Thánh Vinh Sơn Nhận Biết Thánh Ý Chúa Như Thế Nào?

0
1168

Nhiều linh mục và tu sĩ thường hay nói với chính mình và còn khuyên bảo các tín hữu hãy làm theo ý Chúa. Đó là điều thật tuyệt vời và đẹp lòng Chúa biết bao, thế nhưng làm sao con người, một thụ tạo giới hạn về tri thức lẫn nhận thức lại có thể biết được đâu là ý Chúa. Phải chăng họ chỉ đang gán ghép ý mình thay vì ý Chúa? Phải chăng họ lợi dụng quyền hạn áp đặt trên người khác để nói với người dưới rằng đó là những gì Chúa muốn? Phải chăng đó là một trong những câu nói vội vàng nơi cửa miệng hay vô tình đổ lỗi cho Chúa, khi gặp phải những rủi ro hay những điều trái ý: “đó là ý Chúa,” “hãy chấp nhận thập giá Chúa gửi đến.” Nếu ý Chúa chỉ dừng lại ở những ý tưởng hạn hẹp bị con người áp chế, thì quả thật sẽ không có những vị thánh hiến dâng trọn đời mình thực thi ý Chúa và Giáo Hội của Chúa sẽ chỉ là một Giáo Hội lừa dối đến ngày tàn lụi. Sự thật, Giáo Hội đã, đang và vẫn luôn đứng vững, bởi con người có thế nhận biết được ý Chúa và làm theo ý Ngài. Thánh Phaolô Tông đồ nhận ra ý Chúa qua biến cố trên đường đến Đamas. Thánh Augustinô nhận ra ý Chúa khi ngài cầm sách thánh trên tay, mở ra và đọc đoạn: “Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cãi cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm13,13). Và còn thật nhiều những vị thánh cũng như những con người thánh thiện khác đã nhận ra ý Chúa mà thành lập các Dòng Tu, các Tu hội, các Hiệp Hội cho sứ vụ rao giảng Nước Chúa.

Là một chủng sinh của Tu hội Truyền Giáo, tôi cũng thao thức được nhận ra ý Chúa và thực thi ý Ngài cho đúng với ơn gọi của mình. Vì thế, tôi đã bắt đầu tìm hiểu cách thức mà cha thánh Vinh Sơn nhận ra ý Chúa trong cuộc đời của ngài. Từ đó, tôi hy vọng sẽ học biết được ý Chúa qua việc bắt chước cha thánh tổ phụ.

Hỏi ý kiến những vị khôn ngoan, những cha linh hướng thánh thiện, khiêm nhường, là cách thức cha Vinh Sơn thường hay làm để nhận ra ý Chúa. Vào cuối năm 1617, cha Vinh Sơn đã bí mật rời khỏi gia đình Gondi. Đó là sự tổn thất vô cùng to lớn đối với gia đình quý tộc này, vì thế bà Gondi đã tìm đủ mọi cách để cha Vinh Sơn quay về. Nghe những lời thỉnh cầu tha thiết, cha Vinh Sơn rất đắn đo, cha đã suy nghĩ rất nhiều và rồi quyết định đi Paris để hỏi ý kiến những người khôn ngoan biết cha rõ nhất, và họ có thể giúp cha một cách tốt nhất trong việc nhận biết ý muốn của Thiên Chúa. Kết quả của biến cố này là vào giữa tháng 12 năm đó, cha giã từ các tín hữu ở Châtillon để về lại gia đình Gondi, đồng thời cha nói với giáo dân là khi xưa, lúc cha đến đây, ý định của cha là sẽ ở cùng họ cho đến chết, thế nhưng ý muốn của Thiên Chúa thì lại khác và cha phải vâng phục Thiên Chúa.[1]

Trong nỗ lực vâng phục thánh ý Thiên Chúa, cha Vinh Sơn được hướng dẫn bởi tập “Quy Tắc Để Nên Hoàn Thiện” của Benoit de Canfield. Cha nhận biết được thánh ý Thiên Chúa, ngay cả khi nó được biểu hiện qua những biến chuyển bên trong của ân sủng, cũng như được biểu hiện một cách rõ ràng hơn qua những mệnh lệnh của các bề trên. Với kế hoạch thành lập Tu hội Truyền Giáo được thôi thúc từ bên trong lẫn những tác động bên ngoài, cha cảm thấy cần phải hỏi vị linh hướng của mình, là cha André Duval tốt lành. Cha Vinh Sơn đã nói với cha Duval một cách tỉ mỉ về những công việc, những kinh nghiệm, và về những hy vọng của mình. Cha nói về sự khốn cùng về mặt thiêng liêng của những người nông dân, việc họ dốt nát về giáo lý, việc họ đói khát lời Chúa, về tình trạng thiếu thốn kinh khủng những mục tử đạo đức trong trong các giáo xứ miền quê, về những thành quả của việc truyền giáo và những phúc lành mà Thiên Chúa đổ xuống trên công việc truyền giáo. Đó là một sự độc thoại dài, qua đó cha dốc hết tâm hồn của mình trước mặt vị linh hướng tốt lành, giống như thể cha làm điều đó trước mặt chính Thiên Chúa. Sau cùng, cha im lặng và run rẩy chờ đợi câu trả lời của vị linh hướng. Cha Duval chỉ cho cha một câu Kinh Thánh: “đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều” (Lc 12,47). Vừa mới nghe những lời này, Vinh Sơn cảm thấy có sự bùng nổ ân sủng một cách mạnh mẽ trong tâm hồn. Đó chính là mệnh lệnh của Thiên Chúa mà cha đang đi tìm, cha không còn nghi ngờ gì nữa. Thiên Chúa kêu gọi cha, cùng với những người muốn đi theo cha, hoàn toàn hiến thân để ra đi loan báo Lời Chúa ở miền quê, để rao giảng, để dạy giáo lý, để giải tội, để giải hòa, tóm lại là để phục vụ những người đang ở miền quê về mặt tinh thần. Việc sáng lập Tu hội đã được quyết định.

Một lần khác, vào năm 1630, Tu viện trưởng Adrien Le Bon, đã quyết định giao Tu viện Saint- Lazare rộng lớn và giàu có vào tay cha Vinh Sơn. Điều này đặt cha Vinh Sơn vào thế do dự như thể đang đứng trước ngã tư quan trọng. Cha Vinh Sơn đã từ chối món quà to lớn này, cha nói: “lời đề nghị này vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, và tôi không dám nghĩ đến. Chúng tôi chỉ là những linh mục nghèo nàn, chúng không có tham vọng gì khác, ngoài việc chỉ biết phục vụ những người nghèo ở miền quê. Chúng tôi rất biết ơn về lòng tốt của ngài, và chúng tôi cám ơn ngài rất nhiều, thế nhưng chúng tôi không thể nhận được.”[2] Phải chăng cha Vinh Sơn không nhận món quà Saint-Lazare là bởi cha chưa biết được ý Chúa hay cha chỉ đang tự nghĩ rằng Saint-Lazare có vẻ giống như bộ y phục quá cỡ cho cơ thể nhỏ bé của Tu hội. Mặt khác, tương lai của Tu hội không được khá sáng sủa vào năm 1630. Việc từ chối của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin trong việc phê chuẩn Tu hội, vừa mới xảy ra thôi và các cuộc thương lượng với Thánh Bộ tu sĩ, vẫn chưa bắt đầu. Trong những điều kiện như thế, làm thế nào dám dấn thân mạo hiểm đến ở tại Saint-Lazare được?

Tu viện trưởng Adrien Le Bon đã năn nỉ và cố gắng thuyết phục cha Vinh Sơn nhiều lần trong năm sau đó, nhưng chỉ nhận được lời từ chối rất khiêm tốn của nhà truyền giáo đáng kính. Tuy nhiên, Tu viện trưởng đã không bỏ cuộc khi tìm đến vị linh hướng tốt lành của cha Vinh Sơn. Kết quả là đứng trước tiếng nói của Thiên Chúa, qua môi miệng của vị linh hướng, cha Vinh Sơn đành chấp nhận.

Mặc dù cha Vinh Sơn đồng ý với bản hợp đồng có được Saint-Lazare, nhưng để có được món quà này, các cha truyền giáo đương đầu với không ít khó khăn. Trong vụ kiện với các kinh sĩ Saint Victor, cha Vinh Sơn dường như đã muốn từ bỏ việc kiện tụng sở hữu nhà Saint-Lazare nhưng được cha André Duval ngăn cản. Cha Vinh Sơn đã viết cho một người bạn: “Anh có biết rằng các kinh sĩ Saint Victor đang tranh chấp quyền của chúng tôi đối với Saint-Lazare nhưng anh không thể tưởng tượng được tôi đã phục tùng họ một cách nghiêm túc và phù hợp với lời dạy của Phúc âm, mặc dù trên thực tế, những tuyên bố của họ không có nền tảng hợp lý. Cha Duval đã đảm bảo với tôi cũng như những người quen thuộc với công việc kinh doanh đã nói với tôi. Kết quả sẽ là bất cứ điều gì làm vừa lòng Chúa chúng ta. Và quả thật, Thiên Chúa biết rằng sự tốt lành của cha Duval đã khiến tôi được sự hoàn trả trong dịp này như tôi đã từng có trong những chuyện khác.[3] Tới lúc này, cha Vinh Sơn thực sự nhận ra ý Chúa, không chỉ bởi lời khuyên hữu ích từ cha linh hướng mà còn bởi cha có một lương tâm rất sâu sắc về những bổn phận trong tư cách là người đứng đầu một Tu hội. Cha biết rằng bảo vệ những quyền lợi của mình, chính là bảo vệ hàng ngàn người nghèo, là những người nhận được từ cha và các cộng sự viên của cha những sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất, mà không ai mang lại cho họ. Trong vụ Saint-Lazare này, cha cũng nghĩ rằng tương lai của Tu hội đang bị đe dọa và người ta đang đùa giỡn với phần rỗi đời đời của những người nghèo ở miền quê. Vì vậy cha xác tín rằng, việc vui lòng nhận Saint-Lazare là ý muốn của Thiên Chúa. Cha đã đấu tranh cho việc đó một cách mạnh mẽ giống hệt như khi cha ra sức từ chối nó.[4]

Làm linh thao hay có những cuộc tĩnh tâm là phương thế thứ hai mà cha Vinh Sơn tận dụng để nhận biết thánh ý Chúa. Cha biết rằng cần có những phương tiện của Thiên Chúa, cho các mục đích của Thiên Chúa. Trong dịp linh thao ở Valprofonde, lần đầu tiên, một cha dòng Chartreux đánh tan những mối e sợ của cha Vinh Sơn về cám dỗ lỗi đức trong sạch, bằng cách kể lại một giai thoại của một vị Giám mục ở thời Giáo Hội sơ khai, đã bị cám dỗ khi rửa tội cho các phụ nữ:

“Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội, một Giám mục thánh thiện nọ chịu đựng những cơn cám dỗ này khi rửa tội cho các phụ nữ, qua việc ngài dìm họ xuống nước. Nhiều lần, ngài cầu xin Chúa giải thoát ngài khỏi những cơn cám dỗ này, nhưng Chúa đã không nhậm lời. Cuối cùng, ngài nản chí và rút vào trong sa mạc. Tại đây, Chúa cho ngài thấy ba cái triều thiên, và có một cái sang trọng hơn hai cái kia mà Chúa đã chuẩn bị cho ngài, nếu ngài biết kiên trì. Và rất có thể ngài sẽ nhận cái ít sang trọng hơn, vì ngài không có niềm tin vào Chúa, là Đấng gìn giữ ngài không bị sa ngã, bởi vì ngài đã bằng lòng để cho mình bị thử thách trong ơn gọi của mình.”[5]

Mặc dù, sau nhiều biến cố, cha Vinh Sơn mới có ý định sáng lập Tu hội Truyền Giáo. Nhưng cha vẫn tự hỏi là không biết điều này có thật sự xuất phát từ Thiên Chúa, hay đó chỉ là một ước vọng hoàn toàn tự nhiên hoặc thậm chí đó là một sự gợi ý của ma quỷ hay không? Cha đứng trước kế hoạch mà Thiên Chúa sắp sửa giao phó, nhưng cha không chắc đó có phải ý Chúa không? Vì thế, cha đã làm cuộc tĩnh tâm ở Soissons.

“Anh em hãy nhớ lại rằng, anh em và tôi là những người phải tuân theo hằng ngàn đà tiến của thiên nhiên và tuân theo hằng ngàn đà tiến của điều mà tôi đã nói với anh em: đó là khi ý định thành lập Tu hội Truyền Giáo được nảy sinh, ý nghĩ đó luôn ở trong tâm trí và điều này khiến cho tôi bất chấp, cho dù ý định đó đến một cách tự nhiên hay là do Satan ma quỷ. Vì vậy tôi tự ý đi Soissons để tĩnh tâm, và nếu Thiên Chúa muốn, xin Ngài cất đi khỏi tâm trí tôi, ý muốn và sự hăng say của tôi về ý định này. Và nếu Thiên Chúa muốn, vì lòng thương xót của Ngài, xin Ngài nhậm lời tôi, mà cất đi khỏi tâm trí tôi ý muốn hay là sự hăng say của tôi về ý định này, và để tôi rơi vào tâm trạng ngược lại.”[6]

Từ kinh nghiệm bản thân, tìm ý Chúa qua những lần linh thao cùng với việc nghe tiếng Chúa qua các nhu cầu của một hoàn cảnh cụ thể, được bày tỏ qua lời yêu cầu của người đang lâm vào hoàn cảnh nào đó, hay bởi một người nói thay cho họ, cha Vinh Sơn đã áp dụng việc thực hành tốt đẹp này để giúp các tiến chức cũng có được những cảm nghiệm riêng với Chúa. Đó là điều đã xảy ra ở Châtillon, ở Folleville và đặc biệt ở trên chiếc xe song mã của Giám mục Beauvais vào giữa tháng 7 năm 1628. Vị Giám mục có vẻ thiu thiu ngủ, sau một lúc, ngài hé mở mắt và thì thầm:

“Tôi tin là đã tìm được một phương pháp ngắn gọn và hữu hiệu để chuẩn bị cho các tiến chức đón nhận các chức thánh, đó là tập họp họ lại ở trong căn nhà tôi, và giúp họ chuyên tâm vào những việc đạo đức, và học các bổn phận và các thừa tác vụ của mình.”

Cha Vinh Sơn liền chộp lấy sự gợi ý:

“Thưa Đức Cha, ý tưởng này đến từ Thiên Chúa. Phần con cũng vậy, con thấy hình như đó là phương thế thích đáng nhất, để cho hàng giáo sĩ của giáo phận của Đức Cha, dần dần đi vào con đường ngay lành…”

Vị giám chức nói: “Chúng ta hãy bắt tay vào việc. Hãy lên một chương trình, hãy lập danh sách các đề tài cần được trình bày, và trở về Beauvais mười lăm hay hai mươi ngày trước đợt truyền chức vào tháng chín, để tổ chức cuộc tĩnh tâm.”[7]

Có thể thấy được nhiều lần người ta, kể cả những người cùng thời với cha Vinh Sơn nói rằng cha chậm chạp trong những quyết định của mình. Người ta đã không biết rằng cha Vinh Sơn hầu như là hết sức chậm, khi ngài chưa nhìn thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong trường hợp chấp nhận Saint-Lazare, ngài phải để ra một năm để mới quyết định dứt khoát. Thế nhưng, một khi ý muốn của Thiên Chúa đã được thể hiện qua một biến cố, qua một mệnh lệnh của thẩm quyền, hay là qua lời khuyên của một vị linh hướng, Vinh Sơn liền quyết định hết sức mau lẹ. Hiệp hội các giáo sĩ là một trong những cơ hội đó. Đó là ít ngày sau khi nghe lời tâm sự của vị linh mục tốt lành về việc tập hợp những giáo sĩ thành một hiệp hội với mục đích duy trì sự nhiệt tình trong ơn gọi thưởu ban đầu, cha đã hình thành kế hoạch và đưa ra thực thi ngay.[8]

Cha Vinh Sơn nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa được biểu lộ qua các quyết định của Giáo Hội. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1617, trong lâu đài của gia đình Gondi trên đường Pavée thuộc giáo xứ Saint-Sauveur, Tu hội của những nhà truyền giáo đã được thành lập. Tuy nhiên, vấn đề là người ta không biết rõ: đó là một “hiệp hội đạo đức, một tập họp, một cộng đoàn hay một huynh đoàn.” Tất cả những danh xưng này đều có thể được áp dụng cho Tu hội một cách rõ ràng và người ta cũng không biết những ai thuộc về Tu hội này. Sự thực là chỉ có một người hiện hữu, là vị sáng lập, trong kỳ hạn một năm, phải bắt đầu quy tụ sáu thành viên hay ít ra bằng với số người, mà thu nhập của Tu hội cho phép.[9] Hơn nữa, cha Vinh Sơn biết rằng người nghèo không chỉ ở trong lãnh thổ gia đình Gondi, hay chỉ ở trong nước Pháp. Cha biết rõ việc được phê chuẩn của Giáo phận và của nhà vua không đủ để đảm bảo cho sứ vụ mang tính toàn cầu mà Chúa giao phó. Vì những lý do đó, cha ao ước được Tòa Thánh công nhận và trao cho Tu hội một giấy chứng minh trong Giáo Hội hoàn vũ. Cha biết đây là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy công trình đang thực hiện, tuân theo những ý định của Thiên Chúa. Nó cứu giúp cho một nhu cầu cần thiết không những của Giáo Hội Pháp, nhưng còn là của Giáo Hội hoàn vũ nữa nên cha đã nhanh chóng lao vào việc vận động để có được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng.

Từ năm 1627 nhiều lần cha Vinh Sơn và những cộng sự nếm mùi thất bại trước việc từ chối của Tòa Thánh. Ở Roma, người ta hiểu sai về Vinh Sơn. Còn cha cũng tỏ ra bướng bỉnh, khi việc đó là vấn đề quyền lợi cho vinh quang của Thiên Chúa. Cha không nản lòng mà tiếp tục theo đuổi vụ việc, bằng cách lưu ý đến những lý do của sự thất bại vừa qua. Bên cạnh đó, chính Đức Giáo Hoàng cũng đã nhận ra nguồn gốc thần linh, nơi cảm hứng thành lập một Tu hội Truyền Giáo của cha Vinh Sơn, khi ngài nói: “Thiên Chúa là tác giả của tất cả mọi điều tốt lành, đã gợi hứng ý định này cho Vinh Sơn. Và một khi đã bắt đầu chủ định bổ ích này, Vinh Sơn đã nhận lấy trách nhiệm của mình, mà khai sinh ra Tu hội này.”

Sau cùng, các cuộc thương lượng kết thúc với một thành công bất ngờ. Tu hội Truyền Giáo được nghiêm túc phê chuẩn đúng như từ ngữ của nó, và theo những điều kiện mà vị sáng lập mong muốn, không phải bằng một phúc thư thường của Hội đồng các Giám mục và Tu sĩ, nhưng bằng một Sắc chỉ của chính Đức Giáo Hoàng, nghĩa là văn kiện trang trọng nhất của Giáo Hoàng. Đến ngày 12 tháng Giêng năm 1633, Đức Giáo Hoàng Urbain VIII ký sắc chỉ Salvatoris nostri, về việc thiết lập và chuẩn y cho Tu hội Truyền Giáo.[10]

Thêm một lần nữa thánh ý Thiên Chúa biểu lộ qua quyết định của Giáo Hội, đó là vụ tranh luận của các thành viên trong Tu hội, những người ủng hộ và những người phản đối việc tuyên khấn. Cuộc tranh luận này đã kéo dài qua hai kỳ Tổng Đại Hội[11] và cả hai phía đều không thể thống nhất quan điểm cho đến khi gợi ý thứ tư được cha Vinh Sơn đưa ra, đó là chúng ta nên nhờ đến Roma. Giải pháp này đều được những người ủng hộ và những người chống lại các lời khấn, chấp nhận. Trong lần tranh luận trước đó, các cha Dehorgny, Portail và Lambert đã gợi ý giải pháp này rồi. Và cha Alméras là người chống đối mạnh mẽ việc tuyên khấn này, cũng đã đồng ý với họ. Thật ra, vấn đề này đang được thảo luận, và nó không cần thiết lắm việc họ có nên tuyên khấn hay không, nhưng đúng hơn là vấn đề Tu hội có nên tiếp tục ở trong tình trạng không chắc chắn vì giá trị pháp lý đáng ngờ vực về sự phê chuẩn của Đức Giám mục cho các lời khấn của họ. Cha Lambert bày tỏ lập trường một cách rõ ràng rằng “tốt hơn là nên tuyên khấn, tuy nhiên chúng ta cần phải tham khảo Roma.”[12]

Một yếu tố không thể bỏ qua trong việc nhận định ý Chúa mà cha Vinh Sơn rút ra được qua các buổi hội họp đó là phải cố gắng từ bỏ ý riêng và đặt mọi sự với mục đích làm vinh quang danh Chúa. Cha nói rằng: “Dục vọng là thành phần của tính kiêu ngạo và của lòng ham muốn tự mãn. Trong buổi họp, thông thường người ta thích ý kiến của mình được để ý. Người ta lo lắng những người khác đạt được mục tiêu, người ta muốn thắng thế, người ta tin rằng mình có những lý do thuyết phục hơn. Nếu người ta hành động theo tính tự nhiên thì dẫn tới mâu thuẫn với tất cả và chỉ là ngoan cố, nhưng nếu theo nhân đức của một thừa sai tốt lành, người ta từ bỏ phán đoán riêng, nhường nhịn người khác và yêu thích tâm tình của họ hơn mình. Ôi! Chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu chúng ta xử sự cách ấy! Chúng ta sẽ có sự thỏa lòng là Chúa chúng ta đang chủ trì mọi công việc của chúng ta.”[13] Hơn nữa “khi các việc được đưa ra bàn luận, trước hết phải ngắm nhìn mục đích. Mục đích này có phải là vinh quang Thiên Chúa không? Sau đó là lợi ích và thiện ích của Tu hội, rồi đến lợi ích của những người mà chúng ta đang phục vụ.”[14] Một lần khác, cha Vinh Sơn nói với các thành viên: “để tìm được nhũng phương thế thích hợp thực hiện kế hoạch, trước tiên phải quy hướng về Chúa: nếu làm việc ấy, Chúa có được tôn vinh không? Cộng đoàn được lợi ích gì và tha nhân có được giúp đỡ không? Trước tất cả mọi sự, phải nhắm đến quyền lợi của Chúa?[15]

Điều quan trọng cuối cùng tôi nhận thấy khi nghiên cứu cách thức cha thánh Vinh Sơn tìm ý Chúa đó là thái độ kiên trì, không nóng vội trong cầu nguyện. Kinh nghiệm về cuộc linh thao ở Soissons không những giúp cha Vinh Sơn tìm được ý Chúa khi thành lập Tu hội mà còn giúp cha phát hiện ra những biến chuyển nơi tâm hồn bà Louise de Marillac. Là vị hướng dẫn linh hồn, cha nhận thấy Louise cần thoát ra khỏi sự vội vàng và kiên trì chờ đợi ý Chúa được biểu lộ. Cha khuyên bà: “khi nhìn vào công việc của bà, Thiên Chúa không soi sáng đủ cho tâm hồn tôi, vì nó liên quan đến một sự khó khăn ngăn cản, không cho tôi biết đó có phải là thánh ý của Thiên Chúa hay không? Thưa bà, tôi van xin bà hãy gửi gắm cho Người, công việc này, trong những ngày mà Người chuyển thông nhiều hơn ơn Chúa Thánh Thần, và ngay cả Chúa Thánh Thần nữa. Vậy chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện và hãy sống thật vui vẻ.”[16]

Việc biết được ý Chúa không thể nào nóng vội, nó cần nhiều thời gian để hiểu biết và nhận thức đúng đắn các dấu chỉ của Thiên Chúa. Như chúng ta thấy trong lịch sử hình thành và phát triển của các Hiệp hội Bác ái,[17] cha Vinh Sơn đã thi hành ý Chúa bằng việc lập nên các Hội Bác Ái, là phương tiện hữu ích để giúp người nghèo về mặt vật chất đồng thời là phương thế hỗ trợ người nghèo về mặt thiêng liêng. Chúng ta không lạ gì sau mỗi cuộc đại phúc người ta đều cố gắng thành lập một Hiệp Hội Bác Ái ở đó. Tuy nhiên, không phải cứ thành lập Hội Bác Ái là điều phải được thực hiện nhanh chóng. Chúng ta sẽ thấy hai kinh nghiệm nhận biết ý Chúa của cha Vinh Sơn trong việc thành lập Hội Bác Ái của nhà thương Hôtel-Dieu vào năm 1634 và việc người ta xây dựng Bệnh xá Hôpital Général[18] để giam người nghèo năm 1657.

Mặc dù nguồn cảm hứng thành lập Hội Bác Ái nhà thương Hôtel-Dieu đến từ bên ngoài, do sự thôi thúc vô vị lợi của bà chủ tịch Goussault,[19] một trong số các bà đạo đức giàu có quy tụ quanh cha Vinh Sơn. Được thúc đẩy bởi lòng bác ái, bà chủ tịch bắt đầu đi thăm bệnh viện ở Paris. Điều bà phát hiện ở đây, khiến cho bà cảm thấy bối rối. Việc điều hành bệnh viện bởi nhóm kinh sĩ hội ở nhà thờ chính tòa thật tệ hại. Người ta chăm sóc các bệnh nhân ở đây, chẳng ra gì, vừa về mặt vệ sinh y tế vừa về mặt tinh thần. Bà nghĩ là bà có thể và phải làm nhiều hơn nữa. Người ta đề nghị bà thành lập một Hiệp hội Bác ái chuyên lo cho nhà thương, và bà đã nói với cha Vinh Sơn để cha động viên và chỉ đạo kế hoạch này. Thế nhưng, với cha Vinh Sơn, hơn những lần khác, cha tự hỏi không biết sáng kiến này có phải là ý muốn của Thiên Chúa dành cho Tu hội hay không, bởi vì đã có nhiều kinh sĩ, tuyên úy, tu sĩ, hiệp sĩ Hiệp hội Thánh thể đang lo cho nhà thương này, nên việc thiết lập thêm một hiệp hội các bà ở tại đây, phải chăng có nghĩa là chen vào nghề của người khác?

Cha Vinh Sơn đã từ chối bà chủ tịch Goussault một cách nhẹ nhàng, nhưng đầy cương quyết. Tuy nhiên, bà chủ tịch không phải là người dễ phát sợ trước sự từ chối này. Bà biết rất rõ đâu là yếu điểm của cha Vinh Sơn. Bà đi gặp Đức Tổng Giám mục và rồi Đức Tổng ca ngợi kế hoạch này. Sau đó, ngài nhờ bà Goussault thông báo cho cha Vinh Sơn biết ước muốn của ngài là chính cha Vinh Sơn sẽ nhận lãnh trách nhiệm công việc này. Vinh Sơn không còn giải pháp nào khác là phải vâng theo ý muốn của vị Tổng Giám mục, cho dù ý muốn này lại do một người phụ nữ đạo đức xúi giục.[20]

Còn với kinh nghiệm từ việc xây dựng Bệnh xá Hôpital Général, nó hoàn toàn trái ngược việc xây dựng bệnh viện Danh Thánh Chúa Giêsu[21] mà cha Vinh Sơn thực hiện trước đây. Cha Vinh Sơn biết công trình Hôpital Général không đến từ Thiên Chúa, nó chỉ là nơi để chính quyền giam giữ người nghèo, là âm mưu giải quyết vấn đề ăn xin trong thành phố được vỏ bọc bác ái bên ngoài che phủ. Khác với cha Vinh Sơn, các bà bác ái không nhận thức được vấn đề cốt lõi đó. Bởi thế, cha Vinh Sơn đã nói cho các bà biết về sự dè dặt của mình khi từ chối công trình to lớn này. Có lẽ tốt hơn là nên đi từ từ, bởi vì đây là cách thức làm việc của Thiên Chúa. Phải chăng đây không phải những gì đã xảy ra cho ông Noê, khi ông mất một trăm năm để đóng một chiếc thuyền lớn, và phải chăng dân Israel đã không phiêu bạt trong sa mạc bốn mươi năm hay sao? Có lẽ họ nên làm thử, chỉ nên bắt đầu từ từ, với một đến hai trăm người nghèo thôi. Có lẽ điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ của những người dấn thân vào công việc này. Người nghèo phải tự nguyện đi vào cơ sở từ thiện và không ai được ép buộc họ: “Nếu chúng ta sử dụng vũ lực, thì chúng ta có thể đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa.” Đây là điều phản đối quan trọng nhất của cha đối với kế hoạch này.[22]

 Mặc cho sự không tán thành của cha Vinh Sơn, các bà vẫn háo hức và tiến hành công việc được chính quyền ủng hộ. Kết quả là vào tháng 4 năm 1656, nhà vua ra lệnh thiết lập Bệnh xá “Grand Hôpital Général cho người nghèo,” mà hội đồng quản trị phải là thành viên của bộ máy nhà nước. Điều này làm cha Vinh Sơn thở phào nhẹ nhõm, vì đây không phải là cách thế mà cha đối xử với người nghèo. Tuy nhiên, cha lại vô cùng kinh ngạc khi biết là người ta đã bổ nhiệm các linh mục của Tu hội Truyền Giáo làm tuyên úy cho các cơ sở này. Một lần nữa, cha lại suy nghĩ một cách cẩn trọng hơn về điều đó trước nhan Chúa. Người ta đã thực thi kế hoạch này mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các nhận xét của cha, nó còn đi ngược lại ý muốn của cha, là người ta không nên ép buộc những người nghèo đi vào đó. Cha tìm ý Chúa để đưa ra quyết định, cha đã hỏi ý kiến Tu hội là có nên đảm nhận công việc đó hay không? Tu hội khuyên cha là không nên, vì người ta cần các linh mục cho các dấn thân khác của cộng đồng. Cha Vinh Sơn báo cáo lại các quyết định của Tu hội cho nữ công tước d’Aiguillon, là quản lý tài chính, và một số người khác nữa. Một cách thành thật, cha cũng cho các vị quản lý bệnh xá biết tin này.

Tới đây, tôi tạm tổng kết lại những phương cách mà cha thánh tổ phụ đã sử dụng để nhận biết thánh ý Chúa: Hỏi ý kiến những vị bề trên khôn ngoan, những cha linh hướng thánh thiện; Làm linh thao hay có những cuộc tĩnh tâm; Nghe tiếng Chúa qua các nhu cầu của một hoàn cảnh cụ thể, được bày tỏ qua lời yêu cầu của người đang lâm vào hoàn cảnh nào đó, hay bởi một người nói thay cho họ; Nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa được biểu lộ qua các quyết định của Giáo Hội; Từ bỏ ý riêng và đặt mọi sự với mục đích làm vinh quang danh Chúa; Tìm ý Chúa phải có thái độ kiên trì, không nóng vội trong cầu nguyện.

Sau khi tìm tòi, nghiên cứu để biết được cách thức nhận biết ý Chúa của cha thánh Vinh Sơn, tôi lại có một suy nghĩ ngược với tiến trình tự nhiên: tại sao thánh Vinh Sơn lại phải tìm thánh ý Chúa và thực thi thánh ý đó trong khi ngài có thể làm theo ý muốn cá nhân? Và tôi cũng thế, tại sao lại phải làm theo ý Chúa, điều đó mang lại cho tôi lợi ích gì?

Tôi đã cố gắng tìm câu trả lời của cha thánh và đó cũng là câu trả lời đầy thuyết phục cho bản thân tôi và cả những ai đang thắc mắc giống tôi: Đức Giêsu luôn làm theo ý Chúa Cha và “Tất cả hạnh phúc của chúng ta cốt ở việc hoàn thành thánh ý Chúa và sự khôn ngoan đích thật hệ tại ở không mơ ước gì ngoài việc đó. Thiên Chúa muốn thiết lập bằng nhiều cách những thiện ích lâu bền trên sự nhẫn nại của những ai thực hiện thánh ý Ngài.[23]Một cách chắc chắn giúp cho người Kitô hữu thăng tiến nhanh trên con đường thánh thiện đó là: nỗ lực hết mình thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc.[24]

Giuse Nguyễn Đức Duy

 

[1] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 136-139.

[2] Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 251.

[3] Pierre Coste, C.M, The Life & Works of St. Vincent De Paul, Volume I, 171.

[4] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 258.

[5] SV. II, 107.

[6] SV. II, 246-247.

[7] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 211.

[8] x. Ibid, 265-266.

[9] x. Ibid, 190.

[10] x. Ibid, 241.

[11] Tổng Đại Hội đầu tiên của Tu Hội tổ chức vào năm 1642. Tổng Đại Hội thứ hai tiếp tục bàn về việc tuyên khấn vào năm 1651.

[12] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 358-375.

[13] SV. XII, 319.

[14] SV. XIII, 629.

[15] Ibidem.

[16] SV. I, 200. 

[17] Hiệp Hội Bác Ái đầu tiên ra đời tại Châtillon; ngày 24 tháng 11, cha Tổng Đại Diện của Lyon chính thức phê chuẩn quy chế của hiệp hội và nâng nó lên thành Hiệp Hội Bác Ái; Ngày 8 tháng 12, vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người ta tiến hành việc thành lập Hiệp Hội Bác Ái.

[18] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 744.

[19] Từ năm 1631, bà Antoine Goussault trở thành góa phụ, chồng bà là lãnh chúa ở Sovigny, là cố vấn hoàng gia kiêm Chánh án Tòa kiểm soát tài chính, chúng ta biết bà qua chức vụ và tên của người chồng quá cố của bà.

[20] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 279-281.

[21] Cơ sở này được thành lập năm 1653, và nó tỏ ra rất thành công với mục đích cung cấp chỗ ở và công việc cho người già và tàn tật, thế nhưng, chỉ có thể nhận nuôi số người giới hạn.

[22] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 746.

[23] SV. IV, 289. 

[24] CR II, 3.