Thánh Vinh Sơn và Nhân đức Kiên định

0
2261

Trong truyền thống linh đạo các Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ, thường chỉ có ba lời khấn theo tinh thần Tin Mừng là: Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Tuy nhiên, khi thành lập Tu hội Truyền giáo, thánh Vinh Sơn đưa thêm một lời khấn thứ tư, đó là lời khấn kiên định. Đối với thánh Vinh Sơn, sự phát triển của Tu hội trong tương lai phụ thuộc vào việc các thành viên có kiên định với Tu hội cho đến chết hay không. Bởi vì, mục đích của Tu hội Truyền giáo là: Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, mà sứ vụ truyền giáo này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Ngài sợ rằng những khó khăn này sẽ làm các thừa sai rời bỏ sứ vụ. Hơn nữa, thời thánh Vinh Sơn, hàng giáo sĩ đang chạy theo bổng lộc. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh nhân đức kiên định đối với các thành viên trong Tu hội, để trung thành với sứ vụ truyền giáo của mình. Kiên định trong ơn gọi là điều mà thánh Vinh Sơn luôn thao thức và đòi hỏi các thành viên thực hiện với lòng nhiệt thành, người nghèo được hưởng nhờ ơn phúc của Thiên Chúa hay không cũng phụ thuộc vào sự kiện định. Bởi vậy, trong bài viết này tôi sẽ nói về: Thánh Vinh Sơn và nhân đức kiên định. Để thực hiện bài viết này tôi xin trình bày ba điểm sau đây: 1. Tổng quan về cuộc đời thánh Vinh Sơn và nhân đức kiên định; 2. Những lời dạy của thánh Vinh Sơn về nhân đức kiên định; 3. Nhận định giá trị và cách thế sống nhân đức kiên định trong thế giới hôm nay.

1. Tổng quan về cuộc đời thánh Vinh Sơn và nhân đức kiên định

a) Thánh Vinh Sơn sau biến cố mất tích (1605-1607) và bị vu khống tội ăn cắp (1609)

Thánh Vinh Sơn sinh năm 1581, qua đời năm 1660, và lãnh nhận chức linh mục năm 1600.[1] Như vậy, thánh Vinh Sơn có tuổi thọ rất cao vào thời của ngài, ngài vừa tròn sáu mươi năm linh mục. Trong khoảng thời gian dài như thế, với biết bao khó khăn, thách đố, hiểu lầm nhưng thánh Vinh Sơn luôn trung thành trong ơn gọi dâng hiến mà ngài đã chọn. Cuộc đời của ngài đã có những ngày tháng đen tối, không tìm được lối thoát. Nhưng không phải vì thế mà ngài bỏ cuộc. Thánh Vinh Sơn đã luôn trung thành với Chúa, tìm ra thánh ý của Thiên Chúa trong các biến cố và sự kiện xảy ra trong suốt cuộc đời của ngài. Hai năm mất tích và bị vu khống tội ăn cắp là dấu chứng cho lòng trung thành, kiên định của ngài với Thiên Chúa.

Hai năm mất tích của thánh Vinh Sơn (1605-1607), nguyên do bởi một phụ nữ cao tuổi tại Toulouse, ghi tên Vinh Sơn vào di chúc của bà. Ta không biết bà là ai. Có điều, để nắm giữ được món tiền di tặng này mà đã bị một kẻ xấu lấy mất, Vinh Sơn phải đến Castress chỉ cách Toulouse chừng 60 km về phía đông, đi ngựa mất độ 5 hay 6 giờ. Ngài đã bán cả con ngựa thuê để tìm đến Marseille (khoảng 300km) để tìm người đã lấy tiền của mình. Vinh Sơn không chần chừ một giây. Chỉ cần hai ngày là giải quyết xong công việc: Vinh Sơn biến mất trong hai năm, biệt tăm biệt tích. Ngài bị hải tặc bắt và bán làm nô lệ tại Bac-ba-ri.[2] Hai năm trời ròng rã, bôn ba nơi đất khách quê người, chịu biết bao khổ cực nhưng thánh Vinh Sơn không rời bỏ chức thánh của mình đã lãnh nhận.

Vào năm 1609, cha chia sẻ phòng trọ với một người đồng hương. Ngày kia, cha lâm bệnh và một nhân viên của nhà thuốc mang thuốc đến cho cha. Khi ra về, chàng thanh niên này đã ăn cắp túi tiền của người ở cùng phòng với cha. Khi trở về, chủ nhân hỏi cha về lý do túi tiền bị mất. Cha không tìm được lời giải thích nào có thể chấp nhận. Cuối cùng ngài bị vu khống là ăn cắp.[3] Cha Vinh Sơn bị rao lên tòa giảng ba tuần liền về sự việc này. Đây thật là một lời tố cáo kinh khủng đối với con người đầy tham vọng và đang đi tìm quyền thế để nương tựa. Chắc hẳn, cha Vinh Sơn đã rất xấu hổ với mọi người, cho dù ngài không hề làm chuyện này. Sáu tháng sau, nhân vật đã lấy túi tiền đã gửi thư xin lỗi đến cha Vinh Sơn. Nhưng cha có một biến đổi nào đó trong tâm hồn, nên ngài đã chọn thái độ im lặng. Ngài luôn kiên định trong cầu nguyện, và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn đã luôn kiên định trong ơn gọi, ngài luôn chọn Chúa là ưu tiên số một trong cuộc sống của ngài. Ngài không chỉ kiên định trong ơn gọi mà ngài con kiên định trong sứ vụ truyền giáo của Tu hội nữa.

b) Trung thành với sứ vụ truyền giáo tại Madagascar

Vào năm 1648 thánh Vinh Sơn đã gửi các nhà thừa sai đến hòn đảo này. Đối diện với nhiều khó khăn, vất vả về con người, thổ nhưỡng khí hậu, chính quyền thực dân tại đây, và đặc biệt một hành trình rất dài để di chuyển từ Pháp tới Madagascar, nhiều nhà thừa sai đã chết trên biển. Nhiều thành viên đã có ý là muốn dừng lại công cuộc truyền giáo tại đây vì đã mất quá nhiều nhân sự. Nhưng, không vì thế mà cha Vinh Sơn bỏ cuộc, mặc dù tất cả những khó khăn này, cha Vinh Sơn không bao giờ có những vấn đề khó khăn về nhân sự. Cha gửi đến Madagascar, bằng những đợt liên tiếp, hai mươi nhà truyền giáo, nhưng chỉ có tám người đến được mục tiêu. Không có người nào tỏ vẻ cưỡng lại và nhiều người lên đường hướng về hòn đảo xa xôi theo yêu cầu riêng của họ.[4]  Trong sứ vụ truyền giáo cha Vinh Sơn không bao giờ bỏ cuộc khi gặp thử thách, ngài luôn luôn đáp lại lời mời gọi của Giáo hội và nhận ra dấu chỉ thời đại.

c) Thánh Vinh Sơn luôn trung thành tin tưởng vào Chúa quan phòng

Thánh  Vinh Sơn luôn xác tín vào Chúa quan phòng, và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa. Ngài luôn nhận ra dấu chỉ của thời đại, và tìm ra điều Chúa muốn. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cha Vinh Sơn tin tưởng vào Chúa quan phòng, trong một bức thư gởi cho cha Beard Coding. Ngài làm nổi bật sự quan phòng của Thiên Chúa: “Chuyện gì đến thì sẽ đến. Ân sủng có thời của nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa và chớ nên đi trước Chúa Quan Phòng. Nếu Chúa chúng ta vui lòng mà thương ban cho tôi niềm an ủi nào đó trong ơn gọi của chúng ta đây, thì tôi tưởng rằng, dường như đối với tôi, là chúng ta đã cố gắng bước theo sự quan phòng cao cả của Ngài trong mọi sự.[5] Cha Vinh Sơn luôn để Chúa soi sáng và dẫn đường. Sau các biến cố bản lề trong cuộc đời của ngài, ngài luôn cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa trong ơn gọi của ngài. Có thể nhận định rằng thánh Vinh Sơn kiên định trong sự cầu nguyện, và nhận ra dấu chỉ thời đại nhờ sự trung thành cầu nguyện.

2. Những lời dạy của thánh Vinh Sơn về nhân đức kiên định

a) Giáo huấn của thánh Vinh Sơn

Chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao thánh Vinh Sơn lại có lời khấn kiên định. Bởi vì, ngài rất đau đớn khi thấy một số vị thừa sai tốt nhất rời khỏi Tu hội. Sự bền vững, ngài nói với cha Alméras, là một trong những động cơ chính thúc đẩy ngài xin cho các thành viên trong Tu hội được nói lên lời tuyên khấn. “Không có cách nào bảo đảm hạnh phúc đời đời của chúng là tốt hơn là sống và chết để phục vụ người nghèo trong vòng tay của Chúa quan phòng và trong việc từ bỏ chính mình để theo Đức Kitô.” Đó là những lời ngài viết cho cha Jean Barreall ngày 04 – 12 – 1648.[6] Lời khấn kiên định được ghi rõ rằng trong Hiến Pháp số 39 như sau: “Qua lời khấn đặc biệt về đức kiên định, chúng ta tuyên khấn sống trọn đời trong Tu hội, để hoàn thành mục đích của Tu hội, thi hành những công việc mà các Bề trên giao phó, theo Hiến pháp và Quy chế của chúng ta.[7]

Thánh Vinh Sơn muốn các thành viên trung thành ở trong Tu hội suốt đời, quyết tâm sống theo mục đích của Tu hội. Không những thế, thánh Vinh Sơn còn luôn trung thành với Giáo hội. Thánh Vinh Sơn rất ưu tư về sự kiên định của các thành viên trong Tu hội. Một linh mục vì một lý do không đáng đã có ý muốn rời bỏ Tu hội, cha Vinh Sơn đã nói với ngài như sau: “Nếu cha đã ở lâu trong Tu hội đến hai mươi năm rồi, thì cha cũng nên ở thêm hai mươi đến ba mươi năm nữa, bởi vì những sự việc trong tương lai sẽ không khó khăn hơn là những gì đã xảy ta trong quá khứ. Và nếu cha hoàn toàn gắn bó với Thiên Chúa giống như bao nhiêu người khác, thì ngoài việc cha sẽ cảm hóa được họ, Chúa chúng ta sẽ gắn bó với cha hơn bao giờ hết. Người sẽ là sức mạnh giúp cha chống lại những sự yếu đuối, Người sẽ là niềm vui giúp cha chống lại sự buồn bã, và Người sẽ là sự vững bền để giúp cha chống lại tính hay do dự.” (SV III, 482-483)[8] Thánh Vinh Sơn không chỉ nói mà ngài con thực hành những gì mình đã nói, với lới khấn kiên định ngài đã đưa ra cách thức để thực hành nhân đức này.

b) Thực hành nhân đức kiên định

Đối với thánh Vinh Sơn, trung thành với Tu hội là làm cho mục đích của Tu hội được sinh hoa kết quả, làm cho Tu hội phát triển bền vững. Nhưng nếu thành viên nào trở thành nhân tố hủy hoại cho Tu hội thì ngài sẽ sẵn sàng thải hồi. Thánh Vinh Sơn rất mong ước các anh em giữ lời cam kết. Thỉnh thoảng ngài năn nỉ họ ở lại hoặc quay lại. Năm 1646, trong một lá thư gửi cha Thomas Berthe, ngài đã kêu gọi cách tha thiết: “Cha ơi! Hãy quay trở lại đi, tôi kêu mời cha do lời hứa cha đã thề với Chúa là sẽ sống chết trong Tu hội.” Một tháng sau đó, ngài lại năn nỉ: “Tôi sẽ tín nhiệm cha hơn bao giờ hết (nếu cha quay trở lại), bởi vì tôi sẽ không bao giờ còn phải sợ mất cha, sau khi đã thấy cha được cứu thoát khỏi tảng đá ngầm nguy hiểm như vậy. Cha hãy chọn nhà nào tùy ý. Nơi nào cha cũng sẽ được vòng tay mở rộng đón tiếp.”[9]

Nhưng thật ra, đôi khi ngài vui sướng khi những anh em khác rời khỏi Tu hội. Ngài nói với cha René Almeras rằng: “Chúng ta nên xem sự ra đi của một vài người như là điều hữu ích cho Tu hội.” Trong nhật ký của mình, cha Jean Gicquel mô tả phản ứng của thánh Vinh Sơn (chỉ tám ngày trước khi ngài qua đời) khi cha Achille Levazeux rời bỏ Tu hội: “Ôi lạy Chúa ! Cám ơn Chúa vì đã cất cho chúng con khỏi một gánh nặng như cha ấy, con người xuất sắc đến nỗi trở thành kiêu căng ngạo nghễ.” Trong bốn năm ngày kế tiếp, thánh Vinh Sơn vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở mỗi cuộc họp: “Cám ơn Chúa hết lòng vì đã giải thoát chúng ta.” Tương tự như thế, ngài đã vui mừng rõ rệt khi để cho cha Chrétien Daisie ra đi, và lại càng vui hơn với sự ra đi của thầy Doutrelet, mà theo ngài, sự ra đi ấy sẽ làm cho Tu hội sống sót. Khi năm anh em rời khỏi Tu hội năm 1642, và hai người khác bị cho ra, ngài viết cảm nghĩ cho cha François Dufestel như sau: “Hạng người này sẽ làm tổn thương chúng ta trong cuộc chiến hơn là giúp ích.” Ngài lại càng cương quyết hơn nữa trong việc thải hồi những người chưa tuyên khấn. “Chúng tôi đã thanh lọc chủng viện nhiều lần“, ngài nói với cha Jean Dehorgay khi báo tin cho cha ấy biết rằng còn ba mười chủng sinh ở lại. Nhưng sau đó, năm 1657, ngài khiển trách cha Bề trên chủng viện vì quá khắt khe. Ngài rất quan tâm đến việc các vị Bề trên nên tỏ ra thực tế và hướng dẫn các chủng sinh từng bước một.[10] Quả thế, đối với thánh Vinh Sơn, kiên định trong Tu hội không chỉ là để ở trong Tu hội, mà con là một thành viên hữu ích cho Tu hội. Thánh Vinh Sơn đã không ngần ngại thải hồi những thành viên là nhân tố hủy hoại cho Tu hội. Đôi khi ngài còn tạ ơn Chúa vì sự ra đi của các thành viên này. Thánh Vinh Sơn là người hoạt động và chiêm niệm, tình yêu của ngài đối với người nghèo thể hiện qua sức mạnh của đôi tay và mồ hôi trán. Cũng như thế, lời khấn kiên định mà ngài đã đặt ra, ngài luôn mời gọi các thành viên thực hành mỗi ngày và nhờ ơn Chúa giúp để cố gắng thủ đắc được nhân đức này. Thánh Vinh Sơn đã cho chúng ta những cách thế để thủ đắc đức kiên định này.

c) Cách thức thủ đắc nhân đức kiên định

Thánh Vinh Sơn luôn luôn mời gọi các thành viên trong Tu hội trung thành cầu nguyện mỗi ngày, kỷ luật bản thân cùng với các nhân đức khác để kiên định trong Tu hội và mục đích của Tu hội và lấy nó làm mục đích của mình. Ngoài những phương thế thông thường và rất quen thuộc, như là cầu nguyện sốt sắng và đều đặn, như là các bí tích, như là việc khấn lại định kỳ hàng năm, như là những cuộc tĩnh tâm, như là những lần gặp gỡ và những ngày lễ của cộng đoàn, thì kinh nghiệm cho thấy là còn có những nguồn mạch khác cũng có thể nuôi dưỡng lòng trung thành của chúng ta, như là:[11]

Xác tín rằng Chúa yêu thương chúng ta, vì chúng ta là thành viên của Tu hội Truyền giáo. “Thiên Chúa yêu thương những người nghèo khó, vì thế Người cũng yêu thương những ai yêu thương những người nghèo” (SV XI, 392). Và từ sự xác tín này, phát sinh ra một quyết tâm mạnh mẽ nhưng khiêm tốn, đó là đương đầu cho đến chết, với những rủi ro, những đau khổ, những hy sinh, và những cơn khủng hoảng bất chợt sẽ xảy đến sau này.

Tìm hiểu về truyền thống của Tu hội Truyền giáo. Chúng ta không thể yêu mến những gì mà chúng ta không biết. Thật là một điều cao quý biết bao, nếu chúng ta chịu miệt mài học hỏi lịch sử và linh đạo của Tu hội, chịu học hỏi Hiến Pháp, những quy tắc và những chỉ thị của Tu hội, cũng như muốn hiểu biết đời sống của các vị thừa sai nổi tiếng của chúng ta. Chúng ta sẽ tham khảo lại truyền thống của chúng ta, để thấy rõ các bậc tiền bối của chúng ta đã thể hiện đặc sủng Vinh Sơn ở thời đại của họ và trong văn hóa của họ như thế nào. Một sự nhiệt tình quan tâm đến những tiến triển hiện nay của Tỉnh dòng của chúng ta, cũng như những giới hạn bên trong cũng như bên ngoài Tỉnh dòng, sẽ giúp cho chúng ta hiểu được tinh thần của thánh Vinh Sơn ngày nay, cần phải được sống như thế nào.

Tăng cường đối thoại và tình huynh đệ. Điều này sẽ giúp cho chúng ta có được kinh nghiệm Tu hội là gia đình của chúng ta. Cùng với gia đình Tu hội, chúng ta xác định được cuộc sống của chúng ta. Một tinh thần cộng đoàn năng động, mang lại sự sống cho công việc truyền giáo của chúng ta, và tạo được bầu khí giúp cho chúng ta có thể cởi mở bày tỏ cho anh em của chúng ta, những khó khăn riêng tư mà chúng ta rất có thể gặp phải.

Duy trì và đổi mới đặc tính Vinh Sơn trong việc làm của chúng ta. Các công việc tông đồ của chúng ta phải hết sức ăn khớp với mục đích của Tu hội, cũng như ăn khớp với những đặc tính mà Hiến Pháp đã xác định (HP 12). Người ta sẽ dùng nó làm nền tảng, để đánh giá một cách trung thực các việc làm hiện nay của chúng ta (QC 1).

Tiếp xúc trực tiếp với người nghèo. Tất cả các thành viên trong Tu hội Truyền giáo nên có dịp cảm nghiệm được niềm vui khi được tiếp xúc trực tiếp với những người nghèo khó. Họ có thể dạy cho chúng ta nhiều giá trị của Tin Mừng và khuyến khích chúng ta kiên trì trong ơn gọi của mình (HP 12,3).

Cộng tác với những người dấn thân trong hoạt động phục vụ người nghèo. Các Nữ Tử Bác Ái (HP 17), các phong trào giáo dân Vinh Sơn (QC 7) hay những nhóm phục vụ cho nhân quyền và tranh đấu để cho xã hội được công bằng hơn, họ có từ giúp ích rất nhiều cho sự dấn thân của chúng ta (QC 9).[12]

Như vậy, thánh Vinh Sơn đã cho chúng ta rất nhiều cách thế để kiên định trong ơn gọi. Những cách thế này bào trùm toàn bộ đời sống ơn gọi của chúng ta. Có thể nhìn nhận rằng, kiên định là yêu mến Chúa và Tu hội, sống hiến mình vì mụch đích của Tu hội đã được ghi trong Hiến Pháp số 27. Hơn nữa, đời sống cộng đoàn là sợi dây vô hình để gìn giữ ơn gọi của chúng ta trong Tu hội.

3. Nhận định giá trị và cách thế sống nhân đức kiên định trong thế giới hôm nay[13]

Chúng ta cần phải gợi lại lời nhắn nhủ mà Đức Phaolô VI đã dành cho Tu Hội Truyền Giáo năm 1968, trước khi chúng ta bắt đầu công việc nhìn lại và thích ứng các bản quy luật của chúng ta: “Trung thành với truyền thống Tin Mừng và các quy tắc do thánh Vinh Sơn đề ra. Trung thành với việc học hỏi về con người trong thế giới hiện đại ngõ hầu đáp ứng những nhu cầu thể lý và tâm linh của họ. Trung thành với Giáo Hội, chúng ta phải yêu thương, kính trọng và phục vụ Giáo hội với tư cách là con cái Thiên Chúa, tông đồ và tôi tớ.” Lời mời gọi trung thành là một trong những ý tưởng chủ đạo trong Hiến Pháp của chúng ta. Điều muốn nói ở đây là về các thành viên và các cộng đoàn địa phương (sự trung thành của cá nhân thôi thì không đủ, đúng hơn phải là lòng trung thành mang tính cộng đoàn); điều này dựa trên cảm hứng và giáo huấn của thánh Vinh Sơn. Chúng ta buộc phải trung thành với những ý định mà thánh Vinh Sơn đã trao lại cho những người kế vị ngài.

a) Lòng trung thành với Đấng sáng lập – Khởi đầu của việc canh tân

Công đồng Vatican II đã đưa ra nguyên tắc cho việc canh tân và thích nghi của các dòng tu như sau: “Mỗi Hội dòng có đặc tính và phận vụ riêng nhằm mưu ích cho Giáo hội. Do đó, phải trung thành đón nhận và tuân giữ tinh thần cũng như ý hướng đặc biệt của các Đấng Sáng Lập, cùng với các truyền thống tốt lành đã có, vì đó là những yếu tố tạo nên di sản của mỗi Hội dòng.” Đức Phaolô VI tái khẳng định nguyên tắc canh tân ấy trong Tông Huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc Âm) của ngài: “Công Đồng có lý khi nhấn mạnh về nghĩa vụ của các tu sĩ nam nữ phải trung thành với tinh thần của Đấng sáng lập, trung thành với những ý hướng Phúc Âm và gương thánh thiện của các ngài. Họ phải thấy đây là một trong các nguyên tắc canh tân hiện hành và là một tiêu chuẩn hoạt động chắc chắn nhất khi mỗi Hội dòng phải tra tay làm.

b) Trung thành với đặc sủng của thánh Vinh Sơn

Tự bản chất, đời sống tu trì mang lại một đường lối linh đạo và hoạt động tông đồ đặc thù. Điều này tạo nên một truyền thống mà trong đó những yếu tố khách quan có thể được cá nhân hoá dễ dàng. Trong khi mở ra với các môi trường văn hoá và trong tiến trình canh tân, người ta cũng cần phải đảm bảo sự trung thành đối với mỗi Hội dòng. Chỉ nhờ việc hành động phù hợp với những ý định và mục tiêu đặc thù của mình mà người tu sĩ mới có thể tránh được mối nguy bị tan biến trong Giáo hội do trở nên mập mờ và thiếu bản sắc. Bởi vì mỗi đặc sủng đều mang theo mình một sự mới mẻ nào đó trong Giáo hội nên thật không dễ dàng thấy rõ được cách thế đáp trả những đặc sủng ấy. Do đó, văn kiện trích trên đã nói: “Đặc tính của mỗi Dòng tu đòi hỏi: Sự thẩm định liên tục về lòng trung thành đối với Thiên Chúa, ngoan nguỳ đối với Chúa Thánh Thần, hiểu biết các thực trạng và viễn cảnh xã hội, giải thích được các dấu chỉ thời đại, luôn tháp nhập vào Giáo hội, ý thức về việc vâng phục hàng giáo phẩm, táo bạo trong các sáng kiến, kiên trì trong việc từ bỏ bản thân và khiêm nhường mỗi khi gặp thử thách.[14]

c) Tuân giữ Hiến pháp là phương thế để trung thành với thánh Vinh Sơn

Hiến Pháp của chúng ta chỉ là một công cụ phục vụ cho đoàn sủng Vinh Sơn. Không thể trình bày toàn bộ sứ điệp thiêng liêng của thánh Vinh Sơn chỉ trong Hiến Pháp. Có những phương tiện khác nữa. Tuy nhiên, cho dù có những giới hạn nơi Hiến Pháp, sự trung thành của chúng ta với Hiến Pháp vẫn là một bảo đảm cho lòng trung thành của chúng ta với thánh Vinh Sơn. Theo ý muốn của Giáo hội, Tu hội Truyền giáo, được sáng lập bởi thánh Vinh Sơn Phaolô, đã duyệt xét lại nội quy căn bản của mình, để có thể hồi sinh hoạt động tông đồ, và đời sống của mình trong thế giới hiện đại, theo tinh thần của Công đồng Vatican II.

Tổng Đại Hội 1980 đã ý thức được tầm quan trọng của việc trở về nguồn của Tu hội cũng như với kinh nghiệm và ý muốn của thánh Vinh Sơn, để có thể thấu hiểu và thực thi trọn vẹn ý định và tinh thần nguyên thuỷ của Đấng sáng lập. Đồng thời, Tổng Đại Hội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải rút tỉa từ gia sản của chúng ta những chân lý muôn đời ngõ hầu giúp chúng ta đáp trả ơn gọi của mình và cho phép chúng ta duy trì và thể hiện vị thế cũng như mục đích độc đáo của mình trong Giáo hội.

Kết luận, thánh Vinh Sơn đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá và vĩ đại. Trong đó, nhân đức kiên định là một gia tài rất lớn đối với chúng ta là con cái của ngài. Nhân đức kiên định giúp chúng ta trung thành với đặc sủng của Tu hội, và với mục đích thành lập Tu hội. Đặc biệt, kiên định làm cho Tu hội luôn trung thành với Giáo hội và Tin Mừng. Bên cạnh đó, kiên định sẽ giúp cho con người chúng ta được phát triển toàn diện, và sứ vụ phục vụ người nghèo sẽ không bao giờ bị dừng lại trước những khó khăn gian khổ. Từ nhân đức kiên định, tôi học hỏi được rất nhiều điều, chúng ta không chỉ kiên định là ở lại suốt đời trong Tu hội, mà chúng ta còn kiên định trong lời nói, kiên định trong suy nghĩ và quyết định, kiên định trong kỷ luật bản thân, đừng bao giờ có ý hướng hủy hoại Tu hội. Cho dù chúng ta ở bất kỳ bậc sống nào thì kiên định luôn đóng một vai trò thiết yếu nhất.

Gioan Dương Văn Phong


[1]  BERNARD PUJO. Vincent de Paul, le Précurseur. Nơi xuất bản: Paris, nhà xuất bản: Alnbin Michel, năm 1998. Người dịch: Lm. NGUYỄN QUANG THANH. CM. Lưu hành nội bộ, 2004, trang 248.

[2] Ibid trang 30 – 31.

[3] LUIGI MEZZADRI, Petite Vie de Saint Vincent de Paul. Nơi xuất bản: Paris, nhà xuất bản: Desclee de Brouwer Paris, năm 1991. Chuyển ngữ: Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, 1998, trang 15.

[4] Tiểu sử thánh Vinh Sơn. Lưu hành nội bộ, tập 2, trang 178.

[5] ROBER P. MALONEY. CM. The Way of Vincent de Paul. Nơi xuất bản: New City Pressss, New York, 1992. Lưu hành nội bộ, trang 33.

[6] Ibid, trang 95-96.

[7] HIẾN PHÁP VÀ QUY CHẾ CỦA TU HỘI TRUYỀN GIÁO. Lưu hành nội bộ, 2018, trang 52.

[8] Lm NGUYỄN QUANG THANH. CM, Những câu nói của thánh Vinh Sơn. Lưu hành nội bộ, 2017, trang 133.

[9] ROBER P. MALONEY. CM. The Way of Vincent de Paul. Nơi xuất bản: New City Pressss, New York, 1992. Lưu hành nội bộ, trang 97.

[10] ROBER P. MALONEY. CM. The Way of Vincent de Paul. Nơi xuất bản: New City Pressss, New York, 1992 Lưu hành nội bộ, trang 97- 98.

[11] ROBER P. MALONEY. CM. Huấn Dụ về Kiên Định, Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục trong Tu hội Truyền giáo, năm 1996. Lưu hành nội bộ, trang 38.

[12] ROBER P. MALONEY. CM. Huấn Dụ về Kiên Định, Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục trong Tu hội Truyền giáo, năm 1996. Lưu hành nội bộ, trang 40.

[13] ROBER P. MALONEY. CM, Trung Thành Với Thánh Vinh Sơn,  https://vinhson.net/003-trung-thanh-voi-thanh-vinh-son.html, truy cập ngày 07/11/2019.

[14] ROBER P. MALONEY. CM, Trung Thành Với Thánh Vinh Sơn,  https://vinhson.net/003-trung-thanh-voi-thanh-vinh-son.html, truy cập ngày 07/11/2019.