Giuse Bùi Đức Năng
Gần đây tôi đã được nghe một bài giảng với ý tưởng rằng: “Khi lý trí của chúng ta đã đi đến giới hạn của nó trong việc tìm kiếm huyền nhiệm, chúng ta hãy dừng lại, nhìn ngắm thiên nhiên xung quanh chúng ta, và chúng ta sẽ bắt gặp được huyền nhiệm ở đó.” Chính ý tưởng này đã thôi thúc tôi tìm kiếm sự tương quan của thánh Vinh Sơn đối với thiên nhiên trong các bút tích của ngài. May mắn hơn, trong quá trình đọc các bút tích có liên hệ đến thiên nhiên của thánh Vinh Sơn, tôi đã được gợi ý để suy gẫm về đề tài: “Thiên Nhiên, Giáo Cụ Trực Quan Của Thánh Vinh Sơn”.[1] Với đề tài này, chúng ta sẽ nhận thấy cách thế mà thánh Vinh Sơn tương quan và suy gẫm với thiên nhiên, nhờ đó thiên nhiên trở nên giáo cụ trực quan trong các huấn đức của ngài: trước hết, thiên nhiên mạc khải sự quan phòng của Thiên Chúa; thứ đến, tương quan của thiên nhiên và sự cần thiết của đời sống cầu nguyện; và cuối cùng, thiên nhiên và việc rèn luyện các nhân đức.
Hy vọng rằng, với thiên nhiên, giáo cụ trực quan sinh động mà thánh Vinh Sơn đã dùng trong những bài huấn đức, chúng ta sẽ khám phá ra tình yêu và tương quan của ngài với thiên nhiên; đồng thời, chính chúng ta cũng kín múc được tình yêu dành cho thiên nhiên, và những bài học hữu ích mà thiên nhiên dành tặng cho chúng ta.
1. Thiên nhiên mạc khải sự quan phòng của Thiên Chúa
Việc nhận thấy sự quan phòng của Thiên Chúa qua sự vận hành của thiên nhiên vạn vật đã được các Vịnh gia diễn tả một cách đầy thi vị: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2); “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài” (Tv 8,4). Chính Chúa Giêsu, trong các giáo huấn của mình, cũng thường dùng hình ảnh thiên nhiên để dạy cho chúng ta về sự quan phòng của Thiên Chúa, nhờ đó, Ngài mời gọi con người sống tin tưởng phó thác vào Chúa Quan Phòng trong đời sống thường ngày. Ngài nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,26.28-29). Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng, ngoài việc mang lại lợi ích cho đời sống con người, thiên nhiên cũng mời gọi con người nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời nhờ đó mà tin tưởng phó thác đời mình vào bàn tay quan phòng của Ngài. Chính điều này cũng đã được diễn tả rõ nét trong đời sống của thánh Vinh Sơn khi ngài luôn bước theo Chúa Quan Phòng.
Chúng ta biết rằng, thánh Vinh Sơn thường nói về sự quan phòng của Thiên Chúa trong các lá thư và các bài huấn đức cho các nhà truyền giáo và các chị Nữ Tử Bác Ái. Đời sống của ngài là một đời sống luôn trung thành bước theo Chúa Quan Phòng. Ngài nói về điều này trong một lá thư cho cha Bernard Codoing rằng: “Tôi có lòng sùng kính đặc biệt đi theo Chúa Quan Phòng từng bước” (SV II,237).
Trong việc tin tưởng bước theo Chúa Quan Phòng, thánh Vinh Sơn đã diễn tả sự quan phòng của Thiên Chúa qua sự vận hành của vũ trụ thiên nhiên, và đó là một bài học đầy hình ảnh minh họa cho con cái của ngài. Ngài nói với các chị Nữ Tử Bác Ái rằng: “Đất trời vận chuyển, tinh tú đổi ngôi, đất liền và biển khơi đều sinh sôi nảy nở, không khí tuần hoàn, bốn mùa đắp đổi và cả một trật tự tuyệt vời trong thiên nhiên hiện ra trước mắt. Tất cả những sự ấy sẽ trở về không, nếu Thiên Chúa không đưa tay nâng đỡ” (SV IX,489, ngày 29/11/1649).
Không dừng lại ở những sự vật xung quanh, thánh Vinh Sơn còn chỉ ra cho chúng ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa nơi những công việc thường ngày của con người cũng như các loài vật; và tất cả mọi sự quan phòng này chỉ để dành cho đời sống tốt đẹp của con người mà thôi. Ngài tiếp tục nói với các chị Nữ Tử Bác Ái: “Ngoài công trình chung này, Thiên Chúa còn thực hiện liên tục với từng cá nhân: với người thợ thủ công trong gian hàng của mình, với người phụ nữ trong công việc nội trợ, với con kiến, con ong trong việc thu hoạch của chúng. Vì sao mà Người làm như thế? Xin thưa, Người làm thế là để cho con người, cho con người mà thôi, để con người được dồi dào sức sống và đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết” (SV IX,489).
2. Tương quan của thiên nhiên và sự cần thiết của đời sống cầu nguyện
Khi nói về đời sống cầu nguyện trong linh đạo Vinh Sơn, chúng ta thường ngay lập tức có phản ứng ngạc nhiên, bởi vì rất thường chúng ta chỉ nghe nói về thánh Vinh Sơn như một vị Tông đồ Bác ái. Tuy nhiên, khi trở lại với các giáo huấn của ngài về đời sống cầu nguyện, chúng ta phải nhìn nhận rằng, thánh Vinh Sơn không chỉ là vị thánh của các hoạt động Bác Ái nhưng ngài cũng là vị thánh của cầu nguyện. Cầu nguyện và hoạt động trở nên “chiều kích song thị” trong đời sống của ngài.[2] Hay chúng ta có thể nhận thấy rằng, “ngài có hành động, thì trước hết và trên hết, ngài đã là một con người của cầu nguyện. Và nếu ngài có hành động, thì tất cả các hành động của ngài đều là hoa trái của cầu nguyện và được bao trùm trong đời sống cầu nguyện.”[3] Khi sống hòa quyện trong cả hai chiều kích hoạt động và cầu nguyện, thánh Vinh Sơn thường khích lệ các con cái mình rằng: “Hãy cho tôi một con người cầu nguyện, người đó cỏ khả năng làm được mọi việc” (SV XI,76; XII,131).
Chính trong các giáo huấn về tầm quan trọng của việc cầu nguyện với đời sống dâng hiến, chúng ta cũng nhận thấy thiên nhiên trở nên giáo cụ trực quan mà nhờ đó, thánh Vinh Sơn diễn tả về sự cần thiết của đời sống cầu nguyện cho con cái mình. Ngài nói trong các buổi huấn đức về việc nguyện gẫm[4] rằng: “Nguyện gẫm như là đồ trang sức của linh hồn” (SV X,586); “nguyện gẫm như là của ăn nuôi dưỡng linh hồn” (SV X,416); “nguyện gẫm cần thiết cho sự sống của linh hồn như là không khí cần thiết cho sự sống của thân xác” (SV X,604); “nguyện gẫm như những giọt sương sa êm dịu tẩm ướt linh hồn mỗi sáng ban mai” (SV IX,402); “nguyện gẫm cũng cần thiết như nước cần cho cá để bảo tồn sự sống” (SV X,604).
Trong sự tương quan của thiên nhiên và sự cần thiết của việc cầu nguyện đối với đời sống con người, thánh Vinh Sơn còn sử dụng hình ảnh của “người làm vườn” chăm sóc cho cây cối, và sự cần thiết của nước đối với sự phát triển của cây để diễn tả về đời sống cầu nguyện như là một thứ nước màu mỡ dành cho linh hồn. Ngài nói với các chị Nữ Tử Bác Ái rằng: “Chị em thân mến, như những người làm vườn dành thời gian hai lần một ngày để tưới các cây trong vườn mà, nếu thiếu sự hỗ trợ này cây sẽ chết trong những lúc nóng nực, và trái lại nhờ sự ẩm ướt này, rút lương thực của chung từ đất, bởi lẽ một thể dịch nào đó phát sinh từ việc tưới nước này, qua rễ mà đi lên chảy dọc theo cành, đem đến sự sống cho cành và lá và hương vị cho trái; như vậy, chị em thân mến, chúng ta giống như những khu vườn đáng thương này, trong đó, sự khô cạn giết chết mọi cây cỏ, nếu thiếu sự chăm sóc và lao công của những người làm vườn; và để được vậy, chị em có tập tục thánh thiện là nguyện gẫm, giống như một thứ sương sa êm dịu, mỗi sáng tẩm ướt linh hồn chị em nhờ ân sủng mà nó kéo xuống từ Thiên Chúa trên chị em” (SV IX,402). Ngài cũng nói thêm: Nếu chị em mệt mỏi vì những sự kiện và chuyện buồn phiền, thì ban chiều chị em vẫn còn sự giải khát ích lợi này mà sẽ đem lại sức mạnh cho mọi hành động của chị em. Ôi! Người Nữ Tử Bác Ái sẽ kết sinh hoa trái trong một thời gian ngắn, nếu chị đó chăm lo làm cho mình được giải khát nhờ sự tưới gội thánh thiện này! Người ta sẽ thấy chị đó lớn lên hằng ngày, hết nhân đức này đến nhân đức khác, cũng như người làm vườn trông thấy các cây mình trồng lớn lên, và trong một thời gian ngắn, chị đó sẽ tiến bước tựa như rạng đông tươi đẹp mọc lên ban sáng và càng ngày càng lớn cho đến chính ngọ. Như thế, hỡi chị em, người chị em đó sẽ tiến bước cho đến khi đạt được Mặt Trời Công Chính, là ánh sáng thế gian và sẽ đắm mình trong đó, tựa như rạng đông sẽ tan biến trong mặt trời” (SV IX,402; bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, 01/05/1648).
Như vậy, với những hình ảnh minh họa từ thiên nhiên, thánh Vinh Sơn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối với đời sống con người; đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy sự tương quan sâu xa của thánh Vinh Sơn với thiên nhiên vạn vật. Thiên nhiên trở nên những suy gẫm, những bài học; nhờ đó, thiên nhiên trở nên những hình ảnh minh họa hữu ích và sinh động cho những bài giáo huấn của Ngài.
3. Thiên nhiên và việc rèn luyện các nhân đức
Trong các buổi huấn đức hay trong các lá thư, thánh Vinh Sơn thường hướng dẫn cho các con cái mình về việc phải rèn luyện các nhân đức. Ngài nhấn mạnh trong Luật Chung của Tu hội Truyền giáo rằng: “Tu hội phải chú tâm cách đặc biệt về các nhân đức này để làm sao cho năm nhân đức này trở thành những quang năng linh hồn của tất cả Tu hội, cũng như là mọi hành động của mỗi người chúng ta được linh hoạt bởi những quang năng đó” (LC II,14). Ngài cũng nói với các Nữ Tử Bác Ái trong một buổi huấn đức về việc phải có các nhân đức trổi vượt hơn các nữ tu khác. Ngài nói: “Nhưng chẳng có ai đi giữa thế gian như các Nữ Tử Bác Ái và có nhiều cơ hội như các chị em. Vì thế, điều rất quan trọng rằng, các chị em phải có nhân đức hơn các nữ tu khác” (SV X,658).
Với sự cần thiết của việc rèn luyện nhân đức, thánh Vinh Sơn cũng dùng những hình ảnh từ thiên nhiên để minh họa cho các bài huấn đức của mình. Ngài thường nói về việc sử dụng “con dao thiêng liêng” để gọt tỉa những khó khăn của đời sống con người nhờ đó con người ngày càng triển nở tốt đẹp và tràn đầy sức sống. Cha Jean Piere Renouard đã diễn tả điều này trong tác phẩm Vinh Sơn Phaolô – Thầy Dạy Lẽ Khôn Ngoan rằng: “Hình ảnh này được ngài sử dụng khi ngài đã trông thấy người cha hay người anh, hoặc một người láng giềng nào đó ghép một cây, cắt vát cành cây để đưa giống tốt vào. Cha cũng đã thấy chính những người đó tỉa cắt cây để làm cho chúng kết sinh nhiều trái hơn. Chúng ta luôn luôn có điều gì đó phải cắt tỉa và Đức Kitô biết rõ điều đó, Ngài thấy Cha Ngài làm điều đó cho chúng ta khi chúng ta không thể tự tẩy sạch chính mình (Ga 15, 1 – 8).”
Cụ thể hơn, với từng nhân đức khác nhau, thánh Vinh Sơn cũng sử dụng những hình ảnh minh họa từ thiên nhiên để diễn tả việc rèn luyện các nhân đức. Ngài nói về đức khiêm nhường như sau: “Một tinh thần khiêm nhường là hạ mình xuống giữa những danh dự, giữa những lăng nhục; hành động như con ong, nó biết làm mật từ sương rơi trên cây ngải cũng giỏi như khi làm mật từ sương rơi trên các bông hồng” (SV I,94); với đức Đơn Sơ, thánh Vinh Sơn thường sử dụng lại giáo huấn của Chúa Giêsu về việc phải “đơn sơ như bồ câu và khôn ngoan như con rắn” (LC I,5); với đức Hãm Mình, thánh Vinh Sơn nói với các cha truyền giáo rằng: “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn được nên giống như người trồng nho tốt lành. Ông ta luôn có trong túi con dao và dùng nó để cắt đi tất cả những gì ông thấy có hại cho cây nho của mình! Vì cây nho thường đâm ra chồi nhiều hơn ông muốn và nó không những đâm ra những cành vô ích. Người trồng nho luôn sẵn sàng con dao trong tay để cắt bỏ đi tất cả những gì là dư thừa vô ích này ngay khi mà ông phát hiện thấy nó, ngõ hầu sức sống của nhựa cây lên được mọi ngành nho, những ngành cần phải sinh hoa kết trái” (SV XII,225); với đức Nhiệt Thành, thánh Vinh Sơn diễn tả: “nếu tình yêu Thiên Chúa là lửa thì lòng nhiệt thành là ngọn lửa; nếu tình yêu Thiên Chúa là mặt trời thì lòng nhiệt thành là tia sáng. Nhiệt thành là yếu tố tinh tuyền nhất trong việc yêu mến Thiên Chúa” (SV XII,307-308).
Ngoài việc dùng các hình ảnh thiên nhiên để diễn tả việc rèn luyện các nhân đức, thánh Vinh Sơn cũng dùng thiên nhiên để minh họa về tình yêu mà người môn đệ Vinh Sơn cần có trong cách thức làm việc của mình. Ngài dùng hình ảnh chim bồ câu cho con ăn để diễn tả cho chúng ta về tình yêu trong các hoạt động thường ngày của chúng ta. Ngài nói: “Giáo Hội được ví như một mùa gặt bao la thu nhận những người thợ siêng năng lao động. Không có gì phù hợp với tinh thần Phúc Âm cho bằng, một mặt vẫn múc lấy, tích lũy những ánh sáng và sức mạnh cho tâm hồn qua những giờ nguyện gẫm, trong việc đọc sách thiêng liêng và trong đời sống thinh lặng, và sau đó đem chia sẻ cho người khác những của ăn thiêng liêng này. Đó là chúng ta sống như Đức Giêsu đã sống, và sau người là các Tông đồ; và đó cũng là dõi theo cách sống của Mátta và Maria; đó cũng là bắt chước con chim bồ câu, chỉ tiêu thụ phân nửa thức ăn mình tìm được và nửa kia để dành nuôi đàn con. Đó là những công việc mà chúng ta phải thực hiện để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa” (SV XI,40-41). Ngài cũng diễn tả về cách thức làm việc biết tiên liệu như những con kiến và những chú ong luôn biết làm việc cật lực cho cộng đoàn trong những ngày hè để chuẩn bị thức ăn cho cộng đoàn trong những ngày đông giá buốt (x.SV X,488-489).
Kết luận
Với thiên nhiên như là giáo cụ trực quan, thánh Vinh Sơn đã diễn tả cho chúng ta về sự quan phòng của Thiên Chúa, tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống con người, và sự cần thiết phải rèn luyện các nhân đức. Chính qua những giáo huấn này, chúng ta cũng nhận thấy sự tương quan gắn kết của ngài với thiên nhiên, chắc hẳn thiên nhiên luôn trở nên đề tài suy gẫm của ngài, nhờ đó thiên nhiên trở nên những giáo cụ trực quan đầy sống động trong các bài huấn đức của ngài cho con cái mình.
Ước mong sao, khi gặp gỡ giáo huấn của thánh Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi nhìn lại tương quan và tình yêu của chúng ta đối với thiên nhiên. Những giọt sương cần cho đất, những giọt nước cần cho cây, những con cá bơi dưới nước có nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện với đời sống con người? Ánh mặt trời tỏa rạng có khích lệ ta về đức nhiệt thành? Những bông hoa khoe sắc, những chú chim líu lo có nhắc nhớ ta về sự quan phòng của Thiên Chúa? Việc ngắt đi những bông hoa héo tàn, hay cắt đi những cành khô, có nhắc nhớ ta về việc phải cắt tỉa đi những khó khăn làm ta không thể triển nở trong đàng nhân đức?
[1] “Thiên nhiên, giáo cụ trực quan của Thánh Vinh Sơn”: Đề tài này đồng thời cũng được gợi ý bởi “Chương IV: Đi Theo Đức Giêsu Môi Sinh”, trong giáo trình Thần Học Tạo Dựng của Lm Phanxicô Phó Đức Giang OFM: Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, trang 41 – 56.
[2] x.Anrê Lê Huy Cường, bài viết: Chiều Kích ”Song Thị” Trong Linh Đạo Vinh Sơn, nguồn https://vinhson.net/chieu-kich-song-thi-trong-linh-dao-vinh-son.html#_ftn1 (truy cập 21/09/2021).
[3] Phaolô Phạm Quang Hoàng, C.M, Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, bài viết: Đời Sống Cầu Nguyện Của Thánh Vinh Sơn, Học viện Durando, Đà Lạt, 2019, tr 17.
[4] Nguyện gẫm: là một phương thế hữu hiệu trong đời sống cầu nguyện mà thánh Vinh Sơn thường nhắc nhớ con cái mình phải thực hành mỗi ngày ít nhất một giờ (LC X,7).