050. Khiêm nhường trong lòng

Đăng ngày: 09/03/2021
Danh mục: LINH ĐẠO

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.

MT 11,28-30

Ngoài ra, Tu hội còn tìm cách thể hiện tinh thần của mình qua năm nhân đức, được kín múc từ việc chiêm ngắm Đức Kitô cách đặc biệt, đó là: đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành đối với các linh hồn. Khi bàn về năm nhân đức này, thánh Vinh Sơn đã nói: “Tu hội cần chú tâm đặc biệt trau dồi và sống năm nhân đức này, để chúng trở thành như những năng lực linh hồn của toàn thể Tu hội, và tất cả những gì mỗi người chúng ta làm luôn luôn được linh hoạt bởi năm nhân đức này” (LC. II,14).

Hp 7

Thánh Vinh Sơn đã thực thi đức khiêm nhường một cách nghiêm túc và ngài cũng luôn luôn nói về nhân đức này. Dường như ngài rất thích thú với việc hạ nhục bản thân và nói chuyện về sự khiêm nhường. Tuy nhiên, ngài nhận ra rằng người ta ưa thích nói về đức khiêm nhường nhưng khi tới lúc cần phải khiêm nhường thì chẳng ai hứng thú cả. Theo thánh Vinh Sơn, khiêm nhường là cội nguồn của mọi ân sủng, là nền móng của sự trọn lành, là suối nguồn của bác ái, bình an, hiệp nhất, khoan dung và tín thác.

1. Thập Giá, tượng đài bất hủ về sự khiêm nhường

Thánh Vinh Sơn đã suy ngẫm về sự khiêm nhường của Đức Giêsu và thấy đó là một nhân đức liên hệ đến toàn bộ cuộc đời của Chúa chúng ta. Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta thập giá như tượng đài bất hủ về sự khiêm nhường của Người:

Hỡi anh em, cuộc đời của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là một chuỗi những hành động khiêm nhường? Đó là một tình trạng hạ nhục liên lỉ, chủ động cũng như thụ động. Người yêu mến đức khiêm nhường đến nỗi không bao giờ bỏ thực hành đức ấy khi Người còn ở thế gian. Người không chỉ yêu mến đức khiêm nhường trong suốt cuộc đời mà ngay cả sau cái chết đau đớn, Người còn để lại một tượng đài bất hủ về đức khiêm nhường siêu phàm của Người nơi Thập giá, tại đó, Người xuất hiện như một kẻ tử tội bị kết án treo nhục nhã. Người muốn Giáo Hội phải để Người trước mắt chúng ta trong tình trạng chết ô nhục vì chúng ta. Ý muốn của Người là vị cứu tinh của chúng ta phải được đặt trước chúng ta như một kẻ tội lỗi; Đấng là chủ tể sự sống phải chịu cái chết nhục nhã và xấu hổ. Ôi, Lạy Chúa Cứu Thế, nhân đức này thật đáng yêu làm sao! Vì sao Người lại nộp mình để chịu những nỗi nhục nhằn tột cùng ấy? Ôi, chính là vì Người biết sự tuyệt vời của nhân đức này, cũng như sự xấu xa của tội chống lại nhân đức ấy – một sự xấu xa không chỉ làm làm gia tăng các tội lỗi khác, mà còn làm hư hỏng mọi công trình tốt cũng như xấu, thậm chí cả những công trình thánh thiện nhất.[1]

2. Nhờ có đức khiêm nhường, chúng ta sẽ có được mọi điều thiện hảo khác

Trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn đã cho thấy con đường của đức khiêm nhường và ba đặc trưng mà nhân đức này đòi buộc các nhà truyền giáo:

Chúng ta cũng cần nhớ rằng: đức khiêm nhường là con đường dẫn đến Nước Trời. Việc chúng ta điềm tĩnh chấp nhận bị sỉ nhục sẽ nâng chúng ta lên, sẽ dẫn dắt chúng ta từng bước một đi từ nhân đức này đến nhân đức khác, cho đến khi chúng ta đạt tới Thiên đàng.[2]

Khiêm nhường là nhân đức mà Đức Kitô thường xuyên khuyên bảo chúng ta bằng lời nói và gương sáng, và Tu hội cần phải nỗ lực hết sức mình để thủ đắc nhân đức này. Nhân đức này bao gồm ba điều:

(1) chúng ta phải thành thật nhìn nhận mình xứng đáng bị khinh bỉ;

(2) phải vui vẻ khi những người khác biết được những khuyết điểm của chúng ta và khinh bỉ chúng ta;

(3) cố gắng che giấu điều tốt lành mà Thiên Chúa thực hiện qua chúng ta hoặc trong chúng ta, bởi vì sự bất xứng của bản thân chúng ta. Và nếu không thể che giấu được, thì chúng ta hãy hoàn toàn quy hướng về lòng nhân lành của Thiên Chúa và công trạng của những người khác. Và đây chính là nền tảng của sự trọn lành theo Tin Mừng, và là mối dây liên kết toàn bộ đời sống thiêng liêng. Nếu ai có được nhân đức khiêm nhường này, thì sẽ dễ dàng có được những điều thiện hảo khác. Còn nếu ai không có, thì người đó đánh mất tất cả những điều thiện hảo mà người đó đã có, và sẽ luôn luôn sống trong sự lo âu và phiền muộn.[3]

3. Khiêm nhường là nét đặc trưng của Tu Hội Truyền Giáo

Thánh Vinh Sơn không chỉ muốn các nhà truyền giáo khiêm nhường một cách thành thật và hết mức mà ngài còn muốn chính Tu Hội cũng phải sống cùng một đường lối ấy. Thực vậy, khiêm nhường là đặc trưng của Tu Hội Truyền Giáo, là dấu hiệu của các nhà truyền giáo:

Các Tông đồ đã đưa ra tín điều: ‘Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha’… không chỉ nhằm mục đích gìn giữ sự hợp nhất trong đức tin, mà còn để phân biệt các Kitô hữu với người Do Thái và các dân ngoại; ngõ hầu khi có ai hỏi ‘Bạn là ai’ thì câu trả lời họ nhận được là ‘Tôi tin Thiên Chúa, tôi tin Đức Giêsu Kitô’. Nếu chúng ta lấy đức khiêm nhường làm đặc trưng để phân biệt và sống nhân đức ấy tới mức khiến chúng ta thực sự khác biệt với các Kitô hữu và các linh mục khác, thì đâu là phần thưởng lớn lao dành cho chúng ta? Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm để khi được hỏi về tình trạng đời sống của mình, chúng ta có thể trả lời rằng: ‘Chính là sự khiêm nhường’. Hãy để điều ấy là nhân đức đặc trưng của chúng ta. Nếu được hỏi: ‘Ai đi đó?’ thì hãy để cho khẩu lệnh của chúng ta là ‘khiêm nhường’.[4]

*** Thánh Vinh Sơn đã nói, mà thực ra đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta, rằng khiêm nhường không ngăn trở sự hào phóng cho đi những gì mình có: Vậy, đức khiêm nhường có ngăn cản tôi phát huy những tài năng Chúa ban không? Công việc và thắng lợi của tôi có gây cản trở cho tôi trong việc thực thi đức khiêm nhường không?

*** Hình thức khiêm nhường nào đáng thuyết phục nhất mà tôi gặp thấy trong hoàn cảnh sống của mình?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Đấng cứu chuộc các linh hồn, xin đổ tràn trên chúng con tâm tình khiêm nhu của Chúa là tâm tình khiến Người ưa thích bị nhục mạ hơn được tán dương ca ngợi; xin đổ đầy trên chúng con tâm tình đã làm cho Người nhìn thấy vinh quang của Chúa Cha. Ước chi ngay từ lúc này, chúng con bắt đầu loại bỏ những gì không làm cho Người được vinh quang và không làm cho chúng con phải nhục nhã; ước chi từ nay chúng con biết cố gắng thực thi những hành vi khiêm nhường đích thật; ước chi từ nay về sau, chúng con từ bỏ việc tán dương người khác; ước chi chúng con từ bỏ việc theo đuổi hão huyền vô ích các thành công của mình, và sau hết, nhờ ân sủng và gương sáng của Người, ước chi chúng con học được đức khiêm nhường thực sự trong lòng. Chúng con cầu xin Người là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Về Đức Khiêm Nhường, 18/4/1659, O.C., XI, 485-486.

[2] Luật Chung II,6

[3] Luật Chung II,7

[4] Về Đức Khiêm Nhường, 18/4/1659, O.C., XI, 491.