002. Những Kẻ Theo Đức Giêsu – Đấng Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Nghèo

0
1359

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…

(Lc 4,18)

Mục đích của Tu hội Truyền giáo là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo…

(Hiến Pháp, 1)

Ơn gọi và sứ mạng luôn có liên hệ với nhau. “Đến và theo” được bổ túc bởi “ra đi, rao giảng cho hết thảy mọi người”. Tu Hội truyền giáo đặt trọng tâm ơn gọi và sứ mạng của mình vào việc bước theo Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

1. Trung thành bước theo dấu chân Đức Giêsu

Từ “bước theo” mang đặc tính thần học và tâm linh tự trong bản chất của nó: “bước theo” là bỏ lại mọi sự vì Đức Giêsu và sứ vụ của Người; là mặc lấy đời sống của Đức Giêsu. (Mt 9,9)

Ý định của Tu Hội là muốn bắt chước Đức Giêsu, trong mức độ mà chúng ta, những con người nghèo khổ và hèn yếu, có thể làm. Điều này có nghĩa là gì? Đó là Tu Hội trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa chúng ta, trong cách ăn nết ở, trong các hoạt động, trong những công việc, và trong các mục tiêu của Người. Nhưng làm sao một người lại có thể là hình ảnh của một người khác được, nếu người đó không có cùng một đường nét, cùng một vẻ mặt, cùng một kích thước, cùng một phong cách, cùng một cái nhìn? Điều này sẽ không thể nào có được. Vì vậy, nếu chúng ta có ý định muốn trở nên giống khuôn mẫu Thiên Chúa, và nếu chúng ta cảm nhận được khát vọng và sự tha thiết thánh thiện đó nơi tâm hồn chúng ta, thì tôi muốn nói rằng: chúng ta cần phải cố gắng rập khuôn tư tưởng của chúng ta, việc làm của chúng ta và những ý hướng của chúng ta theo những tư tưởng, việc làm và ý hướng của Người. Người không những là Chúa của các nhân đức (Deus virtuum), nhưng Người còn đến để thực thi tất cả các nhân đức; và bởi vì những gì Người làm và không làm đều là nhân đức cả, nên chúng ta cũng phải trở nên giống như Người ở điểm đó, bằng cách cố gắng trở nên những con người nhân đức, không những bên trong tâm hồn, mà còn biểu lộ ra bên ngoài bằng các hành vi nhân đức, đến độ điều gì chúng ta làm hay không làm, đều được thực thi theo nguyên tắc này.[1]

2. Tôi được sai đi để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo

Việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo là tâm điểm nơi sứ vụ của Đức Giêsu. Không thể chia tách lời công bố Tin Mừng cho người nghèo với những người được chọn để loan Tin Mừng ấy. Do đó, Tu Hội truyền giáo, các thành viên cũng như các cơ cấu của nó không thể tách mình ra khỏi mục đích này: bước theo Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo:

Trong ơn gọi của mình, chúng ta được mô phỏng gần gũi hơn với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng coi nhiệm vụ chính yếu của Người là giúp đỡ và chăm sóc người nghèo: “Ngài đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Và nếu có ai hỏi Chúa vì sao ngài đã đến thế gian? Có lẽ Người sẽ trả lời: “Để giúp đỡ người nghèo”. Vì lý do nào khác không? “Không, để giúp đỡ người nghèo”. Chính Đức Giêsu đã chỉ nhận những người nghèo vào nhóm của Ngài và Ngài chẳng bận tâm đến các thành phố, nhưng đã dành hầu hết thời giờ để trò chuyện và dạy bảo những người dân miền quê. Và như thế, chúng ta lại không là những người hạnh phúc nhất khi được tham gia vào cùng một sứ mạng với cùng một lý do đã thúc đẩy Thiên Chúa trở nên người phàm hay sao? Và nếu một nhà truyền giáo được hỏi thì liệu đó có phải là một vinh dự lớn lao không khi ngài có thể nói cùng với Chúa: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”.[2]

3. Tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu

“Theo Đức Giêsu”, “rao giảng Tin Mừng”, “người nghèo”, là những gì đem lại sự hợp nhất cho đời sống của Tu Hội truyền giáo và linh đạo của các nhà truyền giáo, những người dấn thấn tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo:

Tình trạng của các nhà thừa sai là một tình trạng phù hợp với các châm ngôn Tin Mừng. Giống như các tông đồ, tình trạng đó hệ tại ở chỗ từ bỏ tất cả để bước theo Đức Giêsu Kitô và bắt chước Người, để làm những gì Người muốn.[3]

Những ai được kêu gọi để tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, một sứ vụ chủ yếu hệ tại việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo, phải được đầy tràn cùng một thần khí và trung thành bước theo dấu chân Người.[4]

  • Tôi có quen nghĩ về Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo không?
  • Hoạt động của tôi có được thúc đẩy bởi việc bắt chước Đức Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hay không?
  • Những trọng trách của tôi liên quan đến mục đích của Tu Hội truyền giáo là gì?

Cầu nguyện:

Lạy Đấng Cứu Thế, Chúa đã chờ đợi một ngàn sáu trăm năm để lập nên một Tu Hội dành riêng cho việc dấn thân tiếp nối sứ vụ của Người – một sứ vụ mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Chúa trên mặt đất. Chưa bao giờ con cảm tạ Người vì điều này. Giờ đây, con xin dâng lên Chúa lời tạ ơn nhân danh hết thảy các nhà truyền giáo của chúng con, những người đang sống cũng như đã qua đời. Nơi ý định muôn đời của Chúa, Chúa đã dành riêng cho chúng con sứ mạng này. Nhưng chúng con khó có thể hiểu thấu được thực tại ấy. Vì thế, chúng con nguyện xin nhân danh Người là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[5]


[1] “Về mục đích của Tu Hội Truyền Giáo”, 6 tháng Mười Hai, 1658, O.C., xi, 383

[2] Về sự kiên trì trong ơn gọi, 29 tháng Mười, 1638, O.C., xi, 33-34.

[3] Về ơn gọi của nhà truyền giáo, O.C., xi, 697

[4] Mở đầu Luật Chung

[5] Về Đức Khó Nghèo, 5 tháng Mười Hai, 1659, O.C., xi, 674.