Thánh Vinh Sơn và lòng sùng kính Đức Maria

0
1301

Giống như các khía cạnh khác trong linh đạo Kitô giáo, lòng sùng kính Đức Maria của thánh Vinh Sơn cũng được liên kết chặt chẽ với giáo huấn của Giáo hội: được tiến triển với nhiều điều chỉnh, nó cũng rất phong phú về mặt đạo lý. Trong mọi trường hợp, thánh Vinh Sơn có thể vun trồng và duy trì một sự cân bằng đáng kể giữa các khía cạnh thần học và cảm thức sùng mộ.

1 – Thánh Mẫu trong cuộc đời của Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn rất dè dặt khi bày tỏ cảm thức tôn giáo của mình và đa phần là ngài nhấn mạnh đến tính trung tâm của Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta sẽ nói về một tinh thần Kitô học trong vấn đề này. Đây là lý do khiến ngài thường hay nói về Thánh Mẫu trong mối tương quan với Chúa Kitô: ‘Chúa chúng ta và Mẹ Thánh Người’, là cụm từ yêu thích và rất có ý nghĩa của ngài. Lòng sùng kính Thánh Mẫu của ngài được thể hiện trong truyền thống Kitô giáo, truyền thống dân gian, với sự chú tâm đặc biệt đến Đức Bà Buglose – một địa danh tôn kính Thánh Mẫu nhỏ bé và đơn sơ gần quê hương ngài. Ngài đã hành hương tới đó vào một thời điểm quyết định trong cuộc đời của ngài. Đó là vào năm 1620, ngài đã thực hiện chuyến về thăm quê lần cuối cùng, và nhân cơ hội đó, ngài đã làm một cuộc hành hương đến nơi rất đỗi thân thương trong thời thơ ấu của mình.

2 – Thánh Mẫu trong tư tưởng của Vinh Sơn

Chúng ta tìm thấy hình ảnh Thánh Mẫu một cách đặc biệt trong các tài liệu dành cho Nữ Tử Bác Ái. Đối với các Thừa Sai, điều này dường như ít hơn. Thánh Vinh Sơn hình dung Đức Maria một cách rất cụ thể và gần gũi với trần thế: ngài thấy Mẹ như là một người nữ ở giữa dân chúng chứ không phải là một bức tượng thiêng thánh được bao bọc trong hốc tường nhà thờ. Thật vậy, ngài nhận thấy sự hiện diện của Người trong từng người phụ nữ. Ngài nói với các Nữ Tử Bác Ái: “Khi chị em tiếp xúc với một người phụ nữ, hãy nghĩ rằng chị em đang tiếp xúc với Đức Trinh Nữ Rất Thánh.” Trong các bài nói chuyện của mình, ngài đề cập đến vai trò của Đức Maria trong cuộc đời của các Nữ Tử Bác Ái, khuyên họ không ngừng cầu nguyện với Người, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi. Trên hết, ngài thường lặp đi lặp lại công thức này: “Đức Maria, người Mẹ duy nhất của Tu Hội”. Công thức này đã trở thành quen thuộc trên môi miệng của mọi Nữ Tử Bác Ái qua các thế hệ. Trong Nội Quy của Nữ Tử Bác Ái, và ngay cả trong Nội Quy của các Thừa sai, thánh Vinh Sơn đã minh nhiên kêu gọi các thành viên chúc tụng và khẩn nài Đức Maria, đồng thời tìm kiếm sự phù giúp của Người ngõ hầu được mạnh mẽ noi gương bắt chước Người.

3 – Thánh Mẫu trong truyền thống Vinh Sơn

Đặc biệt liên quan đến các Nữ Tử Bác Ái, chúng ta đã nói về dấu ấn của Thánh Mẫu trên tinh thần của họ. Tuy nhiên, điều này cũng đúng trong chính bản thân Tu hội. Hình ảnh Thánh Mẫu được củng cố bởi những gì đã xảy ra trong lịch sử, với hai sự kiện diễn ra trong những năm 1800.

      • Các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria vào năm 1830, với những mạc khải dành cho Catherine Labouré về tình yêu của Người dành cho Tu hội. Thêm vào đó là những lời kêu gọi tuân thủ Quy Luật một cách chặt chẽ hơn. Tất cả đều liên quan đến mẫu ảnh phép lạ, mở ra một sự dấn thân mạnh mẽ nơi các Nữ Tử Bác Ái cũng như nơi các Thừa sai, nhằm phổ biến mẫu ảnh ấy.
      • Cuộc hiện ra vào năm 1842 với Alfonso Ratisbonne ở Roma, trong nhà thờ San Andrea delle Fratte, đã giúp củng cố mối tương quan của tất cả các thành viên Vinh Sơn với Đức Trinh Nữ Maria. Ngoài ra, việc này còn biến Roma trở thành một “Lộ Đức thứ hai”.

Hai biến cố này thể hiện tất cả các đặc tính đơn sơ của Gia đình Vinh Sơn: mọi sự xảy ra trong lặng lẽ và kín đáo, mọi thứ đều tự tỏ lộ từ từ, nhưng theo cách thức để lại ấn tượng mạnh mẽ trong cuộc sống của nhiều người.

Hơn nữa, những sự kiện này đã được trải nghiệm và diễn giải như là sự xác nhận mối lưu tâm của Đức Maria đối với hai Tu hội của thánh Vinh Sơn, kèm theo lời mời gọi tiếp tục phát huy lòng sùng kính Thánh Mẫu đích thực. Lòng sùng kính này có thể lan toả hành vi noi gương bắt chước Đức Maria đến với mọi người con thiêng liêng của thánh Vinh Sơn. Chúng ta tìm thấy lòng sùng kính đặc biệt này trong cuộc đời của nhiều Nữ Tử Bác Ái, những người đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Thánh Mẫu trong hành trình phục vụ của họ, cũng như trong nỗ lực dấn thân phổ biến lòng sùng mộ đặc biệt này. Ngoài ra, qua các cuộc đại phúc, các Thừa sai của Tu hội đã truyền bá sự hiểu biết và lòng sùng kính đối với Mẫu Ảnh Phép Lạ, trong lúc gây ra cho mọi người một tình cảm mãnh liệt dành cho Đức Trinh Nữ, cũng như cổ vũ họ noi gương bắt chước Người.

4 – Thánh Mẫu trong cuộc đời của chúng ta

Ý thức vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong cuộc đời của chúng ta và tính ưu việt của mầu nhiệm Chúa Kitô nơi chúng ta, chúng ta có thể đưa ra một số điểm suy tư và dấn thân cụ thể:

      • Nơi lòng sùng kính Thánh Mẫu, có mối liên hệ giữa đức tin và cầu nguyện. Điều quan trọng là không dừng lại ở một chủ nghĩa tình cảm thuần tuý, như được khuyến cáo trong chương 8 của Lumen Gentium, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp chặt chẽ lòng sùng mộ, tình yêu mến và lời cầu nguyện của chúng ta với một hành trình đức tin chân thật, ngõ hầu luôn là “những người lữ hành đức tin” giống như Đức Maria.
      • Biết cách chiêm ngắm Đức Maria như mẫu gương của một đời sống dâng hiến cho Thiên Chúa – Đó chính là tiếng “xin vâng” trong đời sống thánh hiến, vừa là lời ca ngợi Thiên Chúa vừa là sự hiến thân phục vụ tha nhân. Vì thế, chúng ta có thể chiêm ngắm Đức Maria như là ngôi sao dẫn đường cho việc truyền giáo (mang lại Chúa Kitô và Lời của Người) cũng như là một biểu tượng của đức ái (phục vụ như Người đã phục vụ, đáp trả cách mau mắn và trọn vẹn).

Lòng sùng kính chân thật và đích thực dành cho Đức Maria trở thành thành một cam kết trung thành mỗi ngày một sâu sắc hơn đối với Tin Mừng của Chúa Kitô, một lời mời gọi mang những yêu sách mạnh mẽ và chân thực nhất của Tin Mừng đi vào cuộc sống hàng ngày.

Thật là hạnh phúc làm sao, hỡi các chị em! Đây là một mục tiêu cao cả: Đó là tôn vinh tình yêu lớn lao của chính Chúa Giêsu Kitô; và lấy Ngài, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, làm khuôn mẫu và gương sống trong mọi việc chị em làm. Lạy Chúa tôi, thật là hạnh phúc làm sao! Phúc đức nhường nào cho những người mẹ đã sinh ra những đứa con theo đuổi một sứ vụ như thế, đó là tiếp nối những gì Chúa chúng ta và Thân Mẫu Rất Thánh của Người đã làm trên trần gian! (CCD X, 92).

P. Mario di Carlo, CM
Tỉnh dòng Ý