Tha thứ để được thứ tha – Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A

0
1913

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Hc 27,33 – 28,9

Trích sách Huấn Ca: những người tìm kiếm lòng thương xót của Chúa phải thương xót người khác.

Ðáp Ca: Tv 102,1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Thánh vịnh 102: ca tụng Đức Chúa, vì người nhân hậu và từ bi.

Bài đọc II: Rm 14,7-9

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: chúng ta thuộc về Chúa dù sống hay chết.

Tin Mừng: Mt 18,21-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Chúa Giêsu dạy rằng, chúng ta phải tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

2. Chia sẻ

Người Việt Nam có câu ngạn ngữ có qua có lại mới toại lòng nhau. Nghĩa là dù người ta làm cái gì thì cũng đòi một sự tương quan qua lại giữa hai bên. Anh mời tôi đám cưới con anh, thì tôi cũng sẽ mời đám cưới con tôi; anh biếu tôi con gà, tôi cho lại anh mấy quả mướp; anh giúp tôi cái này, tôi trả lại anh cách khác. Điều này như muốn nhắc nhở rằng, không ai muốn ai phải chịu thiệt thòi hoàn toàn về một điều gì đó, không được công bằng thì ít ra cũng gần phải ở mức tương đương. Có cho, có nhận thì xem ra mới có mối tương quan bền lâu và chân thành được. Sự đời thì thường như thế.

Vậy còn sự đạo thì sao? Tất cả các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói về một mối tương quan qua lại giữa người với người, giữa những anh chị em với nhau trong một cộng đoàn, đó là sự tha thứ cho nhau. Sự tha thứ này không chỉ diễn ra trong mối tương quan nội tại giữa chúng ta với nhau, mà cả với Thiên Chúa. Chính mối tương quan tha thứ lẫn nhau là điều kiện để được Chúa nhậm lời khi cầu nguyện.

Ở Bài đọc 1 sách Huấn Ca là những lời chỉ dẫn, những điều kiện để một người được Chúa nhậm lời khi cầu nguyện: đó là thứ cho anh em mình trước. Nếu người ấy không thể làm điều ấy, thì việc họ cầu xin tha thứ cũng sẽ trở nên vô ích. Trước Chúa tất cả mọi người đều là tội nhân. Tất cả đều đến với Chúa để kêu xin lòng thương xót của Ngài. Vì vậy dù bạn là ai, thì cũng là kẻ “ăn mày” lòng thương xót của Chúa. Nên chẳng thể có chuyện mình thì muốn Chúa thương xót tha thứ cho, nhưng lại muốn giữ mối “nợ” với những người anh em khác như Lời Chúa trong Bài đọc 1 khẳng định: “Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”

Và điều Chúa muốn cũng không phải phạm tội với nhau rồi tha thứ, mà cần phải có một đời sống hoàn hảo hơn thế nữa là “hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác.” Đó là điều Thiên Chúa đòi hỏi mỗi người phải sống trong tương quan với Chúa và tương quan với tha nhân.

Bài Tin Mừng là câu chuyện Phêrô hỏi Đức Giêsu về số lần cần phải tha thứ cho anh em mỗi khi họ phạm lỗi với nhau. Bao nhiêu lần là đủ? quá tam ba bận hay là bảy lần bảy, hay bảy mươi lần bảy hay “vô cực”. Người Do-thái thường có khuynh hướng trả thù, do đó, Phêrô cho rằng việc tha thứ cho người anh em tới bảy lần đã đủ để thể hiện một nhân cách trổi vượt.

Chúa Giêsu đã trả lời cho ông rằng: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” Bảy mươi lần bảy tức là 490 lần, nhưng chúng ta phải hiểu rằng con số này có ý nghĩa là không giới hạn. Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn tha thứ cho người lỗi phạm đến mình và không bao giờ được nuôi ý định trả thù họ.

Khi bị ai đó xúc phạm, hãy buồn rầu cho người ấy vì việc làm đó sẽ khiến họ phải thiệt thòi; về phần mình, chúng ta hãy tha thứ cho họ và cảm thấy vui mừng bởi khi hành xử như thế, chúng ta được nên con cái của Cha trên Trời, “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”(Mt 5,45).

Nhưng xét thấy việc tha thứ là thực sự khó khăn và gây nhiều thách đố cho bản thân chúng ta, chúng ta hãy nhìn lại những tấm gương tha thứ nổi bật trong Kinh thánh để thấy rằng đó là điều có thể. Ông Giuse, người bị các anh em ghét bỏ và bán sang Ai-cập (St 37) nhưng đã tha thứ và giúp đỡ hết mình khi họ gặp tai họa. Ông Mô-sê, người bị đồng bào oán trách, làm khổ hết lần này tới lần khác (Xh 15) nhưng vẫn một lòng nhiệt thành lo cho sự tồn vong của Ít-ra-en. Thánh Phaolô, người phải chịu muôn vàn lời chế giễu, nhạo báng và hãm hại hàng ngày từ người Do-thái (1 Cr 4,9-13; Pl 2,27) nhưng vẫn rong ruổi khắp nơi vì ơn cứu độ cho mọi người (1 Cr 9,19-23). Ông Têphanô, người bị ném đá vì đức tin nhưng trong giờ phút cuối cùng vẫn tha thiết nài xin: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7, 60).

Giống như tên đầy tớ trong câu chuyện Tin Mừng, sự tha thứ anh không thể lãnh nhận nơi ông vua, vì anh đã không đủ bác ái và quảng đại để thứ thứ cho người bạn của mình.

Đây cũng là điều chính yếu mà thánh Phaolô muốn nhắc nhở chúng ta trong Bài đọc 2, đó là “không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa” (Rm 14,8). Vì sự giận giữ, oán thù, bất khoan dung, cố chấp v.v… không xứng hợp với phẩm giá của người con cái Chúa. Vì chính Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình vì yêu thương. Thì chúng ta muốn sống cho Chúa chúng ta cũng sẽ phải sống như Ngài đã sống và như thế là thiên đàng đã thuộc về chúng ta, dù chúng ta vẫn còn lưu lạc trên thế gian này.

Thật không dễ để tha thứ. Điều này đòi hỏi mỗi người phải khiêm nhường, chân thành nhìn vào chính mình và thừa nhận sự bất toàn của mình. Đồng thời phải lấy Chúa là trung điểm để tha thứ. Có như thế chúng ta mới dễ dàng bỏ qua cho chúng ta những gì chúng ta đã phạm lỗi với nhau.

Khi suy ngẫm và cố gắng làm theo những tấm gương ấy, chúng ta sẽ dập tắt được ngọn lửa giận dữ nơi mình và hơn thế nữa, nhận được ơn tha thứ của Cha trên Trời, vì chúng ta cũng là một tội nhân không hơn, không kém.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM