Biện Phân Theo Vinh Sơn

0
1371

Hugh O’Donnell, CM.

Tôi bắt đầu quen biết với các chị Nữ Tử Bác Ái vào năm 1970, khi chị Mary Rose McPhee và Cha Arthur Trapp mời bốn hoặc năm thành viên Vinh Sơn, mỗi người chuẩn bị một bài nói chuyện, và sau buổi nói chuyện đó, mọi người bắt đầu làm quen với nhau. Là một thành viên của Vinh Sơn, tôi đã khám phá ra một gia đình kép như Phúc Âm đã nói, gia đình này có hàng trăm anh chị em, và đây là một trong những món quà bất ngờ nhất mà tôi nhận được. Đây là một ân huệ lớn lao đối với tôi. Và tôi cũng đã rất vui mừng khi bắt tay vào cuộc hành trình này một lần nữa.

Chúa Thánh Thần có rất nhiều việc phải làm trong ngày hôm nay, vì vậy hãy bắt đầu với kinh “Veni Sancte Spiritus” (cảm nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần) như đã từng làm trong buổi cầu nguyện Taize.

Chúng ta hãy suy nghĩ về đoạn văn sau đây được trích từ tiểu sử thánh Vinh Sơn của Abelly, năm 1664​​, và được xuất bản gần đây bởi Viện nghiên cứu Vinh Sơn.

Trong vô số những suy nghĩ và khuynh hướng không ngừng nảy sinh trong lòng chúng ta, có rất nhiều điều tưởng như là tốt, nhưng lại không đến từ Thiên Chúa, cũng không đẹp lòng Người. Vậy làm sao phân định được chúng? Chúng ta phải quan sát chúng thật cẩn thận, cầu nguyện với Người và cầu xin ánh sáng của Người soi dẫn. Chúng ta phải xem xét động cơ, mục đích và phương tiện để xem liệu tất cả những điều này có phù hợp với ý muốn của Người hay không. Chúng ta nên trình bày tư tưởng của mình với những người thông thái và đón nhận lời khuyên từ những người mà chúng ta trao đổi. Họ là những người lưu truyền kho tàng khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta làm theo các chỉ dẫn của họ, chính là chúng ta đang làm theo ý muốn của Thiên Chúa[1].

Đây là một bản tóm tắt tuyệt vời về cách phân định của Vinh Sơn. Đầu tiên, thánh Vinh Sơn bắt đầu với việc mở lòng ra với ý muốn của Thiên Chúa. Sau đó, ngài cân nhắc đến những động cơ. Và thứ ba, ngài tín thác bản thân cho một người có cảm thức về vấn đề này. Ngài có một niềm tin tuyệt vời rằng, Thiên Chúa biểu lộ ý muốn của Ngài ngang qua bề trên và những người mà chúng ta có thể tin tưởng. Điểm cuối cùng này có vẻ đặc biệt lôi cuốn thánh Vinh Sơn và Louise.

Chủ đề của chúng ta trong bài viết này là sự phân định. Đó là một trong những chủ đề cần thiết không những ở trong hiện tại mà cả tương lai. Thời thế đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm tôi làm lời khấn. Tôi đã làm lời khấn trong một xã hội và môi trường Công giáo ổn định. Khi đó, mọi thứ đều ủng hộ các chị và tôi, cuộc sống đã luôn là như thế. Thật khó để gặp rắc rối. Bây giờ xã hội đang đi theo một chiều hướng khác. Theo nhiều cách khác nhau, xã hội đã không còn ủng hộ các quyết định và cam kết của chúng ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong ba mươi hay bốn mươi năm qua, thế giới của chúng ta đã trải qua những thay đổi to lớn và dường như sự thay đổi đó đã trở thành cách sống của chúng ta. Chúng ta đã bước ra khỏi một thế giới ổn định và có thể dự đoán được và bước vào một thế giới luôn biến dịch. Chị em có thể thấy ngay bối cảnh để phân định.

Trước đây, mọi thứ đều có thể dự đoán được theo một cách nào đó, và chúng ta có thể làm những gì chúng ta đã làm vào tuần trước trong tuần này. Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ có thể đủ kiên nhẫn ở trong tu viện Trappist. Tôi đã cố gắng trong tuần đầu tiên, nhưng vào thứ Hai tuần sau tôi nói “Bây giờ, tôi phải làm gì?” Họ nói, “Thứ Hai tuần trước cha đã làm gì?” Tôi nói: “Chà, tốt hơn là tôi nên đi.” Tôi không nghĩ là mình có thể thực hiện các công việc thường ngày. Đây là cuộc sống của chúng ta, phải không? Chúng ta có nhiều dự đoán cho chúng, nhưng không phải hiện tại. Kinh tế, chính trị, xã hội và mọi mặt của xã hội đều có những thay đổi to lớn. Hãy để tôi đề cử một sự thay đổi làm thí dụ điển hình. Thế hệ của chúng ta dường như là những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể chấp nhận cuộc sống độc thân trong xã hội.

Trong tất cả các nền văn hóa bộ lạc và xã hội lịch sử, cuộc sống độc thân là điều không mong muốn và cũng là nguyên nhân của sự chế nhạo hoặc thương hại. Khi tôi còn niên thiếu, nếu ai đó còn độc thân, chúng ta có thể đã nghĩ rằng, chắc hẳn họ rất đau lòng. Điều này nói chung là không thể chấp nhận được ngoại trừ việc Giáo hội luôn xem đời sống tu trì là một cách để mọi người sống ơn gọi độc thân. Giờ đây, sau gần hai mươi lăm năm trôi qua, chúng ta đã có một cách nhìn mới và khác về nó. Độc thân là một hiện tượng phổ biến và được xã hội chấp nhận, ít nhất là ở phương Tây. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trong xã hội xảy ra trường hợp như vậy. Đây chỉ là một thí dụ cho thấy rằng, thế giới chúng ta đang sống đã thay đổi hoàn toàn và đang tiếp tục thay đổi kể từ khi Công đồng Vatican II kết thúc.

Nhân tiện, hãy để tôi nói về phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh mới này. Điều này ngụ ý những cơ hội mới cho giá trị của đời sống độc thân. Món quà độc đáo này mà chúng ta đang đảm nhận, một nửa biết nó là gì, nhưng một nửa không biết nó là gì, sẽ mang một ý nghĩa mới. Chúng ta bắt đầu thấy rằng, có một thế giới mới đang nói về ý nghĩa của đời sống độc thân, không chỉ đơn thuần là một hiện tượng tôn giáo, mà chính xác là một hiện tượng thế tục. Một thế giới và bối cảnh mới xuất hiện, trong đó các giá trị thể hiện trong đời sống độc thân đang thật sự mang lại sự sống cho thế giới mà không chỉ riêng trong đời sống tôn giáo. Thế giới mới này không những là một thách đố, mà còn là một cơ hội và phúc lành của Tin Mừng.

Thứ hai, chúng ta hãy nhìn vào sự thay đổi của ý thức nhân loại. Nếu chúng ta tự hỏi nguồn gốc của hoàn cảnh đương đại của chúng ta là gì, chúng ta có thể nói rằng, nó có thể bắt nguồn từ Việt Nam; hoặc đến từ Thế chiến thứ hai; hoặc ít nhất, nó là một hiện tượng của thế kỷ XX; hoặc trở về thời kỳ Khai Sáng, thậm chí là thời kỳ Cải Cách. Và có lẽ, nguồn gốc, có thể còn sâu xa hơn thế. Trong Giáo hội, điều đó chắc chắn đúng. Chẳng hạn, Karl Rahner, khi đọc diễn văn tốt nghiệp tại Weston, Boston năm 1980, đã đưa ra câu hỏi: “Điểm thần học quan trọng của Công đồng Vatican II là gì?” Ông nói, đó là công đồng đầu tiên nói về “một Giáo hội hoàn vũ”. Nó không phải là công đồng đầu tiên của Giáo hội hiện diện trên thế giới, như nó đã từng hiện diện trong thời gian, nhưng nó là công đồng đầu tiên của một Giáo hội, mà mọi người trên khắp thế giới đều nói bằng chính tên của mình. Hệ thống phẩm trật của Giáo hội Trung Hoa phải đến năm 1922 mới được thiết lập; các giám mục tiên khởi Châu Phi phải đến năm 1926 mới được bổ nhiệm. Giáo hội ở từng quốc gia mang chiều kích Giáo hội địa phương và quyền quản trị thuộc đấng bản quyền của mình mà không còn phụ thuộc bất kỳ quốc gia nào.

Đó là một thế giới mới. Nhận thức của con người đang dần thay đổi. Thẩm quyền ngày càng mất dần tính hữu ích trong việc thông truyền các giá trị, trong khi đó, tính xác thực và tính toàn vẹn cá nhân lại có tính hiệu quả hơn. Các giá trị đó quan trọng, trên thực tế rất quan trọng, nhưng cách truyền tải chúng ít tập trung vào “lắng nghe tôi vì tôi có thẩm quyền” và tập trung nhiều hơn vào “lắng nghe tôi vì tôi là nhân chứng xác thực của Tin Mừng.”

Vâng, có một nhận thức mới đang phát triển, không chỉ là về sự biến đổi và tan biến, mà còn là về ân sủng. Thiên Chúa ở giữa tất cả những điều này. Nhân vị giờ đây được đặt ở vị trí trung tâm nhiều hơn. Giá trị và tầm quan trọng của mỗi cá nhân như một biểu hiện độc đáo và cá vị về Thiên Chúa. Chúng ta đang bắt đầu tìm kiếm nhiều bạn mới hơn và vượt qua ranh giới đã từng chia cách chúng ta khi mà sự khẳng định về con người và tự do được chú trọng.

Khi Chúa “phán” cuộc sống của các chị vào trong thế giới, Người phán một lần và mãi mãi, không bao giờ lặp lại. Người nói điều gì đó đặc biệt nơi mỗi chị và trong những người chị phục vụ và những người bước vào cuộc đời của các chị. Người đã nói một lời mà không bao giờ có thể nói lại, bởi vì Người đã nói nó một cách duy nhất nơi các chị và nơi tôi. Chúng ta bắt đầu thấy rằng, mỗi người là độc nhất, có giá trị và tầm quan trọng to lớn. Tôi không nói ở đây về “cá nhân”. Thomas Merton trong cuốn sách kinh điển, “Kitô giáo và toàn trị” trong Disputed Questions, đã làm rõ sự khác biệt giữa cá nhân và ngôi vị. “Cá nhân là những đơn vị vô danh trong xã hội đại chúng. Họ là những đơn vị tiêu dùng hoặc đơn vị sản xuất, không có tự do và trách nhiệm thuộc về cá nhân. Ngược lại, một ngôi vị thì được tạo ra bởi tình yêu và hiệp thông trong tự do, có trách nhiệm với chính mình, cố gắng nhận ra sự giới hạn nơi bản thân và đấu tranh trong việc tự quyết theo lương tâm, những gì là ý muốn của Thiên Chúa.”[2]

Hơn nữa, một kiểu mẫu mới của tương quan đang phát triển. Ngày 11 tháng 10 năm 1962, trong bài giảng khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã phát biểu – khi ngài đặt chương trình nghị sự canh tân cho Công đồng – rằng, “Chúa Quan Phòng đang dẫn chúng ta đến một trật tự mới về mối tương quan của con người.” Quy chiếu của ngài về Chúa Quan Phòng có một tiếng vang đặc biệt nơi người môn đệ của thánh Vinh Sơn.

Chúa Quan Phòng đang dẫn chúng ta đến một trật tự mới trong các mối tương quan của con người. Đức Giáo hoàng đã làm rõ ý nghĩa đó bằng cách thêm vào: một trật tự mới về mối tương quan của con người, trong đó bạo lực phải được loại trừ, chứ không phải được thêm vào. Nó tạo nên sự khác biệt quan trọng, cho dù bạo lực hay các mối đe dọa bạo lực có xuất hiện trong bối cảnh khi chúng ta tương quan với người khác hay không. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng, mối quan hệ của tôi với các chị phải là một mối tương quan Phúc Âm, trong đó việc đe dọa hoặc sử dụng bạo lực không phải là yếu tố cơ bản, mà là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và quan tâm, trên sự lắng nghe và thách thức, trên những điều xảy ra nơi mối tương quan giữa con người với nhau và trên tình yêu. Có lẽ kinh nghiệm của chúng ta có thể làm chứng cho tầm nhìn của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và chúng ta có thể nói rằng, Chúa Quan Phòng đã dẫn chúng ta đến một trật tự mới trong các mối tương quan của con người. Có được niềm vui và sự bình an khi biết rằng, Chúa Quan Phòng là trung tâm của trật tự mới – sự hấp hối và trỗi dậy – mà chúng ta đã từng được cảm nghiệm.

Đây là thế giới mới, trong đó sự phân định đang tiến vào trung tâm của sân khấu . Những điều không thể dự đoán thì không thể lên kế hoạch được. Chúng ta được mời gọi chú ý đến lịch sử mở ra của chúng ta theo một cách thức mới mẻ.

Tôi rất ngưỡng mộ những gì các chị đã làm được với tư cách là tỉnh dòng. Nó thực sự là một lựa chọn mang tính ngôn sứ mà các chị đã thực hiện. Các chị đã chọn trở thành một cộng đoàn phân định trong thời gian tới.

Đó là một chọn lựa mang tính dứt khoát. Đó là một bước tiến, và đó là chọn lựa mà phía gia đình Vinh Sơn của chúng ta chưa đạt được cụ thể vào lúc này. Trong hai thập kỷ qua, tất cả chúng ta đã cùng nhau tham gia vào việc lập kế hoạch và đã đạt được sự kết nối và theo đuổi nhiều mục tiêu, chiến lược và những thứ khác. Nhưng bản thân của tôi hiếm khi được đánh động như đã từng có trước đây, vì mục tiêu của chúng ta là trở thành cộng đoàn phân định trong vài năm tới. Nó là một dự án khả thi, cụ thể và đầy hứa hẹn.

Chúng ta biết rằng người thầy thực sự trong lãnh vực phân định là thánh Inhaxio. Tất cả chúng ta, kể cả thánh Vinh Sơn và Louise, học được từ thánh nhân và môn sinh của ngài về khía cạnh này. Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn và Louise, trong thời đại của các ngài, đã nhập thể vào sự phân định theo một cách thức thực sự độc đáo. Chúng ta đang bắt đầu khám phá làm thế nào để mô tả nó cho chính mình. Chúng ta có lẽ đã luôn cảm thấy nó là quà tặng của các ngài, nhưng bây giờ chúng ta có thể tìm những từ ngữ cho nó.

Vậy thì Phân định, nó là gì? Hai thành phần chính là (1) được hướng dẫn bởi Thần Khí (2) trong tự do. Tự do của chúng ta là tham gia vào sự phân định. Đó là Thần Khí, Đấng dẫn dắt chúng ta đến tự do. Thần Khí kêu gọi chúng ta, mời gọi chúng ta trong tự do để đi theo một hướng và hành động theo một cách nhất định. Đó là sự năng động: hành động của Thánh Linh đụng chạm đến tự do của người con cái Chúa.

Đó là một lựa chọn, không phải giữa thiện và ác, mà là giữa hai hay nhiều điều thiện hảo hơn. Trong một khóa học về phân định tại Chủng viện thánh Thomas, các sinh viên đã được hỏi, “Bạn đã học được gì cho đến nay?” Một sinh viên nói rằng, khi biết sự phân định không phải là lựa chọn giữa thiện và ác, mà là chọn lựa giữa các điều thiện hảo và cậu sinh viên này cảm thấy bản thân mình bị thách thức nhiều so với việc chọn lựa giữa điều thiện và ác. Thật vậy, đó là một thách đố lớn lao đối với chúng ta khi thừa nhận rằng, phân định là lựa chọn giữa các điều thiện hảo.

Một trong những điều đã thay đổi nơi xã hội của chúng ta ngày nay là người trẻ có rất nhiều cơ hội để đưa ra chọn lựa. Khi trưởng thành, tôi cũng chưa có nhiều cơ hội như vậy. Một người có thể lập lại những gì mà bố mẹ họ đã từng làm, có thể bước vào đời tu, hoặc vào cánh cửa đại học. Các chọn lựa bị hạn chế. Sự phân định ngày nay phải đối diện với sự gia tăng các lựa chọn thiện hảo. Đó là tin tốt nhưng cũng hàm chứa sự thách thức và đầy khó khăn.

Thứ hai, sự phân định không những tìm hiểu về điều mà chúng ta cần phải làm, mà nó còn liên quan đến việc lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần bày tỏ cho từng cá nhân, hoặc cho cộng đoàn, hoặc cho tỉnh dòng. Chẳng hạn, nếu các chị đang suy nghĩ về tỉnh dòng, sự phân định có thể được ví như là sự đối nghịch với sản xuất hàng loạt, mà chìa khóa để sản xuất hàng loạt là các bộ phận có thể hoán chuyển cho nhau. Các chị có thể mua cùng một bộ giảm âm như nhau ở California, Florida hoặc Đài Loan. Nhưng đó có chính xác thực sự là những gì gọi là phân định.

Thiên Chúa nói với chúng ta, không những về bản tính con người, mà còn như là những ngôi vị riêng biệt và độc nhất, và là những ngôi vị hiệp thông với nhau trong cộng đoàn địa phương hoặc cộng đoàn lớn hơn của cấp tỉnh dòng hoặc trong sự hiệp thông giữa các cộng đoàn mà chúng ta gọi là Giáo hội. Phân định là một ơn gọi được gửi đến cho tôi, cho các chị, và cho chúng ta trong sự thông hiệp với nhau. Nó hiện hữu, mang tính lịch sử và cá vị. Trọng tâm của nó không phải phân định lương tâm giữa thiện và ác, cũng không phải xác định các tiêu chuẩn thần học điều gì là phổ quát cho mọi người, mà là phân định tính linh hứng của Thần Khí và chiều kích thông hiệp của lịch sử hiện tại.

Từ một quan điểm khác, phân định là câu trả lời cho hai câu hỏi. Đầu tiên: những gì là “có” và những gì là “không” trong đời sống? Tôi biết nhiều về bản thân hơn nếu tôi biết những gì tôi nói “có” và những gì tôi nói “không” với. Chẳng hạn, lời mời gọi căn bản của Kinh thánh, xuất phát từ truyền thống ngôn sứ, là “chọn lựa đời sống”. Chúng ta nói “có” với cuộc sống và “không” với mọi thứ có hại cho cuộc sống. Phân định sau đó là về những gì chúng ta nói “có” với và những gì chúng ta nói “không” với hiện tại và tương lai gần.

Câu hỏi cụ thể thứ hai là: Những thứ chúng ta có – thân thể, thời gian, tiền bạc – chúng thuộc về đâu? Chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Đây là những lựa chọn cụ thể mà chúng ta phải thực hiện.

Phân định có ba khuôn mặt khác nhau. Đầu tiên là thứ chúng ta biết rõ nhất. Đó là khuôn mặt ơn gọi. Khi chúng ta nghe thấy ai đó đang phân định, chúng ta tưởng tượng người đó đang tìm câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời, chẳng hạn như, tôi có được kêu gọi sống cho cộng đoàn không, tôi sẽ kết hôn chứ, tôi sẽ kết hôn với ai, Chúa có đang gọi tôi sống đời độc thân không? Các vấn đề về ơn gọi xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Hoặc chúng ta có thể nghĩ về các quyết định thay đổi hướng đi, chẳng hạn như thay đổi trong nghề nghiệp. Chúng ta bắt đầu phát hiện ra rằng, trong đời sống tu trì, chúng ta có thể không chỉ có một sứ vụ tông đồ mà là hai hoặc ba hoặc thậm chí là nhiều hơn. Nói chung, chúng ta cho rằng sự phân định đề cập đến các bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một con người. Nó bao gồm các quyết định giữa nhiều lựa chọn và chúng ta đã học được nhiều hơn về điều này trong gần ba mươi năm qua.

Điều rõ ràng hơn với tôi hôm nay chính là, không những chúng ta nhận được lời mời gọi đầu tiên, mà, ở đâu đó giữa cuộc đời, chúng ta còn có thể nhận được lời mời gọi thứ hai. Chúng ta cần lắng nghe lời mời gọi này, vì đó là ơn gọi thứ hai của chúng ta. Nó giống như ơn gọi trong một ơn gọi.

Khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi là khi tôi có thể nói “vâng” vô điều kiện theo một hướng duy nhất. Khi “vâng” của tôi là duy nhất và vô điều kiện, tôi có thể sẽ phải chịu đựng rất nhiều. Tuy nhiên, khi trái tim bị phân mảnh, và tiếng “vâng” của tôi có điều kiện thì nguồn cội mọi năng lượng của chúng ta cũng sẽ bị phân tán theo. Điều này đặc biệt đúng đối với chúng ta, những người luôn đặt sự chính trực thiêng liêng là lẽ sống của cuộc đời mình. Bị phân mảnh trong lĩnh vực cam kết là rất đau đớn. Phẩm chất tiếng “vâng” không chỉ quan trọng với cuộc sống của chúng ta mà còn với cả quá trình đưa ra quyết định. Do đó, càng nói “vâng” với ơn gọi, sứ vụ, và cộng đoàn, thì chúng ta càng có nhiều sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Về chủ đề của ơn gọi đầu tiên và ơn gọi thứ hai, Jean Vanier đã nói rằng, ơn gọi đầu tiên là sự quảng đại và ơn gọi thứ hai là tình yêu. Chúng ta được mời gọi thông dự vào sự quảng đại của Thiên Chúa. Đó là một hồng ân tuyệt vời. Chúng ta hãy để cho sự quảng đại đó lấp đầy cuộc sống của chúng ta đến mức không cần phải giải quyết khi những đổ vỡ, bóng tối, hạn chế và tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta xuất hiện. Vì vậy, không có gì là sai với sự quảng đại, ngoại trừ việc tôi bị tiêu hao đi cùng với sự quảng đại.

Thật vậy, một vài câu hỏi khó hơn sẽ xuất hiện trước mắt tôi như một kiểu thanh tẩy. Sau đó, tôi bắt đầu thấy rằng, trong khi Thiên Chúa hiện hữu nơi lòng quảng đại của mình, thì đồng một trật cũng có một chút của bản thân tôi ở trong đó. Đó có thể là một ngày đau khổ, nhưng cũng có thể là một ngày tươi đẹp, bởi vì nếu tôi có đủ kiên nhẫn và can đảm để kiên trì, Thiên Chúa sẽ thanh tẩy tâm hồn tôi. Tình yêu ngày càng trở nên quan trọng hơn. Hành trình tiếp theo là hành trình từ yêu thương bao dung đến yêu thương chính mình. Tình yêu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống của chúng ta. Sự quảng đại là một món quà tuyệt vời nhưng tình yêu còn là một món quà lớn lao hơn. Sự chuyển đổi xảy ra khi Chúa Thánh Thần có một mô hình khác, và điều này cũng hiển nhiên trong hành trình: từ hành động đến sự hiện diện. Mô hình này đặc biệt quan trọng trong cộng đoàn các tông đồ, vì một lúc nào đó năng lượng của chúng ta cũng sẽ cạn kiệt. Thật vậy, nếu chúng ta liên kết với những hoạt động và thành tựu mà chúng ta đang có, thì khi năng lượng của chúng ta cạn kiệt, thì cũng là lúc chúng ta bắt đầu nghĩ rằng, tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa bắt đầu cạn dần.

Điều thực sự đang xảy ra là cách chúng ta yêu mến Thiên Chúa đang được chuyển đổi từ hoạt động sang hiện hữu. Điều tuyệt vời nhất trong tất cả các ân sủng của Chúa Thánh Thần là sự hiện hữu. Cha Richard McCullen, cựu Bề Trên Tổng Quyền của Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, đã nói: “Một vị thánh là người có thời gian.” Đó là sự thật, phải không? Nếu ai đó có thời gian cho chúng ta, nếu tôi có thời gian dành cho các chị hoặc các chị có thời gian dành cho tôi, đó là một món quà tuyệt vời. Một người có thời gian là người có thể hiện hữu bất kỳ lúc nào. Sự chuyển đổi của hiện hữu này đi kèm với sự gia tăng lời cầu nguyện tông đồ. Trái tim của người tông đồ lớn lên trong chúng ta và chúng ta đi đến để đón nhận thế giới của anh chị em mình – niềm vui, nỗi buồn, sự tan vỡ, và niềm hy vọng – trong trái tim đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.

Có một động lực ở đây. Khi chúng ta lắng nghe trong sự phân định, chúng ta lắng nghe trong một quá trình cụ thể từ hành động đến hiện hữu. Điều đó không có nghĩa là hành động không được phản đối, cũng không phải là hành động sẽ không tiếp tục, mà là một chuyển động hướng về trọng tâm cùng với một trái tim biết lắng nghe là cốt lõi.

Phân định thực chất là của trái tim. Đây là việc trình bày những gì đang xảy ra theo cách mà chúng ta có thể nghe thấy. Nó xuất phát từ một trái tim biết lắng nghe. Nếu khía cạnh đầu tiên của phân định liên quan đến con đường chúng ta đang đi, thì khía cạnh thứ hai liên quan đến cuộc sống hàng ngày – sống một cuộc sống phân định hàng ngày. Đôi khi chúng ta gọi đó là “sống trước nhan Thiên Chúa”. Quaker sẽ gọi nó là “Hiện hữu với Đấng hiện hữu”. Chúng ta nên hiện hữu cùng với những người khác. Thậm chí còn sâu sắc hơn, nếu chúng ta tìm cách hiện hữu với Đấng hiện hữu nơi mọi người, nơi các biến cố và sự việc.  Đó chính là trọng tâm và linh hồn của thánh Vinh Sơn và Louise. Điều các ngài nói là “Chúa ở đây!” Hãy hiện hữu với Đấng hiện hữu – hãy sống bằng trái tim biết lắng nghe, biết chú ý đến sự hiện hữu của Chúa mỗi ngày, có cái nhìn sâu sắc mỗi ngày, và đưa ra quyết định mỗi ngày.

Có lẽ, lời hứa về Đấng Mêsia có thể được tìm thấy nơi lời của vị ngôn sứ Jeremiah / Ezekiel, mà hình ảnh này dường như luôn thiêu đốt trái tim và trí tưởng tượng của chúng ta, nói lên quan điểm này: “Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36, 26). Nhờ Thánh Linh của Đấng Mêsia mà chúng ta được ban cho một quả tim mới. Với quả tim này, chúng ta sẽ được thông dự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta. Và cũng với quả tim này, một quả tim đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện hữu cá vị nơi Đấng mà chúng ta đang đắm chìm. Vie Thorgren đã gọi đây là “sống với một trái tim phân định.”

Cuối cùng, khía cạnh thứ ba của sự phân định liên quan đến việc đưa ra lựa chọn trong các lĩnh vực xã hội, trong mối liên hệ của chúng ta với anh chị em mình. Đôi khi chúng ta gặp rắc rối vì vấn đề quá lớn. Vì vậy, có xu hướng là tự nói với bản thân rằng: “Bất cứ điều gì tôi có thể làm được dù đó chỉ là một giọt nước trong đại dương”, và sau đó quyết định tập trung vào nó và đi theo con đường của riêng mình. Một cám dỗ khác có thể nảy sinh là chúng ta để cho dự định đó kéo dài trong vài ba năm. Chúng ta phải sống như thế nào giữa hai lựa chọn này? Quaker, đặc biệt là Thomas Kelly, đã viết một cuốn sách có tên “A Testament of Devotion”, rất hữu ích về vấn đề này. Quaker gọi nó là sự “quan tâm”.

Thiên Chúa quan tâm đến mọi tạo vật, đến tất cả anh chị em của chúng ta, đến tất cả những người đang cần, nhưng Ngài cũng biết rằng, các chị và tôi không thể làm được tất cả những điều này. Vì vậy, trong số những bận tâm của Ngài dành cho chúng ta, Ngài ban cho mỗi chúng ta một “sự quan tâm” – một quan tâm đặc biệt – trẻ em hoặc người vô gia cư chẳng hạn. Có lẽ Chúa có thể ban cho người nào đó, hai hoặc ba “sự quan tâm”. Dù sao, với kế hoạch to lớn này, Thiên Chúa vẫn sẽ nói riêng với mỗi người trong chúng ta, và mời gọi chúng ta trả lời cho các nhu cầu của anh chị em mình, ở đây và bây giờ, nơi này và thời gian này.

Trong sự quan tâm phổ quát mà Thiên Chúa dành cho tất cả tạo vật, thì Ngài bận tâm đến sự quan tâm cụ thể của các chị và tôi, là giá trị và tự do. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không cần phải đương đầu với nó, và khi thông hiệp cách trọn vẹn vào trong sự quan tâm của Ngài dành cho mọi người thì chúng ta sẽ không còn thấy kiệt sức nữa, nhưng được sống trong sự bình an của Thiên Chúa. Đồng thời, đó còn là một lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho chúng ta ở giữa xã hội này, là tham dự vào trong những mối quan tâm mà Ngài dành cho chúng ta. Vì vậy, đó là khía cạnh thứ ba của phân định.

Một trong những phát triển đáng khích lệ và thú vị nhất trong truyền thống Vinh Sơn là việc người ta giờ đây có thể nghe thấy tiếng nói của thánh Vinh Sơn và Louise từ góc nhìn của người giáo dân. Trong năm vừa qua, Vie Thorgren đã có một bài nói chuyện rất hay về thánh Louise tại Hội nghị chuyên đề “Di sản bác ái”, vừa được công bố trên tạp chí Vincentian Heritage gần đây.[3] Trong năm đó, bà đã dành ra thời gian để chuẩn bị cho bài nói chuyện về những điều đã xảy ra trong cuộc đời của thánh Louise. Có thể các chị đã biết chúng từ lâu, nhưng tôi thì đang nghiên cứu về chúng. Chúng tôi sử dụng chúng trong các khóa học mà chúng tôi dạy về phân định.

Điểm đầu tiên, liên quan đến thánh Louise và cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu tại Nazareth. Khóa học bắt đầu với cuộc sống ẩn dật của Đức Giê-su tại Nazareth, nơi rất gần với trái tim của thánh Louise và là trung tâm đời sống thiêng liêng của ngài. Chúng tôi đã hiểu được rằng, sự phân định phải bắt đầu từ những biểu hiện hàng ngày mang chiều kích vô hình và được ẩn dấu ở Nazareth. Phân định không phải là việc thương thỏa điều tốt với Thiên Chúa, nhưng là việc lắng nghe những gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta thực thi. Và một trong những nơi tốt nhất để lắng nghe không phải là đấu trường công cộng mà là một nơi bí mật mang tên Nazareth, cho dù đó là Nazareth về mặt địa lý, nơi mà Đức Giêsu đã dành phần lớn cuộc đời mình ở đó hay Nazareth mà mỗi chúng ta mang trong tim mình. Thánh Louise rất ấn tượng về Nazareth và trong một số bức thư, chúng ta có thể thấy rằng, ngài đã trình bày điều đó cho thánh Vinh Sơn về cảm nghiệm này.

Charles de Foucauld, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần đương đại của Giáo hội, cũng đặt Nazareth ở vị trí trung tâm linh đạo của ngài. Chính chân phước đã dành vài năm ở Nazareth, sinh hoạt trong cộng đoàn của các sơ và dành phần lớn thời gian còn lại của mình trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể. Linh đạo của các chị em tiểu muội Chúa Giêsu và các anh em tiểu đệ Chúa Giêsu là sống mầu nhiệm Nazareth trong các chiều kích: thinh lặng nội tâm, sự hiện diện khiêm nhường và ẩn dật trong Thiên Chúa. Đó là linh đạo của mầu nhiệm Nazareth, là trái tim hiện hữu của họ nơi người nghèo nhất, nơi cộng sự và đồng loại, và nơi anh chị em của Chúa Giêsu. Có một bức thư tuyệt vời về chủ đề này mà thánh Louise đã viết cho chị Anne Hardemont.

Tôi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì chị đã nói với tôi về phận vị mà chị đang đảm nhận. Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ nỗi đau mà chị đang trải qua vì chị cảm thấy rằng chị chẳng làm được gì cả. Chị thân mến, tôi xin được gửi lời an ủi thân tình của tôi đến với chị, bởi vì tôi nghĩ rằng chị đang bắt chước tình trạng mà Con Thiên Chúa đã tìm thấy chính mình sau khi rời khỏi đền thờ, nơi Ngài đang làm việc cho vinh quang của Thiên Chúa, Ngài đã trở về cùng với Đức Trinh Nữ và thánh Giuse và vâng lời các ngài. Ngài đã hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa với các nhiệm vụ khiêm tốn tại cửa hàng thợ mộc trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, vì sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại mà Ngài đã làm việc ở giữa thế gian. Chúng ta không biết, thưa chị, tại sao Chúa Quan phòng lại đặt để chị sang một bên, để chị ẩn mình trong Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, bằng cách làm việc một cách khiêm tốn và phục vụ người nghèo trong thinh lặng, chị chắc chắn sẽ hoàn thành các kế hoạch của Chúa Quan Phòng. Nếu chị suy nghĩ về điều này, chị thân mến của tôi, như tôi chắc chắn rằng chị sẽ làm, chị sẽ tìm thấy được sự bình an sâu sắc và chị sẽ đợi chờ trong thái độ yêu thương và tự tin cho đến khi Chúa muốn một điều gì khác nơi chị. Theo cách này, chị đang thực hành một sự dửng dưng thánh thiện.[4]

Thánh Louise nhận ra rằng, chị Anne đang cảm thấy mình như không làm được gì cả, vì vậy thánh nhân mời gọi chị hãy làm việc trong tinh thần an nhiên và để tâm đến điều mà Chúa có thể mời gọi chị làm tiếp theo. Có một sức mạnh tuyệt vời ở đây! Nazareth bên trong trái tim của mỗi người là nơi phù hợp nhất để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Cách thứ hai mà thánh Louise đã tiết lộ cho chúng ta thấy trái tim của sự phân định là ngang qua lòng yêu mến đối với cơn khát của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm này cho thấy rằng ước muốn và lòng khao khát đó khiến cho sự phân định trở nên năng động. Cơn khát của Chúa Giêsu không phải là cơn khát thể lý mà là cơn khát hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Linh và còn là cơn khát chia sẻ hoa trái của thập giá cho tất cả anh chị em mình.

Trong cuộc sống của chúng ta, hai trong số những điều mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể đi vào là, thông dự thần linh vào mầu nhiệm Nazareth và thông hiệp trong mầu nhiệm cơn khát của Chúa Giêsu, ngõ hầu chia sẻ tài nguyên của nước trời cho nhân loạị.

Monika Hellwig đã viết về Bí tích Thánh ThểNhững Cơn Đói của Thế giới vào năm 1976 để chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể được tổ chức hai trăm năm một lần của chúng ta. Trong đó, tác giả nói rằng, sự đói và khát là điều không thể chấp nhận được ở Mỹ. Nếu bạn đói hoặc khát, hãy uống Coca Cola, ăn Pizza, Socola. Nhưng trong đời sống tinh thần, đói và khát chính là trung tâm cuộc sống của chúng ta – đó là năng lượng và sức mạnh của chúng ta. Khi cho phép bản thân đói và khát trong phẩm trật tâm linh, chúng ta hãy để cho chính mình được sống trong niềm khao khát nước trời và thông hiệp với Mầu Nhiệm Tuyệt Đối, do bởi điều đó mà trái tim của chúng ta được tạo dựng nên. Chẳng hạn, đói và khát thể lý trong việc ăn chay có thể góp phần vào việc chúng ta sống niềm khao khát đó của con tim.

Nếu chúng ta đang nhìn vào chính mình như những nhà phân định, chúng ta cần phải lưu lại Nazareth, khao khát được tiến vào nước trời và đạt đến được sự thiện hảo nơi anh chị em của chúng ta. Một câu chuyện ngắn gọn. Khi tôi dạy học ở Notre Dame vào những năm bảy mươi, có một linh mục trẻ trong lớp của tôi – một nhà nghiên cứu. Một buổi sáng nọ, đang khi đọc những trang cuối cùng của cuốn sách với nhan đề Cầu nguyện chiêm niệm của Thomas Merton, thì tôi phát hiện có điều gì đó ở đây. Vị linh mục trẻ ấy đã được lên lịch để hoàn thành chương trình của ngày hôm đó. Trước giờ học, cậu ấy đã đến hỏi tôi về việc đã từng đọc cuốn sách I Heard the Owl Call My Name này chưa. Tôi trả lời là chưa. Sau giờ học, cậu ấy bước đến gần và đưa cho tôi cuốn sách đó và nói: “Cảm ơn vì lớp học” và rời đi. Khi về lại phòng, tôi mở cuốn sách ra và thấy có dòng chữ được ghi trên đó. Cậu ấy viết, “Sáng nay tôi đã biết được rằng khi nghe Merton nói, chiêm niệm là nhà của người hành hương.” Tôi đã luôn ghi nhớ những lời này. Nhà không nhất thiết phải là một nơi. Nhà của người hành hương ở trong lòng chúng ta. Đó là Nazareth, một nơi chốn an lành. Hãy suy ngẫm về điều đó, khi Nazareth là nơi chúng ta ở, chúng ta có thể đi bất cứ nơi nào. Có một sự chuyển dịch ý nghĩa về nơi chốn tâm linh đang được phát triển trong thời đại của chúng ta. Một ai đó ở AI-Anon đã chia sẻ với tôi về điều đó khi có được cái nhìn tuyệt vời này. “Chương trình Mười hai bước là tu viện của thế giới.” Một sự chuyển dịch khởi đi từ nơi chốn sang con đường hiện hữu trong thế giới.

Đó cũng là những gì mà thánh Louise muốn nói với chúng ta. Nếu cách sống của chúng ta thuộc về Nazareth và Nước Trời, thì việc phân định sẽ trở nên dễ dàng và có trọng điểm. Ngược lại, khi không còn thuộc về, thì việc phân định sẽ trở nên khó khăn. Nazareth là nơi thích hợp để chúng ta có thể nhìn vào. Một người chỉ có được tầm nhìn tốt nhất khi đứng trên đỉnh núi chứ không phải thung lũng.

Hai phần tiếp theo đây là nói về thánh Vinh Sơn, một phần được trích từ văn bản của Abelly và phần còn lại được lấy từ Dodin. Con đường của thánh Vinh Sơn theo Abelly là một tiến trình; còn theo Dodin là thêm nội dung cho tiến trình.

Trong đoạn văn của Abelly mà chúng ta đã trích dẫn khi bắt đầu buổi nói chuyện sáng nay, nền tảng phân định của Vinh Sơn chính là sự dửng dưng, hoặc nói theo một cách khác, là sẵn sàng làm theo bất cứ điều gì mà Thiên Chúa muốn.

Có lần thánh Vinh Sơn từng viết cho thánh Louise: “Tôi cũng ghét sự không chắc chắn nhiều như chị, nhưng đối với chúng ta, điều thực sự quan trọng là quản lý cuộc đời mình bằng sự dửng dưng chứ không bởi sự căm ghét điều không chắc chắn, nhờ đó chúng ta có thể mở lòng ra với ý muốn của Thiên Chúa. Hãy cố gắng làm cho mình lớn lên trong sự dửng dưng.”

Trong phần lên kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc nói chuyện, ban đào tạo và tôi đã nói về “sự dửng dưng” như một từ ngữ nghèo nàn trong tiếng Anh. Nó mang ý nghĩa tiêu cực và hàm ý của sự bất cần, đầu hàng, bị chà đạp, thụ động và phi nhân cách hóa. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm một từ khác để diễn tả về điều mà thánh Vinh Sơn muốn nói đến “sự dửng dưng”. Người Pháp có một từ tuyệt vời để mô tả về nó là disponibilite, nhưng chúng ta không thể tìm thấy được một từ tiếng Anh nào tương ứng với nó. Có một cách diễn tả khác để nói về nó “à votre service”, nghĩa là, “tôi là người phục vụ của bạn.” Cách nói này cũng chưa diễn tả hết được ý nghĩa và chúng có nghĩa là “tôi là tôi tớ của bạn”, “tôi là môn đệ của bạn”, “tôi là con gái hoặc con trai của bạn.”  Đó là nội dung tích cực của “sự dửng dưng.” Tích cực, nó có nghĩa là “sẵn sàng” – để sẵn sàng, nhưng không chỉ là sẵn sàng. Có một tính từ đi kèm với nó – “sẵn sàng không giới hạn” – để luôn sẵn sàng thực thi những điều Chúa mời gọi. Khi Bernard Lonergan nói về tình yêu của Thiên Chúa, ông đã sử dụng cụm từ “tự nguyện vô điều kiện” để diễn đạt. Nó phải được mở rộng đến vô biên đối với sự hiện diện tròn đầy của Thiên Chúa, chứ không chỉ là một phần của nó. Chúng ta có thể thấy rằng, một thái độ như vậy là trung tâm cuộc sống của chúng ta. “Sẵn sàng không giới hạn”, không còn thuần túy đề cập đến kỹ thuật hay quy trình, nhưng chúng ta đang nói về chiều sâu nhất của nó. “Sẵn sàng không giới hạn” không những là đá tảng góc tường của sự phân định, mà nó còn là trái tim của con người chúng ta. Ơn gọi của chúng ta, con đường của chúng ta, là trở thành những người sẵn sàng không giới hạn. Chúng ta là những đầy tớ và là người môn đệ. Chúng ta luôn sẵn sàng. “Xin hãy làm cho tôi như những gì sứ thần nói.”

Có một câu chuyện mà chị Germaine Price đã kể cho tôi nghe vài năm trước chợt hiện ra trong đầu. Ở Burundi, có một cô bé muốn về nhà với các chị của mình, nhưng họ nói với cô bé rằng, cháu không thể về được. Tuy nhiên, cô bé nói, “Con sẵn sàng ngay đây”. Cô bé chạy đến nơi có chiếc váy nhỏ rồi mặc nó, quay trở lại và nói, “Con đã sẵn sàng, con đã sẵn sàng!”

Có một quan điểm muốn chúng ta tin rằng, sự sẵn sàng không giới hạn đang làm giảm giá trị của con người. Dĩ nhiên, đó là sự thật, rằng điều đó sẽ chống lại nhân vị tính của chúng ta nếu Thiên Chúa độc đoán. Nhưng sự sẵn sàng không giới hạn của chúng ta không hướng tới một Thiên Chúa độc đoán. Thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã trao cho chúng ta món quà của sự hiểu biết, và chúng ta luôn sẵn sàng không giới hạn trong tương quan với Thiên Chúa Thiện Hảo. Thật đáng kinh ngạc, hai mươi năm sau cái chết của thánh Vinh Sơn, một vài người bạn và người quen của thánh nhân, cụ thể là vua Louis XIV và những người khác, đã xây dựng cung điện Versailles, như một sự đóng góp cho kỷ nguyên của thời đại Khai Sáng, mà trong thời đại đó, vị trí của Thiên Chúa không còn tồn tại. Kỷ nguyên Khai Sáng là thời đại toàn năng của con người. Thế nhưng, bất chấp sự tự tin vô hạn và nỗ lực hết mức của nhân loại, đau khổ vẫn còn tồn tại. Ai là người đáng trách? Đây không phải là thế giới của thánh Vinh Sơn cũng không phải Thiên Chúa của ngài. Thiên Chúa của thánh Vinh Sơn và Louise là Thiên Chúa Thiện Hảo.

Khi thánh Louise thực thi sứ vụ đầu đời của mình, thánh Vinh Sơn đã viết cho thánh nữ: “Thưa bà, bà hãy ra đi nhân danh Thiên Chúa chúng ta. Nguyện chúc cho sự thiện hảo thần linh luôn đồng hành cùng bà, là niềm an ủi trên cuộc hành trình, là bóng mát chống lại sức nóng và ánh nắng mặt trời, là nơi trú ẩn khi mưa gió và tiết lạnh, là chiếc giường mềm mại trong lúc mệt mỏi, là sức mạnh những khi vất vả, và là Đấng có thể mang lại sự khỏe mạnh và lấp đầy sự thiện hảo nơi bà.”[5]

Chủ đề của đoạn này là “Thiên Chúa Thiện Hảo”. Chúng ta luôn sẵn sàng không giới hạn khi đối diện với Thiên Chúa – Đấng là Thiên Chúa Thiện Hảo của chúng ta. Đó là Sao Bắc Đẩu của thánh Vinh Sơn và Louise, và của chúng ta nữa – Thiên Chúa Thiện Hảo. Chúng ta phải tin rằng, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người nhiều hơn khi nhân loại chúng ta yêu. Nếu điều đó là sự thật, thì việc sẵn sàng không giới hạn trở thành dụng cụ tùy ý và cầu nối tình yêu của Ngài, không phải là một sự hy sinh gì to lớn.

Cách cụ thể, chúng ta cần tin rằng Thiên Chúa có thể dẫn đưa chúng ta và người khác đến sự sống tốt hơn khi chúng ta làm. Chẳng hạn, tham vấn và đối thoại là tốt và cần thiết. Đối thoại chắc chắn là bản chất của tương lai. Nhưng có hai điều mà chúng ta không thể hiểu rõ về tham vấn và đối thoại: (1) ai sẽ ở đó khi chúng ta đến, vì chúng ta không biết Thiên Chúa sẽ liệu định cho ai xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta; và (2) biến cố nào sẽ xuất hiện khi chúng ta ở đó. Ngay cả khi chúng ta tham gia vào tiến trình phân định, những điều quan trọng nhất vẫn còn bị ẩn giấu trước mắt chúng ta – con người và biến cố. Thật vậy, chúng ta đi đến xác tín rằng, Thiên Chúa có thể dẫn đưa chúng ta và người khác đến sự sống tốt hơn khi chúng ta làm. Tôi nói điều này với niềm tin chắc chắn rằng, tiến trình tham vấn và đối thoại là điều hữu ích và cần thiết. Thế nhưng con người và biến cố luôn là một ẩn số của tương lai. Kinh nghiệm cho thấy rằng, đôi khi những vị khách không mong đợi nhất bước vào cuộc đời của chúng ta lại trở thành những phúc lành của chúng ta.

Sau “dửng dưng” hoặc “sẵn sàng vô hạn”, bước thứ hai là bước mà chúng ta thấy có ý nghĩa khi chúng ta nói về sự phân định. Đó là việc cân nhắc các dấu chỉ, ưu và nhược điểm, với một trái tim biết lắng nghe. Abelly, trong đoạn văn chúng ta đọc lúc đầu, có đúc kết các yếu tố này. Chúng ta cần suy ngẫm về động lực, mục đích và phương thế, và suy nghĩ về kết quả và hệ quả; những cân nhắc này liên quan đến các câu hỏi về thông tin, tầm nhìn, sự kiện và tính hữu ích; và sau cùng là thanh lọc các dấu chỉ nội tại và ngoại tại.

Bước thứ ba là tìm kiếm lời khuyên từ những người khôn ngoan. Đây cũng là nét đặc trưng của thánh Vinh Sơn. Trong hoàn cảnh tin cậy, hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa ngang qua họ. Những gì tôi đang nói có một chút khác so với bản văn mà các chị đang cầm. Trong bản văn của Abelly có đề cập đến “tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan” – ở số nhiều. Mọi thứ vẫn ổn khi tôi chỉ tham khảo một hoặc hai người, nhưng khi tham khảo ý kiến của bảy hoặc tám người thì tôi lại bị lạc lối. Thật hiếm khi họ cùng đồng thuận một ý. Sau đó, tôi phải đưa ra lựa chọn của mình! Tôi thực sự như đang trên biển và không thể quay lại nơi mà tôi có thể hỏi ý kiến bất cứ ai. Một người phụ nữ khôn ngoan hay người đàn ông khôn ngoan mà tôi tin tưởng vẫn là một trong những kho tàng quý giá nhất của tôi.

Đối với thánh Vinh Sơn, đó là Cha Andre Duval. Khi thánh Vinh Sơn thành lập Tu hội, ngài đã đến gặp cha Duval và trình bày các vấn đề nan giải của mình. Nó đã được diễn ra như sau: “Năm 1617, Bà Gondi đã trao cho tôi 45.000 livres và nhờ tôi tìm một Tu hội để làm đại phúc trong các lãnh địa của bà để cứu rỗi linh hồn của những người sinh sống ở đó. Tôi đã cố gắng trong bảy hoặc tám năm mà không thành công. Sức khỏe của bà Gondi đã yếu dần và mong muốn dự định này được thực hiện trước khi bà ấy qua đời, nhưng không có ai chịu đảm nhận. Tôi phải nói với cha một điều nữa rằng, trong khi chờ đợi, cha Portail, tôi và một vài người khác đã làm điều đó và tôi phải nói với cha một điều nữa rằng, Thiên Chúa đã chúc lành cho công việc của chúng tôi rất nhiều.”

Sau khi thánh Vinh Sơn đã trình bày tình trạng khó khăn của mình với cha Duval, thì ngài nói với cha Vinh Sơn: “Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng, những ai nghe lời Chúa mà không để tâm thì sẽ nhận phải nhiều hình phạt.” Vinh Sơn đứng dậy khỏi cuộc trò chuyện, ngừng tìm kiếm một tu hội khác để thực hiện công việc đó và thành lập Tu Hội Truyền Giáo.

Đối với tiến trình sẵn sàng vô hạn, Andre Dodin bổ sung thêm vào nội dung phân định Vinh Sơn, sự thận trọng và cố vấn khôn ngoan. Đây là sự xem xét cuối cùng trong phân định Vinh Sơn.

Vào khoảng thời gian nghỉ phép năm 1987-1988, đang khi tìm hiểu linh đạo Vinh Sơn thì đã bị sốc khi đọc bản văn của Dodin, rằng những người tìm kiếm linh đạo Vinh Sơn là ngạo mạn! Dodin nói rằng, Vinh Sơn không phải là một linh đạo mà là một con đường thiêng liêng. Nó gồm ba điểm: kinh nghiệm, đức tin, và hành động; mà đá tảng góc tường của thánh Vinh Sơn là kinh nghiệm. Mẹ Suzanne Guillemin đã nói về điều đó có lẽ còn mạnh hơn cả thánh Vinh Sơn khi mẹ nói: “Thiên Chúa là các biến cố!” Chị Beatrice Brown đã giúp tôi biết về điều đó vào tuần trước, khi chị nói: “Chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời tôi?” Có lẽ, “các biến cố” có nghĩa là “hoàn cảnh”. “Hoàn cảnh, đó là Chúa!” Điều đó thực sự hữu ích. Hoàn cảnh! Các biến cố, hoàn cảnh trong cuộc đời tôi – đó là Chúa. Như vậy, căn tính nào là của thánh Vinh Sơn và Louise. Thiên Chúa ở đây! Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ luôn hiện hữu trong lịch sử và trong các mối tương quan. Đó là lý do tại sao người nghèo là chủ của chúng ta, Thiên Chúa ở đây. Đối với thánh Vinh Sơn, huyền nhiệm phân định là sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi người nghèo; còn kinh nghiệm và hành động thì có tính ưu việt. Những hành động phát xuất từ tình yêu hình thành nên khung suy tư của thánh Vinh Sơn. Điều này cũng áp dụng đối với chúng ta. Chúng ta đang tiến vào tương lai và rồi suy nghĩ về nó. Chắc chắn rằng, kinh nghiệm là đá tảng góc tường của thánh Vinh Sơn. Ngài đưa kinh nghiệm vào đối thoại với Phúc âm, với thái độ và hành động của Chúa Giêsu và với mầu nhiệm của người nghèo. Bước hai trong phân định sau đó là cuộc đối thoại giữa biến cố kinh nghiệm và Phúc âm.

Bước thứ ba và sau cùng đối với thánh Vinh Sơn là sự khôn ngoan, nghĩa là hành động trong sự khôn ngoan. Việc chúng ta sử dụng từ “khôn ngoan” thường bao hàm sự thận trọng hơn là sự khôn ngoan thực hành. Vì vậy, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta gọi bước này là sự khôn ngoan thực hành, hoặc, để kiến tạo sự khôn ngoan thần linh mang tính thực hành và có ý nghĩa rõ ràng. Đối với thánh Vinh Sơn, một hành động thực tế là một hành động phát xuất từ sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Thứ hai, một hành động là tốt khi nó bao trùm cả hai thái cực (tình yêu cảm tính và tình yêu thiết thực). Điều này đến với tôi như một bất ngờ lớn. Đối với thánh Vinh Sơn, hai thái cực đó mang lại sức mạnh. Ý hướng của tôi là để cho hai thái cực đó mở ra và tìm thấy con đường trung gian – chính là ở việc nắm bắt chúng lại với nhau và tạo ra năng lượng. Các chị có thể cảm nhận được năng lượng và sức mạnh đến từ nó. Yêu Chúa và yêu người lân cận. Hãy để cho tình yêu của các chị trở thành thiết thực và cảm tính. Thật không đủ để yêu Chúa nếu người anh em của tôi vẫn chưa yêu Chúa. Điều đó không đủ để nói rằng tình yêu của tôi là cảm tính và thiết thực. Hãy nắm lấy cả hai trong tương quan thiết lập trường động lực của năng lượng, qua đó, Chúa Thánh Thần thỏa sức sáng tạo đến vô tận. Thánh Vinh Sơn không phải là người đi con đường nửa vời. Đây không phải là nước đôi: nó hoàn toàn ngược lại. Năng lượng được tạo ra bằng cách nắm lấy cả hai thái cực. Chúng ta có thể tự hỏi mình là người giàu hay người nghèo? Liệu có con đường nào mà thánh Vinh Sơn dành cho người giàu và người nghèo không? Đó chính là con đường kết nối mà thánh Vinh Sơn theo đuổi. Và chúng ta theo đuổi sự chuyển đổi kết nối của người giàu với người nghèo.

Tiếp tục trong dòng suy tư này, có một từ mà chúng ta có thể sử dụng để mô tả ý nghĩa của Công giáo là gì? Tôi muốn đề nghị nó là từ “và”! Từ Công giáo vĩ đại là “và”. Công giáo có nghĩa bao gồm hơn là loại trừ một ai đó hoặc một cái gì đó. Con đường tuyệt vời của Công giáo là sự liên đới và hiệp thông, cá nhân và cộng đoàn, cộng đoàn và sứ vụ. Và là từ mang lại sức sống tuyệt vời cho thánh Vinh Sơn khi ngài nắm bắt lấy hai thái cực đó. Hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu.

Phương châm thứ ba và sau cùng của sự khôn ngoan thực hành của thánh Vinh Sơn là chúng ta phải luôn vững vàng về mục tiêu nhưng nhẹ nhàng và linh hoạt về phương tiện. Chúng ta cần biết chúng ta sẽ đi con đường nào, nhưng chúng ta không đi con đường đó tựa như chiếc xe tăng. Chúng ta chỉ cần đến đó như chúng ta có thể đến đó. Tất cả những điều này được ôm ấp bởi Thánh Linh và mầu nhiệm bác ái.

(Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM và thầy Toma Thiện – Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ từ O’Donnell, Hugh C.M. (1994) “Vincentian Discernment,” Vincentian Heritage Journal: Vol. 15: Iss. 1, Article 2.)

[1] Louis Abelly, The Life of the Venerable Servant of God Vincent de Paul Founder and First Superior

General of the Congregation of the Mission (Divided into Three Books), trans. William Quinn, F.S.C., ed.

John E. Rybolt, C.M., notes by Edward Udovic, C.M., and John E. Rybolt, C.M., intro. Stafford Poole,

C.M. (New Rochelle, NY: 1993), 3:46; Saint Vincent de Paul: Correspondance, entretiens, documents, ed.

Pierre Coste, CM., 14 vols. (Paris: 1920-1926), 12:436, n. 4.

[2] Disputed Questions, (New York: 1960), 136

[3] Vie Thorgren, “God is my God’: The Generative Integrity of Louise de Marillac,” Vincentian

Heritage 12, no. 2 (1991):201-18.

[4]  Louise de Marillac to Anne Hardemont, 20 December 1659, in Spiritual Writings of Louise de

Marillac: Correspondence and Thoughts, ed. and trans. Louise Sullivan, D.C. (Brooklyn: New City Press,

1991), 660.

[5] Vincent de Paul to Louise de Marillac, 6 May 1629, in Saint Vincent de Paul: Correspondence,

Conferences, Documents. I Correspondence, vol. 1 (1607-1639), newly translated, edited, and annotated

from the 1920 edition of Pierre Coste, C.M., ed. Jacqueline Kilar, D.C., trans. Helen Marie Law, D.C.,

John Marie Poole, D.C., James R. King, C.M., Francis Germovnik, C.M., annotated John W. Carven,

C.M., (Brooklyn: 1985), 64-65.