023. Thông Phần Vào Thần Khí Của Đức Kitô

Đăng ngày: 05/03/2020
Danh mục: LINH ĐẠO

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.

Cl 1,9-12

Tinh thần của Tu hội là sự tham dự vào tinh thần của chính Đức Kitô, như thánh Vinh Sơn đề nghị: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Vì thế, “Đức Giêsu Kitô là quy luật của Tu hội Truyền giáo và phải được xem là trung tâm của đời sống và hoạt động của Tu hội” (SV. XII,130).

HP 5

Nhờ tháp nhập vào Đức Kitô, mỗi Kitô hữu được thông phần thần khí của Đức Kitô như cành nho gắn liền với cây nho (Ga 15,5). Và thánh Vinh Sơn cũng xác nhận rằng thần khí của Đức Kitô hằng phủ bóng trên những ai sống nhờ quy luật của Đức Kitô. Các nhà truyền giáo cũng không thể thua kém: họ khao khát sống và hành động như Đức Kitô đã sống và hành động.

1. Tinh thần Vinh Sơn là sự thông dự vào Tinh thần của Đức Kitô

Tinh thần của Đức Kitô là gì? Thánh Vinh Sơn trả lời:

Khi nói tinh thần của Chúa chúng ta cư ngụ trong một người nào đó hay trong một công việc nào đó thì điều ấy phải được hiểu như thế nào? Liệu có phải là Chúa Thánh Thần được đổ tràn trên họ không? Đúng vậy, Chúa Thánh Thần, vốn là một ngôi vị, được đổ tràn trên những người công chính và ở lại trong họ. Khi chúng ta nói Chúa Thánh Thần hoạt động như một ngôi vị thì điều đó có nghĩa là Thần Khí đang cư ngụ trong người đó sẽ ban cho họ những khuynh hướng và tâm tình mà chính Đức Giêsu đã có khi Người còn ở thế gian. Những khuynh hướng và tâm tình ấy khiến cho người đó hành động theo mức độ các ân huệ mà Thần Khí ban cho, tôi không nói là với cùng một mức độ trọn hảo.[1]

2. “Sự hiện diện” của Đức Kitô trong Hiến Pháp

Thánh Vinh Sơn đã quả quyết với chúng ta rằng Luật Chung được đặt nền tảng trên Tinh Thần của Đức Kitô, cũng như trên việc làm và đời sống của Người. Vậy chúng ta cũng có thể nói như thế về Hiến Pháp không? Liệu Hiến Pháp có phải là một chỉ dẫn xác thực giúp chúng ta thông dự vào tinh thần của Đức Giêsu hay không?

Tâm điểm của toàn bộ quy luật của chúng ta là “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”:

Bổn phận chính yếu là mặc lấy tinh thần Đức Kitô (HP 1,1)

Các thành viên trong Tu Hội nỗ lực thấm nhuần những tâm tình và những thái độ của Đức Kitô (HP 4)

Nguồn mạch cho mọi hoạt động tông đồ của Tu Hội Truyền Giáo là Tình yêu của Đức Giêsu (HP 11)

Đời sống chung huynh đệ được gợi hứng từ đời sống của Đức Giêsu và các môn đệ Người (HP 20,2)

Việc tuân giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong Tu Hội Truyền Giáo giúp chúng ta sống một đời sống phù hợp với Đức Giêsu. (HP 28)

Khi cầu nguyện, nhà truyền giáo phải lấy việc cầu nguyện của Đức Giêsu làm khuôn mẫu. (HP 40)

Mục tiêu của việc đào tạo các thừa sai là làm sao để lòng yêu mến Đức Kitô luôn thôi thúc họ không ngừng theo đuổi mục đích của Tu hội. (HP 78)

Những ai thi hành quyền bính phải có tâm tình của Đức Giêsu, vị Mục tử Nhân lành. (HP 97)

3. Lạy Chúa, nếu ở vào hoàn cảnh của con thì Chúa sẽ làm gì?

Đức Kitô là hình mẫu không bao giờ phai tàn. Thánh Vinh Sơn đã luôn giới thiệu hình mẫu này trong mọi hoàn cảnh. Cần phải chạy đến với Đức Kitô để biết phải làm gì và làm bằng cách nào. Chỉ Đức Kitô mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,69).

Cha hãy tự hỏi mình trước khi hành động: Điều này có phù hợp với các phương châm của Con Thiên Chúa không? Nếu có thì hãy làm, còn nếu không thì hãy dừng lại. Ôi Lạy Chúa, nếu ở vào hoàn cảnh của con thì Chúa sẽ làm gì? Chúa sẽ hướng dẫn những con người này như thế nào? Chúa sẽ an ủi kẻ tật nguyền về thể xác hoặc tinh thần này ra sao?[2]

Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều có thể áp dụng cho chính mình lời khuyên mà thánh Vinh Sơn đã dành cho các Bề trên trong Tu Hội:

Và vì các cha sẽ thay thế vị trí của Chúa Giêsu Kitô nên các cha cũng phải là ánh sáng chiếu soi và sưởi ấm giống như Người. Thánh Phaolô đã nói Đức Giêsu Kitô là vẻ huy hoàng của Chúa Cha. Còn thánh Gioan thì nói rằng Người là ánh sáng chiếu soi cho mọi kẻ đi trong thế gian.[3]

*** Niềm khao khát sống và hành động giống Chúa Giêsu có được biểu lộ trong cộng đoàn của tôi hay đã bị thu hẹp trong những không gian riêng tư?

*** Việc thông dự vào Thần Khí của Đức Kitô có được biểu lộ rõ rệt trong đời sống cá nhân và hành động của tôi không?

CẦU NGUYỆN:

Ôi Lạy Chúa Cứu Thế, chính Chúa đã ghi dấu tình yêu của Người trên Tu Hội nhỏ bé này. Xin đổ đầy Thần Khí của Chúa trên chúng con để Tu Hội này có thể đáp lại lời mời gọi của Người. Chúa là Đấng Sáng Lập Tu Hội. Con tin chắc rằng nếu chúng con không có Thần Khí của Chúa thì đó là phần lỗi của một mình Người, bởi lẽ tất cả chúng con đều nung nấu niềm khát khao có được Thần Khí ấy. Chính Chúa mới là Đấng dựng nên Tu Hội này. Chúng con cầu xin nhờ danh Người là Chúa Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Về các thành viên thuộc Tu Hội Truyền Giáo và công việc của họ, 13/12/1658, O.C., xi, 411.

[2] Lời khuyên cho cha Antonine Durand, 1656, O.C., XI, 239-240.

[3] Sđd, 240