022. Chiêm niệm trong hành động

0
1600

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Phêrô Ngô Văn Ngọc

Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.

1 Tm 4,14-16

Sự gắn bó của hoạt động tông đồ với thế giới, đời sống cộng đoàn và kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cầu nguyện bổ sung cho nhau, và làm nên một sự thống nhất hữu cơ trong đời sống của nhà truyền giáo. Bởi vì, khi chúng ta cầu nguyện, đức tin, tình yêu huynh đệ và lòng nhiệt thành với công việc tông đồ luôn được canh tân; và trong hành động, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân được diễn tả một cách hữu hiệu. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa cầu nguyện với hoạt động tông đồ, nhà truyền giáo trở nên một người chiêm niệm trong hành động và tông đồ trong cầu nguyện.

HP 42

Các nhà truyền giáo không chiêm niệm theo sát nghĩa hạn từ này, nghĩa là các ngài không ở trong tu viện như các ẩn sĩ dành trọn đời sống để thinh lặng cầu nguyện. Các nhà truyền giáo không dành hết giờ của mình cho hoạt động tông đồ, mà theo cách đặc biệt, các ngài kết hợp cầu nguyện với hoạt động tông đồ nhằm nuôi dưỡng và tác động qua lại với nhau.

1. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trở nên khí cụ bác ái của Người

Bác ái gồm tóm mọi sự: Việc tông đồ và cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động. Vì thế, tất cả chúng ta phải sống bác ái với nhau. Tuy nhiên, mỗi nhà thể hiện lòng mến Chúa và tình yêu tha nhân theo mục đích riêng đã được xác định. Thiên Chúa đã chọn Tu hội làm khí cụ bác ái của Đức Giêsu, hầu mọi thành viên có thể yêu thương nhau và kính mến Thiên Chúa:

Giống như các tu hội khác, nhờ tình yêu và lòng nhân từ của Người, Thiên Chúa đã dưỡng nuôi Tu Hội bé nhỏ này hầu tất cả mọi người yêu mến Người. Nhưng mỗi tu hội lại thể hiện tình yêu ấy mỗi khác, như dòng Brunô chiêm niệm, dòng Capuchinô nghèo khó, các dòng khác nữa thì ca ngợi tán dương Người. Nhưng với chúng ta, nếu có tình yêu này, chúng ta phải thể hiện tình yêu đó bằng việc dẫn dắt mọi người mến Chúa và yêu thương người thân cận, vì Chúa mà yêu thương người thân cận và vì yêu thương người thân cận mà mến Chúa. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trở thành những khí cụ của tình yêu bao la và tình phụ tử của mình, Người muốn tình yêu đó được ghi khắc và lấp đầy trong mọi tâm hồn. Nếu chúng ta đã biết được ý nghĩa sự ủy thác thánh thiêng này, làm sao chúng ta hành động theo cách nào khác nữa.[1]

2. Nhờ những tác vụ thánh mỗi ngày, chúng ta có được một đời sống hoàn thiện

Chúng ta không nên tách biệt đời sống tông đồ với đời sống cầu nguyện, bởi như thế, sẽ phá hủy sự thống nhất trong đời sống của các nhà truyền giáo, sự thánh thiện của các ngài chỉ có được nhờ sự liên kết trọn vẹn hai chiều kích này trong đời sống sứ vụ. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh chủ đề này như sau:

Như vậy, khi phục vụ Thần Khí và đức công chính, các linh mục được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, với điều kiện biết ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần của Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và đang dẫn dắt các ngài. Thật vậy, các ngài hướng tới đời sống hoàn thiện nhờ chính những thánh vụ được cử hành hằng ngày, cũng như nhờ tất cả những tác vụ được thực thi trong tình hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác. Trong khi đó, chính sự thánh thiện của linh mục lại mang đến hoa trái dồi dào cho tác vụ của các ngài: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng Thiên Chúa vẫn thích bày tỏ kỳ công của Ngài qua những con người, nhờ sẵn sàng nghe theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và bằng đời sống thánh thiện, có thể nói như Thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).[2]

3. Tương quan của chúng ta với Chúa đem lại sức sống cho hoạt động tông đồ của chúng ta

Đức Phaolô VI, trong lời mời gọi nổi bật về việc tông đồ, đã khai mở cho chúng ta những mầu nhiệm mang lại sức sống cho công việc tông đồ của chúng ta như sau:

Và khi chúng con được mời gọi đảm nhiệm những trách vụ khác để phục vụ nhân loại – như hoạt động mục vụ, truyền giáo, dạy học, các chương trình bác ái, v.v – chẳng phải sự gắn bó mật thiết với Chúa sẽ làm cho những trách vụ ấy đạt kết quả, theo sự quân bình mà sự kết hiệp “cách kín đáo” mang lại đó sao? Để trung thành với giáo huấn của Công Đồng, chẳng phải mọi phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào, khi tìm kiếm một mình Chúa trên hết mọi sự, cũng cần phải kết hợp lòng yêu mến việc chiêm niệm với công việc tông đồ sao? Chiêm niệm là dùng cả lý trí lẫn trái tim để bám víu vào Chúa; còn công việc tông đồ là việc cố gắng góp phần mình vào công trình cứu độ và mở rộng Nước Chúa.[3]

*** Đời sống của tôi có được sinh động và hướng dẫn nhờ lòng từ ái của Đức Giêsu không? Tình yêu của Thiên Chúa có mang lại sức sống và sự hài hòa cho các hoạt động của tôi không?

*** Tôi có chia sẻ với người khác hoa trái của đời sống cầu nguyện của tôi không?

*** Tôi có thể nói được như Thánh Phaolô: “Không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” không?

Cầu nguyện

Lạy Cha, Cha đã dạy các thừa tác viên trong Giáo Hội không ước ao được phục vụ, nhưng là phục vụ anh chị em mình. Xin cho các ngài thu được hiệu quả trong công việc và chuyên cần cầu nguyện, thi hành tác vụ với lòng khiêm tốn và quan tâm tới người khác. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Người hằng sống và hiển trị của Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen


[1] Về Đức Ái, 30/5/1659, O.C., XI, 553

[2] Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống của các Linh Mục (PO), số 12

[3] Tông huấn Chứng Tá Phúc Âm, số 10