042. Vâng phục như Đức Giêsu

0
1655

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự.

Pl 2,6-8

Nhận thức được giới hạn của con người và tín thác vào hoạt động cứu độ của Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết, chúng ta cần phải nỗ lực cách quảng đại vâng phục thánh ý Chúa Cha được bày tỏ cho chúng ta bằng nhiều cách, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

HP 36

Sự vâng phục của Chúa Giêsu phải được quy chiếu theo khóe nhìn của thánh Phaolô Tông đồ, bởi vì ngài hiểu ý nghĩa sâu xa về sự tùng phục của Chúa Giêsu với thánh ý Chúa Cha: Đức Giêsu đã vâng phục, vâng phục cho đến chết trên cây thập giá. Thánh Vinh Sơn cũng nhắc nhở chúng ta về sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh Giuse và Mẹ Maria cũng như với các nhà cầm quyền.[1]

1. Vâng phục cho phép chúng ta vượt trên những giới hạn của mình

Thực sự, động lực đằng sau lời khấn vâng phục khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc nhận biết thánh ý Thiên Chúa là vì những giới hạn nơi thân xác và tinh thần của chúng ta. Vì thế, vâng phục đặt chúng ta vào trong một vị thế tốt hơn, vượt trên những giới hạn đó:

Có thể nói rằng, cách thức duy nhất cho những người quyết tâm sống theo lời khuyên của Tin Mừng về đức vâng phục là đặt mình vào giữa mầu nhiệm sự dữ, mầu nhiệm về ơn công chính hóa và ân sủng cứu độ. Họ ở trong “vị thế” này với tất cả kinh nghiệm tội lỗi của bản tính con người nơi mình; với tất cả sự thừa hưởng từ “lối sống kiêu ngạo”; với tất cả những khuynh hướng ích kỷ thích chế ngự hơn là phục vụ; bằng những phương thế của đời sống vâng phục, họ quyết tâm thực sự để được biến đổi hầu trở nên giống Đức Kitô, Đấng nhờ sự vâng phục của mình đã cứu chuộc nhân loại và thánh hóa họ. Nhờ tuân giữ lời khuyên về đức vâng phục, họ ước muốn tìm kiếm vai trò của mình trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô cũng như trong những phương thế để thánh hóa chính mình. Đây là cách mà trong Tin Mừng Đức Giêsu nhiều lần nói về việc không ngừng tìm kiếm và chu toàn thánh ý Thiên Chúa.[2]

2. Chúng ta hãy vâng phục như Đức Giêsu, Đấng luôn phục tùng thánh ý Chúa Cha

Đức Giêsu là khuôn mẫu của chúng ta. Vâng, đức vâng phục của Tin Mừng mà chúng ta tuyên tín dựa theo gương mẫu của Đức Giêsu và sự vâng phục của Người trở nên nguồn động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống lời khấn này. Chúng ta hãy suy gẫm những lời sau đây của Đức Gioan Phaolô II:

Qua lời khấn vâng phục, những người thánh hiến với lòng khiêm nhường, quyết tâm bắt chước sự vâng phục của Đấng Cứu Độ theo một cách thế đặc biệt. Trong mọi bậc sống, phục tùng thánh ý Thiên Chúa và vâng theo luật lệ của Người là điều kiện để sống đời Kitô hữu. Tuy nhiên, anh chị em thân mến, “đời sống tu trì”, “bậc sống trọn hảo”, lời khấn vâng phục đặt trong thâm tâm mỗi người bổn phận quy chiếu đặc biệt về Đức Kitô, Đấng “vâng phục cho đến chết.” Từ sự vâng phục của Đức Kitô thiết lập những nhân tố trọng tâm của công trình cứu độ… Vì thế, trong việc thực hành lời khuyên Tin Mừng về đức vâng phục, anh chị em phải nhận thức khoảnh khắc đặc biệt trong đó “nhiệm cục cứu độ” tràn ngập toàn bộ ơn gọi trong Giáo Hội. Từ đó phát xuất việc “sẵn sàng hoàn toàn cho Chúa Thánh Thần”, Đấng luôn hoạt động trong Giáo hội.[3] 

3. Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Thánh ý Thiên Chúa được mặc khải dưới nhiều cách khác nhau. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn là điều cần thiết hầu chúng ta hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình và làm thế nào để kế hoạch của Người trở nên hiện thực. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh điểm này khi nói về sự vâng phục của các linh mục:

Trong những nhân đức cần thiết hơn cả cho tác vụ linh mục, phải kể đến thái độ luôn sẵn sàng hành động không phải theo ý riêng nhưng theo ý Đấng đã sai mình. Thật vậy, các linh mục đã được Chúa Thánh Thần tuyển chọn để thực thi một phận vụ thánh thiêng vượt quá mọi năng lực và khôn ngoan nhân loại; quả thật, “Thiên Chúa đã chọn những yếu kém trong thế gian để hạ nhục những gì là hùng mạnh” (1 Cr 1,27). Vì thế, thừa tác viên đích thực của Đức Kitô, bởi ý thức mình hèn kém, nên luôn khiêm tốn hành động trong ý hướng tìm kiếm những điều đẹp lòng Thiên Chúa, và như bị Thánh Thần trói buộc, ngài hoàn toàn tuân theo thánh ý của Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi; ngài có thể khám phá và thi hành thánh ý Chúa trong công việc hằng ngày, khi khiêm tốn phục vụ tất cả những người được Thiên Chúa ủy thác cho ngài, trong phận vụ đã lãnh nhận cũng như qua những biến cố trong đời.[4] 

*** Tôi có nhận ra giá trị của đức vâng phục khi đưa ra quyết định cho một kế hoạch không?

*** Khi gặp khó khăn để vâng phục, tôi có dừng lại và suy gẫm về sự vâng phục của Chúa Giêsu không?

*** Tôi có mặc lấy thái độ của Chúa Giêsu trước nhà cầm quyền không?

*** Tôi có dành thì giờ để lắng nghe tiếng Chúa nói trong những biến cố xảy ra hằng ngày không?

Cầu nguyện

Lạy Đấng Cứu Độ, dù ăn hay uống hoặc ước muốn gì, Ngài luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong thân phận nghĩa tử, chúng con phó dâng bản thân vào tay Chúa, với ước vọng bắt chước đời sống của Ngài. Xin ban cho chúng con ân sủng, để chúng con không cậy vào sức riêng mình, mà cầu xin Chúa thêm sức cho chúng con. Như thế, chúng con mạnh dạn dâng lời ngợi ca và hân hoan dấn bước theo Ngài. Nếu điều đó làm vui lòng Chúa, thì lạy Chúa, xin ban tinh thần đó cho Tu Hội để chúng con nỗ lực hầu trở nên ngoan ngoãn hơn trong mắt Chúa. Chỉ như thế Tu Hội Nhỏ Bé này mới sống được như Chúa muốn, và như thánh Phaolô, chúng con có thể nói “không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen


[1] Common Rule – Luật Chung, chương v, điều 1.

[2] Redemptionis Donum – Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, ngày 25 tháng 3 năm 1985, số 13.

[3] Ibid, số 13.

[4] Presbyterorum Ordinis – Sắc lệnh về Linh mục, ngày 7 tháng 12 năm 1965, số 15.