còn ai đi theo cha xứ thì sẽ xuất phát lúc 13h30’, cha xứ sẽ nhận nhiệm vụ dâng lễ tại 2 giáo họ xa nhất và đường cũng khó đi nhất là Làng Tống và Chống Chùa. Đến với giáo họ Chống Chùa vào Chúa Nhật XII TN, điều tôi được chứng kiến đầu tiên đó là các mẹ, các bà, các ông và các bạn trẻ đang chuẩn bị cho thánh lễ ngày hôm đó, nghe nói chuẩn bị chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến những gì to tát nhưng thực ra họ đã ngồi ngay ngắn, cùng mở máy ra để nghe và hát lại các bài thánh ca bằng tiếng H’Mông sẽ sử dụng trong thánh lễ. Có lẽ, những thánh lễ như thế là những thánh lễ đẹp nhất mà tôi được tham dự, dẫu biết rằng đó là thứ ngôn ngữ lạ với mình vì họ hát và tham dự thánh lễ bằng tiếng H’Mông. Đây cũng là một bài học nữa mà chính tôi đã học được về việc chuẩn bị cho thánh lễ, việc chuẩn bị này không chỉ bằng hình thức bên ngoài mà còn bằng cả trái tim yêu mến.

Bài học thứ tư về ơn gọi. Nơi vùng truyền giáo thì giờ ăn cơm được xem như là thời gian để cha con cùng chia sẻ, cùng trao đổi kinh nghiệm và cũng là lúc để vui đùa trong tình anh em. Vào buổi sáng nọ, sau khi ăn sáng, cha con chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau. Tôi thấy có hai người từ đâu tới, họ mang theo cái gì đó đi vào nhà xứ và nói: Con gửi cha quả dưa/Con gửi cha ít mướp… sau đó, tôi mới hỏi cha phó: “Ở đây, họ hay cho vậy cha?” Cha phó trả lời: “Cho thì người ta cứ cho, nhưng có lẽ trong nhà cũng không đủ ăn đâu. Bởi vì họ thương các cha các thầy đó.” Câu nói “Bởi vì họ thương các cha các thầy đó” làm cho bản thân tôi thêm quý trọng ơn gọi mà mình đang theo đuổi và đang sống. Tôi nghĩ, nếu không đi tu thì chắc chẳng có ai cho cái gì đâu, người ta cho mình thì cũng bởi vì mình đi tu, bởi mình đi theo Thầy Giêsu. Nói theo ý của thánh Phaolô thì: Tôi có nhận được gì là cũng nhờ ơn Chúa. Vì thế, đây cũng là dịp để tôi xác tín lại ơn gọi của mình trong sứ vụ phục vụ người nghèo. Cũng từ đây, tôi càng yêu mến và trung thành với ơn gọi mà tôi đang theo đuổi.

Bài học thứ năm về ngôi nhà chung. Chưa bao giờ tôi thấy nhà thờ, nhà xứ lại là một điểm đến đối với các bạn trẻ như ở Phình Hồ. Tôi để ý, các em đến nhà thờ từ 6h sáng và chơi đến 6h30’ tối mới về. Khi hỏi cha phó: “Hình như các em không về nhà hay sao?” Cha phó trả lời: “Ở đây, nhà thờ, nhà xứ là nơi để các em đến vui chơi. Khi nào thấy đói, các em sẽ về nhà xem có gì ăn không thì ăn qua qua tý rồi lên chơi lại. Thậm chí, nhiều lúc cha phải xem trong nhà xứ có gì không để mang ra cho các em ăn.” Điều này khiến tôi chợt nghĩ, nhà xứ như thế mới đúng nghĩa là nhà của xứ; vì thế, các em cứ vui chơi một cách hồn nhiên khi được ở nơi đây. Tôi cũng liên tưởng đến các giáo xứ ở đồng bằng hay thành thị, chắc hẳn những nơi đó cũng mong muốn có được cái bầu khí vui tươi, nhộn nhịp của trẻ thơ khi đến nhà xứ như vậy. Từ đây, tôi cũng tự đặt ra câu hỏi cho mình: Với bản thân tôi, nhà thờ nhà nguyện có vị trí nào trong tôi?

Còn nhiều và rất nhiều bài học mà bản thân tôi đã thu nhận được từ kỳ mục vụ hè này. Dẫu biết rằng, vì đại dịch Covid mà chúng tôi không thể đến để cùng ăn, cùng ở với họ như những năm trước. Điều quan trọng là chính những người dân nơi miền sơn cước Tây Bắc này đã cho chúng tôi những bài học bổ ích từ chính cuộc sống của họ. Ước mong sao, những con người nơi đây sẽ mãi giữ được những nét đẹp đơn sơ đó, để giáo xứ ngày một triển nở trên hành trình đức tin.

JB Nguyễn