028. Cầu nguyện cho các thành viên đã qua đời

0
7097

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Đức Giêsu liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”

(Ga 11, 25-26)

Chiếu theo Quy chế của Tu Hội Đối, chúng ta cần phải trung thành dâng những kinh nguyện và Thánh lễ cho các thành viên đã qua đời.

(HP 26, 2)

Thánh Vinh Sơn yêu cầu cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho các nhà truyền giáo khi các ngài qua đời. Trong các buổi huấn đức, thánh Vinh Sơn thường nói về những đức hạnh của các anh em đã qua đời và ngài cũng thường thông báo cho tất cả các Nhà của Tu Hội biết khi một anh em qua đời. Bằng nhiều cách thức, thánh Vinh Sơn khuyến khích các anh em thực thi sứ vụ và phấn đấu trở nên những Kitô hữu thánh thiện.

1. Duy trì thực hành truyền thống cổ xưa với lòng khiêm nhường và bác ái

Suốt dòng lịch sử của mình, Tu Hội Truyền Giáo đã giữ tập tục về việc thông báo về sự ra đi của mỗi anh em. Thánh Vinh Sơn ao ước Tu Hội nhấn mạnh điều này, và trong biến cố cha Phanxicô Salê qua đời, thánh Vinh Sơn viết:

Khi sắp qua đời, ngài đã rất lo sợ. Tuy nhiên, lúc gần ra đi, ngài đã xem cái chết như một điều làm vui lòng Chúa, và ngài tin tưởng rằng, trong giờ chết Thiên Chúa sẽ xua tan nỗi sợ hãi cho người có lòng bác ái với người nghèo. Tôi không thể diễn tả hết những ấn tượng trong cộng đoàn trước sự ra đi của ngài. Trong giờ cầu nguyện suốt cuộc tĩnh tâm, mỗi người đã chia sẻ những lời khôn ngoan nhất họ nghe được từ miệng ngài, và cũng tin rằng cách này hay cách khác, chính ngài đã thực hành các nhân đức của Tin Mừng. Điều này cho chúng ta những chủ đề và chất liệu trong vài buổi đàm luận. Thứ nhất, tôi nghiệm thấy chút ngượng ngùng khi ca tụng một người đã qua đời, nhưng khi suy niệm kỹ lưỡng, sự thật là Giáo Hội mời gọi chúng ta suy gẫm về các nhân đức của những người đã chết trong Chúa. Đó là lý do xác đáng mà Giáo Hội tán đồng việc tuyên dương những vị tử đạo và các thánh nhân… Tôi nhận ra rằng chúng ta cũng sẽ có nhiều ơn ích khi sống theo tập tục cổ xưa này. Đó là một niềm an ủi to lớn đối với tôi. Tôi hy vọng chúng ta sẽ duy trì tập tục này với tất cả lòng khiêm tốn và bác ái. Tôi tin khi chúng ta sống như thế, đời sống chúng ta sẽ được biến đổi và can đảm sống đời Kitô hữu cách trung thành hơn.[1]

2. Họ sẽ sống mãi với Chúa

Một anh em qua đời làm chúng ta cũng phải suy nghĩ về cái chết của mình. Cái chết sẽ đến khi chúng ta đã sống trọn vẹn từng ngày. Ngày đó chỉ một mình Chúa biết. Thực tại sự chết sẽ còn mãi, và sự thật là thế, là một mầu nhiệm mà trí khôn con người không thể hiểu thấu:

Đức tin Kitô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người có thể tránh nếu như không phạm tội, sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái ban lại cho con người ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời với sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đem lại sự sống cho con người. Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Đức Kitô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa.[2]

3. Niềm vui vĩnh cửu và tuyệt đối

Hơn bao giờ hết, thế giới cần những chứng nhân về niềm hy vọng đời sống mai hậu. Dường như điều này lại dành cho những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trong vui tươi và một đời sống chứng tá về sự trao ban trọn vẹn.

Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không ngừng sống động và hoan hỉ vì biết bao nam nữ tu sĩ, khi theo mẫu trọn lành Phúc Âm dưới nhiều hình thức khác nhau, đã minh chứng tình yêu vô hạn của Đức Giêsu bằng đời sống của mình. Đối với nhân loại ngày nay, đó lại chẳng phải là một luồng gió sống động từ cõi vô biên thổi tới, như một giải thoát cho chính họ, để họ nhìn thấy viễn tượng niềm vui vĩnh cửu và tuyệt đối đó ư?[3]

*** Với lòng bác ái Kitô giáo, tôi có dâng lời cầu nguyện cho những anh em đã qua đời không?

*** Tôi có noi gương bắt chước các nhà truyền giáo tốt lành đã hiến mạng sống mình để phục vụ Đức Giêsu Kitô và cho ơn cứu độ của người khác không?

*** Như thánh Vinh Sơn khuyên bảo, tôi có sẵn sàng cho cái chết của mình không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện cho những anh chị em quảng đại mang Tin Mừng đến cho thế giới. Xin cho họ xứng đáng chung phần trong Nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[4]


[1] O.C., i, 577.

[2] Hiến Chế Gaudium et Spes – Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 18.

[3] Tông Huấn Evangelica Testificatio – Chứng tá Phúc Âm, 29/6/1971, số 53.

[4] Votive Mass for Those who Work in the Service of the Lord – Dâng lễ cầu cho những người làm việc phục vụ Chúa.