Những Tổng Đại Hội Của Tu Hội Truyền Giáo: Lịch Sử Và Ảnh Hưởng

0
821

John E. Rybolt, C.M.

 I. DẪN NHẬP

Quyền bính tối thượng trong Tu hội, chính là Tổng đại hội, đã mang tính mấu chốt cho sự phát triển và hướng đi của Tu hội. Trong gần bốn thế kỷ hiện hữu, Tu hội đã tổ chức bốn mươi mốt Tổng đại hội như thế này, và Tổng đại hội đầu tiên được diễn ra vào năm 1661. Tuy nhiên, chính thánh Vinh Sơn đã tổ chức các tổng tu nghị đầu tiên vào năm 1642 và 1651 cốt để củng cố Luật Chung và Hiến Pháp của Tu hội còn non trẻ này. Ngoài việc đối mặt với những vấn đề chuyên biệt của Tu hội, các đại biểu còn phải cân nhắc việc phụ thuộc của Tu hội vào quyền bính của Giáo Hội cũng như vị thế của mình trong tương quan với các hoạt động chính trị ở thế giới bên ngoài. Vì vậy, để truyền tải những thành quả của các Tổng đại hội, mọi thành viên phải ra sức nghiên cứu lịch sử thế giới cũng như kinh nghiệm của Giáo hội và Giáo luật.

Các Tổng đại hội đã giải quyết quá nhiều vấn đề đến nỗi không thể phát thảo chi tiết ra ở đây. Vì thế, trọng tâm của bài nghiên cứu này chính là bàn về những điểm đáng chú ý của các Tổng đại hội đã ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của nhà thừa sai Vinh Sơn trong thời gian qua.

II. NHỮNG HOA TRÁI ĐẦU TIÊN

Thánh Vinh Sơn đã tham khảo nhiều về quy luật và cách vận hành của Dòng Tên cho những suy tư của mình. Đối với Luật Chung, người đã chọn một vài lối thực hành của họ. Còn trong bản Codex Sarzana, văn kiện đầu tiên có liên quan đến các đại hội, thánh nhân đã vay mượn ngôn ngữ của Dòng Tên vào thời điểm đó. Dòng Tên đã sử dụng thuật ngữ Latinh congregatio1 để nói về đại hội nhưng lại mâu thuẫn với danh xưng Congregatio Missionis (Tu hội truyền giáo), và có lẽ vì nguyên do này mà thuật ngữ “the Vincentian” đã trở thành conventus (đại hội). Vì vậy, assamblée, một thuật ngữ Pháp, đã trở thành quy chuẩn cho một vài ngôn ngữ ở Châu Âu.

Nhiều vấn đề mà Đấng sáng lập của chúng ta đã từng nhắc đến trong bản Hiến Pháp đầu tiên và vẫn tiếp tục trở thành vấn đề thực hành của Vinh Sơn hữu. Danh sách sau đây được trích dẫn từ bản Hiến Pháp năm 1668, mà nhiều lần được gọi là “Magnae Constitutiones.”2  Thánh Vinh Sơn đã cố gắng hoàn thiện chúng nhưng người vẫn chưa thể hoàn thành vào lúc cuối đời.

1. Tổng đại hội có thẩm quyền tối cao trên Bề trên Tổng quyền (C 1668, ch. I, §2), mặc dù ngài có thể triệu tập một Tổng đại hội (C 1668, ch. I, §5).

2. Nhiệm vụ của Tổng đại hội là duy trì lòng trung thành của Tu Hôi với đặc sủng và quy luật, và tổ chức bầu cử tân Bề trên Tổng quyền (C 1668, chs. III, VI).

3. Tổng đại hội xem xét các thỉnh nguyện (postulata) từ các tỉnh dòng (C 1668, ch. IV) và ban hành các sắc lệnh và luật lệ (C 1668, ch. I, §7).3

4. Tổng đại hội bầu chọn bốn vị tổng Phụ tá cho Bề trên Tổng quyền (C 1668, ch. II, §1) cũng như Tổng đại diện (C 1668, ch. IX).

5. Bản văn trù bị về quyền quản trị khi Bề trên Tổng quyền qua đời cho đến khi Tổng đại hội kế tiếp được diễn ra (C 1668, ch. IV) cũng như việc tìm được một Bề trên Tổng Quyền thay thế.

6. Bản văn cũng giải quyết vấn đề tổ chức một Tổng đại hội (chẳng hạn như bậc ơn gọi giữa các đại biểu, việc bỏ phiếu, thư ký cho Tổng đại hội), và đưa ra kế hoạch dự phòng đối với tính hợp pháp của các đại biểu, các ứng viên dự bị và những đại biểu vắng mặt (C 1668, ch. IX).

Thêm vào đó, Đấng sáng lập cũng đã nhắc đến hai hình thức của Tổng đại hội. Hình thức đầu tiên và quan trọng hơn hết được tổ chức để bầu Bề trên Tổng quyền sau khi vị tiền nhiệm qua đời hoặc thay thế. Hình thức thứ hai giải quyết những công vụ của Tu Hội trong khoảng thời gian đương nhiệm của Bề trên Tổng quyền (C 1668, ch. XII); các tổng đại hội này được tổ chức cứ mười hai năm một lần, nếu việc bầu Bề trên Tổng quyền không diễn ra trong giai đoạn đó (C 1668, ch. XI, §8).

Công việc của các tổng đại hội trong quá khứ giống với chuỗi hoạt động của các Tổng đại hội gần đây hơn kể từ khi bản Hiến Pháp năm 1984 ra đời. Tuy vậy, nhiều vấn đề đã được thay đổi để đạt hiệu quả tối ưu. Ba trong số những điều sau đây là điểm đáng chú ý.

1. Việc mở, đóng và thuyên chuyển các nhà, trước hết cần có thẩm quyền của Tổng đại hội (C. 1668, ch. I, §3), hoặc khi đòi hỏi, cần có thỉnh nguyện thư của các Tỉnh dòng Âu Châu (một cách rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại được diễn ra nhanh). Hầu hết các đại biểu luôn ủng hộ Bề trên Tổng quyền về những hình thức thỉnh nguyện này.

2. Quá trình bỏ phiếu được thực hiện theo thể thức bầu chọn Đức Giáo Hoàng: dạng thức của lá phiếu; sử dụng chén lễ để nhận phiếu; đọc lời tuyên thệ cá nhân trước khi bầu và kiểm phiếu trong khi quỳ trước bàn có Thánh Giá và chén lễ; sau cùng những phiếu đã bầu sẽ được đốt đi (C. 1668, ch. 7).

3. Bề trên Tổng quyền đề cử các ứng viên cho vị trí Tổng Đại diện và Bề trên Tổng quyền, dẫu rằng các đại biểu được tự do đưa ra lựa chọn của mình (C. 1668, ch, 3, §1-5).

Bản Hiến pháp đầu tiên cũng trù bị tương tự trong việc tổ chức các Đại hội cấp tỉnh dòng để chuẩn bị cho Tổng Đại hội (C. 1668, chs. 5, 10). Chúng ta có hai điểm đáng chú ý như sau: ai có thể là đại biểu và cách thức vận hành đại hội. Ngày nay, nhiều vấn đề trong bản hiến pháp đầu tiên vẫn còn duy trì việc thực hành của nhà thừa sai Vinh Sơn.

Bản Hiến Pháp năm 1668 vẫn tiếp tục đường hướng của thánh nhân trong việc tổ chức các đại hội cứ sáu năm một lần. Mục tiêu của các đại hội này là tổ chức một buổi họp mặt nhỏ và ngắn hạn, ít nhất sáu năm sau một Tổng đại hội, để thảo luận về thể chất của Tu Hội. Buổi họp này sẽ quyết định có hay không việc triệu tập một Tổng đại hội để xem xét các vấn đề trọng yếu đang phải đối mặt, chẳng hạn như những bất đồng giữa các tỉnh dòng hay những lạm dụng cần được giải quyết (C 1668, ch. 2, §5; ch. 11). Mười lăm cuộc họp như thế này đã được tổ chức từ năm 1679 đến 1939. Chúng diễn ra trong khoảng năm ngày với thành phần tham dự gồm có hai mươi hai thành viên chính thức. Và không một ai trong số họ đã từng đề nghị việc tổ chức một Tổng đại hội.4 Vì những buổi họp này vốn dĩ không có lợi ích gì, nên vào năm 1954, Tu Hội đã xóa bỏ chúng khỏi bản hiến pháp đã chỉnh sửa.

Những thành quả chính yếu của các Tổng đại hội, về mặt căn bản, có liên quan đến việc bầu chọn các Bề trên Tổng quyền và các phụ tá (những người chưa có một nhiệm kỳ nào), và các sắc lệnh chuyên biệt dựa trên định đề đã được đệ trình hoặc bởi Bề trên Tổng quyền hoặc bởi các tỉnh dòng địa phương. Trong việc xử lý định đề này, nhiều đại hội đã đồng ý với quyết định của Bề trên Tổng quyền và ban cố vấn của ngài. Tiếp đến, các Tổng đại hội đưa ra những phản hồi cho các tỉnh dòng địa phương hoặc các tỉnh dòng khu vực, nhưng những phản hồi này lại thiếu tính hiệu lực pháp lý đối với toàn thể Tu Hội, vì chúng chủ yếu chỉ làm rõ những trọng điểm của luật hay thủ tục pháp lý. Các sắc lệnh của các đại hội, thậm chí bao gồm cả những phản hồi, đã định hình nền tảng cho luật học (jurisprudence) của nhà thừa sai Vinh Sơn, án lệ (case law) của chúng ta.

III. Trước Cách Mạng Pháp

Giữa Tổng đại hội năm 1661 và 1788, Tu Hội đã tổ chức mười sáu Tổng đại hội và bảy đại hội lục niên. Các Tổng đại hội kéo dài trung bình khoảng mười bảy ngày với sự tham dự của ba mươi thành viên chính thức (số thành viên tăng lên từ mười chín vào năm 1661 đến ba mươi lăm vào năm 1788). Tất cả các Tổng đại hội đều diễn ra tại St. Lazare, Paris.

Mặc dù nhiều vấn đề có vẻ ít quan trọng đối với các thế hệ sau này, nhưng một vài trong số đó lại quan trọng đến nỗi chúng đã từng định hình và chấn chỉnh Tu Hội Truyền Giáo cho đến ngày nay. Vấn đề trọng yếu của Tổng đại hội đệ nhất vào năm 1661 là vấn đề chọn lựa người tiếp nối Đấng sáng lập. Cha Resnee Alméras, một thân tín với thánh Vinh Sơn và là phó bề trên tổng quyền, đã trở thành Bề trên Tổng quyền của Tu Hội. Việc bầu chọn các phụ tá và cố vấn là công vụ còn lại của Tổng đại hội.

Tổng đại hội đệ nhị đã diễn ra vào năm 1668 và được triệu tập vì vấn đề của Tu Hội mà tập trung chủ yếu vào bản hiến pháp đang còn dang dở. Các cuộc thảo luận đã kéo dài suốt bốn mươi chín ngày trong cái nóng của mùa hè (từ ngày 15 tháng bảy đến mồng 1 tháng chín), độ dài kỷ lục này đã bị phá vỡ bởi một Tổng đại hội khác kéo dài năm mươi bốn ngày liên tục vào năm 1980 và cũng trong cái nóng của mùa hè (từ ngày 16 tháng sáu đến đến ngày mồng 8 tháng tư). Kết quả quan trọng của Tổng đại hội năm 1668 là bản hiến pháp chính thức, và bản hiến pháp này là kim chỉ nam của Tu Hội cho đến năm 1954.6

Cũng trong thế kỷ XVII, Tổng đại hội năm 1697 đã xuất hiện một vấn nạn khiến nhiều thế hệ mất nhiều thời gian để giải quyết và gần như gây ra một cuộc ly khai trong Tu Hội Truyền Giáo. Vấn đề đó, về cơ bản, là việc một thành viên không phải là người Pháp, Cha Maurice Faure, một người thuộc xứ Savoy, có khả năng được chọn lên vị trí Bề trên Tổng quyền, đã đến tai của Vua Louis XVI. Đức vua đã vô hiệu hóa việc bầu cử này, và như vậy đã mặc nhiên bãi bỏ thẩm quyền với các thành viên người Ý, Ba Lan, cũng như tất cả thành viên của các quốc gia khác ngoại trừ Pháp quốc. Vấn nạn này liên quan đến bản chất của Tu Hội: liệu chỉ có người Pháp hay không, vì đấng sáng lập của Tu Hội là người Pháp và Tu Hội cũng khởi đầu từ Pháp. Nếu như vậy thì những tỉnh dòng ngoài Pháp có liên quan gì với Tu Hội? Câu hỏi quá phức tạp đến nỗi phải đệ trình lên Đức Giáo Hoàng, tuy nhiên giải pháp cho vấn đề thì không thỏa đáng. Thật vậy, vấn đề đó đã tiếp tục gây khó khăn cho Tu Hội mãi cho đến cuộc bầu cử Bề trên Tổng quyền mà đầu tiên không phải người Pháp, cha William Slattery, (mặc dù ngài đã phải nhập quốc tịch Pháp), và việc chuyển dời nhà Trung ương về Rô-ma, là giải pháp mà các thành viên Ý cũng như thành viên các nước khác đã thỉnh cầu trong nhiều thế kỉ qua.7

Từ bản Hiến pháp năm 1668, một vấn đề khác xuất hiện liên quan đến “tinh thần nguyên thủy” (“spiritus Institui,” 1668; “primitivus spiritus,” 1673; “spiritus primigenius,” 1736). Trong khi một vài thực hành hoặc đã được nói đến hoặc đã bị bác bỏ trong nhiều thế kỷ qua, thì cảm thức chung về việc trung thành với tinh thần của đấng sáng lập vẫn còn được duy trì. Những câu hỏi về vấn đề này vẫn thường xuyên xuất hiện trong các đại hội, và vì vậy, việc thảo luận về chúng cho phép Tu Hội suy ngẫm về đặc nét và mục đích của mình trong Giáo Hội. Mối liên hệ tương quan  này chính là ý nghĩa của Luật Chung, và được hiểu như là sự hướng dẫn căn bản về đời sống Vinh Sơn. Bản Hiến pháp năm 1954 (mục 219) đã dành sự “quý trọng và tôn kính” cho chúng như một kiểu mẫu hoàn hảo nhưng lại chưa cân nhắc đến việc xử phạt khi vi phạm chúng.8 Bản Hiến pháp sau đó đã thêm vào khía cạnh này.

Học thuyết Jansenism, vấn đề mà thánh Vinh Sơn kiên định với lập trường của mình, đã có nhiều biến thể kể từ khi người qua đời. Cách cụ thể, điều đó hiển nhiên chống lại tiến trình phong thánh cho ngài: phái Jansenism đã có ứng cử viên của riêng mình. Tổng Đại hội năm 1717 và năm 1724 phải giải quyết vấn đề liên quan đến những thành viên của Tu hội thuộc phái Jansenism đã ủng hộ nhiều giám mục Pháp trong việc chống đối Tòa Thánh, như đã được ghi chép trong sắc chỉ Unigenitus (1713). Những giám mục đang ủng hộ Hồng y Noailles của Paris đã từ chối sắc chỉ Unigenitus, vì sắc chỉ này có vẻ chà đạp bản tự ngôn “Tự do Pháp quốc” (Gallican liberties). Trái lại, Đức Giáo hoàng đã nại vào thẩm quyền của mình để cưỡng ép giám mục đoàn theo Hồng Y Noailles phải chấp nhập sắc chỉ này. Thái độ trung lập đã giúp Tu hội sống sót trong chuỗi bất hòa này, mặc dù có một vài thành viên, gồm cả Bề trên Tổng quyền và cha Himbert (tổng phụ tá thứ nhất của Tu Hội), đã bị trục xuất vì ủng hộ lập trường của vị hồng y trong mối bất hòa này.

IV. Từ Cuộc Phục Hưng Đến Năm 1919

Trong khoảng hơn một thế kỷ, Tu Hội đã tổ chức được mười hai Tổng Đại hội. Số thành viên tham dự lúc đầu thì ít nhưng tăng lên sáu mươi vào năm 1861 và đạt đến con số chín mươi lăm vào năm 1919. Tuy nhiên, thời gian trung bình của Tổng đại hội vẫn kéo dài cố định chỉ trong bảy ngày. Những con số này là một dấu hiệu quan trọng cho việc phục hồi của nhà thừa sai Vinh Sơn. (Trong cùng một thời gian, có sáu đại hội lục niên được tổ chức.)

Dưới thời Napoleon, Tu Hội đã bắt đầu phục hưng dần tại Pháp. Để tổ chức một đại hội trong thời gian này là bất khả thi, cả về phương diện pháp lý lẫn hậu cần cho đến năm 1829, cho nên Đức Giáo hoàng đã chỉ định một số tổng đại diện để quản trị Tu hội địa phương: Pháp cho tỉnh dòng Pháp, và Ý cho các tỉnh dòng khác. Cha Dominique Salhorgne là Bề trên Tổng quyền đầu tiên được bầu lên trong thời kỳ này (Đức Giáo hoàng đã chỉ định vị tiền nhiệm của ngài, cha Pierre Dewailly), nhưng vì cao niên nên cha Salhorgne đã từ nhiệm sau sáu năm tại vị. Vào năm 1835, cha Jean-Bapstiste Nozo, một cử ứng viên thuộc cánh bảo thủ của đại hội, đã lên kế vị cha Salborgne, nhưng cha lại xin nghỉ phép vào năm 1841. Cha Jean-Baptiste Etienne, được xem như “Đấng sáng lập thứ hai” của Tu hội, đã chính thức đảm nhận nhiệm kỳ tổng quyền tại Tổng Đại hội năm 1843 và chủ tọa các Tổng Đại hội năm 1849, 1861, và 1867 cũng như các đại hội lục niên vào năm 1855 và 1873. Mặc dù ảnh hưởng của ngài rất đáng kể trong quãng đời của mình, nhưng nhiều đại biểu tại các tổng đại hội về sau đã bắt đầu làm giảm tầm quan trọng của ngài bằng cách bỏ qua những lời kêu gọi được nhắc lại thường xuyên, giữa nhiều điều khác, để duy trì tính đồng nhất và vâng phục tuyệt đối với tất cả luật lệ và các thực hành mà cha Etienne đã tự mình khôi phục hoặc phát kiến ra. Do đó, Tổng đại hội trong thời kỳ này ít tầm quan trọng hơn Tổng đại hội trong những thời kỳ đầu.

Những điều tương tự cũng không thể diễn tả hết được nhiệm kỳ lâu dài của cha Antoine Fiat, người tiếp nối nhiệm kì bốn năm của cha Eugene Boré. Cũng giống như cha Etienne đã làm; cha Fiat, vị được bầu làm tổng quyền vào năm 1878, đã chủ tọa ba tổng đại hội vào năm 1890, 1902 và 1914, cũng là năm mà người từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Cha tổng quyền cũng đã tổ chức ba tổng đại hội lục niên vào năm 1884, 1896 và 1908. Ngoài việc bầu chọn các cố vấn, sáu tổng đại hội này chủ yếu giới hạn trong việc làm rõ các điểm luật. Tuy nhiên, những đại hội này đã đưa ra ít nhất ba quyết định quan trọng. Thứ nhất, tổng đại hội năm 1890 đã hết lòng ủng hộ việc thành lập trường tông đồ, đây là một bước tiến của Tu Hội. Thứ hai, tổng đại hội năm 1902 đã giải quyết vấn đề bóng ma của Thuyết hiện đại, một việc mang tính cấp bách với nhà thừa sai Vinh Sơn, và gửi nhiều thành viên đến dạy học tại các chủng viện lớn cũng như nhỏ. Đây cũng là thời kỳ khó khăn đáng kể, bởi một số thành viên hoặc bị cấm giảng dạy, như cha Guillaume Pouget chẳng hạn, hoặc bị trục xuất, chẳng hạn như cha Vincenzo Ermoni. Thứ ba, tất cả các tổng đại hội phải đối mặt với mối đe dọa đối với sự tồn vong của Tu Hội, vì tất cả các thành viên Pháp đều bị loại ra khỏi công việc chủng viện và trường học của họ. Số đông các thành viên thì đi truyền giáo ở Trung Hoa và Châu Mỹ Latin.

Sau nhiều thập kỷ với sự phát triển của những con số lẫn sự trì trệ của hoạt động tông đồ, các đại biểu tại tổng đại hội năm 1919 phải đối mặt với một vài vấn đề quan trọng. Một cách bất ngờ, chín mươi lăm đại biểu đã giải quyết những vấn đề này chỉ trong mười ba ngày. Nhiều câu hỏi đã được đối chiếu với bộ Giáo Luật mà đã được xuất bản gần đây: liệu các thành viên Vinh Sơn có phải là tu sĩ; nếu không phải, thì điều đó có ý nghĩa gì trong việc thực hành (số 560-570). Còn một số câu hỏi khác giải quyết vấn đề về con số và quốc tịch của các vị cố vấn của Bề trên tổng quyền (số 572).

Trong suốt thế kỷ này, nhiều vấn đề khác được đặt ra cho các vị đại biểu: quyền lợi của các tỉnh dòng ngoài Âu Châu; các giám mục Vinh Sơn thành viên trong Tu Hội; thiết lập các đại diện tông tòa như các tỉnh dòng; trục xuất hoặc cấm chế thành viên của các tỉnh dòng và ảnh hưởng của chúng trên đời sống của Tu Hội (như tại Đức, Mexico và Bồ Đào Nha); và lời khấn tạm.

Những vấn đề thứ yếu, về mặt cơ bản, là những điểm luật, chẳng hạn như tính đồng nhất trong: trang phục, thời gian biểu, các thực hành cộng đoàn và tài chính.

V. Thế k hai mươi, từ năm 1919 đến 1980

Trong suốt thời gian này, Tu hội đã có nhiều thay đổi. Và để ứng phó với những thay đổi ấy, Tu Hội đã tổ chức tám tổng đại hội thường kỳ và hai đại hội lục-niên. Những thay đổi hiển hiện là việc kéo dài số ngày của tổng đại hội (từ 12 ngày vào năm 1931 đến 54 ngày vào năm 1980) và việc tăng số lượng đại biểu (từ 112 vị vào năm 1931 đến 161 vị vào năm 1961).

Thế giới cũng đang trên đà thay đổi. Nhiều cuộc cách mạng xã hội và nhiều cuộc chiến tranh, đặc biệt là Nội chiến Tây Ban Nha và Thế Chiến thứ hai, đã gây ra nhiều thách thức to lớn cho nhà thừa sai Vinh Sơn. Tu Hội có thêm hai mươi mốt tỉnh dòng hoặc phụ tỉnh, và nhiều tỉnh dòng khác phát triển về quy mô. Hệ luận là nhiều sứ vụ mới đã được thiết lập. Cùng thời điểm đó, Tu hội mất đi hai Tỉnh dòng (Iran và Algeria). Nhiều công trình mới chớm nở bên cạnh những công trình truyền thống: các trường đại học, nhiều phong cách truyền giáo mới (truyền giáo bằng xe mô tô ở Mỹ chẳng hạn), và sản xuất các chương trình trên ti-vi và đài vô tuyến.

Cùng thời điểm đó, như đã được Giáo Hội đề nghị, Tu hội tiếp tục nghiên cứu những vấn đề về căn tính của mình mà đã bị trì hoãn trong thời gian dài dưới sự đối chiếu của bộ Giáo Luật. Một cách cụ thể, Tổng đại hội năm 1931 đã đặt tiền đề cho những thích ứng xa hơn, thế nhưng công trình ấy phải mất hai thập kỷ nữa trước khi bản hiến pháp ra đời. Nhiều vấn đề vẫn còn tồn đọng ngay cả sau khi bản Hiến Pháp được xuất bản vào năm 1954, và chúng sẽ cần được nhìn lại dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticano II.

Để hoàn thành việc nhìn lại, Giáo Hội hướng dẫn mọi Tu hội hãy có một cái nhìn mới về hiến pháp hiện hành và trở về với những nguồn cội của mình. Các đại biểu tại Tổng đại hội năm 1963 đã hợp pháp hóa những thích ứng còn dang dở liên quan đến những thay đổi về phụng vụ và kinh nguyện cộng đoàn hằng ngày (số 51). Nói cách khác, hệ luận theo sau của Tổng đại hội, các thành viên lấn sân vào hoạt động nghiên cứu và phân tích lâu dài và phức hệ của đời sống Vinh Sơn. Những vấn đề này đã đạt đến cực điểm trong Tổng đại hội 1968-1969 và 1980.

Đầu tiên là hai Tổng đại hội ngoại thường được triệu tập trong một năm, và thứ hai là đồng ý những khoản hiến pháp đã được chỉnh sửa. Sau nhiều lần chỉnh sửa và với sự chấp thuận của Vatican, bản hiến pháp này đã được xuất bản vào năm 1984. Văn kiện mới này đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng mà đã từng khuấy động Tu hội kể từ những ngày đầu tiên: việc bầu cử, nhiệm kì làm việc, căn tính Pháp quốc hay quốc tế, tập quyền và phân quyền, phó bề trên tổng quyền, và mối tương quan giữa các tỉnh cũng như nhà trung ương, mà hiện tại đã chuyển về Rô-ma. Tổng đại hội năm 1974 đã soạn thảo phần pháp lý về vấn đề quản lý cộng đoàn; với một ít bổ sung như vậy và phần này cũng đã trở thành một phần trong bản hiến pháp năm 1980.

VI. Lịch sử gần đây, 1980 đến 2016

Theo sau việc bản hiến pháp được Tòa Thánh chuẩn nhận, Tu hội phải hoàn thành những vấn đề nào còn tồn đọng? Câu hỏi này đã nảy sinh trong khi lên kế hoạch cho Tổng đại hội 1986.10 Bên cạnh việc bầu chọn Bề trên Tổng quyền (thực tế là bầu lại cha Richard McCullen) và phó bề trên tổng quyền cùng ban cố vấn, các đại biểu đã quyết định phân tích các câu trả lời từ các tỉnh dòng và những cá nhân theo ba điểm sau: truyền giáo cho người nghèo, cộng đoàn cho sứ vụ và đào tạo cho sứ vụ. Ngoài những điểm thảo luận này, Lines of Action, một kế hoạch đã được khởi xướng để định hướng cho Tu hội trong sáu năm tiếp theo.11 Tổng đại hội còn đưa ra phát kiến khác: văn kiện đúc kết của Tổng đại hội được gửi đến cho toàn thể Tu hội. Trước đó, bề trên tổng quyền, một cách thông thường, đã thông tri về công việc của Tổng đại hội. Mặc cho thủ tục mới này, việc chuẩn bị văn kiện đúc kết cho Tổng đại hội này và những Tổng đại hội tiếp theo đã chứng tỏ là cực kỳ gian nan, tranh cãi và mất nhiều thời gian. Một cách không thể phủ nhận, kinh nghiệm cho thấy rằng, những nỗ lực tha thiết của các đại biểu đã đánh thức một chút sự quan tâm, chỉ với tác động nhỏ, trên các tỉnh dòng.

Tổng đại hội năm 1992 đã thảo luận không chỉ nhằm giải quyết hai vấn đề khác: thiết lập chương trình đào tạo trường kỳ (CIF), và sứ vụ quốc tế mới. Cả hai vấn đề chỉ bắt đầu ngay sau Tổng đại hội này.

Mối tương quan của Tu hội với các nhóm khác, Gia Đình Vinh Sơn, cũng đã được thiết lập vào những năm ấy. Điều này đã đạt đến đỉnh điểm tại Tổng đại hội năm 1998, và đã dành ra một tuần trọn vẹn để học hỏi và suy tư về các nhóm này, mà lãnh đạo của họ đã được mời đến tham dự với tư cách là quan sát viên.12

Trong thời kỳ này, hai cấu trúc khác đã được phát triển. Một, được khởi xướng vào năm 1971 bởi CLAPVI ở Châu Mỹ Latinh, là hội nghị của các giám tỉnh hoặc các tỉnh dòng. Các nhóm khu vực này đã gặp nhau trong các cuộc họp, như vào năm 2004, để vạch ra đường lối hành động hoặc kế hoạch địa phương của riêng họ trong sáu năm tiếp theo, trong bối cảnh của một kế hoạch mở rộng Tu hội. 13 Cấu trúc thứ hai, có từ năm 1983, là các cuộc họp thường xuyên của các giám tỉnh trong khoảng giữa các kỳ tổng đại hội. 14 Mặc dù thiếu lực lượng lập pháp, các cuộc họp này giống như các đại hội lục niên. Mục đích của chúng là xem xét tình trạng của Tu hội và bắt đầu lên kế hoạch cho tổng đại hội kế tiếp.

Các đại hội hậu hiến pháp cũng đã phải đối mặt với vấn đề thuyên giảm thành viên trong nhiều tỉnh dòng. Thực tại này tương phản hoàn toàn với lời kêu gọi đầy nhiệt huyết và hy vọng từ các đại hội, ngõ hầu canh tân và tái cam kết, và chúng như thể chẳng xuất hiện vấn đề nơi các tỉnh dòng lâu đời, nơi mà nhiều người đã rời bỏ và ít ơn gọi. Một trong những hệ quả của việc thay đổi số thành viên là tiến đến việc dung hợp hoặc “tái định dạng” các tỉnh dòng, chúng liên quan tối hậu đến việc tan rã của các tỉnh dòng và thiết lập những tỉnh dòng mới. 15

Tổng đại hội năm 2010 được tổ chức tại Paris, và là Tổng đại hội được tổ chức tại đó kể từ năm 1955. Tổng đại hội năm 2016 được diễn ra tại Chicago, và cũng là Tổng đại hội đầu tiên được diễn ra ngoài Âu Châu trong lịch sử của Tu Hội, bao gồm 114 đại biểu tham dự, tụ họp tạ Đại Học DePaul. Trọng tâm chính yếu của Tổng đại hội lần này là tạo sự hiệp nhất giữa các tỉnh dòng, thúc đẩy việc hợp tác, tính quốc tế trong các buổi hội thảo khác nhau của các giám tỉnh và mang tính toàn cầu. Sứ vụ quốc tế và đào tạo liên tỉnh dòng là hai cách thế quan trọng mà qua đó Tổng đại hội đã hỗ trợ cho sự hợp tác liên tục này. Cần ghi nhận rằng, ý định hợp tác của Tổng đại hội, tự bản chất bao hàm cả Gia đình Vinh Sơn trong đó.

VII. Kết luận

Tầm quan trọng của các Tổng đại hội không hề bị giảm trừ. Trách nhiệm quan trọng nhất là việc bầu chọn Bề trên tổng quyền, phó bề trên tổng quyền, và các tổng cố vấn. Những thỉnh nguyện được cá nhân thành viên và các tỉnh dòng đề xuất lên, được gợi hứng từ các đại hội tỉnh, rất quan trọng cho đường hướng của toàn thể Tu Hội. Mặc cho chỉ có một phần trăm ít ỏi các thành viên tham dự đại hội dưới tư cách đại biểu, nhưng mỗi thành viên có trách nhiệm cho các dự phóng và chương trình của mình.

Khi đến thời gian tổ chức đại hội tỉnh và đại hội nhà, mỗi thành viên nên, với khả năng tốt nhất của mình, có trách nhiệm cá nhân lẫn cộng đoàn để hướng dẫn cho toàn thể tu hội. Vài câu hỏi sau đây có thể giúp cho việc trù bị này:

_Tôi có nghiêm túc chịu trách nhiệm để giúp hướng dẫn Tu Hội bằng cách tham gia cách tích cực trong các cuộc tranh luận của các đại hội hay không?

_Sự giúp đỡ nào mà tôi có thể cống hiến cho Tu Hội ở mức tối đa với việc giải quyết những mối quan tâm chính yếu?

_Nơi đâu tôi có thể nhận thấy một cách thiêng liêng rằng Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Tu Hội ngay trong thời điểm này?

_Nếu được chọn làm đại biểu ở đại hội tỉnh hoặc tổng đại hội, tôi sẽ làm gì để chuẩn bị cho trách nhiệm này?

Phạm Minh Ngọc và BTT chuyển ngữ.

 

1. Codex Sarzana, John E. Rybolt, trans., ed., Vincentiana 35: 3-4 (1991): 307-406.

2. Collectio Bullarum, Constitutionum ac Decretorum quæ Congregationis Administrationem spectant. Die 2 Feb. Anno Domini 1847 [Paris], 263 pages.

3. The 1668 Constitutions specify ordinances, replies (responsa), rules of office, decrees, catalogues of provinces and houses along with their income, lists of members (including those who left or were dismissed), and a necrology.

4. The superior general and his council could also propose that a general assembly could replace a sexennial assembly; this was the case for 1668, 1692, 1849, 1867, and 1955.

5. These are contained in Collectio completa Decretorum Conventuum Generalium Congregationis Missionis (Paris, 1882).

6. A selection of twenty of the most important articles was made and presented to Clement X, who approved the text (with slight changes) in 1670. They were called the “Constitutiones selectae.”

7. For the history, see LUIGI MEZZADRI – FRANCESA ONNIS, et al., The Vincentians. A General History of the Congregation of the Mission (Hyde Park, NY, 2013), 2: 3-36. The history of other assemblies is found in various volumes of The Vincentians.

8. General Assembly 32, 1955, decree 18 (“Collectio completa Decretorum Conventuum Generalium Congregationis Missionis. Nova series post approbationem Constitutionum,” p. 6).

9. This assembly requested William Slattery’s resignation and specified that thereafter the superior general would have a term of office.

10. See Vincentiana 30: 5-6 (1986) for the documents. With thanks to Robert Maloney his observations and suggestions on this study.

11. See Vincentiana 36: 4-5 (1992).

12. See Vincentiana 42: 4-5 (1998).

13. See Vincentiana 48: 4-5 (2004); on the conferences of visitors, see JOSÉ MARÍA NIETO, “The Visitors’ Conferences,” Vincentiana 46: 3 (2002): 232-239.

14. “Rencontre des visiteurs, Bogotá, 10-25 janvier 1983,” Vincentiana 27 (1983): 89-217.

15. Among the earliest studies is THOMAS MCKENNA, “Reorganization of Provinces,” Vincentiana 46: 3 (2002): 239-246.