Trên đỉnh thế giới – Nhật ký của một thành viên Vinh Sơn

0
860

Đột nhiên tôi cảm nhận thấy bàn tay cô bé trong tay mình.

Cô bé đã đứng cạnh tôi được một lúc, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ; nụ cười tươi sáng của cô nở dưới mái tóc rối tung và bụi bặm. Chúng tôi đang ở ngay giữa một quảng trường nhỏ, vây quanh bởi vài ngôi nhà; một cộng đồng ồn ào ở ngoại ô Antananarivo, Madagascar. Những cửa hàng nhỏ nhắn nằm rải rác đây đó; một số người đàn ông đang vác hàng đống sắt vụn; các trẻ em thì chơi trên đường.

Đây có thể đã là một quang cảnh khá quen thuộc trên khắp thế giới, nếu như không có một mùi hôi thối bốc lên. Mùi hôi này đã dính lấy tôi trong những ngày ở đây. Lúc đầu tôi cảm thấy xay xẩm, nhưng dần dà cái mùi ấy đã trở thành một người bạn đồng hành thầm lặng, dai dẳng.

Cuộc hành trình của tôi đã đưa tôi tới các đỉnh của một bãi rác khổng lồ.

Trong sự ngây thơ của mình, tôi đã tưởng tượng sẽ gặp một bãi rác có biên giới rõ ràng, một khu vực có thể được chinh phục bởi mọi người. Tất nhiên, tôi đã xem những đoạn phim về những người sống trong các bãi rác; tôi đã thấy những cái lán được bao quanh bởi rác – những người cư trú đã ở trong những chiếc lán này. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một cộng đồng hoàn toàn được xây dựng trên đỉnh của những đống phế thải mục nát của một thành phố được nén lại như thế này.

Trong khi ngôi làng dường như an cư tại đó thì những ngọn đồi xung quanh lại không ngừng phát triển. Mỗi ngày, có những xe tải mới đến với những thứ chất chứa trong thùng xe, đem lại thêm cho cư dân ở quanh bãi rác những đồ rác rưởi để lựa chọn với hy vọng sẽ tìm thấy cái gì đó có thể đổi được thành tiền. Mặc dù những cộng đồng này đã được giúp đỡ bởi sự dấn thân không mỏi mệt của cha Pedro Opeka, CM; nhiều người vẫn tiếp tục làm việc trên những ngọn đồi này mỗi ngày và mọi ngày – một thói quen được truyền từ nhiều thế hệ, khó mà phá vỡ.

Tôi thấy ở bất cứ nơi đâu, thiên nhiên cũng đều cố gắng đòi lại chỗ của mình; cỏ nảy mầm từ bên trong những chai nhựa; bụi rậm ngoan cường tìm chỗ bám chân. Đó là khởi đầu của mùa khô; mọi thứ vẫn còn xanh, và kết cấu của bãi rác còn tương đối an toàn. Điều này sẽ thay đổi ngay khi vào mùa mưa. Mọi thứ tưởng chừng như rắn chắc lúc này sẽ nhanh chóng trở nên mối đe doạ cho sự sống. Trận mưa trút xuống sẽ làm đất mềm ra, dẫn đến nguy cơ khiến đống rác sụp xuống – chôn vùi bất cứ thứ gì nằm trên đường đi của nó dưới dòng thác rác và bùn. Tôi thường đọc về những bi kịch này trên báo, nhưng chỉ lúc này, tôi mới thực sự hiểu.

Tôi vẫn giữ bàn tay cô bé trong tay mình.

Tôi nhìn cô bé và cảm thấy thoải mái với ý nghĩ rằng cuộc đời cô sẽ có cơ hội bởi giờ đây cô được sống trong cộng đoàn này, một cộng đoàn được xây dựng trong một khu vực an toàn; cô được ngủ trong nhà gạch, có mái che; được đi học thay vì leo trên những ngọn núi rác.

Nhưng tôi cũng biết rằng bố mẹ cô, những người gần gũi nhất với cô, có lẽ mỗi ngày vẫn đang liều lĩnh tìm bới. Tôi biết rằng an toàn là một giấc mơ xa vời đối với họ; rằng một bước trật chân cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng – bị thương hoặc chết; rằng bệnh tật tìm thấy mảnh đất hoàn hảo để sinh sôi nơi những ngọn đồi này; và rằng chỉ một trận mưa thôi cũng có thể phá huỷ toàn bộ những gì họ đã gầy dựng. Tuy nhiên, mỗi ngày họ vẫn leo lên trên đỉnh thế giới của họ – và nhìn xuống dưới chân để tìm xem những thứ chúng ta đã mang đến cho họ.

Khi rời những ngọn đồi này, tôi biết mình sẽ phải làm nhiều hơn nữa. Tôi phải làm tốt hơn nữa. Bởi vì tôi đã chỉ nắm một bàn tay nhỏ nhắn – nhưng còn có hàng triệu bàn tay khác đang vươn ra.

Suy ngẫm:

Nếu có ai ở đây nghĩ rằng mình gia nhập Tu Hội chỉ để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo chứ không phải để nâng đỡ họ, chỉ để đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ chứ không phải những nhu cầu vật chất, thì tôi xin nói với họ rằng: chúng ta phải trợ giúp người nghèo bằng mọi cách, bởi chúng ta hoặc bởi người khác (SV. XII, 87).

Anja Bohnsack
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển