Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật Xxvi Tn- Năm C

Đăng ngày: 28/09/2019

Liên Đới Với Người Nghèo Trong Tình Bác Ái

(Bài đọc I: Am 6, 1a.4-7; Bài đọc II: 1 Tm 6, 11-16, Phúc Âm: Lc 16, 19-31)

Ai đã từng đến Manila chắc sẽ biết đến núi rác khổng lồ (smoky mountain) của thành phố ở Payatas. Đó là một thế giới không ai muốn đến. Thế nhưng, trên bãi rác hơn 50 năm tuổi này đang có hàng ngàn con người đang chờ trực ở đây để kiếm sống. Họ ở ngay trên bãi rác hoặc từ các khu ổ chuột (slums) đến đây để nhặt rác, phần lớn là phụ nữ và trẻ em nghèo. Mỗi sáng sớm hàng ngàn con mắt còn thèm ngủ chờ những đoàn xe rác khổng lồ đến để kiếm thức ăn và ve chai trong đó. Khi xe rác đến họ chen nhau nhặt những miếng thịt, xúc xích, pizza, những ổ bánh ăn dở…. của người dân thành phố trong đêm để biến thành bữa ăn cho cả ngày sống của họ. Phải chăng những người nghèo này đang là những Ladarô trong thời đại chúng ta?

Nhìn vào những người nghèo ở thế giới đen tối này ai cũng phải chạnh lòng. Các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta nghe trong Chúa Nhật hôm nay cũng nói về những con người có hoàn cảnh như thế. Bài đọc I không nói trực tiếp về người nghèo nhưng lại nói về cảnh sung sướng của những người giàu có. Tuy nhiên, ngôn sứ muốn nói về sự bất công mà những người nghèo trong xã hội ấy đang phải chịu. và Chúa sẽ ra tay để cứu giúp người nghèo khổ. Một trong số những người nghèo khổ ấy là Ladarô trong bài Tin Mừng hôm này. Hình ảnh của Lazarô đã gợi cho tôi một vài suy nghĩ:

Một là: cố gắng làm cho mình liên quan, ‘dính líu’ (involve) với người nghèo cách này hay cách khác. Chắc hẳn người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã cho rằng mình không có trách nhiệm gì với anh chàng Ladarô nghèo khổ này. Nên ông đã không hề quan tâm đến anh, bỏ mặc anh trong sự khinh miệt (contempt) và dửng dưng (indifferent). Trong cuộc sống bây giờ, nhiều khi tôi cũng như bạn dễ quên đi những người nghèo xung quanh chúng ta. Thế rồi, những bữa tiệc, những sự kiện đầy dư những thức ăn và rồi chúng được bỏ vào thùng rác một cách thoải mái.  Không ăn hết thì “vứt” đi.  Những người nghèo trong bãi rác ở đầu bài cũng bị “vô tình’ quên lãng bởi những người có cuộc sống tốt hơn họ. Tuy nhiên, nếu trong xã hội mà biết quan tâm đến người nghèo, coi như người nghèo lúc nào cũng đang ở trước cửa nhà của chúng ta thì chắc hẳn mỗi người sẽ rất tiết kiệm và không hoang phí thức ăn quá đáng. Làm cho mình như ‘dính líu’ với người nghèo sẽ giúp tôi ý thức hơn trong việc sử dụng của cải vật chất và thức ăn.

Hai là: cố gắng giúp đỡ người nghèo khổ bao nhiêu có thể. Đây là cách để tôi chia sẻ và sống tình liên đới với người nghèo trong tình bác ái. Phú ông trong bài Tin Mừng có dư thừa của cải và thức ăn nhưng ông đã không muốn và không dám cho đi, chia sẻ một chút của mình với Ladarô. Ông đã bỏ mất cơ hội để đạt được cơ hội “ngồi vào lòng Abraham”. Còn Ladarô tuy nghèo khổ túng thiếu nhưng ông biết trông cậy vào Thiên Chúa, nên ông được Chúa làm sản nghiệp sau khi chết. Điều mà thánh Phaolô trong Bài Đọc II đã khuyên Timôthê cũng như các Kitô hữu cố gắng đạt được gia sản vĩnh cửu.

Ba là: có giữ mối tương giao tốt với Chúa thì mới biết giữ mối tương giao với anh chị em sống xung quanh mình. Phú ông đã nghĩ có tất cả đời này và ông sống trong sự ích kỷ. Nhưng đồng thời ông cũng quên lãng Thiên Chúa. Để rồi khi chết ông xin Chúa sai người đến cảnh báo anh em ông còn sống, để khỏi rơi vào hoàn cảnh như ông. Thông thường, một khi mối tương quan với Đấng Hằng Sống bị gãy đổ thì dễ dàng dẫn đến mối tương quan với tha nhân cũng bị đổ gãy đỗ theo. Không cảm nhận được lòng thương xót của Chúa thì cũng sẽ không cảm nhận được sự đau khổ của tha nhân. Điều này là một thực tế.

Xin Chúa cho con luôn sống trong tình thân với Chúa để có một trái tim thương cảm với tha nhân. Xin cho con luôn biết tận dụng mọi cơ hội để yêu thương và cứu giúp người nghèo để thế giới này bớt đi những thân phận lầm lũi nghèo khổ nơi những bãi rác, những hè phố và khu ổ chuột ở mọi nơi trên trái đất này. Xin cho con luôn biết cảm thương với những Ladarô của thời hiện đại để biết sống liên đới với họ trong tình bác ái.

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M