Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức
Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô.
Gl 3,27
Mục đích của Tu hội Truyền giáo là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Mục đích này được thực hiện khi các thành viên, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trung thành với thánh Vinh Sơn, hết sức nỗ lực mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu Kitô (LC, I, 3) để chúng ta thăng tiến trong sự thánh thiện theo như ơn gọi của chúng ta (LC, XII, 13)…
HP 1,1
Mục đích “bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” của Tu Hội truyền giáo kéo theo những hệ quả quan trọng liên quan đến đời sống chúng ta. Hệ quả đầu tiên là phải nỗ lực đạt tới sự thánh thiện. Đó cũng chính là sự trọn lành mà ơn gọi truyền giáo của chúng ta đòi hỏi. Đối với thánh Vinh Sơn, đây là nhiệm vụ chính yếu của các thành viên trong Tu Hội.
1. Mặc cho mình tinh thần của Đức Kitô thật là một việc rất cao trọng
Ôi lạy Đấng Cứu Độ! Ôi, Hỡi anh em! Mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu Kitô, thật là một việc cao trọng làm sao… Điều này có nghĩa là, để trở nên trọn lành và để giúp đỡ dân chúng một cách hữu ích, để phục vụ hàng giáo sĩ một cách tốt đẹp, chúng ta cần phải ra sức bắt chước sự trọn lành của Đức Giêsu Kitô và cố gắng đạt đến sự trọn lành đó. Điều này cũng còn muốn nói rằng: tự sức mình, chúng ta không thể làm được gì cả. Chúng ta cần phải được tràn đầy tinh thần của Đức Giêsu-Kitô và được linh hoạt bởi tinh thần ấy. Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần phải biết rằng Đức Giêsu đã đổ tràn tinh thần này xuống cho tất cả mọi Kitô hữu, để những hoạt động của họ và những công việc họ làm, được dẫn dắt bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cất nhắc Tu Hội nhỏ bé này để nó hành động giống như Đức Giêsu, và do đó, chúng ta phải có một tình yêu sâu thẳm theo các châm ngôn Tin Mừng và niềm khao khát mặc lấy tinh thần Tin Mừng, hầu có thể sống và hành động như Chúa chúng ta đã từng sống và hành động, sao cho tinh thần của Chúa có mặt trong đời sống của toàn thể Tu Hội và trong đời sống của mỗi một thừa sai, nơi mọi công việc của họ nói chung và từng công việc của họ nói riêng (SV. XII, 107-108)[1]
2. Vì thông phần sự sống của Đức Giêsu, nên chúng ta cũng phải thông phần vào cái chết của Người.
Mặc lấy Đức Giêsu Kitô không chỉ là khoác lên mình tấm áo mặc ngoài vốn chỉ để che phủ thân thể, nhưng đúng hơn còn là biến đổi trọn vẹn, cả bên trong lẫn bên ngoài. Thánh Phaolô nói rằng việc đón nhận Đức Giêsu như thế biểu lộ một sự biến đổi sâu sắc về mặt tôn giáo và luân lý. Thực ra, thánh Phaolô ám chỉ một sự biến đổi trọn vẹn bắt nguồn từ phép rửa. Nhờ đó, con người mới được sinh ra.
Thánh Vinh Sơn đã dùng cùng một kiểu nói như thánh Phaolô khi ngài khuyên bảo một vị Bề trên trẻ tuổi phải mặc lấy tinh thần Đức Kitô:
Thưa cha, cha cần tự cởi bỏ chính mình để mặc lấy Đức Giêsu Kitô. Cha biết rõ là những nguyên nhân tầm thường làm phát sinh những hậu quả có cùng bản chất tầm thường đó: một con cừu sinh ra một con cừu, vv.., và một con người sinh ra một con người khác; cũng vậy, nếu một người dẫn dắt những người khác, đào tạo họ, nói chuyện với họ, mà chỉ được linh động bởi tinh thần thế gian, thì hết thảy những ai nhìn người đó, nghe người đó và cố gắng để bắt chước người đó đều trở nên như thế gian cả… Vậy mà Chúa chúng ta đã ghi tạc nơi chúng ta tính cách của Người và ban cho chúng ta nhựa sống thần linh và ân sủng của Người, và vì được kết hợp với Người như những cành nho kết hợp với thân nho, nên chúng ta cũng hãy làm những gì mà Người đã làm trên trần gian này. (SV. XI, 342-351, năm 1656)[2]
Sự đồng nhất của chúng ta với Đức Giêsu phải đạt mức trọn vẹn đến nỗi chúng ta lấy làm hổ thẹn nếu chết trên chăn ấm nệm êm trong khi biết rằng Đức Giêsu đã chết trên thập giá. Thánh Vinh Sơn đã viết:
Xin Cha hãy nhớ lại là vì chia sẻ sự sống của Đức Giêsu-Kitô, chúng ta cũng phải chết trong Người, và cuộc sống của chúng ta phải được ẩn giấu trong Đức Giêsu Kitô và được tràn đầy Đức Giêsu Kitô, và để được chết giống như Đức Giêsu Kitô chúng ta phải sống giống như Người (SV. I, 295).[3]
3. Với tất cả sức mạnh
“Dâng hiến tất cả”, “nỗ lực”, “làm việc với tất cả sức mạnh” – là những khẩu hiệu thánh Vinh Sơn đã dùng để diễn tả sự cố gắng mà các thành viên của Tu Hội truyền giáo phải bỏ ra để vươn tới sự thánh thiện. Bởi lẽ sự thành thiện là tình trạng trọn lành được dành riêng cho ơn gọi truyền giáo. Đó là mục tiêu tiên quyết và chính yếu của nhà truyền giáo:
Để đạt tới cứu cánh đề ra cho mình, ngoài sự trợ giúp của ơn Chúa, Tu Hội này cần phải nỗ lực mặc lấy tinh thần của Đức Kitô.[4]
- Tôi đã cảm nghiệm được mối liên hệ giữa việc nỗ lực mặc lấy Đức Kitô và việc dấn thân cho sứ vụ tông đồ hay chưa?
- Ngày hôm nay tôi có dự định mặc lấy Đức Kitô hay không?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cải hoá và biến đổi trọn vẹn con người con, nhờ quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Xin cho đôi tay và môi miệng con nên giống như Chúa. Xin cho trí nhớ, trí hiểu và tâm hồn con được đồng hình đồng dạng với trí nhớ, trí hiểu và tâm hồn của Đức Giêsu. Xin cho con hành động như Chúa đã hành động. Ôi, lạy Cha trên trời, xin hãy phán với con những lời mà Cha đã phán với Con Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
[1] Về các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo và công việc của họ, ngày 13/12/1658, O.C., xi, 410-411
[2] Những chỉ dẫn cho cha Antonine Durand, 1656, O.C., xi, 236-237
[3] O.C., i, 320.
[4] Luật Chung, I,3