Chiều kích “song thị” trong linh đạo Vinh Sơn

0
1273

Khi nói đến thánh Vinh Sơn Phaolô, chúng ta đều biết đến những công trình bác ái to lớn, vì lẽ đó ngài được gọi là tông đồ bác ái. Tuy nhiên, ngoài chiều kích bác ái, thánh Vinh Sơn còn được mệnh danh là người chiêm niệm. Đây là chiều kích khá nổi bật nơi thánh Vinh Sơn mà tôi thiết nghĩ ít người biết đến. Chính chiều kích này đã giúp ngài có một lòng yêu mến người nghèo cách đặc biệt. Từ việc chiêm ngắm Đức Kitô trong kinh nguyện, ngài đi đến nhìn nhận Đức Kitô nơi người nghèo khổ. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, “thánh Vinh Sơn đã phát triển một nền linh đạo mà chúng ta có thể gọi là nền linh đạo song thị.[1] Với mong muốn làm sáng tỏ phần nào mối tương quan giữa sự hiện thân của Chúa Giêsu trong kinh nguyện, với Chúa Giêsu nơi người nghèo qua lăng kính của thánh Vinh Sơn, trong bài viết này tôi xin trình bày chủ đề: Chiều kích “song thị” trong linh đạo Vinh Sơn.

I. Tổng quan về đời sống chiêm niệm và hoạt động của thánh Vinh Sơn

Chúng ta biết thánh Vinh Sơn rất quan tâm đến đời sống cầu nguyện. Đồng thời, ngài cũng quan tâm đến việc giúp đỡ người nghèo. Cả hai chiều kích này tác động qua lại với nhau, không thể tồn tại điều này mà bỏ qua điều còn lại. Thánh Giacôbê tông đồ khẳng định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết…Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,17.23). Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta cũng phải tin sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Vì vậy, chúng ta đừng chỉ yêu mến Thiên Chúa nơi nhà nguyện mà còn biết yêu mến Ngài đang hiện diện nơi tha nhân, nơi những con người đau khổ. Thánh Vinh Sơn nói rằng: “Yêu mến Thiên Chúa thôi chưa đủ, tình yêu này phải được kết hợp với lòng yêu thương tha nhân” (SV. II, 261).  Dù thánh Vinh Sơn được Giáo hội biết đến với những hoạt động bác ái không mệt mỏi của ngài. Tuy nhiên, ngài luôn có sự quân bình giữa việc bác ái và việc cầu nguyện. Đối với thánh Vinh Sơn, Chúa Giêsu đã luôn có sự kết hợp trọn hảo hai chiều kích này, đó chính là khuôn mẫu để chúng ta noi theo (x. Lc 6,12-19; Ga 11,1-44). Vì thánh Vinh Sơn luôn chọn “Đức Kitô quy luật cho Tu Hội Truyền Giáo” (SV. XII, 130), nên Ngài luôn xem điều này là chuẩn mực để các thành viên noi theo. Trên mức độ vĩ mô, nó còn có ý nghĩa thiết thực cho các thành viên trong Gia đình Vinh Sơn và những ai đang sống đời hoạt động tông đồ.  

Theo quan điểm của thánh Vinh Sơn, khi những người hoạt động tông đồ có được sự chiêm ngưỡng nhan thánh Thiên Chúa, chính Ngài sẽ tác động để chúng ta thể sẵn sàng làm bất cứ mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4,13). Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng giữa cầu nguyện và hoạt động, luôn cần có sự hòa quyện với nhau. Nếu nhìn với dáng vẻ bên ngoài, hoạt động và cầu nguyện không hề có một mẫu số chung nào. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế chúng ta thấy được rằng, cả hai bổ sung cho nhau.

Thầy Chí Thánh của chúng ta đã làm nổi bật hai chiều kích này, Ngài đã dành một tình con thảo với Chúa Cha nhưng đồng thời Ngài còn dành tình bác ái với tha nhân. Chúng ta có thể nhận thấy Đức Giêsu sau một ngày hoạt động, Ngài luôn dành thời gian để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Từ đó chúng ta có thể nói, thánh Vinh Sơn cũng đang lặp lại hành động của Chúa Giêsu một cách triệt để, yêu mến Thiên Chúa trong cầu nguyện nhưng không bỏ quên Chúa trong tha nhân. Thánh Vinh Sơn nhận định: “Thử hỏi ai là người đáng khen hơn: người yêu mến Thiên Chúa, nhưng không lưu tâm đến anh em; và người yêu mến anh em vì yêu mến Thiên Chúa? Thánh Tôma nói: Đi vào trong cung lòng của Thiên Chúa và giới hạn tất cả tình yêu của mình ở đó, đây không phải là cách tuyệt hảo nhất, bởi vì sự trọn lành của lề luật là biết yêu mến Thiên Chúa và anh em” (SV. XII, 261-262).

Có thể nói, chính lòng yêu mến Đức Kitô đã thúc bách Thánh Vinh Sơn không ngừng sáng tạo trong mọi sự để luôn tìm kiếm Đức Kitô nơi người nghèo, như lời thánh Phaolô “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5,14). Lòng mến đó còn là ân huệ của Thần Khí trong Chúa Giêsu ban tặng cho những ai có sự kết hợp sâu sắc với Ngài. Đây là tác động hai chiều giữa chiêm niệm và cầu nguyện. Nói rõ hơn, khi chúng ta càng hoạt động với sự linh hứng của Thần Khí trong tình yêu với Chúa Kitô, ân sủng của Thiên Chúa sẽ ban thêm nghị lực cho chúng ta càng vững bước hơn trên hành trình sứ vụ của mình.

Khi chúng ta đọc lại cuộc đời của thánh nhân trong sự hòa hợp giữa hai chiều kích hoạt động và chiêm niệm, chúng ta mới có thể hiểu được đầy đủ về con người của ngài. Đồng thời, chúng ta cũng có thể trả lời cho câu hỏi về khả năng bác ái phi thường của ngài dành cho người nghèo. Để nói được câu nói: “Gia nghệp của chúng ta là người nghèo” (SV. XII, 4), chắc chắn thánh Vinh Sơn đã có một cuộc xuất thần nội tâm qua những cảm thức sâu sắc về người nghèo. Thánh Vinh Sơn luôn sống trong ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, chính vì vậy, trong kinh nguyện của ngài luôn tập trung mọi nguồn mạch trí năng vào đối tượng duy nhất là Chúa Giêsu không những trong hoạt động mà còn trong kinh nguyện.

Quả thật, thánh Vinh Sơn là con người rất thực tế, ngài có chỉ dừng lại nơi giây phút xuất thần nhưng là luôn biến đổi những suy tư, trong lý trí thành những hoạt động hiệu năng nhất cho người nghèo. Khởi sự từ kinh nghiệm thực tế về Chúa Giêsu trong kinh nguyện, ngài đi đến việc nhận thấy Chúa Giêsu trong hoạt động, đã giúp thánh Vinh Sơn có được sự kết hợp hoạt động và chiêm niệm cách hữu hiệu. Quả thật “Nếu ngài có hành động, thì trước hết và trên hết, ngài đã là một con người của cầu nguyện. Và nếu ngài có hành động, thì tất cả hành động của ngài điều là kết quả của cầu nguyện và được bao trùm trong cầu nguyện.[2]

Nếu trong con đường tìm kiếm chân lý, đức tin và lý trí như đôi cánh giúp cho con người đạt đến Thiên Chúa, thì chiêm niệm và hoạt động là hai hành động song song trong cùng một hành vi. Bạn không thể nói tôi chỉ yêu Chúa nơi nhà nguyện mà xa lánh Chúa trong anh em, nơi người nghèo. Vì thế, hành động kép như là hai mặt trong cùng một đồng tiền. Cha R.Maloney có một nhận định như sau: “Linh đạo Vinh Sơn được thể hiện rõ nhất khi chúng ta kết hợp giữa cầu nguyện và hành động trong sự tương hỗ năng động với nhau.[3] Đây không chỉ là hành động của thánh Vinh Sơn nhưng nó điểm nổi bật nơi Vị Tôn Sư vĩ đại của chúng ta.

II. Hành động kép trong linh đạo Vinh Sơn

Trước hết chúng ta cần hiểu chiều kích song thị theo thánh Vinh Sơn nghĩa là cái nhìn song song cùng một lúc: vừa thấy được điều này đồng thời cũng nhìn thấy được điều khác. Chúng ta có thể khẳng định thánh Vinh Sơn luôn kết hợp hai chiều kích này trong cuộc đời của mình. Ngài khởi đi từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong sâu thẳm của cuộc đời mình đến việc nhìn thấy sự hiện thân của Chúa nơi những con người bị bỏ rơi. Việc nhìn thấy Chúa nơi người nghèo đã tiếp thêm động lực cho thánh Vinh Sơn sự xác tín hơn về chiều kích Kitô học đi lên, “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Chúa Kitô đã tự hạ mình để cho nhân loại nhìn thấy vẻ huy hoàng của Thiên Chúa “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Khi mang trong mình bản tính kép, Chúa Giêsu cũng làm một hành động kép cho nhân loại thấy được một Thiên Chúa cao cả đồng thời cũng là một vị Thiên Chúa khiêm nhường tự hạ. Theo lối suy tư này, chúng ta thấy được ý muốn của Thiên Chúa từ đời đời muốn cho mọi người có quyền bình đẳng. Vì thế, chúng ta không được phép khinh dễ bất cứ ai. Chính Chúa chúng ta xuống trần đã mang lấy thân phận của những kẻ khốn cùng, từ bỏ mọi vinh quang của mình: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Yếu tố này trở thành nền tảng để thánh Vinh Sơn trở thành cây nến tiêu hao cho người nghèo. Từ đó chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về câu nói của thánh Vinh Sơn: “Gia nghiệp của chúng ta là người nghèo (SV XII, 87). Thêm vào đó, chúng ta càng hiểu được hơn về câu nói của Ngài: “Đức Kitô chính là quy luật cho Tu Hội của chúng ta.” Đây chính ta điểm quy chiếu cốt lõi cho căn tính Vinh Sơn. Thánh Vinh Sơn mở ra một nền linh đạo với sự song đối vừa làm điều này nhưng đồng thời cũng phải chu toàn việc khác. Tôi có thể nói rằng với thời đại hôm nay, một con người chiêm niệm sâu xa là con người có lòng bác ái quảng đại. Nếu Chúa Giêsu đã tóm gọn toàn bộ lề luật thành một điều khoản duy nhất là mến Chúa và yêu người, thì chiều kích kép trong linh đạo Vinh Sơn là một cách thức khác để diễn tả điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

2.1 Gặp gỡ Chúa Kitô trong cầu nguyện

Khi đọc qua cuộc đời của thánh Vinh Sơn, chúng ta có cảm tưởng thánh Vinh Sơn là một nhà duy hoạt động, cả cuộc đời ngài là một chuỗi các hoạt động khác nhau trên mọi lãnh vực, để kịp thời đáp ứng những nhu cầu của người nghèo. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ dừng lại nơi con người hoạt động của thánh Vinh Sơn, thật sự chúng ta chỉ biết có một nửa về ngài.

Nhìn lại cuộc đời của thánh Vinh Sơn, chúng ta sẽ thấy ngài luôn dành cho cầu nguyện một vị trí đặc biệt. Ngài nói với các thành viên như sau: “Hãy cho tôi một con người cầu nguyện người đó có khả năng làm được mọi việc. Người đó có thể nói cùng với Thánh Tông đồ:‘tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.’”( SV. XI, 83) Qua câu nói trên, ngài khẳng định cho những ai đang sống đời hoạt động cần trang bị cho mình một đời sống nội tâm vững mạnh trước khi ra đi phục vụ. Thánh Vinh Sơn là nhà hoạt động, nhưng ngài đã khởi đầu cho nền linh đạo bằng đời sống chiêm niệm. Sử gia Abely đã viết rằng: “Tâm hồn ngài luôn tập chú sự hiện diện của Chúa.[4]

Các công trình bác ái của thánh Vinh Sơn không khởi đầu bằng sự khôn ngoan hay ý hướng của con người, nhưng xuất phát kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu. Có lẽ, chúng ta lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng những công trình bác ái của thánh Vinh Sơn lại bắt đầu bằng việc chiêm niệm.

Chúng ta có thể khẳng định công cuộc bác ái của thánh Vinh Sơn khởi đi từ việc chiêm ngắm Đức Kitô trong sâu thẳm cõi lòng. Như đã nói ở trên, chúng ta có cảm tưởng thánh Vinh Sơn là con người hoạt động và nhờ vào sự hoạt động ngài đã khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi người nghèo. Tuy nhiên, công cuộc bác ái của ngài luôn được Chúa Thánh Thần soi dẫn nhờ vào đời sống chiêm niệm. Một linh mục dòng Tên đã có một nhận định về Ngài: “Không phải lòng thương người đã làm cho ngài trở nên thánh thiện, mà ngược lại, chính đời sống thánh thiện đã làm cho ngài trở thành con người của đức ái đích thực và hiệu quả.[5]

Chính trong tinh thần cầu nguyện một cách thiết tha, thân mật với Thiên Chúa, như trẻ thơ trong vòng tay mẹ, nhờ đó thánh Vinh Sơn luôn tìm được nguồn năng lượng thần thiêng dồi dào cho các hoạt động tông đồ. Vì đối với thánh Vinh Sơn, chúng ta phải quy hướng về Chúa Kitô như là bước đầu cho mọi hoạt động. Trong ý tưởng này, chúng ta có thể suy luận rằng, thánh Vinh Sơn có lẽ theo trường phái linh đạo Pháp quốc “quy Kitô.” Vì những người theo trường phái linh đạo này sống theo câu nói của thánh Phaolô “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” ( Pl 1, 21). Bởi vậy, cha Bremond đã có một nhận định rất sâu sắc về thánh Vinh Sơn như sau: “Chính nền thần bí đã trao tặng cho chúng ta một vị thánh hoạt động vĩ đại nhất.[6] Theo ý  hướng trên chúng ta thấy nhận thấy, thánh Vinh Sơn không tự ý làm điều gì, chúng ta có thể nói ngài được Thần Khí Chúa thúc đẩy. Ngài khẳng định: “Quy luật nói rằng, để thực thi tác vụ, cũng như để hướng tới sự hoàn thiện của chúng ta, chúng ta phải mặc lấy Thần Khí của Đức Kitô.” (SV. XII, 37) Chính vì thế, cả cuộc đời của thánh Vinh Sơn luôn tín thác vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Nhờ đời sống kết hợp với Thiên Chúa, ngài đã có sự phân định trong Thần Khí để có thể đọc được các biến cố (dấu chỉ) như là ý định của Chúa Quan Phòng. Qua đó, chúng ta lại càng hiểu rõ hơn về câu nói của thánh Vinh Sơn: “Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Quan Phòng và đừng lấn bước Người” (SV. II, 453). Điều này nhắc nhở chúng ta không được tự ý làm nếu không được Ơn Trên ban cho chúng ta quyền đó.

Không chỉ vậy, qua cách giảng và thuyết phục mọi người hãy mở lòng ra với người nghèo khổ, chúng ta có thể khẳng định thánh Vinh Sơn là con người sống nhờ vào sự soi sáng và hướng dẫn của Thần Khí: “khả năng giảng thuyết của ngài phản ánh một cách rõ ràng hành động của Thần Khí Chúa Kitô – Thần Khí Tình yêu – hoạt động trong ngài[7]. Theo gương thánh Tổ Phụ, Tu Hội nhỏ bé của chúng ta đã chọn câu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó.” (Lc 4,18), làm châm ngôn.

2.2 Gặp gỡ Chúa Kitô nơi người nghèo

Qua kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô nơi nhà nguyện, các thừa sai được mời gọi đến với Ngài: những người nghèo, những người đang cần chúng ta giúp đỡ. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với người nghèo, Ngài nói: “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Đây là điều rất quan trọng với linh đạo Vinh Sơn của chúng ta. Đỉnh cao của việc chiêm niệm không ngăn cản chúng ta đến với tha nhân nhưng nó mang đến cho chúng ta sức mạnh nội tâm trong thực hành đức ái trọn hảo. Cha Vinh Sơn nói với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Trong một ngày, một Nữ Tử Bác Ái đi thăm bệnh nhân mười lần, tức là gặp Chúa mười lần trong một ngày.” (SV. IX, 232) Thật không dễ để chúng ta nhận ra Đức Kitô nơi những con người khó tính khó nết, đôi lúc họ còn tỏ thái độ bất cần. Nhưng chính trong những thái độ có vẻ khó khăn của họ, chúng ta lại càng được mời gọi để dấn thân bằng một đời sống chiêm niệm sâu xa trước đó. Ngài nói tiếp với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Cũng thế, chị em được tiền định để thể hiện lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi những người bệnh nhân nghèo này. Lòng nhân ái được thực hiện nơi những người sầu khổ với bệnh nhân nghèo như tâm tình này đòi buộc, nghĩa là cùng với sự dịu dàng, cảm thông và yêu mến, vì họ là những ông chủ của chúng ta” (SV. X, 331-332). Thánh Vinh Sơn cũng không quên nhắn nhủ các thành viên Tu Hội Truyền Giáo rằng: “Nếu các linh mục bỏ rơi người nghèo, thì anh em muốn ai là người giúp đỡ họ?” (SV. XII, 87, ngày 6/12/1658).

Qua việc nhận ra sự hiện thân của Chúa Giêsu nơi các anh chị em bé nhỏ, chúng ta khám phá ra gương mặt đơn sơ, bé nhỏ của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện thân nơi những con người bé nhỏ nghèo hèn. Thánh Vinh Sơn nói với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Tôi không được xét đoán những người nông dân nghèo, nam hay nữ, qua vẻ bề ngoài của họ hoặc là qua các khả năng trí tuệ bên ngoài của họ. Hơn thế nữa họ rất thường khi xem ra không có dáng vẻ hay sự lanh lợi của những con người tri thức vì họ thật thô lỗ và khó chịu. Nhưng hãy lật ngược cái mấu ảnh và bạn sẽ thấy, nhờ ánh sáng đức tin, Con Thiên Chúa, Đấng có ý muốn trở nên nghèo, được bày tỏ cho chúng ta qua những con người này” (SV. IX, 215). Và từ trong kinh nghiệm sâu xa trong chiêm niệm, ngài đã nói rằng “Bằng cách phục vụ người nghèo, chúng ta phục vụ Đức Giêsu Kitô” (SV. IX, 199).

Trong suốt cuộc đời bác ái của thánh Vinh Sơn, để có thể đưa ra lời nhận định trên, ngài đã có những cuộc xuất thần trong hoạt động của mình. Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với người nghèo. Bên cạnh đó, “Thiên Chúa yêu thương những người nghèo, vì thế Người cũng yêu thương những ai yêu người nghèo” (SV. XI, 392). Thật đúng đắn khi chúng ta chọn người nghèo trở thành đối tượng để quan tâm. Lúc sinh thời, thánh Vinh Sơn đã thành lập ba tổ chức khác nhau[8] mục đích cũng chỉ là để thăng tiến người nghèo một cách toàn diện. Vấn đề này đã được đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh về “một Giáo hội nghèo cho người nghèo” đây là giáo huấn của Đức Giáo hoàng, để Giáo hội có sự xoay trục kịp thời cho các nhu cầu của người nghèo hiện nay.

III. Nhận định, suy tư và áp dụng

Thánh Vinh Sơn đã khởi động một nền Kitô học từ bàn quỳ sang một nền Kitô học thật sự sống động. Có thể đây là nguyên nhân để Rôma chấp nhận cho các Nữ Tử Bác Ái không còn trong bốn bức tường nhưng ra đi phục vụ người nghèo. Chúng ta vẫn thường nghe câu: “Chúa là gia nghiệp đời con” (Tv 15) và rồi thánh Vinh Sơn lại nói “gia nghiệp của chúng ta là người nghèo.” Thánh Vinh Sơn là con người rất thực tế, những gì ngài suy nghĩ, ngay lập tức ngài luôn hướng đến tính khả thi của nó. Qua cuộc đời của ngài, chúng ta phần nào thấy được Ngài là một con người táo bạo trong các suy nghĩ và hành động, mặc dù ngài vẫn luôn thận trọng trong mọi việc và luôn nhắc nhở chính mình không đi trước Chúa Quan Phòng. Tuy nhiên, một số việc ngài đã sẵn sàng thực hiện ngay điều mình suy nghĩ: chẳng hạn trong biến cố tại Châtillon-les-Dombes[9], cứu trợ miền Lorraine.[10]

Đời sống cầu nguyện và làm việc tông đồ có sự bổ túc cho nhau. Giáo lý Kitô giáo không cho phép chúng ta chỉ dừng lại với những tư tưởng đạo đức bay bổng, những tư tưởng đó phải được cụ thể bằng những hành động cho tha nhân. Dụ ngôn người giàu và anh Ladarô: ông nhà giàu sa hỏa ngục không phải vì sự giàu có nhưng vì ông thiếu sự quan tâm đến những người bên cạnh. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Và khi chúng con được mời gọi đảm nhiệm những trách vụ khác để phục vụ nhân loại – như hoạt động mục vụ, truyền giáo, dạy học, các chương trình bác ái, v.v – chẳng phải sự gắn bó mật thiết với Chúa sẽ làm cho những trách vụ ấy đạt kết quả, theo sự quân bình mà sự kết hiệp “cách kín đáo” mang lại đó sao? Để trung thành với giáo huấn của Công Đồng, chẳng phải mọi phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào, khi tìm kiếm một mình Chúa trên hết mọi sự, cũng cần phải kết hợp lòng yêu mến, việc chiêm niệm với công việc tông đồ sao? Chiêm niệm là dùng cả lý trí lẫn trái tim để bám víu vào Chúa; còn công việc tông đồ là việc cố gắng góp phần mình vào công trình cứu độ và mở rộng Nước Chúa.”[11]

Thánh Vinh Sơn đã phát triển một cách sống động về chiều kích Kitô học từ dưới lên, Chúa Kitô không chỉ giới hạn nơi kinh nguyện nhưng Chúa Kitô đã đồng hóa mình với những người nghèo khổ. Với chiều kích này, Thiên Chúa trở nên gần gủi với hết mọi người, Ngài tự nhận mình là người bạn của chúng ta. Một nền Kitô học sống động nơi nhãn quan của thánh Vinh Sơn về một vị Thiên Chúa không còn xa lạ, tách biệt với con người.

Khi Thiên Chúa đồng hóa mình với những người nghèo khổ, một cách nào đó chúng ta phục vụ cho những con người nghèo là chúng ta đang làm cho chính Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa luôn đồng hóa mình với những con người bé nhỏ. Bên cạnh đó, chúng ta thấy được khuôn mặt của vị Thiên Chúa tự hạ mình để sống với con người. Vì lẽ này, thánh Vinh Sơn có lý để cho các con cái của mình không dừng lại nơi Chúa Kitô nơi bàn quỳ, nơi chiêm niệm nhưng ngài muốn các con cái mình phải dấn thân vào cuộc sống để nhận ra Con Thiên Chúa làm người. Con người Giêsu đó vẫn đang kêu gào chúng ta hãy cho Ngài ăn, hãy cho Ngài mặc. Hình ảnh của Giêsu hôm nay nơi các đường phố, nơi các khu ổ chuột, nơi những người di cư, nơi những nạn nhân của sự kỳ thị, thậm chí nơi các bệnh nhân mắc Covid… Những hình ảnh đó phần nào gợi lại cho chúng ta bóng hình của một Giêsu năm xưa đã chịu khổ hình thập giá. Tôi có thể nói đây là chiều kích quan trọng nhất nơi linh đạo Vinh Sơn, điều này đã gắn kết toàn bộ cuộc đời bác ái của thánh Vinh Sơn. Cả hai chiều kích này luôn tồn tại trong hành động của thánh Vinh Sơn.

Khi chúng ta ra đi hoạt động, chúng ta được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch sự sống là chính Chúa, chính ân sủng của Chúa thúc đẩy chúng ta làm việc, để trong những hoạt động bác ái chúng ta nhìn thấy một khuôn mặt hoàn toàn khác của Chúa Kitô. Khuôn mặt của Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với người nghèo khổ. Thiên Chúa của buổi sáng chúng ta chiêm ngắm và rước vào lòng, giờ đây trở thành vị Thiên Chúa của sự nghèo túng cần sự trợ giúp của mỗi người chúng ta. Trong nhà nguyện là Thiên Chúa của cao cả, uy quyền là nguồn sống của mọi chúng sinh, nhưng giờ đây Vị Thiên Chúa của sáng ngày đang cần sự cưu mang của chúng ta. Thiên Chúa, chúng ta đang tôn thờ vừa huyền nhiệm cao cả nhưng cũng rất đơn sơ khiêm hạ.

Thực tế trong cuộc sống hôm nay, một nền linh đạo kép còn phù hợp hơn so với những gì chúng ta mong đợi. Khi chúng ta biết kết hợp hai chiều kích này lại với nhau nó giúp chúng ta, những người hoạt động tông đồ tránh được sự kiêu căng đồng thời giúp chúng ta khỏi phải kiệt sức. Cha O’Donnel đã nhận định như sau: “Một khuôn mẫu khác cũng rất hiển nhiên trong hành trình tâm linh, đó là khuôn mẫu đi từ hành động đến hiện diện. Khuôn mặt này rất quan trọng đối với các tu hội hoạt động tông đồ, bởi vì không sớm thì muộn, các tu hội sẽ kiệt năng lực. Nếu muốn toàn thể căn tín tông đồ của chúng ta chỉ được nối kết với các hoạt động và thành công, thì khi năng lực của chúng ta cạn kiệt, chúng ta có thể nghĩ rằng, tình yêu dành cho Thiên Chúa sẽ cạn kiệt theo. Nhưng thật ra, đó chính là lúc tình yêu dành cho Thiên Chúa được chuyển từ hoạt động sang hiện diện.[12] 

Quả vậy, điều này chứng minh cho chúng ta ngày hôm nay thấy rằng, bạn đừng nại đến lý do có quá nhiều việc nên tôi không có thời gian làm bác ái, hay tôi không có thời gian để cầu nguyện vì việc mục vụ của tôi. Mẫu gương của thánh Vinh Sơn dạy cho chúng ta bài học về sự cần thiết của việc chiêm niệm trong hành động. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Đối với các vị đại thánh này (Phanxicô Assisi, thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh Têrêsa Calcutta), tâm nguyện, lòng yêu mến Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không lấy mất của các ngài việc dấn thân cách hăng say và hiệu quả cho đồng loại, trái lại là khác.[13]  Nhưng hành động của bác ái luôn khởi đi từ kinh nghiệm sâu thẳm gặp gỡ Chúa Kitô nơi bàn quỳ. Hành động bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa thật sự nếu hành động đó xuất phát từ kinh nghiệm sâu thẳm để từ đó có thể đồng hóa giữa Chúa Kitô nơi nhà nguyện và Đức Kitô nơi người nghèo.

Điều đó là ân huệ của Thần Khí nơi Chúa Giêsu ban tặng cho những ai có được sự kết hợp này. Phải chăng những con người chiêm niệm trong hành động để nhận ra khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu là những người luôn sống trong sự hướng dẫn của Thần Khí. Khi khẳng định điều này, tôi nhận thấy sự hoạt động tông đồ không có Thánh Thần thì nó chỉ dừng lại là một công việc bố thí. Việc hoạt động luôn có sự gắn kết với Chúa Giêsu qua việc chúng ta để cho Thánh Thần hoạt trong nơi chúng ta. Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh vấn đề này như sau: “Như vậy, khi phục vụ Thần Khí và đức công chính, các linh mục được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, với điều kiện biết ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần của Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và đang dẫn dắt các ngài. Thật vậy, các ngài hướng tới đời sống hoàn thiện nhờ chính những thánh vụ được cử hành hằng ngày, cũng như nhờ tất cả những tác vụ được thực thi trong tình hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác. Trong khi đó, chính sự thánh thiện của linh mục lại mang đến hoa trái dồi dào cho tác vụ của các ngài: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng Thiên Chúa vẫn thích bày tỏ kỳ công của Ngài qua những con người, nhờ sẵn sàng nghe theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và bằng đời sống thánh thiện, có thể nói như Thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).”[14]

Mặc khác, người tín hữu cần chúng ta hiện diện với họ hơn là chúng có những giây phút xuất thần trong nhà nguyện. Bởi lẽ, những giây phút xuất thần đó của chúng ta không giúp gì cho họ trong phút hiện tại. Chúng ta không thể cứ ở mãi trên đỉnh Tabo, chúng ta phải đi xuống để có thể đi đến với những con người đang cần chúng ta. Cũng như năm xưa, Môsê đã nhiều lên núi nhưng mỗi lần ông lên núi chỉ vì muốn gặp Chúa để tiếp thêm sức lực; chúng ta cũng rất cần những giây phút xuất thần nhưng đừng cứ ở mãi trong những giây phút ấy. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhận định: “Sẽ không lành mạnh khi yêu mến sự tĩnh lặng mà lại chạy trốn việc tiếp xúc với người khác, muốn sự bình an và yên tĩnh  mà lại trốn tránh hoạt động, tìm kiếm việc cầu nguyện mà lại coi khinh việc phục vụ…Ta được gọi để là những nhà chiêm niệm cả ngày trong hoạt động, và để lớn lên trong sự thánh thiện nhờ thực hiện cách có trách nhiệm và quảng đại sứ vụ riêng của ta.[15] 

Thêm vào đó, hoạt động bác ái của chúng ta cũng sẽ như bao nhiêu tổ chức từ thiện khác nếu chúng ta không biết kết hợp với việc chiêm niệm. Cùng là việc bác ái nhưng chúng ta biến nó trở thành hành động có chiều kích siêu nhiên đồng thời mặc cho nó một ý nghĩa mới. Từ đó, chúng ta thấy được mình không tự làm điều gì nhưng chúng ta cùng làm với Đấng đã kêu gọi chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng tránh được thói kiêu căng, tự mãn về khả năng của mình để chúng ta biết rằng mọi sự chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Như lời thánh Phaolô nói: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?” (1 Cr 4,7). Đạo Công Giáo của chúng ta đặc trưng bởi việc nhập thể, con người không đơn thuần chỉ là tinh thần nhập thể nhưng là một sự hoàn hảo giữa tinh thần với thể xác. Vì vậy, chúng ta không chỉ phục vụ con người về thể xác nhưng còn giúp họ ý thức mình là hình ảnh của Thiên Chúa và sẽ được trở về với Thiên Chúa. Vì lẽ đó, hành động bác ái của chúng ta còn mang chiều kích siêu vượt. Chúng ta đừng cho họ theo cách thức của chúng ta vẫn thường làm, nhưng hãy nhìn nhận phẩm giá của họ cũng ngang bằng với chúng ta. Bởi vì, họ cũng là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chính Ngôi Lời đã tự đồng hóa mình với họ. Một sự trao đổi ngôi vị thật sự nơi Ngôi Lời Thiên Chúa: “Chúa làm người để chúng ta làm Chúa.[16] Vì vậy, điểm tựa cho mọi hoạt động của chúng ta cần xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa cách thiết thực.

Tóm kết

Với những gì đã trình bày, chúng ta phần nào hiểu được một nền linh đạo song thị nơi thánh Vinh Sơn. Một con người bác ái thực sự cần khởi đi từ lòng yêu mến Chúa, khi tim tôi đã say đắm tình Ngài lời cảm mến chính là đời dâng hiến. Thật sự khi chúng ta cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta chiêm ngắm Chúa tốt lành hơn những gì lý trí chúng ta cảm nghiệm, chúng ta sẵn sàng đi đến với những con người cần đến chúng ta. Mỗi vị thánh sáng lập lại nhìn thấy một khuôn mặt của Đức Kitô khác nhau, đối với thánh Vinh Sơn, ngài khám phá ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi người nghèo. Từ đây chúng ta biết rằng, chúng ta không làm cho một con người bé nhỏ nhưng chúng ta đang làm cho một con người vĩ đại. Nhưng điểm tích cực nơi chiều kích linh đạo kép là việc Thiên Chúa cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của một Vị Thiên Chúa: Không chỉ là Đấng sáng tạo quyền năng hay thương xót, nhưng còn là một Thiên Chúa: khiêm nhường, bé nhỏ, đơn sơ, sống gần gũi với chúng ta.

Anrê Lê Huy Cường


[1] Cha McKenna CM, trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng dịch tr 76.

[2] Cha Pham Quang Hoàng, CM, Một chìa khóa để hiểu Thánh Vinh Sơn, tr 17.

[3] Trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng Dịch tr 82.

[4] Luis Abelly, trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng, dịch tr 81.

[5] Beremond, trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng, dịch tr 65.

[6] Beremond, trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng, dịch tr 66.

[7] Toscani, trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng, dịch tr 68.

[8] Bao gồm: Hội  Bác Ái (1617); Tu Hội Truyền Giáo (1625); Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (1633).

[9] X. Bernard Pujo, Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 75.

[10] X. Bernard Pujo, Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 147-149.

[11] Tông huấn Chứng Tá Phúc Âm, số 10.

[12] O’Donnel trích trong tuyển tập các viết về thánh Vinh Sơn của Cha R. Maloney, CM, Cha Phaolo Phạm Quang Hoàng, dịch tr 74.

[13] Đức Giáo Hoàng Phanxicô Gaudete et Exsultate, số 100.

[14] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống của các Linh Mục (PO), số 12

[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô Gaudete et Exsultate, số 26.

[16] http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/chua-lam-nguoi—de-nguoi-lam-chua-6203.html