Tính hữu ích của đức dịu hiền đối với nhà truyền giáo hôm nay

0
982

Giuse Bùi Đức Năng

Lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), vẫn hằng vang vọng và thôi thúc mọi người trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là đối với các thành viên trong Tu Hội Truyền Giáo, một Tu Hội mà thánh Vinh Sơn đã thiết lập để “bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.” Chính vì vậy, lời mời gọi trở nên hiền lành thì thật cần thiết và vô cùng quan trọng trong sứ vụ của các nhà truyền giáo. Quả vậy, sứ vụ của chúng ta sẽ trở nên thế nào nếu chúng ta đến với người nghèo bằng một thái độ hờ hững, nóng giận và một gương mặt cáu kỉnh? Thiết nghĩ, chưa gặp gỡ được người nghèo chúng ta đã nắm chắc trăm phần thất bại. Vậy, trong bài viết này, tôi xin trình bày đề tài: “Tính Hữu Ích Của Đức Dịu Hiền Đối Với Nhà Truyền Giáo Hôm Nay”. Bài viết, trước hết, mời gọi chúng ta tìm hiểu nền tảng của đức dịu hiền theo thánh Vinh Sơn; thứ đến, chúng ta cùng gặp gỡ những giáo huấn của thánh Vinh Sơn về đức dịu hiền; và cuối cùng, chúng ta cùng khám phá tính hữu ích của đức dịu hiền đối với nhà truyền giáo hôm nay.

I. Nền tảng của đức dịu hiền theo thánh Vinh Sơn

1. Qui chiếu nơi Đức Kitô

Ngay từ những trang đầu Luật chung của Tu hội, thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh đối với chúng ta là con cái ngài rằng: “Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, giờ đây, Tu hội Truyền giáo nhỏ bé này muốn bắt chước Chúa Kitô trong những khả năng hạn chế của mình. Tu hội tìm cách bắt chước các nhân đức của Người cũng như những gì Người đã làm vì ơn cứu độ của người khác”.[1] Tiếp đến, ngài nói: “Nhờ ơn Chúa giúp, để Tu hội có thể đạt tới những gì được xem như là mục đích của mình, thì Tu hội cần phải hết sức nỗ lực mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu Kitô”.[2] Như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng, thánh Vinh Sơn luôn mời gọi chúng ta phải quy chiếu nơi Đức Giêsu Kitô, phải lấy Đức Kitô làm mẫu gương trong đời sống của chúng ta. Nằm trong những lời mời gọi của thánh Vinh Sơn, nhân đức dịu hiền cũng đòi buộc phải quy chiếu nơi Đức Kitô, lấy Đức Kitô làm nền tảng và là mẫu gương của mình.

Quả thật, trong các bài nói chuyện hay những lá thư gửi cho các bề trên, các nhà truyền giáo hay các Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn luôn mời gọi các con cái mình hãy nâng tầm nhìn lên và hướng lên tận Con Thiên Chúa. Ngài viết: “Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là sự dịu hiền muôn đời của loài người cũng như của thiên thần, và cũng chính nhờ nhân đức này chúng ta phải làm sao để đi về Ngài, đang khi chúng ta dẫn đưa những người khác về với Ngài” (SV IV, 53). Tại một nơi khác, ngài viết cho thánh nữ Louise de Marillac vào ngày 1 tháng 11 năm 1637 như sau: “Nếu sự dịu hiền của tinh thần cô cần một giọt dấm, hãy mượn một chút tinh thần của Chúa chúng ta. Ôi, thưa quý cô, làm thế nào Ngài ấy biết cách tìm ra vị ngọt ngào cay đắng khi cần thiết” (SV I, 393). Trong một buổi huấn đức về việc phục vụ các bệnh nhân, ngài đã nói với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Các con được dành để biểu thị lòng nhân từ của Chúa tại nơi ở của các bệnh nhân nghèo. Vậy, vì lòng nhân từ của Chúa đối xử với những người khốn khổ cách dịu hiền và bác ái, thì các con cũng phải đối xử với các bệnh nhân nghèo như lòng nhân từ Chúa dạy các con, nghĩa là đối xử cách dịu hiền, cảm thông và với lòng yêu mến” (SV X, 332). Một bài học khác về đức dịu hiền mà mẫu gương tuyệt hảo là Đức Kitô được thánh Vinh Sơn viết cho một bề trên: “Những ai hướng dẫn Nhà của Tu Hội, không được coi bất cứ người nào là bề dưới của mình, nhưng thực sự là anh em. Chúa chúng ta đã nói với các môn đệ của Người rằng: ‘Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa mà Thầy gọi các con là bạn hữu của Thầy’. Vậy phải đối xử với anh em cách khiêm nhường, dịu hiền, chịu đựng, thân tình và yêu thương. Cha ơi không phải tôi đã giữ được hết những điều đó, nhưng tôi lượng giá là lỗi phạm khi tôi lìa xa chúng” (SV IV, 51).

Vậy, chúng ta có thể thấy rằng, đối với thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền phải bắt nguồn và đặt nền tảng nơi Đức Kitô Giêsu, là Đấng khiêm nhường và hiền lành. Vì thế, Đức Giêsu luôn phải là mẫu gương duy nhất và mẫu mực của chúng ta trong việc rèn luyện và thực hành đức dịu hiền. Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa, hãy để cho chúng ta luôn hướng lên Đức Kitô là mẫu gương thánh thiện và nhân từ, hãy để cho Đức Kitô hướng dẫn cuộc đời của chúng ta. Có như vậy chúng ta mới có thể bắt chước và trở nên thánh thiện giống như Người, hầu có thể trở thành một người phục vụ đích thực trong tinh thần Vinh Sơn.

2. Đức dịu hiền kitô giáo

Đức dịu hiền, ngoài nền tảng chính quy chiếu nơi Đức Kitô còn được thánh Vinh Sơn quy chiếu nơi Kitô giáo và ngài xem đó là điểm cốt lõi của nhân đức dịu hiền, khi ngài nói với các nhà truyền giáo: “Đôi khi, người ta thấy những người dường như họ được phú bẩm cho đức dịu hiền lớn lao, đức dịu hiền này rất thường chỉ là hiệu quả của tính tự nhiên ôn hòa; nhưng họ không có đức dịu hiền Kitô giáo, mà việc thực hành có đặc điểm là kìm hãm và dập tắt các thói xấu ngược lại lúc chúng ló ra” (SV XI, 64; XII, 186).

Với thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền chính yếu là sự chiến thắng những nóng nảy, hơn hết là chiến thắng lòng muốn cáu giận. Ở điểm này, nhân đức dịu hiền rất nổi bật nơi thánh Vinh Sơn. Sử gia đầu tiên về thánh Vinh Sơn là giám mục Louis Abelly đã nói: “Cha Vinh Sơn có bản tính cáu kỉnh, một tinh thần năng nổ, do đó dễ nổi giận” (Abelly III, XII, 177). Ở một nơi khác ngài nói: “Tôi khẩn khoảng nài xin Chúa thay đổi tính nóng giận, khó chịu nơi tôi và xin Người ban cho tôi một tinh thần hiền lành và hòa nhã. Nhờ ơn Chúa, cùng với quyết tâm dẹp bỏ những cơn nóng nảy tự nhiên, tôi đã phần nào chữa trị được khuynh hướng xấu của tôi” (Abelly III, 245). Tuy nhiên, đối với thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền cũng rất khó để rèn luyện: “Ôi! Tôi thật là người bất hạnh! Tôi đã học bài học về sự hiền lành lâu lắm rồi mà vẫn chưa thuộc! Tôi giận dữ; tôi bực tức; tôi khiển trách; tôi phê phán gay gắt. Tôi vẫn chưa thuộc bài học hiền lành” (SV XII, 519). Ngài còn nhấn mạnh đến nhân đức dịu hiền Kitô giáo ngay trong cách hành xử của mình, ngài nói: “Có những người được Chúa phú ban cho có phong cách tươi cười và dễ thương làm hài lòng mọi người, ban cho họ sự tiếp xúc thân tình, dịu hiền và dễ mến, nhờ ơn huệ đó họ như dâng trái tim mình cho anh em và cầu xin trái tim anh em; đang khi có những người khác, như tôi đây chẳng hạn: thô tục, giương bộ mặt e dè, buồn bã và hình sự; toàn những điều ngược với đức dịu hiền” (SV XII, 189).

Như vậy, với thánh Vinh Sơn, dịu hiền ngoài việc là một nhân đức được phú bẩm thì cũng đòi hỏi phải là một nhân đức được tập luyện theo tinh thần Kitô giáo. Nghĩa là phải rèn luyện bản thân để có một đức tính dịu hiền, chế ngự và dập tắt các chiều hướng của nết xấu ngược lại với nhân đức dịu hiền. Nhất là tập luyện để có một gương mặt vui tươi, niềm nở trước mặt những người lân cận.

3. Sự tôn trọng

Sự tôn trọng thì hết mực cần thiết cho việc thực hành đức dịu hiền, nó như là nền tảng sâu xa và là suối nguồn cho đức dịu hiền triển nở. Chúng ta làm sao có thể thực hành nhân đức dịu hiền, thể hiện khuôn mặt vui tươi, nhã nhặn đối với những người thân cận nếu không có sự tôn trọng đối với người đó. Theo thói thường, nếu chúng ta xem thường, khinh chê một người nào đó, chúng ta sẽ thể hiện rõ nét qua khuôn mặt của chúng ta như là quạu cọ, cáu gắt và một nét mặt khó ưa thể hiện sự khinh bỉ. Như vậy, nếu không có nền tảng là sự tôn trọng chúng ta không thể thực hành nhân đức dịu hiền.

Thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng rằng: “Sự tôn trọng mà không có sự thân tình thì không phải là sự tôn trọng đích thực, sự thân tình không có sự tôn trọng thì sẽ không bền lâu, mà đôi khi sẽ sinh ra sự suồng sã ít thích hợp, và làm cho sự thân tình này thành mong manh và bị thay đổi” (SV IX, 143). Hơn hết, ngài còn dạy chúng ta rằng, mỗi người mà chúng ta gặp gỡ đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần, và là hiền thê của Đức Kitô, vì thế, chúng ta phải biết tôn trọng nhau. Chính trên nền tảng của sự tôn trọng này, thánh Vinh Sơn đã mời gọi chúng ta là con cái ngài triển nở đức dịu hiền đối với những mối tương quan mà mình thiết lập trong cuộc sống, hơn hết là trong việc gặp gỡ và phục vụ người nghèo khổ. Ngài nói với các Nữ Tử Bác Ái về việc phục vụ bệnh nhân như sau: “Các chị em sẽ đối xử với các bệnh nhân cách tôn kính và khiêm nhường, hãy nhớ rằng sự thô lỗ và sự khinh chê mà ta đối xử với họ, cũng như việc phục vụ và vinh dự ta dành cho họ là dành cho chính Chúa chúng ta” (SV X, 679). Ngài cũng nhấn mạnh rằng, việc sống trong sự kính trọng và dịu hiền đưa cuộc sống của chúng ta trở nên thiên đường, trái lại nếu không thực hành điều này, chúng ta đang sống trong hỏa ngục.

Gặp gỡ mọi người với gương mặt dịu hiền, dễ mến thì thật cần thiết cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, nếu sự gặp gỡ đó thiếu mất sự tôn trọng, chúng ta sẽ dễ biến cuộc gặp gỡ đó thành một ngục tù, khiến chúng ta trở nên khó chịu và như bị ép buộc. Hơn hết, chính chúng ta trở nên một con người xấu xí trước mặt những người mà ta gặp gỡ, bởi vì những hành vi và thái độ khinh khi của chúng ta đối với những người mà ta tiếp cận. Như vậy, để đức dịu hiền có thể triển nở và trở nên mối dây liên kết chúng ta với những người mà chúng ta gặp gỡ, chúng ta phải thực hành nó trên nền tảng của sự tôn trọng. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện hết khả năng và ưu điểm của nhân đức dịu hiền trong tất cả các mối tương quan của chúng ta.

II. Dịu hiền theo thánh Vinh Sơn

1. Khả năng chế ngự cơn giận

Theo thánh Vinh Sơn, nhân đức dịu hiền là khả năng chế ngự cơn tức giận. Ngài nói: “Dịu hiền là khả năng xử lý cơn giận, người ta có thể làm điều này bằng cách dẹp bỏ nó, hoặc bằng cách biểu lộ nó, được chi phối bởi tình yêu” (SV XII, 186 – 188).

Tức giận là bản chất tự nhiên của con người trước một cảnh huống mà chúng ta nhận thức rằng nó là xấu. Chính cơn tức giận giúp chúng ta nhận định được đâu là điều xấu và đâu là điều tốt. Tuy nhiên, giống như tất cả những cảm xúc tự nhiên bộc phát của con người, tức giận có thể được sử dụng một cách tích cực hoặc tiêu cực. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta rèn luyện nhân đức dịu hiền như là một khả năng xử lý cơn giận của chúng ta, và cho dù chúng ta loại bỏ nó hay bộc phát nó, thì hành động của chúng ta phải luôn bị chi phối bởi tình yêu.

Trong The Way Of Vincent de Paul, cha Robert P. Maloney đã cho chúng ta thấy, chính thánh Vinh Sơn đã bộc lộ cơn tức giận thánh thiện của mình khi đứng trước cảnh ngộ của những người bệnh và người đói khổ, bằng cách thành lập Hội Bác Ái, Hội Các Bà Bác Ái, Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Chính sự tức giận đã cho phép ngài phản ứng mạnh mẽ và sáng tạo khi phải đối mặt với những nhu cầu cấp thiết của người nghèo. Ngài cũng bày tỏ sự tức giận khi nhận thấy những điều xấu ngay trong các cộng đoàn của mình nhưng bằng sự kết hợp sự tức giận với tinh thần dịu hiền, ngài viết: “Khi làm việc mà cứ lầm lì một mình, không nói gì cả, điều đó thật không thể chịu đựng nổi. Có một chị phục vụ trong Tu hội đã gây một nỗi khổ không thể tin được cho các chị em mình, vì chị ta có cái tính đó; phần tôi, tôi nghiệm thấy rằng nơi đâu chúng ta có những anh em khốn khổ đáng thương của Tu hội Truyền Giáo, nếu có một bề trên thoải mái, cởi mở, thì mọi chuyện đều trôi chảy; ngược lại, nếu có ai đó cứ lạnh đạm và không cởi mở, điều đó khóa chặt các con tim và không ai dám tiếp cận người ấy” (SV XIII, 641). Để có thể làm được điều này thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta học cách pha trộn sự ngọt ngào và cay đắng, hơn hết là học tập mẫu gương của Đức Kitô, nơi Ngài là đỉnh cao của sự kết hợp giữa dịu hiền và cương quyết.

Tuy nhiên, nếu sự tức giận được xử lý một cách tồi tệ và không bị chi phối bởi tình yêu, nó sẽ dẫn ta đến những hậu quả rất tai hại. Được giải phóng nó có thể dẫn đến bạo lực và bất công. Bị kìm nén, nó sẽ dẫn đến sự phận nộ, mỉa mai, hoài nghi và cay đắng. Như vậy, để kìm hãm, tiết chế, dập tắt hay thăng hoa sự tức giận, chúng ta được mời gọi rèn luyện nhân đức dịu hiền, và hành xử với tất cả tình yêu. Hơn hết, chúng ta phải lấy mẫu gương nơi Đức Kitô làm cùng đích của mình nhờ đó mà rèn luyện bản thân tốt hơn và điều khiển tốt cơn giận của mình.

2. Sự dễ gần

Đối với thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền còn là “sự dễ gần, dịu dàng, dễ mến và thanh bình của diện mạo đối với những người gần gũi với chúng ta” (SV XII, 189). Sự dễ gần thì vô cùng cần thiết đối với một nhà truyền giáo, bởi vì sứ vụ của chúng ta là luôn phải tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Nếu “chúng ta giương bộ mặt buồn rầu và thê thảm, chúng ta đang làm giá lạnh con tim của những người đến với chúng ta.” Hơn hết, đến với tha nhân với một khuôn mặt ủ rũ, cáu kỉnh và khó ưa, chúng ta sẽ thất bại trong việc đến và chinh phục những người mà ta sẽ gặp. Mặt khác, đến với tha nhân với thái độ hòa nhã, gương mặt vui vẻ và tươi tỉnh thì chúng ta đang nắm chắc phần thắng trong việc chinh phục những người mà chúng ta sẽ tiếp cận.

Chính thánh Vinh Sơn đã lấy mình làm một ví dụ cụ thể cho con cái khi nói rằng, lúc còn trẻ ngài mang một bản tính thất thường và dễ cáu gắt, nổi nóng. Nhưng ngài đã thay đổi rất nhiều trong quá trình sống của mình, những người biết ngài sau đó nói rằng, ngài là một trong những người đàn ông dễ gần nhất mà họ đã từng gặp. Ngài cũng khuyên rằng: “Phải có khuôn mặt tỏ lộ sự nhã nhặn, sự thân tình và lòng chân thật đối với những người mà họ đến gặp, làm sao các thừa sai phải là niềm an ủi cho họ” (SV XII, 189).

3. Sự khéo léo uyển chuyển

Dịu hiền là sự khéo léo uyển chuyển tinh thần, nhờ đó người ta có thể chiều ý người khác trong tất cả những gì không phải là tội (SV X, 481). Với thánh Vinh Sơn, việc khéo léo uyển chuyển là vô cùng cần thiết trong mọi mối tương quan. Chúng ta không nên quá cứng nhắc trong những việc không phải là xấu, tuy nhiên ngài cũng nhấn mạnh và đòi buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác, bởi vì chúng ta dễ rơi vào việc chiều theo ý xấu mà nhiều lúc chúng ta chưa kịp phân định nó. Ngài nhấn mạnh rằng: “Phải hết sức cảnh giác phòng ngừa sử dụng sự chiều ý trong những việc xấu, vì đó không phải là một nhân đức, mà là một lỗi phạm lớn, nó nảy sinh hoặc từ sự phóng đãng của tâm trí, hoặc do sự hèn nhác nào đó và sự nhát gan” (SV XI, 70).

Viết cho cha Portail, ngài nói: “Tôi cầu xin Chúa chúng ta tiếp tục ban cho cha tinh thần dịu hiền thánh thiện và cả tinh thần mềm dẻo đối với những gì không phải là xấu, cũng không trái ngược với qui chế của chúng ta; vì, đối với điều xấu, thì phải khắt khe hơn là hiền dịu; nhưng để chữa điều xấu, thì phải có tinh thần hiền hậu” (SV I, 311).

Với các Nữ Tử Bác Ái, ngài nói: “Chị phục vụ và các bề trên, không được chiều ý trong mọi sự, như khi có một việc thiện ích lớn lao hơn phải làm, và người ta đề nghị các bề trên cho mình bỏ việc lớn để làm việc nhỏ. Nhưng, ngoài trường hợp đó ra, chị phục vụ phải chiều ý trong những gì không trái với quy luật và cũng không ngược với sự hướng dẫn… Và phải ý tứ là các bề trên không thể chiều ý trong tất cả mọi việc” (SV X, 483).

Như vậy, nhân đức dịu hiền nhằm giúp chúng ta khéo léo uyển chuyển trong công việc, trong những mối tương quan thường ngày, nhờ đó chúng ta luôn tạo ra những mối quan hệ tốt mà không nuông chiều theo ý xấu, cũng như biến mình thành đồng phạm với những điều xấu.

III. Tính hữu ích của đức dịu hiền đối với nhà truyền giáo hôm nay

1. Chinh phục các tâm hồn

Thánh Vinh Sơn nói: “Sự dịu hiền chinh phục các tâm hồn” (SV. VII, 241). Quả thật, sứ vụ của chúng ta không là gì khác hơn là việc chinh phục các tâm hồn, nhất là những người nghèo khổ ở vùng quê. Sứ vụ đòi hỏi chúng ta phải đến với người nghèo để đem niềm vui và Tin Mừng của Chúa Kitô đến trong cuộc sống của họ. Làm sao chúng ta có thể thành công khi đến với người khác với một bộ mặt hằm hằm, cáu bẳn?

Thiết nghĩ, chính nhân đức dịu hiền giúp chúng ta trở nên một con người hòa nhã, dễ gần, luôn có một khuôn mặt vui tươi niềm nở khi tiếp xúc với người khác. Nhờ đó chúng ta có thể thành công trong việc đến với người nghèo, và trở nên khí cụ tình yêu của Chúa Kitô. Thánh Vinh Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân đức dịu hiền trong việc chinh phục các tầm hồn rằng: “Nếu một người không được chinh phục bằng sự dịu hiền và kiên nhẫn, thì khó tìm được cách nào để thuyết phục người ấy” (SV VII, 226). Và tại nơi khác, ngài nói: “Đôi khi, chỉ cần một lời dịu hiền đủ cải hóa một người chai lì và, ngược lại, một lời nghiêm khắc có thể gây đau khổ cho một tâm hồn và gây cho tâm hồn đó sự cay đắng mà có thể sẽ rất tai hại” (SV XI, 67). Ngài cũng mời gọi các con cái mình: “Phải có khuôn mặt tỏ lộ sự nhã nhặn, sự thân tình và lòng chân thật đới với những người mà họ đến gặp, làm sao các thừa sai phải là niềm an ủi cho họ” (SV XII, 189).

2. Chấp nhận người nghèo

Đến với người nghèo ngoài việc mang gương mặt dễ gần, vui tươi, chúng ta còn phải biết chấp nhận người nghèo. Bởi vì họ không chỉ nghèo về đời sống vật chất nhưng họ còn nghèo cả về đời sống tinh thần, và nhất là thiếu thốn về đời sống văn hóa, nhiều lúc còn mê muội và thô kệch. Như vậy nếu không mở rộng tấm lòng và chấp nhận họ chúng ta sẽ khó có thể đến gần được với họ, không nói là dễ mang thái độ xa lánh và khinh khi họ. Hơn hết với những thái độ của chúng ta, người nghèo cũng xa lánh chúng ta bởi vì họ sẽ cảm thấy bản thân họ không được tôn trọng. Để tránh những thái độ đó, đức dịu hiền giúp chúng ta có sự kiên nhẫn và kiềm chế nhờ đó mà chúng ta chấp nhận người nghèo trong sứ vụ truyền giáo của chúng ta.

Chính thánh Vinh Sơn cũng đã nhấn mạnh đến ích lợi này của nhân đức dịu hiền đối với sứ vụ của một nhà truyền giáo, ngài nói: “Một thừa sai cần sự kiên nhẫn và kiềm chế trong các công việc của mình với những người mà mình được sai đến. Người nghèo mà mình giải tội có thể không có văn hóa, mê muội và thô kệch… nếu một cá nhân nào không có sự dịu hiền để thích nghi với sự thô lỗ của họ, thì người đó có thể hi vọng đạt được cái gì? Sẽ chẳng làm được gì cả. Trái lại, người đó sẽ làm nản lòng những con người nghèo khổ này. Khi họ cảm thấy sự cứng cỏi của người ấy thì họ sẽ lánh xa và sẽ không còn trở lại với người ấy để học những điều cần thiết để được cứu độ. Do đó, kiên nhẫn dịu hiền được đòi hỏi nơi chúng ta” (SV XII, 305). Ngài còn mời gọi: “Nhà truyền giáo cần phải hiền hòa để có thể chịu đựng sự chất phát thô thiển của những người nghèo khổ” (SV XII, 305).

3. Củng cố các mối tương quan

Đức dịu hiền như một mối dây liên kết mật thiết giúp cho chúng ta có đời sống tương quan tốt đẹp với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Hơn hết, là một nhà truyền giáo Vinh Sơn, đời sống cộng đoàn thì vô cùng cần thiết và quan trọng, và để chúng ta có thể có một đời sống cộng đoàn tốt, chúng ta cần rèn luyện nhân đức dịu hiền. Nhờ đó, chúng ta trở nên nguồn vui cho mọi người trong cộng đoàn mà mình đang sống, và nhờ nhân đức dịu hiền, chúng ta tránh biến mình thành một gánh nặng cho người khác, cho cộng đoàn trong đời sống của chúng ta, như thánh Vinh Sơn nói với các chị Nữ Tử Bác Ái trong một buổi huấn đức: “Nơi đâu các Nữ Tử Bác Ái sống tôn trọng và dịu hiền, nơi đó là thiên đường, trái lại, nơi nào không thực hành nhân đức này, nơi đó là hỏa ngục” (SV IX, 268).

a. Với bản thân

Có một đời sống nội tâm, một tương quan tốt với bản thân thì rất quan trọng đối với một nhà truyền giáo. Thánh Vinh Sơn rất coi trọng đời sống nội tâm của mỗi thành viên trong gia đình Vinh Sơn, ngài thường nhắc nhở rằng, đời sống nội tâm là sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, một đời sống bận rộn với Chúa, và nếu không có đời sống bình an nội tâm, chúng ta dễ trở nên phiền phức đối với mọi người.[3] Một nhà truyền giáo sẽ là gì nếu không có đời sống kết hiệp với Chúa? Hơn nữa, chúng ta khó có thể có một mối tương quan tốt với người khác nếu chính bản thân mình bị mâu thuẫn, hay không hiểu chính bản thân mình. Chúng ta cũng khó có thể sống bình an nếu tâm hồn mình luôn cáu gắt và giận dữ, chính bởi tâm hồn không vui vẻ mà bộ mặt của chúng ta cũng trở nên khó ưa và các hành động của chúng ta cũng dễ trở nên xấu tính, xấu nết.

Như vậy, chính đức dịu hiền như một chất keo dính kết giúp chúng ta liên hệ với bản thân mình, đi sâu vào đời sống nội tâm, nhờ đó mà tâm hồn chúng ta trở nên vui vẻ hòa nhã và đánh bay đi cái bản mặt khó ưa mà chính chúng ta khi nhìn vào cũng không thể chịu đựng nổi. Nhân đức dịu hiền tưới mát tâm hồn chúng ta, đánh tan đi những giận dữ và căng thẳng để rồi chúng ta có thể vui tươi, niềm nở với chính mình. Một tâm hồn đầy tràn niềm vui thì đem đến một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.

b. Với tha nhân

Sứ vụ của chúng ta là gì nếu không phải là dính bén với tha nhân. Mỗi ngày, cuộc sống của chúng ta đều liên hệ, tương quan mật thiết với tha nhân. Chính tha nhân làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa, tha nhân như là một hồng ân đem đến cho chúng ta những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống.

Tuy nhiên, để có thể có một mối tương quan tốt đẹp với tha nhân không phải là dễ dàng, bởi vì tha nhân thì khác ta và bản tính của mỗi tha nhân mà ta gặp gỡ thì khác nhau, hay như ông bà ta thường nói: “Trăm người, trăm tính”. Thiết nghĩ, muốn có một mối tương quan tốt đẹp với tha nhân, điều đầu tiên và tối quan trọng, mà chúng ta phải có là một thái độ hòa nhã và một gương mặt vui tươi, dễ gần.

Quả thật, cho dù có rất nhiều điều kiện cần để có một mối tương quan tốt đẹp với tha nhân thì thái độ hòa nhã này luôn luôn phải có và cần thiết. Chúng ta không thể có một tương quan tốt đẹp với tha nhân nếu chúng ta mang một bộ mặt hằm hằm, dữ tợn, hay một bộ mặt khó ưa, đưa đám. Chính vì thế, đức dịu hiền rất là cần thiết cho chúng ta để củng cố mối tương quan thân tình với tha nhân. Nhờ đức dịu hiền chúng ta đến với tha nhân một cách dễ dàng, một cách niềm nở và vui tươi. Thánh Vinh Sơn cũng thường dạy chúng ta rằng: “Chúng ta cần phải nhã nhặn hơn, đến mức tối đa có thể được vì ơn gọi buộc chúng ta thường xuyên trò chuyện với người thân cận” (SV XI, 69 – 70).

c. Đời sống cộng đoàn

Đời sống cộng đoàn thì vô cùng quan trọng đối với thánh Vinh Sơn, ngài nói: “Hãy sống với nhau như thể chúng ta chỉ có một quả tim và một tâm hồn” (SV IV, 235). Hay nơi khác ngài nói: “Hãy liên kết hiệp nhất với nhau để cùng lo cho ơn cứu độ người nghèo” (SV XIII, 204). Ngay chính chúng ta, những người đang sống trong đời sống cộng đoàn cũng cảm nhận được tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn đối với cuộc sống của chúng ta. Đời sống cộng đoàn giúp chúng ta chia sẻ những khó khăn trong đời sống thường ngày, cả về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Chúng ta có thể chia sẻ với anh em những niềm vui, những nỗi buồn mà chúng ta bắt gặp trong cuộc sống, ngay cả những tâm tư thầm kín mà chúng ta khó có thể chia sẻ với người ngoài. Và với những sự sẻ chia đó chúng ta nhận lại được những cái quan tâm thân tình, những chia sẻ cảm thông, nhờ đó cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập niềm vui trên những nỗi buồn sâu thẳm của đời sống con người.

Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn không phải lúc nào cũng là màu hồng, không phải lúc nào cũng là mùa xuân muôn hoa khoe sắc. Chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cộng đoàn. Những khó khăn ta bắt gặp có thể xuất phát từ sự xa cách về mặt địa lý, ngôn ngữ hay truyền thống văn hóa, cho đến những khó khăn về tính cách, lối sống, hay những xích mích nặng nhẹ trong công việc, trong cuộc sống thường ngày. Và rất thường, chúng ta sẽ trở nên cáu gắt, giận dữ, trách cứ, hay mắng mỏ anh em mình. Chúng ta thường khó có thể bỏ qua những lỗi lầm của anh dù sai lỗi đó rất nhỏ đối với chúng ta. Chính những khó khăn này dễ làm cho chúng ta đánh mất đời sống cộng đoàn và thu mình lại với thế giới riêng của mình. Vậy, với những khó khăn của đời sống cộng đoàn, đâu là giải pháp tốt nhất cho chúng ta? Để đánh tan những khó khăn và làm sống động lại đời sống cộng đoàn, mỗi chúng ta cần thủ đắc cho mình nhân đức dịu hiền. Bởi vì chính nhân đức dịu hiền giúp chúng ta có thể đến với anh em bằng một gương mặt hòa nhã và vui tươi, thân tình và niềm nở. Hơn hết, đức dịu hiền giúp chúng ta biết chấp nhận và bỏ qua những khó khăn hay những sai lỗi của anh em đối với mình, và cũng nhờ nhân đức dịu hiền mà chính chúng ta cũng được anh em tha thứ vì những lỗi phạm mà ta đã xúc phạm đến anh em. Như vậy, ta có thể nói, đức dịu hiền như một mối dây thân tình củng cố đời sống cộng đoàn của chúng ta, biến đời sống cộng đoàn của chúng ta thành thiên đàng hạnh phúc nơi trần gian.

Chính thánh Vinh Sơn cũng thường nhắn nhủ các con cái ngài về việc thực hành nhân đức dịu hiền trong đời sống cộng đoàn. Ngài nói với một bề trên như sau: “Cha phải noi gương Chúa Kitô xem mọi người là anh em chứ không phải là bề dưới của mình, và đối xử với anh em bằng cách khiêm nhường, dịu hiền, chịu đựng, thân tình và yêu thương” (SV. IV, 51). Ngài cũng khuyến khích: “Hãy chịu đựng người anh em, nhưng hãy cố gắng hết sức làm cho người anh em biết tuân giữ Quy Luật, theo tinh thần của Chúa chúng ta, là Đấng vừa dịu hiền vừa cương quyết” (SV VII, 226).

d. Thiên Chúa

Có một tương quan mật thiết và thân tình với Thiên Chúa thì vô cùng cần thiết và quan trọng đối với nhà truyền giáo. Một đời sống tương quan mật thiết với Chúa không là gì khác hơn là sự suy gẫm, cầu nguyện và dính bén với Chúa. Chúng ta sẽ trở nên như thế nào nếu không có đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa? Thiết nghĩ, nếu không có đời sống kết hiệp với Chúa, chúng ta chỉ sống như những cái xác không hồn, sống không có chiều sâu nội tâm và cuộc sống không còn được bình an. Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa cũng vô cùng quan trọng đối với đời sống cộng đoàn, nó như là nền tảng cho sự bền vững và phát triển của đời sống cộng đoàn. Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh rằng: “Tu Hội sẽ tồn tại bao lâu còn trung thành với việc kinh nguyện, vốn như thành lũy bất khả xâm phạm, giúp chống đỡ cho nhà truyền giáo khỏi muôn vàn tấn công của kẻ thù” (SV XI, 83).

Tuy nhiên, chúng ta không thể có một tương quan tốt đẹp với Chúa nếu chúng ta gặp gỡ Chúa với một gương mặt giận dữ và cáu kỉnh. Chúng ta không thể kết hiệp thân tình với Chúa mà mang một tâm hồn xấu xí và ghen ghét. Chúng ta cũng không thể đến với Chúa mà vẫn còn ghen ghét và giận hờn anh em mình. Những thái độ này thì khó để chúng ta có thể có một tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta điều này khi Ngài nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24-25). Làm hòa với bản thân, làm hòa với tha nhân là một nấc thang cần thiết phải có để ta có thể tương quan thân tình với Thiên Chúa.

Chính vì thế, nhân đức dịu hiền giúp chúng ta sửa đổi bản tính khó ưa, mau giận của mình. Chúng ta biết niềm nở với mọi người, biết chấp nhận mọi người và bỏ qua hết mọi lỗi lầm mà anh em đã phạm với ta. Nhờ đó, chúng ta có một tâm hồn vui tươi, bình an và hạnh phúc, một gương mặt dễ mến, thân thương mà đến trước nhan Thiên Chúa là Cha Tình Yêu của chúng ta. Chính nhờ những thái độ thân thương mà nhân đức dịu hiền đem lại, chúng ta có một mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, qua đó tâm hồn chúng ta luôn tràn ngập hạnh phúc và bình an. Hơn hết, đời sống nội tâm, đời sống cộng đoàn của chúng ta luôn được vững bền và phát triển trên nền tảng mối tương quan thân tình này.

e. Kiên trì trong việc lành

Thánh Vinh Sơn nói: “Không có người nào kiên định và cương quyết làm điều thiện hơn là những người hiền lành và nhân từ. Trong khi ngược lại, những người tự cho phép chính mình quy phục sự tức giận và đam mê sự ham muốn cáu giận thường thì không kiên nhẫn, bởi vì họ chỉ hành động bằng những sự phù hợp và những sự khởi đầu. Chúng giống như những dòng chảy, chỉ mạnh mẽ và bốc đồng khi ở trong dòng lũ đầy tràn nhưng khô cạn ngay lập tức sau đó, trong khi những dòng sông, thì đại diện cho sự hiền lành và nhân từ, chảy không một tiếng động, thanh bình và không ngừng nghỉ” (SV XI, 65). Quả thật, nhân đức dịu hiền như dòng suối mát hiền hòa nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Dịu hiền giúp chúng ta luôn niềm nở vui tươi với những người mà ta gặp gỡ, thân thương nhờ đó tinh thần bác ái của chúng ta luôn được nuôi dưỡng và triển nở. Trái lại, một người luôn tức giận, cáu gắt thì khó để có thể gần gũi, thân thương với những người mà mình gặp gỡ, nhiều lúc còn biến cuộc gặp gỡ thân tình trở nên những cuộc gặp gỡ khó khăn và gây bất hòa, chia rẽ. Điều này khiến cho tinh thần bác ái khó có thể được tồn tại và nuôi dưỡng, hay nói cách khác, tinh thần bác ái chỉ chợt có đó rồi lại chợt vụt tắt đi mà thôi.

Kết Luận

Như một chiếc chìa khóa thần kỳ có thể mở toan mọi cánh cửa, đức dịu hiền giúp chúng ta có thể mở toan cánh cửa tâm hồn của mọi người mà ta gặp gỡ trong cuộc sống. Nhờ đức dịu hiền chúng ta có thể xây dựng và củng cố mọi mối tương quan và làm thăng tiến bản thân trong mọi mối tương quan thân tình trong cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt, ta có thể đến với người nghèo, đem Tin Mừng và tình yêu của Đức Kitô đến với họ một cách hiệu quả nhất. Thiết nghĩ, với tính hữu ích của nhân đức dịu hiền cho cuộc sống và sứ vụ của các nhà truyền giáo Vinh Sơn ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cần rèn luyện và thủ đắc cho bản thân nhân đức dịu hiền, hơn hết là cố gắng hiểu rõ khuôn mặt dịu hiền nơi thánh Vinh Sơn và luôn lấy Đức Kitô là mẫu gương hoàn hảo nhất trong việc học tập và rèn luyện nhân đức dịu hiền. Hầu nhờ đó chúng ta có thể sở hữu cho mình một “vũ khí” hữu ích để có thể đến và gặp gỡ tha nhân, người nghèo, những người là chúa và là chủ của chúng ta một cách hiệu quả nhất và thiết thực nhất.


[1] Hiến Pháp và Quy Chế của Tu Hội Truyền Giáo, số 1, 137.

[2] Hiến Pháp và Quy Chế của Tu Hội Truyền Giáo, số 3, 139.

[3] ROBERT MALONEY CM, Saint Vincent as a Mystic of Charity, 116.