Tìm hiểu vùng truyền giáo Rwanda – Burundi, do Tỉnh dòng Côlômbia Điều Phối

Đăng ngày: 30/10/2020
Các Thừa sai và Chủng sinh Rwanda-Burundi tháng Giêng năm 2020

Sự hiện diện của chúng tôi ở Rwanda gắn liền sâu sắc với một sự kiện lịch sử: cuộc diệt chủng người Tutsi và cuộc nội chiến mà Rwanda đã phải trải qua từ năm 1990 đến 1998. Một sự hỗn loạn lớn đã diễn ra trong đất nước này: nhiều giám mục và linh mục đã bị ám sát trong khi phần lớn trong số họ đã bỏ trốn. Chúng tôi đến Rwanda để đáp lại lời mời mà giáo phận Rijengeri đã gửi tới Bề trên Tổng quyền. Những khó khăn vào thời gian đó đã làm gián đoạn thông tin liên lạc và cuối cùng, chính các Nữ Tử Bác Ái ở Miền Rwanda-Burundi đã xin chúng tôi hiện diện ở khu vực đó. Sự ra mắt của chúng tôi diễn ra rất khiêm tốn: một thừa sai duy nhất đã đến đó vào ngày 7 tháng 12 năm 1998.

Năm sau, một thừa sai khác được gửi đến và theo cách này, vào tháng 5 năm 1999, chúng tôi cũng đã hiện diện tại Burundi. Đến tháng 10 cùng năm, có hai thừa sai ở Burundi và hai thừa sai ở Rwanda. Dần dần, các thừa sai khác từ Côlômbia đã đến khu vực này và sự hiện diện của chúng tôi đã được củng cố.

Vào tháng 6 năm 2002, chúng tôi đã có một chuyến kinh lý từ cha Tổng Đại Diện, cha José Ignacio de Mendoza, CM. và một cha Cố vấn từ Tỉnh dòng Colombia, cha Guillermo Campuzano, CM. Vào dịp đó, chúng tôi hiểu rằng đấy là thời điểm thích hợp để trình bày hai thỉnh cầu với Tỉnh dòng Côlômbia và Ban Tổng Cố vấn: [I] bắt đầu đào tạo các ứng viên cho Tu Hội và [2] tiến hành việc thành lập Miền Rwanda -Burundi. Cả hai thỉnh cầu đều được đón nhận và có hiệu lực trong cùng năm đó.

Chúng tôi hiện có 18 vị thừa sai, 16 linh mục và 2 tu huynh đến từ Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Côlômbia (15 anh em là người bản địa và ba anh em người Colombia). Trong lĩnh vực đào tạo, chúng tôi có 4 thần học gia, 4 người đang ở trong năm mục vụ, 14 sinh viên triết học, 15 người đang ở giai đoạn đệ tử và 50 người trong giai đoạn tìm hiểu.

Thừa tác vụ mục vụ của chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực sau: bốn giáo xứ truyền giáo (tám thừa sai đang phục vụ trong các giáo xứ này), đào tạo các chủng sinh cho Tu Hội (năm anh em), đồng hành với các Nữ Tử Bác Ái (một anh em), đại diện những người tị nạn đến từ Burundi hiện đang sống ở Rwanda (một anh em), nghiên cứu chuyên biệt (hai anh em). Hai anh em cũng đang chuẩn bị rời khỏi miền này để bắt đầu một sứ vụ mới tại Cộng hòa Trung Phi.

Tại các giáo xứ mà chúng tôi điều hành, chúng tôi tuân theo các hướng dẫn của Giáo phận nơi chúng tôi đang thi hành tác vụ và, như một phần đóng góp của chúng tôi với tư cách là thành viên của Tu Hội, chúng tôi tiến hành các cuộc đại phúc. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với giáo dân, trong những công việc như dạy giáo lý cũng như các thừa tác vụ khác nhau mà họ đảm trách với tư cách là thành viên của các Cộng đoàn Cơ bản Giáo hội khác nhau… chúng tôi đem đến cho những người nam nữ này sự đào tạo liên tục.

Ngoài ra còn có sự quan tâm để tạo ra và làm phong phú thêm một “văn hóa ơn gọi”. Ở mỗi giáo xứ có một nhóm ơn gọi. Việc mục vụ ơn gọi ở cấp độ Miền đã được tổ chức và lên kế hoạch cho những năm 2020-2023. Có một môi trường ơn gọi rất hiệu quả ở những quốc gia này. Như hầu hết mọi nơi, tồn tại thách đố về việc biện phân động cơ ơn gọi đích thực. Nhờ sự hỗ trợ của Bề trên Tổng quyền và tổ chức VSO, chúng tôi có kế hoạch xây dựng một ngôi nhà đào tạo tại Rwanda.

Ở cấp độ của Gia đình Vinh Sơn trên toàn thế giới, có một mối quan hệ và giao tiếp tốt đẹp giữa các ngành. Thường có các cuộc họp của những đại diện từ các ngành khác nhau và vào các ngày lễ kính thánh Louise và thánh Vinh Sơn, chúng tôi tập trung lại với nhau ở cấp quốc gia và cả cấp địa phương. Chúng tôi đã tham gia vào Chương trình đào tạo Thay đổi Hệ thống và với sự hỗ trợ của các ngành khác nhau ở Rwanda, chúng tôi được lôi cuốn vào một dự án chung.

Chúng tôi có nhiều nhu cầu về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đang ở một nơi phù hợp với đặc sủng Vinh Sơn của chúng ta. Di sản mà “Các Thừa sai Châu Phi” đã trao cho chúng tôi là sự phong phú và khích lệ nhất cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của chúng tôi. Là một miền, hiện nay chúng tôi gặp thách đố trong việc thành lập một điểm truyền giáo mới ở Cộng hòa Trung Phi, nơi mà các anh em từ Khu vực Cameroon đã từng phục vụ.

Chúng tôi cậy nhờ vào lời cầu nguyện của các bạn và như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, chúng tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho chúng tôi, cho các thành viên của chúng tôi trong việc đào tạo. Hơn nữa, hãy cầu nguyện để chúng tôi có thể hành động một cách có trách nhiệm với kho tàng đặc sủng của chúng ta trong những vùng đất truyền giáo này.

Thân ái,

Juan Ávila, CM.,

Nhà truyền giáo tại Miền này từ thời kỳ bắt đầu thành lập

Néstor Gómez, CM., Bề trên Miền.

FA. Đằng Giao chuyển ngữ