Thánh Vinh Sơn và người vô gia cư

0
1275

Robert Maloney, CM

“Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Mỗi mùa Giáng sinh, chúng ta đều được nghe Tin Mừng thánh Luca về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, và câu trình thuật trên làm nhòe bớt niềm vui của chúng ta. Chẳng lẽ chỉ một chỗ trọ mà cũng không còn cho người thợ mộc trẻ và người vợ sắp sinh của ông? Hay phải chăng vì giọng nói miền Galilê xa lạ mà họ bị các chủ trọ xua đuổi?[1] Một hài nhi mà bao đời đã mong mỏi đợi trông, và ngày chào đời được thiên thần loan báo là “Một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2,10), lại không có được một chỗ trọ để giáng sinh hay sao? Đúng vậy, không còn chỗ trọ nào cả. Chính đồng bào của Thánh Giuse và Mẹ Maria đã từ chối các ngài. Máng cỏ bò lừa là chiếc nôi đầu tiên cho người con đầu lòng của các ngài. Trong trình thuật Giáng sinh ở Tin Mừng Mátthêu, một khía cạnh khác trong câu chuyện giáng sinh cũng lại làm cho niềm vui hóa nỗi buồn (Mt 2,13-15). Thánh Mátthêu kể lại chuyện hài nhi bị đe dọa tính mạng, và bởi vậy, cha mẹ Ngài phải đem Ngài bỏ nước ra đi. Suy gẫm về đoạn Tin Mừng Mátthêu này, Đức giáo hoàng Piô XII đã nói như sau: “Phải chạy trốn sang Ai cập, Thánh Gia Nazareth đã trở thành dân tị nạn, và trở thành hình mẫu của mọi gia đình tị nạn.”[2] Dẫn lại những lời trên, Đức giáo hoàng Phanxicô đã liên tục nhắc nhân loại về thảm cảnh của những người vô gia cư và những người tị nạn. Ngài đòi quyền lợi cho họ, qua “ba chữ L”: land, labor, và lodging – đất, lao động, chỗ ở.[3]

Ngày nay, hơn 1.2 tỉ người, cách này hay cách khác, đang phải chia sẻ số phận vô gia cư với Thánh Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu. Liệu Gia đình Vinh Sơn chúng ta có thể giúp gì được cho họ hay không? Trong bài viết này, tôi xin bàn về chủ đề người vô gia cư qua ba mục sau: 1) Thánh Vinh Sơn và người vô gia cư; 2) Gia đình Vinh Sơn với Sáng kiến Toàn cầu chống lại tình trạng vô gia cư; và 3) Kết hợp chương trình “thay đổi hệ thống” với “văn hóa gặp gỡ” trong việc phục vụ người vô gia cư.

I. Thánh Vinh Sơn và người vô gia cư

Trong lịch làm việc hằng ngày, thánh Vinh Sơn dành rất nhiều ưu tiên cho người vô gia cư. Nếu xem xét một cách kỹ lưỡng cuộc đời, các bút tích, và các buổi huấn đức của thánh Vinh Sơn, chúng ta sẽ thấy một bức tranh cụ thể về những công việc ngài đã làm cho họ.  

1. “13 nhà” – các nỗ lực làm nhà cho trẻ mồ côi của thánh Vinh Sơn

Năm 1638, thánh Vinh Sơn bắt đầu lo cho trẻ mồ côi. Lúc đầu, ngài để các em ở với thánh Louise de Marillac và các Nữ tử Bác ái. Sau đó, ngài thuê một ngôi nhà ở đường Boulangers cho các em.[4]

Giữa các năm 1638 và 1644, con số tăng lên 1.200 em. Chúng ta có thể hình dung được tất cả các vấn đề khó khăn thánh Vinh Sơn phải đương đầu liên quan đến chỗ ở, đến việc quản lý, và tài trợ công việc này. Tuy vậy, thánh Vinh Sơn rất có tính sáng tạo. Qua cách ngài sắp xếp chỗ ở cho các em mồ côi, chúng ta thấy ngài là một người nhạy bén và sáng tạo như thế nào.

Khi vua Louis XIII qua đời năm 1643, ông để lại một di chúc cho hoàng hậu Anne Austria; và trong di chúc này, ông dành một khoản tiền lớn (một triệu đôla bây giờ) làm vốn cố định để tài trợ cho việc giảng đại phúc của Tu hội Truyền giáo ở vùng Sedan. Thánh Vinh Sơn dùng số tiền này để xây 13 ngôi nhà nhỏ, ngay bên cạnh nhà Saint-Lazare – Nhà Mẹ của Tu hội Truyền giáo. Sau đó, ngài cho các Bà Bác ái thuê các ngôi nhà này để các bà nuôi các trẻ mồ côi. Số tiền thuê các bà đều đặn trả cho ngài được ngài dùng làm nguồn tài trợ cho các cuộc đại phúc ở vùng Sedan. Như vậy, thánh Vinh Sơn đã làm một công đôi việc! Tiền từ di chúc của nhà vua được ngài dùng để xây nhà cho trẻ em; và tiền thuê ngài nhận từ các Bà Bác ái được dùng cho công việc đại phúc ở vùng Sedan.

Nhưng con số các trẻ mồ côi ngày càng gia tăng, và nguồn tiền cho công việc này ngày càng khó kiếm. Năm 1647, các Bà Bác ái muốn bỏ công việc này. Thánh Vinh Sơn đã ra tay cứu vớt bằng cách gợi lên lòng thương cảm của các bà, và mời gọi các bà coi các em như con của các bà: “Thưa quý bà, lòng thương cảm và bác ái đã làm cho các bà nhận những sinh linh tội nghiệp này làm con các bà; các bà đã là mẹ của chúng theo ân sủng ngay từ khi các bà mẹ ruột của chúng bỏ rơi chúng. Tôi muốn xem các bà có muốn bỏ rơi chúng một lần nữa hay không. Các bà hãy thôi là mẹ của chúng để trở nên quan tòa của chúng; sự sống hay sự chết của chúng ở trong tay các bà. Tôi sẽ lấy phiếu của các bà; đây là giờ tuyên án cho chúng và là giờ xem liệu các bà có còn lòng thương xót cho chúng hay không. Chúng sẽ sống nếu các bà tiếp tục yêu thương chúng; nếu ngược lại, các bà bỏ rơi chúng, chúng chắc chắn sẽ chết; kinh nghiệm đã cho các bà biết trước điều đó.”[5]

Cuối cùng, thánh Vinh Sơn giao trách nhiệm chăm sóc các trẻ mồ côi cho các Nữ tử Bác ái. Ngài viết một quy luật đặc biệt cho các Nữ tử Bác ái làm việc tại Nhà Mồ Côi (Foundling Hospital).[6] Ngài thể hiện tính thực tiễn và tâm linh rất sâu sắc qua bản quy luật này. Mô tả ơn gọi của các Nữ tử Bác ái, ngài viết như sau: “Khi chăm sóc trẻ mồ côi, họ sẽ coi đó là việc phục vụ chính Hài nhi Giêsu đang hiện diện trong mỗi đứa trẻ, và đang được vinh dự cùng với Đức Trinh nữ Maria chăm sóc Người Con yêu dấu của Mẹ. Bởi vì, Chúa Giêsu đã phán ai làm cho những kẻ bé mọn nhất là làm cho Ngài. Do đó, họ sẽ nuôi dưỡng các trẻ nghèo này bằng chính sự quan tâm và tôn trọng mà họ dành cho bản thân Chúa Giêsu.”[7] Ngài còn viết ra nhiều chi tiết cụ thể liên quan đến các bữa ăn của trẻ, thời gian ngủ nghỉ và thời gian chơi, cách vệ sinh và giặt giũ tã, việc cầu nguyện và việc học viết của chúng, v.v… Qua bản quy luật này, chúng ta thấy rõ tính cụ thể và sự dịu hiền của thánh Vinh Sơn trong cách nuôi dạy các trẻ em.

Các Nữ tử Bác ái đã rất thành công trong công việc được giao. Trong buổi họp Ban cố vấn của các Nữ tử Bác ái ngày 13 tháng 8 năm 1656, thánh Vinh Sơn đề nghị nhận một số trẻ mồ côi vào Tu hội. Chị phụ trách Nhà Mồ Côi không đồng ý, vì chị cho rằng người ta sẽ nghĩ xấu về Tu hội![8] Chúng ta không rõ vào lúc đó các Nữ tử Bác ái có đồng thuận với thánh Vinh Sơn hay không. Tuy nhiên, với thời gian, thái độ của các Nữ tử Bác ái đối với các trẻ mồ côi và bị bỏ rơi đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, nhiều Nữ tử Bác ái cảm thấy rất tự hào đã từng được nuôi dưỡng trong các nhà mồ côi của Tu hội.

2. Nhà cho người tị nạn – các nỗ lực của thánh Vinh Sơn lo chỗ ở và trợ giúp hàng ngàn người chạy nạn chiến tranh ở Lorraine

Từ năm 1639, thánh Vinh Sơn bắt đầu chương trình cứu trợ các nạn nhân chiến tranh, dịch bệnh và mất mùa. Công việc này kéo dài trong mười năm. Trong mười năm đó, thánh Vinh Sơn đã giúp cho vùng Lorraine số tiền lên tới 60 triệu đôla ngày nay, và hơn 35.000 mét vải các loại.[9] Ban đầu, ngài quyên tiền nơi các Bà Bác ái, rồi sau đó vận động sự đóng góp của những người quyền lực nhất trong xã hội. Vua Louis XIII đóng góp 1.800.000 đôla.[10]

Thầy Mathieu Regnard – một trong những vị phụ tá của thánh Vinh Sơn – đã hóa trang và thực hiện 53 chuyến băng qua các chiến tuyến, để mang tiền trợ giúp của thánh Vinh Sơn đến những vùng chiến tranh.[11] Trong các chuyến trở về, thầy thường mang theo những người cùng khốn. Tháng 10 năm 1639, thánh Vinh Sơn viết về thầy như sau: “Tháng qua, thầy mang về một trăm người, trong đó có bốn mươi sáu cô gái trẻ… Thầy cho họ ăn và dẫn họ thẳng vào thành phố này, nơi thầy đã đem rất nhiều người đến.”[12]

Thánh Vinh Sơn đòi hỏi sự rõ ràng trong sổ sách. Số tiền cứu trợ và việc chi tiêu phải thường xuyên được tường trình cho ngài, để ngài thông tri cho các vị ân nhân và khuyến khích họ tục giúp đỡ thêm. Ngài viết cho cha François Coudray như sau: “… xin cha hãy giữ cẩn thận các hóa đơn cha nhận được, bởi vì chúng ta phải giải trình những việc chúng ta làm, và chúng ta phải bảo đảm luôn dùng tiền đúng mục đích. Xin cha gửi cho tôi qua thầy Mathieu một bản sao các giấy tờ chi tiêu, với chữ ký của ông Villarceaux, và một bản sao các đơn hàng của ông, nếu có. Hàng tháng, xin cha cũng gửi cho tôi bản thu chi cha đã cứu trợ những nơi khác.”[13]

Thánh Vinh Sơn luôn nhắc các thành viên Gia đình ngài không chỉ giúp người tị nạn về mặt vật chất, mà còn về cả mặt thiêng liêng. Trong một lá thư đề ngày 12 tháng 10 năm 1639, sau khi mô tả số dân Lorraine di tản các trợ giúp vật chất ngài đã gửi tới, ngài viết như sau: “Chúng ta cũng đang giúp họ về mặt thiêng liêng, và đang dạy họ mọi điều cần thiết cho ơn cứu độ. Chúng ta dạy họ trước hết xưng tất cả những tội đã phạm trong cuộc đời, và sau đó tiếp tục xưng tội mỗi hai hoặc ba tháng.”[14]

Linh mục sử gia Bernard Pujo nhận định về các thành tựu của thánh Vinh Sơn ở Lorraine như sau: “Còn hơn số tiền chi ra và số người đau khổ được giúp đỡ tại Lorraine, sự nổi bật trong công việc của thánh Vinh Sơn chính là, lần đầu tiên, nỗ lực cứu trợ một vùng chiến tranh được tổ chức chặt chẽ. Dù không nhận được bất cứ một sự ủy thác chính thức nào, thánh Vinh Sơn Phaolô đã đảm nhận vai trò của một bộ trưởng nhà nước để lo cho người tị nạn và nạn nhân chiến tranh. Vượt xa trách nhiệm của một Bề trên Tu hội Truyền giáo, ngài đã sáng kiến và đặt mình vào trách nhiệm lo cho đồng bào.”[15]

3.“Nhà Danh Thánh Chúa Giêsu” – các nỗ lực của thánh Vinh Sơn lo chỗ ở, quần áo và thức ăn cho những người vô gia cư trên đường phố Paris.

Trước năm 1652, khi nạn đói bủa vây Paris vì cuộc nội chiến,[16] thánh Vinh Sơn, lúc đó đã 72 tuổi, điều hành một chương trình cứu trợ lớn, phát súp một ngày hai lần cho hàng ngàn người người nghèo tại nhà Saint-Lazare, và phát cơm cho hàng ngàn người khác tại các nhà của các Nữ tử Bác ái. Ngài tổ chức việc lạc quyên, thu gom mỗi tuần hai tấn đến hai tấn rưỡi thịt, hai đến ba ngàn quả trứng, cùng với các loại quần áo và vật dụng.[17]

Ngài cũng lo chỗ ở cho những người di tản. Chẳng hạn, khi một thương gia giàu có giấu tên ở Paris gửi cho thánh Vinh Sơn bốn triệu đôla để làm một việc thiện, ngài đã mua một căn nhà, và đặt tên là “Nhà Danh Thánh Giêsu.” Sau khi bàn thảo với vị ân nhân, ngài dành ra 440.000 đôla để mua căn nhà. Ngài dùng số tiền còn lại để mở rộng căn nhà, mua sắm nội thất, và tạo thu nhập hằng năm để trang trải các chi phí cho căn nhà. Tháng 3 năm 1653, căn nhà đã đi vào hoạt động. Những người đầu tiên ở trong căn nhà này là hai mươi người đàn ông và hai mươi người phụ nữ thợ thủ công đang thất nghiệp. Thánh Vinh Sơn cũng giúp đồ nghề cho những người này, để họ có công ăn việc làm. Như thánh Louise de Marillac kể lại, trong các năm sau đó, những thợ đóng bốt, thợ đóng giầy, thợ làm cúc áo, thợ vải, thợ ren, thợ găng tay, thợ may áo, và thợ kim băng cũng được đến cư ngụ trong căn nhà. Các Nữ tử Bác ái đồng hành với họ. Theo bản thỏa thuận, một linh mục Tu hội Truyền giáo chịu trách nhiệm tuyên úy. Thánh Vinh Sơn thường xuyên đến thăm và hướng dẫn họ.[18]

Trong một lá thư gửi cho một linh mục Tu hội Truyền giáo, thánh Vinh Sơn mô tả công việc này như sau: “Ở Paris, chúng ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn và rắc rối hơn bao giờ hết. Thành phố đông nghẹt người nghèo miền quê; họ chạy nạn đến đây vì các xung đột vũ trang. Mỗi ngày, chúng ta họp nhau để tìm cách giúp đỡ họ. Chúng ta đã thuê một số ngôi nhà ở vùng ngoại ô để người nghèo, nhất là các trẻ nữ nghèo, đến trọ.”[19] Ngài còn viết thêm: “Bên cạnh đó, chúng ta còn gửi khoảng tám đến chín trăm trẻ nữ vào các nhà tư nhân. Còn tất cả các nữ tu tị nạn – vì phải sống một môi trường nguy hiểm – được chúng ta gửi vào một đan viện mà chúng ta sắp xếp riêng cho các nữ tu.”[20]

Với các trẻ nữ, ban đầu thánh Vinh Sơn và thánh Louise để các em ở trong các nhà mồ côi; rồi sau đó, các ngài gửi các em vào làm công cho các gia đình khá giả. Với các trẻ nam, các ngài để ở nhà Saint-Lazare cho đến khi tìm được việc làm cho chúng.

Các giáo xứ cũng tổ chức phát súp cho người nghèo. Giáo xứ Saint-Hippolyte phát cho 900 người mỗi ngày; giáo xứ Saint-Laurent, 600 người; giáo xứ Saint-Martin, 300 người. Trong một lá thư, thánh Vinh Sơn viết rằng tại nhà Saint-Lazare: “Mỗi ngày, chúng ta phát súp cho mười bốn đến mười lăm ngàn người. Những người này sẽ chết nếu chúng ta không làm công việc cứu trợ này.”

Các Nữ tử Bác ái làm việc không biết mệt mỏi. Thánh Vinh Sơn viết cho cha Lambert Couteaux – Bề trên nhà Warsaw – và mô tả công việc của các Nữ tử Bác ái như sau: “Điều đó chứng tỏ Chúa đã chọn và cho chúng ta tham dự vào nhiều công việc thánh thiện. Trong việc giúp đỡ người nghèo về mặt thể xác, các Nữ tử Bác ái làm nhiều hơn chúng ta. Tại nhà bà Le Gras, mỗi ngày các chị em nấu và phân phát súp cho 1.300 người nghèo; và ở vùng  Saint-Denis, mỗi ngày cho 800 người tị nạn. Chỉ riêng ở giáo xứ Saint-Paul, bốn hoặc năm chị em phát súp cho năm ngàn người nghèo, đang khi phải lo cho sáu mươi đến tám mươi bệnh nhân. Ở những nơi khác, các chị em khác cũng đang làm y như vậy.”[21]

4.“Các ngôi trường nhỏ” – các nỗ lực của thánh Vinh Sơn trong việc dạy nghề và dạy giáo lý cho những người cùng khốn.

Thời thánh Vinh Sơn và thánh Louise, từ ngữ “thay đổi hệ thống” chưa hề có trong tự điển. Nhưng cả hai ngài đều nhận biết tầm quan trọng của giáo dục và dạy nghề trong việc thăng tiến đời sống những người vô gia cư và những người nghèo.[22]

Thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã hết sức nỗ lực dạy nghề và dạy đạo đức cho các trẻ em đường phố, cũng như những người khốn quẫn. Các ngài dạy các em kỹ năng cần thiết để có thể tìm được việc làm. Với sự ủng hộ của thánh Vinh Sơn, thánh Louise đã lập các petites écoles” – các “ngôi trường nhỏ.” Như vậy, một trong các công việc chính của các Nữ tử Bác ái thời ban đầu chính là dạy học cho các trẻ em nghèo.[23]

Công việc đó không dễ dàng gì. Trước hết, bởi vì các phụ huynh luôn xem con em họ là một lực lượng lao động, các Nữ tử Bác ái phải thuyết phục lắm các phụ huynh mới cho con em họ đến trường. Các em nghèo cũng rất dễ bị bệnh, và bởi đó cũng thường vắng học. Thêm vào đó, chính các em thường trốn học đi chơi hoặc đi xin ăn. Chỉ khi chúng tìm về lúc giờ cơm, các Nữ tử Bác ái mới có dịp dạy chúng “cầu nguyện, đọc, viết; tóm lại, bất cứ điều gì giúp chúng trở nên hữu ích.”[24]

Chính thánh Louise cũng dạy trong các trường này. Ngài soạn một cuốn giáo lý để các Nữ tử Bác ái dạy các trẻ em. Ngài nhấn mạnh sự rõ ràng và thực tiễn trong cách dạy.[25] Các thiếu nữ được học đan, may, và thêu.

Trong các nhà mồ côi, các Nữ tử Bác ái cũng dạy các em từ bảy đến mười một tuổi các nghề cần thiết và phù hợp để kiếm sống.[26]

II. Gia đình Vinh Sơn với Sáng kiến Toàn cầu chống lại tình trạng vô gia cư

Để kỷ niệm 400 năm khai sinh đặc sủng Vinh Sơn, Gia đình Vinh Sơn toàn cầu đã chọn sống chủ đề “Cho khách đỗ nhà” – một chủ đề bén rễ sâu nơi Kinh Thánh.

1. Gốc rễ Kinh Thánh

Thánh Kinh Hipri, nhất là các cuốn Xuất hành, Lêvi, và Đệ Nhị luật, thường đòi buộc dân Israel đón tiếp “người ngoại trong đất nước,” và nhắc nhở dân Chúa về thời họ đã từng là những “người ngoại bang” trên đất Ai cập.[27] Chúng ta thấy rõ điều này nhất trong Đnl 10,18-19: “Đức Chúa là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai cập.” Việc Kinh Thánh thường xuyên nhắc đến chủ đề này cho chúng ta thấy các ngoại kiều thường bị đối xử tồi tệ. Tân Ước tiếp tục nhắc lại chủ đề đó. Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu liệt kê một loạt những tiêu chuẩn chúng ta sẽ bị xét xử, trong đó Ngài nói như sau: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước Ta” (Mt 25,35). Tác giả thư Hípri cũng nhấn mạnh điều đó: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Hr 13,2). Với gốc rễ Kinh Thánh rất rõ ràng, “cho khách đỗ nhà” đã mau chóng được đưa vào danh sách các mối thương xác trong Giáo hội.

Dụ ngôn trong Tin Mừng Mátthêu 25,31-46 về cuộc phán xét cuối cùng đã ảnh hưởng sâu xa trên đời sống của thánh Vinh Sơn. Trong các buổi huấn đức, ngài thường nhấn mạnh trọng tâm của dụ ngôn, trong đó Chúa Kitô đồng hóa Ngài với người nghèo khổ: “Nếu các ngươi làm những điều này cho những anh chị em bé mọn nhất của Ta, các ngươi làm cho chính Ta.” Vì thấy Chúa Kitô nơi người nghèo, thánh Vinh Sơn luôn cảm thấy bị thôi thúc phải làm điều gì đó cho người nghèo, nhất là những người vô gia cư.

Tại kỳ họp ngày 6-7 tháng 1 năm 2017, Ban điều hành Gia đình Vinh Sơn Quốc tế đã suy gẫm các đoạn Kinh Thánh trên, và đã chuẩn thuận một đại dự án hướng đến người vô gia cư, để toàn bộ các ngành trong Gia đình Vinh Sơn cùng nhau thực hiện. Cha Tomaz Mavric phát biểu như sau: “Để mừng Năm Thánh của Gia đình Vinh Sơn, chúng ta bắt đầu chương trình này từ ngày 1 tháng 7 năm 2017, và có thể kéo dài ít nhất đến năm 2030, để trùng khớp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc.”

2. Các bước đi đến quyết định

Để biết dự án nào vừa có quy mô lớn vừa phù hợp nhất với linh đạo của Gia đình Vinh Sơn, vào mùa thu năm 2016, một nhóm nhỏ các vị trong Ban điều hành Gia đình Vinh Sơn đã đến thăm trụ sở Liên hiệp Châu Âu ở Brussels, trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, và trụ sở Tổ chức Bác ái Công giáo ở Baltimore, và hỏi ý kiến các chuyên viên những nơi đó. Với những gợi ý nhận được, các vị lãnh đạo Gia đình Vinh Sơn đúc kết hai tiêu chuẩn để đưa ra lựa chọn: 1) dự án phải thực sự phục vụ người nghèo ở càng nhiều nước càng tốt; và 2) dự án phải tạo điều kiện cho tất cả các ngành Gia đình Vinh Sơn trên thế giới cùng làm chung với  nhau. Sau khi đã xem xét một danh sách các dự án đáp ứng hai tiêu chuẩn đó, Ban điều hành Gia đình Vinh Sơn Quốc tế đã quyết định chọn đại dự án hướng đến những người vô gia cư, gồm ba dạng cụ thể như sau:

    1. Những người không có chỗ ở, chẳng hạn, những người ngủ trên đường phố
    2. Những người sống trong những căn nhà tạm bợ, chẳng hạn, các trại tị nạn hoặc những người chạy loạn trong nước
    3. Những người sống trong những căn nhà tồi tàn và thiếu an toàn, chẳng hạn các khu ổ chuột, các túp lều.

Định nghĩa ba chiều kích trên về người vô gia cư, vốn được Tổ chức Vô gia cư Toàn cầu đưa ra và được Liên hiệp quốc chấp thuận, đã trở thành tiêu chuẩn để đo lường và chiến đấu chống nạn vô gia cư.

Trong tất cả các đề xuất, Ban điều hành Gia đình Vinh Sơn nhận thấy dự án trợ giúp người vô gia cư là dự án tốt nhất để toàn bộ các ngành Gia đình Vinh Sơn trên thế giới có thể trực tiếp làm việc với nhau. Hầu như nước nào cũng có tình trạng vô gia cư; và Ban điều hành mong muốn chúng ta – các ngành Gia đình Vinh Sơn ở các quốc gia – cùng nhau thực hiện. Hiện nay, chúng ta đã xác định được 225 ngành Gia đình Vinh Sơn, hiện diện trong hơn 150 quốc gia. Nếu chúng ta cùng nhau phục vụ người vô gia cư, chúng ta sẽ có một tác động to lớn. Ban điều hành coi đại dự án này là một trong những cách có ý nghĩa nhất để kỷ niệm 400 năm ngày sinh đặc sủng Vinh Sơn.

Trong Gia đình Vinh Sơn, sự cộng tác đã có từ lâu đời. Chính thánh Vinh Sơn đã đề ra sự cộng tác ngay từ thời của ngài: các Hội Bác ái, Hội các Bà Bác ái, Tu hội Truyền giáo, và Tu hội Nữ tử Bác ái đã liên kết chặt chẽ với nhau, và đã tác động rất lớn đến đời sống của người nghèo ở tầm mức địa phương, quốc gia và quốc tế.

Nhưng câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Sau khi đã đề cao phương pháp thay đổi hệ thống và đã nhấn mạnh sự cộng tác giữa các ngành, chúng ta sẽ thực hiện cụ thể như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể vừa tôn trọng sự tự trị của mỗi ngành vừa liên kết mật thiết với nhau để phục vụ một mục tiêu chung của đại dự án là những người vô gia cư?

III. Kết hợp chương trình “Thay đổi hệ thống” với một nền “Văn hóa gặp gỡ” trong việc phục vụ người vô gia cư

Trong những năm vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh ba vấn đề rất tương hợp với Gia đình Vinh Sơn.

Thứ nhất, cũng như thánh Vinh Sơn, Đức giáo hoàng Phanxicô xác tín rằng người nghèo là ân sủng của chúng ta, và chúng ta cần được Phúc Âm hóa bởi người nghèo.[28] Kỷ niệm 400 năm khai sinh đặc sủng Vinh Sơn, Gia đình Vinh Sơn chúng ta cần tạ ơn Chúa về ơn phục vụ người nghèo và cần chăm chú lắng nghe tiếng khóc của người nghèo, để cùng với nhau, chúng ta sẽ phục vụ người nghèo tốt hơn nữa. Theo cách nói của thánh Vinh Sơn, người nghèo là “chủ và thầy” của chúng ta.[29]

Thứ hai, Đức giáo hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh sự cần thiết của thay đổi hệ thống. Trong Tông huấn Laudato Si’, ngài nhắc đi nhắc lại rằng “mọi sự trên thế giới đều đan xen với nhau.”[30] Đó cũng là chủ đề mà Ủy ban cổ võ thay đổi hệ thống thuộc Gia đình Vinh Sơn thường nhấn mạnh trong các buổi hội thảo. Tháng 7 năm 2015, Đức giáo hoàng Phanxicô  phát biểu ở Bolivia và tha thiết kêu gọi một sự thay đổi hệ thống: “Một sợi dây vô hình đang liên kết mọi hình thức loại trừ đó với nhau: Chúng ta có nhận ra sợi dây không? Đây không phải là những vấn đề riêng lẻ. … chúng ta đừng ngại nói điều này: chúng ta muốn thay đổi, thay đổi thực sự, thay đổi cấu trúc. Giờ đây, hệ thống này không thể chấp nhận được nữa. … Ở mọi nơi, người ta cảm thấy chán nản và bất mãn. Nhiều người đang hy vọng một sự thay đổi, để họ được giải thoát khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa cá nhân và sự chán nản mà nó phát sinh ra.”[31]

Thứ ba, Đức giáo hoàng mời gọi mọi người trong xã hội hiện đại cố gắng tạo ra một “văn hóa gặp gỡ” và một “văn hóa đối thoại,” trong đó chúng ta không chỉ sẵn sàng biết cho đi, mà còn biết nhận từ người khác.[32] Ngài cho rằng lòng hiếu khách sẽ gia tăng nơi chúng ta, nếu chúng ta vừa biết cho đi vừa biết đón nhận.[33] Ngài mời gọi chúng ta loại trừ tình trạng “toàn cầu hóa dửng dưng.”[34]

Để phục vụ người nghèo bằng một tình yêu “xúc cảm và hiệu quả” theo lời dạy của thánh Vinh Sơn,[35] tôi xin đưa ra một gợi ý dưới đây để chúng ta suy gẫm. Tôi mong rằng các gợi ý này sẽ giúp ích cho Gia đình Vinh Sơn trong dự án chung trợ giúp người vô gia cư. Một cách cụ thể, tôi ước mong chúng ta có thể vừa cùng nhau thay đổi hệ thống vừa tạo ra một “văn hóa gặp gỡ” trong công việc phục vụ người vô gia cư của chúng ta.

1. Lắng nghe người nghèo

Lắng nghe là nền tảng của mọi linh đạo.[36] Nếu chúng ta không lắng nghe, chẳng có gì có thể thẩm thấu vào đầu óc và con tim chúng ta. Theo Kinh Thánh, lắng nghe Lời Chúa là điều bắt buộc đối với chúng ta. Quả vậy, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28). Mặt khác, Ngài cũng thường khiển trách dân chúng về thái độ thiếu lắng nghe: “Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4,12).

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng chỉ một số ít người biết lắng nghe, nhiều người khác thì không. Đáng buồn thay, vì quá đầy đủ tri thức và kỹ năng, hoặc vì các mục đích tư lợi, nhiều người không hề để tâm đến tiếng kêu than của biết bao người nghèo đang vọng tới họ. Chúng ta có thể tự hỏi rằng liệu có được mấy người đang thực sự nghe được tiếng kêu của những người vô gia cư?

Để có thể thay đổi hệ thống, chúng ta bắt buộc phải lắng nghe. Để giúp chúng ta lắng nghe, Ủy ban Cổ võ thay đổi hệ thống của Gia đình Vinh Sơn đề ra hai nguyên tắc đầu tiên như sau:

a. Chú tâm lắng nghe, và tìm hiểu các nhu cầu cũng như các khát vọng của người nghèo, qua đó tạo ra một môi trường tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, cũng như thúc đẩy lòng tự trọng của mọi người.

b. Mời gọi người nghèo, bao gồm cả người trẻ và phụ nữ nghèo, vào mọi tiến trình thay đổi hệ thống: xác định nhu cầu, lập kế hoạch, triển khai, lượng giá, và thẩm định.

Trong cuốn sách nổi tiếng về đời sống cộng đoàn, Dietrich Bonhoeffer viết như sau: “Trong đời sống cộng đoàn, lắng nghe nhau là món nợ phục vụ mà mỗi người phải trả cho nhau trước tiên.”

2. Nhận ra và phục vụ Chúa Kitô nơi người vô gia cư

Chiếu theo lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, thánh Vinh Sơn luôn nhắc chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi khuôn mặt của người nghèo. Ngài nói với các Nữ tử Bác ái như sau: “Khi phục vụ người nghèo, chị em đang phục vụ chính Chúa Giêsu Kitô. Đó là sự thật hiển nhiên, không khác gì sự thật hiển nhiên chúng ta đang có mặt nơi đây. Một Nữ tử Bác ái đi thăm người đau ốm mười lần một ngày, thì mười lần một ngày chị ấy gặp thấy Chúa… Ôi, các con yêu quý, không gì tuyệt vời hơn thế! Sự phục vụ các con dành cho người đau ốm được Chúa vui lòng đón nhận, và Ngài coi đó là sự phục vụ các con dành cho chính Ngài.”[37]

Dùng cách nói của thánh Vinh Sơn, Mẹ Têrêsa Calcutta xác tín rằng Chúa Kitô hiện diện đích thực không chỉ nơi Bí tích Thánh Thể, mà còn trong những người đau khổ.[38] Trong nhiều truyền thống tôn giáo khác, chúng ta cũng thấy sự đồng hóa giữa Thiên Chúa và người nghèo. Chẳng hạn, một câu hỏi được đặt ra: “Chúng ta có thể tìm gặp Chúa ở đâu?” và câu trả lời theo sau: “Chúng ta gặp Chúa nơi những anh chị em khó nghèo của chúng ta.”[39]

Như vậy, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải tôn trọng nhân phẩm của những người vô gia cư (cũng như nhân phẩm của tất cả những người nghèo chúng ta phục vụ). Trong bản quy luật thánh Vinh Sơn viết cho Hội Bác ái đầu tiên ở Châtillon, năm 1617, ngài đề cập tấm “khăn trắng.” Theo cha John Rybolt, đó chính là một chi tiết tuyệt vời cho thấy thánh Vinh Sơn tôn trọng nhân phẩm người nghèo. Thánh Vinh Sơn viết điều luật đó như sau: “Sau khi đã nấu bữa sáng cho người nghèo, vào lúc chín giờ, họ (các thành viên Hội Bác ái) sẽ đem đến cho người nghèo ít súp thịt trong một cái nồi, ít bánh mì trong một tấm khăn trắng, và ít rượu trong một cái chai. Đối với bữa chiều, vào khoảng bốn giờ chiều, họ cũng là như vậy. Khi bước vào phòng bệnh nhân, họ chào hỏi thân thiện; rồi sau đó, họ tiến đến gần giường bệnh nhân với khuôn mặt vui tươi. Họ sẽ khích lệ bệnh nhân ăn uống, nâng đầu giường lên, bày ra khay nhỏ, tấm vải trắng, dĩa, muỗng, ly, đổ súp vào bánh mì, cho thịt vào một dĩa nhỏ, cầu nguyện với bệnh nhân, và cho bệnh nhân ăn súp. Họ sẽ xé nhỏ các lát thịt để bệnh nhân dễ ăn, và đồng thời nói những lời động viên an ủi để bệnh nhân lên tinh thần. Họ cũng cho bệnh nhân uống ít nước, rồi tiếp tục mời bệnh nhân ăn. Cuối cùng, khi bệnh nhân đã ăn xong, họ sẽ lau rửa muỗng dĩa, gấp lại khăn bàn, thu dọn khay, dâng lời tạ ơn Chúa với bệnh nhân, rời đi ngay để có giờ phục vụ bệnh nhân khác.”[40]

Với cách dùng từ ngữ ngày nay, việc “nhận ra và phục vụ Chúa Kitô nơi người vô gia cư” theo lời thánh Vinh Sơn dạy có nghĩa là chúng ta vừa giúp họ một cách chất lượng vừa mang tính chuyên nghiệp.

3. Trao tặng tình bạn

Trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài, chúng ta nhận thấy một tình bạn sâu lắng và mật thiết. Ngài nói với các môn đệ: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa. Thầy gọi các con là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15). Tình bạn được biểu lộ qua các nét đặc trưng: sự thân tình, đối thoại, chia sẻ, phục vụ, hy sinh, và tha thứ.

Tình bạn là một trong những món quà quý nhất chúng ta có thể trao cho nhau. Tình bạn gắn kết chặt chẽ với linh đạo thương xót mà Chúa Giêsu đề ra trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, ở Tin Mừng Mátthêu 25, 31-46.

Thánh Vinh Sơn dạy chúng ta – các thành viên Gia đình Vinh Sơn – không được coi những người chúng ta phục vụ là những “người nghèo,” mà là những “con người.” Ngài đòi chúng ta đối xử với những người chúng ta phục vụ không như khách hàng, nhưng như những người bạn mà chúng ta hết lòng quý mến. Cuối cùng, mọi sự quan tâm đều mang tính tương quan. Chúng ta giúp người khác không chỉ chỗ ở, mà còn sự quý mến. Chúng ta đến tận nhà thăm viếng họ. Chúng ta đến với họ bằng tình bạn.

4. Giúp đỡ toàn diện

Người vô gia cư bị thiệt thòi cả về thể lý, tâm lý, cảm xúc và tương quan. Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm sự tổn thương sâu xa nơi những người bị loại trừ. Nơi chính đất nước họ hoặc nơi đất khách quê người, người vô gia cư đều bị thành kiến và bị kỳ thị. Họ cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Một số người mắc bệnh tâm thần, nghiện rượu hoặc nghiện thuốc phiện. Một số người không biết tiếng địa phương. Một số người gặp trục trặc về luật pháp hoặc y tế. Nhiều người bị trầm cảm và chán sống.

Về cơ bản, thay đổi hệ thống đòi chúng ta giúp đỡ họ một cách toàn diện. Nếu bất cứ yếu tố nào trong hệ thống không vững chắc, toàn thể hệ thống sẽ lung lay.

5. Biện hộ cho người vô gia cư

Ở nơi Thiên Chúa, Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên (Tv 85,10). Lòng thương xót, sự thật, công lý, và hòa bình không bao giờ đứng tách biệt nhau, nhưng luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Lòng thương xót bổ sung công lý. Nếu thiếu vắng sự thật và công lý, hòa bình không thể bền vững. Nếu không đấu tranh cho công lý, các công việc bác ái chúng ta làm chỉ là một giải pháp xoa dịu tạm thời.

Để thay đổi hệ thống, chúng ta cần liên đới với người vô gia cư và biện hộ cho họ. Chúng ta cần góp phần xóa bỏ kỳ thị, kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ và các tổ chức, tái kết nối họ với gia đình và cộng đồng. Dĩ nhiên, đối với người vô gia cư, căn nhà là điều cần thiết nhất. Nhà ở là quyền cơ bản của mỗi người.[41] Đức giáo hoàng Phanxicô thường nói về “3L”: land, labor, and logding – đất, lao động, và chỗ ở.[42] Mười ba căn nhà thánh Vinh Sơn xây sát nhà Saint-Lazare thể hiện cái nhìn của ngài về tầm quan trọng của căn nhà đối với phẩm giá con người.

Kết luận

Năm 1823, John Howard Payne viết một bài thơ và được phổ nhạc với tựa đề “Home! Sweet Home!”  – “Tổ ấm! Tổ ấm Ngọt ngào!” Bài hát này mau chóng trở nên nổi tiếng và bán được 100.000 bản. Trong bài hát, chúng ta nghe một câu như sau: “Be it ever so humble, there’s no place like home”“Dù nhỏ bé đến đâu, tổ ấm ta chẳng chi sánh bằng.”

Trong tiếng Anh, từ ngữ “home” (tổ ấm) mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Từ ngữ này có ý nghĩa khác với từ ngữ “house” (căn nhà). Một “house” là một cấu trúc xây dựng với các bức tường, cửa sổ, nền, và mái, nhưng một “home” là một nơi chúng ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và bình an. “House” có thể là động từ và danh từ, nhưng “home” chỉ có thể là danh từ. Chúng ta có thể “house” người khác, nhưng chúng ta không thể “home” họ. Trong nhiều ngôn ngữ khác, chúng ta cũng thấy những từ ngữ và cách diễn tả “house”“home” như vậy.

Liệu Gia đình Vinh Sơn toàn cầu của chúng ta có thể làm việc chung với nhau và giúp đỡ những người vô gia cư một cách thiết thực? Trong những đất nước chúng ta sống và phục vụ, liệu chúng ta có thể đem đến cho người vô gia cư cảm giác thân thiện, sự bình an, và một tương lai tươi sáng? Đó chính là mục tiêu của đại dự án chúng ta đang triển khai để kỷ niệm 400 năm khai sinh đặc sủng Vinh Sơn.


[1] People from Galilee had a clearly recognizable accent. Cf. Mt 26:73: “A little later the bystanders came over and said to Peter, “Surely you too are one of them; even your accent gives you away.”

[2] These are the opening words of the Apostolic Constitution Exsul Familia (August 1, 1952).

[3] In Spanish, Pope Francis uses “3 T’s”: tierra, trabajo y techo.

[4] In 1647, the Ladies of Charity acquired the Château de Bicêtre, where weaned babies were taken. Then, in 1651, all recognized that Bicêtre was harmful to the children’s health, so they returned to Paris and were housed at the far end of the Saint-Denis suburb. In 1670, they were in two houses, one opposite Notre-Dame and the other in the Saint-Antoine suburb.

[5] CCD:XIIIb:423-34. CCD:IX:165-66.

[6] CCD:XIIIb:209.

[7] CCD:XIIIb:209.

[8] CCD:XIIIb:353

[9] Bernard Pujo, Vincent DePaul, the Trailblazer, translated by Gertrud Graubart Champe (University of Notre Dame Press, 2003) 131.

[10] For the reader’s convenience, I have converted the livres of St. Vincent’s time into dollars today, but I must candidly admit that this is a precarious process. For further information on the relative values of the currencies, cf. John Rybolt, “St. Vincent de Paul and Money,” Vincentian Heritage Journal 26 (2005) 92; cf. also, Gerry Lalonde, “Monetary Values in 1650 – 1750 in New France Compared to Today,” which can be found at:

http://freepages.genealogy.rootsweb.ancestry.com/~unclefred/MONETARY.htm

[11] Dodin, op. cit., p. 45, states that Br. Mathieu carried $1,000,000 to $1,200,000 a trip!

[12] CCD:I:582.

[13] CCD:II:75.

[14] CCD:I:582.

[15] Pujo, op. cit., 134.

[16] Usually called “the Fronde”, this war lasted from 1648 to 1652.

[17] For many interesting details on St. Vincent’s handling of money and his administration of charitable works, cf. René Wulfman Charité Publique et Finances Privées : Monsieur Vincent, Gestionnaire et Saint (Villeneuve d’Ascq, France: Presses Universitaires du Septentrion, 1998).

[18] CCD:XI:184. The Name of Jesus hospice later became the municipal health center. Its buildings were on the site now occupied by the offices of the Gare de l’Est. There are many references to this hospice in the writings of Vincent and Louise de Marillac. Cf. Spiritual Writings of Louise de Marillac, edited and translated from the French by Sr. Louise Sullivan, D.C. (New York; New City Press, 1991), 794-95.

[19] CCD:IV:386-87.

[20] CCD:IV:396.

[21] CCD:IV:400.

[22] In Populorum Progressio, 35, Pope Paul VI wrote: “Lack of education is as serious as lack of food; the illiterate person is a starved spirit.”

[23] Cf. Matthieu Brejon de Lavergnée, Histoire des Filles de la Charité (Fayard, Paris, 2011) 493-98.

[24] CCD:XIIIb:145 and CCD:XIIIb:211.

[25] Today, the schools of the Vincentian Family have over a million members. Beyond the schools, the Vincentian Marian Youth groups offer formation to more than 120,000 young people.

[26] Matthieu Brejon de Lavergnée, op. cit., 498.

[27] Ex. 23:9; Lev. 19:33-34; Dt. 10:17-19, 14:28-29; 16-9-12

[28] Evangelii Gaudium, 198. Cf. Jubilee Audience, October 22, 2016.

[29] CCD:II:140; X:215, 268; XI:297, 349; XII:4; XIIIb:196.

[30] Laudato Si’, 16, 42, 51, 70, 91, 111, 117, 138, 162, 240.

[31] World Meeting of Popular Movements, July 10, 2015.

[32] Address to Migrants, Sept. 12, 2015.

[33] At a meeting with alumni from Jesuit schools in Europe on Sept. 17, 2016, Pope Francis stated that authentic hospitality is our greatest security against hateful acts of terrorism.”

[34] Cf. Message for World Food Day, 16 October 2013, 2.

[35] CCD:IX:467.

[36] Dietrich Bonhoeffer, Life Together (London: SCM Press, 1954) 75.

[37] SV IX, 242-53.

[38] Along the same lines, Jon Sobrino, a noted Latin American theologian, has entitled a book The Principle of Mercy: Taking the Crucified People Down from the Cross (Orbis Books, 1994).

[39] Jews, Christians, and Muslims all refer to Abraham as a model for hospitality. Much more could be said about hospitality and various religious traditions.

[40] CCD:XIIIb:40; also CCD:XIIIb:12 and 13. Cf. a brief video on the topic: https://www.youtube.com/watch?v=0CgJVAC7Na8.

[41] Cf. Universal Declaration of Human Rights, art. 25.

[42] Laudato Si’, 152.