Nhận biết dấu chỉ thời đại – Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B

0
731

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 63,16b-17; 64,1. 3b-8

Trích sách Tiên tri Isaia: Isaia cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa cho dân chúng.

Ðáp Ca: Tv 79,2ac và 3b. 15-16. 18-19

Thánh vịnh 79: cầu xin sự bảo vệ của Đức Chúa.

Bài đọc II: 1 Cr 1,3-9

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về lòng tin của dân thành Côrintô.

Tin Mừng: Mc 13,33-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô: Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ hãy tỉnh thức để sẵn sàng khi Con Người đến.

2. Chia sẻ

Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, đánh dấu một năm phụng vụ mới trong Giáo hội. Các bài đọc Lời Chúa được sắp xếp theo chu kỳ ba năm A-B-C. Mỗi năm thì đọc một Tin Mừng khác nhau gồm Tin Mừng Maccô cho năm B, Mathêu cho năm A và Luca cho năm C. Riêng Tin Mừng Gioan thì được xen kẻ vào những thời điểm khác nhau trong cả ba năm.

Năm nay là phụng vụ năm B, các bài đọc Chúa nhật sẽ tập trung vào các trình thuật Tin Mừng thánh Maccô. Trong tuần này và tuần tới các bài đọc Tin Mừng Maccô trình bày hai sự kiện quan trọng chủ đề của Mùa Vọng là ngày trở lại của Chúa và việc chuẩn bị của Gioan tẩy giả cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu.

Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta suy nghĩ về một chủ điểm rất quan trọng của Mùa Vọng đó là sự thức tỉnh, sự sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Hay nói khác đi, đó là tâm tình của một người đầy tớ trung thành với bổn phận ông chủ trao phó trong khi chờ đợi chủ trở về. Tâm tình tỉnh thức trong Mùa Vọng này nhắc nhở tôi mấy điều sau đây:

Ngày giờ là của Chúa

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta rất dễ sốc hay ngỡ ngàng trước một cái chết của ai đó vì tai nạn giao thông, điện giật hay đột quỵ… Nhất là những người này còn mạnh khỏe, trẻ trung và hầu như chắc chắn là còn có thể hưởng thụ một cuộc đời lâu dài. Thế nhưng rồi họ ra đi đột ngột và làm cho nhiều người ngỡ ngàng.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mọi người về thời giờ mà Chúa viếng thăm mỗi người. Đó là “Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13,35) khi ông chủ trở về  – Tức là hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày phán xét ở mọi giai đoạn của cuộc đời: thời thơ ấu, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già.

Có thể một số người nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu Chúa Kitô tiết lộ cho họ thời điểm của ngày tận thế, để họ không phải mòn mỏi mong chờ. Nhưng ngược lại, Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô và các vị thánh khác đảm bảo với chúng ta rằng, Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót bao la của Người khi giữ chúng ta trong sự thiếu hiểu biết này, để chúng ta luôn luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó. Vì nếu chúng ta biết chính xác ngày giờ, điều chắc chắn này sẽ tạo ra cơ hội cho chúng ta sống thiếu cảnh giác và phạm tội một cách tự do hơn. Trái lại, nếu không biết chắc chắn về ngày giờ mình phải chết, thì dù có sống một cách sao nhãng và cẩu thả cách nào, liệu chúng ta có dám chắc rằng mình sẽ được sống thêm vài năm nữa không?

Theo Thánh Grêgôriô, Thánh Augustinô và Thánh Bônaventura, Thiên Chúa đã để chúng ta trong tình trạng không chắc chắn này nhằm mục đích ngăn chúng ta gắn bó với những sự thế gian. Đó là những thứ mà dù có thấy chúng ngay trước mặt trong mỗi giây phút của cuộc đời, chúng ta cũng có thể đánh mất chúng bất cứ lúc nào. Thay vào đó, chúng ta hãy khao khát những thứ mà mình sẽ luôn luôn sở hữu một khi đã đạt được chúng rồi, đó là hạnh phúc Thiên Đàng “đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Vì thế hãy sẵn sàng luôn và đừng tự tin về bất kỳ điều gì về tình trạng của mình bây giờ. Đó là tâm tình tỉnh thức cho cuộc sống mai sau là điều quan trọng.

Trung thành với bổn phận

Thức tỉnh không chỉ có nghĩa là không ngủ, mà thức tỉnh còn có nghĩa là trung thành với bổn phận được trao phó. Người đầy tớ trong bài Tin Mừng, nếu có thức tỉnh, nhưng tụ tập bạn bè ở một góc nào đấy nhậu nhẹt, bài bạc hay xem phim dài tập, không trông coi nhà cửa, thì cũng đâu gọi là thức tỉnh được. Vì anh ta đã bỏ vị trí và bổn phận của mình là “chờ” ông chủ về.

Đây là điều dễ gặp trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu. Có người nói rằng đâu cần sống tốt làm gì, làm việc thiện làm gì, chỉ cần gần tới lúc chết, kêu Chúa cứu như tên trộm lành thì cũng được cứu thôi. Đấy là sự ỷ nại thiêng liêng nguy hại trong đời sống đức tin. Hình ảnh này như những người đầy tớ, cũng làm theo những suy nghĩ của mình và rồi bị cám dỗ bỏ việc bổn phận. Và khi ông chủ về bất thình lình thì thật vô phúc cho họ.

Thức tỉnh là tâm tình trung thành với bổn phận đang khi trông chờ Chúa đến. Thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Côrintô trong cùng tâm tình ấy “Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến” (1 Cr 1,8). Bền vững cho đến cùng là muốn nói đến sự trung thành của người Kitô hữu. Đây là tâm tình tiên quyết khi đang trông chờ Chúa đến.

Nhận biết dấu chỉ thời đại

Dân Thiên Chúa trong Bài đọc 1 đã than vãn về chính tình trạng của chính tâm hồn họ. Họ cảm thấy thất vọng, và dường như Thiên Chúa xa rời họ “Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi” (Is 64,6).

Dân chúng van nài Chúa trở lại và chăm sóc họ. Họ nhận ra thân phận đất sét của mình và xin Chúa đoái thương. Dân do thái nhận thấy một tình trạng bị “bỏ hoang” nơi tâm hồn họ và họ thấy cần phải nối lại mối tương quan với Chúa. Họ đã nhận ra một điều quan trọng trong tương quan với Chúa “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con” (Is 63,16b). Họ nhận ra Thiên Chúa là cha của họ, đấng đã luôn yêu thương họ. Đó là một thái độ thức tỉnh tâm hồn, thức tỉnh lương tâm đáng cho chúng ta suy xét.

Chúng ta đang trải qua những tháng ngày của biến cố covid-19. Có biết bao nhiêu sự giả trá của cuộc sống bị vạch trần trước sự phũ phàng của căn bệnh chết chóc này. Người ta đã nhận ra sự thật về cuộc sống mong manh của con người. Họ chạy đến với Chúa để xin chữa lành và xin Chúa đẩy xa sự dữ khỏi thế gian.

Có những dấu chỉ trong cuộc sống để nhận ra cuộc hành trình của người Kitô hữu đang ở chỗ nào trong tương quan với Chúa và tha nhân. Những dấu chỉ đó để giúp con người nhận ra tình trạng thật sự của tâm hồn mình và vị trí của Thiên Chúa trong đời sống. Đây là điều cần thiết.

Mùa Vọng về là lời nhắc nhở sám hối và hy vọng trông chờ cuộc trở lại trong vinh quang của Đức Giêsu. Đó không phải chỉ là đơn thuần để mừng lễ giáng sinh không mà thôi, nhưng là nhắc nhở về ngày cánh chung của thế giới và của riêng mỗi người. Ước gì chúng ta bước vào Mùa Vọng với tâm tình tỉnh thức, nhận biết các dấu chỉ thời đại và trung thành với bổn phận hằng ngày khi đang đi gần về ngày cánh chung của mỗi người.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM