Robert P. Maloney C.M
Vào đầu thế kỷ XVII, có một vài điều đã được lưu truyền tại nước Pháp. Trong những thập niên trước khi thánh nữ Magarita Maria Alacoc (Margaret Mary Alacoque ) có những thị kiến (bắt đầu từ ngày 27/12/1673) thì thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac đã chú tâm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu đã trở thành một sức mạnh lớn lao trong Linh đạo của hai đấng sáng lập, liên kết hai Linh đạo lại với nhau, ngoại trừ vài điểm khác biệt thì đều là những con đường hướng tới “truyền giáo” và “bác ái”. Chính tên gọi của hai Tu Hội mà hai ngài đã thành lập cũng phản chiếu hai động lực ấy: Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.[1]
Trong một cuộc họp của các thành viên Tu Hội Truyền Giáo vào ngày 22/08/1655, thánh Vinh Sơn Phaolô đã nói một cách rất mạnh mẽ: “Chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho Tu Hội tinh thần này, trái tim này, trái tim đã làm cho chúng ta đi đến mọi nơi, trái tim của Con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim của Chúa chúng ta… Ngài đã sai các tông đồ đi để làm điều ấy; Ngài đã sai chúng ta đi như đã sai các tông đồ, để đem lửa đến khắp mọi nơi. Ignem veni mittere in terram, et quid volo nisi ut accendatur; để đem ngọn lửa thánh thiêng này, ngọn lửa của lòng mến và lòng kính sợ Thiên Chúa đi khắp nơi…”[2]
Thánh Vinh Sơn đã nói một cách hùng hồn về ngọn lửa mà ngài hy vọng sẽ được đốt lên trong trái tim của các nhà truyền giáo, như những nhà truyền giáo đã đi Madagascar. Ngài hình dung nó như một ngọn lửa đang bừng cháy, một lòng nhiệt thành trọn vẹn để có thể đưa các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo hướng tới những ai đang cần đến họ. Ước mong của ngài là ngọn lửa này không chỉ tiếp thêm nghị lực cho những anh em đang dấn thân trong những sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài, mà còn cho những anh em đang giảng đại phúc ở nhà hoặc đang lao nhọc trong những công việc giữa những người bị bỏ rơi ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Với thánh Louise cũng vậy, ngài trông cậy rất nhiều ở Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ thấy được điều đó trong bút tích của ngài mà còn thấy trong những bức tranh chính ngài đã vẽ, những bức tranh mà như thánh nữ đã nói với các chị Nữ Tử Bác Ái là niềm vui khi ngài giải trí và cũng là sự sùng kính của ngài.[3] Thánh nữ đã vẽ những bức tranh về Thánh Tâm Chúa Giêsu, cả lớn lẫn nhỏ, và qua những lá thư của ngài, chúng ta được biết rằng ngài đã đưa bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái ” đến các Nhà (Cộng đoàn) của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Một bức tranh lớn miêu tả “Thiên Chúa Bác Ái” đã được treo phía trên đầu cầu thang gần phòng của Mẹ Bề Trên Tổng Quyền tại Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái ở Paris. Trong bức tranh đó, Thánh Tâm Chúa Giêsu được tỏ lộ ra ngoài trong khi ánh mắt Người hướng nhìn tới những ai đang chiêm ngắm.
Đối với thánh Vinh Sơn, Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch của lòng nhiệt thành truyền giáo. Về phần thánh Louise, nó là căn nguyên của một đức ái mãnh liệt vừa cảm tính nhưng cũng vừa thiết thực. Vì thế, dù với những cung bậc khác nhau, “Truyền Giáo và Bác Ái” đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của những người theo những tinh thần này, trong Tu Hội Truyền Giáo cũng như Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.
I. Những dấu tích ban đầu của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Rõ ràng, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã phát triển một cách chậm rãi trong Giáo Hội. Về phương diện nào đó, đây là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì lòng mến là trọng tâm trong Tân Ước và trái tim cũng là một biểu tượng phổ quát của tình yêu. Tân Ước nói với chúng ta về Tin Mừng của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu đó được mặc khải nơi Đức Giêsu. Điều này đặc biệt rõ ràng trong Tin Mừng và các thư của thánh Gioan. Thánh Gioan đã quy tóm điều đó trong những câu Tin Mừng mà đã quen thuộc với tất cả các độc giả: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài”[4]; “Thiên Chúa là tình yêu”[5]; “Trong tình yêu mà Ngài hiến dâng đời mình cho chúng ta.”[6] Thánh Phaolô cũng đã xác quyết như vậy.[7]
Nhưng cả thánh Gioan lẫn thánh Phaolô đều không nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có một đoạn ảnh hưởng quan trọng đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: “…một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.“[8] Tuy nhiên, dù đoạn này thường được trích dẫn để nói tới Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng thực ra lại nói đến cạnh sườn của Người. Từ thời sơ khai, các Kitô hữu đã suy ngẫm về cạnh sườn được mở ra của Đức Giêsu và mầu nhiệm của máu và nước đã được chảy ra từ đó. Một số người đã xem những điều này tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể. Một số người khác thì cho rằng, Giáo Hội phát sinh từ cạnh sườn của Đức Giêsu, như Eva sinh ra từ cạnh sườn của Adam. Nhưng như vậy cũng chỉ bởi vì người ta hiểu theo nghĩa rộng nên việc thánh Gioan đề cập đến cạnh sườn của Đức Giêsu có thể được hiểu như sự ám chỉ đến trái tim của Người.
Tuy nhiên, có một đoạn Tân Ước khác đã nói về Thánh Tâm của Đức Giêsu một cách rõ ràng hơn. Đó là trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (đây là đoạn mà thánh Vinh Sơn và thánh Louise thích trích dẫn). Chính Chúa Giêsu đã nói với những môn đệ của Người: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (heart).”[9] Câu Kinh Thánh này có một sự ảnh hưởng rất lớn đến Linh đạo Kitô giáo và cũng được đọc thấy trong các bản quy luật của rất nhiều cộng đoàn tu trì. Sự hiền lành trong lòng của Chúa Giêsu có giá trị như một thách đố cho tất cả các Kitô hữu: họ phải kiểm soát những cơn giận dữ của họ, phải trở thành những người hòa giải nồng nhiệt, dễ tiếp thu, nhận thức được những giới hạn của mình và phải biết tạ ơn những ân huệ của Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã đều nhấn mạnh đến sự hiền lành cũng như đức khiêm nhường, điều này sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết này.
Tuy nhiên, rõ ràng là Tân Ước và những bản văn Kitô giáo thời tiên khởi đã không nói gì về việc sùng kính Thánh Tâm. Thực sự, trong mười thế kỷ đầu, người ta không nói đến bất cứ sự sùng kính rõ rệt nào đối với trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Chỉ từ thế kỷ XI và XII chúng ta mới tìm thấy được những dấu chứng rõ ràng của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vết thương ở cạnh sườn của Chúa Giêsu đã bắt đầu trở nên như một biểu tượng cho “vết thương vì tình yêu” trong trái tim của Người. Trong các đan viện của Dòng Biển Đức và Dòng Xitô, qua những bài viết của thánh Anselmo và thánh Benardo, việc sùng kính dần dần tăng triển. Trong số những người sùng mộ sốt sắng đầu tiên đó, có thánh Mechtilde (+1298) và thánh Gertrude (+1302). Vào ngày lễ kính thánh Gioan, tác giả sách Tin Mừng, thánh Gertrude đã có một thị kiến và điều đó đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của việc sùng kính Thánh Tâm. Tựa đầu vào cạnh sườn của Đức Kitô, thánh nữ đã nghe được nhịp đập của trái tim Người và đã hỏi thánh Gioan Tông đồ: “Nếu như trong Bữa Tiệc Ly, ngài cũng đã được cảm nhận những nhịp đập của Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại sao ngài không bao giờ nói về điều đó?” Thánh Gioan đã đáp lại rằng, mạc khải này phải được lưu giữ cho đến thời đại sau cùng, khi thế giới này trở nên giá lạnh hơn, thì ngọn lửa tình yêu đó lại cần phải được thắp lên.[10]
Trong tác phẩm Vitis Mystica (Cây nho thật), được cho là của thánh Bonaventura (+1274),[11] có một đoạn văn tuyệt vời nói về mối liên hệ giữa Thánh Tâm Chúa Giêsu và các Bí Tích. Sau này, đoạn văn đó được Giáo Hội dùng làm một trong những bài đọc phụng vụ vào Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu:
“Nhưng để từ cạnh sườn Đức Kitô đang ngủ trên thập giá, Hội Thánh được hình thành và để lời Kinh Thánh sau đây nên ứng nghiệm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, thì thiên ý nhiệm mầu đã muốn cho lưỡi đòng của người lính đâm thủng và mở cạnh sườn Chúa ra, đồng thời cũng muốn, một khi máu cùng nước chảy ra, giá cứu chuộc chúng ta tuôn trào từ nguồn, tức là từ nơi sâu thẳm của trái tim để làm cho các bí tích của Hội Thánh có sức mang lại sự sống ân sủng, và để cho những ai đang sống trong Đức Kitô được uống ở mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.”[12]
Từ thế kỷ XV tới thế kỷ XVI, việc sùng kính lan truyền một cách chậm rãi và chỉ đơn thuần trong những thành viên của các Dòng tu, đặc biệt là các Dòng Phanxicô, Đa Minh, và Bruno. Cứ như vậy, nó bị giới hạn lại như một việc sùng kính đã được cá nhân hóa và bình thường như những hiện tượng tự nhiên huyền bí. Trong khi đó, có một phong trào đang trên đà phát triển nhưng không được phổ biến rộng rãi, đó là phong trào tôn kính Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Trong đó, vết thương ở cạnh sườn của Người được miêu tả một cách nổi bật.
Trong hai thế kỷ XVI và XVII, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã có một bước nhảy vọt và đã gia nhập vào lãnh địa của lòng đạo đức bình dân. Cho đến cuối thế kỷ XVII, sự sùng kính này đã trở thành một việc tôn kính được phổ biến rộng rãi được gọi là “Sự Sùng Kính Thánh Tâm”, với những lời cầu nguyện đã được công thức hóa một cách rõ ràng và các việc thực hành đặc biệt cho những người mộ mến.[13]
Thánh Phanxicô Salesiô
Trong bối cảnh này, từ viễn ảnh của Gia Đình Vinh Sơn, những tác phẩm của thánh Phanxicô Salesiô ở đầu thế kỉ XVII có ý nghĩa nhiều nhất. Khảo luận về Tình Yêu Thiên Chúa của ngài thường nói đến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tác phẩm này, cùng với cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức của ngài đã ảnh hưởng rất lớn tới linh đạo Kitô giáo. Cả thánh Vinh Sơn lẫn thánh Louise đều thường xuyên đọc và suy ngẫm cuốn sách đó, như thánh nữ Jane Frances de Chantal, một người bạn tâm giao và cũng là người đồng sáng lập Dòng Thăm Viếng với thánh Phanxicô Salesiô. Khi thánh Phanxicô qua đời năm 1622, ngài đã trao phó việc linh hướng cho các nữ tu Dòng Thăm Viếng lại cho thánh Vinh Sơn. Thánh nữ Magarita Maria Alacoc ( Margaret Mary Alacoque), người có những thị kiến phát động những điều mà sau đó được gọi là “Sự Sùng Kính Thánh Tâm”, với những lời nguyện và việc thực hành đặc biệt, cũng là một thành viên của Dòng Thăm Viếng.
Ngay ở phần khởi đầu của cuốn Khảo luận về Tình Yêu Thiên Chúa, trong Lời Nguyện Dâng Hiến, thánh Phanxicô Salesiô đã phó thác chính bản thân ngài cho Đức Maria và Thánh Giuse, ngài nguyện rằng: “Con cầu xin Người, nhờ Thánh Tâm của Đức Giêsu yêu dấu của Người, là Vua của những trái tim… xin hãy sinh động trái tim con cũng như tất cả những trái tim của những ai sẽ đọc tác phẩm này, nhờ tất cả đặc ân và quyền năng của Người cùng với Thánh Thần.”[14] Và thánh Phanxicô quay trở lại đề tài Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cách thức hết sức đa dạng, phong phú. Đối với những ai đã chai lì với những xúc cảm thiêng liêng, ngài viết: “Chúng ta gọi đó là một trái tim bằng sắt, bằng gỗ hay bằng đá… Trái lại, những trái tim hiền lành, dễ bảo ban uốn nắn thì được gọi là một trái tim nhạy cảm và mềm mại.” Khi nói về Đấng Cứu Độ của chúng ta trên thập giá, ngài nói như vua David đã nói: “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan”[15] ( Tv 21:15). Nói về sự kết hiệp linh hồn với Chúa, ngài viết: “Lạy Chúa Giêsu yêu mến!… xin dẫn đưa con vào sâu hơn nữa trong trái tim Người, để tình yêu của Người có thể luôn thấu suốt con, và để cho con được hoàn toàn tan biến đi trong sự dịu ngọt đó.”[16]
Thánh Phanxicô đã dùng hình ảnh trái tim trong nhiều văn cảnh khác nhau. Ngài nói về trái tim của Thiên Chúa, trái tim của Đức Kitô, và trái tim của những con người cá vị, và ngài cũng đã miêu tả về một sự hoán đổi năng động giữa Ba Ngôi. Với thánh Phanxicô, trái tim của Đức Kitô là con đường có thể dẫn chúng ta lên tới trái tim của Chúa Cha. Trên trái đất này, từ trong cạnh sườn bị đâm thâu, từ trong Thánh Tâm của Chúa Giêsu, một chiếc thang đã được dựng nên và nơi để chúng ta bắt đầu leo lên chính là từ trái tim bị tổn thương đó.
Thánh Phanxicô viết: “[Người] nhìn vào kẽ hở của cạnh sườn bị đâm thâu của Người và thấy hết những trái tim của con cái nhân loại: vì Trái Tim này là Vua của mọi trái tim nên Người luôn chăm chú đến những trái tim. Tuy nhiên, khi người ta nhìn qua một tấm lưới thì họ sẽ nhìn những người khác một cách rõ ràng còn chính họ lại chỉ được nhìn thấy một cách nữa vời. Cũng vậy, tình yêu thiêng liêng của Trái Tim hay đúng hơn là Trái Tim của tình yêu thiêng liêng này, luôn thấy rõ và chăm chú đến những trái tim nhân loại với đôi mắt yêu thương của Người….”[17]
Thánh Gioan Eudes
Hầu như trong suốt cả thế kỷ XVII, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu bị giới hạn ở tầm mức cá nhân. Người nổi bật nhất trong thời kì này là thánh Gioan Eudes (1602-1680). Ngài là người đã phổ biến và thành công trong việc thiết lập nên một ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Gioan Eudes, người mà thánh Vinh Sơn đã biết, là một tông đồ đặc biệt của Mẫu Tâm Đức Maria; nhưng sự tôn kính của ngài đối với Trái Tim Vẹn Sạch của Đức Mẹ lại chồng chéo với sự tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Dần dần, ngài đã thấy sự tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu như được tách biệt ra, và nhờ những cố gắng của ngài mà vào ngày 31 tháng 8 năm 1670, Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên đã được cử hành với nghi thức long trọng tại Đại Chủng Viện ở Rennes. Lễ kính đó chẳng bao lâu sau đã được lan rộng tới các giáo phận khác và cũng đã được thừa nhận ở các cộng đoàn tu trì khác nhau. Hai thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã tuyên bố thánh Gioan Eudes như là “Tác giả của Nghi Thức Phụng vụ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Đức Maria.”[18]
Thánh nữ Magarita Maria Alacôc ( Margaret Mary Alacoque)
Vào năm 1673, Magarita Maria Alacôc (1647–1690), một nữ tu dòng Thăm Viếng sống ở Paray-le-Monial, bắt đầu có những thị kiến về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ đó, việc sùng kính như được thăng hoa.
Không có dấu chỉ nào cho thấy rằng thánh nữ Magarita Maria đã được biết đến việc sùng kính này trước các cuộc hiện ra. Thánh nữ đã có nhiều thị kiến. Trong những thị kiến đó, Chúa Giêsu đã cho phép ngài được tựa đầu vào trên trái tim của Người như trước đó Người đã cho phép thánh nữ Gertrude. Người mặc khải cho thánh nữ những điều kì diệu về tình yêu của Người. Người nói với thánh nữ, Người khao khát khắp mọi nơi trên thế giới này đều được biết kho báu của Thánh Tâm Người và Người đã chọn thánh nữ cho công việc này. Người muốn được tôn kính dưới hình dáng trái tim bằng thịt của Người, và đã đòi hỏi phải có một sự tôn kính dành cho giá chuộc tình yêu ở Bí Tích Thánh Thể thường ngày, Bí Tích Thánh Thể Thứ sáu đầu tháng và tôn kính trong một Giờ Thánh. Trong lần hiện ra diễn ra suốt Tuần Bát nhật kính Mình Thánh Đức Kitô vào năm 1675, sau này được gọi là “Cuộc hiện ra vĩ đại”, Chúa Giêsu đã phán: “Đây là Trái Tim đã yêu mến loài người quá đỗi, nhưng thay vì nhận được lòng biết ơn thì Ta chỉ nhận được từ phần đông nhân loại sự vô ơn bạc nghĩa…” và Người đã yêu cầu thánh nữ về việc có một lễ kính vào ngày thứ sáu sau tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa Kitô, Người chỉ bảo cho chị tham khảo ý kiến cha Claude de la Colombière, sau này là Bề trên của một cộng đoàn nhỏ của Dòng Tên ở Paray-le-Monial. Một vài ngày sau “Cuộc hiện ra vĩ đại’’, Magarita Maria đã cho cha de la Comlobière biết mọi chuyện. Ngay ngập tức, cha đã dâng hiến chính mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và hướng dẫn thánh nữ Magarrita Maria viết một bản tường trình về cuộc hiện ra. Những điều này đã được lan truyền nhanh chóng khắp cả nước Pháp và cả nước Anh. Vì vậy, vị tu sĩ Dòng Tên này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá sự tôn kính đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.[19]
Vào năm 1765, Đức Giáo Hoàng Clemente XIII đã chuẩn nhận những Nghi Thức Phụng Vụ và Thánh Lễ kính Thánh Tâm được áp dụng tại Ba Lan. Lễ kính Thánh Tâm cũng được cho phép cử hành cho các nữ tu trong toàn bộ Dòng Thăm Viếng. Vào năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã lập thánh Lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội. Năm 1899, Đức Giáo Hoàng Leô XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
II. Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Linh Đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô[20]
Thánh Vinh Sơn thường sử dụng từ trái tim. Trong các bài nói chuyện và trong các bức thư, từ này nhiều lần được tìm thấy như một từ được sử dụng thường xuyên, chẳng hạn như “đón nhận vào trái tim”, “học bằng trái tim”, “từ trái tim tới trái tim” và “với trọn cả trái tim tôi”. Ngài nói về chính trái tim của ngài và ngay cả của thánh Louise. Thánh Vinh Sơn thường xuyên nhắc nhở Thánh Louise gìn giữ “trái tim trong bình an”.[21] Ngài cảm thấy rằng Louise đã quá nhiệm nhặt và cũng lo lắng cho sức khỏe của thánh nữ (thánh nữ cũng lo lắng cho ngài như vậy), ngài động viên thánh Louise tôn kính niềm vui từ Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Tôi sẽ không nói thêm điều gì nữa với cô về phần còn lại (về những điều mà cô đã hỏi tôi). Thiên Chúa của chúng ta sẽ khuyên bảo cô về những gì cô phải làm. Xin cô hãy bảo trọng và luôn tôn kính niềm hoan lạc trong chính Thánh Tâm của Thiên Chúa chúng ta.”[22]
Nhiều lúc, cách nói của ngài về trái tim thật trìu mến. Ngài viết cho thánh Louise: “Thưa quý cô, với tấm lòng của người đầy tớ khiêm hạ nhất của quý cô, xin quý cô hãy an tâm nghỉ ngơi, trong Thánh Tâm của Thiên Chúa chúng ta và trong Tình Yêu của Người… Can đảm lên! Xin Thiên Chúa luôn ở trong trái tim của chúng ta và trái tim của chúng ta được ở trong Người, để chúng có thể được hợp nhất ba trong một và cũng là một trong ba và để chúng ta chỉ cầu xin những gì là Thánh ý của Người.”[23] Trong một dịp khác, ngài cũng nói với thánh nữ: “Hãy dâng hành động này cho Chúa, tôi cầu xin cho cô, với tất cả cảm xúc của tôi, tôi cầu xin Chúa ở trong trái tim của cô. Tôi, người tôi tớ của cô, trong Tình Yêu của Người.”[24] Có lẽ xúc động nhất là tất cả những gì ngài đã viết trong lời chúc mừng năm mới trong ngày đầu năm 1638: “Thưa quý cô, tôi mong rằng quý cô sẽ dâng hiến một trái tim tươi trẻ và một tình yêu trong độ xuân sắc nhất của nó cho Người, Đấng hằng yêu thương chúng ta một cách liên lỉ và dịu dàng như thể Người mới chỉ bắt đầu yêu mến chúng ta. Vì tất cả những điều làm đẹp lòng Chúa thì luôn mới mẻ và phong phú, dù rằng Người chẳng bao giờ đổi thay. Tôi, người tôi tớ khiêm hạ nhất của quý cô, trong tình yêu của Người, với một niềm xúc cảm nhiều như nỗi khao khát sự tốt lành của Người và với những điều tôi mang ơn Người thì vượt ra ngoài tình yêu dành cho Người.[25]
Ngài cũng dùng những lời lẽ trìu mến tương tự như vậy khi viết cho thánh nữ Jeanne Frances de Chantal[26] và quý bà Goussault. Ở cuối bức thư, ngài đã viết: “Thưa bà, Chúa biết những gì khiến Người lấp đầy trái tim của tôi bằng sự quý mến này dành cho bà; và như tôi đã nói với bà, những điều tôi cảm nhận về điều đó nhiều đến mức nào. Trong tình yêu của Thiên Chúa chúng ta, tôi là người tôi tớ khiêm hạ của bà.”[27]
Đôi khi ngài cũng miêu tả về ngọn lửa tình yêu mà ngài cảm nhận được ngay chính trong trái tim mình. Trong một buổi nói chuyện với các linh mục và các tu huynh trong Tu Hội Truyền Giáo ngài đã cầu nguyện lớn tiếng rằng:
“Ôi, lạy Chúa của lòng con! xin Lòng nhân từ vô biên của Chúa đừng để con chia sẻ những tâm tình của con, cũng như dừng để con dành những tâm tình đó cho ai khác nếu như điều đó gây tổn hại đến Chúa; xin Chúa hãy sở hữu, một mình Chúa thôi, trái tim con và tự do của con! Và làm sao con có thể ước mong bất cứ một điều thiện hảo nào từ bất một ai khác ngoài Chúa! Lẽ nào lại từ chính con sao? Hỡi ôi! Chúa yêu con một cách vô bờ bến và hơn chính con yêu bản thân mình ; Chúa vô cùng khát khao hạnh phúc cho con và Chúa có sức mạnh để định liệu cho con điều đó, hơn chính con, một kẻ chẳng có gì và chẳng cậy trông gì cả ngoài Chúa mà thôi. Ôi! Lạy Đấng Thiện Hảo duy nhất của con! Lạy Đấng Tốt Lành vô cùng vô tận! Ước gì tình yêu con dành cho Chúa lớn hơn tình yêu của tất cả các thiên thần Séraphim cùng nhau dành cho Chúa! Than ôi! Thật đã quá trễ để có thể bắt chước được các thiên thần! O antiqua bonitas, sero te amavi! ( ôi! Vẻ đẹp cổ kính, con đã yêu Ngài quá muộn).[28] Nhưng, ít ra, con dâng lên Chúa tận cùng những yêu thương của con, tình yêu của Nữ Vương Rất Thánh của Các Thiên Thần và cách chung của những người được chúc phúc. Lạy Chúa của con, trước đất trời, tâm hồn con làm sao thì con xin dâng tặng Chúa làm vậy. Con tha thiết với những mệnh lệnh của Chúa Cha quan phòng trên người tôi tớ yếu hèn của Chúa đây, vì lòng yêu mến Chúa; trước mặt triều thần thiên quốc, con ghét tất cả những gì có thể làm con xa Chúa. Ôi Đấng nhân hậu tối cao, Chúa muốn các tội nhân yêu mến Chúa, xin ban cho con lòng yêu mến Chúa, rồi hãy xin sai bảo con mọi điều Chúa muốn con làm; Da quod jubes et jube quod vis.[29]
Ngài nói với các anh em trong Tu Hội của ngài, những gì Thiên Chúa muốn là trái tim. “Điều mà Thiên Chúa muốn đầu tiên chính là trái tim chúng ta, trái tim chúng ta, đó mới là những gì đáng được kể đến. Làm thế nào mà một người không giàu có lại có được nhiều công nghiệp hơn một người đã từ bỏ gia sản rất lớn của mình? Bởi vì người mà không có gì sẽ làm điều đó với tình yêu lớn hơn; và đó là những gì mà Thiên Chúa đặc biệt mong muốn…”[30]
Thánh Vinh Sơn cũng thường bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài đối với các Thánh Tử Đạo và với tình yêu đã bừng cháy trong trái tim họ. Khi nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, ngài đã trích dẫn sách Diễm ca (Canticle of Canticles) 4,9:
“Chết như thế là cái chết đẹp nhất, chết vì tình yêu, chết để trở thành một vị tử đạo, một vị tử đạo vì tình yêu. Những tâm hồn được chúc phúc ấy giống như một vị hôn thê, nàng có thể áp dụng cho chính mình những lời của Đức Lang Quân và nói với chính nàng: Vulnerasti cor meum [chàng đã làm tổn thương (wounded) trái tim của thiếp (Diễm Ca 4,9 )]. Lạy Chúa kính yêu của con, chính Chúa làm con đau đớn; Chúa là Đấng đã đâm thâu và làm tan vỡ trái tim con bằng những mũi tên nóng bỏng; chính Chúa đã đặt ngọn lửa thiêng ấy trong lòng dạ con, làm cho con chết vì yêu! Xin chúc tụng Chúa đến muôn đời! Ôi Đấng Cứu Độ, vulnerasti cor meum!”[31]
Với thánh Vinh Sơn, ngọn lửa trong trái tim được biểu lộ bằng lòng nhiệt thành truyền giáo. Có vài lần ngài đã rất xúc động như trong buổi nói chuyện với các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo vào ngày 22/8/1655. Ngài thúc giục họ cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho Tu Hội tinh thần này, trái tim này, trái tim đã làm cho chúng ta đi khắp nơi, trái tim của con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim đã làm cho chúng ta sẵn sàng để ra đi như Người cũng sẽ ra đi, nếu như sự khôn ngoan vĩnh hằng xét thấy đã đến lúc phải làm việc cho sự hoán cải của các dân tộc nghèo khổ. Chính vì lẽ đó mà Chúa đã sai các tông đồ đi; và Người cũng sẽ sai chúng ta đi như các tông đồ vậy, để mang ngọn lửa đến khắp mọi nơi”.[32] Ngài yêu cầu họ sẵn sàng ra đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới như những nhà truyền giáo và sẵn sàng để chết ở đó, ngài đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng của thánh Tertuliano “Máu của các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh những Kitô hữu.”
Thánh Vinh Sơn đã đề cập đến nhiều điều khác và những điều đó cũng có thể thích hợp với việc yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu như: thực hành đức nghèo khó,[33] làm theo Thánh ý Chúa Cha,[34] khiêm nhường,[35] yêu mến những người lân cận.[36] Ngài cũng chú tâm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu trong một câu Lời Chúa khác, câu này đã đóng vai trò quan trọng trong Linh đạo của Gia Đình Vinh Sơn. Ngài sử dụng từ ngữ mà chính Chúa Giêsu đã dùng để nói về Thánh Tâm của Người, và ngài thường xuyên trích dẫn những từ ngữ này: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”[37] Thánh Vinh Sơn lặp đi lặp lại những lời đó trong các buổi nói chuyện của ngài với Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Có lẽ, những suy nghĩ về mối bận tâm này của ngài được trình bày rõ ràng và súc tích nhất trong Luật Chung của Tu Hội Truyền Giáo, ra đời năm 1658:
Mọi người sẽ nghiêm túc học lấy bài học mà Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta, khi Ngài nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”; xét rằng, như chính Ngài đã khẳng định, ai hiền lành thì sẽ được hưởng Đất Hứa làm gia nghiệp, bởi vì khi hành động trong tinh thần này, ta chiếm được lòng người để đem họ về với Thiên Chúa, điều mà tinh thần luận lý sẽ ngăn cản; và nhờ đức đức khiêm nhường ta chiếm được Nước Trời, nơi mà ta được đưa lên từng bậc, từ nhân đức này đến nhân đức kia, cho đến khi đến đích, nhờ lòng vui thích bị người đời khinh chê.[38]
Trong một buổi nói chuyện với Tu Hội Truyền Giáo, thánh Vinh Sơn đã ví hiền lành và khiêm nhường giống như “hai chị em”,[39] không thể tách rời. Đây là những nhân đức của một nhà truyền giáo[40] và là điều rất cần thiết cho việc chinh phục trái tim của những người dân nghèo ở miền quê. Ngài ví hai nhân đức này như hai trong số năm viên đá cuội[41] mà một nhà truyền giáo có thể dùng để loại bỏ bất cứ kẻ thù nào, như David đã hạ gục Goliath. Nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, ngài nói với các chị, đức khiêm nhường là “căn nguyên của mọi sự thiện mà chúng ta làm.”[42] Ngài cũng đặt đức dịu hiền ngang hàng với lòng bác ái, “Vì bác ái là gì nếu không phải là yêu thương và dịu hiền.”[43]
Khi nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu với các Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn đã nói những điều liên hệ một cách thường xuyên đến việc cầu nguyện và việc phục vụ của họ. Ngài nói, phúc đức biết bao nếu như một một chị em “dốc lòng để đặt trái tim của chị vào trong tình trạng được sống kết hiệp cùng với Thánh Tâm của Thiên Chúa chúng ta.”[44] Thánh Vinh Sơn cũng động viên họ nói với Thiên Chúa bằng cách “từ trái tim đến trái tim”[45] và ngài ví những lời nguyện bộc phát “giống như những ngọn lao được phóng trúng vào trái tim Thiên Chúa chúng ta.”[46] Trong việc phục vụ người nghèo, ngài thúc giục họ “Hãy tìm trong trái tim của Thiên Chúa chúng ta lời an ủi cho những những người bệnh tật, nghèo nàn.”[47]
III. Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Linh đạo của thánh nữ Louise de Marillac
Trong bút tích của thánh nữ
Trái tim là từ ngữ đã được thánh nữ sử dụng với một tần suất rất lớn. Ngài nhắc nhở các chị em trong Tu Hội hãy “nên một trái tim”,[48] một tâm trí, hay một ý hướng. Ngài cũng thường động viên các chị em: “Hãy có một trái tim yêu thương đối với việc bác ái.”[49] Ngài thức tỉnh chính “sự chai cứng trong trái tim”[50] của mình, ngài ước ao nhiều điều “với trọn cả trái tim”[51] và thường khuyên các chị em rằng “Chúa chỉ muốn trái tim chúng ta.”[52] Ngài thường kết thúc các bức thư với câu “Trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”[53] Cũng giống như của thánh Vinh Sơn, ngôn từ của ngài thường rất trìu mến.[54]
Ngay từ năm 1622, khi viết về những khao khát để được dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, ngài đã quy hướng một cách rõ ràng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu:
“Khi suy niệm về dụ ngôn Người gieo giống trong Tin Mừng, tôi nhận ra rằng là đã không có một mảnh đất tốt nào trong tôi. Vì vậy tôi khao khát được gieo mọi động thái của trái tim và tâm hồn tôi vào trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chúng có thể được lớn lên nhờ sự chia sẻ công nghiệp của Người. Để từ rày về sau, tôi sẽ chỉ tồn tại nhờ Người và trong Người, vì Người đã hạ mình xuống để mang lấy bản tính nhân loại.”[55]
Thánh Louise thường giao thiệp với các tu sĩ dòng Capuchino, một cộng đoàn mà ngài đã cố gắng để được gia nhập nhưng bị từ chối vì lý do sức khỏe. Họ có một sự tôn kính mạnh mẽ đối với Năm Dấu Thánh của Chúa. Trong giai đoạn đó của cuộc đời ngài, có thể thánh nữ cũng đã tiếp xúc với những tác phẩm của những nhà văn đương thời như Père Joesph, tác giả của Éminence grise, và cũng là cố vấn của Hồng Y Richelieu, người mà vào năm 1623 đã thúc giục những người mộ đạo tìm kiếm trong Trái Tim rộng mở của Chúa Giêsu “nguồn nước sự sống của tình yêu tinh tuyền và là trung tâm cho mọi công việc của họ.” Năm 1636, ông đã hướng dẫn việc “Thực hành Sự Tôn Kính Năm Dấu Thánh của Thiên Chúa Chúng Ta”[56] cho các tu sĩ ở Paris.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với các tác phẩm của thánh Phanxicô Salesiô và với các nữ tu dòng Thăm Viếng chắc hẳn đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với thánh nữ. Ngài là bạn của thánh nữ Jeane Frances de Chantal, người mà vào ngày 10 tháng 6 năm 1611, đã được thánh Phanxicô viết cho rằng: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên làm huy hiệu của chúng ta với hình trái tim bị hai mũi tên đâm thâu, có một vương miện bằng gai nhọn bao quanh, trái tim này như là cái đế để thánh giá được dựng lên và Thánh Danh của Chúa Giêsu và Mẹ Maria sẽ được khắc sâu vào… Thật sự, Tu Hội nhỏ bé của chúng ta là một công trình của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Đức Maria. Đấng Cứu Độ đã chết để mang lại sự sống cho chúng ta qua các vết thương trong chính Thánh Tâm của Người.”[57]
Giống như thánh Vinh Sơn, trong một lần nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái về Thánh Tâm Chúa Giêsu, điều mà thánh Louise đã nhấn mạnh chính là tình yêu cảm tính và tình yêu thiết thực mà họ mang đến cho người nghèo: “Trong suốt quãng thời gian tái thiết này, các chị em hãy suy niệm về niềm hoan lạc vĩnh cửu mà chị em sẽ nhận được trên thiên đàng, nếu như ngay trên trái đất này, chị em yêu mến Thiên Chúa và những người thân cận như Người đã dạy. Để giúp đỡ chị em thực hành việc yêu mến những người thân cận, hãy nhớ rằng khi chị em sát cánh bên nhau thì mối dây hiệp nhất các chị em chính là giọt máu đã rơi ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.”[58]
Trong các bức họa của thánh nữ
Có một điều đáng ngạc nhiên là có rất ít tài liệu nói về thánh Louise là một họa sĩ, nhưng chắc chắn đây là một khía cạnh rất thú vị về đời tư của ngài. Ngay từ đầu năm 1630, thánh Vinh Sơn đã nói đến các bức họa của thánh Louise.[59] Thánh Louise gọi chúng là “những công việc nhỏ nhoi vì niềm vui mà tôi tìm được trong các thiệp thánh và những sự tôn kính khác.”[60]
Ở đây tôi sẽ trình bày vắn tắt về những bức họa có liên hệ đến lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu của thánh nữ.
1. Vị Mục Tử Nhân Lành
Chúng ta có ba bức tiểu họa màu nước được thánh Louise vẽ, và bức họa trên đây là một trong số đó. Bức họa này miêu tả Vị Mục Tử Nhân Lành với các con chiên quấn quýt xung quanh. Trong phông nền, thánh Louise đã vẽ thật chi tiết những tòa tháp, một ngôi nhà, một hàng rào, dòng sông, bức tường, cây cối, những chú chim. Ở vị trí nổi bật của bức tranh, thánh nữ vẽ Chúa Giêsu đang ngồi, có bốn con chiên ở quanh Người. Một con leo lên đùi Người và như đang được thỏa mãn cơn khát ngay từ cạnh sườn của Người. Hai con khác có vẻ cũng làm như vậy ở bàn chân Người. Con thứ tư thì dường như đang hôn Người. Và có một điều chúng ta có thể thấy là dấu đinh trên bàn tay trái của Chúa Giêsu.
Như vậy, ở đây chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của việc sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu, điều mà rất phổ biến vào thời điểm đó. Như đã nói trên đây, việc sùng kính vết thương ở cạnh sườn Chúa Giêsu đã phát triển thành việc sùng kính Thánh Tâm của Người.
2. Huy hiệu Đức Kitô
Có một huy hiệu nhỏ đã được thánh Louise vẽ, trước đây được treo trong phòng của Mẹ Bề Trên Tổng Quyền, còn bây giờ thì đang được lưu giữ trong văn khố của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái tại rue de Bac, Paris.
Những phân tích hội họa chi tiết về bức tranh đã phát hiện ra hình ảnh một trái tim, hình ảnh trái tim này có thể thấy rõ bằng mắt thường, nhưng nhiều năm qua chẳng ai để ý đến. Trên biểu ngữ bên phía tay phải, gần đầu của Đức Kitô là dòng chữ “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Và trên biểu ngữ bên phía tay trái là câu “Hãy đến đây, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc…” Đây là bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái” và những hình ảnh này giống như những gì đã được thánh Louise nói tới trong một bức thư của ngài “Tôi gửi kèm cho chị những bức tranh này. Một bức là “Thiên Chúa Bác Ái” để đặt trong căn phòng mà các chị đón tiếp người nghèo. Một bức khác để treo phòng của chị.”[61]
Như có thể thấy dưới đây, một lời chứng ở mặt sau của tấm huy hiệu: “Bức tranh này được vẽ bởi tài hoa của Louise de Marillac đáng kính, góa phụ của ngài le Gras, thư ký của Hoàng hậu Marie de Medicis, và là Bề trên tiên khởi của Tu Hội. Qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1660.”
3. Bức tranh lớn “Thiên Chúa Bác Ái”:
Trong nhiều năm, thánh Vinh Sơn đã gửi cho thánh Louise nhiều bức tranh khác nhau về “Thiên Chúa Bác Ái”, được vẽ bởi những họa sĩ không rõ danh tánh. Thánh Louise đã chuyển một số bức họa đó tới các Nhà (cộng đoàn) của các Nữ Tử Bác Ái, cùng với một số bức do chính ngài vẽ. Suốt năm 1637, thánh nữ đã gửi hai bức tới cho Barbe Angiboust, một bức cho căn phòng mà các chị Nữ Tử Bác Ái đón tiếp người nghèo và một bức cho phòng của chị.[62] Vào năm 1647, thánh Louise đã hỏi xin thánh Vinh Sơn để được có thêm những bức tranh nữa “Thiên Chúa Bác Ái”.[63] Chắc chắn thánh Vinh Sơn đã rất thích những bức tranh đó, và vào năm 1656, ngài đã nói với cha Jean Martin ở Turin rằng ngài sẽ gửi cho cha ấy một vài bản sao của bức “Thiên Chúa Bác Ái”.[64]
Bức tranh lớn ở đây hiện tại đang được treo phía trên cầu thang gần văn phòng của Mẹ Bề Trên Tổng Quyền tại Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tữ Bác Ái, ở rue de Bac. Ở phần dưới cùng của bức tranh, một người nào đó đã viết vào một dòng chữ viết hoa: “Ce tableau a été peint par Mll. Le Gras notre mère et institutrice”( Bức tranh được vẽ bởi Mademoiselle Le Gras, là Mẹ và Đấng Sáng Lập của chúng ta).
Vào năm 1891, bức tranh này đã được tìm thấy trong một nhà nguyện phụ của Nhà thờ Chính tòa Cahors, nơi mà một Nhà của Nữ Tử Bác Ái đã được thiết lập vào thời thánh Vinh Sơn và Louise. Có thể đúng là Nhà này cũng như những Nhà khác, đều đã nhận được một bức “Thiên Chúa Bác Ái” từ thánh Louise. Nhiều bức tranh có thể cũng được đặt trong các căn phòng hay nhà nguyện, nơi mà các Hội Các Bà Bác Ái đã họp, để cho những thành viên có thể có một hình ảnh về Thiên Chúa, quan thầy của họ.[65] Có thể, vì một vài lý do nào đó, các Nữ Tử Bác Ái ở Cahors đã nhờ một họa sĩ địa phương kết thêm 25 cm vải bố xung quanh bức tranh, làm hài hòa vải bố mới với bức tranh nguyên bản và thêm vào câu đề tặng. Bức tranh này có thể đã được gửi tới nhà nguyện này trong cuộc Cách mạng Pháp, khi các Nữ Tử Bác Ái bị trục xuất khỏi trại mồ côi và họ chạy đến Cahors. Năm 1891, một thành viên của Hiệp Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô cho một thành viên Tu Hội Truyền Giáo là cha M. Mesout, Bề trên Đại chủng viện ở đó biết về bức tranh. Sau đó, Đức Giám mục Cahors đã trao lại bức tranh này cho các Nữ Tử Bác Ái tại Nhà Mẹ.
Bức tranh này vẽ Chúa Giêsu, hầu như bằng kích thước thật, với đôi tay rộng mở, đầu hơi nghiêng, và đôi mắt nhìn xuống như đang nói chuyện với những ai đang cầu khẩn Người. Người đứng trên một quả địa cầu, như để tuyên bố rằng Người là Đấng tạo dựng và cứu độ nó. Bàn tay và bàn chân của Người tỏ lộ những dấu đinh. Trái tim của Người thì tỏa sáng.
Đó là một bức tranh đáng chú ý, đặc biệt là khi người ta cho rằng, nó được vẽ vài thập kỉ trước những khi thánh nữ Magarita Maria có những thị kiến về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trái tim mà thánh Louise vẽ thì đơn sơ hơn trái tim mà thánh nữ Magarita Maria phổ biến sau này. Trái tim đó không có ngọn lửa, và cũng không có vương miện bằng gai. Đó là một trong những sự diễn tả đầu tiên về Thánh Tâm Chúa Giêsu mà chúng ta biết tới. Một vài người thì cho là Đức Kitô đã được một ai đó vẽ và thánh Louise đã vẽ thêm trái tim vào (vì những bức tranh của thánh Louise mà chúng ta đang có thì nhỏ hơn).
Ngày nay, những bức tranh tương tự “Thiên Chúa Bác Ái” vẫn có thể được tìm thấy ở Boulages,[66] Chavagnes, Paris, l’ Huitre, St. Ouen, St.Germain en Laye, Toulouse, và nhiều khả năng cũng có ở những nơi khác. Tất cả đều giống với huy hiệu ở trên đây và với bức tranh Thiên Chúa Bác Ái treo ở trên cầu thang ở Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, ngoại trừ trái tim thì không được thấy như trong những bức tranh khác.[67]
IV. Biểu tượng[68] của hai Tu Hội
Biểu tượng của cả Tu Hội Truyền Giáo lẫn Nữ Tử Bác Ái dường như đều bắt nguồn từ bức tranh Thiên Chúa Bác Ái. Như vậy, phải chăng là thánh nữ Louise đã ảnh hưởng đến thánh Vinh Sơn trong việc chọn lựa biểu tượng này cho Tu Hội ?
Vào thời thánh Vinh Sơn, trong khi Tu Hội không có biểu tượng chính thức thì những biểu tượng khác nhau đã xuất hiện, mô tả nhiều nét nổi bật của bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái”. Từ ngữ trên những biểu tượng đó cũng đã khác nhau. Ngày nay, hình ảnh Thiên Chúa Bác Ái trên biểu tượng của Tu Hội được viền quanh bởi dòng chữ “Evangelizare pauperibus misit me” (Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo). Lần đầu tiên hình ảnh biểu tượng trong đó bức tranh Thiên Chúa Bác Ái và câu châm ngôn phổ biến bây giờ được kết hợp là vào năm 1655, khi Cha Firmin Get, Bề trên ở Marseilles, viết thư cho thánh Vinh Sơn để xin ngài chấp thuận việc sử dụng nó.[69] Nhưng biểu tượng của cha Get thì rất khác với phiên bản hiện nay. Cha đã đặt câu “Evangelizare pauperibus misit me” trên dải băng phía dưới bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái”. Dù sao đi nữa thì ý tưởng tiên phong của cha Get sau đó đã không được duy trì. Phiên bản hiện thời của biểu tượng, với câu châm ngôn viền quanh hình ảnh có từ thế kỷ XIX.
Như được thấy trên đây, trong biểu tượng của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái có một trái tim rực cháy bao quanh Đức Kitô chịu đóng đinh, và dòng chữ “Charitas Christi urget nos” (Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi) viền quanh. Rõ ràng, biểu tượng có ý muốn biểu thị rằng, những công việc bác ái của Tu Hội được bắt nguồn từ Thánh Tâm Đức Kitô chịu đóng đinh.
Ở dưới đây, người đọc có thể thấy một biểu tượng của Tu Hội Truyền Giáo, có màu sắc, dựa theo bức Thiên Chúa Bác Ái;[70] và biểu tượng của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với Thánh Tâm Đức Giêsu chịu đóng đinh.
V. Sự quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu của thánh Vinh Sơn và thánh Louise – Một vài sự gợi hứng cho Linh Đạo của Gia Đình Vinh Sơn ngày nay
1. Quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu nâng cao nhận thức của chúng ta về Tình yêu vô biên của Thiên Chúa
Có một vài từ mang nhiều ý nghĩa hơn nhiều từ khác. Chúng là những biểu tượng phổ quát mà có thể gợi lên nhiều cảm xúc và thông truyền các cấp độ ý nghĩa vượt xa hơn bất cứ định nghĩa nào được tìm thấy trong từ điển. Các triết gia và thần học gia người Đức nhiều khi đề cập đến chúng như Urworte.[71] Những từ như: Cuộc sống, ánh sáng, tinh thần, và một số những từ khác có một ý nghĩa quan trọng. Đó là những từ đi sâu hơn nghĩa thông thường của chúng; chúng được kết lại một cách chặt chẽ với một chuỗi những cảm xúc.
Trái tim là một trong những từ ngữ như vậy. Nó có ý nghĩa nhiều hơn một cơ quan bơm máu mà bây giờ các bác sĩ có thể cấy ghép. Chúng ta dùng từ trái tim trong mọi kiểu cách: “trọn cả trái tim của Người”, “có một trái tim”; trái tim (trung tâm) của vấn đề”. Nhưng trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, trái tim biểu thị cốt lõi, trung tâm của con người. Nó nói đến nguồn suối nội tâm của tình yêu. Khi chúng ta nói đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đang nói đến trung tâm con người của Ngài, nơi mà chính Thiên Chúa đã mặc khải một tình yêu vô hạn. Trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được trải nghiệm sự cao – sâu – dài – rộng của Thiên Chúa. Trên thập giá, từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu máu và nước chảy ra và nhờ đó mà chúng ta được cảm nghiệm sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, tiếng cười và tiếng khóc, ánh sáng và bóng tối.
Ngay cả ở đây, ngôn từ của chúng ta cũng không thể nào diễn tả nổi. Khi tôi nói đến “Tình yêu vô biên của Thiên Chúa” thì điều đó không chỉ nói lên rằng Thiên Chúa đã có một tình yêu không có giới hạn như chúng ta đã biết. Hơn thế nữa, Thiên Chúa chính là Tình Yêu vô biên. Kinh nghiệm về tình yêu đó là trung tâm đối với toàn bộ Linh đạo Kitô giáo.[72] Trong Tin Mừng, tình yêu là tất cả. Thánh Gioan đã diễn tả điều đó thật đơn giản “Thiên Chúa là Tình Yêu.”[73]
Sự đáp trả đối với tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa cũng thật đơn giản như vậy. Khi được hỏi giới răn nào là lớn nhất, Chúa Giêsu đã đáp lại không một chút do dự “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình ngươi.”[74] Trong Tin Mừng theo thánh Gioan thì viết rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này :là anh em có lòng yêu thương nhau.”[75] Với thánh Phaolô, ngài nói bằng một câu vắn gọn: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.”[76] Martin Luther King, Jr., cũng đã diễn tả điều này thật cô đọng: “Giáo lý Kitô giáo khẳng định rằng, trung tâm của thực tại chính là Thánh Tâm Chúa Giêsu.”[77]
Sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp chúng ta thăm dò mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. “Điều kì diệu là không phải chúng ta đã yêu Thiên Chúa nhiều như thế nào nhưng mà chính người đã yêu thương chúng ta trước.”[78] Tình yêu của Thiên Chúa giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa là sự giải phóng. Tình yêu đó làm chúng ta nên toàn vẹn, dẫn đưa chúng ta đến việc loan truyền một tình yêu như vậy với niềm hân hoan. Tình yêu này có những đặc tính mà Thánh Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh. Đó là:
-
-
- Được đặt để một cách tự do; là quà tặng tinh tuyền, là ân sủng.
- đau khổ,[79]
- tha thứ, và
- vĩnh hằng.
-
2. Quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biết đào luyện để trở nên hiền lành và khiêm nhường[80]
Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mattheu 11,29 thật rõ ràng và ngay thẳng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Tuy nhiên, trong điều kiện giới hạn của con người chúng ta, thật không dễ để trở nên hiền lành và khiêm nhường. Cần phải có một tiến trình đào luyện.
Chính thánh Vinh Sơn đã cho chúng ta biết, khi ngài còn trẻ, ngài là một người cứng cỏi và rất dễ nổi giận. Ngài có khuynh hướng bị buồn chán trong một thời gian dài, một thời kỳ tăm tối như ngài đã thừa nhận, và cũng đã khiến cho bà Gondi cũng phải chịu ít nhiều đau khổ. Nhưng, thánh Vinh Sơn đã nhận thức được những điều này trong con người của ngài, “Tôi trao phó bản thân tôi cho Thiên Chúa… để thành tâm cầu xin Người thay đổi tính khí cộc cằn và nghiêm khắc này của tôi bằng một sự hiền lành và nhã nhặn. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa chúng ta, cộng với một vài nỗ lực trong bản thân tôi để kiềm chế sự bùng nổ của những đam mê, tôi đã có thể thoát ra được khỏi tính xấu đó.”[81] Ở đây, thánh Vinh Sơn đã nói với một sự khiêm tốn đáng kể.
Cha Abelly, người viết tiểu sử đầu tiên của ngài, đã chứng thực thánh Vinh Sơn rất ngưỡng mộ thánh Phanxicô Salesiô, người mà ngài đã nhận xét là người hiền lành nhất mà ngài đã từng biết. Thánh Vinh Sơn đã học hỏi được rất nhiều điều từ tấm gương của Đức Giám mục Geneva để đạt được một sự hiền lành, nhã nhặn phi thường và một phương cách tuyệt vời để nói chuyện và tương quan với nhiều loại người khác nhau.[82] Thực tế là ngài đã học bài học về sự hiền lành thật tốt vì vậy mà ngài thường được so sánh với thánh Phanxicô Salesiô. Cha Collet đã nhận xét, sự hiền lành và nhã nhặn của ngài đã trở nên như một châm ngôn sống và những điều mà người ta nhận xét về ngài thì cũng giống như chính ngài đã nhận xét về thánh Phanxicô Salesiô.[83]
Đức khiêm nhường đứng gần như cao nhất, và đôi khi thì cũng ở vị trí cao nhất trong danh sách các nhân đức mà thánh Vinh Sơn đã đề nghị với những người đi theo ngài. Ngài đã viết, đó là “…điều căn bản của tất cả sự thánh thiện trong Tin Mừng”,“và là giao ước của toàn bộ đời sống thiêng liêng”. “Ai có nhân đức này sẽ dễ dàng đạt được mọi nhân đức khác; nhưng ai thiếu nhân đức này thì sẽ mất tất cả những điều lành trong mình, và sẽ sống trong lo lắng triền miên.”[84]
Ít khi chúng ta thấy trong Tân Ước có một lời kêu gọi nào rõ ràng như lời kêu gọi của Chúa Giêsu “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Với thánh Vinh Sơn, ngài đã thấy được rằng sự hiền lành và đức khiêm nhường như là những nhân đức tối cần thiết của một nhà truyền giáo; và như hai chị em song sinh, chúng không thể bị tách rời khỏi nhau.[85]
3. Quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu khiến chúng ta trở nên dễ bị tổn thương
Trong tiếng Latinh, từ vulnus có nghĩa là vết thương (wound). Những người khiêm nhường biết sự yếu mềm (woundedness) của mình. Nhưng thực ra, những người dễ bị tổn thương (the vulnerable) lại chính là những người có khả năng đón nhận tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa và tình yêu của tha nhân. Họ biết ý thức về tội lỗi và những giới hạn của họ, đây là một nguyên tắc căn bản để hướng tới đức khiêm nhường và ơn cứu độ. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra sự yếu mềm của mình và khiêm tốn đến cùng Thiên Chúa, thì chúng ta mới có thể được chữa lành. Trong The Ballad of Reading Gaol, Oscar Wilde, nhà thơ và nhà viết kịch người Ailen viết:
“Phải làm cách nào khác nữa đây
Ngoài cách nhờ một trái tim tan vỡ
Để Thiên Chúa có thể ngự vào?”[86]
Trong cuộc đời của văn sĩ Wilde, đây là giai đoạn mà ông đang lâm cảnh phá sản và lưu vong tại Pháp, ông đã thấy rằng trái tim bị tổn thương có một sự cởi mở mà qua đó Đức Kitô có thể ngự vào. Từ kinh nghiệm của mình, Wilde đã nhận thức được rằng, cảm thức về sự yếu đuối của mình giúp chúng ta cởi mở với tha nhân để rồi từ đó chúng ta đáp trả họ với lòng trắc ẩn.
Trong suốt cả cuộc đời, cả thánh Vinh Sơn Phaolô lẫn thánh Louise de Marillac đều nhấn mạnh rằng, lòng tin cậy của chúng ta vào Thiên Chúa và vào tha nhân là nhận thức thiết yếu cho những người được kêu gọi phục vụ người nghèo. Không có một trái tim mềm mỏng (vulnerable heart: trái tim dễ bị tổn thương), chúng ta vẫn chưa được người nghèo đụng chạm đến. Tình yêu của chúng ta không có cảm tính và cũng không thiết thực. Trong tác phẩm Người Chữa Lành Vết Thương, được viết từ hơn ba thập kỉ trước và vẫn còn được phổ biến cho đến ngày nay, Henri Nouwen đã nhấn mạnh, chỉ khi nào chúng ta là người bị tổn thương thì chúng mới có thể là những người chữa lành hiệu quả cho người khác. Một bài suy niệm hàng ngày của Hội Henri Nouwen đã thuật lại những lời của ngài:
Không ai có thể tránh khỏi bị tổn thương. Dù là về thể lý, cảm xúc, tâm trí, hay tinh thần thì chúng ta đều là những con người bị tổn thương. Vì vậy, chúng ta đừng nên lúng túng, vấn đề căn bản không phải là “làm thế nào chúng ta có thể che dấu những vết thương của chúng ta?” nhưng là “làm thế nào để chúng ta đặt sự tổn thương của chúng ta trong việc phục vụ tha nhân?” Khi những tổn thương không còn khiến chúng ta xấu hổ và trở nên nguồn mạch chữa lành, thì chúng ta trở thành những người chữa lành vết thương.
Đức Giêsu là Người Chữa Lành Vết Thương của Thiên Chúa: qua những vết thương của Người chúng ta được chữa lành. Sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu mang lại niềm vui và sự sống. Sự khiêm nhường của Người mang lại vinh quang, sự từ bỏ của Người mang lại một cộng đoàn của tình yêu. Là những người bước theo Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể để cho những tổn thương của chúng ta mang lại sự chữa lành cho tha nhân.[87]
Cuối cùng, thánh Vinh Sơn thúc giục chúng ta chạy đến cùng Thiên Chúa với “niềm tin chan chứa, khi chúng ta nhận ra sự mỏng dòn và yếu đuối của mình.”[88]
4. Quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta một con đường thường chẳng mấy ai đi nhưng hướng tới sự khôn ngoan và sáng suốt
Có một sự khôn ngoan vượt lên trên tri thức nhân loại và sự khôn ngoan đó tuôn tràn từ trái tim. Trong truyền thống Kitô giáo, chân lý và tình yêu là không thể tách rời,[89] tuy những triết gia và thần học gia vẫn thường tranh luận gay gắt về mối quan hệ giữa trái tim và lý trí. Ai lớn lên trong tình yêu thì được thấu suốt chân lý của người được yêu. Chúng ta đến để hiểu những ai mà chúng ta yêu mến, không chỉ ngoài bề mặt nhưng cả trong sâu thẳm của họ. Hơn thế nữa, ai lớn lên trong chân lý thì được hướng tới sự hiệp nhất sâu sắc hơn, vượt lên trên những sự khác biệt. “Việc tìm kiếm chân lý lớn lao hơn bao quát lấy chân lý nhỏ bé của tôi và cả chân lý của tha nhân.”[90]
Trong việc tìm kiếm chân lý, giữa tâm và trí có một sự tương tác với nhau cách tinh tế. Với những ai có trình độ nhận thức cao, câu nói của Pascal có thể là rất hữu ích: “Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể biết được. Chúng ta cảm nhận được điều đó trong hàng ngàn sự việc.”[91] Antoine de Saint – Exupéry cũng quả quyết tương tự như vậy: “Chỉ với trái tim, người ta mới có thể nhìn thấy một cách đúng đắn; vì đôi mắt không thể thấy được những điều cốt yếu sâu thẳm bên trong.”[92]
Với một số người, nhờ sự hiểu biết sâu sắc Thánh Tâm Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu, và nhờ sự thấu hiểu trái tim của người nghèo qua tương quan cá nhân, họ thâu nhận được một sự khôn ngoan mà việc học hành không thể mang lại được. Họ không chỉ đơn thuần biết về Thiên Chúa; hơn thế nữa, họ biết Thiên Chúa. Bởi vì, như thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã nói, Thiên Chúa đã nói với họ theo cách “từ trái tim tới trái tim”. Họ cũng biết người nghèo, bởi vì tình yêu của họ vươn tới để thâm nhập vào trái tim của những người bị bỏ rơi và những người bị bị gạt ra bên lề cuộc sống và làm vọng ngân lên những lời đáp trả.
Trong một bài nói chuyện xúc động, thánh Vinh Sơn đã quả quyết với những Nữ Tử Bác Ái rằng, nếu như họ đến trước Thiên Chúa một cách khiêm nhường, Thiên Chúa sẽ nói với họ theo kiểu “từ trái tim tới trái tim”.[93] Ngài nói với họ: “Một khi một người nào tìm kiếm điều này, Thiên Chúa sẽ làm an tâm linh hồn đó. Đặc biệt, khi Ngài nhìn thấy trên gương mặt của chị sự trọn hảo thiêng liêng, tình yêu, sự tốt lành, sự khôn ngoan của Ngài; những điều mà Ngài đã ghi khắc trong chị bằng ân sủng của Ngài.”[94] Một lần khác, thánh Vinh Sơn cũng đã động viên họ: “Thưa các chị, trong mắt Thiên Chúa chúng ta, những gì sẽ diễn ra nơi đây: mọi hành động, mọi lời nói, mọi việc các chị làm sẽ làm vui lòng Ngài, và người ta sẽ thấy những Nữ Tử Bác Ái thăng tiến từng ngày trong đường nhân đức.”[95]
Chúng ta biết rằng, không phải tất cả những người được học hành đều là những kẻ khôn ngoan. Nhiều khi, chúng ta cũng gặp những người có được sự khôn ngoan nhờ sự kết hiệp với Thiên Chúa như đã được mạc khải nơi Đức Kitô. Họ thấu hiểu được trái tim Thiên Chúa và được hấp thu “sự khôn ngoan từ thượng giới”.[96] Theo như một thành ngữ được trích từ lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mà nhiều thành viên Gia đình Vinh Sơn đọc hàng ngày thì sự khôn ngoan là recta sapere, được dịch cách chuẩn xác hơn là “một cảm thức về sự thật và sự cảm nếm điều tốt lành”.
Thomas Merton đã tóm tắt điều này trong bài thơ ngắn của ông, có tựa đề là “Khôn ngoan”:
“Tôi đã học khôn ngoan nhưng khôn ngoan chẳng dạy tôi điều gì
Tôi học khôn ngoan và quên ngay mọi điều khác:
Khi kiến thức là gánh nặng, tôi phải quên đi
Kiến thức không thể nào từ hư không mà có được
Nếu như tôi khôn ngoan, cuộc sống của tôi ngọt ngào biết mấy
Sự khôn ngoan được nhiều người biết đến
Khi người ta không còn thấy và cũng chẳng nghĩ suy về nó.
Rồi chỉ còn sự hiểu biết mà thôi.” [97]
5. Quy hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu làm cho chúng ta có một tình yêu rộng mở trong sứ vụ truyền giáo và một đức bác ái vừa cảm tính vừa thiết thực
Thánh Vinh Sơn đã nói, tình yêu là một ngọn lửa, một ngọn lửa rực cháy. Tình yêu rộng mở của Thánh Tâm Chúa Giêsu và sự nhiệt tâm của Người được phản chiếu trong trái tim chúng ta, là một tình yêu cháy lên với lòng thương cảm dành cho những ai ở xung quanh chúng ta và làm cho chúng ta đi ra để phục vụ họ. Ngọn lửa tình yêu đó thật nồng ấm nhưng cũng cụ thể và thiết thực, như truyền thống của Gia Đình Vinh Sơn vẫn luôn nhắc nhở chúng ta. Khi nó bừng cháy lên bên trong chúng ta, mọi người sẽ thấy ở đó sự phản chiếu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Nhưng cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng tình yêu này luôn trong sáng và bình yên. Dorothy Day, đã nhắc nhở chúng ra bằng một câu nói của Dostoevsky: “So với tình yêu trong những giấc mơ thì tình yêu trong hiện thực là một điều gay gắt và kinh khiếp.”[98] Yêu có thể là chết đi hàng ngày bằng rất nhiều cách. Yêu có thể là đổ máu, như trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu đã đổ máu trên thập giá. Nhưng tình yêu đó là điều duy nhất đáng giá. Như thánh Phaolô đã chứng thực, tình yêu đó là vĩnh hằng.[99]
Sự Sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có căn nguyên lịch sử từ trong những cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô. Đó là một phương thế mà con người cố gắng để diễn tả sự tự mạc khải chính mình của Thiên Chúa đối với họ. Họ cảm nghiệm điều đó, trong con người của Đức Giêsu, họ đã gặp Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và từ đó, đi tới nơi sâu thẳm trong con người của Đức Giêsu, tới Thánh Tâm của Người, họ đã tìm thấy được tình yêu tha thứ, chữa lành và cứu rỗi.
Điều mà chúng ta gọi là “Sự sùng kính Thánh Tâm” là một việc tôn kính phổ biến cùng với những kinh nguyện và việc thực hành được mộ mến.[100] Việc này bắt đầu với thánh Gioan Eudes và thánh nữ Magarita Maria Alacoc, và là một minh chứng cụ thể để cho thấy việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được cụ thể hóa như thế nào qua một thời kì dài trong lịch sử. Nhưng như chúng ta đã thấy trong niềm tin của thánh Vinh Sơn và thánh Louise, sự quy hướng của các ngài đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu tuy đơn sơ nhưng lại bắt nguồn từ nền tảng Linh Đạo Kitô giáo. Điều này thúc đẩy chúng ta suy gẫm thường xuyên về tình yêu cá vị sâu sắc mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Ở đây, không có vấn nạn về một việc đạo đức mà ngày nay chúng ta gọi là “intimism”, một loại linh đạo sùng bái thái quá vào một ai đó mà không có bất cứ một chiều kích xã hội nào. Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise hoàn toàn muốn tránh hình thức mộ đạo đó. Hơn nữa, điểm nhấn mạnh ở đây là hướng tới những gì là trọng tâm của Tin Mừng: Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình, Người yêu thương chúng ta sâu sắc. Kinh Thánh đầy ắp những hình ảnh diễn tả điều này. Chúa nắm giữ chúng ta trong lòng bàn tay Người. Chúa cùng nhịp bước trên hành trình của chúng ta. Người mạc khải chính Người cho chúng ta một cách trực diện. Người tha thứ tội lỗi của chúng ta. Người sống cho chúng ta. Người chết cho chúng ta.
Truyền giáo và bác ái (Mission et Charité) là hai nhân đức tiêu biểu cho gia đình mà thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã khai sinh. Sự tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu của hai đấng sáng lập và sự tiếp chạm cách đặc biệt của Thánh Tâm Chúa Giêsu vào trái tim của thánh Vinh Sơn và thánh nữ Louise, dẫn đưa hai ngài hướng tới lòng nhiệt thành truyền giáo và đức bác ái vừa cảm tính vừa thiết thực.
Đa Minh Trịnh Công Sơn chuyển ngữ
[1] Tài liệu tham khảo về sự sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu của thánh Vinh Sơn và thánh Louise không được phong phú. Xem E. Didron, “ Louise de Marillac et le Sacré – Coeur,” Pettis Annales de Saint Vincent de Paul1:4 ( 15 / 4 / 1900 ), tr. 97 -102; F. Portal, “ Louise de Marillac et le Sacré – Coeur,” Ibid 1: 6 ( 15 / 6 / 1900 ), tr. 161 – 174.
[2] Buổi nói chuyện 135 “ Nhắc nhở về việc cầu nguyện” , ngày 22 tháng 8 năm 1655. Trong Pierre Coste, CM., Thánh Vinh Sơn Phaolô: Thư từ, Các bài đàm luận, Tài liệu. Được nguyển ngữ sang tiếng Anh bởi Sr.Jacqueline Kilar, D.C., Sr. Marie Poole, D.C., Sr. Ann Mary Dougherty, D.C., 1-13a & 13b ( New York : New City Press, 1985-2010),11: 264. Các trích dẫn sau sẽ được ghi: CCD ( Coste).
[3] Thánh Louise nói về “ những dịp ít ỏi cho niềm thích thú mà tôi tìm thấy trong những thiệp thánh và những việc sùng kính khác” ” trong: Louise Sullivan, D.C., (chuyển ngữ và biên tập), Tài liệu A.11, “Những ghi chú trong một cuộc tĩnh tâm”, trong Các bài viết thiêng liêng của Louise de Marillac: Thư từ và Tư tưởng ( New York: New City Press, 1991), 738, truy cập tại: http://via.library.depaul.edu/ldm/11 (accessed 18 July 2013). Các trích dẫn sau sẽ được ghi là SW
[4] Ga 3:16
[5] 1 Ga 4:16
[6] Ibid., 3:16
[7] X. Rm 8:31-35; 1 Cr 13:1-13; Ep 3:14-19,…
[8] Ga 19:34
[9] Mt 11: 29
[10] Legatus divinae pietatis, IV, 305; Revelationes Gertrudianae, ed. Poitiers and Paris, 1877. Xem tại: http://www.thesacredheart. com/shdhis.htm (truy cập 29 /7/ 2013).
[11] St. Bonaventure, Opusculum 3, Lignum vitae, 29-30.47, Opera Omnia 8:79, at http://www.crossroadsinitiative.com/ library_author/50/pics/library_article.136.doc/Saint_Bonaventure.pdf (truy cập 22 /7/ 2013).
[12] Bản dịch cùa CGKPV – Bài đọc Kinh Sách Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
[13] Thí dụ, chịu lễ vào thứ sáu đầu tháng, tham dự Thánh Lễ chín thứ sáu đầu tháng, tuân giữ các Giờ Thánh, đọc các lời cầu nguyện nhất định nào đó,… Xem http://sacredheartdevotion.com/ (truy cập 15 /7/ 2013).
[14] Thánh Francis de Sales, “Lời nguyện đề tặng,” trong Khảo luận về Tình Yêu Thiên Chúa, Henry Benedict Mackey, O.S.B., chuyển ngữ. (Rockford, IL: Tan Books & Publishers, 1997), tr.58.
[15] Ibid., Book 6, ch 12, 240.
[16] Ibid., Book 7, ch 1, 252.
[17] 16 Ibid., Book 5, ch 11, p. 214.
[18] X. Jesus Living in Mary: Handbook of the Spirituality of St. Louis de Montfort (Litchfield, CT: Montfort Publications, 1994), III, 2b, tại: http://www.ewtn.com/library/Montfort/Handbook/sheart.htm (truy cập18 /7/ 2013).
[19] Một cuộc thảo luận mở rộng về đề tài này có thể cho thấy mức độ đóng góp của vị tu sĩ Dòng Tên đối với Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc đó cũng có thể bao gồm cuộc thảo luận những bài viết của thánh Louis de Monfort, trong những điều nói về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng giống như thánh Gioan Eudes, nó được kết hiệp với việc tôn kính Mẫu Tâm Đức Maria. Vì vậy đã có một cuộc thảo luận về vai trò của vị tu sĩ Dòng Tên và những người khác trong việc khích lệ những sự tôn kính cá nhân và những việc thực hành chung của Việc Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xem. “Devotion to the Sacred Heart of Jesus” (Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu) trong The Catholic Encyclopedia tại http://www.newadvent.org/cathen/07163a.htm (truy cập 18/7/2013). X. Raymond Jonas, France and the Cult of the Sacred Heart (Berkeley: University of California Press, 2000). Các trích dẫn sau sẽ được ghi: Jonas, Cult.
[20] Như bạn đọc đã thấy, để tránh nhầm lẫn, tôi dùng từ “focus”( quy hướng, chú tâm) nhiều hơn từ “devotion” (tôn kính, sùng kính) khi tôi nói về thánh Vinh Sơn và thánh Louise với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Rõ ràng, cả hai vị thánh đều đã tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng cụm từ “ Devotion to the Sacred Heart” ( Việc sùng kính Thánh Tâm) là một thuật ngữ, nó bao gồm vả những việc thực hành cụ thể. Ý nghĩa này xuất phát từ những thị kiến của thánh Magarita Maria, những thị kiến đã bắt đầu vào thời điểm 13 năm sau khi thánh Vinh Sơn và thánh Louise qua đời.
[21] X. Thư 309, “Thư gửi thánh Louise,” [khoảng tháng 2 năm 1638], Coste 1:446.
[22] Thư 109, “Thư gửi thánh Louise,” [tháng 6/ 1632], Ibid., 1:162.
[23] Thư 148, “Thư gửi thánh Louise,” [n.d.], Ibid., 1:212-213.
[24] Thư 216, “Thư gửi thánh Louise,” [1636], Ibid., 1:310.
[25] Thư 288, “Thư gửi thánh Louise,” New Year’s Day [1638], Ibid., 1:408.
[26] X.Thư: 383, 446, 465, 474, “Thư gửi thánh Jane Frances,” đề ngày: 14 /7/ 1639, 14 /5/ 1640, 30 /7/ 1640, và 26 /8/1640, theo thứ tự, Ibid., 1:556; 2:57; 2:101; 2:116-117.
[27] Thư 362, “Thư gửi Madame Goussault,” [tháng 11/ 1638], Ibid., 1:512.
[28] Trích “ Tự Thuật” của thánh Augustino. Ch.10, 27.
[29] Buổi nói chuyện 102, “ Khuyến khích một người anh em đang hấp hối” [1645], Coste, 11:130-131
[30] Buổi nói chuyện 132, “Đức Khó Nghèo,” 13 /8/ 1655, Ibid., 11:228.
[31] Buổi nói chuyện 129, “Nhắc nhở việc cầu nguyện,” 4 /8/ 1655, Ibid., 11:205. Bản dịch đương thời của sách Diễm ca (The Canticle of Canticles) 4:9 được sử dụng trong sách Coste đã dịch từ “vulnerasti” là “ravished” ( bị cướp đoạt, chiếm đoạt; mê mẩn). Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn đã dùng bản Kinh Thánh Vulgate và tôi cảm thấy rằng từ “wounded” ( bị tổn thương ) phản ánh rõ hơn bài đọc thời của ngài.
[32] Buổi nói chuyện 135, “Nhắc nhở việc cầu nguyện,” 22 /8/1655, Ibid., 11:264.
[33] Buổi nói chuyện 130, “ Đức Khó Nghèo,” 6 /8/ 1655, Ibid., 11:212. Cũng xem, Buổi nói chuyện 132, “Đức Khó Nghèo,” 13 /8/ 1655, Ibid., 11:226. Đoạn văn được đọc: “ chúng ta sẽ ngay lập tức lấy làm sung sướng với những quyến rũ của nhân đức đó ( Đức Khó Nghèo), một nhân đức đã làm say đắm con tim và tình cảm của Con Thiên Chúa!”
[34] Buổi nói chuyện104, “Nhắc nhở việc cầu nguyện,” [n.d.], Ibid., 11:135; Buổi nói chuyện 198, “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Luật Chung, Ch. II, số. 2),” 21 /2/ 1659, Ibid., 12:113; và Buổi nói chuyện 199, “Vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa” (Luật Chung, Ch. II, số. 3),” 7/3/ 1659, Ibid., 12:137.
[35] Buổi nói chuyện 203, “Đức Khiêm Nhường “(Luật Chung, Ch. II, số. 7),” 18 / 4 /1659, Ibid., 12:165.
[36] Buổi nói chuyện 207, “Bác Áí” (Luật Chung, Ch. II, số. 12),” 30/ 5 / 1659, Ibid., 12:216, 221.
[37] Xem: Buổi nói chuyện 27, “Thực hành Đức Dịu hiền và Tôn trọng lẫn nhau,” 19 / 8 / 1646, Ibid., 9:207, 211; Buổi nói chuyện 85, “Phục vụ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe bản thân” (Luật Chung, số. 12-16),” 11 / 11/ 1657, Ibid., 10:270; Buổi nói chuyện 40b, “ Đức Khiêm Nhường,” [n.d.], Ibid., 11:50; Buổi nói chuyện 202, “Đức Dịu Hiền” (Luật Chung, Ch. II, số. 6),” 28 / 3/ 1659, Ibid., 12:153; Buổi nói chuyện 203, “Đức Khiêm Nhường” (Luật Chung, Ch. II, số. 7),” 18/4/1659, Ibid., 12:161, 164, 169. Cũng xem tại: SW, tr.118 và tr. 701, truy cập tại: http://via.library.depaul.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1000&context=ldm ( 15 /7/ 2013).
[38] Hiến Pháp và Quy Chế của Tu Hội Truyền Giáo (Rome: 1984; Bản Anh Ngữ, Philadelphia: 1989), tr110. Các trích dẫn sau ghi: Hiến Pháp và Quy chế
[39] Buổi nói chuyện 202, “Đức Hiền Hòa,” 28 / 3 1659, Coste, 12:152.
[40] Ibid., 12:156-157.
[41] Hiến Pháp và Quy chế, 159.
[42] Buổi nói chuyện58, “Tính kiêu ngạo ngầm,” 15 /3/1654, Coste, 9:530.
[43] Buổi nói chuyện 27, “Thực hành Đức Hiền Hòa và Tôn trọng lẫn nhau,” 19 / 8/ 1646, Ibid., 9:211.
[44] Buổi nói chuyện 89, “Hãm Mình, thư từ, các bữa ăn, và các chuyến đi (Luật Chung, số. 24-27),” 9 /12/ 1657, Ibid., 10:327.
[45] Buổi nói chuyện 21, Buổi nói chuyện 85, “Phục vụ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe bản thân,” 11 /11/ 1657, Ibid., 10:268., “Tuân giữ Quy luật,” tiếp theo buổi nói chuyện 22 /1/ 1645, Ibid., 9:176
[46] Buổi nói chuyện 85, “Phục vụ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe bản thân,” 11 /11/ 1657, Ibid., 10:268.
[47] Ibid., 10:269-270.
[48]X. Thư.130c, “Thư gửi Sr. Jeanne-Christine,” [c. 1650], SW, 328, truy cập tại http://via.library.depaul.edu/cgi/viewcontent. cgi?article=1000&context=ldm (truy cập 16 /7/ 2013).
[49] Thư .121, “Thư gửi Sr. Madeleine rất thân tình của tôi,” 27 /6/ 1645, Ibid., 129.
[50] Thư.418, “Thư gửi Monsieur Vincent,” [Thứ hai, Tháng 11, 1564], Ibid., 456; và Thư.456, “ Thư gửi Monsieur Vincent,” Lễ vọng kính thánh Denis [Tháng 10, 1655], Ibid., 487.
[51] Xem, thí dụ, Thư.11, “Gửi Sr. Barbe Angiboust và Sr. Lousie Ganset,” 26 /10/ 1639, Ibid., 20.
[52] X. Thư.40, “ Gửi Madame…,” [Không rõ ngày], Ibid., 679.
[53] Đây là điều thánh Louise de Marillac thường làm như đã được chứng minh bởi các bức thư được viết giữa các năm 1639 và 1660. Xem Ibid., 151-231, trong đó có 25 dẫn chứng về câu cuối thư như vậy.
[54] Xem Thư.58B, “Gửi Sr. Élisabeth Martin,” 7 /8/ [1641], Ibid., 56-57.
[55] A.15B, “On the Desire to Give Oneself to God,” [c. 1622], Ibid., 693.
[56] Cf. l’Abbé Dedouvres, Le Père Joseph et le Sacré-Cœur (Angers: Germain & G. Grassin, 1899), passim, “Exhortation sur les cinq plaies – Exhortation pour la retraite des dix jours.”
[57] Oeuvres Complètes de Saint François de Sales, V, 360. Xem http://visitationspirit.org/2011/09/visitandine-mystics-thesacred-heart/ (truy cập 29 /7/ 2013).
[58] M.69, “On Recreation,” SW, 804.
[59] Thư 50, “Thư gửi thánh Louise,” [khoảng 1630], Coste, 1:81.
[60] A.11, “Những ghi chú trong cuộc tĩnh tâm,” SW, 783.
[61] Thư 3, “Gửi một chị nữ tu,” [ giữa 1640 và 1646], Ibid., 335.
[62] Có một điều thú vị đáng lưu ý là trong bản in tiếng Pháp của Écrits Spirituels, bức thư được liệt kê như bức thư số 3 xuất hiện hai lần. Lần đầu, được trích dẫn ngay phía trên của bản chú thích cuối trang (footnote); lần thứ 2 ở Thư số 3, “à Sœur Barbe Angiboust,” [vers 1637], ES, 680. Tuy nhiên, trong bản dịch tiếng Anh, lần xuất hiện thứ hai trong thư số 3 bị loại ra. Chú thích của dịch giả ghi rằng: “các mục không thể xác nhận đã bị loại bỏ.”Xem SW. xxxxv.
[63] Thư190, “Gửi Monsieur Vincent,” [Tháng 8 1647], SW, 224; Cũng bức thư như thế này đã được thấy nhưng đã được gán cho ngày tháng khác. Xem Thư 999, “Thánh Louise gửi thánh Vinh Sơn,” tháng 10, 1647, Coste 3: 255.
[64] Thư 2150, “Gửi Jean Martin, Superior, ở Turin,” [29 /9/ 1656], Coste, 6:111.
[65] Đây là một đề tài khác, cũng có sự liên hệ nhưng không được trình bày ở đây, tuy vậy nó cũng có công trong việc nghiên cứu sâu hơn. Trong việc thiết lập Hội Bác Ái ở Chaatillon-les-Dombes vào tháng 11 năm 1617, Thánh Vinh Sơn đã chọn Thiên Chúa của Lòng Bác Ái như là Quan Thầy của họ: “ Trước đây, trong tất cả các hội bác ái, theo truyền thống thánh thiện của Giáo Hội là phải đặt một vị thánh bổn mạng, và để những công việc đạt được những giá trị và phẩm giá mà vì đó các hội này được thực hiện, Những Tôi Tớ của Người Nghèo nhận Đức Giêsu Chúa Chúng Ta làm Quan Thầy nhằm để được tương hợp với niềm khao khát cháy bỏng của Người là các Kitô hữu luôn thực hiện những công việc bác ái và lòng thương xót giữa cuộc sống của họ. Ước muốn này Người đã nói rõ với chúng ta bằng chính lời của Người: “ Hãy thương xót như Cha Ta là Đấng thương xót” và “ Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn…Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm,…mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.” Xem Tài liệu 126, “ Hội các bà bác ái ( Châtillon-les-dombes)”,tháng 11-12 năm 1617, Ibid 13b:9
[66]Bức tranh ở Boulages rất thú vị. Fernand Portal, ở một bài viết trong cuốn Tiểu sử thánh Vinh Sơn Phaolô (Petites Annales de St. Vincent de Paul, 1ère Année (Juin 1900), N°6) tr. 173-174, đã miêu tả nó như sau : “Tableau conservé à l’église de Boulages, diocèse de Troyes. Notre-Seigneur porte sur la poitrine un cœur couronné d’épines et surmonté d’un jet de flammes. En haut, des anges déploient des banderoles sur lesquelles on lit, à droite: ‘Venez, les bien aimés de mon Père, posséder le royaume qui vous a esté préparé dès le commencement du monde’; à gauche: ‘Pour ce que j’ay eu faim vous m’avez donné à manger, j’ay eu soif et vous m’avez donné à boire, j’ay été malade et vous m’avez visité.’ Au bas, à droite, un prêtre donne la communion à un mourant et plusieurs personnes sont à genoux auprès du lit; à gauche, deux groupes de Dames de la Charité servent des malades. Tout à fait au bas, bien en évidence: ‘La Charité de Jésus-Christ nous presse,’ et au-dessous: ‘Dieu est charité et qui demeure en charité demeure en Dieu et Dieu en lui.’ Ce tableau, peint par Duviert, est de 1666.” Nhưng các bức ảnh hiện nay của bức tranh thì không thấy có trái tim. Sử gia John E. Rybolt, C.M., người đã nhìn thấy và chụp hình bức tranh, chứng thực rằng không thấy có hình trái tim của Chúa Giêsu.
[67] Thực tế, thánh Vinh Sơn và thánh Louise, trong suốt những năm đó, đã gửi nhiều loại tranh khác nhau đến cho các Nữ Tử Bác Ái để họ có thể phân phát chúng cho người nghèo. Các ngài đã đánh giá đây là một phương pháp dạy giáo lý hữu hiệu.
[68] Để nghiên cứu chi tiết hơn. Xem John E. Rybolt, C.M., “ Biểu tượng và châm ngôn của Tu Hội Truyền Giáo ( “The Emblem and Motto of the Congregation of the Mission,”) Vincentian Heritage 22:2 (2001), 123-52. X. http://via.library.depaul.edu/vhj/vol22/iss2.
[69] Xem thư 1872, “ Gửi cha Firmin Get, Bề trên , ở Marseilles,” 14 /5/ 1655, Coste, 5:380n3.
[70] Có nhiều đề tài thú vị khác để có thể viết về mối liên hệ giữa Thánh Tâm Chúa Giêsu và truyền thống Vinh Sơn. Thí dụ như, hình ảnh ở mặt sau của Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ, các hình ảnh của thánh Vinh Sơn với trái tim bừng cháy…v.v . Tuy nhiên, để giữ bài viết này trong độ dài cho phép, tôi phải để lại những đề tài đó cho dịp khác ( và có thể là cho một tác giả khác!).
[71] Xem bài thơ “Urworte. Orphish” của Goethe, trong đó có liệt kê năm từ như thế : ma quỷ, cơ hội, tình yêu, sự cần thiết, và hy vọng. Karl Rahner, thần học gia vĩ đại của thế kỷ 20 đã nói về Urworte như là “những từ ngữ sáng tạo”, “ những ca từ sinh động trong bản nhạc du dương của những vở kịch bất tận”, “những từ ngữ căn bản trong cánh cửa được mở ra một cách nhiệm mầu để chúng ta đi vào trong sự sâu xa khôn thấu của chân lý”. Paroles maternelles hay paroles – de-l’origine (urworte) là một kiểu câu căn bản mà Karl Rahner đã dùng trong bài “ Prêtre et poète” ( Linh mục và nhà thơ), Éléments de théologie spirituelle ( Paris: Desclee De Brouwer, 1964).
[72] Thần học gia Karl Rahner nói tới đề tài này một cách thường xuyên, rõ ràng, trong bối cảnh của việc sùng kính Thánh Tâm. Xem “Behold this Heart,” Theological Investigations III, 321-330; “Some Theses for a Theology of Devotion of the Sacred Heart,” Ibid., 331-352; “A Theology of Symbol,” Theological Investigations IV, 221-252; “Ignatian Spirituality and Devotion to the Heart of Jesus,” Mission and Grace, Cecily Hastings, trans., 3 vols. (London: Sheed and Ward, 1966), 3:176- 210.
[73] 1 Ga 4:16.
[74] Lc 10:27.
[75] Ga 13:35.
[76] Rm 13:8.
[77] Martin Luther King, Strength to Love (1963; repr. Philadelphia: Fortress Press, 1981), 97.
[78] Ga13:35.
[79] Thần học cổ điển đã rất kiên định khi cho rằng thật khó để dung hòa mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu như là “ tình yêu chịu đau khổ” với niềm xác tín của Thần học cổ điển về Thiên Chúa, một hữu thể tuyệt đối, không thể đau khổ
[80] Ở một bài khác, tôi đã viết khá dài về đức dịu hiền và khiêm nhường trong truyền thống Vinh Sơn. X. Robert P. Maloney, C.M., The Way of St. Vincent de Paul ( Con Đường Của Thánh Vinh Sơn) (New York: New City Press, 1992), 37-69; cũng như ở “A Further Look at Gentleness” ( “ Một cái nhìn sâu sắc hơn về Đức Dịu Hiền” trong Seasons in Spirituality: Reflections on Vincentian Spirituality in Today’s World (Những mùa trong đời sống thiêng liêng: những sự phản chiếu của Linh Đạo Vinh Sơn trong thế giới ngày nay)(New York: New City Press, 1998), 81-100.
[81] Louis Abelly, The Life of the Venerable Servant of God Vincent de Paul: Founder and First Superior General of the Congregation of the Mission,( Cuộc đời của Vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa, Vinh Sơn Phaolô: Đấng sáng lập và Bề trên tiên khởi của Tu Hội Truyền Giáo) 3 tập. (New York: New City Press, 1993), 3:163. Các trích dẫn sau được ghi: Abelly.
[82] Ibid., 3:165.
[83] Xem, Pierre Collet, La Vie de St. Vincent de Paul (Nancy: A. Leseure, 1748), Tome I, book 2, 99, online at http://via.library. depaul.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1000&context=collet_mfr (truy cập 22/7/ 2013).
[84] Hiến Pháp và Quy chế, “ Luật Chung, II, 7,” 111.
[85] Buổi nói chuyện 202, “Đức Dịu Hiền” (Luật Chung , Ch. II, số. 6),” 28 /3/ 1659, Coste, 12:152.
[86] Xem, http://emotionalliteracyeducation.com/classic_books_online/rgaol10.htm (truy cập 25 /7/ 2013)
[87] “The Wounded Healer,” Daily Meditations series, 8 July 2012, Henri Nouwen Society, available from http://www. henrinouwen.org. See also: Nouwen, The Wounded Healer (New York: Doubleday, 1979); and, Bread for the Journey (San Francisco: Harper Collins, 1997).
[88] Thư 1020, “Gửi Charles Nacquart, ở Richelieu,” 22 /3/ 1648, Coste, 3:279.
[89] Eph 4:15; Cl 3:14, 1 Cr 13:6.
[90] Timothy Radcliffe, I Call You Friends (New York: Continuum, 2001), 80.
[91] Blaise Pascal, Pensées, W.F. Trotter, trans. (1670), paragraph 277, online at http://oregonstate.edu/instruct/phl302/texts/ pascal/pensees-a.html#SECTION%20IV (accessed 23 July 2013).
[92] Antoine de Saint-Exupéry, Le Petit Prince (Gaillimard, 1943), chapter 21.
[93] Buổi nói chuyện 21, “Tuân giữ Quy luật,” Phần tiếp theo của buổi nói chuyện ngày 22 /1/ 1645, Coste, 9:176.
[94] Buổi nói chuyện 99, “Tin tưởng vào Quy luật” (Luật Chung, số 43),” 21 /7/ 1658, Ibid., 10:436.
[95] Buổi nói chuyện 105, “Trật tự của Ngày (Số 1-7),” 17 /11/ 1658, Ibid., 10:481.
[96] Gc 3:17; Cn 2:10 và 14:33.
[97] Xem, http://www.lorenwebster.net/In_a_Dark_Time/2004/04/10/the-selected-poems-of-thomas-merton/ (truy cập 23 /7/ 2013).
[98] Dorothy Day, “On Pilgrimage – October/November 1976,” The Catholic Worker (Oct.-Nov. 1976), 1, 4, 7, online at http:// www.catholicworker.org/dorothyday/daytext.cfm?TextID=574 ( truy cập 23/7/2013).
[99] 1 Cr 13:13
[100] Vào thời Cách mạng Pháp, đặc biệt là ở Vendée, và lặp lại vào năm 1870, việc sùng kính Thánh Tâm đã gặt hái được những ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và trở thành một biểu tượng của phong trào phản cách mạng nhiệt tình của một số người công giáo. Đó là lý do tại sao Thánh đường Thánh Tâm ở Paris đã phải nhận những khó khăn ban đầu bởi một số người Paris. Xem Jonas, Cult, 122- 197. Thật thú vị là Thánh đường này có một nhà nguyện để tưởng nhớ đến thánh Vinh Sơn, trong đó có một bức khảm mỹ thuật về sự tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu rất nổi bật của thánh Louise. Nó miêu tả “Thiên Chúa của Lòng Bác Ái” mà bây giờ đang được treo ở Nhà Mẹ của Nử Tử Bác Ái. Có những tham luận khác nhau trong cuốn Annales (Sử biên niên) đối với sự tôn kính mà các cha Étienne, Fiat, Villette đã dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xem, một vài ví dụ, Annales 81(1916),600; Annales 98 (1933), 685.