044. Vâng phục cách có trách nhiệm

0
887

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em. (Hr 13,17)

Lưu ý đến những lời dạy của thánh Vinh Sơn, và trong tinh thần đồng trách nhiệm, các thành viên cần phải cố gắng vâng phục các bề trên cách mau mắn, vui vẻ và kiên trì, trong khả năng có thể. Dưới ánh sáng đức tin, các thành viên cần phải nỗ lực vâng phục những quyết định của các Bề trên, ngay cả khi họ nghĩ rằng ý kiến của cá nhân họ là hay hơn. (HP 37, 2)

Trách nhiệm nặng nề nhất của các bề trên hệ tại ở cung cách lãnh đạo và đường hướng mà các ngài đòi hỏi về sự vâng phục. Theo đó, các bề trên phải làm sao cho sự vâng phục được thuận tiện tuân giữ cách tích cực và có trách nhiệm, vì kiểu vâng phục này chỉ dành cho ai đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Vì thế, vấn đề không phải là tuân lệnh, nhưng là làm sao cho một người biết vâng nghe – sự vâng phục của chúng ta phải như một lời đáp trả và là dấu chứng minh nhiên về việc chúng ta hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, đồng thời biểu hiện lòng biết ơn với những ai Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài.

1. Các bề trên là đại diện của Thiên Chúa

Khi nói về các bề trên, chúng ta không ám chỉ về một kiểu vinh dự nào đó, nhưng là về một trách nghiệm nặng nề. Thực vậy, nếu ai muốn xem đó là một vinh dự, thì sẽ là như thế chỉ vì bề trên biểu lộ sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn, nghĩa là bề trên mạc khải lời và thánh ý của Thiên Chúa.

Các bề trên sẽ phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình (Dt 13,17), vì thế hãy mau mắn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận, và hãy thực thi quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em, để phản ánh tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho mọi người. Các ngài hãy lãnh đạo những kẻ thuộc quyền như đang hướng dẫn những con người của Thiên Chúa, tôn trọng họ như những nhân vị và khích lệ họ thể hiện tinh thần vâng phục tự nguyện… Vì thế, các bề trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác vì lợi ích của Hội dòng và của Giáo hội, tuy nhiên vẫn phải bảo toàn thẩm quyền quyết định và điều hành các công tác đã hoạch định.[1]

2. Vâng phục trong tinh thần tin tưởng và bác ái

“Vâng phục là yêu thương”, điều này sẽ trở nên hiện thực nếu sự vâng phục của ta là một ân huệ và được đặt nền trên lòng tin. Chúng ta đón nhận điều bề trên đòi hỏi vì qua các ngài chúng ta gặp Chúa, và Chúa ở trong các ngài. Trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn cũng nhắc tới điều này.[2]

Các tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị bề trên đại diện Thiên Chúa, và để các ngài hướng dẫn trong việc phục vụ tất cả những người anh em trong Chúa Kitô, như chính Người, vì tuân phục Chúa Cha, đã phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người… Vì thế, các tu sĩ hãy khiêm tốn vâng phục bề trên của mình theo tiêu chuẩn kỷ luật và hiến chương, trong niềm kính tin và lòng yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như những khả năng và ân sủng Chúa ban để thi hành các huấn lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác, với ý thức mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa.[3]

3. Thánh Vinh Sơn khao khát đức vâng phục

Trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn muốn các nhà truyền giáo phân định về đức vâng phục:

1. Vâng phục mọi quyền bính cách trung tín.[4]

2. Vâng phục Đức Giáo Hoàng cách trung kiên và chân thành.[5]

3. Vâng phục các Giám mục Giáo phận nơi chúng ta mục vụ cách khiêm nhường và kiên định.[6]

4. Vâng phục Bề trên Tổng quyền cách mau mắn, quảng đại và bền bỉ – đôi khi mù quáng.[7] Chúng ta cũng được mời gọi cư xử như thế với các bề trên khác trong Tu Hội, như bề trên địa phương, các cha kinh lý hay những người thuộc quyền.[8] 

5. Kiên tâm vâng phục như thế[9] sẽ đưa nhà truyền giáo tới ý hướng không xin gì, cũng chẳng từ chối chi.[10] 

*** Làm thể nào để tôi cảm thông với vai trò của các bề trên?

*** Động cơ nào thúc đẩy tôi phê bình hay công kích các bề trên?

*** Kinh nghiệm về sự vâng lời của tôi là gì?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Đấng đã thực thi lời hứa vâng phục từ muôn thuở, xin ban ân sủng giúp chúng con cũng làm như Chúa! Vâng, xin ban ân sủng để chúng con tuân theo quy luật và các chỉ dẫn của bề trên khi các ngài nói cho chúng con ý muốn ngài. Các Giáo phụ còn đi xa hơn khi dạy chúng con phải tuân theo cả những ý hướng của các ngài nữa. Trên hết, lạy Chúa, nếu đẹp lòng Ngài, xin ban ân sủng cho chúng con thi hành cách đúng đắn đức vâng phục mà chúng con đã khấn hứa và dấn thân cho những cảm thức sâu sắc của nhân đức này. Hạ mình trước quyền uy vô biên của Chúa, chúng con liên lỉ cầu xin Ngài ban cho chúng con nhân đức này, ngõ hầu nhờ các ân sủng lớn lao, chúng con có thể vươn tới nhân đức này. Lạy Chúa, Tu Hội Truyền Giáo sẽ là gì, nếu không vâng phục Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục, các cha xứ và các bề trên. Phúc biết bao khi chúng con vâng phục các ngài. Xin Chúa ban cho chúng con ân sủng này nhờ Đức Giêsu Kitô, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[11]


[1] Perfectae Caritatis – Sắc lệnh về Đời sống tu trì, ngày 28 tháng 10 năm 1965, số 14.

[2] Common Rule – Luật chung, chương v, số 1.

[3] Perfectae Caritatis – Sắc lệnh về Đời sống tu trì, ngày 28 tháng 10 năm 1965, số 73.

[4] Common Rule – Luật chung, chương v, số 1.

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Common Rule – Luật chung, chương v, số 2.

[8] Common Rule – Luật chung, chương v, số 3.

[9] “On Indifference” – “Sự lãnh đạm”, ngày 16 tháng 5 năm 1659, O.C., xi, số 526.

[10] Common Rule – Luật chung, chương v, số 4.

[11] “On Obedience” – “Đức Vâng Phục”, ngày 19 tháng 12 năm 1659, O.C., xi, số 694.