Vinh Sơn Phaolô: một nhà nhân đạo đột phá

0
592

Keltoum Irbah

Hơn 350 năm sau khi ngài qua đời vào năm 1660, cuộc đời và công việc nhân đạo tiêu biểu của cha Vinh Sơn Phaolô – được phong thánh vào năm 1737 – vẫn tiếp tục được tôn vinh. Sự cống hiến của ngài trong việc giúp đỡ những người nghèo và thiệt thòi nhất trong xã hội, đã đặt nền móng cho các nguyên tắc nhân đạo ngày nay. Dù cha Vinh Sơn Phaolô là một linh mục, nhưng công việc và lý tưởng nhân đạo của cha đã cùng tồn tại, và thậm chí còn vượt qua cả tôn giáo.

Đối với cha, nhân đạo, công bằng và trung lập là những cân nhắc quan trọng nhất để giúp đỡ những người cần giúp đỡ nhất, bất kể họ là ai, hay họ theo tôn giáo nào, kể cả trong thế giới Hồi giáo. Ngài không chỉ truyền cảm hứng cho những cách suy nghĩ mới, mà còn có những vai trò chính trị và hòa giải, có liên quan mật thiết đến cách tiếp cận nhân đạo của mình. Trong thế giới ngày nay, giữa nhu cầu nhân đạo toàn cầu trên quy mô lớn, bài viết này phản ánh những gì vị linh mục đáng kính này đã đạt được cách đây bốn thế kỷ và di sản lâu dài của ngài.

Nhiều nhóm khác nhau được hưởng lợi ích từ công việc của cha Vinh Sơn Phaolô: các nạn nhân chiến tranh, người tị nạn, trẻ em bị bỏ rơi ở Paris, người bệnh, người nghèo và người già được đưa vào bệnh viện Hôtel-Dieu de Paris. Với tư cách là tổng tuyên úy của các nhà tù Paris, cha cũng là người khởi xướng các cuộc thăm viếng nhà tù. Ngài tin tưởng mạnh mẽ rằng, vai trò của tuyên úy không phải là truyền giáo cho các tù nhân, mà là giúp họ vượt qua đau khổ.

Cha Vinh Sơn Phaolô là người nguyên tắc, nhưng cũng rất thực tế. Tài hùng biện và khả năng tổ chức của cha, là những yếu tố chính dẫn đến sự thành công trong các dự án của ngài. Trước tình trạng đói nghèo ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến nhiều nhóm và một xã hội thiếu hệ thống phúc lợi đầy đủ, sự kiên trì khuyến khích các hoạt động từ thiện của cha đã được đền đáp.

Năm 1617, cha thành lập các “hội bác ái” đầu tiên, tập hợp giáo dân để giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, cũng như hỗ trợ người bệnh. Sau đó, cha thành lập ‘Gardes des Pauvres’ (Hội bảo trợ người nghèo), tổ chức này đã phát sinh ra Tu hội Nữ Tử Bác Ái, do thánh Louise de Marillac đứng đầu năm 1634; cha thành lập hội bác ái của Hôtel-Dieu, một ngôi nhà dành cho người già, sau này đã trở thành Hôpital de la Salpêtrière vào năm 1657. Cha Vinh Sơn Phaolô đã mở đường cho các hoạt động xã hội và nhân đạo, thích ứng với các vấn đề của thời đại, bao gồm tình trạng thiếu lương thực năm 1629, sự bùng nổ của bệnh dịch hạch giữa năm 1624 và 1640, và các cuộc xung đột khác nhau (Fronde và cuộc Chiến tranh Ba mươi năm).[i]

Ngoại giao nhân đạo

Các sự kiện chính trị lớn đã phác họa môi trường mà cha Vính Sơn Phaolô đã làm việc, trong một thời kỳ được đánh dấu bằng những cuộc xung đột về ý thức hệ và chiến tranh tôn giáo. Đối mặt với sự tan rã của một quyền lực chính trị suy yếu, một Tòa án Hoàng gia bị chia rẽ mạnh mẽ, một xã hội bất ổn đầy rẫy mọi hình thức khốn cùng, cha đã chọn dấn thân vào công việc bác ái với một động cơ chính trị tiềm ẩn – “để giảm bớt tác động của việc quân đội chiếm đóng, đặt nước Pháp như vị cứu tinh, và thu phục trái tim và khối óc của dân chúng…”

Tầm nhìn của cha về chủ nghĩa nhân đạo có mối tương quan chặt chẽ với vai trò hòa giải, nhằm kiềm chế xung đột đang diễn ra và để tạo lập một không gian thảo luận mang tính xây dựng. Chẳng hạn, vào năm 1640, cha đã yêu cầu một cuộc tiếp kiến ​​với Hồng y Richelieu, để thuyết phục vị hồng y về nhu cầu cấp thiết phải lập lại hòa bình ở Pháp. Năm 1649, cha có cách tiếp cận tương tự với Nữ hoàng Anne của Áo (phu nhân của Vua Louis XIII) và Hồng y Jules Mazarin (tể tướng của Nhà vua). Cha liên tục kêu gọi sự khoan nhượng trong việc đối xử với những người theo đạo Tin lành, những nỗ lực của cha được hướng dẫn bởi mong muốn công bằng và hòa giải.[ii]

Hành động nhân đạo trong xung đột

Từ năm 1638-1647, công việc nhân đạo của cha Vinh Sơn tập trung vào việc giúp đỡ những người tị nạn ở Paris và cung cấp viện trợ cho người dân ở vùng Lorraine và Bar, nơi đã bị tàn phá bởi quân đội Pháp và quân đội Thụy Điển xâm lược trong cuộc chiến tranh Ba mươi năm. Với tư cách là tuyên úy cho các lực lượng vũ trang Pháp, cha đã điều phối các công tác từ thiện ở Paris và giúp đỡ những người bị thương, bằng cách gửi các nhà truyền giáo đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Cha đã thiết lập toàn bộ hệ thống để bảo vệ và cung cấp hỗ trợ. Điều này liên quan đến việc quyên góp tiền bạc, quần áo, thực phẩm và đồ dùng, vận chuyển chúng từ Pháp đến vùng Lorraine, và đảm bảo rằng, các khoản cung cấp đến tay những người cần. Cha đã làm việc cần mẫn để thu xếp các hỗ trợ y tế cần thiết. Trong khoảng thời gian mười năm, cha được giao nhiệm vụ giúp đỡ 25 thị trấn ở Lorraine, chủ yếu là Verdun, Nancy, Saint Mihiel, Metz, Toul, Pont-à-Mousson, Bar-le-Duc và Lunéville.

Hiệp ước Westphalia năm 1648 đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh Ba mươi năm và mang lại sự ổn định chính trị tương đối cho Lorraine. Nhưng sự khốn khổ không kết thúc ở đó. Chiến tranh chuyển sang Champagne và Picardie, nơi chứng kiến ​​những hành động tàn bạo tương tự. Ngoài việc phân phát hàng cứu trợ và chăm sóc người bệnh, những người được cha Vinh Sơn tuyển dụng còn tìm cách cung cấp chỗ ở cho những nạn nhân vô gia cư của cuộc xung đột. Vì vậy, những người nghèo được tiếp nhận, không bị phân biệt đối xử và được đối xử công bằng. Trong bối cảnh này, hành động nhân đạo có thể được hiểu là ‘một biểu hiện của chủ nghĩa thế tục, nơi đức tin tôn giáo và một kiểu can dự chính trị mới có thể cùng tồn tại một cách tôn trọng’.[iii]

Bảo vệ trẻ em

Năm 1638, lo lắng về số phận của những đứa trẻ bị bỏ lại để tự kiếm sống ở Paris, cha Vinh Sơn Phaolô đã thành lập nhà tế bần des Enfants-Trouvés (nhà cho những trẻ bi rơi), nhằm phục vụ, chăm sóc chung cho trẻ em nghèo và trẻ mồ côi. Ở Paris và các vùng ngoại ô của nó, từ 300 đến 400 trẻ em (phần lớn là trẻ em ngoài giá thú) bị mẹ bỏ rơi mỗi năm, chủ yếu do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ. Những đứa trẻ này thường là nạn nhân của nạn buôn người quy mô lớn và các hình thức lạm dụng khác. Để giải quyết vấn đề, cha Vinh Sơn Phaolô đã sắp xếp xây dựng một số ngôi nhà với di sản trị giá 64.000 livres (đơn vị tiền tệ cũ của Pháp) do vua Louis XIII để lại. Năm 1644, họ cung cấp một ngôi nhà cho 4.000 trẻ em kém may mắn. Những đứa trẻ được các bảo mẫu chăm sóc cho đến khi chúng được ba hoặc bốn tuổi. Sau đó, chúng được gửi đến trường, nơi chúng học đọc và viết và sau đó được đào tạo nghề. Thánh Louise de Marillac đã trở thành người quản lý chi tiết các chương trình giáo dục của mình.

Khi các hoạt động từ thiện của mình ngày càng mở rộng, cha Vinh Sơn ngày càng làm việc chặt chẽ hơn với các Bà Bác Ái (Dames of Charity- tài trợ, trông coi), với các Nữ Tử Bác Ái (hiện diện với trẻ em) và với Tu Hội Truyền Giáo (phụ trách các hoạt động và gây quỹ).

Năm 1670, Hôpital des Enfants-Trouvés (bệnh viện dành cho các trẻ mồ côi) được thành lập như một tổ chức công, theo sắc lệnh của hoàng gia. Công trình này được xây dựng dựa trên các tổ chức do cha Vinh Sơn Phaolô đặt ra và ghi nhận sự đóng góp của ngài.

Tinh thần quan tâm cha của Vinh Sơn Phaolô về các nhu cầu cụ thể của trẻ em và phúc lợi của chúng được ghi nhận một cách hiệu quả trong Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989. Trong phần mở đầu, Công ước nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, trong khi Điều 3 nhấn mạnh rằng, lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được coi trọng hàng đầu. Các điều khoản khác, công nhận quyền được giáo dục của mọi trẻ em và mức sống phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội của các em.

Nhiệm vụ gây quỹ

Bất chấp những khó khăn thường xuyên mà cha đã trải qua, khi cố gắng tài trợ cho các dự án của mình, cha Vinh Sơn Phaolô đã thành công trong việc đa dạng hóa các nguồn tài trợ của mình. Mối quan hệ của cha với triều đình vua Louis XIII, đã giúp cha thành lập một mạng lưới bác ái tư nhân, được tài trợ một phần bằng thư luân lưu ký năm 1642. Thật vậy, cha Vinh Sơn rất giỏi trong việc vận động các nhân vật thuộc giới quý tộc Pháp. Năm 1610, cha trở thành tuyên úy cho Nữ hoàng Margherita (phu nhân của Henry IV, Marguerite de France). Bà đã dành một phần ba thu nhập của mình cho công việc từ thiện, đặc biệt là cho các Thầy dòng Gioan Thiên Chúa (được biết đến với cái tên ‘các thầy bác ái’).

Tương tự như vậy, Madame de Gondi và Louise de Gonzague (người đã trở thành Nữ hoàng của Ba Lan) đã cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho các Nữ Tử Bác Ái và các nhà truyền giáo; Madame de Lamoignon, phu nhân của chủ tịch thứ nhất của Nghị viện Paris, đã cung cấp dinh thự riêng của mình để phục vụ những người nghèo khó. Hơn nữa, cha Vinh Sơn đã tăng cường hỗ trợ từ xổ số, sang nhượng, thừa kế và thu nhập từ đất đai (bao gồm cả thuế vườn nho được đánh để tài trợ cho những ngôi nhà cho người nghèo).[iv] Cuối cùng, mối quan hệ giữa cha Vinh Sơn phát triển với triều đình và tầng lớp quý tộc, đã giúp cha thiết lập một mạng lưới rộng khắp cung cấp phúc lợi và chăm sóc cho những công dân nghèo nhất. Mục tiêu hàng đầu của cha là đặt những người giàu có phục vụ những người thiệt thòi nhất.

Thành tựu và di sản quốc tế

Những nỗ lực từ thiện của cha Vinh Sơn Phaolô đã mở rộng ra ngoài nước Pháp và vượt ra ngoài các lãnh thổ của thế giới Kitô giáo. Cũng như tại Pháp, cha không phải chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn truyền giáo, mà bởi một ý thức nhân đạo thực sự. Cha đã thành lập nhóm Truyền giáo ở Tunisia và Ireland (1645), Algeria (1646), Madagascar (1648), Ba Lan (1651) và Ý (1655). Cha đã gửi những anh em Lazarists đầu tiên (thành viên của Tu Hội Truyền Giáo) đến Alger vào năm 1646. Di sản của việc này được ghi nhận gần 200 năm sau, khi các Nữ Tử Bác Ái được chính phủ và giáo quyền mời đến Algeria.[v]

Theo hồ sơ tại Tổng giáo phận Algiers, vào ngày 27 tháng 7 năm 1842, các Nữ tu thánh Vinh Sơn Phaolô được gửi đến thuộc địa mới để chăm sóc các bệnh viện, trường học và thăm viếng nhà tù. Họ đã thể hiện sự tận tâm tuyệt vời khi dịch tả bùng phát vào năm 1849 và nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Ngoài ra, họ đã giúp đỡ các nạn nhân của nhiều trận động đất làm rung chuyển Algeria vào năm 1869. Trong nhiều thập kỷ, Nhà tỉnh của các Nữ Tử Bác Ái, nằm ở trung tâm Casbah ở Algiers, đã giành được sự kính trọng và tin tưởng của người dân Algeria nhờ tính công bình, mức độ phù hợp và hiệu quả của chính các công việc.

Năm 2007, Tu hội Nữ Tử Bác Ái đã được trao tư cách cố vấn tại Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (UN ECOSOC). Các đại diện như Sơ Monique Javouhey thường xuyên tham gia vào các nhóm công tác về quyền phát triển, nghèo đói cùng cực và xóa bỏ phân biệt đối xử, cũng như các cuộc họp về các vấn đề liên quan đến giáo dục, quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật. Sự tham gia này giúp tăng khả năng biểu lộ của công việc đã được thực hiện qua nhiều thế kỷ.

Ngoài ra, Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô (Ozanam) – với khoảng 800.000 thành viên tại hơn 150 địa điểm trên khắp thế giới – phát triển các chương trình đào tạo và trung tâm phục hồi tù nhân trên toàn thế giới, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực, thảm họa và xung đột.

Phần kết luận

Mặc dù Vinh Sơn Phaolô là một linh mục, công việc và các nguyên tắc nhân đạo của cha đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo. Đối với cha, các nguyên tắc nhân đạo và công bằng là những cân nhắc quan trọng nhất để có thể hỗ trợ những người nghèo nhất trong xã hội, bất kể họ là ai hay theo tôn giáo nào. Trước hết, cha được thúc đẩy bởi mong muốn giảm bớt sự khốn cùng của mọi người và điều này không đi kèm với sự ràng buộc của việc cải đạo.

Hơn 200 năm trước khi Henri Dunant thành lập Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, cha Vinh Sơn đã hiểu sự cần thiết của việc cứu trợ có tổ chức, phân loại những người bị ảnh hưởng theo nhu cầu cụ thể của họ, bao gồm cả những người bị giam giữ. Cha đã tạo ra một cách hiệu quả các tổ chức chuyên nghiệp với đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có cam kết và luôn táo bạo trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ đa dạng cho họ.

Ngày nay, nhân đạo, khách quan, trung lập và độc lập là nguyên tắc hành động nhân đạo của hầu hết các tổ chức hoạt động trong các cuộc khủng hoảng phức tạp, trong khi phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế có một bộ Nguyên tắc cơ bản cụ thể hơn. Trong các cuộc xung đột vũ trang mà việc chính trị hóa và quân sự hóa viện trợ diễn ra thường xuyên, việc trở thành một tác nhân nhân đạo trung lập, khách quan, được cho là quan trọng hơn bao giờ hết, để có thể tiếp cận an toàn với những người cần trợ giúp, dù họ ở đâu và dù họ thuộc phe nào.

Vai trò tiên phong của cha Vinh Sơn Phaolô trong lĩnh vực nhân đạo là chủ đề của một cuộc triển lãm đặc biệt vào năm 2017 tại Liên hiệp quốc Palais des Nations ở Geneva. Tinh thần nhân đạo của cha – khát vọng vô điều kiện của cha là làm giảm bớt đau khổ cho đồng loại, cho dù ở bất kỳ đâu – vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và ít nhất vẫn quan trọng cho đến bây giờ, như cách đây 400 năm.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ từ https://blogs.icrc.org


[i] For more on how St. Vincent de Paul’s charitable work marked the birth of modern humanitarianism, see Pascal Daudin, The Thirty Years’ War: the first modern war? 2017.

[ii] Michel Ulysse Maynar, Saint Vincent de Paul, sa vie, son temps, ses œuvres, son influence (4 volumes), 1886.

[iii] Axelle Brodiez & Bruno Dumons, “Faire l’histoire de l’humanitaire”, Le Mouvement Social, 2009/2, No. 227, pp. 3–8.

[iv] Jean-Francois Deblaye, La charité de Saint Vincent de Paul en Lorraine: 1638-1647 (ed. 1886); Marie-Joelle Guillaume, Saint Vincent de Paul: Un Saint au Grand Siècle, Perrin Éditions, 2015.

[v] Trích văn khố của tổng giáo phận Algiers.