Vương Quốc Của Thiên Chúa – Chia Sẻ Lời Chúa Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Đăng ngày: 23/11/2019

(Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3; Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20; Phúc Âm: Lc 23, 35-43)

Ngày nay không còn bao nhiêu nước trên thế giới còn giữ chế độ quân chủ, tức sự lãnh đạo đất nước dưới sự cai trị của vua hay nữ hoàng. Vì vậy khái niệm về vương quyền xem ra mờ nhạt dần trong lịch sử. Hôm nay Giáo hội cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ như là một cử hành để kết thúc của một năm phụng vụ. Điều này nhắc nhớ các Kitô hữu về vương quyền của Chúa trong lịch sử con người với thời gian và không gian cụ thể.

Bài đọc 1: là quang cảnh dân chúng chọn Đavít làm vua của họ và đã tiến hành lễ phong vương cho ông. Điều này diễn ra trong một bối cảnh lịch sử cụ thể của dân Do thái. Đavít đã trở nên người đứng đầu của một nước, là thủ lãnh của dân và để xây dựng vương quốc Israel hùng mạnh. Đây là hình ảnh tiên báo cho Đấng Mêssia sẽ đến sau này chính là Đức Kitô.

Bài đọc 2: là bài thánh thi ca ngợi địa vị tối cao của Đức Kitô. Vương quyền này của Người bao trùm mọi không gian và thời gian. Điều này cho thấy vương quốc của Thiên Chúa đã vượt qua mọi ranh giới và trải rộng vô biên. Mọi sự đều thuộc về vương quốc của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng: ở nơi bài đọc 1 và bài đọc 2 đã phần nào cho thấy uy quyền và sức mạnh của một vị vua. Đó là một vị trí vinh dự và vĩ đại. Thế nhưng hình ảnh Đức Giêsu trong bài Tin Mừng lại là một hình ảnh trái ngược. Đó là hình ảnh của một tử tù, một tội nhân sắp chết và bất lực trước sức mạnh của một thế lực khác. Điều này gợi cho tôi một điều suy tư rằng: Chúa là vua, vậy vương quốc của Người là gì? Tôi thấy rằng có ba điểm đậm nét của vương quốc này:

Một vương quốc của tình thương: ở bài đọc 2 thánh Phaolô đã nói “Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.” Vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã chết để cứu con người. Đó là vì Người muốn xây dựng một vương quốc tình thương ở thế gian này và rồi sau hết mọi người sẽ được vào vương quốc vĩnh cửu của Người. Một Đức Kitô chết nhục nhã trên thập giá để nói lên bản chất của vương quốc ấy. Một vương quốc ngập tràn tình yêu của một vị thủ lãnh đã dám chết cho dân của mình. Điều này không thể hiện bằng sức mạnh quân sự hay vũ khí hạt nhân nhưng bằng sự yêu thương vô bờ bến của một vị Vua không ngai là Đức Kitô. Từ điều này, Chúa cũng mời gọi tôi xây dựng vương quốc của Người khắp mọi nơi tôi sống. Có nhiều cách để sống điều này và làm cho vương quốc đó ngự trị như trong Kinh Lạy Cha mà mọi người kitô hữu đọc mỗi ngày “xin cho nước cha trị đến.” Một vương quốc mà mọi người dám hy sinh và dám chết cho nhau để mang lại hạnh phúc cho người khác.  Đấy là điều để mời gọi tôi sống hầu xây dựng vương quốc ấy nơi anh chị em của tôi, đó là sự tha thứ, yêu thương, công chính, chân thật, bác ái….

Một vương quốc mà Đức Kitô chính là luật sống: đây là điều căn bản mà xem ra lại rất thường bị quyên lãng trong đời sống người Kitô hữu. Vì sự thường, người ta chỉ chú trọng đến luật này luật kia và cố gắng giữ cho khỏi phạm luật. Nhưng nơi vương quốc của Đức Kitô thì chính Người là quy luật cho toàn dân. Đời sống của Người và những lời dạy của Người trong Tin Mừng là quy luật sống của người Kitô hữu. Chỉ có Đức Kitô mới có thể làm cho những quy tắc của xã hội loài người trở nên tương thích với cuộc sống tối hậu vĩnh cửu. Như thế quy luật của Đức Kitô mới có thể thích hợp cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Do đó, mọi nguyên tắc luân lý phải bắt đầu từ chính Đức Kitô và Tin Mừng của Người thì hy vọng mới đem lại một thế giới hạnh phúc và công chính.

Một vương quốc của lời hứa cánh chung, siêu việt: nơi mà người nghèo và người tội lỗi được yêu thương và được hưởng hòa bình và công lý. Kẻ trộm lành trên thập giá trong bài Tin Mừng đã được Chúa hứa cho thừa hưởng vương quốc ấy “hôm nay ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”. Vì anh ta đã nhận ra vương quyền của Đức Kitô nơi tâm hồn mình. Anh ta là đại diện cho ‘cộng đoàn nghèo khó’ để đón nhận Vương quốc ấy. Thánh Vinh Sơn đã nhận biết sâu xa điều này, vì thế ngài đã nói với các anh em mình rằng “Rao giảng Tin Mừng là làm cho dân nghèo biết Chúa, loan báo Đức Kitô cho họ, nói cho họ biết Nước Trời đã gần và Nước Trời dành cho người nghèo.” (SV, XII, 79) Do đó, trong những lần nói với anh em về việc truyền giáo ở Madagasca ngài đã thúc dục “Sau hết, chúng ta sẵn sàng liều mình để phục vụ tha nhân và mở rộng vương quốc của Đức Giêsu Kitô trong các tâm hồn….” (SV XI, 402-403)

Lễ Đức Kitô Vua vũ trụ nhắc nhở các Kitô hữu về vương quyền tối cao của Đức Kitô vì chỉ nơi Người chúng ta mới đạt đến sự “viên mãn” của đời sống.

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M