Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường Và Tinh Thần Truyền Giáo Vinh Sơn

0
771

Những cái bụng đói trên toàn thế giới nói cùng một thứ tiếng…
Người nghèo trên toàn thế giới nói cùng một ngôn ngữ…
Các nhà truyền giáo trên toàn thế giới giao tiếp cùng một ngôn ngữ; ngôn ngữ của tình yêu…

Tháng truyền giáo ngoại thường (tháng 10/2019) đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố để kỷ niệm 100 năm Tông thư Maxilium Illlud của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XV. Chủ đề được chọn là “được chịu phép Rửa và được sai đi: Giáo hội Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới.” Sáng kiến này nhằm khơi lại nhận thức về ý nghĩa của việc truyền giáo, và thúc đẩy ý thức trách nhiệm trong việc loan báo Tin Mừng với lòng nhiệt thành mới.

Việc truyền giáo được định nghĩa, đó là “ơn gọi hay lời mời gọi cho một cộng đoàn tu trì, đặc biệt là một tín hữu Công giáo, ra đi khắp thế giới và truyền bá đức tin của mình.” Khái niệm truyền giáo không phải là mới đối với Giáo hội chúng ta. Ngay từ thời kỳ đầu của nhân loại, Kinh Thánh đã đề cập đến khái niệm truyền giáo. Tình yêu Thiên Chúa đã làm phát sinh nhu cầu phải có các nhà truyền giáo để truyền đạt thông điệp về tình yêu và sự bình an của Thiên Chúa đối với dân Ngài chọn, dân Israel. Các Ngôn sứ trong Kinh Thánh thực sự là các nhà truyền giáo, họ đã rời bỏ quê hương, dân tộc và văn hóa của họ để sống trong một hoàn cảnh mới, một nơi mới mà Thiên Chúa mời gọi họ. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu thi hành sứ vụ với tư cách là một nhà truyền giáo, Ngài đi từ làng này đến làng khác để loan báo sự sống mới của Nước Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn đã bước theo tinh thần của Đức Kitô bằng cách trở nên một nhà truyền giáo. Tôi tin rằng, căn tính Vinh Sơn đã được đặt nền tảng trên việc truyền giáo. Việc truyền giáo chỉ trở nên khả thi và chỉ thành công khi nó được thực hiện với tình yêu và lòng bác ái.

Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta tái xác định khái niệm truyền giáo. Ngài mời gọi chúng ta tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng một cách nhiệt thành. Tuy nhiên, việc xác định lại ý thức truyền giáo của chúng ta không chỉ giới hạn trong thời gian của Tháng Truyền giáo ngoại thường này mà là một quá trình suốt đời. Chúng ta đều quen thuộc với khái niệm truyền thống về việc truyền giáo. Để xác định lại việc truyền giáo truyền thống với trách nhiệm và lòng nhiệt thành cao hơn, tôi đề nghị phải cá nhân hóa các nhân đức sau đây :

  1. Đức Tin vào Thiên Chúa: Đức tin là tin tưởng vào điều vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Tôi tin rằng mọi thứ đều có thể cho và với Chúa. Đó là một niềm tín thác và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đức tin là tin vào những lời Thiên Chúa hứa. Trong cuộc đời của các nhà truyền giáo, có thể có những lúc họ cảm thấy cô đơn, vì nghĩ rằng họ đã bị Chúa bỏ rơi và lãng quên. Họ có thể cảm thấy một khoảnh khắc hứng khởi nhưng ngay sau đó là khoảnh khắc buồn sầu. Đó chính là lý do tại sao họ cần tin vào những lời của Chúa Giêsu tuyên bố: Ta luôn ở bên ngươi (Mt 28, 20). Chúng ta hãy để các việc truyền giáo của mình trở thành bằng chứng về một đức tin đơn sơ giống như trẻ thơ.
  2. Tình yêu dành cho người thân cận: Tình yêu là một tập hợp phức tạp của cảm xúc, hành vi và niềm tin, chúng liên kết với nhau từ những tình cảm nồng nhiệt, sự che chở, sự ấm áp và tôn trọng người khác. Lửa tình yêu của thánh Vinh Sơn đã khích lệ các tội nhân trở về với Chúa Kitô. Sứ mạng của chúng ta là trở thành điểm gặp gỡ với Thiên Chúa khi chúng ta truyền rao tình yêu của Ngài đến các anh chị em của chúng ta. Thật khó để yêu một nơi chốn, một nền văn hóa, một dân tộc xa lạ với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể làm điều này bằng cách tự mặc lấy tinh thần của Đức Kitô trong cuộc đời (giống như vị sáng lập của chúng ta, Thánh Vinh Sơn đã làm). Hãy để sứ mạng của chúng ta trở thành nơi chốn của tình yêu.
  3. Bác ái với tất cả mọi người: Bác ái bao hàm sự sẵn sàng trở nên ân cần và trắc ẩn. Bác ái là một ân ban của sự tự hiến. Là nhà truyền giáo Vinh Sơn, chúng ta nên khích lệ mọi người mở rộng bàn tay tới những nhu cầu của thế giới này. Chúng ta có thể thực thi bác ái bằng cách dành thời gian, tài năng và nguồn lực của mình cho những người mà chúng ta phục vụ. Dĩ nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải có một thái độ “trao ban”. Hãy để các sứ mạng của chúng ta trở thành trung tâm của lòng bác ái nơi mà mọi người đều ân cần và quan tâm đến nhau.

Căn tính của Tu hội Truyền giáo, với tư cách là một Tu hội Truyền giáo Quốc tế, đã giải thích chính mục đích của nó. Việc bước ra khỏi ranh giới của các cộng đoàn địa phương, các miền, các Tỉnh dòng để xây dựng Vương quốc Thiên Chúa phải là mục tiêu của mọi thành viên trong Gia đình Vinh Sơn trên toàn thế giới. Tinh thần truyền giáo phải đốt cháy tâm hồn chúng ta. Ngọn lửa tình yêu dành cho Đức Kitô và cho mọi người không bao giờ cho phép các anh em Vinh Sơn được ăn không ngồi rồi trong đời sống của mình. Cái bụng đói không bao giờ để ý đến màu sắc của bàn tay đang cho mình ăn. Điều quan trọng trong đời sống của chúng ta với tư cách thành viên Vinh Sơn là sự ân cần và lòng trắc ẩn hòa quyện với tình yêu dành cho Chúa và cho dân của Người. Nếu tôi giàu vì tôi sở hữu nhiều của cải, thì tôi trở nên giàu có hơn khi chia sẻ những tài sản đó cho người khác. Tháng truyền giáo ngoại thường truyền cảm hứng cho chúng ta tái xác định thái độ của mình đối với việc truyền giáo. Hãy để việc truyền giáo trở nên việc ưu tiên của chúng ta. Chúng ta hãy là những nhà truyền giáo trong mọi nơi mọi lúc. Chúng ta hãy cố gắng mở rộng lòng bác ái và tình yêu của Thiên Chúa và của Đấng sáng lập của chúng ta cho mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Xin thánh Vinh Sơn cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta, để chúng ta trở nên những nhà truyền giáo trẻ trung, nhiệt thành và hăng say trong việc truyền giáo.

Libin P. Varghese, CM
Đại học Adamson, Manila, Philippines
NDĐ chuyển ngữ